Wednesday, October 20, 2010

Đạo Phật 2: Một Định Đề...

(Hay là: Tính Nhân Bản Và Sự Tự Do Trong Đạo Phật).

Nói đến định đề là ý tôi muốn nói trở lại hệ thống toán học mà tôi và các bạn đã học vào những năm trung học. Chúng ta đã học hình học phẳng, hình học không gian qua định đề Euclid. Định đề là một vấn đề ta chỉ chấp nhận mà không cần chứng minh. Hoặc là chấp nhận, hoặc là không? Chấp nhận thì ta có toàn bộ hệ thống toán học đó, không chấp nhận là không có hệ thống toán học ấy. Còn các định lý, hệ luận thì căn cứ vào định đề mà chứng minh. Suốt 7 năm trung học, chắc tôi và bạn chỉ học hệ thống toán học của Euclid mà thôi. Còn về sau, bạn có học hệ thống toán học nào khác không, tôi không biết; chứ riêng tôi chỉ nghe nói đến hai hệ thống toán học khác là Riemann và Lobachevsky, nhưng tôi chưa hề được biết hoặc làm quen.
Và cũng trong 7 năm trời mài đủn quần, lết mòn các băng ghế của nhà trường đó, tôi còn được làm quen với môt số triết lý và quan niệm của vài tôn giáo qua sự mổ xẻ của thầy, của sách vở về nhân sinh quan, vũ trụ quan của từng tác giả hoặc những bài văn hoăc thơ hay tác phẩm. Thuở ấy học để mà học, chứ thực sự tôi chẳng hiểu gì cả.
Thế rồi cuộc đời cũng qua nhanh, thắm thoát đã vào tuổi trung niên, đôi lúc "trà dư tửu hậu" với bạn bè thì cũng bàn, cũng nói về vấn đề thời sự, chính trị và cả về tôn giáo, hoặc chuyện làm ăn lẫn "tào lao" để cùng nhau cười hỉ hả. Rồi suy ngẫm cuộc đời, rồi liên đới hên xui, may rủi, rồi vận mạng, rồi định mệnh, lần đến quay về nội tâm của mình để tri thiên mệnh, chọn cho mình "một chỗ nương tựa sau cùng" là tôn giáo.
Nếu các tôn giáo khác có tính cách của gia đình hay cha truyền con nối, cha mẹ theo đạo gì con phải theo đạo ấy giống như một ràng buộc bắt buộc. Còn mẹ tôi thỉnh thoảng tới chùa vào những ngày lễ lớn, ba tôi có mấy khi đi, tôi thì lâu lắm mới tới coi như là đi chơi với bạn bè, thế thôi! Năm tôi ở trọ chùa đi học trong ba tháng, tôi phụ giúp đủ các việc; nhưng về kinh kệ, giáo lý, chuông mõ tôi chẳng hề biết một tí nào, mà các thầy trong chùa cũng chẳng ép tôi phải đọc hay học dù một bài kinh thật ngắn. Thế là tôi là người theo đạo Phật mà chẳng có ý niệm, hoặc lòng trung tín nào với đạo Phật cả. Bây giờ nhìn lại, tôi mới thấy không có đạo nào mà tín đồ được thoải mái, tự do hơn đạo Phật. Anh muốn đến thì đến, anh muốn đi thì đi; muốn học kinh thì học, không học thì thôi, tùy theo niềm tin của anh. Rồi từ trong cuộc sống của cuộc đời, qua nhiều biến cố thăng trầm, những sự khổ đau nhiều hơn sung sướng hoặc là những lúc bị bệnh trầm kha, ta nằm suy nghĩ, rồi ánh đạo lại hiện ra; và bắt đầu đến chùa tụng kinh, sám hối hay thường muốn nghe thuyết pháp. Riêng tôi, trong cơn bệnh đã cho tôi có được một niềm tin ở Đạo, nhưng tôi vẫn hãy chưa tới được cổng chùa. Mãi đến khi vợ chồng anh chị bạn cho mượn cuồn băng "Tương quan giữa sự sống và chết" mà em chị ở Việt nam gởi qua. Thầy thuyết pháp không biết tên là gì, nhưng qua nội dung thầy có nhắc đến thầy Thích Nhất Hạnh. Tôi chỉ biết thầy cùng thời với thầy Thích Nhất Hạnh và là người xứ Quảng vì giọng nói của thầy là giọng người Quảng. Qua cuồn băng ấy, tôi thích lắm và muốn tìm hiểu về nghi lễ của buổi lễ trong chùa. Thế là tôi lần mò tới chùa như một đứa học trò mới đi học. Mặc dù các bài đọc thường là thơ chữ Hán, tôi không hiểu nhiều lắm, nhưng đủ để cho lòng mình thâm nhập vào đó. Quả thực là tuyệt diệu:
Vô thượng thậm thâm vi diệu pháp
Bá, thiên, vạn kiếp nan tao ngộ
Ngã kim kiến, văn, đắc thọ trì
Nguyện giải Như Lai chơn thiệt nghĩa.
Ôi! Pháp Phật thật là thâm sâu; cả trăm, ngàn, vạn kiếp khó mà gặp; hôm nay tôi được thấy, được nghe và được thọ trì. Ôi! quý hóa nào hơn! Lời thơ độc đáo mà ý nghĩa cũng vô cùng. Lòng tôi luôn nhắc lại: "Bá, thiên, vạn kiếp nan tao ngộ- Ngã kim kiến, văn, đắc thọ trì". Thật phúc đức cho tôi! Là mãi đến bây giờ tôi hãy còn có cơ duyên tìm đến được, và vẫn chưa quá muộn màng!
Có lẽ đối với người ngoại đạo và chưa hiểu đạo, họ sẽ nghĩ các nội dung trong các bài kinh rất là xa vời, là tưởng tượng, nó không giống như trong Kinh Thánh, có kể chuyện Đức Chúa Trời tạo ra muôn loài, rồi tạo ra ông A-Dong và bà Ê-Và, rồi con rắn dụ bà Ê-Và ăn trái cấm, cả hai bị Đức Chúa Trời giận dữ đuổi ra khỏi vườn địa đàng, rủa sả cả 3, để rồi từ đó con người chịu mang tội Tổ Tông... Và cũng trong các kinh, Đức Phật chẳng hề làm phép tắc để trị bệnh, hay đem đến thức ăn cho ai mà Đức Phật chỉ nói, chỉ giảng và chỉ chỉ cái cách cho con người làm sao tự mình tu để giải thoát khỏi kiếp sống khổ đau, sinh bệnh lão tử nầy và để khỏi phải tái sinh, luân hồi trong sáu nẽo, cùng vượt thoát ra ngoài tam giới, sống ung dung tự tại trong cái "vô hình vô tướng" ở cõi "chân không diệu hữu". Người đời làm sao hiểu được? Những ai tu theo Đạo Phật, những ai là hành giã của Thiền họa may sẽ đến được, nhưng tùy theo cơ duyên, căn cơ của mỗi người họ sẽ đến được cỡ nào, ở cấp bực nào. Đức Phật Thích Ca là Đức Trí Tuệ, Ngài cũng từ con người bình thường, Ngài đã từ bỏ mọi cao sang quyền quý, vợ đẹp con thơ để khoát lên mình mảnh vải chắp vá, đi chân không, đầu trần lặn lội từ nơi nầy đến nơi khác, đủ đã là một "siêu nhân"; nhưng lại còn đi xin ăn, ai cho gì ăn nấy, không chê khen; không cho thì nhịn đói mà làm công việc không phải cho mình, chỉ đem ích lợi cho người, cho chúng sanh. Thuyết pháp, giải thích, không hề giận dỗi mà rủa sả dù đó là cây cỏ. Đức Phật rao giảng cho mọi người có được tình thương yêu với tất cả chúng sanh dù chúng sanh ở cõi trời, cõi người, A-tu-la, địa ngục, ngạ quỷ hay súc sanh vì tất cả đều cùng có Phật tánh, cùng bản thể như nhau, ngay Đức Phật cũng không khác. Đức Phật là người giác ngộ trước (tự giác) và giúp chúng sanh giác ngộ sau (giác tha) "Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành". Đức Phật không hề coi mình là kẻ trên, kẻ ban quyền lực đến cho người khác, hoặc cho người khác được thỏa mãn ước muốn tạm thời; mà Đức Phật muốn "chỉ" cho mọi người con đường đi thế nào (Đạo sư) để được chính mình giải thoát cho mình hoàn toàn khỏi cảnh khổ đau trong tam giới và ung dung tự tại ở cỏi "Niết Bàn Thanh Tịnh" (cõi không buồn, không vui; không sanh, không diệt; không thiện, không ác; không tăng, không giảm... ).
Quả thực Đức Phật đã nói quá xa, xa hơn đầu óc con người tưởng tượng, hẳn nhiên là khoa học cũng chưa khám phá được nhiều. Nếu lúc xưa Đức Phật đã nói trong bát nước có "bát vạn tứ thiên trùng" thì mãi đến khoảng hai ngàn năm sau, người ta mới chứng minh là đúng. Đức Phật đã nói đến tái sanh thì trong thế kỷ 20, người ta mới kể nhiều về chuyện tái sanh... Đức Phật nói đến "Tam thiên đại thiên" thế giới, thì khoa học chứng minh trong vũ trụ này có nhiều thiên hà, mỗi thiên hà chứa rất nhiều thái dương hệ khác nhau. Như vậy, tinh thần Phật giáo dựa trên căn bản của con người (nhân bản), từ con người mà thông suốt đến vũ trụ qua Trí Huệ. Và đem đến cho con người một con đường tự mình có thể giải thoát khỏi sự đau khổ, sinh lão bệnh tử cho chính mình. Và sau khi tự giác được rồi, con người có một lòng từ bi rất là rộng lớn, nguyện độ tất cả chúng sanh trong lục đạo, chứ không phải riêng cho con người. Bạn không thể tìm thấy thứ tình thương quảng đại ấy ở bất cứ một tôn giáo nào khác. Bạn có hiểu tại sao đoàn khất sĩ khất thực đi chân trần và từng bước chậm rãi không? Họ phải nhìn xuống chân sợ dậm phải một con vật nào. Họ đã ăn chay và quý mạng sinh vật như thế ấy, Bạn thấy làm người tu sĩ Phật giáo có nhiều cam go lắm không? Cái gì bạn biết, bạn hiểu được, bạn mới thấy nó hay. Còn không hiểu, có khi bạn còn châm biếm, khinh miệt nữa là khác! Nếu bạn mở tâm bạn rộng rãi ra, đừng nhìn vào Phật giáo bằng một cái định kiến mà người khác đã trao cho bạn; bạn hãy nghiên cứu sâu vào, bạn mới thấy những nét đẹp, những nét hay của nó.
Đạo Phật là một tôn giáo rất tự do và thoải mái như ở trên tôi đã viết, không bắt buộc bất cứ một ai phải tới chùa, không bắt Phật tử phải học giáo lý. Bất cứ ai đến tìm học đều là cơ duyên và tự nguyện. Giáo hội Phật giáo không đặt ra điều răn, điều buộc Phật tử và nhất là Phật giáo không có một "Định đề" như ở một số tôn giáo khác, tôi nhắc lại với bạn là "Định đề": Đức Phật không phải là "Đấng tối cao để được phụng thờ và chỉ phụng thờ một Đức Phật mà thôi, nếu thờ phượng khác đi là tà đạo". Đạo Phật không làm việc đó. Người đến với Phật giáo, Đức Phật rất là thoải mái, và muốn đi cũng một cách rất tự nhiên. Bạn muốn có năng lực tự cứu mình và để cứu chúng sanh thì hãy đến với Đức Phật, Phật giáo. Bạn muốn nhờ tha lực cứu bạn, hoặc cầu nguyện vẩn vơ thì bạn cứ đi, không ai ngăn cản bạn cả. Đức Phật hòa mình với chúng sanh; nhân ái, dìu dắt chúng sanh chứ không nguyền rủa, rủa sả dù là cỏ cây. Đức Phật thống thiết với đau khổ của chúng sanh "Nước mắt của chúng sanh trong ba nghìn thế giới nhiều hơn nước của các đại dương". Do vậy, khi ngộ được Đạo, Đức Phật muốn nhập diệt vì thấy chúng sanh khó độ, nhưng chư thiên xin Đức Phật độ chúng, nên Đức Phật đành lê gót chân trần hơn 45 năm hành đạo.
Bạn có thấy Phật giáo rất hòa ái lắm không? Đến ngay cả quê hương Đức Phật bị nhóm xâm lăng phá tan hoang; và các tượng Phật cổ lớn nhất thế giới ở Afghanistan bị nhóm Hồi giáo quá khích Taliban phá hủy, nhưng không có sự phản đối mạnh bạo nào từ các quốc gia Phật giáo, hoặc mở các cuộc Thánh chiến để bảo vệ bao giờ. Thực ra, Đạo Phật là Đạo rất thâm sâu tự trong tâm thức của con người. Nếu con người từ bỏ cái ham mê xác thịt, vật chất (dục giới) của thân xác, chỉ giữ lại cái xác (sắc giới), hoặc bỏ đi thân xác để vào cõi "vô sắc giới" thì vẫn còn trong tam giới. Nếu biết được con đường giải thoát thì sẽ vượt luôn qua cõi vô sắc giới đó để vào cõi thanh tịnh, yên tĩnh tức là Niết Bàn, thì đó là sự sống đời đời mà Đức Phật và tất cả những người tu hành ngộ đạo đã đạt được. Như vậy, "khi nào còn có Tâm thức của con người, thì Phật giáo hãy còn tồn tại" dù ở thế gian nầy có còn Phật giáo hay không.

Nguyên Thảo,
10-04-01.

No comments:

Post a Comment