Saturday, November 13, 2021

*Nạn Kiêu Binh!


Trong lịch sử nước nhà được ghi lại thì có lẽ thời kỳ chống quân Nguyên đời Trần là thời kỳ được coi là dân chủ nhất. Dù ta không có nhiều bằng chứng nhưng qua Hội Nghị Diên Hồng cũng cho ta thấy các vị bô lão được hỏi ý kiến “Nên hòa hay nên chiến?”. Còn thời kỳ người dân khổ nhất chắc phải kể đến triều “Vua Lê, Chúa Trịnh”! Hai thế lực đè nặng lên cổ của người dân, người dân bị cả hai gọng kềm bóp ngang cổ họng. Người ta gọi với cụm từ “Một cổ hai tròng” có thể là đúng hơn. Thế lực của Vua Lê hiếp đáp người dân cũng được, mà thế lực Chúa Trịnh bức hại người dân cũng xong. Biết đâu từ thời kỳ ấy, người dân ở miền Bắc nước ta phải khôn ngoan, khéo léo tránh né, luồn lách để được sinh tồn, bảo toàn mạng sống. Thế rồi sau thời kỳ ấy nước ta lại trở về với phong cách theo thời phong kiến xa xưa. Mãi đến thời Tây Sơn bị vua Nhà Nguyễn trả thù thì chỉ có những người trong triều đại trước phải bị truy sát. Gia đình người khổ nạn phải thay tên đổi họ, tha phương mà trốn, có khi đi đến những nơi “khỉ ho cò gáy” hay “thâm sơn, cùng cốc” để giữ lấy mạng sống cá nhân, gia đình, dòng họ, nếu không muốn bị “tru di tam tộc”!

Thế lực nào cũng vậy, khi được phất cờ lên thì oai phong lẫm lẫm, người người đi ưỡn ngực, “nhìn trời bằng vung”, có quyền sinh sát trong tay. Nhất là cái lực lượng được cho nhiều quyền uy nhất. Họ không những ra oai với kẻ thù mà sẵn sàng ra oai với dân chúng, nếu không thì có ai đâu biết họ có quyền! Hách xì xằng mà lị! Thì lực lượng được gọi là “kiêu binh” trong thời kỳ Chúa Trịnh cũng không qua những thái độ hành vi ấy!

Sang qua thời kỳ Pháp thuộc, không biết tụi “mắt xanh, mũi lõ” tổ chức như thế nào mà nghe đến hai danh từ “Công An” thì người dân sợ xanh mặt. Ai mà bị công an bắt hay bị dẫn về đồn công an là dân chúng đã lo lắng dùm rồi. Đã vậy lại thêm những ông “Cò nón đỏ” hay “Cò hiến binh” gì đó nhiều quyền uy ra phết, làm cho người ta té “tè”! Cho nên về sau, chế độ kế tiếp khéo léo đổi lực lượng công an sang thành cảnh sát để cho nhẹ nhàng hơn, nhưng người ta cũng ơn ớn với “Không có đánh cho có, có đánh cho khai, khai đánh cho tởn”. Thiên hạ đồn như thế đó, không biết là có thật hay không, hay miệng đời vốn đã là lắm chuyện!

Nhưng ở thời kỳ nào cũng vậy, nhóm hay lực lượng nào được giao cho nhiều uy quyền, quyền lực thì dễ sinh ra “làm quá lố”, vượt khỏi tư cách mà họ có, vì họ là con cưng của thời kỳ ấy mà! Họ có quyền sinh sát trong tay, họ có đủ thẩm quyền. Nếu họ sai lầm mà loại ra, dần dần sẽ hết người đi lấy ai mà thi hành để bảo vệ cho quyền năng, cấp trên đây. Do vậy, ta cũng có thể hiểu vì sao thời Chúa Trịnh lại có lực lượng “Kiêu binh”! Làm người dân thì chỉ chấp nhận và lẫn tránh mà thôi! Ai bảo làm dân chi nên đành ráng chịu!

 

Đồ Ngông,

14/11/2021.

 

 

 

Thursday, November 11, 2021

*Câu Chuyện Nhà Giáo!

 

Những nhà giáo kháo nhau:

Nghề mình vốn bạc bẽo

Xã hội giờ coi thường

Không giống như ngày xưa!

 

Lương bỗng chẳng bao nhiêu

Còn giữ thêm đạo đức

Dù làm đĩ chín phương

Phải chừa phương lấy chồng!

 

Đến đâu cũng van nài

Thân phận giống mồ côi

Lắm khi nghe khổ ải

Đôi lúc muốn “tháo giày”!

 

Thôi cuộc đời muối dưa

Âm thầm những ngày thừa

Dù rằng chẳng ai biết

Như người đi trong mưa!

 

Đồ Ngông,

11/11/2021.

 

 

 


Sunday, October 3, 2021

*Trên Cao.

 

Trên cao ngẫm nghĩ trời cao

Nhìn ra mây trắng, ngàn sao chập chùng

Ước mơ bay bổng mông lung

Họa nên những nét vô cùng tưởng, mơ

Nhưng đâu mặt đất dật dờ

Gió cao sao biết, ngọn cờ cần hơi

Ngó lên chẳng thấy chân trời

Chân trời đâu mất, buông lời than van

Trời ơi! Ta phải bắt thang

Đi tìm ai đó, nhìn đời để thương

Vô nhân có lẽ là thường!

 

Đồ Ngông,

04/10/2021.

 

 

 


Saturday, October 2, 2021

*Họa Thơ "Tiến Sĩ Giấy" Của Nguyễn Khuyến!


 

Bài I-

Khéo chú hoa man khéo vẽ trò,

Bỡn ông mà lại dứ thằng cu.

Mày râu vẻ mặt vang trong nước,

Giấy má nhà bay đáng mấy xu?

Bán tiếng, mua danh, thây lũ trẻ,

Bảng vàng, bia đá, vẫn nghìn thu.

Hỏi ai muốn ước cho con cháu,

Nghĩ lại đời xưa mấy kiếp tu.

 

Nguyễn Khuyến.

 

 

Bài họa:


Thời Thế!

Khéo khen ai đó vẽ nên trò

Tô phấn, tô son tận tới cu

Mặt trắng, mấy thằng giương mắt ếch

Môi thâm, vài ả đáng đồng xu

Tiếng tăm không có, mà vươn tới

Tiền bạc vung ra, được nhiệm thu

Ừ nhé! Thế thời thời lại thế

Cầm chai, ủn ỉn vội mà tu!

 

Đồ Ngông,

01/10/2021.

 

 

 

 

Bài II

Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai.

Cũng gọi ông nghè có kém ai.

Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng,

Nét son điểm rõ mặt văn khôi.

Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ?

Cái giá khoa danh ấy mới hời!

Ghế tréo, lọng xanh ngồi bảnh choẹ,

Nghĩ rằng đồ thật, hóa đồ chơi!

 

Nguyễn Khuyến.

 

 

 

Bài họa:

 

Cần Chi!

Thế hóa, ta rồi cũng có đai

Quan to, chức lớn hẳn hơn ai

Có cần chi đến nhọc công học

Có thế, có tiền cũng hóa “khôi” (văn khôi)

Dòng dõi ông cha ta cứ hưởng

Trăm năm gia thế có đâu hời

Lên cao, chễm chệ thời oai quắc

Phếch đít, vênh râu, lắm chuyện chơi!

 

Đồ Ngông,

01/10/2021.

 

 

 

Monday, September 20, 2021

*Câu Nói Ngàn Năm!

 

Một câu nói ngàn năm

Mà người ta nhớ mãi

Và thường hay lặp lại

Để thiên hạ nhớ đời!

 

Ồ! Câu gì như thế?

Câu nói của người xưa

Xưa! Ôi thật là xưa

Xưa như thời cổ tích!

 

Câu nói nầy không dài

Nhưng thật là thâm thúy

Cho bao người có ý

Vào cuộc diện an dân!

 

“Thầy thuốc có sai lầm

Làm mất đi sinh mạng,

Đất nước phải tiêu tán

Vì chính trị sai lầm”!

 

Nếu giáo dục “lầm, sai”

Thì muôn đời ngu dốt

Rồi sau những thằng chột

Lên điều khiển làm vua”!

 

Ôi! Câu nói ngàn xưa

Vẫn còn vang, vang mãi

Ta có nhiều ái ngại

Câu nói nầy sai chăng?

 

Đồ Ngông,

21/09/2021.

 

(Cảm nghĩ từ câu:

“Làm thầy thuốc sai lầm chỉ hại một người,

Làm chính trị sai lầm hại cho một nước

Làm giáo dục sai lầm hại cả muôn đời!””

 

Lão Tử).

 

 

 


Sunday, September 12, 2021

*Một Chùm Thơ!

 

1*Siêu Cường!

 

Rầm rộ khoe khoang mọi khí tài

Binh hùng, tướng mạnh hẳn hơn ai

Phi cơ, hỏa tiển bay mù mịt

Súng nhỏ, súng to nổ vắn dài

Tàu lớn, xe tăng, hàng khối lội

Trực thăng, chiến hạm, lẫn sân bay

Xem ra bề thế trông ghê tợn

Nhưng đến lúc rồi, rõ mới hay!

 

Đồ Ngông,

12/09/2021.

 

 

 

2*Cô-Vi!

 

Thân em bé nhỏ tí tì ti

Không thấy nơi đâu một chút gì

Kiếm mãi, nhưng rồi chưa bắt được

Dài hơi, phí sức chẳng nên chi

Lây lan, mức độ sao ghê thế

Hạ gục, nhân gian lắm vạn người

Xuất xứ, người ta luôn ẩn dấu

Bao giờ trở lại: Tiếu hi hi!

 

Đồ Ngông,

12/09/2021.

 

 

 

3*Siêu Cường Với Siêu-Vi!

 

Chỉ thấy siêu cường vươn móng vuốt

Thời gian loáng thoáng, cứ xuyên suốt

Nay thì lên trận, mai ngừng chơi

Chiếm lĩnh không gian, địch bỏ cuộc

Sắc bén khí tài, thanh thế khoe

Đâu cần sức mạnh, thân không buộc

Đoàn quân bé nhỏ tiến nơi nơi

Thiên hạ, siêu cường đành sợ tuốt!

 

Đồ Ngông,

12/09/2021.

 

 

 

4*Vaccine!

 

Vaccine ngừa bệnh cho người

Ngừa cơn bệnh nặng, hại đời, mệnh chung

Vaccine vốn dĩ vi trùng

Không còn sức mạnh, được tiêm vào mình

Bạch cầu đối kháng tạo sinh

Tạo ra kháng chất, phòng ngừa mai sau.

Thế nhưng ai biết đâu nào

Lòng người, với dạ thâm sâu khó lường

Nếu may gặp kẻ hiền lương

Vaccine sẽ trở thành phương cứu đời

Kẻ gian lường lận khắp nơi

Vaccine có chứa những gì bên trong?

Tiêm vào chẳng những là không

Mà còn sinh hại, tồn vong khó ngờ

Xin người chớ dại ngây thơ

Tin vào kẻ ác, mịt mờ tương lai!

 

Đồ Ngông,

12/09/2021.

 

 

 


Saturday, August 21, 2021

*Người...!

 

Người ta bảo rằng:

“Người khôn biết mình khôn,

quả là người có trí;

Người ngu biết mình ngu

Thật là kẻ hiểu mình,

Người ngu nghĩ mình khôn

Đúng là kẻ

sẽ gây nhiều tai họa”!

Miệng đời nói thế

Ta thấy cũng chẳng sai

Bao nhiêu người lẳng lặng

Khi thằng ngu lên ngôi

Điều khiển biết bao người!

Đường ngu ta đi tới

Chẳng biết đâu bến bờ

Lý tưởng đành chơi vơi

Đều rơi vào vực thẩm

Bởi nghĩ rằng mình khôn

Đường không hề thay đổi

Người mãi vẫn lầm than

Không cất đầu lên nỗi

Thân chìm lỉm vào bùn

Một vũng bùn mênh mông!

 

Đồ Ngông,

22/08/2021.

 

 

 


*Như: "Con Mèo Dấu Cức"!

 

Trước hết cho Đồ Ngông tôi xin lỗi về cái tựa đề khá tục tĩu nầy, vì Đồ Ngông không muốn né tránh cái chữ mà trong “Tục ngữ, ca dao” đã có! Thông thường để né tránh, người ta sẽ viết là “c..”, nhưng “Tại sao ta phải làm như thế khi ông bà ta đã chẳng hề né tránh mà lại diễn tả một cách thẳng thừng! Ừ! Thôi thì ta sẽ theo cách bình dân để hòa mình với dân gian vậy!

Thú thật, ngày xưa khi nghe nói đến “Mèo dấu cức” thì lúc đó Đồ tôi chẳng thấy con mèo “ỉa” lúc nào cả, nên không hề biết nó “dấu cức” ra sao? Sự tò mò khiến Đồ Ngông tôi thắc mắc mãi, có nhiều lúc hỏi người lớn, nhưng họ cũng chưa hề thấy mèo ỉa và dấu cức như thế nào thì làm sao nói được. Thế là tôi thất vọng, mang nỗi niềm ấy theo mình trong một thời gian thật là dài! Thế rồi, trời cũng không phụ lòng người “muốn biết”, cho nên một ngày nằm nghỉ trên ghế bố nhìn ra ngoài trời nắng chang chang của mùa hè: Vừa thiu thiu buồn ngủ, nhưng đột nhiên lại ngoái nhìn về khu đất trống có cát kế bụi cây, một con mèo ngang nhiên hạ phần đít xuống thấp, làm công việc vệ sinh. Sau khi xong xuôi nó cẩn thận lấy chân trước khều nhẹ nhàng các miếng cát dần che lấp đống cức mà nó vừa “ị” ra. Nó cẩn thận đến nỗi mình không thấy có phần nào trống. Rồi sau đó, trong khoảng thời gian Đồ Ngông tôi dần lớn lên, nghe nói đến “những vụ ăn vụng” mà họ “quẹt mỏ” thật là khéo léo, từ ăn vụng “thức ăn” đến những “vụ ăn vụng trái cấm” của đời người, người ta tài tình không kém. Thế nhưng, qua thời gian dù kín đáo đến thế nào đi nữa, thì ngày nào đó cũng phải có sự sơ xuất xảy ra và đổ bể không thể che đậy được; giống như tục ngữ, ca dao có một câu khác là “cây kim dấu trong bọc lâu ngày thì cũng phải lòi ra”. Trong cuộc đời nhiều thủ đoạn, với những chuyện làm không chính đáng, không đàng hoàng hay là bí ẩn, lén lút, âm mưu, thường người ta cố gắng phá bỏ dấu vết, che đậy thật kỹ bằng các chứng cớ tạo ra hòng đánh lừa được những kẻ có thẩm quyền điều tra, hay những cặp mắt tò mò “muốn biết”, hoặc tìm ra sự thật!

Rồi theo thời gian, Đồ Ngông tôi lại nhìn thấy nhan nhản cùng tình huống trong thực tế của cuộc đời đầy thương đau, lọc lừa trên thế gian đau khổ nầy. Sự dối trá che đậy không phải thể hiện ở từng cá nhân mà nó còn tiến xa hơn nữa cho đến từng nhóm người, đảng phái lẫn ở các quốc gia hay trên trường quốc tế. Chung quy người ta chỉ muốn che đậy tất cả những gì không tốt, không thiện, gian xảo, ác độc để tạo nên hình ảnh tốt đẹp hầu chiếm đoạt được lòng người, tạo được thế thượng phong đối với người khác hay kẻ thù mà ông bà ta ngày xưa gọi là “tốt khoe, xấu che”, bên cạnh cái mưu đồ vĩ đại phía sau!

Mấy lúc gần đây, trên các phương tiện truyền thông, Đồ tôi lại thấy chính quyền Tàu thường áp dụng chính sách ngoại giao “soái lang” hung hãn, đe dọa, trấn áp trong mọi lúc với các quốc gia dù nhỏ hay lớn. Các nước nhỏ đành phải lặng câm vì mình không đủ “sức mạnh” để cất lên tiếng nói phản kháng, ngay cả chỉ bày tỏ chính kiến của mình, mà chỉ lẳng lặng, ra sao thì ra để được yên thân. Với các nước lớn thì từng lúc mà họ tỏ thái độ quyết liệt hay hòa hoãn theo kiểu “Lùi một bước để tiến ba bước” trong sách lược của ông Tổ lý thuyết thứ nhì đã vạch ra! Chiến quốc sách ấy vừa là “chiêu thực mà cũng là chiêu hư” để họ giành được quyền lãnh đạo trên thế giới nầy vì họ là nước lớn, đông dân. Và sau thời gian dài nhờ vào sự thờ ơ của các quốc gia khác đã tiếp sức cho họ giàu có hơn, qua sự đầu tư vào cái “thị trường đông dân, giá rẽ”, giới tư bản bị “say mê món lợi, đút đầu vào cái thòng lọng đợi chờ ngày “bị xiết cổ”, hoặc góp phần bán đứng “tổ quốc” của mình lúc nào không hay! “Cái chiêu thực” là họ có sự phát triển mạnh hơn về kinh tế, sự giàu có góp phần cho họ phát triển về vũ khí, kỹ thuật chiến tranh, họ có thừa kinh nghiệm vì suốt thời gian lịch sử của họ là lịch sử mở rộng lãnh thổ bằng chiến tranh; bằng sách lược, bằng hình thức hối lộ, mua chuộc để tạo thành các ông vua, giới lãnh đạo chư hầu. Họ lợi dụng được “sự ngây thơ” của kẻ thù để “học hỏi, đánh cắp, sao chép” mọi kỹ thuật, khoa học mà các nước đã có. Từ sự phát triển thực, họ có những “chiêu hư” giống như kiểu “nghi binh” trong các cuộc chiến tranh của thời chiến quốc để kẻ thù chẳng biết là “thực hay hư”, mà chỉ biết “nó là thằng đáng gờm”!

Bên cạnh đó là sự thống nhất chỉ đạo từ sự giáo dục, tuyên truyền lẫn tuyên giáo, tạo nên “hỏa mù” cùng với những thành phần “cốt cán” của tổ chức nhất loạt tung hô, vang rân làm cho người ta không biết thế nào, cũng là “nồ” lên để cho thế gian hoãng sợ và cướp được tinh thần kẻ khác. Thêm vào đó “Thi nhau kể một chuyện tốt” cho đất nước; họ nhằm lấp liếm, che đậy mọi cái xấu, tàn ác, áp bức mà họ đang thi hành, thực hiện để đạt được mưu đồ! Do đó, mọi những gì xấu xa, người ta cố che đậy, dấu diếm để người ngoài chỉ thấy toàn là cái tốt như những gì mà đã tuyên truyền hay giáo dục mà những người thừa hành hay nhân lực được đào tạo trung thành từng “tung hô vạn tuế”! Đó là những cảnh như là “Con mèo dấu cức”!

 

Đồ Ngông,

21/08/2021.

 

 

 


Friday, August 6, 2021

*Thủ Đoạn!


Ai cha! Nói về “thủ đoạn” thì chắc là không ai không nghĩ đến những hành động, hành vi chẳng tốt mà người ta sử dụng để đạt được những điều theo ước muốn. Con người lúc nào cũng mang trong mình cái bản năng “thú tính” sẵn có để thỏa mãn sự lợi dụng người khác, hoặc đạt được điều mình mong ước bằng những mưu mô, lừa đảo. Có lẽ, trong mỗi con người nào cũng đều có những ước muốn, ước mơ; đôi lúc ước mơ đó trở nên vĩ đại! Điều đó không riêng từng con người, mà còn thể hiện trong cả một nhóm người hay dân tộc nữa, nhất là với những dân tộc đông đảo, to lớn. Nếu nói về thủ đoạn từng cá nhân thì có lẽ chúng ta chứng kiến rất nhiều từ những con người sống chung quanh ta đã thực hiện, hay thể hiện cho chúng ta thấy khi họ muốn chiếm đoạt hay cần thành công.

Kéo về từ thời sơ khai thì con người ít ỏi ngày xưa đã từng nương tựa, hợp tác để kiếm ăn trong cuộc sống; rồi dần dà, ta thử tưởng tượng khi mà thức ăn vùng đó tương đối khan hiếm, thì người ta trở nên ích kỷ tranh giành chiếm hữu để nhằm đạt được thuận lợi cho mình và nhóm mình. Thì cũng như vậy, các bộ tộc bị trấn áp, yếu thế dần bị các bộ tộc lớn, mạnh hơn chiếm đoạt và dùng vũ lực để đồng hóa. Cuối cùng họ bị tan biến trong cái lớn đó. Một bằng chứng rõ ràng hẳn hoi là trong các truyện lịch sử của Tàu, mà trước kia rất nhiều người Việt chúng ta thích đọc từ thành thị cho đến thôn quê, từ giới bình dân cho đến các nhà trí thức, học giả. Nhất là khi các truyện ấy được in ra bằng chữ Quốc Ngữ, là thứ chữ dễ học so với chữ Hán được phiên âm giọng Việt của chữ Tàu, lại càng được phổ biến rộng rãi hơn. Lịch sử Tàu là lịch sử của những thời đế quốc, các nước chiến tranh để thôn tính lẫn nhau. Để rồi khi Tần Thủy Hoàng chiếm được toàn bộ thành lập Đế chế của mình. thời kỳ ấy lịch sử Tàu gọi là “Thống Nhất” nhưng thực sự là thời kỳ Đế Quốc của Đế Quốc nhà Tần khiến các nước nhỏ phải biến mất. Rồi đến Thời nhà Hán xâm chiếm những lãnh thổ xa hơn, bắt họ làm chư hầu hay sáp nhập vào lãnh thổ của mình để cai trị, mà ngày nay giới cầm quyền xem như là lãnh thổ của cha ông của họ. Họ đòi và tuyên bố chủ quyền, lãnh thổ như Tây Tạng, Tân Cương, Mông Cổ, Mãn Châu và kể cả Việt Nam vì họ cho học sinh trong trường học: Việt Nam là một tỉnh của họ. Một khi lãnh thổ của dân tộc yếu kém mất do sáp nhập vào Tàu, thì nguồn gốc của họ khai bất cứ nơi đâu đều là “Tàu” cả. Do vậy, người Tàu tràn lan trên thế giới là như thế đấy. Giả sử, Việt Nam bị Tàu chiếm, rồi sáp nhập vào lãnh thổ Tàu thì dân Tàu sẽ tăng thêm được cả 100 triệu người nữa (dù trước kia, đó là người Việt Nam).

Đồ Ngông tôi lại nhớ về ngày xưa: Khi mà cái Chủ Nghĩa Cộng Sản được thịnh hành thì người ta hô hào tinh thần quốc tế, tinh thần đồng chí để tiến lên Thế Giới Đại Đồng, cái nghĩa vụ Quốc Tế cao cả, nhưng sau bao nhiêu năm thành công ở một phần lãnh thổ của Thế Giới, người ta không xây dựng, tranh đấu cho đa số người dân nghèo, mà người ta chỉ bóp nghẹt, o ép người dân vào những tổ chức để rồi nền kinh tế chẳng đi đến đâu, con người lâm vào những thiếu thốn, đau khổ mà chỉ có lợi cho giới cầm quyền. Bày tỏ ý kiến, chống đối đều cho là phản động, âm mưu lật đổ chính quyền, rồi họ muốn làm gì thì làm, lấy số ít người lãnh đạo để bức chế người dân. Khiến người dân đã nghèo mà phải lo lót, hối lộ cán bộ, quan chức ở mọi cấp để cho cuộc sống tương đối, dễ dàng, hanh thông hơn. Vì cái “nghĩa vụ quốc tế” mà ngày nay Việt Nam bị tràn ngập trong nợ nần đối với Nga lẫn Tàu, chủ quyền bị xâm chiếm mà không thể hở miệng, há môi. Người ta muốn đánh chiếm lãnh thổ của mình thì cho là “dạy một bài học”, hay cho ta là “kẻ phản phúc” hoặc mượn cái cớ vu vơ là “nước nhỏ ăn hiếp nước lớn” đến thực nực cười! Ôi! Nước nhỏ dễ tin vào nước lớn, và dù gì đi nữa, nước nhỏ chỉ là những kẻ “nô lệ”, “tay sai” cho nước lớn hay là những tổ chức lớn mà mình đã lệ thuộc vào! Họ ép, chiếm lãnh thổ, biển đảo của mình khiến mình phải ngậm câm “Vì Đại Cuộc” ở tương lai!

Nhìn về nước Tàu thì Đồ Ngông tôi lại thương cho xứ Ấn Độ, cái xứ mà ngày còn nhỏ, khi học địa lý trong nhà trường thì nước Ấn Độ bao gồm cả Ấn Độ: Pakistan, Bangladesh (thuở đó hai xứ nầy còn gọi là Đông Hồi và Tây Hồi); Sri Lanka; kể cả Nepal và Bhutan. Nhưng sau khi Đế Quốc Anh trao trả độc lập thì các xứ lại tách ra do nơi vấn đề tôn giáo. Như vậy, nước Tàu thì thu tóm các nước khác để trở nên vĩ đại, còn Ấn Độ thì lại chia tách ra để rồi đối chọi với nhau. Ôi cuộc đời là bể dâu: “Thương hải biến vi tang điền, tang điền biến vi thương hải!”!

Với cơ chế tổ chức của các nước Cộng Sản làm nền kinh tế càng ngày càng lụn bại, người dân trở nên thờ ơ với chế độ, mất đi tinh thần cống hiến, chính quyền o ép khiến người ta bắt đầu chỉ biết ích kỷ, lo đi kiếm ăn, mưu sinh vượt khó khăn vì đường lối, chỉ thị của nhà cầm quyền bằng lo lót, hối lộ thế nên cán bộ, viên chức được quyền, được chức có thế lại càng vòi vĩnh, tham nhũng ngày càng nhiều hơn. Từ đó một “giai cấp thống trị mới” sống trên sự bốc lột người dân, mặc dù họ hưởng lương từ tiền thuế của dân. Chế độ ấy bài phong kiến, thực dân, nhưng rồi họ lại còn bốc lột, trấn áp còn hơn chế độ thực dân và phong kiến xưa cũ. Dù trong lý thuyết họ đặt nặng nền tảng kinh tế làm Hạ Tầng Cơ Sở để xây dựng Thượng Tầng Kiến Trúc.

Vì do thời cuộc, sự thay đổi đường lối khiến kinh tế của họ tốt hơn. Họ làm giàu do sự đầu tư của các nước vào một thị trường lớn, có nhân công rẻ khiến tham vọng làm “Bá Chủ” của họ được trỗi dậy. Dã tâm của họ lại càng mạnh hơn. Càng chú trọng vào Quân sự vì “Lý của kẻ mạnh bao giờ cũng thắng”, họ lại càng ngang ngược. Lợi dụng vào sự ngây thơ của bao nước, người ta thừa cơ cho “Tình Báo” trong mọi ngành nghề để “đánh cắp”, “chôm chĩa” mọi những gì mà thiên hạ có để xây dựng thế lực cho mình. Giới Tư Bản thấy mối lợi cố chui vào “kiếm ăn” mà quên đi “Con ruồi chết vì mật ngọt có pha thuốc độc”. Họ sẵn sàng bán Tổ Quốc cho kẻ thù vì mối lợi!

Trong truyện Tàu có rất nhiều những mưu mô, chiến lược, thủ đoạn mà thế hệ sau có thể học tập và thực hành. Thế cho nên ngày nay chúng ta cũng không lạ gì những “Hối lộ” quan chức chính quyền các nơi để đạt được những gì mình mong muốn đã là kế sách nhiệm mầu. Những công trình, sách lược ở nước ngoài thành công thì vật liệu cung cấp, nhân lực, máy móc ở trong nước có việc làm, phát triển để đáp ứng nhu cầu. Còn kéo dài thời gian hoàn thành, tăng giá là “thủ thuật” để hưởng lợi. Người ta lâm vào “bẫy nợ” thì họ lại càng phải lệ thuộc vào mình mà vốn của mình vẫn chạy về mình! Thật là một “thủ đoạn” khủng khiếp!

Viết tới đây Đồ Ngông tôi lại nhớ đến môn “Hấp Tinh Đại Pháp” trong truyện kiếm hiệp nào đó của nhà văn “Kim Dung”. Thú thật, Đồ Ngông tôi chẳng mấy khi đọc truyện kiếm hiệp, không phải là không mê, nhưng vì không có điều kiện nên chẳng rành, nhất là “Hấp Tinh Đại Pháp” nầy. Thế nhưng thấy “Những Con Ruồi Tư Bản” đã trúng vào “Hấp Tinh Đại Pháp” của chính phủ kia rồi: Vì họ đã dần bị Hấp Tinh Đại Pháp hút dần tinh khí, võ công để rồi ngày nào đó mất hết võ công, sinh khí và chết thân mình, chết luôn cho cả Tổ Quốc! Chắc ngày đó không xa!

Đã vây, trong chiến tranh người ta cần đến những thứ vũ khí lợi hại để giành thế “Thượng phong”, càng được che dấu kín đáo chừng nào thì càng tốt chừng nấy. Từ vũ khí vật lý, vũ khí hóa học rồi đến vũ khí sinh học. Người ta tận dụng mọi hình thức. Trong sự nghiên cứu, rủi có sự rủi ro thì cứ tiêu hủy mọi bằng chứng, cứ chối phăng, hoặc đổ lỗi cho người nào đó, hay ngược lại cho người tố cáo thì càng tốt, tạo nên những hỏa mù thì có ai kết tội mình được. Xong xuôi thì cứ cãi bừa theo câu tục ngữ của Việt Nam là “Một kẻ nói ngang, ba làng cãi không lại” thôi! Chẳng cho ai truy cứu, tìm hiểu, xâm nhập tới nhà mình thì họ có làm gì được mình đâu! Còn nghiên cứu được thành công, thì ích lợi vô vàn! Vô vàn kiểu truyện Tàu: “Làm nông chỉ lợi được mười, đi buôn lợi được trăm, buôn vua bán chúa lợi không biết bao nhiêu mà kể”!

Có lẽ thời đại nầy là Thời Đại kẻ Cướp lên ngôi. Đại gian ác dùng thủ đoạn để trở thành Bá Chủ. Kẻ ngây thơ vẫn là những “Kẻ Dại Khờ”!

 

Đồ Ngông,

06/08/2021.

 

 

 

Wednesday, August 4, 2021

*Tin Hay Ngờ?

 

Tâm địa con người luôn thay đổi

Có thể từ thiện sang ác

Mà cũng có thể từ ác

chuyển biến trở thiện lành

Nhưng chỉ một sớm một chiều thì không thể biến đổi nhanh

Và bởi thế, mình trở nên cẩn thận!

Đường phía trước

Là con đường có nhiều nghi vấn

Khi lòng người chẳng có chút từ tâm

Và tương lai

luôn hiển hiện âm thầm

Với mưu đồ vĩ đại, sau chiêu bài ẩn nấp!

Bạn có tin?

Khi họ tỏ ra nhiều dáng dấp

Của âm mưu khống chế cả loài người

Muốn thế giới nầy

Quỳ mọp dưới bước chân đi,

Và thần phục vào quốc gia vĩ đại!

 

Đồ Ngông,

05/08/2021.

 

 

 


Monday, July 26, 2021

*Một Chút Chơi!


 Ai cần, tôi bán nước cho

Ai khô, ai khát, ai mơ, ai cần

Nước nầy chẳng có người trông

Vừa trong, vừa mát, vừa lòng người mua

Bao năm nước vắng bóng rùa

Chưa người quậy phá, nước mưa không gần

Lấy vào nước sẽ thật trong

Người mua đắc chí, nhưng tôi lại buồn!

 

Đồ Ngông,

27/07/2021.

 

 

 

Friday, July 23, 2021

* "Kẻ Có Tình, Ngồi Rình Trong Bụi..."!

 

Đồ Ngông tôi chỉ lấy một câu của vế đầu để làm cái tựa bài nầy. Đầy đủ của nó là “Kẻ có tình ngồi rình trong bụi, Kẻ vô tình lủi thủi mà đi” mà Đồ Ngông đã nghe được từ trong một vở hài kịch phát trên radio hồi còn nhỏ, nhưng có lẽ chúng cũng bắt nguồn từ kho tàng “tục ngữ, ca dao” trong dân gian của dân tộc ta mà thôi!

Kẻ có tình mang một tâm ý “cố tình theo đuổi người khác để thực hiện những mưu đồ gì đó” mà người ấy muốn đạt được. Và, trong khi, người bị làm mục tiêu không thể ngờ tới hoặc vẫn lặng lẽ, âm thầm không hề chú ý đến “dã tâm” của kẻ cố tình! Giống như những kẻ trộm cắp luôn theo dõi, đợi chờ sự hờ hững, không lưu ý của nạn nhân mà ra tay trộm cắp, móc túi, cướp giựt đồ vật, tiền bạc từ một ai đó. Hay là chúng lợi dụng chủ nhà đi vắng, ra ngoài rồi tìm cách đột nhập và cuỗm đồ của người ta. Cũng vậy, trong cuộc đời có những kẻ lớn hơn hay có sức mạnh hiếp đáp người sức yếu, thế cô, làm cho họ nhiều ấm ức, tức tưởi đã khiến kẻ yếu thế không thể nhịn nhục, phải tìm cách đánh lén vì không thể đối đầu trực diện. Chính vì thế mà cần đến sự ẩn nấp, trang bị vũ khí dù là khúc cây, hoặc sắt tấn công kẻ mạnh để trả thù. Tất cả đều chứng minh “Kẻ có tình ngồi rình trong bụi, kẻ vô tình lủi thủi mà đi”!

Những chuyện như vậy chứng minh cho sự phức tạp trong cuộc sống, đời thường của con người, nhất là những con người yếu đuối, thế cô bị ức hiếp; hay những kẻ “lười biếng, xài to” không muốn làm, lại muốn thụ hưởng mọi thứ, ăn chơi, nhậu nhẹt thừa sơ hở để “chôm” lấy của cải người khác! Đi xa hơn nữa ta cũng thấy con người tận dụng ý tưởng ấy vào trong các cuộc chiến tranh mà điển hình là trong cuộc chiến tranh “du kích” dùng “sức yếu để chống lại cái mạnh”, dùng “thô sơ để đối chọi với tân tiến”, dụng “ít để chống nhiều”! Ấy là “sách lược” của chiến tranh!

Với chiến tranh “du kích”, kẻ “cầm đầu” sử dụng “lực lượng ít, khởi đầu” trà trộn trong dân chúng, tạo nên sự kiện hay điều gì đó chống lại kẻ cầm quyền để cho kẻ cầm quyền nghi ngờ, giận dữ, bắt bớ, giam cầm, điều tra người dân vô tội. Từ đó, người ta tuyên truyền, khơi dậy lòng căm thù trong dân chúng rồi hướng người dân vào sự “tàn ác, bất công, đàn áp” của nhà cầm quyền để lôi kéo người dân vào lực lượng của mình. Như vậy, người dân là “kẻ vô tình lủi thủi mà đi”! Và để cho sự hoạt động, phát triển thuận lợi người ta sẽ tìm cách tận diệt, khủng bố thành phần chính quyền từ trong các cấp địa phương, để các cấp thừa hành phải hoảng sợ từ bỏ vị trí, nếu các chỗ ấy biến mất lại càng tốt hơn cho sự hoạt động. Từ đó chiến tranh du kích dần phát triển mạnh hơn, thuận lợi cho những kẻ cầm đầu thực hiện mục tiêu của họ.

Tưởng rằng, chuyện đến đó là cuối cùng của tư tưởng ấy, nhưng không! Trong thế giới lớn lao của nhân loại, điều ấy cũng vươn lên đến nơi tột đỉnh của tư tưởng. Người ta tận dụng để đạt được mục đích sau cùng là tiến đến “thống trị nhân loại”, hay nói theo chuyện kiếm hiệp của Tàu là “làm Bá chủ Võ lâm”!

Hoặc nói đúng hơn là tâm lý, tinh thần muốn tất cả mọi người trên thế gian nầy phải quy phục về một mối, quy phục về nước mình, dân tộc mình vì nước ta là nước lớn, nước mạnh. Cho nên với tư tưởng đó, người ta dùng đủ mọi cách để “vươn lên” trở thành là nước lãnh đạo. Tuy nhiên để chiến thắng, theo như Binh Pháp cổ thì “phải biết ta, biết người” hầu “trăm trận, trăm thắng”, nhất là chủ trương của chủ thuyết: “Nhất định thắng kẻ thù” hầu biến thế giới nầy chỉ còn có một. Từ đó, thu thập những gì địch có; và phát triển, cố giữ những gì ta có đã bắt đầu! Trong thế giới nhiều nước, nhiều dân tộc muốn giành được chiến thắng thì cần đến thu thập tài liệu về đối tác lẫn kẻ thù đôi khi cũng của kẻ thuộc “phe ta”, cho nên “Tình báo” là quan trọng hơn cả!

Những ngày trước, khi các phương tiện còn thô sơ, chưa có internet, kỹ thuật máy móc hạn chế, các nước tìm cách gài người làm tình báo, đôi khi hoạt động “hai mang” để lấy tin tức về mọi ngành, nhất là về quân sự và kinh tế. Họ tận dụng mua chuộc người sở tại, chuyên viên; lôi kéo tình yêu nước của kiều bào; cho người hoạt động xen vào ngành ngoại giao, du lịch, du học, báo chí, chuyên viên nghiên cứu, thương gia…nhiều, nhiều lắm. Người ta chi tiền cho ngành nầy không tiếc, chỉ mong lấy được thật nhiều về các phát minh, kỹ thuật, khoa học, kinh tế, những sáng chế về vũ khí, về tất cả những gì mà kẻ địch có. Ngày nay người ta tận dụng “hackers” để đột nhập vào các trang mạng “đánh cắp, sao chép, hủy hoại” những tài liệu cần thiết “để biết rõ kẻ thù” hầu đạt được chiến thắng cho mưu đồ “thống trị thiên hạ”! Cho nên: Chỉ có những kẻ “ngây thơ” đã rước “hổ vào nhà”, “bỏ ngõ cho kẻ thù tự do bay nhảy trong vùng đất cấm của mình” để ngày nào đó hổ quay trở lại “ăn thịt mình”. Những bài học ấy nhiều nước từ Châu Mỹ đến cả Âu Châu, và nhiều nước khác phải “ngậm ngùi” cho một bài học “đã qua đi”! Dù có hối tiếc thì cũng quá muộn màng!

 

Đồ Ngông,

22/07/2021.

 

 

 


Wednesday, July 21, 2021

*Học Ở Đâu?


 

Ông học ở đâu, chẳng biết rằng

Con người khi đói lại cần ăn

Đi ra, đâu phải là sung sướng

Thời dịch lo rồi, bụng đói nhăn.

 

Ông học ở đâu, đến cỡ nào

Quyền năng, chức trọng đến thế sao

Ngôn từ láo xược như vô học

Thế lại ông còn đứng đó sao?

 

Trường nào dạy thế, ông cho biết

Tớ muốn vào chung để kiếm tiền

Hầu giúp vợ con đang đói rã

Cơn nghèo đeo đuổi mãi triền miên!

 

Ông học ở đâu nên chức phận

Trường nào đào tạo, kiếm không ra

Tớ đang lắm léc, tra tìm lục

Mong nộp đơn vào, kiếm chút “da”!

 

Từ xưa cơm gạo, rau khoai củ

Ngô, sắn, bo bo… khắp nẻo đường

Thừa thải có nhiều, đâu có bánh

"Mì nào, mầy lại phải vương vương"?

 

Đồ Ngông,

21/07/2021.

 

 

 

Tuesday, July 6, 2021

*Nhớ Về Trăm Năm!

 

Trăm năm cho một kiếp người

Trăm năm khắc khoải, cuộc đời đớn đau

Trăm năm ít sướng nhiều sầu

Trăm năm ta biết là đâu cỗi nguồn…!

Trăm năm ôm mãi nỗi hờn

Sống không ra sống, chết dần trong tâm.

Trăm năm lặng lẽ, âm thầm

Mơ cùng ảo tưởng, nhìn không bến bờ

Ta đi, đi mãi thẫn thờ

Thiên đàng, địa ngục hay là trần gian

Đường dài chướng ngại gian nan

Như bầy người gỗ, vẫn là… ước mơ!

 

Đồ Ngông,

07/07/2021.

 

 

 


Thursday, June 24, 2021

* "Chẳng Ai Chịu Cha Ăn Cướp"!

 

Đó là câu “Tục ngữ” trong Văn học Việt Nam, hay nói đúng hơn là trong “Kho tàng Văn Chương Bình Dân” của người dân Việt. Trải qua nhiều chìm nổi, lặn lội với cuộc sống thực tế, người đời đúc kết được điều kinh nghiệm ấy bằng vài chữ để lưu truyền lại cho đời sau. Và cùng theo bao năm lớn lên, lang thang đó đây Đồ Ngông tôi cũng chiêm nghiệm được sự chính xác của câu ấy để rồi lại càng thán phục cổ nhân nhiều hơn. Nhất là sau thời gian đất nước thống nhất, với sự tổ chức, tái cơ cấu xã hội theo cách mới làm cho dân chúng lâm vào nhiều khó khăn, thiếu thốn và phải tìm phương cách sống cho chính mình, gia đình; nhiều người trở nên lì lợm, sinh ra trộm cướp. Cái điều oái oăm lại là người bắt trộm cắp giao cho chính quyền địa phương xử phạt thì lại phải lo cơm nước cho những tội phạm ấy, vì chính quyền không có tiêu chuẩn cơm gạo để nuôi. Thế là người dân đành bất lực với trộm cướp; vả lại khi bắt họ thì họ phi tang, quăng vật chứng rồi chối bỏ, mà luật thì đòi hỏi phải chứng minh, cho nên toàn xã hội cũng như chính quyền nuôi dưỡng cho tội phạm! Điều ấy đã khiến cho các lề thói đạo đức trở nên lỗi thời! Nền tảng xưa có cơ thay đổi trong một sớm một chiều!

Đồ Ngông tôi không nói ngoa đâu, cũng như không là đặt chuyện. Đó là những bước đầu biến chuyển cho đến tình trạng hiện nay gọi là “vô phương cứu chữa”! Đến khi lọt được ra ngoài được tiếp xúc với những người trong cùng chế độ với mình ở các xứ khác, thì lại thấy tâm tính của họ cũng chẳng khác với nhóm mình là bao nhiêu, mặc dù họ đều là dân tứ xứ khác địa phương, phong tục và tập quán! Từ người Ba Lan, Liên Xô đến Ukraine, Tân Cương, Trung Quốc đều có những tâm tính khá giống nhau khác xa với người gốc Anh hay địa phương. Cái kiểu giành giựt, ích kỷ, chỉ thấy có mình phảng phất nặng mùi, chẳng khác gì nhau với những người xuất thân cùng một chế độ được coi là “tốt nhất” trong thiên hạ trong thời hiện đại! Rồi lại nhìn và so sánh nơi mà mình được cho định cư: Ôi! Sao người ta đâu có cần vận động, tuyên truyền, hô hào cho một cái xã hội tối ưu, thế mà người ta đạt được rất nhiều thành quả mà những người lãnh đạo “cổ hủ” kia từng mơ ước! Nhìn vào những người già an nhàn, không lo lắng cho mình về vật chất cũng như tinh thần, nhìn vào những đứa trẻ con được nuôi nấng đầy đủ, chăm sóc, đi đến trường không tốn tiền (nếu đừng đi vào các trường tư thục), sinh viên được cho mượn tiền đi học, nhất là những người cô đơn phải nuôi con hay người tàn tật, sao họ được ưu đãi đến thế. Tôi lại nhớ đến câu thơ của Tố Hữu: “Sữa để em thơ, lụa tặng già” mà mủi lòng! Đâu phải cung cấp hàng theo tiêu chuẩn, người nhận đâu phải cầm giấy tờ đến nơi phân phát để được ban phát. Họ được cung cấp tiền để muốn mua gì thì mua, trẻ con được mua nhiều thứ chẳng riêng gì sữa; người già muốn mua bao nhiêu lụa lại chẳng được. Té ra xã hội của người ta đã biến đổi quá xa so với những gì mà các người dẫn đường cố gắng để đi tới. Vượt chông gai bao năm để rồi đoàn người cứ lẩn quẩn trong đấu tranh nội bộ, chống hết tiêu cực nầy đến tiêu cực khác, sửa sai lầm liên miên mà chưa hề khắc phục được. Tổ chức của mình càng ngày càng tệ hơn thôi. Đúng là con người không vượt qua ba điều mà Đức Phật đã chỉ rõ: Lòng Tham. rồi đến Sân Hận và Si Mê. Chỉ nội trong cái Lòng Tham thôi biết bao nhiêu cuộc tham nhũng, hạch sách, đòi hỏi, lũng đoạn tiền bạc của người dân, kết cấu với người bên ngoài để làm tiêu tan, hao mòn đất nước. Từ một tổ chức được cho là cống hiến, thanh liêm trở nên một bầy đàn cấu kết, bao che cùng nhau phá hoại, làm giàu trên sức lao động của biết bao người. Thế nhưng chẳng ai chịu cha ăn cướp bao giờ!

Chuyện đời ai cũng vậy, với kết quả tốt thì người ta giành về mình, những gì xấu xa hay bất lợi thì đổ về cho người khác, mặc dù do chính mình gây ra từ vô tình hay cố ý. Đó là điều mà người đời gọi là vô ý thức và thiếu trách nhiệm! Nhất là khi mà người làm ra tránh né để bảo tồn vị thế và quyền năng của mình, nếu không là được bao che thêm do từ người phía trên.

Đó là sự chối bỏ các hành động còn tương đối gọi là nhẹ nhàng, còn có những chuyện dữ dội hơn là người ta giống như kẻ cướp, cướp hay chiếm đoạt, áp bức mà cứ cho mình như là người nhân đạo giúp người. Người ta trở nên dối trá, giở những thủ đoạn nhằm chiếm lấy sự chiến thắng.

Từ lúc nhỏ, Đồ Ngông tôi từng chứng kiến, đôi khi cũng đã là nạn nhân của những đứa trẻ nhỏ bị mấy thằng lớn hơn bày đánh. Chúng luôn đổ thừa cho kẻ yếu, nhỏ hơn là khêu khích, trêu chọc nên chúng mới đánh. Bạn có tin điều ấy không? Tưởng các chuyện ấy chỉ xảy ra trong thời con nít, nhưng đến khi lớn lên thì không phải vậy. Từ những chuyện được viết ra trong truyện Tàu của các triều đại mà mình đã đọc, cho đến thực tế ngoài đời cũng không khác gì xa lắm! Chuyện các nước lớn khuấy động nước nhỏ chư hầu của mình để tìm cớ đánh nước nhỏ khác đã xảy ra giống như trong truyện. Chắc người Việt mình không lạ với chuyện của Kampuchia tàn phá, giết chóc ở biên giới phía Nam, để rồi Việt Nam tiến sang Kampuchia diệt nhóm Polpot, và Tàu lấy cớ “Dạy cho môt bài học”, và “Do nước nhỏ ăn hiếp nước lớn” mà đánh Việt Nam. Đúng là vừa “ăn cướp vừa la làng”!

Chuyện không phải dừng ở lại những trường hợp như vậy, mà còn tiến xa hơn nữa; nhất là trong thời hiện đại khi mà một nước lớn hùng mạnh lại muốn chiến thắng trên mọi lĩnh vực để trở thành “bá chủ võ lâm” như trong các truyện kiếm hiệp của Tàu, thì người ta lại càng tinh vi hơn. Chính vì vậy mà họ không từ bỏ mọi thủ đoạn, hình thức để giành được chiến thắng; thực hiện mưu đồ. Trong lịch sử chứng minh “Muốn thắng được địch thì phải hiểu rõ kẻ địch theo binh pháp Tôn Tử: “Biết địch, biết ta trăm trận trăm thắng” cho nên mọi phương thức thu thập tình hình của giặc là cần thiết bằng mọi thủ đoạn từ tình báo, giao hảo thân thiện, lợi dụng sơ hở, cài người vào mọi phương diện du lịch, ký giả, nghiên cứu văn hóa, doanh nhân thương mại, du học sinh…Nói chung là trên bất cứ hình thức nào đều cũng có thể thu thập tin tức được cùng với mua chuộc, hối lộ người địa phương cộng tác với họ. Nhưng nếu đổ bể thì họ đều chối bỏ giống như họ không từng làm: “Ai chịu cha ăn cướp bao giờ”!

Tùy theo tình hình thuận lợi hay không mà họ có kế hoạch tiến hành; “lùi một bước để tiến hai ba bước” khi tình hình trở nên khó khan; nhưng chung cuộc vẫn không chùn bước, chờ thời cơ đến. Để chiến thắng trong cuộc chiến tranh và đại cuộc họ sẽ nghiên cứu đến những thứ tối ưu trong hiện thời từ vũ khí, quân sự, nhân lực đến kỹ thuật, khoa học lẫn y học. Người ta có thể nghiên cứu đến “chiến tranh vi trùng” để tàn phá đối phương. Nếu một mai rủi ro thì họ chỉ đổ thừa vào thiên nhiên và hủy mọi bằng chứng, chối bỏ mọi sự kiện mặc dù chuyện xảy ra bắt đầu kế bên, hay ngay tại những phòng nghiên cứu về sinh học. Ai chịu cha ăn cướp bao giờ!

Đôi khi người ta lại gian lận trong những cuộc bầu cử để tạo nên ưu thế cho đảng phái của mình trên cương vị lãnh đạo, nhưng bao giờ họ cũng cho rằng là mình công bằng, minh bạch, chính đáng và luôn cản trở mọi hình thức kiểm tra lại. Thế thì: Tại sao? Chẳng qua: “Chẳng ai chịu cha ăn cướp bao giờ” và luôn để giành phần thắng về mình!

 

Đồ Ngông,

24/06/2021.

 

 

 


Tuesday, May 25, 2021

*Đảng "Cướp Của Nhà Giàu Chia Cho Nhà Nghèo"!


Ngày xưa, lúc tôi còn bé thì đã có nghe người ta nói đến Đảng “Ăn cướp nhà giàu chia cho nhà nghèo” mà tôi chẳng biết gì cả. Dù mang nhiều thắc mắc nhưng không biết hỏi ai, và không biết vì sao? Rồi lớn hơn chút ít nghe mấy người lớn trong thôn xóm thường nhắc đến những “anh hùng hảo hớn” để nói đến những người tương đối có sức mạnh, ưa xâm trên mình, tay chân những hình thù lạ lẫm, thích có các hành động mạnh, đa số thường có võ nghệ. Đến khi Đảng “Cướp Rừng Xanh” được báo chí hay đề cập đến, mà nơi đóng doanh trại của họ không xa làng quê tôi lắm thì tôi mới nghe nói nhiều đến “cướp của nhà giàu chia cho nhà nghèo”, và dù gì nó vẫn không qua khỏi danh từ “Đảng cướp”. Rồi từ ngày anh em ông Bời, ông Liễu “bị” chết đi thì Đảng ấy tan rã. Sau nầy Đảng cướp ấy được nhắc lại trong phim gì đó, hình như trong phim “Ván bài lật ngữa” thì phải? Điều ấy tôi không chắc lắm! Tuy nhiên, với những người sống trong vùng của họ xem họ giống như những “anh hùng hảo hớn” đôi khi nói trại ra là “anh hùng hảo hán” thế thôi! Những vụ cướp họ làm ấy có kết quả ra sao và có chia cho người nghèo không thì không mấy người biết, nhưng ít ra họ cũng là những kẻ cướp, chuyên đi ăn cướp của người khác, đôi khi cũng giết người. Chính vì vậy mà Đảng của họ phải bị loại trừ do chính quyền đương thời!

Đến khi lớn hơn chút nữa thì tôi được nghe nhắc đến tác phẩm “Thủy Hử” trong kho truyện Tàu (mà người dân Việt Nam ưa thích từ trong dân gian cho đến các học giả hay đọc, nghiên cứu), nhất là sau khi các truyện đó được in ra bằng “Chữ Quốc Ngữ” thì sự phổ biến được lan truyền ra khắp dân gian theo trào lưu phát triển của Chữ Quốc Ngữ. Đối với tác phẩm “Thủy Hử”, các nhân vật thường được xem là “anh hùng”, do đó mới có câu “một trăm lẽ tám anh hùng Lương Sơn Bạc” với những mưu mẹo, thủ đoạn, sách lược mà họ thực hiện dù là qua ngòi bút của Tác Giả Thi Nại Am (hay là La Quán Trung?). Bộ truyện nầy sau tôi biết được là những nhà quân sự lẫn chính trị tìm đọc để nghiên cứu các sách lược, mưu mô trong đó nhằm giúp cho con đường thực hiện đường lối của họ, cùng với hai bộ truyện khác là Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa cùng Đông Châu Liệt Quốc. Điều biết là như vậy, nhưng mãi nhiều năm sau, khi lâm vào cơn bệnh dài ngày, tôi mới có dịp dùng thời gian ấy để tìm đọc được chúng. Từ đó tôi mới hiểu được chút nào về “anh hùng hảo hớn” và liên hệ vào “ăn cướp của nhà giàu chia cho nhà nghèo”, tuy nhiên tinh thần ấy cũng không rõ ràng bằng câu chuyện “Robinhood” của phương Tây.

Trong dân gian, người ta thường đánh đồng “ăn cướp” nhà giàu chia cho người nghèo với người bênh vực chống bất công đối với những người có quyền thế làm giàu bằng áp bức, bốc lột, cướp của bằng công sức của người khác. Nhóm cướp đi ăn cướp những nhà giàu là những nơi có tiền của mà vẫn không phân biệt dù là các gia đình ấy phải lao động cật lực ra để giàu có. Họ cũng đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới tạo được cơ nghiệp! Còn việc chia cho người nghèo được bao nhiêu thì ít ai biết được, nhưng có điều chắc chắn là họ sẽ giữ lại phần lớn tiền của nào đó để cung ứng cho chính họ và tổ chức bù vào công lao, công việc nguy hiểm mà họ dấn thân vào!

Đến khi cuộc chiến tranh tương tàn, tàn khốc trên đất nước chấm dứt, đất nước bước vào thời gian hòa bình, thống nhất, dân gian có nhiều người cho rằng: Từ đây người ta không phải cực khổ nữa, nhà nước sẽ lấy của nhà giàu chia cho người nghèo để rồi ai cũng sẽ như ai. Nhưng không, tất cả đều khác đi! Tất cả đều do nhà nước quản lý, nhân dân phải bươn chãi: “Lao động là vinh quang, lang thang là chết đói”. Người dân chia ra nhiều thành phần, tiêu chuẩn khác nhau, hưởng quyền lợi, được đối xử cũng khác nhau. Các tổ chức mới được tiến hành khiến mọi tiến triển bình thường của xã hội trước kia đình trệ, gần như ngưng hẳn để đợi chờ cho cuộc cải tạo theo cách mới. Dân chúng phải lâm vào mọi tình huống khó khăn. Để sinh tồn người dân đã phải làm đủ mọi cách để kiếm được tiền, thực phẩm cung ứng cho chính mình và gia đình, nạn buôn nhỏ hay buôn lậu theo các ngõ ngách được tiến hành, kể cả những vụ cướp bóc, giết người cướp của. Từ vấn đề chính trị lẫn kinh tế, dân chúng đã làm một cuộc “đào tẩu” vĩ đại trong lịch sử của dân tộc; dù trước đó, vào thời gian chiến tranh ác liệt, không mấy người bỏ nước ra đi! Người ta phải vượt rừng sâu, biển cả để sang xứ người dù phải hi sinh đến mạng sống. Đó là do sự áp dụng vào thực tế của một chủ nghĩa được cho là “tốt đẹp nhất” của loài người! Và chủ nghĩa ấy đã bị sụp đổ vào những năm sau đó ở trên phần đất sản sinh ra nó.

Tuy nhiên, sau khi đến được xứ người, tôi lại tiếp xúc được một chế độ thoải mái hơn nhiều: Người dân luôn được tôn trọng, giúp đỡ, được hưởng tự do, hạnh phúc cùng những điều mà người Cộng Sản mơ ước thực hiện. Cái xã hội ấy không cần tuyên truyền, hô hào ầm ĩ, không cần phải bóp nghẹt đời sống của người dân; không phải chuyện nhà nước quản lý, quốc hữu hóa xí nghiệp, tổ chức thương nghiệp để người dân xếp hàng đi mua nhu yếu phẩm theo tiêu chuẩn; không có hợp tác xã nông nghiệp gì cả và nhất là không cần đến “sự áp bức, trấn áp” của lực lượng đặc biệt an ninh trong guồng máy tổ chức của chính quyền. Xã hội ấy là một xã hội vẫn còn các cơ cấu như là một xã hội Tư bản, nhưng những người tàn tật, cô đơn được chế độ ưu đãi giúp đỡ; người không có việc được trợ cấp để sinh sống, chi phí trong lúc đi tìm việc; được hưởng chế độ y tế từ khám bệnh cho đến bệnh viện tùy theo lợi tức của mình; trẻ con, người già được quan tâm, giáo dục công cộng không phải trả tiền. Sinh viên ở Đại học được cho mượn tiền để theo đuổi sự học, khi ra làm sẽ từ từ hoàn trả lại sau…Nói chung sự tổ chức xã hội như là mô hình mơ ước của người Cộng Sản theo đuổi. Tuy nhiên, cái Tổ chức đó khiến tôi lại nhớ về câu chuyện mà tôi đề cập đến trong bài nầy, ấy là chuyện “Cướp của nhà giàu chia cho nhà nghèo”. Cái vấn đề là lấy tiền ở đâu ra để nhà nước chi phí trợ cấp cho rất nhiều người như vậy? Tất cả những người già, trẻ con, tàn tật, người neo đơn lại thêm lực lượng thất nghiệp; cùng với những mạng lưới các tổ chức phục vụ cho xã hội cùng với chi phí khám bệnh, bệnh viện cho người dân cùng các trợ cấp khác. Đó là chưa kể đến các chi phí cần thiết để sử dụng cho quốc gia. Nếu nghĩ kỹ một chút ta sẽ thấy các chi phí khổng lồ ấy từ đâu? Từ tài nguyên quốc gia, từ tiền thuế của các công ty, xí nghiệp, từ tiền thuế của những người đi làm,..Như vậy sở thuế chính là “Một tổ chức cướp của nhà giàu chia cho nhà nghèo”.

Sở thuế là Tổ chức của Chính phủ căn cứ vào lợi tức của xí nghiệp, công ty, cá nhân đi làm mà tính thuế theo tỉ lệ hợp lý, nhưng để chi cho các khoản chi các phúc lợi xã hội mà người dân được hưởng thì số thuế phải đánh cao hơn với những ai có lợi tức, lấy đó cung ứng cho người khác. Bỡi thế mà người đi làm đóng thuế phải chịu thuế thật nhiều khiến cho người đi làm phải nghĩ đến “nên làm nhiều hay làm ít”? Còn những ai được hưởng các phúc lợi xã hội thì họ “thấy sướng thì cần gì phải làm” hay “đi làm chẳng có lợi bao nhiêu” nên xảy ra điều tiêu cực xảy ra. Nếu suy nghĩ một chút xa hơn ta sẽ thấy một sự bất công ngấm ngầm trong xã hội: “Không phải người nghèo bị bốc lột mà chính là những nhà giàu” hay đúng hơn là những người “đi làm, đóng thuế” bị bốc lột để cung ứng cho xã hội. Điều đó khiến cho tôi nghĩ về giai đoạn mà Marx gọi là “Cộng sản nguyên thủy” của thời kỳ sơ khai của loài người, mà nơi đó đã chính vì “sự bốc lột của những người muốn ở không mà hưởng đối với người siêng năng làm việc” mà xã hội Cộng sản ấy bị ta rã để bước sang Thời Kỳ Tư Hữu. Bao nhiêu người siêng năng bỏ công sức lao động của mình, làm cật lực để xây dựng điều gọi là “Tư hữu riêng tư”! Và đối với những quốc gia có Đảng gọi là Đảng Cấp Tiến (như Lao Động, Dân Chủ) là những Đảng chú ý đến phụ giúp người dân “nghèo” nhiều thì Đảng ấy sẽ sử dụng ngân sách của quốc gia chia cho người dân nhiều hơn; vì thế mà người ta gọi Đảng ấy là Đảng Xài Tiền. Còn Đảng ngược lại phải tìm cách đem tiền “đền bù” lại cho ngân sách nên được gọi là Đảng Kiếm Tiền. Thật là oái oăm cho con đường Chính Trị!

Đồ Ngông tôi cứ nghĩ ngông như vậy! Không biết là chuyện xã hội thật đúng hay sai? Thôi thì, mình cứ nghĩ tới đâu thì tới! Bàn chuyện tào lao cho nó vui vậy mà!

 

Đồ Ngông,

2205/2021.

 

 

 

Saturday, April 24, 2021

*Chuyện Về Báo Chí!

 

            Thú thật, Đồ Ngông tôi chẳng biết gì về chuyện báo chí! Nhưng duyên tự nhiên thì một ngày lại biết về nó và cũng được tham gia trong một thời gian dù không là dài. Lúc còn học trong nhà trường, Đồ tôi cũng tập tành viết bài cho “bích báo” theo tiếng Hán Việt ngày xưa, hay “báo tường” cho ngôn ngữ ngày nay, hoặc đúng hơn là các bài được viết trên khuôn khổ một tờ giấy lớn, rồi dán hay treo lên tường để cho mọi người thích đọc đến đứng mà đọc, coi chơi: “Chúng viết cái gì” trên đó! Do không có khiếu về văn chương, và không biết viết câu chuyện như thế nào để coi cho là được, vì vậy mà kết quả bị ông thầy loại ra. Có lần Thầy phụ trách bóng gió là học lớp lớn mà viết như là con nít, dù không biết đích xác là mình, nhưng linh cảm lại “chính là hắn, không sai khác”!

           Từ ấy, tôi không hề nghĩ đến chuyện văn chương, thơ thẩn. Rồi đến một ngày, khi biết yêu một cô nàng, nhưng hoàn cảnh khá éo le, Đồ tôi đành làm bài thơ chia tay mà lại “ca” gọi là “Chín khúc ca” để làm kỷ niệm của một thời mới lớn và biết yêu! Đó có lẽ là bài thơ đầu đời của Đồ Ngông tôi xuất hiện! Sau đó, vào những lúc buồn tình hay ngẫu hứng thì cũng thơ thẩn chơi chút nào thôi, mà cũng chẳng hề cho ai biết!

           Vài năm sau có biết ông thầy cũ của mình đã gặp “xì căng đan” ở trường năm nào, do một thằng học trò ngỗ nghịch ở lớp Đệ Tam (lớp 10) kêu anh nó là lính Dân Vệ địa phương, làm khó dễ và đánh ông. Khi được về Sài Gòn ông lại trở thành một nhà báo viết cho tờ báo nào đó với bút danh là “Tư Trời Biển” chuyên vạch trần những sự áp bức, bất công. Thì ra, trong xã hội có nhiều trường hợp “bức ép” người ta quá mức, khiến cho vài người có điều kiện thuận lợi họ nhảy ra với “những hành động” chống lại, công khai cho mọi người, dân chúng biết để xã hội nầy được tốt đẹp hơn!

           Thế rồi, theo dòng đời dong ruổi, mình cứ sống theo những gì mình hiện có, khả năng mình được tự lúc sinh ra để làm hành trang cho cuộc sống. Nhiều khi cái hoàn cảnh tạo cho mình một cái nét “gàn gàn, ngông ngông, bướng bướng không còn là một đứa trẻ dễ thương như ngày trước” khiến người ta phải nhức đầu, khó chịu. Nhưng dù sao “vẫn là một người có tâm tốt”, đó là theo ý kiến của nhiều người bên ngoài nhận xét! Mang đặc trưng, bản chất ấy đi vào đời từ quê nhà cho đến xứ người trong những thời gian đầu. Sau vì để thích nghi trong môi trường mới cũng như “do thân lẻ loi’ nơi đất khách quê người, mình phải thay đổi cho hợp, vì thế mình phải nhìn lại mình, giống như một người “tu” trong Đạo Phật!

            Ai cũng có một “Định Mệnh”! Cái phức tạp “tranh giành, thọc mạch, nịnh hót, ganh ghét…” của đời người có khi xảy ra lắm phiền phức. gây điều tai họa, hiểu lầm. Tôi “lâm vào tình cảnh như vậy” và khiến mình phải dành thời gian để suy nghĩ về nó. Từ trong “bóng tối” ấy, tôi đã thấy được bóng sáng của một cái tự nhiên nào đó, rồi ấp ủ “sẽ có một ngày” phải viết lên, chia sẻ với mọi người về điều ấy. Sau đó, giấc mơ tự nhiên gặp “nhân duyên” trở thành hiện thực! Từ một bản tin nhỏ nhoi sang tờ báo địa phương, bắt đầu cho Đồ tôi đi vào “chuyện báo chí”, kể cả báo chí Liên bang hay những trang “Web” được phổ biến trong thế giới ngôn ngữ Việt ở một vài lĩnh vực phổ thông! Trên bước đường, Đồ Ngông tôi đã học được nhiều vấn đề để mình có thể hiểu hơn về những thủ đoạn trong ngành báo chí, cũng như cách đánh máy, trình bày dù không trải qua một trường lớp mà chỉ là “học lóm” mà thôi!

            Như ở trên, Đồ tôi có kể về chuyện ông Thầy dạy cũ trở thành nhà báo “Tư Trời Biển” viết về những chuyện “hà hiếp dân lành”, “bất công trong xã hội” để nhằm ngăn ngừa một số hiện tượng xảy ra thường xuyên trong xã hội. Ông thầy ấy đã vốn có kiến thức vì từ trường “Đại Học Sư Phạm” mà ra, có bạn bè là những người hoạt động xã hội có tiếng lúc bấy giờ như Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang chẳng hạn, và có đủ điều kiện để phất cờ. Sau nầy, tôi được một anh bạn có học trong ngành báo chí cho biết có nhiều người cũng chuyên viết về các mục “người hà hiếp người” mà trở nên khá giả, giàu có. Tôi ngạc nhiên hỏi anh, thì anh cho biết vì những người sắp bị “phanh phui” trên mặt báo, họ sẽ tìm gặp để điều đình bằng món tiền phải trả để loạt bài “ngưng lại”. Đó là chuyện tôi biết đầu tiên về báo chí.

            Qua thời gian, khi tôi bắt đầu những bài thơ vui chơi và cũng là thử sức khả năng làm thơ của mình tới đâu nên tôi gởi các bài thơ mới “ra lò” cho tờ báo “biếu của địa phương”. Trong các bài thơ đó có mấy bài can ngăn sự xung đột của vài người trong Cộng Đồng, nhưng khi báo phát hành thì mấy bài thơ ấy có bị sửa chữa vài câu mà theo ý thì tôi lại đứng về phe chửi người khác. Đồ tôi có nói với chủ báo thì họ chỉ nói: “Sửa như vậy cho ý nó hay hơn”. Tôi đành chịu thua và tự nhắc lòng “phải cẩn thận” trong những lần sau. Thế là từ đó Đồ tôi rất cẩn trọng để gởi bài: Đối với những bài thông thường phổ thông tôi không sợ bị sửa bài, đổi chữ. Nhưng với những bài có liên hệ Cộng Đồng, xung đột thì tôi không gởi, hay không tham gia. Tuy nhiên, có lần tôi lại học thêm một điều quan trọng khác của ngành báo chí!

            Vốn là sau cuộc bầu cử Ban Quản Trị Cộng Đồng của Tiểu Bang, với những thủ đoạn cũng như thủ thuật của đôi bên, bên thua liền nghĩ đến chuyện ra một tờ báo biếu mới của địa phương, vì “muốn làm chính trị” mà không có tờ báo để làm hậu thuẫn thì khó mà thành công. Thế rồi cả hơn chục người hùn nhau, mua máy in, tìm người, nhân sự để thành hình một tờ báo mới. Sự “tranh ăn” hai tờ báo được khởi đầu với những bài viết bài bác chửi bới nhau tạo nên tình trạng phân hóa trong Cộng Đồng. Cả tháng sau, Đồ Ngông tôi mới có bài gởi lên để can thiệp cho tình trạng đang xảy ra bớt nghiêm trọng đi. Qua bài thứ nhất và bài thứ nhì sự xung đột khựng lại, mọi người ngạc nhiên vì có người dám can thiệp vào vấn đề. Thế rồi bài thứ ba, tôi chỉ gởi cho một tờ báo có lúc trước mà không gởi cho tờ báo mới. Khi đến chỗ làm tôi có kể lại cho anh bạn rành về báo chí nghe, anh bảo: “Chết rồi! Trong luật báo chí thằng nhà báo nó có thể sửa bài của anh theo ý nó, không khéo nó sửa bài để chửi người ta. Khi chuyện xảy ra rồi coi chừng anh mang tiếng mà nếu anh phàn nàn thì nó nói: “Đó là lỗi của người đánh máy hay nó viện dẫn lý do nào đó để sửa bài của anh thì chuyện đã rồi”! Nghe thế, tôi vội điện thoại đến tờ báo xin đình chỉ bài, để viết lại cho mạnh hơn. Chiều về tôi ghé qua tòa soạn, chủ báo cho tôi biết đã gỡ bài ra khỏi tờ báo kỳ nầy rồi, đợi tôi viết bài lại, anh còn chỉ cho tôi cái chỗ “lay out” được thay bằng bài khác. Nhìn thoáng qua bài thì anh đã sửa một đoạn để chửi người ta rồi! Từ đó, Đồ Ngông tôi rất e dè khi gởi bài cho các tờ báo để đăng. Chuyện xảy ra thật “hú hồn”!

            Dù chỉ là đóng góp ít ỏi bài vào các tờ báo, tập san vui chơi, nhưng Đồ Ngông tôi cũng học được khá nhiều về các thủ thuật hay thủ đoạn của những người làm báo để điều khiển dư luận, hoặc đem cái lợi về cho chính mình qua bạn bè và người có học về ngành báo chí. Từ đó tôi lại nghĩ về tư tưởng “mọi sự do Tâm tạo” trong Đạo Phật: Khi Tâm con người tốt thì những gì người ta viết ra, phổ biến trên mặt báo hay phương tiện truyền thông sẽ tốt và đem lại ích lợi cho nhiều người; nếu Tâm người không tốt, thủ lợi thì sẽ khiến cho số người lầm lạc không nhỏ. Đó là điều mà trong chiến tranh, báo chí đã thiên lệch và đem chiến thắng đến cho phe mà họ muốn. Và mới đây, nhất là trong cuộc bầu cử năm 2020 trên đất Mỹ, trên cái xứ được xem là Tự do và Công bằng, mẫu mực mà thế giới nhìn vào, đã xảy ra các điều mà người ta không thể ngờ: Ngay cả ông Tổng Thống bị báo chí và đám Big Tec “bịt miệng” và “bị đặt điều” để bêu xấu nhằm triệt hạ, loại hẳn ông ra và bao che cho phe được họ ủng hộ!

            Ôi! Đó là “Lương Tâm” của những người làm báo, ngành báo chí lẫn ngành truyền thông! Đáng sợ thật!

 

           Đồ Ngông,

           25/04/2021.

 

 

 


Sunday, April 18, 2021

*Khuynh Hướng!

 

Khuynh hướng thế giới này

Người thích lãnh đạo thay

Ở trên đầu thiên hạ

Bày ra chuyện từng ngày!

 

Tiền tha hồ thu gom

Bắt dân phận gối rơm

Không được quyền than vãn

Mặc thân thể gầy còm!

 

Đè dân ra mà cướp

Cướp như lũ cướp ngày

Lại giống bọn cướp đêm

Nhằm thoả mãn mộng dài!

 

“Cho dân” đâu chẳng thấy

Chỉ thấy một “bầy sâu”

Cùng thân chuột cắn phá

“Một nước” cảnh thảm sầu!

 

Đồ Ngông,

15/04/2021.