Thursday, October 5, 2017

*Khi Hoa Anh Đào Nở. (6)


Theo kế hoạch thì sáng này chúng tôi sẽ bắt đầu di chuyển về Phú Sĩ Sơn. Sau khi ăn sáng xong, trong thời gian đợi xe buýt tôi và anh Nhi thả dọc ra ngoài thì đường phố nơi nầy không có vẻ của một thành phố, nó ít xe và đường len lỏi dưới những tàng cây xanh tươi vào mùa Xuân, thật là yên tịnh và mát mẻ. Nhưng, Jennifer cho biết là chúng tôi không đi thẳng về Phú Sĩ mà lại sang Kyoto đón xe lửa tốc hành, và xe chở hành lý sẽ đến vào lúc 8 giờ 30 để đưa hành lý đi trước.
Thế là chiều ngày hôm qua chúng tôi từ Kyoto chuyển đến Kobe nầy chỉ để tham quan một Thành phố được xây dựng lại từ sự tàn phá nặng nề do động đất, cùng ăn tối và ngủ ở khách sạn; để rồi sáng nay lại vượt chặng đường gần 75 cây số quay trở lại Kyoto, cũng là kỳ công thật! Nhưng nhờ vậy mà chúng tôi lại biết thêm những điều mới lạ, không biết đó có phải là dụng ý của tour du lịch hay không, nhưng trong lịch trình thì chúng tôi ngủ tại khách sạn Ariston ở Kobe nầy cho rẻ hơn?
Xe chở hành lý đi rồi thì đến 8 giờ 30 chúng tôi lên xe buýt để quay về Kyoto. Xe về đến Maruyama Park vào lúc 10 giờ, mọi người sẽ tham quan ở đây cho đến 11 giờ. Vào thời điểm nầy các cây anh đào đã không còn nhiều bông và lá xen vào mơn mởn, nhưng một khung cảnh rất đẹp và tươi mát bên bờ hồ với chiếc cầu bắt ngang. Công viên được coi là công viên cổ xưa nhất của Kyoto, nó thành lập từ năm 1886 và là nơi ngắm hoa anh đào nổi tiếng vào mùa Xuân với khoảng 800 cây anh đào, nhất là loại hoa anh đào rũ “Gion Shidare Zakura” mà tại trung tâm công viên có cây cổ thụ thuộc loại nầy nên càng hấp dẫn nhiều người dành cho những tấm hình để làm kỷ niệm.
Hồ và cầu trong công viên Maruyama.

Tại đây rất đông người có nhiều đoàn mặc đồng phục, không biết có phải là những đoàn sinh viên không mà lứa tuổi của họ vào khoảng đó đến tham quan. Lại có đoàn mà người ta mặc Kimono đang đi ra khá đông, nhưng những người nầy trò chuyện nhau bằng tiếng Nhật chứ không phải là tiếng Trung, như vậy họ không là du khách Trung Quốc hiếu kỳ.
Vì tôi thích quay phim để ghi lại hình ảnh cho nên tôi đi len lỏi theo các con đường tương đối là nhanh vội để ghi lại những góc cạnh theo thời gian cho phép. Đi theo con đường lần lên đồi qua những hàng tre thì lên đến ngôi đền và có cả chùa nữa. Ở đó tôi và anh Ba Quang thấy không cần thiết để đi xa hơn, một phần cũng sợ lạc đoàn và trễ giờ giấc nên đành quay trở xuống theo một hướng khác. Con đường xuống dốc nầy rất rộng lát gạch vuông, hai bên như khu vườn cây đầy bóng mát, bên trong có vài kiến trúc kiểu Nhật riêng biệt làm cho du khách cảm thấy thích thú. Cuối đường đó nối lại con đường về trung tâm chính. Xuống đến đó thấy những người trong đoàn đang ngồi nghỉ ở công viên nhỏ với những cây anh đào nhiều cánh màu hồng đậm và họ đang tìm góc cạnh để chụp hình. Tôi và anh Ba Quang lại thả dọc về hướng phía dưới.
Qua cổng Torii lớn màu cam, càng đi sâu hơn thì lại đến khu kiến trúc sao có vẻ là chùa hơn là đền của Thần Đạo. Lại bước sang phía phải qua một cổng Torii khác khá lớn nhưng bên trong là một khu vườn, cho nên chúng tôi trở ra. Không biết dọc bên trái con đường người ta muốn trưng bày những mô hình trang trí của một đền thờ Thần Đạo, hay chúng là những đền thờ nhỏ; nhưng chúng có khuôn khổ giống như các mô hình nhỏ, mỗi căn có cách bố trí khác nhau; xem qua đó du khách có thể hình dung được phía trước cùng bên trong của một đền thờ Thần Đạo được xếp đặt ra sao.
Trở lại những ghế cây bên cạnh một công viên nhỏ với những cây anh đào hồng tôi chụp vài bôi hình cho vợ tôi cùng những người bạn trong lúc chờ đợi mọi người tập trung lại để xe đưa đi ăn trưa.
Rời công viên vào lúc 11 giờ và ở đây tôi mới thấy có vài cây anh đào chắc trổ sớm cho nên bây giờ đầy lá xanh lớn và có cả trái nữa, như vậy trong chuyến đi nầy tôi đã thưởng thức được đầy đủ hoa, lá, cành, trái của Anh đào, chứ không hẳn là hoa không, chỉ thiếu một cái là không chứng kiến được “Hội” ngắm hoa thôi! Nhưng chẳng có sao, bao nhiêu đó cũng là quý lắm rồi!
Xe đưa về một nhà hàng có lầu mà Jennifer cho biết là nơi đây vào ban đêm có những nàng Geisha phục vụ cho khách hàng, cho nên có những phòng trải chiếu và không bày biện nhiều. Nhưng chúng tôi có phòng với những dãy bàn dài mà nhân số của đoàn chiếm luôn hai dãy.
Xong bữa ăn cũng đã là 12 giờ 20, xe buýt lại đưa chúng tôi về nhà ga để đón xe lửa tốc hành Shinkansen đi Phú Sĩ Sơn. Giã từ xe buýt, đoàn vội vã đi theo sự hướng dẫn của Jennifer, băng qua đường, dọc theo hành lang để về trung tâm nhà ga. Jennifer vào văn phòng lấy vé, nhưng chuyến xe của chúng tôi hãy còn lâu cho nên Jennifer lại đưa chúng tôi về cửa Bắc để nhìn cái kiến trúc hiện đại của nhà ga nầy.
Nhà ga xe lửa đầu tiên của Kyoto được thành lập vào năm 1877. Và nhà ga hiện nay là nhà ga thứ tư được hoàn thành vào năm 1997 có cấu trúc hiện đại mà phần vòm cao nhất lên đến 70m. Những khung sắt màu kim loại được lắp ráp thành mái vòm trên cao làm cho mái trở nên rắn rỏi, hùng mạnh vươn lên che chở cho các tiệm bán và du khách ở phía dưới trong một không gian tương đối rộng lớn chừng 238,000 m2. Có những bậc thang đi lên trên cao chia thành nhiều cấp (người ta tính có đến 171 bậc) rộng lớn ở giữa để cho những người thích đi bộ, hoặc cho những sự kiện được tổ chức vào cuối tuần. Tuy vậy, vẫn có thang cuốn chiều lên và chiều xuống cho những ai cảm thấy cần thiết như bọn già tụi tôi chẳng hạn. Qua những bậc thang cuốn, cuối cùng chúng tôi cũng lên đến tầng bằng để nhìn ngắm khắp thành phố Kyoto.  Tầng bằng là một không gian như sân thượng để mọi người lên đây ngắm cảnh ra xung quanh và chụp hình, quay phim toàn cảnh Thành phố. Nó cũng được trang trí bằng những sân cỏ, bồn bông trồng tre để làm dịu mắt cho du khách và được đặt tên là “Happy Terrace”. Lên đây đứng nhìn ra bên ngoài cũng được, mà nhìn xuống phía dưới bên trong xem người qua lại cũng được. Nhưng tôi lại có cái thú nhìn phía dưới bên ngoài để thấy những cặp đường ray xe lửa và xe chạy trên đường phố, tuy nhiên bị lớp kính dầy cùng những trụ bê-tông chống giữ, an toàn che chắn và nhuộm màu nên hình ảnh không trung thực cho lắm!
Sau đó thì Jennifer lại hướng dẫn đoàn đi qua một dãy tiệm mì “udon” đang đông khách để đi vào con đường gọi là “Skywalk” len lỏi trong những khung sườn trên cao mà chúng tôi có thể quan sát bên ngoài qua những lớp kính dầy. Đường đi nầy nối từ đầu Đông sang đầu Tây của kiến trúc. Khoảng giữa có những nơi để du khách ngừng lại quan sát ra bên ngoài. Mọi người thích nhất là chụp hình ở nơi nhìn ra Tháp Kyoto, nó rõ ràng không bị vướng vào cảnh quan nào.
Tháp Kyoto.

Qua đầu phía Tây chúng tôi thả lần xuống dưới để đi về trạm xe lửa vì cũng sắp gần tới giờ. Qua cổng soát vé đoàn đến trạm để đón chuyến xe lửa tốc hành Shinkansen đi Tokyo. Chuyến nầy có tên là Kodama 662 nó sẽ đến vào lúc 1 giờ 59 chạy đến Tokyo và ngừng ở tất cả các trạm và đây là xe lửa không hút thuốc. Ai hút thuốc thì ráng nhịn!
Chúng tôi nhanh nhẹn bước vào toa và Jennifer phải kiểm soát lại để rủi có ai rớt lại thì sao. Nhưng tất cả đều đủ. Toa xe rất sạch sẽ, một bên 3 ghế và một bên hai ghế, ngồi rất thoải mái, đường giữa rộng hơn là trên máy bay. Xe bắt đầu ra ngoại ô, càng lúc nó chạy càng nhanh, mọi thứ gần như trốn chạy về phía sau. Tôi mãi mê đưa máy ra ngoài quay những cảnh ở thôn quê, nhà cửa có lúc chập chờn, nhưng xe chạy khá êm.
Theo tài liệu thì Shinkansen là hệ thống đường sắt cao tốc của Nhật được thiết lập từ năm 1964, xe lửa chạy với tốc độ 210 km/giờ, sau nầy dần phát triển nối các thành phố lớn và chạy với vận tốc lên đến 300 km/giờ.
Cách phục vụ trên xe lửa như thế nào thì tôi không rõ, tuy nhiên cứ mỗi lần cửa toa mở ra thì lại thấy nhân viên không biết là an ninh hay giữ chức vụ gì lại cúi đầu chào trước khi bước vào, và hình như sau khi bước ra anh ta cũng quay lại nghiêm cẩn để cúi chào lần nữa thì phải vì tôi không nhớ rõ lắm. Tôi có nói với vợ tôi người Nhật quá lễ phép nên trở nên cầu kỳ. Điều ấy chắc là không đúng lắm! Dọc theo các ga tôi nhìn hình như nhiều người Nhật có chiều cao không cao lắm, hay là tại mình nhìn xa; thì tôi lại nhớ đến những người già cỡ ba tôi kêu lính Nhật trong thời Nhật chiếm đóng ở Việt Nam là “Nhật lùn”, hay là thuở ấy họ lùn thiệt và tôi lại nghĩ đến những người lính ấy mà mang súng trường kiểu “Mousqueton” (?) mà dân gian gọi là “mút cà thòn” thì chắc là chấm đất mất!
Mãi lo suy tưởng chuyện tào lao thì xe lửa ngừng lại ga, mọi người xuống theo lời của Jennifer. Đây là ga Shin Fuji chứ không phải chúng tôi sẽ đến Tokyo, vậy là lại được đi xe buýt tiếp tục cho chuyến hành trình. Lúc đó là 4 giờ 30.
Xe rời Thành phố, tôi lại càng chú ý hơn vào vùng thôn quê của Nhật để tìm xem những khác biệt đối với vùng thôn quê quê mình (Việt Nam chứ không phải là Úc Đại Lợi). Tất nhiên là với sự tiến bộ và nhiều năm trong hòa bình vùng thôn quê của quê mình làm sao bằng quê người. Hơn nữa với mấy mươi năm sau hòa bình người ta đã đi đến tận đâu còn đất nước mình vẫn loay hoay “làm và sửa” cho đến tận bây giờ. Nghĩ lại ông Marx mà ổng sống lại chắc ổng phải lắc đầu với hàng hậu bối đang thực hiện điều ổng mơ ước và tạo ra, không khéo ổng lại khóc nức nở cũng không chừng!

Thôn quê ở Nhật.

Xứ Nhật được xem là xứ dân quá đông đúc tức là lâm vào nạn “nhân mãn” từ lâu, lại là xứ nhiều núi mà không ít động đất thiên tai, thế mà chính phủ và dân Nhật đã tận dụng địa hình để phát triển quốc gia và kinh tế. Xe đã chạy qua nhiều cánh đồng, trong đó có những vườn trà mà tôi đã nhìn thấy và ghi lại, những khu nhà ở trên triền núi, hay những nhà máy gần với khu dân cư nhưng đường sá vẫn khang trang, rộng rãi, thuận lợi cho cơ sở hạ tầng. Người ta trồng trọt ở những vùng thung lũng hay những nơi đất bằng.
Vườn Trà.

Theo đường hay những đường phố thường xuất hiện nhiều cây Anh đào, quả thật người Nhật tha thiết với nó quá, cho nên nơi nào cũng thấy dù khoảng thời gian nầy có loại đang đầy bông, cũng có loại với tàng lá xanh mà bông vẫn còn lưa thưa. Bởi vậy, người ta coi Nhật là xứ sở của Hoa Anh Đào cũng không có gì lạ! Xe đang tiến lên con đường dọc theo núi để đi về vùng hồ Yamanakako. Tối nay chúng tôi sẽ ngủ ở khách sạn Yamanakako Sun Plaza Hotel. Ở hai bên đường có nhiều đoạn cây trơ trụi, vươn cành và chưa ra lá nào khiến tôi nhớ đến vài khu rừng chồi lưa thưa ở miền Đông quê tôi vào mùa khô và cũng lại nhớ đến câu thơ của cụ Nguyễn Du trong Truyện Kiều “Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san” mà nghe lòng có phần tê tái!
Xe chạy đến cái hồ và chạy dọc theo đó, rồi chậm lại, tôi cố nhìn xem chuyện gì phía trước. Nhưng không, xe đi vào chỗ đậu rồi ngừng hẳn. Chúng tôi lại xuống xe. À! Thì ra xe đến khách sạn rồi! Thế là chúng tôi đã vượt 63 km từ Shin Fuji (Tân Phú Sĩ) để đến nơi nầy vào lúc 6 giờ chiều. Hành lý đến tự bao giờ được xếp vào trong một góc chờ chúng tôi đến nhận sau khi đã nhận phòng. Jennifer cho biết chúng tôi sẽ mặc những bộ đồ để sẵn ở trên giường, xong rồi tập họp ở dưới phòng đợi.
Tưởng gì, té ra ở khách sạn người ta muốn mình học theo kiểu Nhật, mặc bộ đồ của Nhật, mang dép xuống đây để ăn tối, đồng thời xúm nhau chụp hình lưu niệm với nhau. Đồ đàn ông thì có thắt lưng xanh còn của nữ thì thắt lưng đỏ, nhưng người ta để trong phòng tôi lộn rồi nên dây thắt lưng của tôi lại màu đỏ còn của chị Cỏn ở phòng kế bên thì lại màu xanh. Thôi thì mình làm đàn bà đỡ vậy! Thế mà vợ chồng tôi cũng ráng chụp nhiều bôi hình với anh chị Nhi, Đệ và Bảy Gàng. Nhìn lại hình mới thấy mình thật là “khờ khạo” biết bao nhiêu! Già rồi mà vẫn còn “dở tính”!

Nguyên Thảo,
06/09/2017.



No comments:

Post a Comment