Tôi và anh Thới cùng nhau thán phục cái công phu của những người xây dựng Nhà Thờ nầy, không những về kiến trúc mà còn cả các hoa văn, trang trí, hình ảnh được vẽ bên ngoài lẫn bên trong Nhà Thờ: Rất nhiều và rất công phu! Tất nhiên là phải mất thời gian lâu dài để hoàn tất, thật là những công trình chỉ có ở Đức Tin mới có thể thành hình trọn vẹn. Chúng tôi kéo nhau ra ngoài để xem khung cảnh chung quanh, cùng ngắm nghía các kiến trúc khác của Nhà Thờ và đứng trên cầu bắt ngang qua kênh đào Griboyedov để chụp hình kỷ niệm. Nhưng phần trên đỉnh của Nhà Thờ bị che lại để sửa chữa nên không thể nhìn được trọn vẹn cái hình dáng của nó. Đến gần 3 giờ chúng tôi trở ra xe để đi sang nơi khác. Thành phố nầy có nhiều công viên rộng rãi đang trở lại màu xanh của mùa Xuân ấm áp, các cây dọc đường nhiều nơi thường được cắt ngọn tương đối bằng nhau nên khung cảnh có nét gọn đẹp qua tầm mắt nhìn của du khách. Xe đi qua những con đường mới cho nên Cô Hướng Dẫn có thuyết minh về các dinh thự hay các building quan trọng có tiếng ở Thành phố Saint Peterbourg nầy. Không biết các anh chị khác có hiểu nhiều không, chứ riêng tôi thì chỉ loáng thoáng thôi vì hai lẽ: Một là Tiếng Anh mình không giỏi mà lại nghe giọng người Nga nên không bắt kịp được, hai là cứ lo chú trọng vào cảnh vật hoặc quay phim, chụp hình thành ra cũng bị lỡ mất dịp. Thôi thì mình bắt được cái gì trong chuyến đi thì cứ làm như thế đó, đã dở mà bắt luôn cả hai thì không thể được rồi! Lòng vòng thì chúng tôi cũng lại ở bên dòng sông Neva của Thành phố, nhưng cứ dòm mãi mà không chán mắt. Chắc vì thế mà Saint Peterbourg là Thành Phố được xem là nơi du lịch có nhiều thích thú, nhất là từ nơi nầy đã khởi sự cho cuộc Cách Mạng Vô Sản đầu tiên trên thế giới do Lénin lãnh đạo và cũng là Chủ Nghĩa Marx-Engel được áp dụng vào thực tế trong xã hội loài người. Do đó người ta đem ghép hai tên của Marx và Lénin lại thành Chủ Nghĩa Mác-Lê. Chính tôi cũng tò mò về địa điểm nầy vì chính chủ nghĩa thực tế ấy mà dân tộc chúng tôi dù trong hoàn cảnh chiến tranh tàn khốc, chết chóc hàng giờ đã chẳng ai bỏ nước để ra đi, nhưng khi chính quyền Cộng Sản được thực hiện thì không biết bao nhiêu người liều chết để vượt biển, vuợt biên giới để đào thoát và bỏ quê hương thân yêu của mình mà chọn xứ người làm quê hương thứ hai. Đó là chưa kể đến thời gian 20 năm gây ra chiến tranh tàn phá đất nước, chết có thể lên đến hàng trăm ngàn người và sự nghèo đói của đất nước sau thời gian thống nhất. Tất cả chỉ cho một Thiên Đường ảo trong tương lai: “Cùng sống chung trong một thế giới Đại Đồng sung sướng, hạnh phúc không có người bốc lột người”! Nhưng hiện tại nước lớn, mạnh đang ức hiếp các nước nhỏ để dần thực hiện một đế quốc toàn cầu mà các nước khác phải phục tùng họ như những nước nô lệ, chư hầu giống như truyện Tàu kể đến chuyện làm “Bá Chủ Võ Lâm”! Nếu Chủ Nghĩa Cộng Sản đã tốt thì sau khi sụp đổ thì người Nga đã quay trở lại Chế độ Cộng Sản rồi, chứ họ không vui vẻ sống trong cuộc sống như hiện nay. Thế mà nhiều chế độ, nhiều nhà lãnh đạo vẫn mơ ước về một Thiên Đường mà một nhà văn nữ nào đó đặt tên cho cuốn sách là “Thiên Đàng mù”! Không biết ai mù đấy nhỉ? Chắc là những “Đỉnh Cao Trí Tuệ Của Loài Người” chưa được “Sáng Mắt Sáng Lòng”, chưa thấy được sự oằn oại đau thương của con người, của dân chúng trong những cảnh lầm than, áp bức của nhà cầm quyền với “Sự Trấn Áp Bằng Bạo Lực Cách Mạng”!
Xe buýt cho chúng
tôi xuống vào lúc 3 giờ 40 để chúng tôi thăm viếng nhà thờ Saint Isaac’s
Cathedral của Công Giáo Orthodox có kiến trúc đẹp và huy hoàng nổi tiếng ở
Saint Peterbourg nầy.
Nhà Thờ Saint Isaac's. |
Ngẫm nghĩ lại tôi nói với anh Thới để cùng nhau cùng cười:
“Cứ đi du lịch ở phương Đông thì mãi ngắm chùa hay đền thờ”, còn đi phương Tây
thì ngó nhà thờ”, mình chưa đi Trung Đông để ngắm đền thờ Hồi Giáo, chắc ráng để
khi nào đó mình đi cho đủ bộ”!
Chúng tôi rời khu
nhà thờ vào lúc 4 giờ 30 để chạy dọc theo sông Neva và vài đường phố, để sau cùng
tắp vào lề đường cho chúng tôi xuống đứng nhìn một chiếc tàu đã cũ nằm bên bờ sông,
con sông nầy là một nhánh của sông Neva có tên là Bolshaya Nevka và chiếc tàu
kia là chiếc Aurora. Nó là chiếc tàu chiến có trang bị nhiều súng đại bác, cao
xạ với ba ống khói cao lên phía trước là đài quan sát. Hình như chiến hạm nầy có
quá trình lịch sử từ cuộc chiến tranh giữa Nga-Nhật, rồi trở về biển Baltic từ
năm 1906. Sau đó nó hoạt động khắp ở Ấn Độ Dương, Đại Tây Dương và Địa Trung Hải,
nhưng nó trở nên quan trọng vì nó đã nổ phát súng báo hiệu đầu tiên, súng lệnh cho
cuộc nổi dậy tấn công vào Cung Điện Mùa Đông và Cuộc Cách Mạng Tháng Mười Nga năm
1917 để lật đổ chế độ trước đó và lập chính quyền Xô Viết do Lénin lãnh đạo. Bây
giờ chiến hạm Rạng Đông (Aurora) được nằm tại đây như là một bảo tàng, một chứng
tích lịch sử của nước Nga vào thời kỳ Xô Viết.
Tàu Aurora. |
Trời mưa lâm râm,
gió lành lạnh, chúng tôi chỉ đứng bên bờ để nhìn, chụp hình chứ không được lên
tàu. Chiếc tàu có võ ngoài cứng cỏi với lớp sắt chắc dày lắm, cùng nhiều súng đại
bác, cao xạ ở hai bên cùng phía trước. Sau gần nửa tiếng thì chúng tôi lại lên
xe để di chuyển sang nơi khác. Thì ra nơi con tàu nầy đâu cũng không xa mấy với
nhà thờ Saint Peter and Paul. Xe buýt đưa chúng tôi về khách sạn để chuẩn bị cho
bữa ăn chiều và nghỉ ngơi, kết thúc một ngày nữa trên Thành phố cố đô của nước
Nga. Chiều nay khu bán đồ lưu niệm của khách sạn được một phen “sốt gió” vì mua món “hổ phách” của cô nàng Dung được mọi
người chú ý vì “hổ phách” (amber) của nơi nầy có tiếng, mà mấy người sành điệu ở
Melbourne gọi sang nhờ Dung mua dùm. Từ đó mọi người lại chú ý đến nó.
Sau khi tắm rửa đi
ăn tối xong, tôi về phòng gởi ảnh về cho mấy con, cháu rồi mới đi vào “internet”
để tìm hiểu về Saint Peter nầy thì lại thấy đặc biệt là “đêm trắng” (white
night) ở đây. Tôi cứ suy nghĩ hoài về “đêm trắng”. Trong mấy hình có màu sắc giống
như đêm trăng sáng tỏ làm tôi phải vận dụng những kiến thức về địa lý mà mình đã
học được trong nhiều năm ở trường học để giải thích về hiện tượng. À! Có thể hiện
tượng đêm trắng do Bắc Bán Cầu được nghiêng về phía mặt trời vào mùa Hè, nên vùng
Cực Bắc nhận được nhiều ánh sáng trong ngày mà xảy ra hiện tượng ấy chăng? Sự
khúc xạ ánh sáng khiến dù về ban đêm vùng Cực Bắc cũng luôn có ánh sáng để sáng
tỏ, nếu ánh sáng hoàng hôn kế tiếp với ánh sáng hừng đông thì ban đêm vẫn liên
tục có ánh sáng dù không có mặt trời. Suy nghĩ như vậy thì tôi cũng cần kiểm chứng
nó để xem sao! Thế là tôi canh giờ nửa đêm để quan sát nó. Tôi chợt thức vào
khoảng hơn 2 giờ sáng, sau khi đi vệ sinh, tôi liền vén màn che cửa sổ nhìn ra
ngoài thì quả thật quang cảnh bên ngoài vẫn nhìn thấy tương đối là khá rõ, hơn ánh
trăng sáng tỏ bình thường.
Đêm trắng (White night) |
Tôi lấy mobil phone chụp vài hình để gởi về cho con
cháu thấy cảnh ngộ nghĩnh đó. Xong mới ngủ tiếp. Quả thật người ta nói “có đi mới
học điều mới lạ”, hay “đi một ngày đàng, học một sàng khôn” là đúng thật! Trong
mỗi chuyến đi tôi học được vài điều mới dù mình phải vất vả về mọi thứ mà chỉ đáp
ứng cho cái “thích, tò mò” của mình cũng như cho “con mắt” được thỏa mãn với “cái
nhìn”!
Sáng chúng tôi
không phải dậy sớm, thời gian thư thả hơn để đi ăn sáng. Trong những thời gian
còn lại chúng tôi lo soạn lại đồ đạc, bỏ vào trong vali trước, chuẩn bị cho sáng
mai vì chúng tôi phải ra phi trường đi sang Berlin của Đức sớm. Tới khoảng 9 giờ
rưởi, xe buýt mới đưa chúng tôi đi. Xe đưa chúng tôi đến hai trụ đỏ mà mấy hôm
trước đã đi ngang qua. Thì ra chúng có tên là The Rostral Column nằm trên đảo Vasilievsky,
sở dĩ vào ban đêm chúng được đốt cháy sáng lên giống như thay thế cho ngọn hải đăng
nhằm giúp những tàu thuyền ở đây thấy rõ để tránh tai nạn. Đảo nầy là một trong
những đảo của cửa sông Neva khi chảy ra vịnh Phần Lan, các đảo khác là
Petrogradskii, Krestovskii, Decabritov và mấy đảo nhỏ như Elagin, Kamennui và Đảo
Thỏ (Zayachii, nơi có pháo đài và nhà thờ The Saints Peter và Paul). Đến đây vào
lúc 10 giờ 10, trời nhiều mây có mưa lai rai, gió lành lạnh, mặt sông sóng nhấp
nhô. Chắc vì vậy mà chúng tôi cảm thấy cảnh thú vị và đẹp hơn chăng? Chúng tôi
cùng nhau đi tìm những góc cạnh để chụp hình cho đẹp hơn. Tôi thì vội quay một
vòng tổng quát trước khi tính tới việc chụp hình, nhứt định phải gom cảnh vào
trong một đoạn phim mới được. Những líp hoa tulip được nhiều du khách ái mộ để
làm cảnh cho hình của mình. Hai trụ Rostral không còn cháy nữa.
The Rostral Column. |
Cái cảnh khiến
cho nhiều người chụp nhứt là cảnh ở bờ sông. Vì đây là đoạn sông rộng vừa có cầu
nối các đảo, có nhiều du thuyền qua lại lẫn các dinh thự bên kia bờ tạo nên
khung cảnh vừa nên thơ vừa hùng tráng trên những làn sóng nhấp nhô và trên bầu
trời đầy mây, xám xịt. Vừa co ro, lành lạnh mà chụp hình thì thật là thú và tức
cười! Sau 20 phút chúng tôi lại lên xe dời đi. Xe lại chạy vòng trở lại để đến
Bức Tượng bằng đồng tưởng niệm vua Peter The Great cưỡi ngựa trước một dinh thự
và bên cạnh một công viên. Chúng tôi được dịp ngắm nghía cái nét đẹp, công phu
của người điêu khắc trên một tảng đá lớn và bức tượng hùng tráng của vua Peter
trên lưng ngựa, đồng thời để chụp hình kỷ niệm ở một công trình nghệ thuật của Thành
phố Saint Peterbourg. Ở nơi đây khoảng 40 phút thì chúng tôi được lệnh ra xe và
di chuyển về Cung Điện Mùa Đông trong 15 phút sau. Sau khi xuống xe buýt thì được
hướng dẫn sắp hàng sau những đoàn du khách khác và mỗi người được phát một vé vào
cửa Cung Điện mà nay là Viện Bảo Tàng Nghệ Thuật của Cố Đô. Theo như trên vé thì
giờ chúng tôi vào cửa sẽ là 12 giờ 15 phút, tuy nhiên với sự sắp hàng đông đảo
như thế nầy thì không biết là bao lâu mới đến chỗ kiểm soát vé. Cô Hướng Dẫn người
Nga đi lên phía trước hồi lâu thì khi về cô nói nhỏ với Jennifer cùng Bernard.
Sau đó cô ta chạy lên phía trước lần nữa. Khoảng sau cô ta trở về kêu Jennifer
dẫn một nhóm và Bernard dẫn một nhóm, còn cô ta dẫn vài người đi theo trong đó
có vợ chồng tôi. Tôi đi theo nhanh nhanh, ra ngoài hàng và đi lên phía trước. Cô
nói: “May quá! Nhóm của người bạn chung công ty với cô đang hướng dẫn người ở
phía trước, mình lên nhập chung với họ”. Chúng tôi lên và chen vào chung nhóm của
bạn cô người Nga. Trong khi đó cô thường điện thoại đến Bernard kêu dẫn lên
nhanh bằng “tiếng lóng Rainbow” vì cây dù của Bernard có màu sắc của Cầu Vòng.
Thế là đoàn chúng tôi đã đốt giai đoạn, và không phải mất nhiều thời gian để sắp
hàng! Nhưng khi vào cổng cũng đã là 12 giờ 16 phút!
Qua khỏi cổng chúng
tôi được phát mỗi người một cái máy nghe để đến nơi nào đó thì Cô Hướng Dẫn sẽ
thuyết minh về những gì ở nơi đó để khỏi phải ồn. Nói đến điều nầy làm tôi nhớ
lại khoảng năm 2001, vợ chồng tôi hộ tống ba tôi đi thăm mấy chú, cô tôi ở Mỹ, Áo
thì có qua Pháp để anh chị tôi hướng dẫn thăm Paris có ghé qua Cung Điện
Versaille. Lúc đó chưa có máy nghe như bây giờ, nên sự thuyết minh của nhiều đoàn
đều bằng loa cầm tay nên rất ồn ào và nhức đầu. Mỗi đoàn có máy nghe chắc khác
tần số nhau nên ít khi bị chệch choạc. Thế mà máy của tôi lại gặp trở ngại: Không
nghe được tiếng của cô Hướng Dẫn mà lại nghe được Tiếng Ý, nên phải nhờ cô Hướng
Dẫn chỉnh lại đôi ba lần!
Nguyên Thảo,
12/04/2020.
No comments:
Post a Comment