Saturday, May 2, 2020

*Đi Nga. (8)



Theo lịch trình thì sáng nay chúng tôi sẽ khởi hành đi thăm viếng nhiều nơi trong thành phố, nhưng vì ngày hôm qua mới đến Saint Peterbourg rồi lại đi cả ngày nên ai cũng mệt mỏi cho nên thời gian khởi hành sẽ là 9 giờ sáng để mọi người được thơi thả hơn. Tuy thế, chúng tôi cũng phải tính đến thời gian mà sắp xếp giữa thức dậy đi ăn sáng và chuẩn bị. Có người chuẩn bị tức là thức dậy vệ sinh, soạn đồ đạc trước rồi mới đi ăn sáng, sau đó thì họ ra xe di chuyển đi luôn. Có người thì đi ăn trước rồi mới trở về phòng lo chuẩn bị để xuống xe đi. Nhưng chúng tôi (đoàn Adelaide) đa số chọn đường thức dậy sớm làm mọi việc vệ sinh, chuẩn bị đồ đạc xong mới đi ăn sáng, rồi trở lên phòng đi vệ sinh, nếu cần, và lấy đồ đạc xuống xe cho cuộc hành trình thì tiện hơn vì với thời gian dài mình không phải bị động trong vấn đề vệ sinh.
Xe khởi hành từ lúc 9 giờ sáng, chỉ cần đánh vòng đi ngược lại một cái bùng binh rộng với những cột cao của cái cổng lớn trang trí giữa bùng binh thì là đường trở về city thành phố. Từ đó xe buýt cứ hướng tới trung tâm. Chỉ hơn 15 phút sau thì xe chạy ngang qua tượng Tưởng niệm Hoàng Đế Nicholas I, nhưng tượng hình như đang được sửa sang như thế nào đó mà được bao vòng kín bằng những hàng rào với hình nhà vua đang cưỡi ngựa lớn in trên tấm bạt căng che tượng thật bên trong. Cũng như những người Hướng Dẫn khác khi đi  tours trong thành phố thì khi đến những nơi nào đó, cô Hướng Dẫn vẫn thuyết minh cho chúng tôi là đang đến nơi nào hay những tòa nhà gì, nhưng có lẽ do tiếng Anh của mình không khá lắm hoặc lo nhìn ngoại cảnh bên ngoài, hoặc do lo chụp hình quay phim nên cũng ít ai chú trọng vào cái nghe. Xe chạy dọc theo con đường bên bìa sông nên mọi người vừa nhìn cảnh được bên kia sông với những cầu hay du thuyền, tàu bè trên sông. Trời nhiều mây khiến bầu trời khá u ám lẫn mưa nhỏ, rồi với gió mặt nước sông sóng gợn lô nhô nhìn cảnh thật là nên thơ. Trên đường đi có nhiều công viên và những tượng đài tưởng niệm của các nhân vật nổi tiếng nào đó của Nga hay của Thành phố, nhưng thú thực tôi chẳng hiểu nhiều về lịch sử nước Nga nên chẳng biết những người đó là ai và chỉ nghe loáng thoáng về sự thuyết minh của cô Hướng Dẫn thôi, vì thế mà chẳng lĩnh hội được nhiều! Vả lại như tôi đã nói ngay từ đầu vì trước khi chuyến đi tôi đã xem vài cái Vlog du lịch rồi, thấy người ta làm Vlog thì hứng thú hơn nhiều, còn mình viết thì không hấp dẫn cho lắm, nên trong chuyến đi nầy tôi không định ghi lại. Do vậy mà cái viết ở đây chỉ là những kỷ niệm dành riêng cho mình, chúng được nằm vào trong cái blog riêng tư như là những gia vị của một đời người mà tôi được trải qua. Tôi cố ghi lại những điều mà tôi ghi nhận, hiểu được cùng những nhận xét lẫn so sánh về cuộc sống nước nầy trong thời Cộng Sản, mà một phần cuộc đời của tôi cũng được “kinh qua” giữa hai chế độ! Tất nhiên là những người Cộng Sản sẽ không thích mấy, vì mục đích của họ chỉ là “muốn đào tạo con người chỉ biết một chiều, cùng nhìn về một hướng” để xây dựng Chủ Nghĩa Xã Hội thôi, dù con đường ấy đưa đến sự đau khổ, túng quẩn, kềm chế con người trên nhiều phương diện, nhưng mọi người “bắt buộc” vẫn phải “lạc quan về con đường Cách Mạng”!
Với thời gian ở Moscow vài ngày qua ít ra tôi cũng nghe, hiểu được một phần nào về cái thực tế của Chủ Nghĩa Xã Hội hay Chủ Nghĩa Cộng Sản được thực hiện trên đất Liên Xô, là nơi được gọi là “Cái Nôi” của chế độ được gọi là “Ưu Việt” ấy. Những năm đầu sau ngày Thống Nhất đất nước 30/ 04/ 1975 tôi cứ nghe người ta nói về “Chủ Nghĩa Ưu Việt” là “Đỉnh Cao Trí Tuệ Của Loài Người” tôi cứ hỏi nhiều người về “Đỉnh Cao Trí Tuệ” ấy? Người thì trả lời là “Những người lãnh đạo, cấp trên” ấy; người thì không biết, nghe người trên nói thì cứ nói như vậy thôi; người thì nói là về lý thuyết: Tức là những sự “mù mờ” được giải thích cũng một cách mù mờ. Ngày hôm qua lẫn hôm nay tôi đang ở trong cái Thành phố mà trước kia được vinh dự mang tên của nhà “thực hiện” cuộc Cách Mạng Vô Sản của Nga vào Tháng Mười Nga năm 1917, và cũng là cuộc Cách Mạng Cộng Sản đầu tiên trên thế giới! Nhà Cách Mạng ấy là Lenin! Trong thời kỳ Cộng Sản nắm chính quyền, thực thi lý thuyết của Marx- Engel thành hiện thực. Thành phố nầy từ nguyên thủy trước kia tên là Saint Peterbourg được đổi sang là Petrograd sau Đệ Nhứt Thế Chiến, rồi đến thời Cộng Sản được gọi là Leningrad, tức là Thành Phố Lenin. Sau khi sụp đổ của chế độ Cộng Sản vào năm 1991, Thành phố nầy được trưng cầu dân ý lấy lại tên ban đầu là Saint Peterbourg! Tuy vậy, cô Hướng Dẫn người Nga cũng hóm hĩnh: Biết đâu về sau Thành phố nầy lại có tên “Putingrad” cũng không chừng! Cô nói xong cô lại cười!
Sau ngày 30/ 04  tôi được “lưu dung” để dạy lại trong chế độ mới. Vì tôi vốn là môn “Sử Địa” thế mà sử lớp chín tôi chẳng hiểu gì hết. Nào là “cách mạng vô sản”, nào là “Xô Viết Nghệ Tĩnh”; thế nào là “Xã Hội Chủ Nghĩa” và sao là “Chủ Nghĩa Xã Hội”... Học trò hỏi thì tôi cũng chẳng biết để trả lời. Thế là tôi phải cố gắng tìm hiểu, tôi phải bỏ ra rất nhiều thì giờ đọc hết cái nầy đến cái khác, sẵn để tìm hiểu về cái chủ nghĩa “mới tinh” nầy! Sau những câu trả lời của nhiều người không thích đáng về “Đỉnh Cao Trí Tuệ Của Loài Người” tôi lại nhớ lại cái mớ lý thuyết “bòng bong” mà tôi tìm hiểu được, tôi nghĩ: “Không lẽ là lý thuyết của Marx đã xây dựng nên là từ Tổng hợp của nhiều tư tưởng của người đi trước thuộc “đỉnh điểm” vào thời ấy được kết hợp lại như: Thuyết Tiến Hóa của Darwin để xây dựng những bước tiến của Xã hội như từ Xã HộI nguyên thủy đến chiếm hữu rồi phong kiến tới Tư Bản để rồi tới xã hội có tổ chức đến Cộng Sản chăng? Từ Biện Chứng Pháp của Hegel cộng với quan niệm Duy Vật của Feuerbach để thành hình Duy Vật Biện Chứng và Duy Vật Sử Quan? Hay từ cuộc Cách Mạng Kỹ Nghệ tiến đến Tư Bản Chủ Nghĩa và Chủ Nghĩa Đế Quốc đi chiếm thuộc địa để mở rộng thị trường cùng kiếm nguồn tài nguyên… Và còn nhiều thứ nữa mà tôi không thể hiểu được vì quá khả năng hiểu biết của tôi. Nhưng tựu chung lại là Karl Marx tổng hợp những tư tưởng hiện có đương thời để tạo nên một lý thuyết mới định hướng trong tương lai. Lý thuyết ấy hấp dẫn cho nhiều người trí thức trong xã hội vì lý tưởng của nó là đem đến hạnh phúc cho tất cả mọi người, cùng với sự công bằng xã hội, không có người áp bức, bốc lột người tiến đến loài người cùng nhau tạo lập một Thiên Đàng nơi hạ giới (trên trái đất nầy). Và tiến xa hơn lý thuyết ấy được Karl Marx cùng Engel kêu gọi biến thành hiện thực trong Bản Tuyên Ngôn Của Đảng Cộng Sản vào năm 1848.
Không biết theo cái kiểu suy luận của tôi có đúng không, chứ đến ngay bây giờ tôi cũng chưa được “cái” tài liệu nào chứng minh cho tôi thấy cái “Đỉnh cao trí tuệ của loài người” ấy là thỏa đáng cả. Nếu nói “Đỉnh cao” là những người lãnh đạo thì nó có đúng không? Có thỏa đáng không? Khi mà thực hiện cơ chế, hay chế độ đó người dân đã phải chịu nghèo đói, đau khổ, bị ép chế trên nhiều phương diện qua cái biện pháp đàn áp bằng “Bạo lực Cách mạng” mà những người lãnh đạo cũng không biết đến thì như vậy họ chẳng là “đỉnh cao trí tuệ” rồi!
Trong khi tôi nhìn khung cảnh bên ngoài mà đầu óc có nhiều miên man thì có tiếng của cô Hướng Dẫn cho biết là mình sẽ xuống xe, rồi cô cho biết mấy giờ mình sẽ trở lại đây, tức là chỗ xe buýt đang đậu. Chúng tôi xuống xe trong cơn mưa nhè nhẹ, gió hơi lành lạnh, mọi người khoát áo mưa hay che dù đi trong mưa đi vào khu nhà thờ mà có đỉnh tháp nhọn cao vút lên trên như là một cây kim màu vàng “gold” sáng chói.
Thánh Đường Saint Peter Và Saint Paul.

Bước qua sân rộng rãi lát gạch, chúng tôi bước vào bên trong của nhà thờ. Khác với những nhà thờ khác mà chúng tôi đã vào ở bên Mạc-Tư-Khoa (Moscow), nhà thờ nầy có những đèn, vật trang trí, hình tượng đều bằng màu vàng gold hay dát vàng tôi chẳng biết, nhưng nhìn qua đã thấy chói lọi cùng ánh đèn sáng của những chùm đèn điện bên trên ngay giữa nhà thờ. Ở đây không có vẽ nhiều tranh tượng ở trên vách hay cây cột, nhưng ở hai bên lại có những gì giống như là những “nấm mộ” để chôn người chết. Mà thật vậy, theo Cô Hướng Dẫn thì đó là những nấm mộ của gia đình Sa Hoàng cuối cùng Đế chế Nga là Nicholas II bị cuộc Cách Mạng giết chết chôn ở đâu đó, rồi sau khi chế độ Liên Xô bị sụp đổ thì người ta mới đi tìm, gom góp đem về an táng trong nhà thờ Saint Peter và Saint Paul nầy vào ngày 17 tháng 7 năm 1998 nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày họ bị thảm sát. Hình như người ta chưa tìm được xác đứa con nhỏ nhất của hoàng gia nên còn bỏ trống. Người đến xem khá đông mặc dù còn mưa và khá sớm, mới hơn 10 giờ sáng.

Sau hơn nửa tiếng chúng tôi trở ra xe, mưa đã dứt hột, nhưng trên bầu trời mây xám xịt, gây cho mình một cái cảm giác buồn buồn mà gió lại hơi lành lạnh khiến mình phải kéo vạt áo ấm cho kín hơn chút nữa, rồi tôi lại nghĩ về “quan điểm diệt tận gốc hay sự chống đối của kẻ thù” ở người Cộng Sản khi họ dùng đến “bạo lực cách mạng” để trấn áp mọi thế lực thù địch; mà lý lịch của kẻ thù luôn luôn được chú trọng đến. Đó là lý do mà con cháu của kẻ thù không thể “ngóc đầu lên nổi” cho dù chúng là những thiên tài!
Xe chạy trở lại con đường cũ quay trở về. Bây giờ tôi mới để ý đến hai trụ cao, màu đỏ trong cái công viên nhỏ được đốt cháy ở trên đỉnh như hai ngọn đuốc lớn. Không biết đó là đài tưởng niệm hay là để soi sáng vào ban đêm cho các tàu bè như là ngọn hải đăng chăng? Bên dưới du khách đang thăm viếng khá nhiều dù trời đang lạnh trong cái âm u của bầu trời. Mặt nước sông sóng lô nhô phản chiếu màu xám trên trời, tương phản với màu trắng của các du thuyền đang chạy hay đậu trên sông. Trong công viên treo nhiều cờ Nga đang phất phới theo chiều gió. Xe đi lại trong thành phố băng qua mấy con kênh đào mà mặt nước yên lặng hơn. Kênh đào ở đây có hai bên đường là xe hơi chạy chứ không phải là nhiều xe đạp như ở bên Hòa Lan. Dọc đường tôi thấy có vài building đang sửa chữa, nhưng nhìn với cách họ xây gạch và kiểu cách thì có lẽ họ phải giữ nét cổ kính của nó. Tôi còn trong ý nghĩ về nhận xét của mình thì xe đang dần vào bãi đậu xe và chúng tôi đi vào nhà hàng để ăn trưa. Sau khoảng một tiếng đồng hồ thì chúng tôi được đưa vào trong một cửa hàng bán đồ lưu niệm. Cửa hàng nầy tương đối lớn có đủ nhiều mặt hàng để mình chọn các món làm quà cho gia đình, bạn bè và con cháu. Vợ tôi và tôi cũng mua vài món để cho mấy đứa cháu.
Xe rời khu nầy vào lúc 2 giờ. Thông thường thì tới những nơi quan trọng hay di tích nào đó dù không ghé vào, nhưng Cô Hướng Dẫn cũng thuyết minh cho biết vài thông tin về nơi đó. Tuy nhiên vì một phần tiếng Anh của chúng tôi, đa số là ngưòi lớn tuổi, không rành lắm, một phần do giọng thuyết minh hơi khó nghe vì cô ấy là người Nga. Lại thêm phần nữa là chúng tôi thường hay tập trung vào nhìn cảnh cũng như chụp hình hay quay phim nên không lĩnh hội được nhiều, mà chỉ nghe loáng thoáng thôi!
Đến khoảng 2 giờ 20 thì chúng tôi xuống xe để đi vào thăm viếng nhà thờ nổi tiếng nhất của Thành phố Saint Peterbourg nầy: Đó là nhà thờ “Savior on the Spilled Blood”. 
Nhà Thờ "Savior on the Spilled Blood"

Nhà thờ nầy có cách kiến trúc thật là qui mô, nhất là những hoa văn bên ngoài rất công phu mang tính cách đặc biệt của Nga mà chúng ta thường thấy, màu sắc thì tối của màu chocolate từ nhạt đến đậm, xen lẫn với các màu vàng gold và các màu xanh dương, lá cây ở các nóc vòm trên cao. 

Những màu ấy chắc nổi hẳn lên khi vào mùa Đông tuyết đổ trắng xóa khắp nơi khiến cho kiến trúc có vẽ hùng mạnh hơn, và nó hùng mạnh ngay cả trong khoảng thời điểm mà chúng tôi đang thăm viếng nầy. Bên trong của nhà thờ thì đa số hình vẽ các Thánh trên tường, trần, trên các cột nhà thờ cũng chọn màu tối nhiều khiến mình thấy cái âm u, trầm lắng làm tăng cái khung cảnh Thần Thánh hơn thêm, xen vào ánh sáng chói rọi từ bên ngoài qua những cửa sổ để vào bên trong cộng với các chùm đèn treo lơ lửng từ trần xuống. Du khách tha hồ chiêm ngưỡng công trình cũng như chụp hình và quay phim, nhưng không được dùng đến ánh đèn flash. Chắc người ta sợ ánh flash sẽ ảnh hưởng làm hư đến màu sắc của tranh chăng?

Nguyên Thảo,
10/04/2020




No comments:

Post a Comment