Wednesday, October 25, 2017

*Khi Hoa Anh Đào Nở. (7)


Có được một đêm ngủ mê vì phải trải qua ban ngày khá mệt, nhưng sáng tôi vẫn dậy sớm chắc một phần mình già nên ngủ không nhiều, hai là do quen giấc. Thức dậy từ lúc 5 giờ, tôi đến cửa sổ vén màn qua bên thì bên ngoài đã sáng, nhưng trời có vẻ lạnh vì sương đọng ướt trên kính cửa sổ. Mặt hồ phẳng lặng, yên tĩnh. Tôi lại lấy máy ra quay một chút.
Hôm nay phá thông lệ, thường thì người ta đi ăn sáng trước rồi mới trả phòng, nhưng ngày này chúng tôi lại phải đem hành lý xuống và trả chìa khoá phòng trước rồi mới đi ăn sáng. Có lẽ khách sạn muốn kiểm phòng kỹ hơn trong thời gian chúng tôi đi ăn sáng chăng? Nhiều người cho rằng: Đây là khách sạn cũ, nhưng mới tân trang lại và lấy tên mới tức là tên “Sun Plaza Hotel” mà theo tiếng Nhật (hay là Hán Nhật?) đọc theo âm Hán Việt thì là “Phú Sĩ Sơn Trung Hồ” cho nên nó còn nhiều cái cũ chứ không phải là khách sạn mới xây.
Giờ chúng tôi lên xe khởi hành đi là lúc 8 giờ, nên sau khi ăn sáng hãy còn chút thì giờ, mọi người thả ra bờ hồ ngắm cảnh. Mặt hồ phẳng lặng trong xanh, màu trắng của nhà cửa, du thuyền, các phương tiện cho mướn để du khách rong chơi trên hồ nổi bật lên lẫn với màu xanh của cây cối ở trên bờ. Nắng đã lên, nhìn xéo về phía sau, núi Phú Sĩ như sáng lên do màu tuyết phản chiếu trở nên thật đẹp. Ngày xưa khi chưa đến đây cứ nói đến Nhật Bản là người ta nghĩ ngay đến núi Phú Sĩ và Hoa Anh Đào trước tiên; rồi từ đó tôi cũng theo người ta, xem hình ảnh và tưởng tượng, phát họa trong đầu óc mình một khung cảnh ảo. Nay đến đây tôi mới nghiệm được cái nét đẹp của nó. Trên góc cạnh nầy nó đẹp, rạng rỡ thật qua ánh nắng mặt trời ban sáng, nhưng tôi nghĩ chúng tôi chưa nhìn được cái nét đẹp trọn vẹn của nó, vì chúng tôi đang đứng trên đường phố, vừa bị rừng cây, phố phường che chắn, vừa không nhỉn được bao quát. Nếu chúng tôi đang ở giữa hồ, hay bên kia bờ nhìn qua thì có lẽ núi Phú Sĩ sẽ đẹp hơn. Nói đến góc cạnh thì bao nhiêu người Nhật lẫn du khách nước ngoài đã đưa lên mạng hay các sản phẩm văn hóa rất nhiều. Còn tôi, tôi thấy ở núi Phú Sĩ một hình dáng cân đối, hai sườn thoai thoải vừa tầm, đỉnh không nhọn mà trải bằng một khoảng khá rộng vì nó là miệng của núi lửa. Hình dáng đẹp ấy khó kiếm trong thiên nhiên lắm, mà nó lại có độ cao khiến tuyết có thể phủ từ trên xuống gần phân nửa, cũng lại là một sự cân đối khác. Rồi núi Phú Sĩ bắt đầu cho một dãy núi thấp theo sau, nên nó nổi bật lên trên bầu trời xanh với một hình dáng thật là đẹp! Vì vậy nó hấp dẫn, lôi cuốn du khách kể cả trong và ngoài nước Nhật không có gì là lạ. Tất nhiên với cái đẹp và sự hung hãn của một núi lửa thì nó cũng được thêu dệt những mẫu thần thoại để đính kèm, giống như bao nhiêu dân tộc khác trên thế giới đã làm!
Hồ mà chúng tôi đang đứng là hồ Yamanakako. Ở vòng chân núi Phú Sĩ có 5 hồ: Hồ Yamanaka nầy với hồ Kawaguchi, Saiko, Shoji và Motosu. Hồ Yamanaka là hồ lớn nhất nhưng lại phát triển thứ nhì sau hồ Kawaguchi, còn các hồ Saiko, Shoji, Motosu là ba hồ nhỏ. Nơi đây tập trung của làng Yamanakako thuộc quận Yamanashi với số dân hơn 5 ngàn người có nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng và hoạt động vui chơi nhất là về mùa hè!
Đúng 8 giờ xe đã hoàn tất việc chất hành lý và đoàn khởi hành đi đến làng cỗ Oshino Hakkai không xa đây lắm. Len lỏi qua những rừng cây lẫn xóm, xe đến làng vào khoảng 8 giờ 40. Đường xe không rộng, nhà cửa thì cất theo kiểu chẳng là xưa. Có những khoảng đất đã được cày xới nhưng chưa trồng trọt, nó có màu đen nâu chắc là mầu mỡ giống như ở các vùng có núi lửa khác. Các nhà ở đây trồng nhiều bông và tạo cây cảnh dù những cây đó đã là rất lớn. Điều ấy mới thấy cái công phu của họ.
Xuống xe, đoàn đi theo sự dẫn đường của Jennifer dọc theo dãy đường tráng xi măng dẫn vào xóm. Băng qua cái cầu nhỏ, bên cạnh dòng nước, nhìn sang bên núi Phú Sĩ hiện lên cái hình dáng đẹp của nó ở xa xa. Cái hàng rào bên mương được làm “giả cây” để làm cho cảnh vật có vẻ thiên nhiên, chứ chắc nó là bêtông cốt sắt để giữ an toàn cho người đi đường khỏi phải lọt xuống đường nước, mà cũng khỏi phải thay thường xuyên do mục nát. Có cây tùng hay thông gì đó thân khá lớn, nhưng do nhiều thân nhỏ kết hợp chứ không phải là một thân trông cũng là ngộ nghĩnh hiếm có. Bên đường có cây Anh Đào đang đầy bông. Chắc do người dân sợ du khách không biết nó là cây Anh Đào, hoặc nó chính là cây Anh Đào “chính hiệu” nên họ viết mấy chữ “Sakura” lên bảng và treo lên đó. Tôi lấy làm lạ và quay luôn một đoạn phim và chụp vài bức hình về nó.
Cay Hoa Anh Dao. (Click vao hinh de xem hinh lon)

Qua đoạn đường ấy thì đến khu khang trang, sạch sẽ, cảnh trí thoáng nhưng đầy người. Thì ra đây là khu chính của làng cỗ nầy. Đây là hồ chính Wakuike cùng với 7 hồ khác trong khu vực mà người ta cho biết nước của nó là do tuyết từ trên núi tan rồi ngấm qua các lớp đất đá mà ngầm xuống đây, cho nên nó được xem là tinh khiết và là “của báu” thiên nhiên của Nhật từ năm 1985. Nước hồ rất trong có nhiều cá chép hay cá coi nhởn nhơ cùng rong nghiêng ngã làm dáng để cho người ta chụp hình. Đây là kiểu dáng của mấy nhà cổ khá đặc biệt, có guồng quay nước, lợp mái bằng rạ hay cỏ rất nhuyễn và được cắt xén khá đẹp. Bên cạnh là khu bán đồ lưu niệm. Người ta thi nhau chọn vị trí để chụp những bôi hình với khu nhà cổ, hồ nước, có các cây Anh Đào đầy bông phía sau cùng hình ảnh núi Phú Sĩ xa xa, như vậy là đủ bộ tiêu biểu cho một chuyến đi Nhật.
Lang co Oshino Hakkai.

Tất nhiên là tôi không thể để máy chụp hình hay máy quay phim được yên nghỉ vì chúng cũng đi du lịch với tôi mà. Phải quay và phải chụp để làm thành những kỷ niệm và viết cho mọi người xem chơi! Phần mua đồ là phần của vợ tôi, vả lại tôi cũng chẳng biết phải mua gì, nên chỉ biết xách và tìm những góc cạnh nào lạ và khả dĩ coi được để ghi lại hình, thế thôi!
Người ta thường nói nơi đây là “làng cổ nằm dưới chân núi Phú Sĩ”, chắc không sai nếu tính từ vùng đồng bằng để bắt đầu lên cao, chứ đối với tôi vùng nầy vẫn còn hơi xa thì nó chưa phải là “làng cổ ở dưới chân núi”. Tuy là vậy, nhưng ở chỗ nầy mới có được những hình ảnh đẹp về núi Phú Sĩ, còn ở gần quá thì chắc là không thể đẹp rồi! Không biết các nước khác cứ giành hoa Anh Đào là của mình như thế nào, chứ dân Nhật có Hoa Anh Đào, rồi họ trồng thành những công viên đẹp đẽ, trồng ở hai bên những đường nước, kênh rạch, sông ngòi để rồi khi mùa “Xuân sang có Hoa Anh Đào” cùng nhau tới ngắm với lễ hội “ngắm hoa” vui Xuân. Quả là một dân tộc có tâm hồn lãng mạn, yêu thiên nhiên và tâm hồn nghệ sĩ; mà tôi là một kẻ tình si, ăn có theo tâm hồn của họ như “mấy ngày hôm nay”!
Dù có thích hay không nơi này, thì chúng tôi cũng phải đến giờ từ giã, quà kỷ niệm thì đã có mấy bà, còn mấy ông chỉ mua được “quà đấu láo”, tán dóc với nhau thôi! Sau một giờ đồng hồ nhìn ngắm, quan sát, chúng tôi lại ra xe để đi đến một hồ khác trên núi mà người ta nói đó là một miệng núi lửa ngưng hoạt động từ lâu đầy nước. Đó là hồ Ashi, ở núi Hakone.
Từ Oshino Hakkai xe trở lại đường cũ đi trở ra xa lộ mà ngày hôm qua chúng tôi đã đi vào. Đến đoạn đường mà rừng cây trơ trụi lá, tôi lại ngạc nhiên nghĩ rằng: Không lẽ mắt mình bị bịnh rồi chăng? Tại sao ngày hôm qua thấy cây màu xám trắng mà bữa nay dường như nó có màu hơi đo đỏ? Tôi cứ dụi mắt xem mắt mình như thế nào, nhưng rồi cũng không khác. Tôi cho chắc là ảo tưởng, nên không thèm để ý đến nó nữa! Đường đi trở về cho tôi nhiều để ý hơn vì lúc nầy tôi không cầm máy quay nhiều nữa, có thì giờ nhìn ngắm cho thỏa mãn. Xe đi qua một thành phố mà núi Phú Sĩ thật gần, nổi lên một hình ảnh đẹp, nhưng tôi không kịp mở máy để quay, rồi xe lần lên núi qua những đường quanh co, chạy luồn trong rừng và đường đèo. Đâu cũng có nhiều cây Anh Đào nở rộ kể cả dọc theo đường núi, chắc đó là những cây Anh Đào dại. Ruộng đồng thì bây giờ chưa được canh tác nhiều chắc thời tiết chưa thuận tiên vì vừa qua mùa Đông.
Xe đến hồ Ashi, đoàn chúng tôi đi về bên cruise để đi tàu sang bờ bên kia gọi là Hakone Sightseeing Cruise chứ không phải đi về cổng Togendai. Mỗi người được một vé để xuống tàu. Tàu theo kiểu tàu buồm. Đứng trên tàu mà ngó sang hai bên bờ có nhiều lý thú, nhưng gió nhiều. Dù không khí trong lành do gió lạnh khiến tôi nhiều lần chạy vào, rồi lại phải chạy ra ngoài để nhìn, để quay. Có mấy khi lại đến đây!
Du thuyen tren ho Ashi.

Hồ nầy là Hồ Hakone hay còn gọi là Ashinoko, nó là một hồ do miệng núi lửa tạo thành bởi do sự sụp xuống của phần núi khi dung nham đã tràn ra ngoài theo hiện tượng mà người ta gọi là hiện tượng “Caldera”. Đây là cảnh quan du lịch của vùng Hakone và núi lửa nầy là núi lửa Hakone. Du thuyền đi trên mặt hồ từ hướng Tây Bắc xuôi về Đông Nam. Theo số liệu hồ có độ sâu từ 15 đến 43.5 m và chiều dài khoảng chừng 7 cây số, được tạo lập từ 200,000 năm trước khi núi lửa Hakone hoạt động. Du thuyền nầy có kiểu cách của một tàu buồm thuộc loại tàu cướp biển. Làm dáng như vậy để có hình thức lạ hấp dẫn du lịch chứ tàu nào cũng chạy bằng máy cũng đưa người “sang sông”, không quên “sang hồ” mới đúng! Tàu đi khoảng giữa hai bờ, mọi người đứng nhìn ngắm cảnh quan, nhưng khi nào gió lạnh quá thì chạy vào bên trong, để rồi lâu sau lại chạy ra. Do cặp mắt của mình thích ngó nên ngành du lịch mới được phát triển và mình phải cố gắng kiếm tiền mà đi du lịch. Nghĩ cuộc đời cũng có nhiều “cái lạ” và “lý thú”!

Nguyên Thảo
26/10/2017.



*Đùa Với Quan Ngài.


*Bôi Mặt.      

Có một thuở, ta là bạn hữu!
Dù không thân, chắc cũng không xa,
Gặp nhau vui vẻ, lòng khoan khoái
Chuyện kể vui cười, "tếu" hả hê!

"Tự phương xa" ấy (!), ta bôi mặt
Giương cựa cùng nhau đá "thả giàn"
Rướm máu, rụng lông chơi "chết bỏ"
Từng ngày, sang tháng lại qua năm!

"Vì ai?", ta là người "bôi mặt"!
Sừng sỏ, nghênh ngang, chẳng kể gì
Cứ đá! Rồi ra cùng bạn hữu,
Tàn rồi! Rách nát chẳng ra chi!

Đồ Ngông,
22-05-03.

 

*20 chữ tặng bạn.       

Tôi có mấy ông bạn,
Ông nào cũng chẳng vừa
"Vì người!" mà đấm đá,
Tới giờ chẳng chịu thôi!

Đồ Ngông.

 

*Bài Học Ngụ Ngôn.    

Nhớ thuở ngày xưa lúc tới trường
Lu trẻ đã học
Những lời ngụ ngôn cho tuổi nhỏ:
"Gà nhà bôi mặt đá nhau".
"Bớ lủ gà bây tệ lắm thôi!
"Nỡ nào đưa mặt để người bôi
"Mới vừa khắng khít thương nhau đó
"Nay đã hung hăng cắn mổ rồi..."
Thế mà,
Những lời ngụ ngôn ấy
Đến nay đã mấy mươi năm
Lủ trẻ hoá ra già,
Nhưng chắc già
thành ra lú lẩn,
Hung hăng vì đã bị người bôi
Đá nhau la chí choé
Chửi nhau chẳng tiếc lời
Nơi quê người
Xứ xa
Mà giống như bọn hàng tôm, hàng cá
Không nghĩ tới đồng bào,
Chẳng nghĩ đến đời sau
Làm điều "vô liêm sĩ"
Không đáng sống ở đời
Mà chỉ,
Tạo thêm
Cho dân tộc nhiều nhơ nhuốt.
Thế mà họ vẫn huênh hoang
Như bầy sói
Giỏi tru giữa rừng
Trong đêm vắng...!

Đồ Ngông,
14-10-03.

 


*Đùa với Quan Ngài.     

Quan Ngài thân trí thức,
Đồ tôi lủ dân đen
Quan Ngài cao chót vót
Đồ tôi mắt đầy ghèn!

Hôm qua Ngài "địt"  (đánh rắm) thúi
Đồ tôi chẳng dám than,
Không lẽ khen thơm quá!
Sợ Ngài nói: "Chơi khăm!"

Đọc thơ văn Ngài chửi
Đồ tôi bỗng giật mình
"Lúc nhỏ ai đi học
Cũng phải vậy thế sao?"

Học không phải giúp đời
Học không để nên thân
Học mai sau mà chửi
Chửi có văn, có vần...!

Học để làm người giỏi
Được vinh thân phì da
Ai giành, thì mình chửi
Cho họ tởn tới già!

Học để gây thế lực,
Giữ vững ngôi vị mình
"Bành ra" thêm uy thế
Cho người sợ khiếp kinh!

Đồ tôi thân ngu dốt
Như vịt tắm trong mưa,
Sấm vang cùng biển động
Sá chi thân điếc mù.

Quan Ngài thân trí thức
Đồ tôi lủ dân đen
Quan Ngài thơm như cứt,
Đồ tôi thúi như phân.

Quan Ngài thơm như cứt,
Đồ tôi thúi như phân
Đôi ta chẳng cùng vần
Nhưng đều là một thứ!...

Đồ Ngông,
29-12-03.


Thursday, October 5, 2017

*Khi Hoa Anh Đào Nở. (6)


Theo kế hoạch thì sáng này chúng tôi sẽ bắt đầu di chuyển về Phú Sĩ Sơn. Sau khi ăn sáng xong, trong thời gian đợi xe buýt tôi và anh Nhi thả dọc ra ngoài thì đường phố nơi nầy không có vẻ của một thành phố, nó ít xe và đường len lỏi dưới những tàng cây xanh tươi vào mùa Xuân, thật là yên tịnh và mát mẻ. Nhưng, Jennifer cho biết là chúng tôi không đi thẳng về Phú Sĩ mà lại sang Kyoto đón xe lửa tốc hành, và xe chở hành lý sẽ đến vào lúc 8 giờ 30 để đưa hành lý đi trước.
Thế là chiều ngày hôm qua chúng tôi từ Kyoto chuyển đến Kobe nầy chỉ để tham quan một Thành phố được xây dựng lại từ sự tàn phá nặng nề do động đất, cùng ăn tối và ngủ ở khách sạn; để rồi sáng nay lại vượt chặng đường gần 75 cây số quay trở lại Kyoto, cũng là kỳ công thật! Nhưng nhờ vậy mà chúng tôi lại biết thêm những điều mới lạ, không biết đó có phải là dụng ý của tour du lịch hay không, nhưng trong lịch trình thì chúng tôi ngủ tại khách sạn Ariston ở Kobe nầy cho rẻ hơn?
Xe chở hành lý đi rồi thì đến 8 giờ 30 chúng tôi lên xe buýt để quay về Kyoto. Xe về đến Maruyama Park vào lúc 10 giờ, mọi người sẽ tham quan ở đây cho đến 11 giờ. Vào thời điểm nầy các cây anh đào đã không còn nhiều bông và lá xen vào mơn mởn, nhưng một khung cảnh rất đẹp và tươi mát bên bờ hồ với chiếc cầu bắt ngang. Công viên được coi là công viên cổ xưa nhất của Kyoto, nó thành lập từ năm 1886 và là nơi ngắm hoa anh đào nổi tiếng vào mùa Xuân với khoảng 800 cây anh đào, nhất là loại hoa anh đào rũ “Gion Shidare Zakura” mà tại trung tâm công viên có cây cổ thụ thuộc loại nầy nên càng hấp dẫn nhiều người dành cho những tấm hình để làm kỷ niệm.
Hồ và cầu trong công viên Maruyama.

Tại đây rất đông người có nhiều đoàn mặc đồng phục, không biết có phải là những đoàn sinh viên không mà lứa tuổi của họ vào khoảng đó đến tham quan. Lại có đoàn mà người ta mặc Kimono đang đi ra khá đông, nhưng những người nầy trò chuyện nhau bằng tiếng Nhật chứ không phải là tiếng Trung, như vậy họ không là du khách Trung Quốc hiếu kỳ.
Vì tôi thích quay phim để ghi lại hình ảnh cho nên tôi đi len lỏi theo các con đường tương đối là nhanh vội để ghi lại những góc cạnh theo thời gian cho phép. Đi theo con đường lần lên đồi qua những hàng tre thì lên đến ngôi đền và có cả chùa nữa. Ở đó tôi và anh Ba Quang thấy không cần thiết để đi xa hơn, một phần cũng sợ lạc đoàn và trễ giờ giấc nên đành quay trở xuống theo một hướng khác. Con đường xuống dốc nầy rất rộng lát gạch vuông, hai bên như khu vườn cây đầy bóng mát, bên trong có vài kiến trúc kiểu Nhật riêng biệt làm cho du khách cảm thấy thích thú. Cuối đường đó nối lại con đường về trung tâm chính. Xuống đến đó thấy những người trong đoàn đang ngồi nghỉ ở công viên nhỏ với những cây anh đào nhiều cánh màu hồng đậm và họ đang tìm góc cạnh để chụp hình. Tôi và anh Ba Quang lại thả dọc về hướng phía dưới.
Qua cổng Torii lớn màu cam, càng đi sâu hơn thì lại đến khu kiến trúc sao có vẻ là chùa hơn là đền của Thần Đạo. Lại bước sang phía phải qua một cổng Torii khác khá lớn nhưng bên trong là một khu vườn, cho nên chúng tôi trở ra. Không biết dọc bên trái con đường người ta muốn trưng bày những mô hình trang trí của một đền thờ Thần Đạo, hay chúng là những đền thờ nhỏ; nhưng chúng có khuôn khổ giống như các mô hình nhỏ, mỗi căn có cách bố trí khác nhau; xem qua đó du khách có thể hình dung được phía trước cùng bên trong của một đền thờ Thần Đạo được xếp đặt ra sao.
Trở lại những ghế cây bên cạnh một công viên nhỏ với những cây anh đào hồng tôi chụp vài bôi hình cho vợ tôi cùng những người bạn trong lúc chờ đợi mọi người tập trung lại để xe đưa đi ăn trưa.
Rời công viên vào lúc 11 giờ và ở đây tôi mới thấy có vài cây anh đào chắc trổ sớm cho nên bây giờ đầy lá xanh lớn và có cả trái nữa, như vậy trong chuyến đi nầy tôi đã thưởng thức được đầy đủ hoa, lá, cành, trái của Anh đào, chứ không hẳn là hoa không, chỉ thiếu một cái là không chứng kiến được “Hội” ngắm hoa thôi! Nhưng chẳng có sao, bao nhiêu đó cũng là quý lắm rồi!
Xe đưa về một nhà hàng có lầu mà Jennifer cho biết là nơi đây vào ban đêm có những nàng Geisha phục vụ cho khách hàng, cho nên có những phòng trải chiếu và không bày biện nhiều. Nhưng chúng tôi có phòng với những dãy bàn dài mà nhân số của đoàn chiếm luôn hai dãy.
Xong bữa ăn cũng đã là 12 giờ 20, xe buýt lại đưa chúng tôi về nhà ga để đón xe lửa tốc hành Shinkansen đi Phú Sĩ Sơn. Giã từ xe buýt, đoàn vội vã đi theo sự hướng dẫn của Jennifer, băng qua đường, dọc theo hành lang để về trung tâm nhà ga. Jennifer vào văn phòng lấy vé, nhưng chuyến xe của chúng tôi hãy còn lâu cho nên Jennifer lại đưa chúng tôi về cửa Bắc để nhìn cái kiến trúc hiện đại của nhà ga nầy.
Nhà ga xe lửa đầu tiên của Kyoto được thành lập vào năm 1877. Và nhà ga hiện nay là nhà ga thứ tư được hoàn thành vào năm 1997 có cấu trúc hiện đại mà phần vòm cao nhất lên đến 70m. Những khung sắt màu kim loại được lắp ráp thành mái vòm trên cao làm cho mái trở nên rắn rỏi, hùng mạnh vươn lên che chở cho các tiệm bán và du khách ở phía dưới trong một không gian tương đối rộng lớn chừng 238,000 m2. Có những bậc thang đi lên trên cao chia thành nhiều cấp (người ta tính có đến 171 bậc) rộng lớn ở giữa để cho những người thích đi bộ, hoặc cho những sự kiện được tổ chức vào cuối tuần. Tuy vậy, vẫn có thang cuốn chiều lên và chiều xuống cho những ai cảm thấy cần thiết như bọn già tụi tôi chẳng hạn. Qua những bậc thang cuốn, cuối cùng chúng tôi cũng lên đến tầng bằng để nhìn ngắm khắp thành phố Kyoto.  Tầng bằng là một không gian như sân thượng để mọi người lên đây ngắm cảnh ra xung quanh và chụp hình, quay phim toàn cảnh Thành phố. Nó cũng được trang trí bằng những sân cỏ, bồn bông trồng tre để làm dịu mắt cho du khách và được đặt tên là “Happy Terrace”. Lên đây đứng nhìn ra bên ngoài cũng được, mà nhìn xuống phía dưới bên trong xem người qua lại cũng được. Nhưng tôi lại có cái thú nhìn phía dưới bên ngoài để thấy những cặp đường ray xe lửa và xe chạy trên đường phố, tuy nhiên bị lớp kính dầy cùng những trụ bê-tông chống giữ, an toàn che chắn và nhuộm màu nên hình ảnh không trung thực cho lắm!
Sau đó thì Jennifer lại hướng dẫn đoàn đi qua một dãy tiệm mì “udon” đang đông khách để đi vào con đường gọi là “Skywalk” len lỏi trong những khung sườn trên cao mà chúng tôi có thể quan sát bên ngoài qua những lớp kính dầy. Đường đi nầy nối từ đầu Đông sang đầu Tây của kiến trúc. Khoảng giữa có những nơi để du khách ngừng lại quan sát ra bên ngoài. Mọi người thích nhất là chụp hình ở nơi nhìn ra Tháp Kyoto, nó rõ ràng không bị vướng vào cảnh quan nào.
Tháp Kyoto.

Qua đầu phía Tây chúng tôi thả lần xuống dưới để đi về trạm xe lửa vì cũng sắp gần tới giờ. Qua cổng soát vé đoàn đến trạm để đón chuyến xe lửa tốc hành Shinkansen đi Tokyo. Chuyến nầy có tên là Kodama 662 nó sẽ đến vào lúc 1 giờ 59 chạy đến Tokyo và ngừng ở tất cả các trạm và đây là xe lửa không hút thuốc. Ai hút thuốc thì ráng nhịn!
Chúng tôi nhanh nhẹn bước vào toa và Jennifer phải kiểm soát lại để rủi có ai rớt lại thì sao. Nhưng tất cả đều đủ. Toa xe rất sạch sẽ, một bên 3 ghế và một bên hai ghế, ngồi rất thoải mái, đường giữa rộng hơn là trên máy bay. Xe bắt đầu ra ngoại ô, càng lúc nó chạy càng nhanh, mọi thứ gần như trốn chạy về phía sau. Tôi mãi mê đưa máy ra ngoài quay những cảnh ở thôn quê, nhà cửa có lúc chập chờn, nhưng xe chạy khá êm.
Theo tài liệu thì Shinkansen là hệ thống đường sắt cao tốc của Nhật được thiết lập từ năm 1964, xe lửa chạy với tốc độ 210 km/giờ, sau nầy dần phát triển nối các thành phố lớn và chạy với vận tốc lên đến 300 km/giờ.
Cách phục vụ trên xe lửa như thế nào thì tôi không rõ, tuy nhiên cứ mỗi lần cửa toa mở ra thì lại thấy nhân viên không biết là an ninh hay giữ chức vụ gì lại cúi đầu chào trước khi bước vào, và hình như sau khi bước ra anh ta cũng quay lại nghiêm cẩn để cúi chào lần nữa thì phải vì tôi không nhớ rõ lắm. Tôi có nói với vợ tôi người Nhật quá lễ phép nên trở nên cầu kỳ. Điều ấy chắc là không đúng lắm! Dọc theo các ga tôi nhìn hình như nhiều người Nhật có chiều cao không cao lắm, hay là tại mình nhìn xa; thì tôi lại nhớ đến những người già cỡ ba tôi kêu lính Nhật trong thời Nhật chiếm đóng ở Việt Nam là “Nhật lùn”, hay là thuở ấy họ lùn thiệt và tôi lại nghĩ đến những người lính ấy mà mang súng trường kiểu “Mousqueton” (?) mà dân gian gọi là “mút cà thòn” thì chắc là chấm đất mất!
Mãi lo suy tưởng chuyện tào lao thì xe lửa ngừng lại ga, mọi người xuống theo lời của Jennifer. Đây là ga Shin Fuji chứ không phải chúng tôi sẽ đến Tokyo, vậy là lại được đi xe buýt tiếp tục cho chuyến hành trình. Lúc đó là 4 giờ 30.
Xe rời Thành phố, tôi lại càng chú ý hơn vào vùng thôn quê của Nhật để tìm xem những khác biệt đối với vùng thôn quê quê mình (Việt Nam chứ không phải là Úc Đại Lợi). Tất nhiên là với sự tiến bộ và nhiều năm trong hòa bình vùng thôn quê của quê mình làm sao bằng quê người. Hơn nữa với mấy mươi năm sau hòa bình người ta đã đi đến tận đâu còn đất nước mình vẫn loay hoay “làm và sửa” cho đến tận bây giờ. Nghĩ lại ông Marx mà ổng sống lại chắc ổng phải lắc đầu với hàng hậu bối đang thực hiện điều ổng mơ ước và tạo ra, không khéo ổng lại khóc nức nở cũng không chừng!

Thôn quê ở Nhật.

Xứ Nhật được xem là xứ dân quá đông đúc tức là lâm vào nạn “nhân mãn” từ lâu, lại là xứ nhiều núi mà không ít động đất thiên tai, thế mà chính phủ và dân Nhật đã tận dụng địa hình để phát triển quốc gia và kinh tế. Xe đã chạy qua nhiều cánh đồng, trong đó có những vườn trà mà tôi đã nhìn thấy và ghi lại, những khu nhà ở trên triền núi, hay những nhà máy gần với khu dân cư nhưng đường sá vẫn khang trang, rộng rãi, thuận lợi cho cơ sở hạ tầng. Người ta trồng trọt ở những vùng thung lũng hay những nơi đất bằng.
Vườn Trà.

Theo đường hay những đường phố thường xuất hiện nhiều cây Anh đào, quả thật người Nhật tha thiết với nó quá, cho nên nơi nào cũng thấy dù khoảng thời gian nầy có loại đang đầy bông, cũng có loại với tàng lá xanh mà bông vẫn còn lưa thưa. Bởi vậy, người ta coi Nhật là xứ sở của Hoa Anh Đào cũng không có gì lạ! Xe đang tiến lên con đường dọc theo núi để đi về vùng hồ Yamanakako. Tối nay chúng tôi sẽ ngủ ở khách sạn Yamanakako Sun Plaza Hotel. Ở hai bên đường có nhiều đoạn cây trơ trụi, vươn cành và chưa ra lá nào khiến tôi nhớ đến vài khu rừng chồi lưa thưa ở miền Đông quê tôi vào mùa khô và cũng lại nhớ đến câu thơ của cụ Nguyễn Du trong Truyện Kiều “Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san” mà nghe lòng có phần tê tái!
Xe chạy đến cái hồ và chạy dọc theo đó, rồi chậm lại, tôi cố nhìn xem chuyện gì phía trước. Nhưng không, xe đi vào chỗ đậu rồi ngừng hẳn. Chúng tôi lại xuống xe. À! Thì ra xe đến khách sạn rồi! Thế là chúng tôi đã vượt 63 km từ Shin Fuji (Tân Phú Sĩ) để đến nơi nầy vào lúc 6 giờ chiều. Hành lý đến tự bao giờ được xếp vào trong một góc chờ chúng tôi đến nhận sau khi đã nhận phòng. Jennifer cho biết chúng tôi sẽ mặc những bộ đồ để sẵn ở trên giường, xong rồi tập họp ở dưới phòng đợi.
Tưởng gì, té ra ở khách sạn người ta muốn mình học theo kiểu Nhật, mặc bộ đồ của Nhật, mang dép xuống đây để ăn tối, đồng thời xúm nhau chụp hình lưu niệm với nhau. Đồ đàn ông thì có thắt lưng xanh còn của nữ thì thắt lưng đỏ, nhưng người ta để trong phòng tôi lộn rồi nên dây thắt lưng của tôi lại màu đỏ còn của chị Cỏn ở phòng kế bên thì lại màu xanh. Thôi thì mình làm đàn bà đỡ vậy! Thế mà vợ chồng tôi cũng ráng chụp nhiều bôi hình với anh chị Nhi, Đệ và Bảy Gàng. Nhìn lại hình mới thấy mình thật là “khờ khạo” biết bao nhiêu! Già rồi mà vẫn còn “dở tính”!

Nguyên Thảo,
06/09/2017.



Wednesday, October 4, 2017

*Bài Ca Tâm Địa.



*Đời Nô Bộc.     


Đã lỡ sanh ra tự kiếp nghèo
Nên đành đeo nếp sống hẩm hiu
Làm thân tôi mọi người sai khiến
Cũng bởi vì sanh ở kiếp nghèo.

Chủ chỉ gà rằng là con vịt
Tớ cúi đầu: "Vâng phải bẩm Thầy!"
Chủ bảo đến kia "Làm việc đó"
"Thưa thầy, tớ sẽ vội làm ngay".

Chủ trả đồng lương tớ phải làm,
Đồng lương sai tớ mất khôn ngoan.
Tớ phải cúi đầu vâng lệnh chủ
Ngàn sau cười mỉa, tớ vẫn làm!

Đồ Ngông,
15-05-03.

 


*Đời Đi Không Trở Lại.     

Đã lỡ sanh ra ở kiếp người
Đường đi tới trước mãi không ngơi
Đã qua, không thể nào quay lại
Sẽ đến, thế rồi phải đến thôi!
Từng việc, từng người vào quá khứ
Bao lần, bao lối nối tương lai
Bận lòng chi mãi tâm vương khổ
Bình thản mà đi giữa cuộc đời!

Đồ Ngông,
09-08-03.

 


*Bài Ca Tâm Địa.      

Đám mây tâm địa u hoài
Vương vương bao phủ trần ai khổ sầu.
Những người tâm địa thâm sâu,
Hại thầy, lừa bạn bắt cầu lên cao.
Những ai tâm địa xôn xao,
Khuấy trời đục nước, ồn ào sóng vang...
Những người tâm địa mang mang
Đời sao khó tránh, hàng hàng chơi vơi!
Những phường tâm địa nhỏ nhoi
Cứ luôn bươi móc, phá hôi ngày ngày.
Những tuồng tâm địa chẳng ngay,
Uốn cong, bẻ vặn, đắng cay cho người.
Ở đời tâm địa bời bời,
Bài ca không hết những lời thế nhân...!

Đồ Ngông,
14-08-03.




*Tỉnh Giấc Đi Anh.     

Tỉnh giấc đi anh, mộng đã rồi
Đời vào xế bóng, mãi mơ thôi!
Vầng dương chênh chếch trời tây xuống
Mây thẩm lên cao, bóng ngã rồi!

Còn bao lâu nữa, mơ cùng mộng!
Khổ luống ưu sầu, lại cứ theo
Chẳng được thêm gì? Ôi! Chán nhỉ!
Bạc đầu, tuổi chất cũng còn gieo.

Ô hay! Sao lại hung hăng mãi,
Tuổi trẻ ngày nao chẳng đạt thành!
Sức yếu giờ đây thêm mắt kém
Làm gì? Chi nữa! Mộng cùng mơ!

Đồ Ngông,
07-08-03.



*Đường Đến Băng Hà. (5)


Banff là một thị trấn du lịch với số dân khoảng 4,000 người, nằm trên độ cao 1,383 m thuộc Banff National Park. Khách sạn của chúng tôi là Banff Inn nằm trên đường Banff Avenue, là đường chính và cũng là đường tập trung nhiều khách sạn nhất. Còn ngồi trên xe buýt đi trên đường phố tôi đã thấy những kiến trúc duyên dáng, có vẻ cổ kính, tạo nên hình ảnh thân thiện và dễ mến. Tôi chỉ có cảm tưởng như vậy thôi, chứ chưa biết hẵn đây là nơi du lịch. Càng ngạc nhiên hơn là sau khi nhận phòng, vì thời gian còn sớm và chiều nay phải đi tìm thức ăn tự túc nên bọn 7 người chúng tôi thả rong trên các đường phố để tham quan, đồng thời đi tìm thức ăn. Thì thấy đa số các cửa tiệm là cửa hàng bán quà lưu niệm cùng thức ăn. Nếu dễ dãi hơn, chúng tôi có thể tìm thức ăn pizza của Ý hay các loại thức ăn nhanh của Tây, nhưng vì muốn đi tìm xem có nhà hàng nào của Việt Nam ở nơi nầy không. Tìm mãi không thấy và thấy có một nhà hàng Tàu, thôi thì nhiều người muốn ăn cơm, nên chúng tôi vào kêu cơm và món ăn. Nhà hàng nầy không biết là của tư nhân hay do chính phủ Trung Quốc đầu tư mà thấy không ngon lắm, và nhân viên toàn nói tiếng Phổ thông hay còn gọi là Quan thoại. Vì đã lâu lắm, trong chuyến đi Âu Châu với Anh Chánh tôi được nghe nói là sau nầy chính quyền Trung Quốc cho người đầu tư về nhà hàng ở các nơi du lịch nhiều lắm, cho nên tôi chỉ “đoán già, đoán non” như vậy! Ăn xong, chúng tôi xuống dưới đường thì gặp một nhóm người Tàu Quảng hay Hồng Kông gì đó, họ hỏi thức ăn ngon không, chúng tôi không dám nói thẳng thừng vì có nhân viên nhà hàng vừa tới. Cả đám lại kéo nhau về khách sạn và ngủ qua đêm.
Cũng như mọi hôm, tôi và anh Thới đều thức dậy sớm, uống chút cà phê, tâm tình hay đi làm vệ sinh cá nhân, rồi mới đi ăn sáng vào lúc 6 giờ 45. Sau đó, về phòng soạn lại đồ dùng trong ngày và kiểm lại để trả phòng cho khách sạn.
Hành lý được chất lên xe lúc 8 giờ và đoàn khởi hành sau đó 10 phút. Vincent giới thiệu trạm đầu tiên mà chúng tôi sẽ ghé vào sáng nay là Bow Falls trước khi trực chỉ lên Sulfur Mountain để đi Gondola. Bow Falls là những thác nước trên sông Bow, chúng chỉ cao chừng 9 m, nằm ngang con sông làm thành những bậc cao khác nhau.
Bow Falls

Cảnh nhìn cũng đẹp để cho du khách chụp hình, thu phim; nhưng nó lại nổi tiếng hơn nhờ nơi đây là cảnh ở trong phim “River of No Return” mà Marilyn Monroe đóng vào năm 1953.
Đến 8 giờ 40 mọi người lại lên xe để tiếp tục cuộc hành trình. Tất nhiên là có nhiều ý kiến và giải thích, bình phẩm về cảnh và hiện tượng, nhưng Vincent nhắc đến Marilyn Monroe và mở video phim “River of No Return” cho mọi người xem, nên ai cũng nhìn lên màn hình và ngưng ngay những ý kiến. Không bao lâu thì đã đến trạm Gondola lift, Vincent liên lạc văn phòng lấy vé và phân phát cho chúng tôi. Rồi cứ 4 người lên một cabin để lên trên đỉnh của núi Sulphur. Cáp treo lên càng lúc càng cao và có vẻ đứng hơn khiến cho nhiều người nhìn xuống mà hơi sợ. Tôi chỉ nhìn qua hai bên cho bớt chóng mặt. Những cây cối ở dưới chân núi còn phát triển khá hơn, còn những cây mọc gần đỉnh làm như lớn không nổi và cành lá lưa thưa, và hình như ‘thun” lại vì tuyết hay thời tiết quá lạnh. Rời cabin, đi ra ngoài: Ôi! Cảnh vật thật là đẹp, hình như sáng rỡ ra vì ánh nắng mặt trời rọi xuống và tuyết trên đầu các dãy núi phản chiếu lại. Nhìn ra chung quanh toàn là núi tuyết. Một màu trắng chạy dài ở trên cao xen với màu sẫm của cây và đá núi cùng phía dưới là màu xanh của cây và cảnh mờ mờ của Banff, các thung lũng qua ánh nắng mặt trời.
Cảnh từ núi Sulfur

Người ta làm con đường ván để du khách có thể sang ngọn núi Sanson’s bên kia thăm viếng đài quan sát khí tượng được thiết lập từ năm 1903. Ở đó, lúc xưa người còn xây một phòng nghiên cứu về Tia vũ trụ từ năm 1956 hoạt động cho đến 1978, nhưng đến năm 1981 thì phải di dời. Khoảng 10 giờ chúng tôi lần lượt đón gondola đi xuống và 10 giở rưỡi lại lên xe để sang Lake Louise.
Rời Banff, đoàn đi theo đường số 1 để lên Lake Louise. Nghe nói hồ cách đây chừng 57 km. Dọc theo đường dòng sông Bow không lớn và sâu lắm chảy xuôi về phương Nam. Vincent cho biết ngọn núi hình dáng của một thành quách ở phía trước. Mọi người hướng mắt tìm. Sau đó xe buýt dừng lại để xuống chụp hình ngọn núi có hình dáng kỳ thú nầy.
Castle Mountain

Núi có độ cao là 2,766 m được đặt tên là Castle Mountain từ năm 1858 do James Hector. Và để tưởng nhớ đến Tướng Eisenhower trong thời Đệ Nhị Thế Chiến người ta gọi nó là Mount Eisenhower từ năm 1946 cho đến năm 1979 thì gọi lại tên cũ. Không biết vào mùa tuyết tan thì hình dáng nó thế nào chứ vào mùa nầy hình dáng nó giống với ngôi thành hai tầng riêng biệt được định hình bằng lớp tuyết trắng ở giữa để phân chia và sừng sững đứng ở trên cao.
Sau giây phút thoải mái, xe tiếp tục tiến về Lake Louise. Không biết vùng nầy lớn như thế nào chứ tôi thấy nó cũng chẳng là nhỏ mà theo tiếng gọi lại là thôn ấp “Hamlet” chứ chẳng được là làng “Village”.
Louise Lake

Đây là nơi có độ cao khoảng 1,600 m, khí hậu nó vốn là lạnh mà lại ở xứ lạnh nữa nên chúng tôi cảm thấy là khá lạnh mặc dù trời đã vào Xuân. Tuy nhiên, vì để thoả mãn tính tò mò và cái “dòm” của con mắt, nên mọi người vẫn vượt qua đưọc cái trở ngại ấy. Ai nấy lo tìm góc cạnh để chụp hình sao cho có những tấm hình thật đẹp hầu xứng đáng với đồng tiền bỏ ra đi đến đây. Nói thế cho vui, chứ thưởng thức cảnh đẹp và tìm hiểu, để biết là cái chính của mọi người khi hoạch định chuyến du hành của mình. Không biết tuyết đổ từ hồi nào nhưng trên nóc tôn của nhà vệ sinh còn lại một mảng tuyết lớn và dầy gần cả thước đọng lại trên đó, đang rỉ nước nhỏ giọt xuống phía dưới. Đi ra phía hồ thì người đông vui, tiếng gọi nhau để chụp hình vang rân lên, nhưng ôi hồ chỉ có một màu trắng xóa vì trên mặt băng hãy còn hầu hết diện tích của hồ, chỉ có vài nơi gần bờ băng đã tan. Có lẽ nhờ hình dáng và màu sắc của các cây, rừng thông “alpine” in lên nền tuyết trắng cùng những nơi đá của núi mà tuyết không phủ được làm cho vẽ đẹp của cảnh quang ở đây trở nên đẹp đẽ và hùng vĩ. Hồ nằm giữa hai ngọn núi, nhưng ở chính giữa đàng xa lại là dãy núi với đầy tuyết và mây tạo nên cảnh mờ ảo chắc chắn sẽ khiến cho người xa xứ và cô đơn nơi nầy cảm thấy là buồn lắm nếu nơi đây không là nơi du lịch.
Hồ nầy có tên là Louise chứ không là Louis tức là không phải tên của một người đàn ông, con trai mà chứng tỏ là tên của một người con gái. Thực vậy hồ mang tên nàng Công chúa thứ tư của Nữ Hoàng Anh Victoria là Louise Caroline Alberta (1878 – 1939) cũng là vợ của John Campbell, người giữ chức Tổng Toàn Quyền của Canada từ năm 1878 – 1883. Có đường đi bộ vào sâu trong rừng gần bờ hồ, chắc đó là đường đi dọc theo hồ nhưng tôi đành quay lại và đi vào khuôn viên của Lâu đài hồ Louise “Fairmont’s Chateau Lake Louise” được xây từ những thập niên đầu thế kỷ 20 do Canada Pacific Railway.
Hồ Louise có bề mặt khoảng chừng 0.8 km2 với chiều dài khoảng 2 km, bề ngang 0.5 km với độ sâu 70 m và lượng nước của nó do tuyết tan từ trên cao đổ vào hồ, đồng thời nước chảy ra cung cấp cho dòng sông Bow cách đây chừng 3 km.
Đến 1 giờ, chúng tôi lên xe để về khu thương mại gần hồ để ăn trưa ở một nhà hàng Tây và nghỉ ngơi, mua chút ít đồ. Xong lại lên đường để làm một cuộc hành trình quay về vào lúc 2 giờ. Đến chừng khoảng hơn nửa giờ đồng hồ sau, Vincent cho chúng tôi ghé qua hồ Emarald để tham quan. Hồ Emerald nằm trong Yoho National Park, cách hồ Louise chừng 30 km thuộc tỉnh British Columbia, là hồ lớn nhất trong 61 hồ, ao của Vườn Quốc Gia Yoho.
Emerald Lake

Quả thật hồ có màu xanh ngọc bích thật đẹp, nhưng mùa nầy phần lớn hồ vẫn còn đóng băng, chạy dài tận mãi phía giáp núi. Ngưòi ta làm cái cầu nối liền từ bờ bên nây qua cái mũi đất ở bên kia cho thuận qua lại. Nơi đây thu hút nhiều người chụp hình ở cái góc cạnh nầy. Có một mũi tuyết tuột xuống đến tận hồ khá lớn làm cho người xem có thêm phần thú vị.
Chúng tôi rời Emerald Lake lúc 3 giờ và đến Natural Bridge sau đó 20 phút. Cầu tự nhiên nầy nằm trên sông Kicking Horse cách làng Fied chừng 3 km về phía Tây Nam, và xa hồ Louise khoảng 31 km 6. Dòng chảy của sông Kicking Horse phía trên đến chỗ nầy lại chui xuống dưới những gầm đá mà đổ xuống phía dưới thấp, theo người ta tính là do nơi nầy được cấu tạo bằng đá vôi, mềm nên bị xâm thực và bào mòn do sức nước, cùng cát đá mà dòng sông mang theo làm cho cửa ngõ nầy càng ngày càng mở rộng và phần đá trên trở nên giống như một cái cầu nên được gọi là “Natural Bridge”. Phía dưới là dòng sông Kicking Horse chảy len vào rừng với nhiều ghềnh đá.

Natural Bridge.

Xe trở ra đường số 1 và hướng về Vancouver. Khi đến Roger’s Pass vừa để nghỉ ngơi vừa thăm viếng Trung Tâm Lịch Sử Quốc Gia nầy của Canada. Trong trung tâm người ta trưng bày nhiều con thú vật sống trong vườn Quốc gia nầy với những chú thích để du khách hiểu được rõ ràng hơn, đồng thời với hình ảnh, mô hình của Roger’s Pass kể cả lịch sử làm đường thông qua và tượng bán thân của Roger. Sau đó thì mọi người lên xe tiếp cuộc hành trình dài gần 170 km để về đến Salmon Arm mất khoảng 2 tiếng đồng hồ và ăn chiều ở nhà hàng Jade Buffet of China rồi về Resort Prestige Harbourfront Resort để ngủ qua đêm!

Nguyên Thảo,
28/08/2017.



*Giữa Chợ Làng.



*Chấm Mút.     

Tớ chỉ xin ông chút đỡ ghiền,
Nhưng mà ông đã tánh hay quên.
Bây giờ đâu hẳn còn hay hết,
Tiu nghỉu tớ buồn..., tớ ngủ quên!

Lại nữa xin ông tí bạc còm
Đem về giúp đỡ lũ bầy con,
Mua thêm quần áo, coi lành lặn
Nhưng đã thôi rồi...! Tớ héo hon!

Tớ chỉ van nài... "chấm mút thôi"!
Nhưng ông xơi hết, những... bao lần,
Của kho trời đãi riêng ông chắc?
Của, bạc lại từ đám lũ dân...!

Đồ Ngông,
07-11-02.




*Hống Hách.   

"Hách xì xằng"quả là thằng lối,
To cỡ bao nhiêu, lộng quá rồi..!
Dọa nạt, ra oai người khiếp sợ
Quyền uy, hâm dọa... bấy nhiêu thôi!

Nó mới kiếp nầy, nó tưởng oai
Cổ nhân đời trước thấy lâu rồi
Cho nên mới nói "lớn" thêm "lối"
Đối nghịch thân hèn "nhỏ" với "nhoi"

Cha sanh, mẹ đẻ không hề lối
Nhưng tới phiên y trở mặt mày
"Van chức, xin quyền" đi liếm gót,
Nỉ nài được thế lại ra oai!

Ai về nói với thằng đang lối
Cùng lắm là xong một kiếp người
Hết hát, thân ra là kép hát
Ngàn năm để tiếng: "Một mùi hôi"!

Đồ Ngông,
24-4-02.

 


*Giữa Chợ Làng.      

Tớ đã đi qua giữa chợ làng,
Có người đứng đó kể oang oang
Thời oanh... oanh liệt còn vang bóng
Thuở bạc ôm kè bước nghênh ngang!

Tớ đã chui vào hóc hẻm sâu,
Những người lăn lóc, bạc thêm đầu
Xem ra chí thú (1), cùng vui vẻ
Hỉ hả vui cười quên hết đau!

Đời bao nhiêu nữa, còn mơ mộng!
Mai mốt rồi ra: Nghĩa địa chờ!
Cuối bước đường cùng như thế cả!
Sao còn nuối tiếc: "Mộng" cùng "Mơ"?

Đồ Ngông,
07-11-02.

(1) chí thú làm ăn.






 
*Nhân Danh       

Trong cuộc đời
không thiếu những sự nhân danh
Từ con người
Cho đến nhân loại và thế giới
Nhân danh khai hóa
Đã sản sinh đế quốc.
Nhân danh nhân loại
Cộng sản đã thành hình.
Nhân danh tự do
Những cuộc chiến điêu linh.
Nhân danh bảo vệ
Nhiều nơi dân đồ thán.
Vì tự do,
hạnh phúc
Biết bao người bỏ mạng trên rừng sâu nước độc
Hàng khối người chẳng ngại ra khơi
Vượt trùng dương và làm mồi cho cá
Nhân danh nữa,
Và nhân danh nhiều nữa
Cho đoàn kết: Đã "tạo nên chia rẽ",
Cho tự do: Đã "thủ đoạn ép người",
Cho dân tộc: Đã "tạo điều muối mặt".
Chắc rồi đây
Ngàn năm nữa
Cũng vẫn có người nhân danh
Nhưng "Cho ai?", mới là điều đáng nói...!

Đồ Ngông,
14-05-03.