Monday, October 11, 2010

Đạo Phật 1: Phiền Não Thị Bồ Đề!

Tôi không nhớ rõ lắm, lúc tôi còn bé, vào một buổi trời vừa chạng vạng tối, nhà tôi cùng hàng xóm bắt đầu lên đèn. Khí trời ẩm ướt, có vẻ muốn tiếp tục theo cơn mưa nhỏ lúc ban chiều. Tất cả mọi người trong gia đình đang ngồi quây quần bên mâm cơm thì những con mối cánh từ ngoài bay vào, khiến cho chúng tôi phải vừa ăn vừa xua đuổi, đồng thời phải gấp rút nên bửa ăn chẳng được ngon lành. Dọn dẹp xong, tôi trở về đèn dự định lấy bài ra học theo như lời mẹ tôi bảo. Nhưng trên bàn có vài ba con mối đang cắn đít nhau mà bò đi, cánh đã rụng hết rồi. Tôi lấy tập quét nó rơi xuống đất. Lúc đó em tôi đang dùng cây "vít vít" vài con mối cũng làm như vậy, bò từ từ dưới đất. Mẹ tôi bảo "nó cắn đít dẫn nhau về tổ để được làm mối chúa".

Thuở ấy, tôi cứ nghĩ và tin là như vậy, nhưng vì nhút nhát nên tôi không dám hỏi mẹ tôi làm sao nó biết tổ ở đâu mà dẫn về. Giả sử lúc ấy mà tôi có hỏi chắc mẹ tôi cũng chẳng biết phải trả lời ra sao.

Lớn lên tôi đi học xa nhà, lúc đó thầy dạy giảng văn cho học bài ngụ ngôn "con ve và con kiến", tôi thích lắm. Thích vì giọng thơ nghe vui vui "kêu ve ve", "suốt mùa hè", "gió bấc thổi", "vác miệng chịu khúm núm", "xin cùng chị cho vay", "dăm ba hạt qua ngày", "từ nay sang tháng hạ". Nhưng khi đọc bài nghiên cứu về đời sống ve của các nhà sinh vật học đã nghiên cứu để chứng minh ve không nợ kiến, mà kiến vay nợ xác của ve; thì từ đó tôi thích tìm đọc đến những bài nghiên cứu về đời sống sinh vật, nhưng mãi đến bây giờ, tôi vẫn chưa tìm ra được chuyện mối cắn đít kéo nhau về tổ để được làm mối chúa. Mà quả thật, những con mối chúa có hình dạng giống với những con mối cánh và lớn có khi đến cả trăm lần.

Không biết trong tự điển của World Book và Britannica Encyclopaedia có đề cập đến không, nhưng một phần vì vốn tiếng Anh chỉ "đầy lá mít", và tôi lại chẳng có nhiều thì giờ để giở ra mà đọc. Thế là chuyện ấy đành qua đi!

Cách nay cũng không là xa lắm, vào độ khoảng mười năm, lúc đó tôi đang làm rẫy trên đất của em tôi, vốn liếng dành dụm, hụi hè, công cha con chồng vợ bỏ ra, mong mưu cầu được hạnh phúc trong công việc của mình. Đùng một cái, tôi bị bệnh và phải mổ ở xương sống. Cuộc đời của tôi thấy thật là tang thương, lớp vợ phải đi làm thuê cực khổ, lớp con đi vào trường học thiếu thốn hơn xưa, lớp bán đổ bán tháo rẫy đi. Tôi nằm trên giường nghĩ vẩn vơ thương cho thân mình bất hạnh, vợ con mình cũng phải bị họa lây. Bây giờ đi từ từ, chậm rãi mình mới thấy quý những lúc chạy nhảy khi xưa, thấy bạn bè hăng hái đi làm mình mới nghĩ đến thân mình bệnh hoạn, yếu đuối. Lúc ấy tôi mới hiểu được tâm trạng buồn đau, nỗi buồn mà người ta gọi là "buồn thê lương, buồn tang thương hay là buồn thê thảm". Trong tình trạng ấy, tôi có những lúc ngồi "thừ" người ra, mắt mở to mà không thấy ngoại cảnh, lại chỉ thấy sâu vào tận đáy lòng.

Sự việc cũng đành ra thế rồi, tôi cố gắng tự an ủi lòng mình đi thôi. Thế là tôi kêu con tôi mướn phim kiếm hiệp Tàu về coi. Coi để mà coi chứ lòng buồn muôn vạn mối. Có một đêm nọ ngủ không được, nằm trằn trọc mãi, tôi lại nghe tiếng dế kêu. Tôi cứ nghĩ "Lạ thiệt! Tại sao nay lại có tiếng dế kêu". Lúc ấy vợ tôi trở mình thức giấc, tôi hỏi vợ tôi có nghe tiếng dế kêu không, vợ tôi bảo rằng không có. Qua đêm hôm sau, không những vừa nghe tiếng dế lại có cả tiếng trống của chùa dù chùa cách xa nhà tôi cả cây số. Tôi ngạc nhiên nói với vợ tôi "Tại sao lại có tiếng trống của chùa, nay ngày gì mà chùa đánh trống lớn quá vậy". Vợ tôi bảo "Đâu có". Tôi vội mở cửa đi ra sân sau, quả thật là không có. Tôi nghĩ không lẽ vì buồn quá, tôi sắp quẩn trí rồi chăng! Tôi thương các con tôi lắm! Trong suốt cuộc đời tôi, tôi đã hi sinh nhiều cho chúng nó, không thể đến bây giờ sự hi sinh của tôi trở thành vô nghĩa, mà lại càng làm cho con tôi phải khổ hơn.

Tôi buồn không thể tả, nhưng tôi phải cố gắng tránh điều làm cho mình có thể quẩn trí để một mai mình còn làm được gì lo cho đàn con được trưởng thành. Cho nên tôi phải bắt đầu nhớ lại có một lần tôi đã đọc đến Thiền Yoga. Lưng tôi thế này, tôi không thể ngồi được thì tôi đành nằm trên giường bên cạnh vợ tôi mà tịnh lại tâm của tôi để tránh đi ngày mà vợ con tôi nhìn thấy tôi "khùng khùng, điên điên".

Tôi nhớ lại ngày còn nhỏ khi lặn xuống nước lúc tắm suối, tắm rạch, tắm sông, tôi nghe âm thanh cũng giống giống như bây giờ. Tôi thử bịt tai lại nghe ra sao, nó cũng giống như vậy. Thế là tôi thử nghe âm thanh. Vả lại, Thanh Hải cũng đang truyền bá phép Quán Âm có cùng gốc của Phật giáo Tây Tạng mà Đức Đạt Lai Lạt Ma đã phổ biến từ lâu. Lúc đó, Thanh Hải còn là một ni cô nóng tánh, tự xưng là Phật, là Vô Thượng Sư chứ không là "một bà trình diễn thời trang" như bây giờ. Đến đêm, tôi nhắm mắt lại, yên tĩnh mà nghe; lắng nghe âm thanh trong lỗ tai và âm thanh trong tâm của mình. Quả thực, sự "đồng thanh tương ứng" giữa bên ngoài, bên trong đã tạo nên thứ âm thanh rộn ràng làm vơi đi phiền não. Tôi lắng nghe tai bên nầy xem âm thanh có khác loại âm thanh của tai bên kia không? Cứ qua lại như vậy không lâu thì tôi lại cảm thấy đường đi bây giờ lại theo chiều đi lên. Đúng là đi lên! Tâm tôi muốn vượt thoát ra ngoài thân xác tôi giống như điều mà sau nầy tôi đã ghi lại trong bài "Những ý kiến đóng góp về một phương pháp Thiền". Thuở đó, tôi viết bài ấy là vì cơ duyên, vì một sự thôi thúc nào đó mà tôi cũng không thể diễn tả được. Đôi lúc tôi nghĩ rằng tôi chưa phải là người nghiên cứu về giáo lý Phật giáo, nếu tôi viết ra mà sai trái thì tôi trở thành người phá Đạo. Tôi ngại lắm! cho nên tôi vẫn còn lưỡng lự, nhưng điều gì đến thì nó đến. Và cuối cùng, sau 9 năm tôi cũng đã ghi lại các giai đoạn ấy rồi. Tôi đánh liều mà không biết mình có phải là Ma Vương hay là quỷ Satan đến để quấy rối thế gian nầy không? Nhưng tôi còn hi vọng, nó sẽ đóng góp được chút ý kiến để bạn kiện toàn phương pháp Thiền của bạn. Bạn có thể áp dụng, hoặc dựa vào đó tìm được cách riêng thích hợp với cơ thể cùng hệ thần kinh và tâm linh của bạn như Đức Phật đã bảo bạn "Hãy tự thắp đuốc lên mà đi". Đó là "Pháp" riêng của bạn.

Thực ra, trong cuộc đời tôi có hơn đôi lần bị bệnh hoặc kém may mắn, mỗi lần như vậy không hiểu tại sao lòng tôi lại hướng về Đạo thật là mãnh liệt, dù tôi không mấy biết về Đạo. Và vì vậy tôi mới hiểu rằng: "Trong sự tuyệt vọng con người thường quên đi ngoại cảnh để quay hẳn vào trong nội tâm, lúc ấy là lúc mà ngọn đuốc Tuệ rất dễ bừng cháy, và cánh cửa sổ tâm hồn sẵn sàng mở thông với siêu hình, vũ trụ". Do đó, tôi mới nghiệm được tại sao Thích Ca sau 49 ngày thà chết để tìm Đạo thì được Đạo; Jesus nhịn đói khát 40 ngày, Mahomed mất một thời gian ở núi Hira. Và một câu có thể tóm tắt điều ấy là: "Trong sự sống hiện tại mình đã gần với sự chết, hay đã thấy được sự chết, và trong sự chết ấy, mình mới thấy được một sự sống đời đời".

Về sau nầy, tôi có cái suy nghĩ khác về Đạo Phật: Nếu người ta nói muốn có cái hình tướng đẹp là phải trải qua muôn ngàn kiếp tu, như vậy muốn thành Phật sẽ tu đến bao giờ? Cuộc đời chỉ mấy mươi năm mà người ta đã ngao ngán quá chừng, vậy thì tu trăm ngàn kiếp mới được thành Phật; thì chắc người ta sẽ là "Thối Bồ Tát" hơn là "Bất Thối Bồ Tát".. "Bất Thối Bồ Tát" trong chúng sanh sẽ đếm không được trên đầu ngón tay.

Tại sao ta không nghĩ ngược lại: Muôn ngàn kiếp trước ta đã tu rồi, đến kiếp nầy ta chịu khó tu thêm chút nữa thì nhất định ta sẽ thành Phật như Đức Phật đã nói: "Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành". Mà Phật là gì? Phật là sự giác ngộ, Phật tánh trở về nơi cũ qua sự giác ngộ. Phật tánh vì sự u minh, mê muội muốn vào đời bằng thân xác và thích có được thân xác nên mới có danh sắc, lục nhập... theo thuyết "Thập nhị nhân duyên". Đến khi có "phiền não" thì mới "hồi đầu" tu hành để "bỏ sông mê" đi vào "bờ giác". Khi bước lên đến bờ giác thì lập tức thành Phật. Như vậy, những kẻ khổ đau, tàn tật, bất hạnh, nghèo nàn đói kém là những kẻ có nhiều phiền não, họ rất gần với Phật, dễ dàng thành Phật, dễ đạt được Đạo.

Tôi đã là kẻ bất hạnh trong cuộc đời, cũng có lúc cần phải tĩnh tâm, biết rất ít về Đạo, nhưng cơ duyên đã thôi thúc, tôi viết lên những bài như bài nầy để cống hiến cho bạn, thì tôi nghĩ bạn cũng sẽ có những điều như tôi hoặc là hay hơn tôi. Bạn đừng bi quan, bạn hãy tìm tới Đạo đi, bạn hãy vui vẻ chấp nhận vớí những phiền não bây giờ, để mượn "phiền não" tìm đến "Bồ đề" (Bồ đề là sự giác ngộ, là Phật) như lời mà Phật Thích Ca đã hướng dẫn: "Phiền não thị Bồ đề".
Ngày xưa, lúc tôi còn học Trung học, vì làng xã tôi mất an ninh, nên tôi xin trọ ở chùa gần trường để đi học tiện hơn. Có lần tôi và bạn tôi thắc mắc: Tại sao những người tới chùa thường xuyên thường là những người khổ đau, bệnh hoạn hay tàn tật. Về sau tôi mới hiểu được lý do: Vì họ nghĩ rằng do họ đã gieo nhân ở những kiếp trước xấu, bây giờ họ mới lãnh quả xấu; nên họ thường đến chùa, hay làm công đức để mong rằng những kiếp sau của họ sẽ được tốt và khá hơn. Đó là chuyện ngày xưa ở Việt nam, còn bây giờ ở đây, trên xứ người "về chùa" lễ Phật nghe kinh đã là một thói quen thuần thành của người Phật tử tự lâu rồi.

Nhưng, sau cơn bệnh của tôi, tôi lại hiểu khác đi: Những ai đau khổ, tàn tật, bất hạnh trong cuộc đời nầy là những kẻ đang rất gần với sự giác ngộ. Họ chỉ cần biết bỏ đi mặc cảm; biết trầm tư, ngồi tĩnh tâm, hoặc biết Thiền định thì họ sẽ đến quả Phật một cách dễ dàng.

Bạn không tin tôi ư? Tôi sẽ giải thích cho bạn rằng: Bạn có thấy những người còn trẻ, giàu có và được nhiều thành công trong cuộc đời không? Có mấy người trong họ có được niềm tin về Đạo, họ là những kẻ sung sướng, đầy đủ, họ ít khi nghĩ về Đạo. Đôi khi có ai nói chuyện Đạo với họ thì họ không ưa, hoặc là họ bỏ đi, hoặc là xua đuổi, thậm chí còn trêu ghẹo, nguyền rủa... Còn những người đau khổ hay trầm ngâm, suy nghĩ, than thân trách phận họ thường quay trở về với nội tâm, nhiều lúc họ mở mắt ra mà không nhìn thấy cái gì ở chung quanh mình, có tai mà không để ý đến tiếng động nào cả. Tức là lục căn xa rời cả lục trần: Đó là điều mà người tu hành, hay hành giả về Thiền, họ muốn có mà khó được.

Như vậy, Hỡi các bạn bất hạnh, khổ đau, bệnh hoạn, tàn tật hãy cố gắng lên đi! Coi như cuộc đời nầy là kiếp sau cùng của chúng ta. Ta gần đến bờ bến rồi! Ta tự độ cho ta, để rồi còn độ cho người khác. Ta hãy tiến tu, và đóng góp cho cuộc đời với những gì ta có thể làm được. Ta vui vẻ mà chấp nhận, hãy tạo cho mình một sự ung dung tự tại ngay trong cuộc đời nầy: Ấy chính là Niết bàn của ta rồi đó!

Nếu ta về được bến, lên bờ để mang quả vị Phật thì giống như đàn mối kia, bay ra khỏi tổ bằng hai đôi cánh, khi cánh rụng đi, cắn đít nhau tìm đường về; còn ta lặn hụp trong cuộc đời, dắt dìu nhau tiến tu theo con đường "Đạo sư" chỉ dẫn (vì Đức Phật là người đã tới trước và quay lại chỉ đường cho chúng sinh). Mối về đến tổ là mối chúa và ta sẽ là Phật khi hết giai đoạn cuối cùng. Hãy nhanh chân lên nhé! Bạn ơi!


Nguyên Thảo.

1 comment:

  1. Các bài của Chú đăng rất hay, nhưng font chữ hơi nhỏ. Nếu có thể, chú set lại font chữ lớn hơn tí nữa thì rất hay

    ReplyDelete