Saturday, May 2, 2020

*Quê Người! (30)



Dần dà, hơn một tuần trôi qua. Tôi phải vào trường học để ghi tên cho lớp kế tiếp. Đa số chúng tôi đều như vậy. Bác Vỹ, Bác Phương cũng như Liêm là những người có trình độ Tiếng Anh giỏi ở Việt Nam mà cũng còn than là: Tụi Úc nói khó nghe quá, mà qua bên nay tiếng Anh dở thì khó mà định hướng được con đường mình sẽ chọn để đi. Thôi thì ráng học để cứng cáp hơn thì mình sẽ quyết định! Thế là chúng tôi cùng nhau tính học hết khóa sau nầy rồi sẽ chọn cho mình con đường để đi. Với thời gian rỗi rảnh, tôi và Thành ráng coi tài liệu học thi bằng L của chương trình học lái xe. Có nhiều đêm nhất là những ngày cuối tuần có vợ chồng Huynh hay Trí, Mai đến chơi thì cũng bàn bạc đến chuyện thi bằng lái. Rồi có thêm nhiều ý kiến, kể cả những người thi trước kia họ ghi được nhiều câu trả lời, rồi góp lại để cho người sau làm “bửu bối”. Từ khi Trọng và chị Yến bị Kiệt, Hường đuổi đi và Trọng ra mướn nhà nầy thì Kiệt, Hường không có lần nào đến, nhưng bù lại thì có rất nhiều bạn bè đi làm chung ghé chơi với Trọng trong những ngày rảnh rang như anh Tú, anh Nam, anh Bảy trẻ hoặc Ba Anh, nhất là vợ chồng ông Hoài ngoài vợ chồng Huynh, Trí Mai thì ghé thường xuyên. Nhờ vậy mà tôi quen được nhiều người trong điều kiện mà mình không thể có. Từ câu chuyện thi bằng lái xe tôi mới được biết là khi đi thi bằng L có khoảng 40 câu trả lời nhưng thứ tự các câu sắp xếp khác nhau trong 3 bản thi trắc nghiệm A, B hay C (kiểu trả lời a, b, c khoanh). Những người thi trước mỗi người nhớ một ít rồi kết hợp với nhau để gom góp bản trả lời tương đối cho những người thi sau, chẳng hạn bảng A thì câu 1 trả lời là (b); câu 2 (c); câu 3 (a)…chẳng hạn. Cũng vậy, người ta có bảng B lẫn bảng C mặc dù không đủ nhưng có được câu nào hay câu nấy. Đó là do những người thi trước đã bị rớt khá nhiều, nên kinh nghiệm khiến họ nghĩ ra cách đó. Kiểu học “gạo” ấy chỉ giúp ích là khi nó đúng và đúng vào bảng mà mình thi. Dù gì thì các câu trả lời gom góp nầy cũng giúp thêm kinh nghiệm cho mình chiêm nghiệm để trả lời trong lúc thi. Bob và Joeff cũng thường hay đến mỗi khi họ rảnh, bây giờ có Trọng rành Tiếng Anh hơn nên các câu chuyện cũng đủ thú vị chứ không nhạt nhẽo cho lắm, đôi lần Joeff cố tìm cách giúp tôi về đàm thoại, nhưng trở ngại là từ ngữ tôi không có nhiều cho nên khá khó khăn. Tôi biết được điều ấy nên ráng cố gắng lục lọi từ tự điển bằng hình ảnh hay sách khác mà tôi có thể học để làm cho vốn từ ngữ của mình được tốt hơn. Tiếng Anh sẽ là vấn đề quan trọng trong cuộc sống của tôi từ đây về sau, mặc dù người Việt mình càng ngày càng định cư nhiều theo chương trình tị nạn cùng đoàn tụ gia đình. Nhưng hiện nay chương trình “Đi theo diện đoàn tụ” đã bị nhà nước Việt Nam đình chỉ từ sau ngày tôi đến Úc cho đến bây giờ và chẳng biết kéo dài bao lâu. Tôi không dám hi vọng nhiều, nhưng chuyện làm thủ tục cứ tiến hành, rồi đến đâu thì hay đến đó. Nhiệm vụ của tôi là cố gắng làm để kiếm tiền gởi về cho vợ con lẫn cha mẹ để họ đỡ khổ trong hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, còn chuyện nhà nước có sắp xếp gia đình tôi vào loại chính trị nào thì cũng đành chịu thôi, mà cũng chẳng phải là gia đình của một mình mình!
Trước khi vào lớp học mới, tôi và Thành được Trọng chở đi xuống dưới chỗ đăng bộ xe để thi lấy bằng L. Chúng tôi thi trước mấy câu bằng hình. Khi trả lời đúng sáu câu đó mới được thi tiếp bằng trắc nghiệm a, b, c khoanh của bốn mươi câu kế tiếp. Tỉ lệ không đúng là tám câu, nếu sai trên tám câu thì bị rớt, phải thi lại, tốn thêm mười lăm đô nữa. Tôi và Thành đã vượt qua được kỳ thi ấy! Vậy là tôi và Thành tiến thêm một bước nữa trong cuộc sống xa lạ nơi quê người! Còn Tiếng Anh thì chúng tôi phải tiếp tục mà Bob lẫn Joeff là trợ giúp cho chúng tôi thực hành về đàm thoại khi mỗi lần họ đến chơi.
Lớp học mới của tôi, có thêm nhiều người mới, trong đó có một người Lào và một người Kampuchia có cả anh Đồng, người biết tiếng Kampuchia và Tiếng Pháp, cô Hương, Hiếu và Thế (người đã bảy năm tới Úc và đang làm ở hãng xe hơi Holden đang muốn học thêm). Lớp được hướng dẫn do cô Sally. Học được vài ngày Thông nghe bạn bè nói ở trên cơ sở mới của hãng xe Holden trên vùng Elizabeth có nhận người vào làm, thế là Thông rũ tôi lên trên đó xin việc. Chúng tôi hẹn ngày. Sau khi học xong tôi và Thông ra ngay trạm xe buýt gần trường để đón xe đi. Chúng tôi phải đón hai tuyến xe mới đi tới được trên đó. Từ trạm xe lội bộ đến văn phòng của hãng khá xa. Vào văn phòng hai đứa gặp nhân viên hỏi cần giúp gì. Chúng tôi đáp cần xin việc làm. Nhân viên chỉ nói câu: Không có việc trong lúc nầy. Thế là chúng tôi không biết nói gì hơn là thui thủi ra về.
Ra đến trạm xe buýt thì lại là hai trạm gần nhau. Thông hỏi tôi mình đón ở trạm nào, tôi chỉ trạm phía đàng kia vì tôi đã coi trên sơ đồ của tuyến xe kỹ rồi, nhưng Thông không thích đi thêm nữa nên đành đón ở trạm gần nầy. Tôi theo ý của Thông. Tất nhiên lộ trình của xe buýt mà chúng tôi đi không theo ý của mình vì nó có lộ trình của nó. Thế là chúng tôi phải đi lên tận trên Modbury của vùng Đông Bắc. May là anh Y trước kia có hướng dẫn, nếu mình đi xe buýt mà bị lạc thì cứ nhắm hướng xe chạy về City mà đón để về đến City, rồi mình đón xe buýt về nhà vì mọi xe buýt đều chạy về City, trừ tuyến xe chạy vòng vòng. Về đến nhà tôi lại nghĩ: Mình có thêm được một bài học đáng nhớ!
Với lớp học mới được vài tuần thì cô Sally chuyển đi Tiểu bang khác, nên người mới là Thầy Paul cũng còn trẻ phụ trách. Trong thời gian nầy Thông được bạn bè hướng dẫn và giúp đỡ nên đã đi hái cam ở trên Renmark. Ngày Thông chuẩn bị có vào lớp học giã từ chúng tôi: Kim, Liêm, tôi và mọi người. Quả Thông giỏi thật, trên bước nào Thông cũng đi trước nhiều người cả, điều ấy khiến tôi thấy Thông giỏi hơn tôi quá nhiều!
 Trong khoá học nầy tôi thấy tôi tương đối nghe khá hơn, và không thụ động như trước, nhưng điều là từ ngữ của tôi không được nhiều, nên sự thực hành Tiếng Anh của tôi bị giới hạn rất nhiều không những ở sự đàm thoại mà ngay ở cả về nghe. Khi nghe một câu mà có vài từ không hiểu thì tôi cũng chẳng hiểu luôn, vì vậy mà đoán mò là căn bản. Điều ấy làm cho tôi nhớ lại khi nói chuyện với người Tàu hay Kampuchia về Tiếng Việt mà họ không hiểu thì họ chỉ cười hay gật gật cái đầu, thì bây giờ tôi cũng lâm vào tình trạng giống như vậy. Sở dĩ như thế là vì khi mình thú thật mình không hiểu nhiều quá thì cũng thấy “kỳ” hay “ngại” với người đối thoại, cho nên phải “cười” lấy lệ để họ vui lòng! Không ngờ sau nầy tôi cũng phải xài cách ấy mà khi còn ở Việt Nam không bao giờ tôi nghĩ tới!
Có một hôm chị Hương trả lời cho Thầy Paul một câu hỏi, chị nói khi chị biết tiếng Anh nhiều làm cho chị “tự tin” hơn khi giao tiếp bên ngoài. Điều ấy khiến cho tôi thấy sự hợp lý, “đúng nhất” trong việc học Tiếng Anh, nhất là chúng tôi đang chọn xứ Úc, quê hương nói tiếng Anh, là quê hương thứ hai của mình! Còn “quê cha đất Tổ” dành riêng cho người Cộng Sản! Dù thế, học Tiếng Anh cũng không hề đơn giản, nhất là đối với tôi vì trí nhớ kém, học nhiều nhưng chẳng nhớ được bao nhiêu!
Tôi đành phải dành nhiều thời gian để đi đến những tiệm sách hay thư viện để mượn tài liệu, băng cassette về để nghe hay học thêm từ ngữ, hoặc luyện cho mình về giọng đọc. Có một lần tôi đón xe buýt đi ra “City”, tức trung tâm thành phố, nơi đó cũng có những lớp học Anh Văn ở trên đường Rundle Mall là cái phố đi bộ dành cho những người đi mua sắm. Trên xe buýt có một anh chàng người Úc to con thường nhìn vào tôi, khiến tôi phải e dè mà né tránh cái nhìn của anh ta. Tôi lại nhớ đến tình cảnh kỳ thị của người Úc say rượu đã “cự” Kim, Hiệp và tôi trên xe buýt thuở nào, cho nên tôi lại cẩn thận và dè dặt hơn!
Đã thế khi tôi xuống xe ở chỗ tượng người cỡi con ngựa thì anh ta cũng lại cùng xuống với tôi. Tôi lại càng sợ hơn. Tôi đi chậm để chờ anh ta đi qua, nhưng anh ta cũng đi chậm theo và rồi anh ta hỏi tôi đi đâu. Tôi nói tôi đi đến trung tâm Anh Văn ở Rundle Mall để mượn sách, thì anh ta cũng đi đến đó. Trong câu chuyện anh ta cho biết tên là John, rồi câu chuyện chúng tôi cũng khá nhiều, lúc nầy tôi mới biết là Tiếng Anh của tôi có tiến bộ vì qua cuộc đối thoại tôi thấy mình không bị trở ngại cho lắm. Lên thang máy xong tôi từ giã John để làm công việc của mình, John đi công việc của John. Sau khi mượn sách và băng cassette xong, tôi xuống thang máy để ra đường đón xe buýt đi về. Ở trong thang máy, tôi đi chung với vài người Tàu. Họ rất là tự nhiên cười nói ồn ào. Lúc nầy tôi mới hiểu được tâm trạng bực bội của nhiều người trong vấn đề xã giao cũng như lịch sự. Trong khoảng kín không gian của buồng thang máy, mình nghe sự ồn ào, lớn tiếng khiến cho lỗ tai của mình rất là khó chịu, muốn “bưng cái đầu” ra! Hơn nữa với ngôn ngữ mình không hiểu thì nó lại càng thấy khó chịu, làm cho mình khó đồng cảm với họ. Từ đó tôi mới hiểu tại sao mấy người đi trước cho biết là người Úc họ không lớn tiếng nơi công cộng hay chỗ đông người, thì ra họ biết lịch sự đối với những người chung quanh và không làm cho người khác phải khó chịu vì những hành động vô ý của mình!
Lại thêm một ngày khác, nhằm ngày rảnh rang tôi cũng đón xe buýt đi ra mấy tiệm sách ở ngoài Rundle Mall lục lọi những sách để học về từ ngữ. Tôi đi vào tiệm sách và đi mãi vào phía trong cùng là nơi để sách về Ngoại ngữ để tìm kiếm. Mãi mê lục, xem vài cuốn thì có một anh nước da hơi ngâm ngâm cứ luôn nhìn tôi. Lúc đầu, tôi tưởng anh thấy tôi có nét gì khác nên nhìn thế thôi! Nhưng dần về sau anh nhìn tôi nhiều hơn khiến tôi thấy hơi bối rối. Cuối cùng anh hỏi tôi: “Anh có phải người Việt không?”, Tôi nghe nhẹ nhỏm: “Dạ!”. Anh tự giới thiệu: “Tôi là Mục sư Hợi”, tôi cũng tự giới thiệu lại với anh. Anh hỏi tôi muốn tìm gì? Tôi trình bày với anh về ý định của mình. Anh chỉ cho tôi cuốn Tự Điển có tên là: “Longman LEXICON of Contemporary English”, anh nói: Nếu anh muốn học về từ ngữ thì nên mua cuốn nầy hay hơn. Tôi làm Thông Dịch cũng nhờ vào nó đó. Nó rất tiện cho mình. Sau đó thì tôi và anh có những câu chuyện xã giao, làm quen nhau. Anh Hợi là người Việt sinh sống ở bên Lào, anh theo Đạo Tin Lành và có vợ người Úc, anh đến Úc nầy cách nay vài năm. Sau câu chuyện ngắn thì anh giã từ tôi và cho tôi một danh thiếp về địa chỉ và số phone để thỉnh thoảng nói chuyện nhau chơi!
Với quyển tự điển Lexicon tôi đỡ vất vả hơn khi muốn tìm những từ ngữ để học. Tôi cố gắng viết ra để mỗi ngày đọc một ít. Tôi học theo kiểu “Mưa lâu thấm đất”, chứ học theo kiểu thuộc lòng thì tôi chịu thua vì đơn giản là “Trí nhớ tôi quá tệ” đã là tự từ xưa tới giờ!

Nguyên Thảo,
31/03/2020.




No comments:

Post a Comment