Nhớ lại lúc nhỏ, khi Đồ Ngông tôi còn bé tí teo, Đồ tôi được ông bà cố lẫn ông nội thương nhiều lắm, vì Đồ tôi là cháu đích tôn. Cái xã hội Việt nam và Tàu là thế đấy! "Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô" đó mà! Đã thế, cứ mỗi năm ông nội lại cho phần mười giạ lúa ăn để đi học. Nhưng Đồ tôi bản tính vốn là ngu quá! 5 tuổi mà không đếm được từ 1 tới 10, có khi đếm đến 9 chỉ còn một số nữa thôi mà cũng không đếm được. Thế mới bị ba giận dứt cho một trận đòn. Hèn chi, lớn lên Đồ tôi không nhớ được đến một bài hát cho tròn dù bài ấy là bài Quốc ca mà Đồ tôi đã hát đi hát lại rất nhiều lần. Chắc trên đời nầy không có ai ngu như Đồ tôi! Và không hiểu vì lý do, hay nguyên nhân nào đã khiến "con rùa u tối" Đồ tôi lại lần mò lên được mức trung bình, để rồi trốn lính hợp pháp trong thời kỳ chiến tranh ác liệt, mà lại "được" người ta cho trốn lính mới là lạ! Cũng chính vì chỗ đó, Đồ tôi đành lặng lẽ trên xứ người, không dám "thò" cái bộ mặt mình ra ngoài, dù là ở nơi đâu. Đồ tôi không có quyền, hay tư cách nào để ăn nói. Trước trốn lính thì bây giờ mình đành trốn chui vậy. Chắc mỗi con người đều có một cái số! Người ta đã nói "giày dép còn có số" thì con người có số lại là điều hẳn nhiên.
A! Đồ tôi đã đi quá xa đề tài mất rồi! Thôi thì quanh trở lại vậy!
"Đây nói về chuyện Tôn Hành Giả...", A! mà không! Chuyện Đồ tôi khi còn nhỏ, có lần Đồ tôi đi lon ton theo sau đít của ông nội dạo xóm. Đồ tôi thấy có con bò đứng nhai cỏ, cái miệng ngồm ngoàm. Đồ tôi mê quá! Cứ mãi đứng nhìn. Ông nội đi tuốt luốt, đến lúc quay lại không thấy Đồ tôi, Ông nội mới vòng trở lại, kêu đi. Đồ tôi đi theo mà tiếc nuối.
-Ông nội à! Con bò nhai cỏ con thấy cái miệng nó đưa qua đưa lại vui ghê! Mà tại sao cái mũi của nó có cái gì vậy ông nội!
Ông nội Đồ tôi bảo:
-Cái mũi con bò có cái vòng người ta gọi là cái "dàm" để người ta cột dây dẫn nó đi!
-Tại sao người ta không cột ở chỗ khác mà lại cột ở chỗ cái mũi hả ông nội?
-Ừ thì tại vì ở cái mũi con bò da nó mỏng và đau nên người ta mới xỏ mũi ở đó để khi điều khiển con bò chỉ cần giật nhẹ dây thì nó phải nghe theo.
-Ông nội à! Có ai xỏ mũi người ta không ông nội?
-Chưa có! Nhưng mà con muốn xỏ mũi không, ông nội xỏ cho con.
-Không đâu! Con hỏng thèm đâu! Xỏ mũi chắc đau lắm! Con hỏng chịu đâu!
Nhưng rồi, vào chiều tối sau khi cơm nước xong, ông nội nằm nghỉ trên võng, ông nội kêu lại gần với ông nội, ông nội hỏi:
-Hôm nay con thấy con bò bị xỏ mũi, con không thích như vậy. Tại sao con bò bị xỏ mũi, để ông nội kể con nghe:
"Ngày xưa, lâu lắm rồi! Thuở ấy những con bò và người thông hiểu với nhau, nói chuyện với nhau được, giống như ông nội với con bây giờ. Những con bò khởi đầu cũng thông minh, giỏi dắn và siêng năng lắm. Chúng sống ở trong rừng, thoải mái tự do đi đây đi đó, muốn làm gì thì làm, muốn ăn ở đâu thì ăn, không có con người nào điều khiển nó cả.
Một ngày kia, có một gia đình nông phu đến bìa rừng khai phá để lấy củi bán và lấy đất đai trồng trọt, canh tác. Khi rừng cây bị phá đi thì ánh sáng mặt trời rọi xuống mặt đất nhiều, và vì trống trải cỏ mọc nhiều hơn, xanh tốt hơn. Người nông phu cũng chật vật vì cỏ lên quá nhanh. Nhưng cũng may, vài con bò lần theo bìa rừng đi đến nơi ấy thấy cỏ tốt, mềm mại, xanh ngon thì thường đến đó ăn. Thế là bò, người cả hai đều có lợi! Và họ vui vẻ cùng nhau. Thường nơi nào có ăn thì người ta hay đến giống như tục ngữ có câu: "Lúa thóc ở đâu, bồ câu tới đó". Một ngày kia cũng có một gia đình nông dân khác đến khai phá một góc rừng gần đó, cũng có vài con bò lần tới mà ăn.
Vị nông phu đầu tiên nãy sanh ý chiếm hữu, muốn lôi kéo đàn bò về làm của riêng mình, ông ta dụ dỗ đàn bò. Với giọng ngọt ngào, ông ta nói:
-Bò ơi! Lâu nay tụi bây ăn với tao tụi bây đừng bỏ tao nhe! Ở đây cỏ ngon hơn ở đằng kia! Tao đối xử tốt hơn ở đằng kia, đằng kia gian ác lắm tụi bây nhớ nhe! Léng phéng qua đó tụi nó giết tụi bây chết có ngày.
Rồi ngày qua ngày, người nông phu ra sức lôi kéo đám bò về trên đất của mình bằng cái cảnh tả oán, thương tâm để động lòng trắc ẩn của đàn bò thông minh; vừa khích tướng, vừa o bế lại vừa dụ dỗ, tìm cách đưa đàn bò thành công cụ của mình.
Một hôm, nông phu bảo với đàn bò:
-Bò ơi! Rủi người ta đánh mầy, mầy sợ người ta đánh chỗ nào nhất.
-Chỉ sợ người ta chọt vào mông đít, và nhất là xỏ qua lổ mũi vì nơi đó là chỗ tôi đau nhất. Nếu chỗ đó bị xỏ chỉ có nước tôi phải đi theo và nghe lời người ta thôi. Không có cách nào khác.
Người nông phu nghe như thế, lúc đầu cũng không để ý cho lắm! Nhưng rồi, một hôm, ông ta chợt nghĩ nếu không lo chiếm phần mấy con bò nầy thì một ngày kia mình có thể bị mất chúng thì sao. Vả lại, nếu cần thiết thì sử dụng, điều khiển chúng để đụng phá cái nhà kia tranh ăn với mình cho bỏ ghét. Thế rồi, từ âm mưu manh nha trong tâm, người nông phu dần dần biến thành sự thực.
Người nông phu bỏ công sức đào một cái hố to, khá sâu có thể chứa được đàn bò ấy, ngõ xuống được làm một cái cổng rất là chắc chắn. Ông cũng không quên dự trù kiểu cách để tách rời từng con. Ông nhất quyết xõ mũi chúng để chúng phải làm công cụ cho mình.
Làm xong, ông khoe với đàn bò, ông diễn tả, nói công ích của cái hố cho đàn bò nghe. Đàn bò hiếu kỳ cả đám kéo xuống coi, quan sát cái hố kỳ diệu ấy. Trong lúc ấy người nông phu bảo cần lên nhà lấy ít đồ rồi trở lại hố. Thừa lúc đàn bò mãi mê xem, ông đóng vội cổng lại. Đàn bò không thể trở ra được, chúng náo động ầm vang. Một ngày không ăn, hai ngày rồi ba ngày không ăn, bò ta đành chịu lã người, mệt mỏi không còn hăng say phá cổng như lúc đầu.
Đợi lúc bò yếu đuối không thể nguy hiểm nữa, người nông phu đến bảo với chúng nó:
-Ta chỉ muốn các ngươi ở với ta, ta không muốn các ngươi thuộc về người khác vì thế ta phải làm như vậy, ta xin lỗi các ngươi. Bây giờ để bảo đảm điều ấy ta muốn các ngươi đưa mũi cho ta xỏ, bắt dàm trước khi các ngươi được lên đồng cỏ ăn như xưa.
Vì muốn no, vì mạng sống, từng con bò một chịu đau đớn đưa mũi cho người nông phu xỏ mũi, bắt dàm và cột dây.
Từ đó, người nông phu bắt đầu điều khiển những con bò thông minh ấy làm công cụ của mình như kéo cày, kéo xe, đi bừa, kéo gỗ vân vân... Con bò cũng từ đó hận đời chỉ biết "úm...bò", lủi thủi làm theo sự điều khiển của người, khi không nghe bị người ta dùng cây nhọn gọi là "đót" để chích vào mông đít hoặc giựt dây mũi mà điều khiển. Mỗi khi bò mẹ thấy bò con hay là bò nghé bị người ta chận đầu xỏ mũi, bắt dàm nó đành yên lặng mà chảy nước mắt vì những phút ngu si, nhẹ dạ của mình mà con cháu phải đành làm thân "trâu bò" từ thế hệ nầy sang thế hệ khác!
Đó là chuyện những con bò thông minh bị trúng kế người nông phu mà tai hại cho mình, cho con cháu cả ngàn năm về sau mà ông nội Đồ tôi đã kể cho Đồ tôi nghe từ khi còn nhỏ. Nhưng khi lớn lên cho đến lúc ở nhà trường, và ngay cả sau nầy Đồ tôi chưa hề được nghe kể đến chuyện nầy. Không biết ông nội Đồ tôi đặt ra để kể cho Đồ tôi nghe hay là trong chuyện cổ tích đã có. Dù gì câu chuyện ấy cũng đáng cho ta nghiền ngẫm trên nhiều phương diện.
Quý vị cứ thử "suy nghĩ" một chút mà chơi!
Đồ Ngông,
30-01-04.
Wednesday, October 20, 2010
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment