Monday, October 11, 2010

Một Thoáng Hương Xưa.

(Viết tặng: Hội Giáo Chức Nam Úc,
nhân "Ngày Thầy Trò" 10/10/03).

Lâu lắm rồi, hôm nay Đồ tôi mới được hưởng các giây phút thoải mái để sống về "một khung trời kỷ niệm" của thuở những năm nào. Cuộc đời trên xứ người sao mà bận rộn hơn trên xứ mình nhiều! Đồ tôi cứ lo bương chải, cứ mãi lủi thủi đi về trên cùng đoạn đường, và ngày nào cũng như ngày nấy, công việc vẫn còn đầy ấp ra đó. Thôi! Dù thế nào cũng không thể hết việc được! Vậy thì, tại sao ta không thể mua vé đi về "Ngày Thầy Trò" do Hội Giáo Chức Nam Úc tổ chức mà sống lại "một lúc nào đó" của những năm tháng trôi qua?
Thế rồi ngày ấy đã đến!
Không khí cũng trang trọng, người cũng đông vui! Đồ tôi cảm thấy lẻ loi giữa những người thầy cô và đám học trò "lạ quắc lạ quơ!". Người chẳng biết ta, ta cũng chẳng biết người. Ừ! Thì mình "đã ăn ké mà lị"!
Hai vợ chồng bước vào cửa đã phải ngỡ ngàng vì mình không biết mình thuộc thành phần nào đây? Anh chị ở trường nào đây? Không trường nào cả! Thuộc nhóm nào? Cũng không có nhóm nào hết! Vậy thì là gì? Là phụ huynh! Đi với con hả? Cũng không có luôn! Vậy mua vé ở đâu? Mua vé đằng Bác sĩ Tuấn. Vậy thì ngồi chung với bàn trường Bồ Đề. Ở đâu cũng được! Vậy là nhân số của hai vợ chồng Đồ tôi thuộc về trường Bồ Đề. Ôi! quả thật lỗi tại mình! "Ai biểu" cả hai mươi năm sống trên xứ người, hôm nay mới "vác bản mặt" ra trình diện. Thật đúng là "con dán ngày" đợi lúc tối mới chịu bò ra mà "ca ngâm".
Nói đùa thế cho vui! Xin quý vị giáo chức đừng "quan ngại". Đồ tôi cũng thuộc thành phần "hiếu kỳ", nên muốn tham gia "coi thử" tình hình ra sao mà thôi! Và sự tiến triển của "phe ta" đến nay được thế nào rồi!
Thật là một niềm vui! Niềm vui lớn lao đến với Quý vị, nhưng Quý vị cũng đem lại nguồn vui đến cho vợ chồng Đồ Ngông tôi với những kỷ niệm ngày còn ấu thơ. Vợ chồng Đồ Ngông tôi chân thành cảm tạ Ban Tổ Chức thật nhiều!
Coi như "Ngày Thầy Trò" đã được thành công mặc dù chưa qui mô cho lắm! Lần đầu tiên "Ai có biết ra sao?". Nhưng như vậy cũng là quá đẹp, thành công rồi! Với sự hiện diện của đông đảo Thầy Cô, nhất là những "đứa học trò cũ như mới" đã "nói lên" được đúng cái "tinh thần, ý nghĩa" của ngày "Tôn Sư, Trọng Đạo". Chương trình văn nghệ, đấu giá, trò chơi chuẩn bị tương đối là chu đáo. Một khung cảnh ấm cúng, với những huy hiệu "giáo chức" do những người học trò dâng lên cho Thầy Cô với cành hoa hồng thắm. Ôi! Đẹp làm sao!
Đồ Ngông tôi "hôm này" bị "lỡ chuyến đò" nên bỏ quên cả "áo dài khăn đóng, bỏ quên cặp mắt kiếng lẫn bút nghiên cùng giấy bản", lật đật hối Bà Đồ mà chạy để kịp thời gian nên đành lép vế,"khúm núm" và ngồi "xếp ve" trong "hốc" vậy. Xin quý vị thông cảm và tha thứ!
Đã có một lần, Đồ tôi viết về một ít kỷ niệm dấu yêu trong thời thơ ấu ở ngôi trường làng nho nhỏ như sau:
"Ngoài bài Quốc ca: "Nầy Công dân ơi! Quốc gia đến ngày giải phóng, đồng lòng cùng đi hi sinh tiếc gì thân sống...", trong lớp học đầu tiên ấy có mấy anh mấy chị; nào là Cờ, Tướng, Tự, Sơn, Chi, Son, Gõ, Năm...Và bên nữ chị Mây, Thay, Tuyết, Mới, Khởi, Băng Tâm... đứng sắp hàng mỗi sáng "nhóng mỏ" ca thật lớn, thì khi đó hai bạn lại kéo cờ lên. Xong tới bài "Suy tôn Ngô Tổng Thống". Ôi! Bây giờ trong lứa bạn có người mất, người còn, những dáng trẻ con ấy không thấy nữa, đầu đã bạc, răng bắt đầu rụng, con cháu đầy đàn. Vào cuối năm lớp nhì cả lớp lại bùi ngùi, lau nước mắt tiễn thầy Trọng đi động viên vào quân đội. Và năm sau lần đầu tiên viết chánh tả với cô giáo người Bắc: Vũ thị Hồng Ngọc. Cô đọc tựa bài "Cách định bệnh", có đứa thì viết đúng, có đứa viết "Cách địch bạch", đứa thì viết "Cách định bạch" rồi "địch bệnh" cùng nhau ngơ ngác. Khi bắt lỗi đứa ít nhất cũng là 8 lỗi, đa số đều trên mười lỗi lãnh "dê rô" ốc ngỗng. Tuy nhiên trong các thời gian ấy nào là bài "Khỏe vì nước", rồi "Ngày bao hùng binh tiến lên, bờ cõi vang lừng câu quyết tiến..." hoặc "Dưới ánh ô vàng rầm rầm hùng binh ta tiến.." rất khí thế. Lúc thầy Trọng còn ở trường thầy dạy nhạc nhiều lắm, có lúc thầy đem đàn Măng-đô-lin đàn đệm nghe dòn dã. Rồi có những ngày, các thầy ở trường khác quy tụ về vừa bắt giọng trò ca, các thầy cũng ca, Ôi! Thật là vui vẻ cả trường!"
Như vậy, mà vẫn còn chưa đủ. Hôm nay khi nhận được tờ giấy in có các bài "Học sinh hành khúc", "Việt Nam!, Việt Nam!", "Hè về" và nhất là bài "Trường Làng Tôi" (Nhạc và lời: Phạm Trọng Cầu) Đồ Ngông tôi bỗng dưng thẩn thờ nhớ về thuở "lớp nhì" xa xưa. Ôi! Thầy Lý Văn Trọng dạy hay, đàn giỏi lại đẹp trai; có cô giáo Thọ dạy Lớp Tư cũng xinh xinh len lén nhìn Thầy! Không biết bây giờ Thầy đã ở đâu? Ngày xưa, hết niên học Thầy phải vào lính. Thời gian sau khá lâu, nghe bạn bè một hôm tình cờ gặp lại Thầy thì Thầy đã lên Thiếu Tá và chuẩn bị đi sang Pháp tu nghiệp.
Thời gian qua nhanh quá nhỉ? Học trò của Thầy bây giờ đã bạc mái đầu. Thế hệ "trò" của "trò" cũng được nối tiếp dài thêm ra.
"Trường làng tôi, cây xanh lá vây quanh, muông chim hót vang lên êm đềm.....Trường làng tôi, không giây phút tôi quên, dù cách xa muôn trùng trường ơi!.... .Trường làng tôi, nay vang tiếng ê a; nay in bóng bao em nô đùa, Trường làng tôi, không giây phút tôi quên, nơi sống bao kỷ niệm ngày xanh".
Bài hát ấy đã thường ở trên đầu môi của lủ học trò chúng tôi vào những năm ấy. Thế mà đã bao năm Đồ Ngông tôi cũng lại "đành đoạn" quên đi! Hôm nay nhìn thấy, những kỷ niệm thoáng chốc hiện về, Đồ tôi lại trầm ngâm hơn nữa để "thưởng thức" món ăn "mơ mộng và hồi tưởng" xa xưa:

Từ trang giấy ta đi vào mộng,
Thuở ngày thơ
khung cảnh của trường xưa
Nào Thầy, nào bạn, trường lớp cũ
Ta ghi lên ký ức, tự bao giờ!

Thời gian dài,
Trên tóc trắng phôi pha
Với những chiều tà nơi xứ xa
Việc đời, việc sống luôn chồng chất
Trầm ngâm, ta là kẻ xa nhà!

Cứ chọn quê người làm quê ta
Không gian nào,
Chẳng của kẻ không nhà
Chỉ thương ta: Lại là người có nước
Mà đành "Thiếu một quê cha"!

Tuy nhiên, dù như thế đấy! Nhưng tình con người vẫn còn đây! Thầy trò dù là bao thế hệ cũng đang ôm ấp tình đầy. Một buổi an ủi, vinh danh những người chiến sĩ "âm thầm cho mặt trận văn hóa, cho tư tưởng kiến thức con người, cho nền văn minh nhân loại". Và buổi nầy cũng lại là buổi kéo thế hệ sau để biết tư cách làm người, để hiểu sự "tôn sư trọng đạo", để hiểu về "một truyền thống văn hóa" của Dân tộc, Quê Cha. Ôi! Quý hóa thay!
Tổ chức "Ngày Thầy Trò" là công việc đáng được khích lệ và mãi mãi càng lớn hơn. Ngày ấy đáng được tất cả mọi người, mọi Thầy Cô, phụ huynh và mọi lứa tuổi học trò hưởng ứng tham gia. Nhưng Đồ tôi lại nghĩ "ngông" thêm chút nữa: "Ngày này lại chẳng là ngày vui, trân trọng đầy tính chất thân ái, trìu mến, kính trọng giữa những con người lớn nhỏ của cộng đồng chung hay sao? Như vậy nó cũng có thể là nhân tố để tạo nên sự đoàn kết, chiết giảm được những nghi kỵ, bè phái, tranh chấp vì sự ích kỷ, nhỏ nhoi hèn mọn của một thời đã xảy ra"! Đồ tôi chỉ nghĩ ngông thế thôi! Hi vọng điều ấy chẳng phiền lòng lấy ai. Nhưng khi nhìn lại mình, Đồ tôi cảm thấy mình quả là lẻ loi, lẻ loi giữa chốn đông người; cho nên chỉ mơ tưởng và thấy chạnh lòng. Cơn đau đã gặp được u sầu, và Đồ tôi trầm lắng lắng nghe tim mình bồi hồi, đầu óc mình xôn xao: "Một thoáng hương xưa" vùng trỗi dậy trong "Ngày Thầy Trò" năm nay ở nơi Đồ tôi. Quả thật là "ngậm ngùi" nhung nhớ!

Ta đây, người đó, đối đầu
Trường xưa, bạn cũ, phương trời cách xa!
Trông người, lại ngẫm đến ta,
Đi vào mơ tưởng, lại ra mê lầm.
Cơn đau dừng lại giữa sầu,
Nghe trong ý niệm: bồi hồi, xôn xao
Ngoài trời thoáng chốc mưa mau!

Đồ Ngông,
12-10-03.

No comments:

Post a Comment