Wednesday, October 25, 2017

*Khi Hoa Anh Đào Nở. (7)


Có được một đêm ngủ mê vì phải trải qua ban ngày khá mệt, nhưng sáng tôi vẫn dậy sớm chắc một phần mình già nên ngủ không nhiều, hai là do quen giấc. Thức dậy từ lúc 5 giờ, tôi đến cửa sổ vén màn qua bên thì bên ngoài đã sáng, nhưng trời có vẻ lạnh vì sương đọng ướt trên kính cửa sổ. Mặt hồ phẳng lặng, yên tĩnh. Tôi lại lấy máy ra quay một chút.
Hôm nay phá thông lệ, thường thì người ta đi ăn sáng trước rồi mới trả phòng, nhưng ngày này chúng tôi lại phải đem hành lý xuống và trả chìa khoá phòng trước rồi mới đi ăn sáng. Có lẽ khách sạn muốn kiểm phòng kỹ hơn trong thời gian chúng tôi đi ăn sáng chăng? Nhiều người cho rằng: Đây là khách sạn cũ, nhưng mới tân trang lại và lấy tên mới tức là tên “Sun Plaza Hotel” mà theo tiếng Nhật (hay là Hán Nhật?) đọc theo âm Hán Việt thì là “Phú Sĩ Sơn Trung Hồ” cho nên nó còn nhiều cái cũ chứ không phải là khách sạn mới xây.
Giờ chúng tôi lên xe khởi hành đi là lúc 8 giờ, nên sau khi ăn sáng hãy còn chút thì giờ, mọi người thả ra bờ hồ ngắm cảnh. Mặt hồ phẳng lặng trong xanh, màu trắng của nhà cửa, du thuyền, các phương tiện cho mướn để du khách rong chơi trên hồ nổi bật lên lẫn với màu xanh của cây cối ở trên bờ. Nắng đã lên, nhìn xéo về phía sau, núi Phú Sĩ như sáng lên do màu tuyết phản chiếu trở nên thật đẹp. Ngày xưa khi chưa đến đây cứ nói đến Nhật Bản là người ta nghĩ ngay đến núi Phú Sĩ và Hoa Anh Đào trước tiên; rồi từ đó tôi cũng theo người ta, xem hình ảnh và tưởng tượng, phát họa trong đầu óc mình một khung cảnh ảo. Nay đến đây tôi mới nghiệm được cái nét đẹp của nó. Trên góc cạnh nầy nó đẹp, rạng rỡ thật qua ánh nắng mặt trời ban sáng, nhưng tôi nghĩ chúng tôi chưa nhìn được cái nét đẹp trọn vẹn của nó, vì chúng tôi đang đứng trên đường phố, vừa bị rừng cây, phố phường che chắn, vừa không nhỉn được bao quát. Nếu chúng tôi đang ở giữa hồ, hay bên kia bờ nhìn qua thì có lẽ núi Phú Sĩ sẽ đẹp hơn. Nói đến góc cạnh thì bao nhiêu người Nhật lẫn du khách nước ngoài đã đưa lên mạng hay các sản phẩm văn hóa rất nhiều. Còn tôi, tôi thấy ở núi Phú Sĩ một hình dáng cân đối, hai sườn thoai thoải vừa tầm, đỉnh không nhọn mà trải bằng một khoảng khá rộng vì nó là miệng của núi lửa. Hình dáng đẹp ấy khó kiếm trong thiên nhiên lắm, mà nó lại có độ cao khiến tuyết có thể phủ từ trên xuống gần phân nửa, cũng lại là một sự cân đối khác. Rồi núi Phú Sĩ bắt đầu cho một dãy núi thấp theo sau, nên nó nổi bật lên trên bầu trời xanh với một hình dáng thật là đẹp! Vì vậy nó hấp dẫn, lôi cuốn du khách kể cả trong và ngoài nước Nhật không có gì là lạ. Tất nhiên với cái đẹp và sự hung hãn của một núi lửa thì nó cũng được thêu dệt những mẫu thần thoại để đính kèm, giống như bao nhiêu dân tộc khác trên thế giới đã làm!
Hồ mà chúng tôi đang đứng là hồ Yamanakako. Ở vòng chân núi Phú Sĩ có 5 hồ: Hồ Yamanaka nầy với hồ Kawaguchi, Saiko, Shoji và Motosu. Hồ Yamanaka là hồ lớn nhất nhưng lại phát triển thứ nhì sau hồ Kawaguchi, còn các hồ Saiko, Shoji, Motosu là ba hồ nhỏ. Nơi đây tập trung của làng Yamanakako thuộc quận Yamanashi với số dân hơn 5 ngàn người có nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng và hoạt động vui chơi nhất là về mùa hè!
Đúng 8 giờ xe đã hoàn tất việc chất hành lý và đoàn khởi hành đi đến làng cỗ Oshino Hakkai không xa đây lắm. Len lỏi qua những rừng cây lẫn xóm, xe đến làng vào khoảng 8 giờ 40. Đường xe không rộng, nhà cửa thì cất theo kiểu chẳng là xưa. Có những khoảng đất đã được cày xới nhưng chưa trồng trọt, nó có màu đen nâu chắc là mầu mỡ giống như ở các vùng có núi lửa khác. Các nhà ở đây trồng nhiều bông và tạo cây cảnh dù những cây đó đã là rất lớn. Điều ấy mới thấy cái công phu của họ.
Xuống xe, đoàn đi theo sự dẫn đường của Jennifer dọc theo dãy đường tráng xi măng dẫn vào xóm. Băng qua cái cầu nhỏ, bên cạnh dòng nước, nhìn sang bên núi Phú Sĩ hiện lên cái hình dáng đẹp của nó ở xa xa. Cái hàng rào bên mương được làm “giả cây” để làm cho cảnh vật có vẻ thiên nhiên, chứ chắc nó là bêtông cốt sắt để giữ an toàn cho người đi đường khỏi phải lọt xuống đường nước, mà cũng khỏi phải thay thường xuyên do mục nát. Có cây tùng hay thông gì đó thân khá lớn, nhưng do nhiều thân nhỏ kết hợp chứ không phải là một thân trông cũng là ngộ nghĩnh hiếm có. Bên đường có cây Anh Đào đang đầy bông. Chắc do người dân sợ du khách không biết nó là cây Anh Đào, hoặc nó chính là cây Anh Đào “chính hiệu” nên họ viết mấy chữ “Sakura” lên bảng và treo lên đó. Tôi lấy làm lạ và quay luôn một đoạn phim và chụp vài bức hình về nó.
Cay Hoa Anh Dao. (Click vao hinh de xem hinh lon)

Qua đoạn đường ấy thì đến khu khang trang, sạch sẽ, cảnh trí thoáng nhưng đầy người. Thì ra đây là khu chính của làng cỗ nầy. Đây là hồ chính Wakuike cùng với 7 hồ khác trong khu vực mà người ta cho biết nước của nó là do tuyết từ trên núi tan rồi ngấm qua các lớp đất đá mà ngầm xuống đây, cho nên nó được xem là tinh khiết và là “của báu” thiên nhiên của Nhật từ năm 1985. Nước hồ rất trong có nhiều cá chép hay cá coi nhởn nhơ cùng rong nghiêng ngã làm dáng để cho người ta chụp hình. Đây là kiểu dáng của mấy nhà cổ khá đặc biệt, có guồng quay nước, lợp mái bằng rạ hay cỏ rất nhuyễn và được cắt xén khá đẹp. Bên cạnh là khu bán đồ lưu niệm. Người ta thi nhau chọn vị trí để chụp những bôi hình với khu nhà cổ, hồ nước, có các cây Anh Đào đầy bông phía sau cùng hình ảnh núi Phú Sĩ xa xa, như vậy là đủ bộ tiêu biểu cho một chuyến đi Nhật.
Lang co Oshino Hakkai.

Tất nhiên là tôi không thể để máy chụp hình hay máy quay phim được yên nghỉ vì chúng cũng đi du lịch với tôi mà. Phải quay và phải chụp để làm thành những kỷ niệm và viết cho mọi người xem chơi! Phần mua đồ là phần của vợ tôi, vả lại tôi cũng chẳng biết phải mua gì, nên chỉ biết xách và tìm những góc cạnh nào lạ và khả dĩ coi được để ghi lại hình, thế thôi!
Người ta thường nói nơi đây là “làng cổ nằm dưới chân núi Phú Sĩ”, chắc không sai nếu tính từ vùng đồng bằng để bắt đầu lên cao, chứ đối với tôi vùng nầy vẫn còn hơi xa thì nó chưa phải là “làng cổ ở dưới chân núi”. Tuy là vậy, nhưng ở chỗ nầy mới có được những hình ảnh đẹp về núi Phú Sĩ, còn ở gần quá thì chắc là không thể đẹp rồi! Không biết các nước khác cứ giành hoa Anh Đào là của mình như thế nào, chứ dân Nhật có Hoa Anh Đào, rồi họ trồng thành những công viên đẹp đẽ, trồng ở hai bên những đường nước, kênh rạch, sông ngòi để rồi khi mùa “Xuân sang có Hoa Anh Đào” cùng nhau tới ngắm với lễ hội “ngắm hoa” vui Xuân. Quả là một dân tộc có tâm hồn lãng mạn, yêu thiên nhiên và tâm hồn nghệ sĩ; mà tôi là một kẻ tình si, ăn có theo tâm hồn của họ như “mấy ngày hôm nay”!
Dù có thích hay không nơi này, thì chúng tôi cũng phải đến giờ từ giã, quà kỷ niệm thì đã có mấy bà, còn mấy ông chỉ mua được “quà đấu láo”, tán dóc với nhau thôi! Sau một giờ đồng hồ nhìn ngắm, quan sát, chúng tôi lại ra xe để đi đến một hồ khác trên núi mà người ta nói đó là một miệng núi lửa ngưng hoạt động từ lâu đầy nước. Đó là hồ Ashi, ở núi Hakone.
Từ Oshino Hakkai xe trở lại đường cũ đi trở ra xa lộ mà ngày hôm qua chúng tôi đã đi vào. Đến đoạn đường mà rừng cây trơ trụi lá, tôi lại ngạc nhiên nghĩ rằng: Không lẽ mắt mình bị bịnh rồi chăng? Tại sao ngày hôm qua thấy cây màu xám trắng mà bữa nay dường như nó có màu hơi đo đỏ? Tôi cứ dụi mắt xem mắt mình như thế nào, nhưng rồi cũng không khác. Tôi cho chắc là ảo tưởng, nên không thèm để ý đến nó nữa! Đường đi trở về cho tôi nhiều để ý hơn vì lúc nầy tôi không cầm máy quay nhiều nữa, có thì giờ nhìn ngắm cho thỏa mãn. Xe đi qua một thành phố mà núi Phú Sĩ thật gần, nổi lên một hình ảnh đẹp, nhưng tôi không kịp mở máy để quay, rồi xe lần lên núi qua những đường quanh co, chạy luồn trong rừng và đường đèo. Đâu cũng có nhiều cây Anh Đào nở rộ kể cả dọc theo đường núi, chắc đó là những cây Anh Đào dại. Ruộng đồng thì bây giờ chưa được canh tác nhiều chắc thời tiết chưa thuận tiên vì vừa qua mùa Đông.
Xe đến hồ Ashi, đoàn chúng tôi đi về bên cruise để đi tàu sang bờ bên kia gọi là Hakone Sightseeing Cruise chứ không phải đi về cổng Togendai. Mỗi người được một vé để xuống tàu. Tàu theo kiểu tàu buồm. Đứng trên tàu mà ngó sang hai bên bờ có nhiều lý thú, nhưng gió nhiều. Dù không khí trong lành do gió lạnh khiến tôi nhiều lần chạy vào, rồi lại phải chạy ra ngoài để nhìn, để quay. Có mấy khi lại đến đây!
Du thuyen tren ho Ashi.

Hồ nầy là Hồ Hakone hay còn gọi là Ashinoko, nó là một hồ do miệng núi lửa tạo thành bởi do sự sụp xuống của phần núi khi dung nham đã tràn ra ngoài theo hiện tượng mà người ta gọi là hiện tượng “Caldera”. Đây là cảnh quan du lịch của vùng Hakone và núi lửa nầy là núi lửa Hakone. Du thuyền đi trên mặt hồ từ hướng Tây Bắc xuôi về Đông Nam. Theo số liệu hồ có độ sâu từ 15 đến 43.5 m và chiều dài khoảng chừng 7 cây số, được tạo lập từ 200,000 năm trước khi núi lửa Hakone hoạt động. Du thuyền nầy có kiểu cách của một tàu buồm thuộc loại tàu cướp biển. Làm dáng như vậy để có hình thức lạ hấp dẫn du lịch chứ tàu nào cũng chạy bằng máy cũng đưa người “sang sông”, không quên “sang hồ” mới đúng! Tàu đi khoảng giữa hai bờ, mọi người đứng nhìn ngắm cảnh quan, nhưng khi nào gió lạnh quá thì chạy vào bên trong, để rồi lâu sau lại chạy ra. Do cặp mắt của mình thích ngó nên ngành du lịch mới được phát triển và mình phải cố gắng kiếm tiền mà đi du lịch. Nghĩ cuộc đời cũng có nhiều “cái lạ” và “lý thú”!

Nguyên Thảo
26/10/2017.



No comments:

Post a Comment