Monday, November 25, 2024

*Chuyện Con Bò!

 

Nhớ hồi còn nhỏ, ông Nội thường hay lấy xe đạp chở tôi đi đây đi đó, có khi về thăm ông bà Cố, có khi đến nhà ông Chín chơi, có khi đi chợ để ông mua ít đồ. Điều ấy có thể vì tôi là đứa cháu nội trai đầu tiên của ông chăng? Người ta thường nói tôi là cháu đích tôn của ông cho nên được ông thương nhiều! Ừ, thì cứ coi là như vậy đi, mà quả thật ông thương tôi nhiều lắm! Đi đâu ông cũng thường chở tôi theo! Đến một ngày nọ, ông chở đi qua xóm Hàng Tre Dài để thăm người quen bên ấy, khi đến một đoạn đường cát, hơi trũng thấp mà hai bên là những bờ đất cao có cây giống như rừng mà ông nội nói đó là cái truông, ở đây cát khá nhiều, khó chạy xe, nên ông nội và tôi phải xuống đẩy xe đi bộ cho qua khỏi nơi nầy. Chưa bao xa thì nghe tiếng la ỏm tỏi, lẫn tiếng chửi thề và tiếng roi quất lia lịa. Khi tới nơi đó thì mới thấy có người đánh lên mình con bò tới tấp, còn con bò thì nằm mẹp xuống đường, mặc cho người chủ đánh bao nhiêu thì đánh, còn đầu trước của xe thì nghiêng một bên vì con bò bên kia còn đứng bên đó, tất nhiên là xe không thể đi được. Ông Nội thấy vậy mới hỏi người kia:

-Năm à! Làm sao mà mầy đánh con bò dữ vậy?

-Nó trở chứng bẽ nài rồi chú, tới đây cái nó không chịu đi nữa, làm sao chở đồ về được!

Chú năm nầy hồi nào giờ tôi chưa được gặp, nên không biết chú, nhưng chắc chắn là ông nội có quen rồi.

-Mầy bắt nó chở nhiều, nặng quá, coi chừng nó bị bể rồi mai mốt khó bắt nó kéo xe được nữa. Thôi đừng đánh nó nữa. Mầy nên chống tó để xe ở đây, xong mầy dẫn hai con đi ăn cỏ, nghỉ ngơi một chút xem sao, rồi dẫn nó lợi bắt vô ách coi như thế nào. Chứ mầy đánh hoài thì nó cũng nằm ì như vậy thôi. Nếu không được thì mượn bò ai đó để kéo xe về! Xe thì chở nặng, đường cát quá, lại lên dốc nữa, bò nhỏ khó kéo lên nổi. Thôi mầy thử làm như vậy coi sao?

Nội nói xong thì hai ông cháu cũng sắp qua khỏi vùng cát và dốc, tôi trèo lên ba-ga ngồi để ông nội chở đi tiếp.

Khi về nhà thì đã chiều rồi, nên sau cơm nước xong, ông nội hỏi tôi: “Con muốn biết tại sao hồi xế con bò đó không chịu kéo xe nữa không? Muốn biết thì lợi đây ông nội kể cho con nghe”. Tôi đến bên ông nội đang ngồi trên võng, rồi ông đỡ ngồi trong lòng của ông. “Nè, con có muốn bị đòn như con bò không? Người ta nói lì như bò nên nó bị đòn quá chừng mà không chịu đứng dậy, vậy con có lì không?”. Tôi lắm léc: “Con không muốn bị đòn”. “Vậy thì con đừng lì nhen”, “Dạ, con không dám lì”. Rồi ông nội kể:

“Con bò cái đẻ ra con bò nghé, khi nó lớn lên, tới cái độ có thể kéo xe được thì người ta kiếm hay mua một con nữa bằng với nó, để rồi người ta dợt, hay tập cho chúng có thể kéo xe. Lúc đầu chưa bắt chúng vào xe được, nên chỉ cho hai con mang cái ách lên cổ chúng. Thoạt đầu còn phải có người dắt ở phía trước cho chúng đi quen dần, còn một người ở phía sau cầm dây mũi, là dây cột vô dây xõ mũi nó đó điều khiển. Điều khiển như thế nào, con biết không?”, “Con hỏng biết”. Đi như bình thường thì người ta thả lỏng hay sợi dây, khi nào muốn quanh bên phải thì người ta kéo dây mũi con bên phải cho con phải đi chậm lại và hô “ví” cho con bên trái đi mau lên. Và khi muốn quanh bên trái thì kéo dây mũi bên trái cho con trái đi chậm lại và hô “thá” cho con phải đi nhanh lên thì nó quẹo trái. Tại sao kéo dây mũi của bò con biết không? Lúc trước ông nội có kể cho con nghe chuyện con bò bị xõ mũi đó. Kéo nhẹ dây mũi cho nó đau để nó đi chậm lại, còn muốn nó đi mau thì lấy roi đánh vào mông đít, hoặc bò lớn thì người ta xài cây đót, là cái cây dài mà đầu có gắn cây đinh hay mũi nhọn chích vào đít, nó đau nên phải đi mau thôi; còn “ví” là kêu con bên trái, “thá” là con bên mặt hay phải đó”.

Hớp xong một miếng nước, ông nội nói tiếp:

“Khi quen rồi, không cần người dẫn ở phía trước nữa, chỉ người điều khiển ở phía sau thôi. Trong một thời gian chúng thuần thục, nhắm chừng chúng có thể kéo xe được thì người ta mới bắt vào xe. Nếu có xe nhẹ nhàng hơn thì tập cho nó lần lần, nếu không thì cho nó kéo xe không, không có chở đồ. Qua thời gian nữa thì chở ít, rồi tăng lần lên đến khi nhuần nhuyễn. Nhưng con có biết tại sao con bò hồi xế bị đòn không?”.

Tất nhiên là tôi không biết rồi, cứ nhìn vào ông nội. Ông kể tiếp:

“Thông thường, cặp bò nào cũng kéo xe sau khi tập cho nó quen rồi, nhưng không phải con bò nào cũng dễ dàng như vậy, có con thì chịu đựng giỏi, có con khá lười biếng, có con hay “phá bĩnh” là hay trở chứng, với những con nầy sự kéo xe của nó đôi khi trở nên khó khăn, gây trở ngại nhiều cho người chủ. Với con hồi xế mà con thấy đó, có thể giống như loại con bò mà ông nội vừa nói, nhưng nó cũng có thể vì sức nó yếu hơn con kia mà ông chủ bắt nó kéo xe, chở nặng nhiều quá, lại đường cát, lên dốc nữa nên nó mệt đi không nỗi, dù cho ông chủ có đánh nó bao nhiêu đi nữa, nó vẫn nằm ì chịu trận mà thôi. Không khéo nó chết đi thì chỉ có nước bán cho lò giết bò làm thịt để bán, vì vậy mà ông nội kêu chú ấy mở bò ra cho nó đi ăn trong chốc lát, vừa nghỉ ngơi vừa lấy lại sức để tiếp tục kéo xe. Nếu ép nó làm nhiều quá, mai mốt nó bị “bể” luôn, “bể” là nó sợ, nhát mỗi khi mình tra ách vào cổ nó thì nó sợ, nó cứ muốn tránh ra, không chịu kéo xe nữa, lúc đó mình cũng chỉ bán nó cho lò làm thịt thôi. Mà thói thường con nào giỏi, làm nặng được, kéo xe nhiều, bền bỉ thì được chủ ưa thích, bắt làm nhiều. Mà cứ làm nhiều thì con đó sẽ mệt mỏi và bị đót chích vào đít hay bị đánh nhiều hơn. Do vậy, người chủ thích mua những con bò tốt như thế, cho nên họ cần phải nhờ đến những người lái bán bò lựa chọn cho họ những giống tốt như bò bô chẳng hạn, vừa to, vừa khỏe để làm được nhiều, mà con nào không phải trở chứng “bẻ nài” nên mấy ông lái bò phải biết “coi xoáy” bò nữa để chọn lấy bò tốt mà bán cho người ta. Xoáy là những vòng lông xoay tròn giống như cái xoáy trên đầu con đó, nhưng mấy ông lái mua bán bò họ coi xoáy trên khắp mình con bò để định xoáy nào tốt, xoáy nào xấu để định biết con bò đó có thể không chịu kéo xe nửa chừng hay không? Nội nói con có biết hông?”. Thực sự lúc ấy tôi chẳng biết gì, ông nội nói thì ông nói, tôi nghe thì cứ nghe vì tôi còn quá nhỏ. Lớn lên khi tiếp xúc với ngoài đời, tôi mới hiểu dần mấy điều ông kể. Nhưng điều tôi nhớ nhất là sau khi kể câu chuyện, ông hỏi tôi: “Con có bao giờ muốn làm con bò không?” rồi ông cười, trong lúc tôi trả lời: “Con hỏng chịu đâu!”.

 

Đồ Ngông,

05/08/2024.

 

Sunday, November 24, 2024

*Cuốn Theo Chiều Gió! (5)

 

Ở trên chúng tôi đã tìm hiểu và ghi lại con đường truyền bá Đạo Phật về phương Nam do những người Thượng Tọa Bộ hay Đại Chúng Bộ truyền qua Sri Lanka (Tích lan) rồi đến các vùng Đông Nam Á mà ngày nay người ta thường gọi là Phật Giáo Nguyên Thủy, giữ nguyên hình thức bình bát và khất thực như thời của Đức Phật, nhưng không phải là Du Tăng nữa mà họ vẫn có chùa hoặc là Tịnh Thất, Tịnh Xá…Kinh điển là Kinh Nikaya viết bằng chữ Pali. Còn đường truyền bá về Phương Bắc dùng đến Kinh A Hàm ghi lại bằng chữ Sankrit (chữ Phạn) tương đương với Kinh Nikaya của Nam Truyền; cùng với các Bộ Kinh khác gọi là Phương Quảng. Thực ra, chia thành hai nhánh Bắc và Nam hay gọi nhánh Nam là Tiểu Thừa (như Cổ xe nhỏ, chỉ nhằm giải thoát cá nhân, ít người); và Đại Thừa (Cổ xe lớn nhằm giáo hóa, giải thoát cho nhiều người) chỉ là cách tương đối thôi. Vì Đạo Phật ở Trung Ấn Độ dưới thời vua Ashoka (A Dục) và vua Kaniska rất được phát triển, không những trong nước mà các Tu Sĩ còn đi ra nước ngoài để truyền bá giáo lý, cho nên từ Trung Ấn đạo Phật được truyền về Phương Nam qua các địa phương Avanti, Maharastra, Andhra, Chola, Nam Ấn vào Sri Lanka được xem như là sự truyền bá chính yếu của Tiểu Thừa Nam Tông, tuy nhiên về sau ở Sri Lanka có Tăng Đoàn Dhammaruciya được triều đình coi trọng nên ít nhiều tư tưởng Đại Thừa từ các nhà sư nầy cũng làm cho Nam Tông không còn thuần khiết nữa. Các trường phái thuộc Tiểu Thừa cũng lan truyền sang Pakistan, Afghanistan, và tận miền Đông duyên hải Iran với những chứng tích còn lại được phát hiện từ năm 1819 ở Ajanta (thuộc làng Ajintha, quận Aurangabad của bang Maharashtra), và sau đó là ở các hang động khác như Ellora, Nasik, Karle, Bhaja và Junnar.    

Và những nhà sư cũng từ Trung Ấn di chuyển về Phương Bắc qua Trung Á không phải chỉ các nhà sư thuộc nhóm Đại Chúng Bộ hay là Phật Giáo Phát Triển mà còn một số người thuộc phái Trưởng Lão Bộ nữa bằng chứng là họ đã đến vùng Vân Nam (Trung Quốc), cho nên danh từ Đại Thừa chỉ là một cách gọi tương đối cho nhánh phát triển về phía Bắc. Phật Giáo Bắc Truyền là để chỉ nhánh truyền bá Đạo Phật từ Ấn Độ qua các vùng Trung Á sang Trung Quốc, Mãn Châu, Triều Tiên, Nhật Bản, Đài Loan và miền Bắc Việt Nam. Nhánh nầy sử dụng Kinh Văn Phạn Ngữ mà ảnh hưởng nhiều nhất là Kinh điển Hán văn được dịch từ Phạn Ngữ sang. Riêng Kinh văn ở Tây Tạng là Tạng văn. Nhánh Phật giáo qua Tây Tạng là Mật Tông có ảnh hưởng đến Mông Cổ, Nepal và Bhutan, Trung Á và môt số vùng của Nga. Theo như trong lịch sử thì con đường tơ lụa đóng vai trò quan trọng trong việc truyền bá Đạo Phật, vì từ Thế Kỷ thứ II trước Công Nguyên đến Thế Kỷ thứ II sau Công Nguyên Phật Giáo rất phát triển ở miền Tây Bắc Ấn Độ, nhất là vùng Gandhara (nay thuộc Pakistan). Từ vùng ấy Phật Giáo được mở rộng sang Khotan, Hadda, Bamiyan và Sogdiana của miền Trung Á trong những Thế kỷ sau mà Cộng Đồng Phật Giáo lớn nhất là Bamiyan (nay thuộc Afghanistan, nơi có hai tượng Phật lớn trong núi mà lực lượng Hồi Giáo Taliban phá hủy vào năm 2001). Trong các Thế kỷ thứ III- IV Phật Giáo lan truyền đến Khotan, Kashgar, Turpan và toàn vùng lòng chảo Tarim thuộc về Phật Giáo.

Từ Trung Á nầy theo Con đường Tơ lụa các thương buôn và tu sĩ đã đến các tiểu quốc rải rác quanh sa mạc Taklamakan và tiến sang Trung Quốc vào đầu Thế Kỷ thứ I. Từ Trung Quốc, Phật Giáo theo ảnh hưởng của nền văn hóa mà ảnh hưởng đến các nước Mãn Châu, Triều Tiên, Nhật Bản, Đài Loan và miền Bắc Việt Nam với tinh thần Phật Giáo Đại Thừa.

Đại khái những tài liệu về Đạo Phật mà chúng tôi tìm hiểu là như vậy, còn những suy nghĩ thì như thế nào? Có lẽ căn cứ vào sự phân chia làm hai trường phái bảo thủ ít người là Trưởng Lão Bộ cùng phái phát triển Đại Chúng Bộ gồm nhiều người trong lần kiết tập thứ II chúng tôi nghĩ rằng điều ấy cũng một phần trong việc chọn hướng phát triển riêng. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào điều kiện địa lý và thời tiết thì Đại Chúng Bộ phát triển về phía Bắc tất khí hậu lạnh hơn nhiều ở Phương Nam thì các tu sĩ không thể đi khất thực trong những ngày hay mùa quá lạnh hoặc tuyết rơi, vì thế họ cần những nơi trú ngụ để có thể giữ gìn sức khỏe, thân mạng trong việc tu tập cũng như hành đạo, cho nên đền chùa được xây dựng khá nhiều. Vả lại, trong thời Đức Phật giáo Pháp chỉ một mình Đức Phật biết rõ ràng con đường tu hành như thế nào và giáo pháp phải hiểu ra sao cho đúng. Chính vì sự tường tận như vậy mà Đức Phật và Tăng Đoàn phải làm những Du Tăng vừa khất thực đến đâu thì truyền đạo đến đó. Sau nhiều đệ tử hiểu rõ, thuần thục chính pháp thì phân chia đi nhiều nơi để truyền đạt lại cho những người khác hiểu mà tu. Rồi vào mùa mưa thì “An cư kiết hạ” để tránh mùa, đồng thời không phải đi nhiều tránh sự sát sanh (dẫm đạp côn trùng) trên con đường đi. Còn về phía Nam thời tiết thuận lợi, không khắc nghiệt nên chuyện du tăng hành đạo không hề bị trở ngại, chỉ cần khất thực để độ sinh và giảng pháp. Rồi với thời gian do nhu cầu cần thiết để giáo hóa lâu dài cho dân chúng địa phương thì cần nơi ở thế nên các chỗ ở nhỏ, yên tịnh được hình thành cho các vị tu sĩ như là những tịnh xá hiện nay. Và sự phát triển ra từng địa phương cho nên ở các địa hương dần cũng có các chùa dù nhỏ hay to. Chung quy dù Nam Tông hay Bắc Tông nơi tu hành vẫn là những nơi yên tịnh cho tu sĩ tịnh tâm hoặc Thiền Định, hơn nữa giáo pháp của Đức Phật qua các kỳ kiết tập về sau đã viết bằng chữ viết để lưu truyền, học tập, nghiên cứu không còn là vấn đề trở ngại nào nữa cả. Khi các Tăng Đoàn đã kết hợp từng nhóm tạo thành các nơi tu tập bằng tự viện, chùa, tịnh xá thì sự hoằng pháp cũng tương đối dễ dàng hơn vì dân chúng, phật tử có thể đến để học hỏi trong từng thời kỳ mà các tu sĩ giúp cho họ. Chùa, tịnh xá, tu viện thường được xây cất ở núi đồi, khu rừng, trong đồng vắng nhưng không xa dân chúng lắm để có sự yên tịnh vừa thuận tiện cho sự tu tập của tu sĩ, vừa thuận lợi cho phật tử, dân chúng đến học tập về giáo lý. Có thể do nhu cầu người tu học đến chùa, tự viện, tịnh xá càng ngày càng đông, nhất là ở nơi đông dân, thành phố, các yêu cầu về cơ sở vật chất để đáp ứng được nhu cầu nên dân chúng, phật tử cùng nhau chung sức tài lẫn vật lực mà xây dựng nên. Điều ấy cũng không có gì đáng nói!

Cũng giống như vậy, Phật Giáo Đại Thừa sau khi thâm nhập vào Trung Á thì theo con đường tơ lụa vào Trung Quốc rất sớm, vào khoảng năm 65 và trong bốn thế kỷ đầu đã tạo được nền tảng cơ bản trong xã hội Trung Quốc. Phật Giáo được phát triển mạnh vào các Triều đại của Nhà Tùy và Nhà Đường (581-907) rồi lan truyền sang Triều Tiên, Nhật Bản vào cuối Thế kỷ thứ V. Trong khoảng thời gian nầy, các công trình Phật Giáo được xây dựng ở Trung Quốc hàng loạt như Thiên Phật Động Kiril ở Khâu Từ, Mạc Cao ở Đôn Hoàng (Tỉnh Cam Túc), chùa hang đá Vân Cương ở Đại Đồng (Tỉnh Sơn Tây), Long Môn ở Lạc Dương (Tỉnh Hồ Nam). Phật Giáo Đại Thừa ở Trung Quốc ảnh hưởng rất lớn với Phật Giáo Việt Nam, vì các Tạng Kinh Điển mà Phật Giáo Việt Nam sử dụng, lưu truyền hành đạo phần lớn bằng Hán Ngữ hoặc dịch ra trước khi có những nhà sư uyên bác dịch những Kinh Sách từ Tiếng Sankrit hay Pali sang Việt Ngữ.

 

Nguyên Thảo,

25/11/2024.

 

Thursday, October 17, 2024

*Cuốn Theo Chiều Gió! (4)


Sự Truyền Bá của Đạo Phật: Chúng tôi có những phần ghi lại nầy là vì trong sự tìm hiểu Đạo Phật cần nên có, để có thể biết tường tận hơn phần nào về các kiến thức của mình; rồi từ đó sẽ nhận định xa hơn trong những câu chuyện bàn thảo với nhau. Đây chỉ là những phần khái quát, kiến thức phổ thông, nhằm củng cố cái vốn hiểu biết nông cạn của bọn chúng tôi, chứ không là những vấn đề nghiên cứu kỹ lưỡng vì trong các trang mạng, tài liệu nghiên cứu của các Thầy, Sư Cô, Tu Sĩ, Cư Sĩ, Chùa cùng các tổ chức đã ghi lại rất đầy đủ rồi. Với vị trí của Việt Nam thì được tiếp nhận hai luồng truyền bá từ phương Bắc lẫn Phương Nam, vì thế sự tìm hiều cả hai cũng là điều cần thiết.

Trước hết, chúng tôi ghi lại cuộc truyền bá Đạo Phật về Phương Nam, tức là sự truyền bá Đạo Phật về hướng đất nước Sri Lanka rồi truyền sang các nước khác như Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia…mà cũng có thể ở cả Indonesia nữa vì ở đảo Jawa ngày nay còn có di tích Borobudur của Phật Giáo mà di tích nầy được xem là lớn nhất trên thế giới có niên đại từ Thế Kỷ thứ IX, chứng tỏ Indonesia trước kia là nơi Phật Giáo phát triển rất mạnh trước khi Hồi Giáo đến xâm chiếm nước nầy và dân chúng phải chuyển sang Đạo Hồi, mà ngày nay Indonesia được xem là quốc gia có người theo Đạo Hồi nhiều nhất trên thế giới.

Theo lịch sử thì sau khi Đức Phật nhập diệt, hàng Tăng chúng bắt đầu có những dị biệt trong cách hành đạo nên đã có những kỳ kết tập Kinh Điển để bảo tồn Chánh Pháp như đã ghi ở trên. Đồng thời vào Thế Kỷ thứ III trước Tây lịch, con trai vua Asoka là Mahinda đến Sri Lanka truyền bá Đạo Phật. Nhà vua Devanampiya-tissa theo đạo và cho xây chùa Mahavihara ở kinh đô thời đó là Anuradhapura. Sau em gái Mahinda là Ni trưởng Sanghamitta mang xá lợi Phật cùng cây Bồ Đề con đến trồng làm giá trị cho ngôi chùa thêm nâng cao. Rồi từ đầu Thế Kỷ thứ II đến Thế Kỷ thứ I trước Tây Lịch do chiến tranh tàn phá với người Tamil thường xuyên, nên các nhà sư cho chép Kinh điển trên lá bối (lá buông?) để bảo tồn và lưu truyền về sau, bên cạnh phương pháp truyền khẩu truyền thống. Còn Myanmar sau các biến động lịch sử cũng như tôn giáo, cuối cùng, nhất là sau khi quân Mông Cổ rút đi, các vua Myanmar gởi các nhà sư sang Sri Lanka học tập. Lúc ấy Sri Lanka đã lấy Thượng Tọa Bộ hệ phái Mahavihara làm quốc giáo, cho nên khi trở về nước các nhà sư Myanmar tiếp tục củng cố truyền thống Thượng Tọa Bộ Mahavihara cùng với Sri Lanka và trở thành trung tâm bảo tồn hệ phái nầy và sự truyền giáo lan truyền đến các nước lân cận như Thái Lan, Lào, Kampuchia, phía nam Việt Nam, có thể sang cả Mã Lai và Indonesia nữa mà chứng tích thời cực thịnh ấy là Di sản Đền Phật Giáo lớn nhứt Thế Giới Borobudur ở Magelang, miền trung đảo Java của Indonesia ngày nay.

Đó là nhánh Phật Giáo lan truyền về phương Nam, còn sự truyền giáo về phương Bắc thì thế nào?

Đạo Phật từ lúc đầu vốn là Tăng Đoàn chứ không có một tổ chức qui củ, hệ thống của một tôn giáo cho nên không có chức sắc, người điều hành để điều khiển hệ thống truyền giáo của Đạo. Khi Đức Phật tại thế thì Ngài chỉ truyền đạt lại những gì mà Ngài đã thấy biết, giác ngộ, những tri kiến nào của một vị Phật như Ngài đã thấy biết, nhưng Ngài chỉ thuyết về vấn đề của con người, chúng sinh để người nghe tiến vào con đường tu hành, nhằm thoát khỏi những đau khổ trầm luân trong Vòng Luân Hồi, và đạt đến Giải Thoát, tìm lại được sự an vui, tĩnh lặng. Những điều Ngài biết, thấy bao la như lá cây trong rừng, như đất trên đại địa, còn những điều Ngài thuyết giảng chỉ là lá cây trong nắm tay, như đất nằm trong móng tay. Tại sao như thế? Vì những điều Ngài nói mới ích lợi cho người, giúp họ hiểu biết mà tu hành giải thoát, còn những điều Ngài không nói tức là những gì không cần thiết cho người nghe để tu tập. Tất nhiên, khi người biết tu hành thành Phật, thành Bậc Giác Ngộ như Ngài thì sẽ được biết thôi. Do đó Ngài tuyên xưng “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”! Vì sao? Vì tất cả chúng sinh dù là cây cỏ, súc vật, con người hay chúng sinh còn ở nơi Địa Ngục, Ngạ Quỷ, A Tu La hay cõi Trời (Chư Thiên) đều cùng có cái “Phật Tánh” riêng của mình, ấy chính là cái “Hạt” để thành chánh quả dù chậm hay mau, chẳng qua chỉ là do thời gian thôi, nếu trong thời gian sinh tồn họ biết tạo nên Nhân tốt và thực hiện theo những điều Ngài chỉ dạy.

Đức Phật truyền các nhận thức ấy lại cho Đệ Tử, để họ hiểu và tu hành sao cho đúng cách giống như con đường Thành Đạo mà Ngài đã khám phá; rồi từ những nhận thức ấy mà chúng đệ tử đi hành Đạo, truyền cho nhiều người khác trên hành trình du hóa. Tất nhiên, tùy theo nhận thức của từng đệ tử và sự giảng giải của họ mà Pháp cũng có nhiều biến đổi, nhất là vào các thời kỳ pháp chỉ còn truyền miệng, hội tụng, chứ chưa được ghi lại bằng chữ viết. Cho nên trong lịch sử có nhiều lần “kiết tập” để chỉnh sửa lại cho đúng với Chính pháp, cũng như cách thức tu hành sau thời kỳ Đức Phật nhập Niết Bàn là như vậy.

Sự truyền bá Đạo Phật theo hành trình của những vị Du Tăng, vừa đi đến những nơi mình đến để truyền đạt kiến thức Giáo lý cho những người tiếp xúc, để họ nhận ra Chân lý mà họ khởi sự tu hành cho chính họ, trong sự mong cầu Giải Thoát khỏi khổ đau. Trên hành trình đường xa ấy, tu sĩ mang bình bát đi khất thực từng ngày để bảo tồn mạng sống vừa tu tập vừa thuyết giảng Giáo lý, hoằng hóa chúng sinh. Rồi những con người nhận được kiến thức ấy tùy theo hoàn cảnh, phong tục nơi mình, mà thích hợp với Đạo Phật, hay đúng hơn là Đạo Phật được tiếp nhận một cách hòa hợp với từng địa phương. Đạo Phật chỉ nhằm cải hóa nhận thức con người, hiểu và làm theo, chứ không là một sự bắt buộc phải theo như dùng đến vũ lực áp bức, hay những lề luật bắt người ta phải phục tùng. Đấy là điều “tự do” trong Đạo Phật trên con đường phát triển. Cũng từ đó, những người tu hành tùy theo hoàn cảnh, cơ thể, nhận thức của mình mà chọn cách tu tập miễn là sao: Tránh làm điều Ác, siêng làm điều Thiện, giữ Tâm mình trong sạch. Ấy là tránh gây những Nhân xấu khiến mình phải trả Quả vào những kiếp Luân Hồi. Chính vì thế mà trong Đạo Phật cách tu cũng đa dạng, giống như thật nhiều mà trong ngôn từ Ấn Độ đề cập đến các chữ: “Tám vạn bốn nghìn” pháp môn vậy!

 

Nguyên Thảo,

18/10/2024.

 

 

Wednesday, September 18, 2024

*Quà Cáp!


Người Việt Nam chúng ta rất là tình cảm: Nào là tình làng nghĩa xóm, tình láng giềng, tình thân, dòng họ, tình nghĩa bạn bè, đồng hương…biết bao nhiêu thứ tình gắn bó từng con người trong gia đình, dòng họ, làng xóm của một xã hội nông thôn ngày xa xưa ấy để trở thành một nền văn hóa riêng biệt cho dân tộc trong một đất nước thân yêu! Những tình cảm đó có lẽ thoát thai từ cái nếp sống nông thôn mộc mạc, cũng như mọi con người chung hoàn cảnh sung sướng, cùng cực có nhau. Những năm trúng mùa vụ cùng nhau vui sướng, và những năm thất mùa hay tai ương ập đến thì cùng nhau gian khổ, chia sớt ngọt bùi, giúp nhau để vượt qua giai đoạn khó khăn. Rồi đến những việc quan, hôn tương tế không hề bỏ nhau trong lúc cần thiết. Chính vì cái tình cảm ấy mà đi đâu, hay trở về người ta thường nghĩ đến nhau!

Có những con người vì hoàn cảnh đành phải lê lết phương xa cầu thực, hay để tìm cho mình một phương cách sống, lâu ngày trở về cũng phải nhớ đến bà con, xóm giềng gọi là chút quà lấy thảo với nhau. Hay người trong quê đi thăm người thân, quen biết nơi xa, ít ra cũng có vài món quà mọn như trái cây, bánh trái quê nhà chẳng hạn. Điều ấy có lẽ không bao giờ dứt, vì từ ngày Đồ tôi lớn lên và biết thì luôn vẫn là như vậy. Ấy là một nét đẹp của dân mình! Rồi cũng không quên quà cáp trong ngày Tết, năm mới. Thế nào cũng phải có chút gì đó gọi là mừng nhau trong Một Năm Mới, kèm theo lời chúc vào một năm sáng lạng, hi vọng hơn xưa. Còn mấy đứa con, cháu thì sao nhỉ? Quần áo mới cho các con, chút ít tiền “lì xì” cho con lẫn cháu. Bề nào thì người lớn cũng phải có cho vui. Với những năm “xuôi chèo mát máy” kiếm được ra tiền thì không thành vấn đề, còn những năm eo hẹp thì cả là một vấn đề phải lo! Đó là chuyện lo của những người có công ăn chuyện làm, còn đối với những người nghèo khó, đành ngẫng mặt lên nhìn trời mà than, mặc cho ai nói gì thì nói, con cháu buồn thì cũng phải chịu thôi. Ai bảo tụi bây sanh nhằm vào nhà nghèo, ráng mà chịu khổ vậy!

Trong những thời gian khó khăn, người ta phải xếp hàng đi xin giấy tờ, ai nghèo đành ngồi chờ suốt buổi; ai có quen biết hay cà phê cà pháo thì không cần đến hoặc chẳng phải chờ. Thế là con nghèo cũng ráng mà chịu, nên biết lẽ thì đừng có than van! Đã vậy, mà còn không biết bao nhiêu là chuyện phải tốn tiền, quà cáp. Ôi! Ông Tà xóm trên chết rồi, chiều đám giỗ ông Tá, mai đám cưới Thằng Tạ, mốt đi thăm chú Tả đang nằm bệnh viện. Chú Bảy mời tân gia, Thằng Bay thôi nôi cho nhỏ cháu, rồi các đám đầy tháng, lại sinh nhật tán loạn xà ngầu mà bà con làng xóm nội hai bên nội ngoại đã mệt nhoài, rồi còn bên mình bên vợ, láng giềng hàng xóm nào bỏ được đâu…Nơi nào cũng phải ít nhứt là một chút quà cáp gì đó. Chắc chưa có ai ngồi kết toán lại xem một năm mình có bao nhiêu cái đám ma, bao nhiêu cái đám cưới, rồi đám giỗ, đầy tháng, thôi nôi, tân gia…chưa kể bao nhiêu thứ khác cần phải chi, quà cáp. Đó là chưa nói đến những cái đám giỗ hay cái đám gì khác mà phải tổ chức, phải làm ở nhà! Trong những thứ quà cáp mà “ngu xuẫn” nhứt là cái thứ quà cáp mà không thể không làm được: Đó là đi vay tiền ở ngân hàng mà phải biếu chút nào đó cho người trong ngân hàng. Không biết thời đại bây giờ thế nào thì Đồ Ngông tôi không được biết, chứ một thuở nào đó, đã có những trường hợp người không tiền đi vay ngân hàng để làm ăn đành phải chi ra chút nào đó để biếu hay “làm quà” cho người ở ngân hàng xem như là đền ơn sự giúp đỡ được vay tiền: Thật là oái oăm và thảm thương! Thôi chuyện nầy tới đây thôi, nói nữa thật là nhức đầu và tối tăm mày mặt, không khéo sẽ hết biết đường về!

 

Đồ Ngông,

25/05/2024.

  

*Cuốn Theo Chiều Gió! (3)

 

Đức Phật chỉ ra rằng: Mọi chúng sinh, con người đều có Phật tánh như Ngài đã có, chỉ vì sự ngu si, mê muội (Vô Minh) lúc ban đầu, mà Phật tánh đã mượn đến Tứ Đại để cấu thành thân xác, có thân xác khiến Phật Tánh bị kiềm hãm, gò bó, giới hạn trong thân xác ấy, rồi lại phải đáp ứng các nhu cầu mà thân xác cần thiết, đòi hỏi để chống chọi lại các điều kiện sống ở bên ngoài lẫn giữ mạng sống, nên đành tạo các nghiêp để rồi phải chìm vào luật nhân quả, tái sinh, luân hồi trong sáu đường (lục đạo), ba cõi (tam giới). Muốn thoát ra khỏi chúng sinh cần hiểu rõ về Tứ Thánh Đế, giữ giới để tránh tạo nhân do sát, đạo, dâm, vọng gây ra và thêm giới khác là những chất gây nghiện, hay làm cho tinh thần không còn minh mẫn khiến chúng sinh không thể kiểm soát được mình, mất đi chính kiến, chính tư duy. Sau đó là thực hiện Pháp Lục Độ - Ba La Mật (sáu bước để đưa đến kết quả giải thoát: Bố Thí, Trì Giới, Nhẫn Nhục, Tinh Tấn, Thiền Định, và Trí Huệ) để cuối cùng Trí Huệ được phát sinh và hành giả tiến vào ngưỡng cửa thành Bậc Giác Ngộ trong Hữu Dư Y Niết Bàn (Niết Bàn khi còn sống); và sau khi chết sẽ nhập vào Vô Dư Y Niết Bàn. Để hỗ trợ cho hành giả thực hiện Lục Độ, Đức Phật có nêu lên 37 phẩm gọi là “Trợ Đạo” để giúp cho người tu dễ dàng đạt kết quả. Ba mươi bảy phẩm ấy là: Tứ Niệm xứ, Tứ Chánh Cần, Tứ Như Ý Túc, Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Bồ Đề Phần và Bát Chánh Đạo! Không những thế, Đức Phật còn nhắc đến những “Luật” của người tu mà Ngài đã nghĩ ra nhằm giúp người tu được vững chắc trên đường tu hành, nên khi gần Nhập Diệt Ngài trả lời cho chúng Đệ Tử “Phải lấy Giới Luật làm Thầy”! (“Này! Các người phải tự mình thấp đuốc lên mà đi! Các người hãy lấy Pháp của ta làm đuốc! Hãy theo Pháp của ta mà tự giải thoát! Đừng tìm sự giải thoát ở một kẻ nào khác, đừng tìm sự giải thoát ở một nơi nào khác, ngoài các người..”).

Với Giáo Pháp ấy, Đức Phật đã ôm bình bát di hành khất thực đến đâu thì thu nhận đệ tử tạo thành Tăng Đoàn và truyền giảng đến đấy. Ngài cùng chúng đệ tử chia nhau đi nhiều phương để quảng bá đến cho nhiều người để họ cùng tu hành hầu đạt đến sự giải thoát khỏi khổ đau cho chính họ trong đời nầy lẫn những đời sau. Tùy theo căn cơ của đại chúng mà tuyên giảng giáo pháp từ dễ đến khó để người nghe thấu hiểu mà hành Đạo. Ngài nhập diệt vào năm 80 tuổi sau hơn 45 năm hành đạo!

Sau khi Đức Phật nhập diệt (theo lịch sử) thì các Kinh điển Ngài truyền bá, rao giảng được kết tập lại trong bốn thời kỳ:

-Kết Tập Lần Thứ Nhất: Bốn tháng sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn, do một số phàm Tăng có thái độ bất kính, không giữ giới luật nên Ngài Ma Ha Ca Diếp (Mahakassapa) triệu tập 500 vị Đệ tử A La Hán họp tại hang Tất bát la (Sattlapanna) ở Thành Vương Xá (Rajagaha) dưới sự giúp đỡ của vua A Xà Thế (Ajatasattu) để kết tập, lần kết tập nầy được gọi là Ngũ Bá kết tập. Lần nầy A Nan (Ananda) trùng tuyên lại tạng Kinh; Tôn giả Ưu Ba Ly (Upali) trùng tuyên Tạng Luật; Có thuyết cho rằng Tạng Luận trong lần kết tập nầy không có trùng tuyên.

-Kết Tập lần Thứ Hai: Sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn khoảng 100 năm tại thành Tỳ Xá Ly (Vaisali) có Thầy Tỳ Kheo tên Bạt Kỳ chế ra 10 tịnh pháp có tính phóng khoáng khác xưa nên khi Ngài Trưởng Lão Gia Xá (Yassa Kakandakaputta) đi ngang qua bèn câu hội cùng 700 vị danh tăng tài đức trùng tuyên lại giáo pháp của Đức Phật, ngăn ngừa các điều phi pháp xen vào Chánh Đạo. Lần kết tập nầy kéo dài đến 8 tháng. Vì có 700 vị Tăng nên cuộc kết tập nầy được gọi là Thất Bá kết tập, và cũng trong lần nầy, giáo đoàn của Đức Phật có bất đồng, bắt đầu chia làm hai thành: Thượng Tọa Bộ (Theravada) chủ trương Bảo Thủ; và Đại Chúng Bộ (Mahasanghika) do số đông hơn, đa số, chủ trương phóng khoáng, canh tân.

-Kết Tập lần Thứ Ba: Khoảng 235 năm sau Đức Phật nhập diệt, có vua A Dục (Ashoka) tương truyền lúc mới lên ngôi Ngài hung tàn, bạo ngược, chinh chiến, chém giết nhiều nơi; nhưng sau vì lòng hối hận, ăn năn Ngài Quy y theo đạo. Từ đó Ngài rất nhân từ, hộ pháp đắc lực, cho xây nhiều bảo tháp trên đất Ấn Độ để thờ Xá Lợi Phật cùng các trụ đá để đánh dấu các Thánh Tích; chính nhờ sự việc ấy mà các nhà Khoa học về sau có cơ sở để truy tìm con người lịch sử của Đức Phật. Đồng thời nhà vua còn gởi nhiều nhà sư đi khắp nơi để truyền bá đạo giáo, cùng thỉnh Ngài Mục Kiền Liên Đế Tu (Moggaliputta Tissa) làm Thượng Thủ họp cùng 1000 vị Đại Đức, Tỳ Kheo để kết tập giáo pháp, chỉnh đốn Tăng giới, bài trừ những Tu sĩ phạm trai, phá giới, vô kỹ luật kéo dài trong 9 tháng mới xong.

-Kết Tập lần Thứ Tư: Khi vua A Dục qua đời, các triều đại sau không còn sùng tín Đạo Phật như trước và mãi đến thêm 300 năm nữa mới có vua Ca Nị Sắc Ca (Kaniska) lại sùng tín như trước cho xây nhiều tháp đền khắp nơi. Điều đáng chú ý là lần kết tập kinh điển lần thứ tư được bảo trợ ở tại thành Ca Thấp Di La (Kasmir) khoảng 600 năm sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn. Lần nầy có sự tham dự của 500 vị La Hán; 500 vị Bồ Tát, Tỳ Kheo; 500 vị Học Giả, Cư sĩ. Trong lần Kết Tập nầy, Tam Tạng được khắc vào bảng đồng và thực hiện suốt 12 năm mới xong.

Qua sử thì trong hai lần kết tập đầu tiên, Chư Tăng kết tập theo thể thức hội tụng chứ chưa ghi chép bằng Văn Tự. Mãi đến lần kết tập thứ 3 và thứ 4 thì mới vừa hội tụng lẫn văn tự. Tăng già phía bắc thì ghi chép bằng chữ Phạn (Sankrit) và truyền về phía bắc Ấn qua Nepal, Tây Tạng, Trung Hoa, Mông Cổ, Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam; phía nam thì ghi bằng chữ Pali và truyền về Nam Ấn đến Tích lan, Miến Điện, Thái lan, Kampuchia, Lào, Việt Nam. Như vậy Việt Nam tiếp nhận Đạo Phật ở cả hai hướng Nam và Bắc. Nhờ các lần kết tập đó mà kinh điển giáo pháp Đạo Phật còn tồn tại lưu truyền cho đến ngày nay.

Tuy nhiên, theo hệ phái Theravada ghi chép Kinh điển bằng Tiếng Pali thì lần kết tập thứ tư nầy được tổ chức ở xứ Sri Lanka, tại động Alokalena vùng Matulajanapada khoảng thời gian 450 năm sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn, với 1000 bậc Thánh A La Hán do Ngài Đại Trưởng Lão Mahadhammarakkhita làm chủ trì trong thời gian một năm, ghi chép trọn bộ Tam Tạng, Chú giải bằng chữ viết trên lá buông (lá bối?)

Sau đó hệ phái Phật Giáo tiếng Pali nầy còn có vài lần kết tập nữa.

-Kết Tập Lần Thứ Năm: Do dưới thời vua Asoka có gửi Đoàn Chư Tăng do Ngài Trưởng Lão Sona và Ngài Uttara sang truyền giáo vùng Suvannablumi gồm các nước Myanmar, Indonesia, Thái Lan, Kampuchia, Lào…Nhưng do tình hình không ổn định ở các nước, cho nên Kinh sách Phật giáo thường bị đốt phá, mất mát. Vì vậy đến thời vua Mindon của Myanmar, Ngài muốn bảo tồn giáo pháp của Đức Phật nên nhờ Ngài Đại Trưởng Lão Bhaddanta Jagara làm chủ trì cùng với 2400 Vị Đại Đức xuất sắc kết tập lại Tam Tạng kinh tại Kinh Thành Madalay, và khắc trên bia đá để giữ được lâu dài vào năm 2414 (năm 1871) theo Phật Lịch. Công việc nầy được thực hiện suốt 11 năm ròng rã mới xong.

-Kết Tập Tam Tạng Pali Lần Thứ Sáu: Do trải qua thời gian quá lâu, các Kinh sách Phật Giáo được in ấn, sao chép có nhiều sai sót, không giống như bản chính, vì vậy năm Phật Lịch 2497 (năm 1954), Chính phủ Myanmar thành lập Hội Phật Giáo có tên “Buddhasasanasamiti” để kết tập Tam Tạng Kinh lần thứ sáu tại động nhân tạo Lolasama, Thủ đô Yangon, Myanmar. Lần nầy gồm 2500 vị Đại Đức thông hiểu về Kinh Tạng, giỏi ngôn ngữ Pali cùng đối chiếu nhiều bộ Kinh điển từ các nước Phật giáo để sửa chữa cho đúng. Công việc làm suốt 2 năm mới hoàn tất. Sau đó, Thủ Tướng U-Nu của Chính Phủ Myanmar tổ chức Lễ Khánh Thành kết tập rất long trọng, và mời Nguyên Thủ các quốc gia Phật Giáo, cùng Chư Tăng, tín đồ của 25 nước trên thế giới đến tham dự, đánh dấu 2500 năm Phật Giáo.

Bộ Tam Tạng, Chú Giải trong lần kết tập nầy được xem làm mẫu mực cho các nước theo hệ phái Theravada. Đó là lịch sử của những lần kết tập Kinh điển giáo pháp Đạo Phật trong suốt chiều dài hiện hữu trên thế gian. Còn riêng Phật giáo Đại Thừa được ghi nhận có một lần kết tập nữa tại A Phú Hản vào khoảng 500 năm sau Đức Phật nhập diệt để kết tập lại bốn Bộ Kinh A Hàm (Trường A Hàm, Trung A Hàm, Tạp A Hàm, Tăng Nhất A Hàm) tương đương với Trường Bộ Kinh, Trung Bộ Kinh, Tương Ưng Bộ Kinh, Tăng Chi Bộ Kinh của Hệ phái Tiếng Pali hay phái Nguyên Thủy Theravada.

 

Nguyên Thảo,

19/09/2024.

 


Sunday, August 11, 2024

*Cuốn Theo Chiều Gió! (2)


Khi đề cập đến sự khai ngộ của Đức Phật trong thiền định khoảng 49 ngày thì chúng tôi lại liên tưởng đến thời gian của Đức Chúa Jésus với 40 ngày trong đồng vắng cho Đạo Thiên Chúa, hay cũng khoảng bốn mươi mấy ngày của Muhammad trên núi Hira gần Mecca khởi nguồn cho Đạo Hồi, như vậy với con số hơn 40 ngày quyết chí tịnh tâm nầy có phải là thời gian để con người tìm thấy bản thể của chính mình đó chăng? Tuy nhiên, sự đi tìm bản thể con người cũng có nhiều hướng khác nhau, điều ấy chúng ta cần phải tìm hiểu nhiều thêm nữa, nhất là những gì mà Đức Phật đã cảnh giác trong Kinh Lăng Nghiêm về những ma chướng mà người tu hành cần phải đối phó, hay xa lánh để tránh lọt vào ma đạo do các loài ma hướng người tu đi vào.

Với thời gian nhập định ấy, Đức Phật đã quán chiếu và suy niệm được nguồn gốc của con người, chúng sinh qua sự “Vô Minh”. Chính vì Vô Minh mà Phật Tánh (mỗi con người, chúng sinh đều có) đã mượn đến Tứ Đại (Đất, Nước, Lửa, Gió) để tạo thành thân xác. Và từ cái chưa có trở thành cái có (duyên khởi), rồi từ “cái nầy có thì cái kia có, từ cái kia có đến cái khác có…nối tiếp xảy ra. Cái có trước chính là Nguyên nhân (Nhân) cho cái xảy ra sau. Cái sau là Kết quả (Quả) của cái trước, đồng thời cũng là cái “Nhân” cho sự kiện xảy ra kế tiếp. Sự tiếp nối đó liên tục kéo dài thành chuỗi “Trùng trùng Duyên khởi” không hề dứt. Muốn chấm dứt được chúng, cho nên phải dứt cái nầy thì cái kia mới chấm dứt, và cuối cùng sẽ trở về cái ban đầu. Từ suy niệm ấy Đức Phật đã thấu rõ “Thập Nhị Nhân Duyên” (Vô Minh, Hành, Thức, Danh Sắc, Lục Nhập, Xúc, Thọ, Ái, Thủ, Hữu, Sanh, Lão Tử) khởi nguồn cho thân xác con người và chúng sinh. Cũng từ sự có thân xác ấy mà chúng sinh phải đáp ứng nhu cầu về ăn uống, thời tiết để bảo toàn thân mạng, cùng các nhu cầu về tinh thần mà đã đưa đến thế gian nầy trở thành một môi trường “tranh đấu để sinh tồn”, kẻ mạnh hiếp yếu, lớn hiếp nhỏ, đầy dẫy lòng “Tham”, giận dữ, “Sân” hận, rồi không kiểm soát được trở nên u muội, “Si” mê mà dùng mọi thủ đoạn: Sát, Đạo, Dâm, Vọng qua Thân xác, miệng lưỡi (Khẩu), Ý tưởng, suy tính để tranh giành, chiếm đoạt, hãm hại lẫn nhau…tạo nên Nghiệp. Nghiệp là “Nhân” của Kiếp nầy, lôi cuốn chúng sinh Tái sinh vào các kiếp sau để trả “Quả”. Sự trả Quả ấy được xoay vòng (Luân Hồi) trong sáu cõi (Lục Đạo: Trời, Người, A-Tu-La, Ngạ Quỷ, Súc Sanh và Địa Ngục) mà không hề thoát ra được thế giới đầy khổ đau nầy. Vả lại, do nơi có thân xác mà con người, chúng sinh chịu nổi đau khổ về Sinh, Lão, Bệnh, Tử!

Sau sự Quán triệt, thấu rõ ngọn ngành về Vũ Trụ Quan và Nhân Sinh Quan qua Trí Huệ trong Thiền Định, Đức Phật bèn rời cội Bồ Đề để đi thuyết giảng, truyền bá Giáo lý mà Ngài đã lĩnh hội được cho những ai mà Ngài gặp, sau khi có hai thiện tín đầu tiên là các thương gia Tapassu và Bhallika đi ngang qua nơi Ngài. Rồi, Đức Phật nghĩ đến việc đi đến Lộc Giả (Vườn Nai) tìm năm anh em Kiều Trần Như (Kondanna) là những Đạo sĩ tu khổ hạnh với Ngài trước kia, để chia sẻ những gì Ngài đã đạt được. Bài Pháp đầu tiên mà Ngài chuyển Pháp Luân chính là con đường tu theo “Trung Đạo”, không khổ hạnh ép xác, cũng không lợi dưỡng, chỉ ăn uống vừa đủ để nuôi giữ thân mạng mà tu hành; và Tứ Diệu Đế, hay Tứ Thánh Đế (vì đó là bốn điều chắc thật, không thể sai trên con đường đi tìm Sự Giải Thoát) trở thành Bốn Chân Lý làm hành trang vững chắc về nhận thức cho người hành đạo không phải thối chí, ngã lòng. Ấy là: Khổ, Tập, Diệt, Đạo vậy!

Để tóm lại, sau sự suy niệm trong Thiền Định đó của Đức Phật đã đưa đến Sự Đại Ngộ về những Chân Lý của Vũ Trụ mà Ngài đã nhận biết như: Trong mỗi chúng sinh đều có Phật Tánh hay là Chơn Tâm (có bản chất trong sáng, diệu kỳ, sáng suốt, chiếu soi, khắp giáp Pháp Giới: “Tánh giác diệu minh, bản giác minh diệu”); vì do Vô Minh (Sự không biết, si mê) mà Phật Tánh ấy đã mượn đến Tứ Đại (Đất, Lửa, Gió, Nước) kết hợp lại thành thân xác theo Thập Nhị Nhân Duyên (tức là Thuyết Nhân Duyên và chuỗi sự kiện tiếp theo Trùng Trùng Duyên Khởi) để từ thân xác ấy chúng sinh phải cần đến các nhu cầu về vật chất lẫn tinh thần mà lo cung phụng, bảo tồn lấy nó. Nhu cầu càng lúc càng cao khiến chúng sinh càng tham lam, ham muốn nhiều hơn, và tìm mọi cách chiếm lấy những gì mình cần, ham thích (Ái dục) bằng các hình thức, hành vi từ Thân, Khẩu, Ý khởi lên. Nếu bị cản trở do chúng sinh khác thì trở nên Sân hận; khi sự Sân hận quá sức thì trở nên Mê mờ, ngu si mà thực hiện các thủ đoạn chiếm đoạt bằng các cách Sát, Đạo, Dâm, Vọng mà tạo nên “Nghiệp”. Chính cái Nghiệp ấy trở thành những cái Nhân. Các Nhân tạo tác trong Kiếp nầy khiến chúng sinh đó phải trả Quả vào những Kiếp sau, đó là đi vào “Thuyết Tái Sanh” và “Luật Nhân Quả” trong một cái vòng luân chuyển mà Đức Phật nói đến là “Vòng Luân Hồi”. Trong vòng ấy có sáu cõi mà chúng sinh phải lăn lộn xoay chuyển, khó thoát ra khỏi gồm có: Trời, Người, A-tu-la, Ngạ Quỷ, Súc Sinh và Địa Ngục. Vậy muốn thoát khỏi sanh tử Luân Hồi thì làm sao? Phải chấm dứt Tái Sanh như vậy là không tạo Nhân nữa. Mà không muốn tạo Nhân thì phải dứt Nghiệp: Sát, Đạo, Dâm, Vọng khởi từ Thân, Khẩu, Ý. Tu Thân, Khẩu, Ý và giữ Không Sát sanh (Sát); Trộm cắp (Đạo); Tà dâm (Dâm); nói dối, hai chiều, đâm thọc, lừa đảo (Vọng ngữ); và “muốn ít, biết đủ” (thiểu dục, tri túc) để không phải Tham lam, luyện tính nhẫn nhục và bố thí, từ bi, không xem “cái Ta” quan trọng hơn người khác nữa, để không phải “Sân hận” vì “Lửa sân hận có thể thiêu đốt cả vạn rừng công đức”. Suy nghĩ, đắn đo, học chính tư duy, chính kiến để tránh khỏi si mê mà lỡ làm những hành động bất thiện. Như vậy mới tránh được ba “Món Độc: Tham, Sân, Si” thường gắn liền với cuộc sống con người để tạo ra nghiệp và tái sanh!

Từ những quán triệt con đường, diễn tiến như vậy, Đức Phật đã được “Tự giải thoát cho chính mình ra khỏi vòng Sinh Tử Luân Hồi” trong cơn Đại Ngộ; cho nên sau đó Ngài đúc kết thành Bốn Chân Lý bất di bất dịch mà chúng ta thường gọi là Tứ Diệu, hay là Tứ Thánh Đế để làm Căn bản nhận thức cho người tu hành hầu vượt thoát sinh tử và trở thành Bậc Giác Ngộ như câu “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”!

Bốn Chân Lý đó là: “Khổ Đế” nhận định rõ trong cuộc đời nầy khổ nhiều hơn vui từ Sinh, Lão, Bệnh, Tử và nhiều cái khổ khác như khổ chồng khổ, hoại diệt khổ, hành khổ, ái biệt ly khổ, cầu bất đắc khổ, oán tắng hội khổ và ngũ ấm xí thạnh khổ và luôn chịu khổ từ sự tranh giành, thủ đoạn giữa những chúng sinh, con người với nhau. Rồi truy tìm nguồn gốc, nguyên nhân của khổ tức là “Tập Đế”: Các nguyên nhân do từ sự Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi, Thân Kiến, Biên Kiến, Kiến Thủ, Giới Cấm Thủ, Tà Kiến. Rồi từ đó, nghĩ đến cách diệt những nguyên nhân và sự đau khổ ấy là “Diệt Đế” bằng con đường tu tập, tức là tìm đến “Đạo Đế” mà Đức Phật đã tìm ra và thực hành trong khi Đi Tìm Đạo Giải Thoát của Ngài!

Đức Phật đã suy nghiệm, tư duy và quán triệt những nguyên lý vận hành trong vũ trụ như chúng ta đề cập đến ở trên mà trong Giáo Lý, Triết Thuyết của Ngài từng thuyết giảng. Qua các giai đoạn nào Ngài thực hiện đạt đến kết quả để trở thành Bậc Giác Ngộ, thoát khỏi vòng Luân Hồi sinh tử; do đó Ngài đúc kết thành hệ thống để rao giảng, truyền đạt lại cho mọi người, trên con đường hành đạo hơn 45 năm của Ngài. Tứ Diệu Đế ấy trở thành Chân Lý chắc, thật để chúng sinh, con người thoát khỏi khổ đau và Luân Hồi, ung dung tự tại của những Người Giác Ngộ cần biết và thực hành. Sự thực hành đó như thế nào?

 

Nguyên Thảo,

12/08/2024.

 

 

Saturday, August 10, 2024

* Ếch Ngồi Đáy Giếng!


Ngày xưa, vào một thời xa xa lắm, khi mà con người chưa có nhiều, nhưng vào khoảng thời gian ấy khí trời trở nên oi bức ở một vùng rộng lớn, cây cối đều bị khô hạn mà èo ọt hoặc là chết đi. Người không thể tìm được miếng ăn hay trở nên quá khó khăn, đành phải cuốn gói đi nơi xa mà tìm kiếm sự sống. Các loài vật cũng phải bỏ nơi nầy và trốn sang nơi khác. Loài ếch đào hang chui xuống đất nằm chịu trận những cơn đói dai dẵng, nhưng rồi sự khô hạn vẫn còn kéo dài, chúng không chịu nỗi, đành lê lết kéo nhau xuống vùng trũng thấp hơn, chui xuống bùn ẩn nấp cùng với một ít lương thực còn lại trong những vùng trũng ấy. Thế rồi thời tiết nóng bức, khô hạn vẫn còn kéo dài, cứ kéo dài, chúng thoi thóp bò lên, ngoi khỏi lớp bùn trở nên khô cứng dần mà chúng không thể đào sâu hơn được nữa, di chuyển nhau vào ban đêm khí trời tương đối mát hơn. Rồi không may trên đường di chuyển tất cả bọn chúng vì vội vả sợ bị những con rắn trong vùng cỏ hoang rượt bắt, thế là chúng đành lọt vào một miệng hang khá rộng, lọt tuốt xuống phía dưới. Không ngờ phía dưới đầy nước. À, thì ra dây là một cái giếng không sâu lắm, nhưng để ra khỏi miệng giếng không phải là một chuyện dễ dàng. Trời sáng ra, càng ngày càng sáng tỏ, bọn ếch mừng rỡ: Ôi! Đây thật là một cảnh Thiên Đàng! Vừa có nước đầy đủ, chúng tha hồ bơi lội, tung tăng, không bao giờ sợ da phải khô cằn, thức ăn thì cũng không phải khó khăn, vì nơi đây ẩm thấp, lũ muỗi nhện không thiếu gì. Vả lại thành giếng có khá nhiều cỏ cây một màu xanh tươi, không bị khô hạn, nắng cháy như ở trên kia, lắm loài nở hoa, chao ơi sao mà đẹp! Những ngày trong sáng bầu trời trở nên một màu xanh đẹp tuyệt vời. Rồi vào ngày mưa, chúng tha hồ ca hát, vang vọng tiếng của mình đi vào không trung như trêu chọc những con vật khốn khổ ở trên kia. Rồi từng thời gian qua, trong những cơn mưa dài, chúng vui mừng, đùa vui với một cuộc sống thanh bình, sung sướng mà chúng nghĩ rằng không thể có một nơi nào hơn được, và nơi đây sẽ là nơi mà trên thế gian không có chỗ nào hơn được, và chỉ có một không thể có hai.

Nhưng lại tội nghiệp cho bọn chúng, vì bọn chúng chỉ giới hạn trong cái hiểu biết, cái nhìn thấy của mình, với một bầu trời bị đóng khung vào cái miệng giếng ấy thôi; đầu óc bị thui chột trong cái tư tưởng hạn hẹp mà chúng cho là vĩ đại. Chứ chúng đâu có biết rằng, qua thời gian nắng hạn, những cơn mưa đầy nước khiến cho cây cỏ sanh sôi nẫy nở tốt tươi, rừng hoa đua nhau khoe sắc, muôn màu muôn vẽ; các loài chim vang hót khắp mọi nơi tạo nên một rừng âm nhạc làm cho không gian thêm đầy sống động bao la ở trên kia. Nhất là loài người nhộn nhịp hơn bao giờ hết trên những cánh đồng, làng mạc để tạo nên lương thực, của cải, làm giàu cho cuộc sống của chính họ, cùng với mọi người, ngay cả những loài cào cào, châu chấu, bọ ngựa cũng vỗ cánh sành sạch tối ngày. Còn bọn dế tha hồ gáy rân vào những buổi bình minh mà bọn ếch vẫn luôn nằm nơi đáy giếng để nhìn trời cho rằng khung trời của mình là vĩ đại! Ôi, thật là thương thay!

 

Đồ Ngông,

01/08/2024.