Tính ra tôi, Thành
về ở với Trọng, chị Yến đã hơn tháng rồi tiền nhà thì chúng tôi hùn nhau để trả,
mỗi tuần phải trả 20 đô tính theo đầu người. Tiền điện, tiền nước lố khi nào có
hóa đơn về thì góp tiền đi đóng. Thức ăn thì hùn tiền để mua, khi nào hết thì đóng
góp phần sau. Chị Yến lo việc nấu nướng, chúng tôi thì phụ cùng nhau dọn dẹp. Khi
nào chị Yến mệt mỏi thì chúng tôi phụ nhiều hơn vì chị đang có bầu. Tôi, Thành
vẫn còn đi học Anh Văn trong trung tâm Pennington. Thường thì chỉ học một buổi,
còn một buổi về nhà lo công việc ở nhà hay đi những công chuyện mình cần làm.
Thỉnh thoảng thì Trí, Mai hoặc Huynh chở vợ con đến chơi. Ông Hoài, bà Sa thì
thường là cuối tuần vì họ làm trong hãng làm mâm xe hơi gần khu nhà chúng tôi đang
ở.
Trời mùa Đông lúc
nầy lại lạnh nhiều hơn, công việc “farm” trên núi ít đi. Trọng, Huynh, Trí nghĩ
thường xuyên, cho nên thường tới chơi, hay xem phim tập Hồng Kông được chuyển âm
sang tiếng Việt, vì từ khi dời về đây Trọng đã mua được truyền hình, đầu máy
cassette. Trọng biết về máy móc, truyền hình do khi Trọng học ở Trường Bưu Điện
thì cũng đã có học, sau 75 lại làm nghề sửa radio, truyền hình, cassette. Trọng
vừa vui tính, vừa biết về máy móc, nên bạn bè làm chung cũng thích giao tiếp; đôi
khi họ muốn nhờ Trọng hướng dẫn hay coi dùm để họ mua truyền hình, dàn máy, hay
cassette. Chính nhờ đó mà tôi quen nhiều người chứ thực sự về ngoại giao, giao
tế tôi rất dở!
Một hôm, khi Trọng
đi làm về, nó nói: “Ê Thạch, làm farm vào mùa Đông nầy chăm quá, mà công việc
thì không có bao nhiêu, một ngày làm ba bốn ngày nghỉ thì đâu có được bao nhiêu.
Bữa nay Ba Anh nói với tao, theo kinh nghiệm thì nó thấy có thợ hàn là dễ xin
việc hơn. Nếu biết hàn mà biết lái “forklift” thì lại càng dễ xin việc hơn nữa.
Để tao coi chỗ nào có thể học hàn được, tao rủ mầy đi”. Nghe nó nói tôi cũng “ừ”,
mặc dù tôi chẳng biết gì về hàn cả, còn nó thì đã biết hàn chì, hàn các mạch
trong các bộ phận điện tử rồi. Thôi thì tôi nương vào nó, đi với nó cho vui. Biết
thêm một nghề cũng tốt!
Buổi sáng nọ, trên
đường đi học, tôi thấy có hai vợ chồng ông Úc già dẫn nhau đi trên đường giữa
trời Đông lạnh lẽo. Tôi thắc mắc: “Trời lạnh như thế nầy, sao mấy ông già, bà
già không ngủ, hay ở nhà cho khoẻ mà lại dẫn nhau đi chi thế nầy”! Họ đi đón xe
buýt, ông thì đi khom khom với cái lưng hơi còng, bà thì đi kế bên tay xỏ vô
tay ông cùng đi. Mà ngộ thiệt, mấy ông bà già bên nây sửa soạn, chải chuốt quá.
Bà thì diện đồ đẹp, nếu nhìn từ phía sau tới thì có thể tưởng lầm họ còn trẻ. Ông
thì áo bỏ vào quần rất tươm tất, râu cạo sạch sẽ. Lúc ấy tôi mới nhớ lại: Đàn ông
bên xứ mình lúc thanh niên thì diện quần áo bảnh bao, râu tóc gọn gàng, già thì
họ để râu, chứng tỏ mình già. Còn bên nây thì ngược lại: Trẻ thì muốn chứng tỏ
mình bụi đời, lại để râu tùy theo ý thích, ăn mặc thì theo thời thượng, nhưng về
già thì họ lại chưng diện, quần áo bảnh bao, râu tóc gọn gàng, nhẵn nhụi. Nhưng
không phải chỉ hai ông bà ấy thôi, mà có mấy bà đang ngồì đợi xe buýt ở đằng trạm
nữa. Họ nói chuyện mà ra khói vì trời quá lạnh nên hơi thở vừa ra khỏi miệng đã
thành khói, thành hơi nước. Rồi xong buổi học tôi kể chuyện cho cả nhà nghe, Trọng
nói: Chắc ở nhà họ buồn nên ra đón xe buýt đi tới trung tâm thương mại chơi đó,
ra đó gặp bạn bè không vui hơn sao; xong ăn uống rồi về. Mùa Đông khi tới shop
thì họ không trả tiền điện cho lò sưởi, mùa Hè thì họ không tốn tiền máy lạnh, “nhứt
cử lưỡng tiện” đó mà! Tôi nghĩ ra điều giải thích của Trọng có lý, rồi tôi lại bỗng
dưng nhớ đến câu thơ của Tố Hữu ca tụng về cái Xã Hội Chủ Nghĩa: “Sữa để em thơ,
lụa tặng già”, Tố Hữu làm câu thơ ấy khi tôi đọc tôi cũng tưởng là nó tốt đẹp, ưu
ái đến trẻ con và người già lắm, nhưng khi đến xứ Úc nầy tôi đã thấy khi đứa bé
ra đời đã được chính phủ trợ cấp cho tiền mua sữa, nuôi nấng; già thì được trợ
cấp tiền già, với số tiền ấy người ta mua biết bao là hộp sữa, và người già thừa
mua lụa để mặc mà đâu cần đến chế độ, hệ thống tổ chức của Xã Hội Chủ Nghĩa đâu?
Có một lần tôi cùng mấy người trong trường đến phòng Thương Nghiệp để mua hàng cho
trường, trong thời gian ấy có loại vải về tương đối coi là được. Có một ông khách
cứ nói với mấy cô bán trong thương nghiệp: “Vải nầy coi được à tụi bây, thôi tụi
bây để cho tao vài mét để may cái quần coi”! Mấy cô bán hàng cứ nói: “Không được!
Vải nầy bán theo tiêu chuẩn”. Không biết ông khách ấy nói chơi hay nói thật, hồi
lâu thấy không được, ông ấy mới nói: “Xếp tụi bây còn ngán tao, mà tụi bây không
ngán tao hen”! Nghe câu ấy tôi tức cười mà cố nén lại, rồi tôi buột miệng: “Xếp
mấy cổ mới biết ông là ai thì mới ngán ông, chứ mấy cổ có biết ông là ai đâu mà
mấy cổ ngán”! Ông ấy nghe tôi nói, liền quay lại tính cự tôi, nhưng không hiểu
thế nào, ông ấy khựng lại, rồi nói: “Ừ hén, xếp mấy cổ mới biết mình là ai, chứ
mấy cổ đâu có biết mình là ai mà ngán”! Thực ra, khi vào tới quầy của phòng Thương
Nghiệp tôi đã ngờ ngợ ông khách ấy rồi, tôi nghĩ không lẽ ông nầy là Thường Vụ
Huyện Ủy của huyện vì có lần ông đứng trên bục giảng để giảng trong lớp học Chính
Trị Hè của toàn giáo viên trong huyện. Bây giờ, ở trên đất Úc tôi mới thấy, đâu
cần phải theo cái “Tổ chức theo cơ chế chính quyền Xã Hội Chủ Nghĩa” người già
và trẻ thơ mới được ưu đãi đâu, mà ở trong chế độ Tư Bản nầy người già, trẻ thơ,
kể cả những cha mẹ đơn thân hay tàn tật đều được ưu đãi, săn sóc gắp trăm lần
theo cái điều mà Tố Hữu đã viết! Tôi lại nghĩ không lẽ chế độ Cộng Sản đã lỗi
thời rồi chăng? Từ đó tôi lại càng để ý về cái hệ thống tổ chức ở xứ Úc nầy hơn
nữa để xem: “Tại sao nơi nầy người ta không cần theo chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa
hay là Cộng Sản mà người ta lại tổ chức được những điều mà người Cộng Sản mơ ước
cho một cái xã hội trong tương lai. Người ta đâu phải cần đến sự “Trấn áp bằng
bạo lực của một Nhà Nước Chuyên Chính Vô Sản” để ép người dân vào một khung cảnh
nghèo đói, khó khăn, mất nhiều quyền tự do của con người khiến lúc nào người dân
luôn ngầm có sự chống đối, phản kháng để Nhà Nước lâm vào nhiều cảnh khó khăn mà
đối phó”. Tôi đã nhìn thấy sự thoải mái của một chế độ trên xứ Úc, nơi mà người
dân muốn đi đâu thì đi không cần phải xin phép, muốn làm gì thì làm, hay nói gì
thì nói miễn là đừng phạm pháp hay làm phiền đến người khác; già thì được cấp
tiền già, trẻ con sinh ra được nhà nước trợ cấp nuôi nấng, người tàn tật neo đơn
được ưu đãi săn sóc. Ai bệnh thì được vào nhà thương có nhà nước trả tiền cho mình
mà bác sĩ, y tá rất là nhiệt tình, sốt sắng chăm sóc không phải hối lộ, lo lót,
không bị hoạnh hoẹ; đi khám bệnh không phải tốn tiền, mua thuốc được giảm giá;
còn ở trường học thì học sinh không phải tốn tiền nếu học ở trường công, và
sinh viên ở Đại học thì được chính phủ cho mượn tiền để đi học cho đến khi ra
trường đi làm mới trả lại từ từ, quan trọng hơn là không phải hối lộ cho quan
chức hay “nhét” tiền “bo” cho họ họ mới làm. Trái lại mọi người được phục vụ rất
nhiệt tình, vui vẻ… và còn rất nhiều điều khác nữa. Nhìn thấy mọi sự như thế, tôi
mới thấy mình thật sự may mắn khi được Chính phủ cũng như người dân Úc đã cho tôi
đến nơi nầy để dung thân, sinh sống và “chọn nơi nầy làm quê hương”! Rồi tôi lại
nhớ đến quê hương mình “Chế độ gì nói là của người dân mà người dân lại bị nhiều
áp bức, ngột ngạt nhiều đến như thế”, ai biết cho chăng?
Đến lúc nầy, tôi
thấy rõ tôi đã học ở Trọng được nhiều vấn đề. Nếu không có Trọng tôi phải tốn rất
nhiều thời gian để thích ứng vào đời sống ở Úc nầy mà trong đó có cả vấn đề đi
thi lấy bằng L của việc học lái xe trong tương lai. Những lúc rảnh rang Trọng
chở chúng tôi đi cùng từ đi “shop” cho đến việc đi thăm bạn bè dù là của Trọng,
từ đó tôi lại quen thêm được nhiều người khiến cuộc sống của mình tương đối được
dễ dàng hơn. Rồi một chiều, Trọng cho hay là nó đã tới đằng “Park” để hỏi khoá
học hàn căn bản, lớp học vào buổi chiều, thuận lợi giờ giấc cho cả nó và tôi. Tới
tuần sau là bắt đầu.
Ban ngày tôi đi tới
lớp học Anh Văn, đường đi khoảng chừng cây số bằng khoảng mà tôi, Kim, Liêm đã đi
từ căn “flat” đi ra đến trạm xe buýt ở đường Hanson, nên cũng tiện. Ngoài giờ về
nhà làm vài công việc chung ở nhà, rồi cùng nhau ăn uống nghỉ ngơi, tối thì
quay quần coi phim hay truyền hình. Hồi nào Trọng “nổi hứng” thì nó kêu ra xe
chở đi chỗ nầy hay chỗ kia chơi. Nhưng cái chuyện quan trọng nhất đối với tôi vẫn
là chuyện cố gắng học tiếng Anh, để sau nầy có tách ra thì tôi vẫn đủ tự tin tiếp
xúc với bên ngoài trong cuộc sống trên xứ người; ngoài ra tôi sẽ phải tự lo cho
chính gia đình khi mà vợ con tôi được phép đến xứ Úc nầy! Chuyện học Tiếng Anh
trong khóa nầy tôi thấy tôi có nhiều tiến bộ, nghe cũng đỡ hơn khóa trước khá
nhiều, từ ngữ thì dần dà cũng phong phú hơn. Tôi nghĩ chắc là từ ngày tôi “nói
chuyện quá chừng” với cô Helena mà bây giờ tôi được “lột lưỡi” như kéc hay nhồng
đi chăng? Rồi lại được ở chung với Trọng nên có những chữ nào trên truyền hình
mà tôi nghe không nỗi nên hỏi nó, hoặc những từ nào tôi thắc mắc không biết thì
nhờ nó giúp hoặc cùng nhau hội ý để hiểu rõ hơn. Còn nếu không thì hôm nào Bob,
Joeff đến chơi thì hỏi mấy người đó. Có một lần tôi, Kim, Liêm, Báu, Kiệt, Thành,
Trọng kéo nhau xuống nhà Bob ở gần biển để phụ giúp Bob dọn dẹp lại nhà cửa. Bob
nói đó là nhà của ba ông ta, không biết ông ấy làm gì mà trên kệ có khá nhiều sách
cũng đã cũ rồi, dọn dẹp nhưng chúng tôi cũng không hề xem đến quyển sách nào, bởi
vì chúng tôi không đủ trình độ Tiếng Anh để mà xem! Riêng Joeff thì thường hay
nói chuyện với tôi hơn. Tôi cũng ráng vận dụng vốn Tiếng Anh của mình để diễn đạt
trong các câu hội thoại. Tôi biết rằng mình nói có nhiều lúc không đúng với kết
cấu câu hay văn phạm, nhưng tôi nhớ đến điều mà mấy cô Helena, Sally đã nói là
mình đừng quá chú trọng đến văn phạm mà cứ học theo những câu mẫu để đối đáp, rồi
lần lần mình sẽ chỉnh sửa về sau. Thế là từ đó tôi cứ “phang đại”, nghĩ sao thì
nói như thế đấy. Vậy mà tôi cũng làm cho Joeff hiểu được nhiều vấn đề! Tôi thấy
Joeff thường hay hỏi về vấn đề xã hội của Việt Nam trong chế độ Cộng Sản sau ngày
giải phóng. Nhận xét, quan sát của tôi được bao nhiêu thì kể lại bao nhiêu với
vốn ngôn ngữ của tôi đang có. Lắm lúc tôi “bí” không thể diễn tả được thì tôi
nhờ Trọng giải thích, diễn đạt thêm dùm.
Một buổi trưa khi
đi học về Trọng đưa cho tôi lá thư, thì ra đó là thư của vợ tôi gởi qua hộp thư
của Trọng. Trong bao thư có cả thư của ba má tôi nữa. Thư cho biết là đã nhận được
thùng quà rồi và cho biết tình hình bên nhà cùng sức khỏe. Vợ tôi vẫn còn được
cho đi dạy không bị đuổi nhưng cũng có nhiều khó khăn, dù vậy được đi dạy cũng
có điều vui, mấy con tôi bị giới hạn ở Đội Thiếu Nhi, chúng hơi buồn. Tôi biết
rõ điều ấy, nhưng tất cả đều không có gì là quá thì tốt rồi. Tôi đỡ lo hơn vì bước
đầu ít ra tôi đã giúp được cho gia đình trong những cơn túng quẫn.
Nguyên Thảo,
30/04/2020.