Tuesday, March 24, 2020

*Vài Loại Virus!



Thế giới trong vài tháng nay phải gồng mình mà chống chọi lại thứ “virus” kiểu mới mà người ta hay gọi là “Vũ Hán Virus”, sau đó là NCoV-19, hay SARS CoV-2, rồi tổ chức Y Tế Thế Giới đặt tên là Covid 19. Dù nó là tên gì đi nữa thì “nơi phát sinh” của nó vẫn là từ Thành Phố Vũ Hán của Tỉnh Hồ Bắc bên Trung Quốc. Như vậy người ta vẫn có thể gọi là “Vi khuẩn Vũ Hán” hay là “Chinese Virus” cũng không sai! Thế mà chính quyền Trung Quốc lại phản đối ầm ỉ, gương mặt người phản đối “quạu” lên thấy không thương được. Nếu ai nhìn lên màn ảnh truyền hình khi chiếu về những gương mặt của các nhà lãnh đạo trong Chính quyền Trung Quốc ta sẽ thấy nét “xấc xược, ngạo mạn” của “kiểu quan thầy thiên hạ”, coi thiên hạ chỉ là “bầy tôi” của họ như Vương Nghị, Dương Khiết Trì, Cảnh Sảng, Hoa Xuân Oánh chẳng hạn thì sẽ thấy rõ điều ấy. Những thái độ hung hăng đó chỉ chứng tỏ cho thế giới thấy rằng một cường quốc “không xứng tầm” để lãnh đạo thế giới, dù họ muốn họ “sẽ là như vậy”! Họ muốn họ, nói theo kiểu truyện kiếm hiệp của Trung Hoa, sẽ làm “Bá chủ võ lâm” thống trị thiên hạ, bắt thiên hạ dưới bầu trời nầy phải phục tùng chính quyền Trung Quốc giống như những đế quốc từ cổ chí kim đã từng mưu đồ.
Trong quá trình lịch sử, các chính quyền của người Hán đã tiêu diệt không biết bao nhiêu là nước nhỏ để tạo nên nước Trung Quốc và các đế chế. Nhưng cũng trong quá trình lịch sử, Trung Quốc đã bị người Mông Cổ đánh bại và thống trị dưới triều nhà Nguyên. Mông Cổ sáp nhập Trung Quốc vào lãnh thổ mình để cai trị, Sau khi nhà Nguyên sụp đổ thì lãnh thổ Mông Cổ không còn nữa mà trở thành lãnh thổ Trung Quốc. Cũng may, qua thời cuộc bây giờ Mông Cổ chỉ mất phần Nội Mông thôi! Tương tự như vậy nước Mãn Châu, sau sự sụp đổ của triều Thanh thì nước Mãn Châu cũng biến mất trên bản đồ. Phúc cho nước Nhật chưa cai trị lên Trung Quốc trong thời Đệ Nhị Thế Chiến, nếu không bây giờ ta khó thấy tên Nhật Bản trong thế giới nầy.
Nói theo kiểu truyện Tàu, truyện kiếm hiệp, người Tàu có câu: “Quân tử trả thù mười năm chưa muộn”, thì quả thật là đúng như vậy! Nước Tàu cuối thời Thanh đã bị các nước Phương Tây xâu xé, bắt ký những hiệp ước bất bình đẳng đã tạo nên “nỗi đau” cho dân tộc và đất nước họ. Các chính quyền về sau đều có tham vọng khôi phục lại vị thế, sự hùng mạnh xưa kia và muốn “cho thiên hạ thấy sự hùng mạnh, vĩ đại” của nước Tàu. Sự “ẩn dật chờ thời” và đợi thời “trỗi dậy” được lên kế hoạch. Thời đã đến khi Mỹ muốn giải quyết cuộc chiến tranh ở Việt Nam, sự bang giao Trung - Mỹ đưa Việt Nam đến hòa bình thống nhất, cũng là giai đoạn mà nước Việt và dân tộc phải đi vào giai đoạn thảm họa khác, lâu dài hơn và chưa biết đến bao giờ thoát khỏi! Nước nhỏ lệ thuộc vào nước lớn không có gì đáng nói hơn là nước lớn muốn ép bức nước nhỏ phải chịu đựng nhiều mưu mô phá hoại về kinh tế, thương mại, sản xuất lẫn chính trị, ngoại giao kể cả về lịch sử của đất nước cũng bị thúc ép phải bỏ không cho học sinh học để hiểu về lịch sử của đất nước mình. Họ tiến hành nhiều phương sách nhằm buộc nước nhỏ phải suy yếu, lệ thuộc hoàn toàn hoặc biến, trở thành một phần của nước lớn để thực hiện manh tâm thống trị khu vực, và làm bàn đạp thống lĩnh thế giới!
Người ta cũng thích che đậy dưới những hình thức nhân đạo, hiền từ, thân thiện để đánh lận con đen, đánh lừa sự cảnh tỉnh của thiên hạ cũng như: Trỗi dậy hòa bình để ru ngủ che mắt nhân loại, mà sau danh từ đó là sự âm thầm xây dựng những chiến hào, thành lũy, một chuỗi pháo đài. Tình anh em tốt, đồng chí cùng chung đại cuộc, cùng một mục đích tiến hành trên thế giới để cho đàn em câm nín với những gì mình đang tiến hành, nuốt dần đứa em dễ thương đó. Với những chữ vàng để đàn em chịu lép vế với mọi vấn đề kể cả vấn đề đất đai, biên giới và chịu sự “nô lệ” kiểu mới! Với dã tâm thân thiện, người ta thực hiện các hành vi đánh cắp, học hỏi, xây dựng theo kiểu trong chiến tranh là “lấy vũ khí của giặc để đánh giặc”. Nương vào giặc để học hỏi, biết giặc để thắng giặc theo binh pháp: “Biết người, biết ta trăm trận trăm thắng”, đúng như tục ngữ ta có câu: “Kẻ có tình ngồi rình trong bụi, Kẻ vô tình lủi thủi mà đi”. Thế mới chết: “Nuôi ong tay áo” để nó chích mình hồi nào không hay!
Ngày còn đi học, lúc đó ngưòi ta chỉ dạy là Vi Trùng, còn chữ Siêu Vi Khuẩn chưa có hay là đã có mà Đồ Ngông tôi chưa được học tới. Vi trùng là sinh vật rất nhỏ gây ra nhiều bệnh hoạn mà mãi tới khi nhà Bác học Pasteur tìm ra thì người ta mới biết. Những con vi trùng ấy chỉ nhìn ra được bằng kính hiển vi, còn nhỏ hơn nữa kính hiển vi thường không thấy được, và nó có thể đi qua cái lọc trong phòng thí nghiệm thì người ta chỉ gọi chúng là độc-tố. Thế rồi qua thời gian kỹ thuật đã tiến bộ các loại kính hiển vi điện tử được ra đời, càng ngày càng tinh vi người ta mới thấy được độc tố ấy chính là những con vi trùng rất nhỏ mà bây giờ xác định là Siêu Vi Trùng.
Tiến triển theo y học và khoa học thì thế giới nầy cũng có những bệnh lạ tiếp theo, mà đến bây giờ còn có nhiều thứ bệnh mà người ta chưa tìm ra được các thứ thuốc chủng ngừa hay trị bệnh, nhất là từ đầu thế kỷ cho đến nay. Trong quá trình nhiều dịch bệnh có nhiều loại phát xuất từ Trung Quốc như Dịch Cúm Châu Á (1957), Dịch Cúm Hồng Kông (1968), dịch Cúm Gia Cầm (1997), Dịch Sars (2003), Dịch Tả Lợn Phi Châu rồi kế tiếp là Dịch Viêm Phổi do Virus Corona mới tức là NCoV-19 hay là Virus từ Thành Phố Vũ Hán hoặc tên mới là Covid-19. Từ những tham vọng chính trị, từ những hành động trên chính trường lẫn các hoạt động quân sự người ta có nhiều nghi ngờ về việc các dịch bệnh đó và tự hỏi: Thế thì các dịch bệnh ấy từ đâu mà đến? Nó có phải là tự nhiên không? Hay là từ đâu vậy? Người ta chưa có câu trả lời xác đáng!
Ngày nay dịch bệnh đã phát tán gần hầu hết các quốc gia trên thế giới, nhân loại đang chật vật đối đầu với dịch. Cái bệnh dịch nầy thật nguy hiểm làm tiêu hao không biết bao nhiêu tài lực lẫn vật lực kể cả về tinh thần của nhân loại. Nhưng nó vẫn chưa nguy hiểm bằng “Virus tranh thắng để làm bá chủ thiên hạ” đã ăn sâu vào “đầu não” của những nhà lãnh đạo. Hay loại “Virus khác làm đầu óc những nhà lãnh đạo bị lú lẩn” để không nhìn thấy đất nước đã bị tàn khốc và dân chúng phải lầm than!
Quả thật “Virus” nào cũng nguy hiểm và đáng sợ cả. Chỉ tội cho đám dân nghèo, của những cái lũ “Dân ngu cu đen”!

Đồ Ngông,
24/03/2020.




Friday, March 20, 2020

*Quê Người! (28)



Cùng nhau ở trên cái căn “flat” trên lầu ấy cũng tương đối là tiện, tuy nhiên vào mùa Đông nó hơi lạnh vì chịu thêm cái lạnh của gió, nhưng chúng tôi vẫn còn là những thanh niên nên có thể chịu nỗi. Có nhiều đêm tôi phải lấy cái mền trùm kín mít cái đầu, mặc thêm hai cái áo; mà da thịt tôi cũng lạ kỳ, cứ mặc thêm nhiều áo thì lại hay ngứa ngáy khiến mình khó ngủ, và khi trùm đầu mặt thì lại ngộp khó thở, cho nên dần dà tôi phải tìm cách thay đổi cho tới cách tối ưu: Lấy cái mền lót phía dưới lưng một phần cộng thêm lớp áo ấm trải ra, và phần mền trên kéo đắp kín đầu nhưng lại chừa cái mặt và mũi ra, thế mà tôi lại thấy thoải mái hơn.
Bốn đứa cứ mỗi sáng làm đồ ăn rồi kéo nhau đi học. Kiệt học ở trường High School (Trung học), còn tôi, Liêm, Kim vẫn đón xe buýt đi đến trung tâm Pennington học Anh văn. Ba đứa chúng tôi phải canh giờ xe buýt tới trạm ngoài đường lớn khi nào, và tính đoạn đường khoảng chừng cây số từ nhà ra trạm đón xe đi khoảng bao lâu để thời gian đi đến trường không phải trễ. Cứ như thế trong nhiều tuần. Trong những tuần ấy khi thì Bob đến thăm, lúc thì Joeff thăm. Tội nghiệp Bob cứ thấy chúng tôi thiếu cái gì thường hay kiếm đem cho, nhất là đối với Kiệt. Có lần tôi lại nhớ đến món cháo tôm khô mà khi còn ở nhà tôi thường hay nói vợ tôi nấu để cho mấy đứa con ăn sau ngày Giải Phóng, vì lúc đó với tình trạng đánh Tư Sản, các cửa hàng phải ngưng, buôn bán dành riêng cho các cửa hàng Thương Nghiệp, cho nên thiếu thốn mọi bề. Thịt thì người ta đi lậu nên chẳng có bao nhiêu mà lại mắc nữa, nên vợ chồng đành nấu cháo tôm khô để cho con ăn cho có thêm chất thịt cá. Nhớ quá, tôi đành trổ tài nấu “cháo tôm khô” để đãi Joeff và cùng nhau ăn. Kim, Liêm, Kiệt thì thấy lạ, nhưng Joeff thì không biết thế nào mà anh ta cũng thốt lên là “Not bad”. Tính tụi Tây là thế đó! Nó không chê dù là không ngon, đôi khi nó lại khen như là lấy lệ. Họ không muốn làm mất lòng người khác!
Một hôm, vào giờ giải lao, Thành đi qua lớp học trao cho tôi bao thư khá lớn, nó nói là Trọng đưa. Tôi vừa nhận thì đã thấy chữ của vợ tôi, tôi nghĩ chắc là các giấy tờ cần thiết cho việc bảo lãnh. Thật vậy, vợ tôi gởi thư cùng mấy đứa con viết thư cho tôi, mỗi đứa một chút, kèm cùng tất cả giấy tờ mà tôi đã căn dặn vợ tôi phải gởi qua. Tôi không ngăn được dòng nước mắt. Kiểm chứng lại rồi tôi mang đến phòng anh Y nhờ anh xem đủ không để anh làm Hồ sơ bảo lãnh cho gia đình dùm. Nhưng vì không đủ thời gian trong lúc nầy, nên anh hẹn sau khi tan học đến anh giúp dùm cho. Xong buổi học, tôi đến nhờ anh điền đơn bảo lãnh cùng các giấy tờ kèm theo. Như vậy vấn đề quan trọng tôi đã thực hiện xong, nhưng vào thời gian nầy chính phủ Việt Nam hãy còn ngưng cứu xét các hồ sơ, sau khi cuộc biểu tình chống ông Ngoại Trưởng Nguyễn Cơ Thạch của những người qua trước vào thời điểm ngày 16/03/1984 ở Canberra, tức là một ngày sau khi tôi đặt chân lên đất Úc. Mấy ngày sau tôi mới biết là mình đã nói sai tên địa chỉ nhà ở, thay vì “Trafford street”, tôi lại khai là “Strafford Street”. Tôi có nói với anh Y về việc ấy, nhưng anh nói không quan trọng vì có thể mình còn thay đổi địa chỉ, khi nào thay đổi nhớ cho anh biết để anh điều chỉnh dùm cho. Thế là tôi hơi yên tâm! Bốn đứa chúng tôi cùng nhau ở trên một căn flat lầu ấy được gọi là tạm ổn.
Tuy nhiên một ngày nọ, ở trong lớp học vào giờ ra chơi, tôi và Kim đang ngồi nói chuyện với nhau thì Thành đến. Nó nói với tôi là Trọng và Yến ra mướn nhà riêng rồi vì vợ chồng Kiệt không muốn Trọng, Yến ở chung nữa. Nó nói Trọng, Yến kêu tôi và nó về ở chung. Khi nghe tin đó thì tôi có nhiều suy nghĩ, vì từ trước tôi dự trù là ở chung với những người độc thân, cho nên khi còn ở trong trại Tiếp Cư Pennington tôi có ý cam kết với Bác Vỹ là do nguyên nhân ấy. Thế rồi tôi lại bỏ đi vì cần có tiền để sớm gởi về cho gia đình, nay tôi đang ở với bạn bè thì lại có tin nầy. Tôi kêu với Thành nói với Trọng để tôi tính lại sau. Vài ngày sau Thành cho hay Trọng kêu tôi quyết định gấp rút để nó biết nó kêu người khác đến ở. Tôi thấy trong hoàn cảnh ở chung đụng trong thời gian đầu trên xứ người nầy đã có nhiều trường hợp “lỡ khóc lỡ cười” phức tạp xảy ra, thôi thì tôi cần đến ở với tụi nó thôi, vì Thành đã dời qua ở rồi!
Chiều về tôi quyết định nói với Kim, Liêm, Kiệt là tôi sẽ qua ở với Trọng, Yến, Thành. Kim trách tôi, lúc đó tôi mới biết vài ngày nay Kim không vui cùng tôi sau khi Thành cho hay Trọng kêu tôi về ở chung. Kim cho tôi là bỏ anh em.
Thế là từ đó Trọng, Yến, tôi và Thành ở chung một nhà. Nhà có ba phòng ngủ. Trọng, Yến phòng lớn, Thành phòng nhỏ, còn tôi chọn phòng ở ngoài sau, phòng nầy vốn được nối thêm từ mái nhà gọi là “sleep out” cũng tương đối sáng sủa vì phần cửa sổ hướng ra phần sân sau của vuông nhà. Sáng thức dậy tôi nghe tiếng kêu ríu rít của hai con chim nho nhỏ màu trắng có tên gọi “canary” của Trọng đã mua ngày tôi mới qua, lúc mà tôi và Trọng gặp nhau ở một chợ “second hand” ngoài trời của một sân chiếu bóng lộ thiên! Trọng treo chúng ở cây chanh gần phòng tôi ngủ. Mọi việc về cơm nước có chị Yến phụ giúp chúng tôi. Tiền mướn nhà, điện, điện thoại, nước (phần nước xài lố) cùng hùn nhau để trả.
Một hôm, chị Yến xem mấy tờ báo quảng cáo của các siêu thị thì thấy có các hàng rẻ, nên chị kêu Trọng đi mua gởi về Việt Nam. Tôi và Thành cũng muốn gởi về cho gia đình chút ít nên đi theo cùng Trọng. Tôi, Thành chưa biết thứ gì nên gởi về và thứ gì không giá trị, mọi việc đều nhờ chị Yến và Trọng. Họ mua thứ gì thì chúng tôi mua thứ ấy. Tất nhiên là hàng của tôi, Thành không được nhiều. Cuối cùng Trọng nói: “Thôi được rồi, để tao chở hai đứa tụi bây xuống dưới anh Hai Bảo Liên, bảo đảm cho hai đứa tụi bây mua thiếu một số vải, rồi tụi bây trả lần cho ảnh”. Hai đứa tôi đồng ý, và xuống tiệm vải Bảo Liên của anh Hải, Trọng nói với anh để bảo đảm cho anh em tôi mua thiếu một số vải để gởi về cho gia đình. Nhờ thế mà thùng quà cũng tương đối được gọi là “coi cho được”! Khi xếp các món hàng vào trong thùng, theo kinh nghiệm của Trọng cũng như nhiều người gởi trước thì phải dùng băng keo băng khắp cả thùng quà, không phải là một lớp mà có thể là hai, ba lớp dù chúng có nặng thêm một hai ký. Thà mình trả tiền thêm cho phí gởi một số tiền (mỗi kí sáu đô Úc), còn hơn là bị rọc thùng và mất đồ khi về đến Sài gòn. Trong lúc băng keo khắp thùng đồ, tôi lại tức cười nói với Trọng: “Đất nước mình sao lại khốn khổ đến thế!”.
Sau nhiều tuần học Anh Văn, khoá học cũng đến ngày chấm dứt theo học kỳ. Vào những ngày cuối cùng Bác Phương đề nghị làm một buổi tiệc ăn mừng cùng chiêu đãi Cô Helena một buổi ăn tại nhà hàng Việt Nam. Cả lớp tán đồng với đề nghị đó. Thế là mọi người hùn tiền lại để chi phí cho buổi tiệc. Hôm đó tại nhà hàng tôi ngồi kế bên cô Helena và phía bên kia là Bác Phương. Lúc đầu thì tôi cũng ngồi yên không nói như mọi khi ở trong lớp học, nhưng sau khi uống xong một ly bia thì tôi lại bắt đầu nói nhiều với cô Helena. Không biết tôi nói nhiều như thế nào, mà khi xong tiệc ra ngoài Liêm, Kim nhìn tôi cười: “Bữa nay thấy Anh nói chuyện Tiếng Anh với cô Helena khá đó chứ, vậy mà anh nói là tiếng Anh của anh tệ”. Tôi cười vã lả: “Chắc bữa nay là rượu nói chứ tao đâu có nói”. Cũng từ lúc đó về sau tôi thấy mình dạn dĩ, và tự tin hơn trong khi tiếp xúc bằng Tiếng Anh với người khác. Dù vậy, tôi luôn biết thân phận mình vì trí nhớ kém nên tôi không hề quên thường xuyên đọc những từ ngữ để chúng thâm nhập được chữ nào hay chữ đó. Quả thật sự học của tôi rất là vất vả. Điều ấy không phải đến bây giờ tôi mới biết mà từ khi còn ở bậc Tiểu học, cũng như khi lên Trung học Đệ Nhị Cấp tức là vào những lớp Đệ Nhị (lớp 11), hay Đệ Nhất (lớp 12) khi tôi phải học Ban A, tức chọn môn Vạn Vật là chính. Cho đến giờ nầy tôi vẫn không hiểu là tại sao tôi có thể lấy được bằng Tú Tài I, lẫn Tú Tài 2; điều đó chứng tỏ tôi phải bỏ công sức rất nhiều để lấy được thành quả đó! Đã thế, vào năm Đệ Nhất tôi lại gặp biến cố từ những người lính ở hai địa phương Phú Lợi vào đầu năm và ở quê mình vào cuối năm khiến cho tôi bị khủng hoảng tinh thần làm trí nhớ lại càng tồi tệ hơn cho những năm về sau. Khi ra đi dạy tôi phải tập luyện trí nhớ lại thật nhiều và trong thời gian lâu dài, giống như trường kỳ mãi cho đến ngày nay.
Sau ngày mãn khóa học, chúng tôi được nghỉ hai tuần. Ở nhà chẳng làm gì, Trọng nói tôi với Thành: “Thôi ấy tụi bây đi với tao lên núi hái cải chơi. Bây giờ còn ít thì một đứa đi tuần nầy một ngày, tuần sau đi hai ngày, thay phiên nhau. Đi làm chơi cho biết, lúc nầy trên đó ít việc nên có nhiều đứa nó bỏ, tụi bây chun vô làm được đó”.
Tôi và Thành đồng ý, thử đi làm xem cho biết ở đây làm như thế nào và cũng là để thử sức của mình xem sao, để biết rồi sau nầy mình sẽ chọn con đường mà đi. Thành làm trước hai ngày, tuần sau tôi sẽ làm hai ngày. Ngày đi làm tôi theo Trọng đi xe đến nhà anh Sáu Khánh, người quen với Trọng lái xe chở đi. Xe chở năm người ra đi từ lúc năm giờ rưởi sáng, đi lần theo những đường đèo chạy quanh co lên núi, có những khúc quanh có bảng đề số 25 km, và có đoạn chạy dọc theo mấy cái hồ nước. Cảnh ban đêm nên nhìn không rõ lắm. Đến khi trời tờ mờ sáng thì xe đã lên trên núi rồi. Xe đi qua những xóm nhà không nhiều, ống khói vẫn còn nhả khói ra từ trong lò sưởi củi từ xưa mà bây giờ người ta vẫn xài, nhưng trong thành phố người ta đã đổi qua lò sưởi điện từ lâu. Điều nầy khiến tôi nhớ lại trong những bài học Pháp hay Anh Văn, có những bài nói về những ngày Lễ Noel, hay Christmas Day có hình họa kèm theo với cây thông cùng lò sưởi. Cảnh thật là nên thơ, nhất là có vẽ thêm đứa trẻ nhỏ bò bên lò sưởi. Nhưng ngày đó chưa đến. Bây giờ chỉ là Tháng Bảy thôi!
Rồi khi xe qua những đồng cỏ rộng có những con cừu ăn cỏ. Một cảnh khiến tôi thấy thương tâm hơn là có những con cừu con, còn rất nhỏ chân đi chưa vững, màu trắng nõn rất dễ thương mà phải chịu khung trời lạnh lẽo vào mùa Đông như thế nầy để đi ăn. Tôi thắc mắc mà sao cừu lại đẻ con trong tháng nầy, thiên nhiên thật là oái oăm? Tôi nghĩ thế nhưng rồi lại nghĩ lại: Tự nhiên cũng có những thích hợp của nó, cừu đẻ con chắc tự nhiên là thế đó, tất nhiên cừu con cũng có thể đáp ứng trong điều kiện như vậy! Rồi tôi lại nhớ đến chuyện Trang Tử nói với bạn về: Con cá lội đang vui. Người kia lại hỏi là: Anh có là cá đâu mà biết cá đang vui?
Xe đến nơi, xem đồng hồ thì chúng tôi đã phải đi hon một tiếng đồng hồ. Ở đây đã có chừng khoảng 20 người rồi. Họ đang chuẩn bị để vào hái cải, ai cũng mặc bộ đồ mưa màu vàng cùng nón nhựa và mang cả đôi giày bốt. Trọng đã chuẩn bị luôn cả cho tôi rồi, đồ đó là của chủ phát. Bạn của Trọng đã nghỉ nên bộ đồ đó cho tôi và Thành mặc. Tôi hỏi cải đâu, Trọng chỉ mấy cây ở kế bên. Tôi tưởng cải là những cây giống cải bẹ xanh, hay cải để làm dưa chua, nhưng không: Cải đây là những cây giống như cây đu đủ nhưng thấp chừng hơn đầu gối chút ít, mà trái đeo đặc cũng giống như những bắp cải nhỏ xíu, Trọng nói tên nó là Brussel Sprout. Khi vào hàng Trọng làm những động tác hái cho tôi để tôi bắt chước làm theo. Tôi làm cũng không khó vì Trọng, Huynh, hay Trí Mai đến chơi cũng có nói nhiều rồi!

Nguyên Thảo,
25/02/2020.




Thursday, March 19, 2020

* Cái "Ý Thức"!



Tôi gọi “Ý Thức” là “Cái” vì thực sự ý thức rất quan trọng trong đời sống con người, nếu không nhấn mạnh nó là “Cái” thì người ta dễ quên lãng, cái quên lãng ấy sẽ gây nên nhiều phiền toái cho những người chung quanh, nhất là trong đời sống của xã hội mà mọi người đều có chung đụng, quan hệ nhau trên nhiều lĩnh vực. Ý thức cũng là khía cạnh, bình diện của Triết học mà các triết gia để tâm nghiên cứu, phân tích khi mổ xẻ về đời sống của con người!
Nếu con người sống riêng lẻ, hoặc là đến nơi “thâm sơn cùng cốc” nào đó ẩn tu thì không phải cần đến ý thức. Họ có thể tự do, thoải mái muốn làm tất cả những gì mà họ muốn. Những điều ấy không thể, nhất là trong một xã hội, lại là xã hội của loài người! Một cái xã hội được coi là “cao cấp nhất” trong mọi xã hội thú vật trên thế gian nầy, do trong xã hội ấy tất cả thành viên đều có tư tưởng, suy nghĩ, và hiểu biết!
Khác với mọi loài vật, loài người được tạo hóa ban cho một trí não biết “suy tư, suy nghĩ” như nhà bác học Pascal đã nhận định “Là cây sậy biết suy tư”, từ suy tư ấy mà loài người đã làm được nhiều điều, nhiều thành quả mà loài vật không thể làm được. Do đó mà loài người đã thống trị trên thế giới của quả đất. Không những vậy, loài người còn trao truyền những kiến thức ấy cho thế hệ sau để họ tiếp tục phát huy các thành quả tiến bộ hơn. Theo như vậy, loài người quả là “ưu việt” trong tất cả mọi loài. Để minh chứng điều ấy ta quan sát vào các công trình hiện diện trên mặt đất hay kết quả của khoa học, kỹ thuật, tin học, y học, cơ khí… hiện nay thì chúng ta sẽ thấy rõ điều ấy.
Thế nhưng, con người cũng là những sinh vật, nó luôn tiềm ẩn trong mình những cái “bản năng” của cá nhân, cái ‘bản năng” hoang dã vẫn hiện hữu khi cần thiết hay gặp những hoàn cảnh “thúc ép” thì bản năng ấy hiện ra. Đó là bản năng “Tranh đấu để sinh tồn”! Một khi bản năng ấy xuất hiện thì nó lại “khủng khiếp” hơn đối với các loài vật khác! Cũng may con người còn có những tôn giáo để kìm hãm chúng lại và đưa thế giới nầy trở lại sự êm thấm và chịu đựng để không phải phạm tội, sống đời thiện lành! Và có điều quan trọng hơn cả: Đó là sự giáo dục!
Con người còn có cái bản năng khác hay cái tính tình khó ưa mà trong bất cứ hoàn cảnh nào và ở đâu cũng đều có là “thích ngồi không” hay “không làm” để lấy công của người khác mà thụ hưởng. Chắc cũng chính từ “bản năng” ấy mà sự “đóng góp cùng nhau” về lương thực kiếm được trong xã hội nguyên thủy không còn nữa, để tiến lên sự tan rã của xã hội nguyên thủy, đi đến giai đoạn cá nhân tách rời và biến thành “chiếm hữu”. Đó cũng chính là cái “Ý thức tập thể” không có được ở từng con người! “Ý thức về riêng mình” hay gọi đúng hơn là “sự ích kỷ” lúc nào cũng chỉ biết “có mình” chứ “không nhìn về người khác” nầy luôn tiềm tàng nơi mỗi cá nhân, nó chỉ chờ cơ hội để bộc phát lên mà thôi! Cái “Ý thức” ấy được nêu rõ trong môn “Duy thức học” của Triết lý Đạo Phật, nó chính là cái Thức Thứ Bảy hay là Mạt Na Thức mà điển hình là hình ảnh của Trư Bát Giới trong truyện Tây Du Ký. Trư Bát Giới chỉ thích ăn, ngủ, ham dục lạc, chỉ biết mình chứ không lo cho người khác… “Con heo lòng” nầy gây ra nhiều tội lỗi, tạo nên nghiệp sâu nặng của từng cuộc đời mà người ta phải trả quả. Cũng do từ “ý thức” cá nhân như thế mà những quan chức đã từng lấy “công quỹ”, “của công” để làm của riêng. Họ tiêu xài, ăn cắp tài, vật của nhà nước, chính phủ để đem về thụ hưởng cho cá nhân và gia đình, chứ không nghĩ tài vật ấy là của người dân, từ tiền đóng thuế của biết bao nhiêu người đi làm. Thậm chí họ còn dùng quyền lực để “cưỡng bức” người dân phải hối lộ cho họ để họ có thêm nhiều tiền sống cuộc đời xa hoa, phung phí. Họ “đục khoét” ngân sách mà nước ngoài viện trợ, thay vì xây dựng đất nước. Món nợ ấy khiến những thế hệ con cháu sau nầy phải “nai lưng” ra làm mà trả! Nhưng thói đời người ta không nghĩ đến tài sản của đất nước là do người dân chung sức góp vào qua tiền đóng thuế, mà cứ nghĩ là của nhà nước, chính phủ nên họ không cần phải ăn năn, áy náy khi họ “vô tư” cắt xén, tham nhũng, ăn cắp! Còn người dân thì sao? Với tư tưởng “muốn không làm mà có” họ sinh ra trộm cắp, ăn cướp, cướp của giết người, gây đau khổ cho người khác!
Để giảm bớt tình trạng ấy trong xã hội, người ta đã nghĩ đến một tôn giáo, hay các tôn giáo góp phần vào sự giáo dục thiện lành để con người sống hiền hòa trong các tập thể và biết nghĩ đến người khác. Nhất là các chương trình giáo dục con người và người dân trong trường học cũng như trên các phương tiện truyền thông rất ích lợi cho người dân trong nước cũng như trong xã hội loài người. Các nội dung về “giữ vệ sinh chung” nơi công cộng, cũng như quán ăn… khiến mọi người có ý thức hơn. Nếu chúng ta đi vào một quán ăn mà trên sàn nhà nhiều giấy rác, hay khạc nhổ bừa bãi thì món ăn dù có ngon cách mấy ta cũng thấy đáng sợ. Hai bên đường phố sạch sẽ không rác rến cũng hấp dẫn cảm quan người đi qua hoặc tham quan. Nhìn vào địa phương nào đó mà ta thấy sự sạch sẽ, gọn gàng ta có thể đánh giá được nếp sống của người dân tại địa phương, hay trách nhiệm của giới lãnh đạo, hoặc kết quả của đường lối giáo dục ở địa phương ấy. Nếu nhìn từ địa phương, mà nhân ra đến phạm vi quốc gia thì ta sẽ thấy rõ được sự sống của người dân lẫn sự điều hành của giới cầm quyền cũng như công tác giáo dục ở quốc gia đó như thế nào! Sự ý thức nhiều hay ít là do từ từng cá nhân, nhưng nếu nó được giáo dục trường kỳ từ đời nầy sang đời khác, từ trong trường học ngay lúc còn nhỏ cho đến lúc lớn thì ý thức cũng được “trở thành những phản xạ tự nhiên” tốt. Đó là chưa nói đến sự cộng tác của các phương tiện truyền thông. Giống như trước kia ta không biết lái xe, sau khi học lái, thi lấy bằng, rồi lái mãi ta cũng sẽ quen về luật cũng như cách lái và các hành động ấy trở thành một “phản xạ tự nhiên” lúc nào ta cũng chẳng hay!
Cái “Ý thức” đôi khi nó phải đi với những hình phạt: Giả sử như muốn tránh nạn xả rác bừa bãi nơi công cộng, quán ăn thì ta sử dụng cách giáo dục trước bằng những thông báo, yêu cầu trong một thời gian nào đó. Sau thời gian đó ta xử phạt những ai vi phạm với hình thức nhẹ. Rồi sau đó sự phạt vạ càng ngày càng nặng hơn thì tự nhiên người dân sẽ có “ý thức” về rác rến. Cũng thế ta có thể tiến hơn về nhiều phương diện như uống rượu, lái xe, gây rối trật tự công cộng, v..v..  cùng nhiều phương diện khác.
Nhân đọc tin tức về chuyện “NCoV- Vũ Hán 19” thấy người ta chửi, comment nhiều về “cô nàng con gái nhà giàu” của bệnh nhân 17 là thiếu “ý thức cộng đồng” đi chơi rồi đem bệnh về lây truyền, làm khổ cho nhiều người (mấy trăm người trên máy bay, nhân viên bệnh viện, mấy trăm người đang điều trị ở bệnh viện và khu phố, lây cho bệnh nhân 21, rồi bệnh nhân 21 kéo theo nhiều viên chức khác) tôi thấy cũng hơi chạnh lòng! Ý thức nó không phải ở chỗ giàu hay nghèo, mà ở chỗ từng cá nhân do sự hiểu biết và “nghĩ” đến mọi người hay không? Có người trở thành “Tỉ phú” mà họ chỉ lo thụ hưởng “làm nổi”, “chơi nổi” thì cũng chẳng ích gì, làm sao so sánh được với “Tỉ phú Bill Gate” khi vừa tin có dịch ông ta bỏ ra hàng chục triệu đô la để giúp nhân loại chống dịch: Tỉ phú như vậy mới đúng là “Tỉ phú” từ “Thực tế cho đến Tâm hồn” đáng làm gương mẫu cho nhiều Tỉ phú, cũng như các Nhà Giàu khác nên học hỏi và sống ở đời! Nhất là những Nhà Giàu của nước ta.
Bởi thế, ý thức không phải dễ dàng mà có được!

Đồ Ngông,
20/03/2020.




Monday, March 16, 2020

*Đi Nga. (6)



Chúng tôi về đến khách sạn vào khoảng hơn bốn giờ rưởi, sẵn ghé vào cửa hàng bán đồ lưu niệm thì thấy giá cả Búp bê Matryoshka tương đối rẻ hơn ở ngoài khu Arbat nên mua vài con đem về cho mấy đứa cháu. Xong phải lên phòng tắm rửa để đi đến phòng ăn cho bữa ăn chiều. Mọi việc khá vội vàng vì tối nay còn phải đi xem xiếc nữa.
Thời gian di chuyển từ khách sạn đến rạp hát của đoàn xiếc Nga không nhiều vì rạp cũng gần khách sạn, nhưng vì chưa đến giờ nên chúng tôi ở bên ngoài để chờ giờ mở cửa. Chỉ tội nghiệp cho chúng tôi khi cần đi tìm toilet. Đối với đàn bà thì dễ hơn vì đa số nhà vệ sinh đều dành cho mấy bà, còn đàn ông chúng tôi phải đi gần nửa vòng của rạp mới có. Vì thế khi tôi và anh Thới về đến cửa thì cửa đã mở cho người vào rồi, khiến Bernard phải đứng bên ngoài đợi hai chúng tôi. Lúc mới đầu nhìn vào cách ăn mặc tôi cứ tưởng đoàn xiếc nầy là của Ấn Độ hay của quốc gia Trung Đông nào đó. Hồi lâu mới nhớ lại là mình được xem đoàn xiếc của Nga: Thì ra cách ăn mặc có nhiều điểm tương đồng mà tôi chưa nhận ra được! Thật là dở tệ!
"Xiếc" Nga.

Chương trình kéo dài cỡ hai tiếng đồng hồ với những chương trình qui mô, nhiều diễn viên, nhưng không vì thế mà chậm chạp khi chuyển mục. Họ làm rất gọn gàng, nhanh nhẹn. Sự biểu diễn không những ở trên cao mà còn luôn cả ngoài sân khấu. Công nhận sự sắp xếp thật khéo léo. Tính ra họ không những thành công trong biểu diễn mà còn về cả kỹ thuật. Đúng là xiếc Nga có tiếng cũng là phải thôi!
Xong, ra ngoài rạp trời hơi gió nhiều nên lạnh khiến chúng tôi phải chạy nhanh ra xe buýt và về đến khách sạn cũng gần 10 giờ. Dù là vậy nhưng không dám ngủ liền vì ngày mai chúng tôi phải dậy sớm để di chuyển ra ga xe lửa tốc hành đi sang Peterbourg, nên phải lo chuẩn bị sắp xếp đồ đạc vào trong vali sẵn sàng cho sáng hôm sau. Và rồi mệt quá, chúng tôi chìm vào trong giấc ngủ không lâu do đồng hồ báo thức từ trong điện thoại di động!
Tập họp ở sảnh của phòng tiếp tân trước 5 giờ, mọi người còn có vẻ say ngủ và nhận lấy phần ăn sáng của mình từ nhà hàng của khách sạn mang theo. Khi xe buýt đến, cả nhóm kéo hành lý chuyển ra ngoài và phụ tài xế chất lên xe để di chuyển ra nhà ga của xe lửa tốc hành. Lúc ấy cũng đã hơn 5 giờ 15. Xe đưa chúng tôi đi trong thành phố, chúng tôi chỉ nhìn qua màn sương sớm cái nét đặc biệt của Nga với nhiều nóc tòa nhà dựng cao lên như những ngọn tháp thường có ngôi sao ở trên chóp. 
Kiến trúc Nga.

Xe buýt dần đến nhà ga, nhưng trên các con đường ở gần đã đầy các xe khác nên tài xế phải đi kiếm chỗ đậu. Mãi đến gần 6 giờ mới có chỗ. Lấy hành lý và kéo đến nơi trạm xe lửa là 6 giờ 10. Sau đó, mỗi người nhận được một cái vé xe từ Bà người Nga Hướng Dẫn để biết cái ghế ngồi của mình. Theo lịch trình thì xe lửa sẽ khởi hành vào lúc 6 giờ 50 và đến St. Peterbourg vào lúc 10 giờ 45, như vậy chúng tôi ở trên xe gần bốn tiếng đồng hồ!

Một hồi lâu thì có những người có nhiệm vụ chuyển hành lý cho chúng tôi đến. Họ chất các vali trên hai chiếc xe đẩy tay kiểu giống như những xe cútkít rất lớn. Công nhận họ mạnh thiệt! Bao nhiêu hành lý đó mà họ chỉ chất đầy trên hai xe. Xong họ chuyển đi mà tôi nghỉ là họ chuyển đến các toa dành riêng cho hành lý.
Tại ga xe lửa tốc hành.
Đến giờ lên xe lửa, chúng tôi lên một toa mà hầu hết là chỉ có người trong đoàn chúng tôi thôi, nên cũng thoải mái. Mình nói chuyện không phải rầy rà đến người khác. Sự sắp xếp ghế trong toa cũng hay hay. Các hàng ghế được quay mặt về chính giữa toa. Ngay chính giữa là một bàn nhỏ cho hai hàng ghế đâu mặt, một bên là hai người, chính giữa là đường đi. Vợ chồng tôi đâu mặt với vợ chồng anh Thới. Bên kia là vợ chồng Nghi, Dung đâu mặt với cặp vợ chồng trẻ cũng ở Melbourne mà tôi không biết tên.
Xe rời ga bắt đầu đi dần ra ngoại ô, tất nhiên là chúng tôi chỉ nhìn thấy ở hai bên đường rầy xe lửa mà thôi. Lúc đầu nhiều người còn vang tiếng, nhưng sau đó thì vắng dần, chắc họ mệt mỏi vì hồi hôm đã về trễ rồi còn thức khuya, sáng lại dậy sớm, nên sau khi ăn phần ăn sáng của mình xong nhiều người chìm vào giấc ngủ ngắn ban ngày. Tôi thì lại thích nhìn cảnh đồng quê nên thường xuyên nhìn cảnh hai bên đường, nhất là ở đất Nga nầy nữa, rồi lại bàn luận với anh Thới, có thêm phần góp ý của Nghi. Nghi là dân ngoài Bắc, sau 75 mới vào Nam, rồi sau đó đi vượt biên. Tôi cố nhìn để tìm hiểu, suy luận về cái nông thôn, xã hội của nơi được xem là “cái nôi của các cuộc Cách Mạng Xã Hội Chủ Nghĩa” như thế nào, nhất là trong mấy ngày nay cũng nhìn thấy và nghe từ Bà Hướng Dẫn người Nga cung cấp được vài thông tin. Tôi và anh Thới bàn luận về nhiều điều, chắc có những điều chưa chính xác hay chưa thực tế lắm thì Nghi đóng góp ý kiến vào, vì vậy mà cuộc tham khảo lại được tỏ rõ hơn. Tất nhiên từ đó bàn tôi vang tiếng khá nhiều, nhất là đối với tôi là người hay thắc mắc: Vừa thắc mắc khung cảnh hiện tại ở Nga, vừa tham khảo Nghi về quá khứ Xã Hội Chủ Nghĩa trên đất Bắc.
Tôi thắc mắc về Chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa không phải vì tôi là người nghiên cứu về chế độ ấy, mà cũng chẳng là kẻ phân tích lý thuyết hay thực hành của chế độ đó:  Do điều đơn giản là trình độ của tôi không đủ để làm công việc ấy, tôi chỉ là một đứa “học trò tò mò” thế thôi!
Ngày xưa, khi còn học trong nhà trường tôi cũng có học về các chế độ trên thế giới một cách tổng quát qua giờ Công Dân Giáo Dục, nhưng thuở đó học thì học chứ chưa biết chính trị là như thế nào; rồi qua các sách báo về sau, nhất là những tờ báo viết về “khuynh hướng xã hội” như các ông Nam Đình trên tờ Thần Chung, Trần Tấn Quốc trên tờ Đuốc Nhà Nam tôi cũng khá thích. Rồi sau đó có một lúc thằng bạn học của tôi là Nguyễn Văn Huệ xin đâu được quyển sách từ Trung Tâm Văn Hóa Mỹ nói về Liên Xô, tất nhiên bằng tiếng Anh. Tôi không hiểu, nhưng nhìn sơ qua thì tôi thấy cái biểu đồ kinh tế của Xô Viết qua vài thời kỳ: Trong thời kỳ gọi là “Bần cùng hóa nhân dân” thì thấy kinh tế xuống rất thấp. Sau đó biểu đồ kinh tế lại tăng vọt từng năm rất cao. Tôi cứ nghĩ là chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa chắc là hay, nhưng tôi vẫn thắc mắc là: Tại sao người dân từ chế độ Cộng Sản đào tỵ sang các nước Tự Do chứ không có từ Tự Do đào tỵ sang các nước Cộng Sản, tại sao thế? Rồi trong Mùa Hè đỏ lửa năm 1972 có một anh từ Lộc Ninh (vùng Giải Phóng) phải đón xe ôm băng rừng để trốn về trạm Tiếp Cư Gò Đậu. Anh kể đến chuyện phải đăng ký trâu, bò, gà nuôi trong nhà… và vài chuyện khác, chẳng ai tin chuyện như vậy cả. Thế rồi sau ngày 30/ 04 người ta mới “bật ngữa” ra. Mọi điều “thực hiện” khiến người ta không thể tưởng tượng ra nỗi!
Sau thời gian dài đất nước trong chiến tranh, tiêu hao về nhân mạng cũng như về tài sản thật nhiều, người dân luôn mong muốn có hòa bình để có thể sống cuộc đời yên vui, no ấm; để xây dựng lại đất nước giàu đẹp hơn. Sự trông chờ đó đến ngày 30/ 04 đã được hiện thực, nhưng nó không phải như trong bài hát “Một mai giã từ vũ khí” của Trịnh Lâm Ngân ước mơ:
“Trả súng đạn này, khi sạch nợ sông núi rồi
Anh trở về quê, trở về quê tìm tuổi thơ mất năm nao
Vui cùng ruộng nương, cùng đàn trâu
với cây đa khóm trúc hàng cau,
với con đê có chiếc cầu tre
đã bao năm vắng chân anh nên trở thành hoang phế rong rêu”…
Hay:
“Để có một ngày, có một ngày cho chúng mình
Ta gặp lại ta, còn vòng tay mở rộng thương mến bao la
Chuông chùa làng xa chiều lại vang
Bếp ai lên khói ấm tình thương
Bát cơm rau thắm mối tình quê
Có con trâu, có nương dâu
Thiên đường này mơ ước bao lâu”.
Mà những kế hoạch được vạch ra là những cái mà người dân không hề nghĩ tới được. Đầu tiên là giới quân nhân, viên chức của chế độ cũ ra trình diện và đi học tập. Tùy theo ngành, chức vụ mà định đoạt giữ lại hay loại ra, học dài hạn hay ngắn hạn, ở gần hay ở xa. Tất cả sách báo cũ phải bị tịch thu, hủy bỏ hay đốt đi vì nó là “tàn dư của chế độ cũ”; và mọi người ai cũng phải vào trong các đoàn thể để học tập chính trị, đào tạo theo tư tưởng mới kể cả các em còn nhỏ trong Mẫu giáo hay Tiểu học. Rồi tiếp theo là “Cải tạo công thương nghiệp” các hàng quán, tiệm bán phải đình chỉ và kiểm kê; xe cộ trưng dụng nộp vào “giao thông vận tải”.  Xăng dầu, chất đốt không được bán ra đợi nhà nước cung cấp, bán theo hệ thống quốc doanh, khiến mọi điều, sinh hoạt trong xã hội phải thay đổi. Người dân thiếu thốn mọi bề, sanh ra trộm cướp, đói kém tràn lan. Rồi người ta vì sự sống của mình, của gia đình phải đi buôn lậu, phải sanh ra nhiều tệ nạn trong xã hội. Những buổi họp ở xã ấp người dân nhàm chán không đi đến nữa, họ trở nên “lì lợm” nhưng “không dám phản kháng” vì nguy hiểm cho mình, lý lịch mình sẽ ảnh hưởng đến con cháu về sau nên họ trở nên: “Nhà Nước nói gì kệ Nhà Nước, mình làm gì cứ làm, miễn đừng phạm tội là được rồi!”. Từ đó sự tiêu cực từ trong dân chúng đã được mở rộng vì: “Dễ trăm lần, không dân cũng chịu, Khó vạn lần dân liệu cũng xong”! Các nhà máy, hãng xưởng do nhà nước quản lý dần không còn nguyên liệu, hàng hóa trong Thương nghiệp trở nên khan hiếm. Người nông dân phản đối vào Hợp Tác Xã trở nên quyết liệt vì phải nộp đất và mất quyền tư hữu, rồi cùng làm chung trong tập thể chấm theo giờ công, họ bất hợp tác. Mùa màng thất bát vì nạn sâu rầy do thiếu thuốc để chống lại. Với chính sách kiểm soát bằng hộ khẩu khiến mọi sự đi lại trở nên khó khăn… Lúc đó, tôi nghe nói đến “Tinh Thần Lạc Quan Cách Mạng”, nhưng tôi thấy tinh thần ấy thật là mong manh, tôi cũng vẫn thử để xem về sau sẽ thế nào, và sẽ kéo dài đến bao lâu? Còn nhiều vấn đề nữa, nhưng đại khái tình hình là như vậy! Lúc đó tôi nghĩ: “Không biết Liên Xô ngày xưa tiến hành cuộc Cách Mạng Xã Hội Chủ Nghĩa như thế nào chứ như tôi đã chứng kiến cũng như đã thấy thì khổ cho nhân dân quá! Nhà nước không đem sự sung sướng, của cải phong phú đến cho dân như trong lý thuyết, trong cái nói, tuyên truyền, mà chỉ gây bao nhiêu thiếu thốn, cùng cực tới mức độ thế ấy!”. Mấy ngày nay tôi được chiêm nghiệm về đất nước Liên Xô xưa cũ và nghe được phần nào về thể chế ấy! Sau nầy mới biết cuộc xây dựng Xã Hội Chủ Nghĩa ở Kampuchia nữa mới là độc đáo, thực là “độc nhất vô nhị” trên thế giới: Tự đày đọa, giết chết dân mình một cách “tàn ác, vô lương tâm, vô tội vạ” để xây dựng một chế độ Cộng Sản “diệt chủng”! Rồi tôi lại nhớ về câu nói của anh bạn tôi: “Giới trí thức rất dễ thâm nhập lý thuyết Karl Marx, nhưng lại là những người dễ bất mãn sớm nhứt”. Lúc trước khi nghe câu nói đó tôi khá ngạc nhiên vì ý tưởng trái chiều của nó, nhưng sau nầy tôi mới hiểu được rằng: Giới trí thức hiểu và tưởng tượng ra được nhanh cái con đường Karl Marx vạch ra, nhưng khi họ thấy sự thực hiện cái đường lối như thế đó, họ sẽ bất mãn ngay, thì câu nói của ông bạn tôi hay anh ta lập lại câu nói của người khác thì cũng là điều đúng, đó thôi!

Nguyên Thảo,
16/02/2020.




Friday, March 13, 2020

*Con Nhà Giàu! (Rich-Kids)



Đổ ra, mới biết con nhà giàu
Tiền tiêu như nước chẳng xót đau
Thụ hưởng tha hồ như vua chúa
Vung vãi, bung thùa, địa vị cao!

Đi tới, đi lui, khắp các nơi
Thời trang, ẩm thực, “mốt ăn chơi”
Tha hồ đốt của qua khe cửa
Lại ẵm “Cô Vy” (NCoV-19) đến cho đời!

Gieo khổ bao người trong khó khăn
Cách ly thiên hạ số hàng trăm
Một người sung sướng, nhiều người chịu
Đất nước thế này, ai hiểu chăng?

Đồ Ngông,
13/03/2020.




Sunday, March 8, 2020

*Em Là...!



Em là một đóa "hồng nhung"
Đóa hồng đài các, vui cùng thế gian
Em đi tha thướt mây ngàn
Ruổi dong mọi chốn, thỏa niềm ước mơ!
Người đời thổn thức muối dưa
Âm thầm phải chịu những điều đớn đau
Trải qua một cuộc bể dâu
Đời sao lại lắm nỗi sầu rắc gieo
Loạn ly khắc khoải tâm hồn
Chưa vui, thêm lại lo buồn tiếp theo!

Đồ Ngông,
09/03/2020.




Saturday, March 7, 2020

*Truy Cứu Về "Niết Bàn"!



Trong Đạo Phật, Niết Bàn là vấn đề được người ta thắc mắc nhiều nhất: Không biết nó có thực không? Niết Bàn ở nơi đâu trong vũ trụ nầy? Niết bàn cũng là cứu cánh của những người tu theo Đạo Phật sau khi thành đạo, thế mà người ta vẫn còn nhiều mù mờ về vấn đề nầy! Do đó “Niết Bàn” trở thành đề tài tốn hao nhiều giấy mực lẫn nghiên cứu cho nhiều người tu theo Đạo lẫn các học giả. Có người cho rằng Niết Bàn đồng nghĩa với Hư Vô, với Vô Ngã; có quan niệm cho Niết Bàn chỉ là Khái Niệm; hay Niết Bàn là trạng thái Vắng Lặng mà văn tự không thể diễn tả được, vượt ra ngoài phạm vi luận lý. Đôi khi người ta lấy luận lý, văn phong, ngôn từ khó hiểu, cầu kỳ, gút mắc của Triết học để giải thích về Niết Bàn khiến vấn đề Niết Bàn lại càng khó hiểu hơn!
Vậy Niết Bàn là gì? Theo thiển ý của chúng tôi thì ngay trong câu nói: “Đức Phật nhập Niết Bàn” nó đã hàm chứa câu trả lời cho chúng ta rồi! Tức “Niết Bàn” là “Cõi Phật” và chỉ là “Cõi Phật” không sai khác! Tuy nhiên, trước khi Quý vị và chúng tôi đi vào sự “truy cứu” về Niết Bàn, Quý vị cho chúng tôi quay về câu chuyện “Rùa Và Cá” được ghi lại trong quyển: Đức Phật Và Phật Pháp của Đại Đức Narada Maha Thera, do Phạm Kim Khánh dịch ra Việt Ngữ:

“Thuở xưa có một con cá. Cá chỉ biết trong nước và không biết gì ngoại trừ nước. Một hôm, cá mải mê bơi lội trong ao đầm quen thuộc như mọi hôm thì gặp lại chị Rùa. Hỏi ra thì hèn lâu rùa đi dạo trên đất liền. Cá hỏi: "Chào chị rùa, chị đi đâu mà hèn lâu tôi không gặp?"
- Này chị cá, chào chị. Hôm rày tôi đi một vòng lên trên đất khô. Rùa trả lời.
- Đất khô à! Cá lấy làm ngạc nhiên. Chị nói đất khô, vậy đất khô là gì? Đất làm sao khô được? Tôi chưa bao giờ thấy cái gì mà khô. Đất khô chắc là không có gì hết.
Bẩm tánh ôn hòa, Rùa nhỏ nhẹ đáp:
- Được, tốt lắm, nếu chị muốn nghĩ như vậy cũng tốt. Không ai ngăn cản chị đâu. Tuy nhiên, chỗ mà tôi đi mấy hôm rày đất khô thật.
- Nầy chị rùa, đâu chị nói rõ lại coi. Đất khô mà chị nói ra làm sao, giống như cái gì? Nó có ẩm ướt không?
- Không, đất khô không ẩm ướt.
- Đất khô có mát mẻ và êm dịu, dễ chịu không?
- Không, đất khô không mát mẻ và êm dịu dễ chịu.
- Đất khô trong suốt và ánh sáng rọi xuyên qua được không?
- Không, đất khô không trong suốt và ánh sáng không rọi xuyên qua được.
- Đất khô có mềm mại và dịu dàng để mình bơi lội trong ấy không?
- Không, đất khô không mềm mại dịu dàng, và mình không thể bơi lội trong lòng đất.
- Đất có di chuyển và trôi chảy thành dòng không?
- Không, đất không di chuyển và trôi chảy thành dòng.
- Đất có nổi sóng và tan ra thành bọt không?
Cá rất bực mình với loạt câu trả lời "không, không, ..." của rùa.
- Không, đất không nổi sóng. Rùa thành thật trả lời.
Cá bỗng nhiên lộ vẻ hân hoan của người đắc thắng và vang lên:
- Thấy chưa, thật quả như tôi đã nói chớ gì nữa! Tôi đã bảo rằng đất khô của chị là hư vô, không có gì hết. Tôi hỏi và chị đã xác nhận rằng đất khô và không ẩm ướt, không mát mẻ, không êm dịu và không trong suốt, và ánh sáng không rọi xuyên qua được, không mềm mại và dễ chịu để mình có thể bơi lội trong ấy, đất cũng không di chuyển và trôi thành dòng, cũng không nổi sóng và cũng không tan rã thành bọt. Không phải gì hết thì có phải là hư vô không?
Rùa đáp:
- Được, tốt lắm. Nầy chị cá, nếu chị quả quyết rằng đất là hư vô, không có gì hết, thì chị cứ tiếp tục nghĩ như thế. Thật ra, người nào đã biết nước và đất liền rồi sẽ nói rằng chị chỉ là con cá dại dột, vì chị quả quyết rằng cái gì mà chị không biết là không có gì hết, hư vô. Nói là hư vô bởi vì chị không bao giờ biết.
Đến đây, rùa bỏ cá ở lại một mình với ao đầm nhỏ bé, quay đầu lội đi và suy tưởng đến một cuộc viễn du khác trên đất khô, nơi mà cá tưởng tượng là hư vô...
Câu chuyện lý thú nầy ngụ ý tuy rằng đã có sống trong nước và trên khô, rùa không giải thích cho cá bản chất thật sự của đất vì cá chỉ biết nước mà cá cũng không thể nhận thức được thế nào là đất liền, vì chỉ biết có nước thôi. Cũng thế ấy, tuy chư vị A La Hán đã từng biết thế nào là thời gian và trạng thái siêu thế là sao, nhưng các ngài không thể dùng ngôn ngữ của thế gian để mô tả trạng thái siêu thế mà người tại thế cũng không thể nhận thức trạng thái siêu thế là sao, bằng sự hiểu biết của thế gian.
Niết Bàn là hư vô, tức nhiên Niết Bàn phải trùng hợp với không gian (akasa). Cả hai, Niết Bàn và không gian, đều vĩnh cửu và không biến đổiKhông gian là vĩnh cửu vì nó là hư vô. Thật ra, Niết Bàn ở ngoài không gian và thời gian. Về sự khác biệt không gian và Niết Bàn ta có thể tóm tắt rằng, không gian là Không, nhưng Niết Bàn là Có.
Khi đề cập đến những cảnh giới khác nhau mà chúng sanh có thể sanh vào, Đức Phật có nhắc đến cảnh "Vô Sở Hữu Xứ" (akincannayatana), cảnh giới có quan niệm về hư không.
Niết Bàn là một Đạo Quả. Có thể chứng ngộ Niết Bàn như một đối tượng tinh thần (vatthudhamma). Sự kiện nầy rõ ràng chứng tỏ rằng Niết Bàn không phải là một trạng thái hư vô. Nếu Niết Bàn là hư vôĐức Phật đã không mô tả bằng những danh từ như "Vô Tận"(Ananta), "Bất Tùy Thể" (Asamkhata), "Vô Song" (Anupameya), "Tối Thượng" (Anuttara), "Tối Cao" (Para), "Vượt Ra Ngoài" (Pàra), "Chỗ Nương Tựa Tối Thượng" (Paràyana), "Châu Toàn" (Tana), "An Toàn" (Khema), "Hạnh Phúc" (Siva), "Duy Nhất" (Kevala), "Bất Khả Diệt" (Akkhara), "Tuyệt Đối Trong Sạch" (Visuddha), "Siêu Thế" (Lokuttara), "Vĩnh Cửu" (Amata), "Giải Thoát" (Mutti),"Vắng Lặng" (Santi) v.v...”

Đó là đoạn văn chúng tôi đã trích ra từ quyển “Đức Phật Và Phật Pháp” để chúng ta có thể hiểu theo câu chuyện về Niết Bàn. Nếu chúng tôi nhớ không lầm có lần đi nghe thuyết pháp thì vị Hòa thượng có đề cập đến lúc Đức Phật mới thành đạo Ngài thuyết về Kinh Hoa Nghiêm. Nhưng khi thuyết về Kinh đó khiến Trời, Người đều ngơ ngác, không hiểu gì cả: Cho nên về sau Đức Phật mới giảng những Kinh khác từ thấp đến cao để cho chúng sinh hiểu, lĩnh hội được mà tu hành. Mỗi Kinh đều tùy theo căn cơ nhận thức, hiểu biết của từng chúng sinh mà từ đó tiến lên để tu.
Thực vậy, Đức Phật đã Thiền Định và đạt được kết quả tận cùng của Thiền, để rồi sau đó “nói đến” những cái tột cùng đó, tức là sự “Chứng Ngộ” và “Nhận Biết” thì chúng sinh không hiểu là phải: Vì điều đơn giản là chúng sinh vẫn chưa biết gì nhiều về Thiền. Giống như khi chúng ta lên được một ngọn tháp cao nào đó nhìn thấy cái cảnh đẹp đẽ, sáng chói, rạng rỡ chung quanh; để rồi chúng ta đến một nơi khác diễn tả lại cái cảnh đẹp ấy cho nhiều người. Tất nhiên người ta sẽ không tin, vì họ chưa biết, chưa thấy và ngay cả ngọn tháp ấy họ cũng chưa biết là có hay không, hoặc là ở đâu? Điều ấy không phải là lạ, giống như con cá nó chưa hề ra khỏi mặt nước để nhìn thấy đất khô. Vì thế mà Đức Phật đã phải bỏ ra hơn 40 năm để đi rao giảng cho chúng sinh biết để có nhận thức mà cố gắng vượt thoát ra vòng “Luân hồi sinh tử” đầy khổ đau theo con đường Ngài hướng dẫn.
Quay trở lại vấn đề “Truy cứu”, có lẽ chúng ta nên để ý đến câu nói của A-Nan sau khi được Đức Phật giảng giải: Nếu mỗi người đều lấy cái Vọng Tâm mà tu hành thì không thể thành đạo được:

“Không ngờ ai tu nấy chứng, không thể thay thế cho nhau được” (Kinh Lăng Nghiêm, Phật học Phổ thông, tập 6,7, H.T Thích thiện Hoa, trang 36).

Và cũng cùng một ý như thế trong Kinh Địa Tạng đã có đoạn sau:


“Nghiệp lực rất lớn, có thể sánh với núi Tu Di, có thể sâu dường biển cả, có thể ngăn đạo thánh.
Vì thế chúng sanh chớ khinh điều quấy nhỏ mà cho là không tội, sau khi chết đều có quả báo dầu đến mảy mún đều phải chịu lấy.
Chí thân như cha với con, mỗi người cũng theo nghiệp của mình mà đi khác đường, dầu cho có gặp nhau cũng chẳng bằng lòng chịu khổ thay nhau”.   (Kinh Địa Tạng, H.T Thích Trí Tịnh, Chùa Pháp Bảo – Sydney ấn tống 1994, trang 81)

Theo như vậy, chúng ta đã thấy rõ ràng là những ai tu để dứt nghiệp thì “chỉ người đó mới thành đạo”, người nào gây nên tội ác thì “chỉ họ phải gánh chịu hậu quả chứ không ai thay thế cho ai”, cũng như “không ai có thể cứu” cho họ, mà chỉ có thể giúp họ phương pháp, cách thức, nâng đỡ để họ tự tháo gỡ “nghiệp chướng” của họ gây ra mà thôi!
Nhưng khi đối với một người nào đó biết tu hành, tháo gỡ mọi nghiệp chướng của mình: Với quá khứ đã tròn “trả quả”, đối với hiện tại “không tạo thêm nhân” (không phải Tái sinh nữa để trả quả) thì người đó sẽ thành Bậc Giác Ngộ, và thoát khỏi vòng Luân Hồi. Trong hiện tiền họ vẫn còn sống, thì họ được “Ung Dung Tự Tại, Không Phiền Não” trong cuộc sống thì họ đã vào trong Trạng Thái của “Hữu Dư Y Niết Bàn”. Còn khi họ chết họ sẽ vào “Vô Dư Y Niết Bàn”.

Vậy Niết Bàn ở đâu? Và Bản Chất của Niết Bàn là gì?
Thực ra trong Kinh Lăng Nghiêm, Đức Phật có đề cập đến rất nhiều về Niết Bàn, và Niết Bàn ở đâu, nhưng vì chúng ta “chưa thấu hiểu” được thôi! Nay tôi mạo muội dẫn chứng cùng Quý vị vài chỗ “xem chừng ra” chúng ta có thể thấy được chút nào chăng!
Những phần, câu, hay đoạn của Kinh Lăng Nghiêm mà chúng tôi trích dẫn ra đây đều từ quyển Phật Học Phổ Thông, Khóa 6,7 của Hòa thượng Thích Thiện Hoa, do Thành Hội Phật Giáo Hồ chí Minh ấn hành năm 1997 (Phật Lịch 2541), vì thế mà chúng tôi chỉ ghi số trang mà thôi!

Có lẽ trước hết chúng ta nên chú ý đến lời giảng của Đức Phật sau đây:

“Phật dạy: Ông nay muốn đặng đạo Vô Thượng Bồ Đề, thì điều cần nhứt là phải hiểu rõ hai món căn bản:
-1 căn bản của sanh tử luân hồi là Vọng Tâm.
-1 căn bản của Bồ Đề, Niết Bàn là Chơn Tâm.

Rồi sau đó Đức Phật đã giảng giải nhiều về Vọng Tâm, Chơn Tâm. Và trong đoạn sau:

“Các ông nên biết: Đất, nước, gió, lửa, hư không, cái thấy, và thức tâm gọi chung là 7 đại, tánh của nó đều là Chơn Tâm viên mãn khắp giáp tất cả, vốn không sanh diệt. Các ông vì mê muội nên không biết”.                   (Trang 110)

Hay:

“Tất cả các cảnh vật sum la vạn tượng trong thế gian nầy, đều ở trong Chơn Tâm; Chơn Tâm bao trùm khắp giáp cả mười phương thế giới”.    (Trang 111)

Vậy Chơn Tâm là gì?

“Chơn Tâm nhiệm mầu, vắng lặng mà thường sáng suốt chiếu soi” (Tánh giác diệu minh, bản giác minh diệu)   (Trang 11)

Hay:

“Chơn Tâm phi tất cả tướng”.      (Trang 113)

Và Đức Phật cũng nhắc nhở ông A Nan:

“A nan! Nay ông muốn cho cái thấy, nghe, hay, biết (các giác quan) trở lại để hiệp với bốn đức Niết Bàn của Như Lai: Thường, Lạc, Ngã, Tịnh thì trước ông phải lựa ra cái gốc rễ sanh tử (vọng tâm) và y theo chơn tâm thanh tịnh viên mãn bất sanh bất diệt làm nhơn địa tu hành”.      (Trang 155)

Như thế, sao gọi là “Niết Bàn”?

“(Anan) Bạch Thế Tôn! Bồ Đề, Niết Bàn, Chơn Như, Pháp Tánh, Yêm-Ma-La-Thức, Không Như Lai Tạng, và Đại Viên Cảnh Trí, bảy danh từ tuy khác, chớ cũng đồng một quả Phật thanh tịnh thường còn không hoại”.     (Trang 162)

Ngoài ra, Đức Phật còn chỉ cho Ngài A Nan hiểu thêm hơn về cách tu hành:

“Khi Tâm hoàn toàn thanh tịnh rồi, thì cái trí quang sáng suốt hiện ra. Lúc bấy giờ Chơn Tâm ông vừa tịch tịnh lại vừa chiếu soi, bao trùm khắp cả mười phương hư không thế giới, lúc bấy giờ ông trở lại xem cảnh vật hiện tiền ở thế gian nầy, cũng như là việc trong chiêm bao”.      (Trang 235)

“A Nan, ông chỉ xoay cái nghe của mình trở về nghe Chơn Tánh, không chạy theo phân biệt vọng trần bên ngoài, thì ông liền thành đạo vô thượng, đây thật là pháp tu viên thông.
Các Đức Phật nhiều như vô số vi trần cũng đều do một con đường này mà đến cửa Niết Bàn. Hiện tại các vị Bồ Tát và những người tu hành đời sau, đều y theo pháp môn này mà thành đạo. Chính tôi cũng nhờ pháp môn này mà được chứng quả, đâu phải một mình Ngài Quán Âm tu mà thôi”.     (Trang 236)

Theo như vậy khi mà người tu hành thành được đạo, tức là khi thành Phật thì sẽ về đến nơi gọi là Niết Bàn hay nôm na hơn là “Cõi Phật” hoặc bằng những danh từ mà Ngài A Nan đã kể ở trên. Tuy nhiên không dừng ở đó, Đức Phật còn chỉ rõ hơn cái phạm vi của Niết bàn như thế nào trong vũ trụ vô biên”

“Còn ta (Phật) thì trái với Vọng Trần, hiệp với Chơn Tâm thường trụ bất sanh bất diệt, biến khắp cả pháp giới. Cho nên ta mới được tự tại vô ngại: Ở trong một hiện ra vô lượng, vô lượng hiệp làm một, trong nhỏ hiện lớn, trong lớn hiện nhỏ; không rời nơi đạo tràng mà hiện khắp cả mười phương thế giới. Thân ta bao trùm mười phương hư không vô tận. Trên đầu một mảy lông hiện ra các cõi nước; ngồi trong hạt bụi mà chuyển đại pháp luân. Vì ta diệt hết vọng trần, trở lại với bản tâm thanh tịnh trong suốt, nên mới được như vậy”.      (Trang 132-133).

Và để hiểu rõ thêm chúng ta cũng có vài chi tiết nữa được trích ra từ Kinh Viên Giác (Khóa 8) cũng từ bộ sách Phật Học Phổ Thông của Hòa Thượng Thích Thiện Hoa như sau:

“Nầy Thiện nam! Các Bồ Tát và chúng sanh đời sau, khi diệt hết các ảnh tượng vọng huyễn rồi thì tánh “Viên giác thanh tịnh” hiện ra, khắp cả vô biên hư không, không có ngằn mé và phương hướng”.     (Trang 46).

Và các Đức Phật trong Niết Bàn đó sẽ như thế nào? Đức Phật ví dụ sau đây:

“Thí như trăm ngàn ngọn đèn, đồng đốt trong một căn nhà, ánh sáng của mỗi ngọn đèn tuy đều chiếu khắp cả nhà, nhưng không có lộn lạo hay lấn diệt lẫn nhau”.       (trang 52)

Qua những đoạn Kinh trên đây chúng tôi thiết nghĩ công việc “Truy Cứu” về Niết Bàn như: “Niết Bàn thế nào? Và Niết Bàn ở đâu?” của chúng ta không thể nào là khó khăn để “mường tượng” và “suy đoán” nữa khi mà “Khắp cả vô biên hư không, không có ngằn mé và phương hướng” mà trong đó các vị Phật đều “chiếu sáng không lẫn lộn hay lấn diệt lẫn nhau”, và “không rời nơi đạo tràng mà hiện khắp cả mười phương” cùng “hiệp với Chơn Tâm thường trụ bất sanh bất diệt, biến khắp cả pháp giới”.

Cuối cùng, chúng tôi hi vọng những phần tìm hiểu nhỏ nhoi nầy góp phần nào thêm vào ý kiến cho công cuộc tìm tòi, nghiên cứu của chúng ta về một giáo lý sâu xa, đi sát với những gì mà khoa học đang khám phá, nhất là giáo lý ấy không đặt nặng vào sự “tin theo” và bắt buộc tín đồ “phải tin”, sự tìm hiểu và khám phá của mọi người bao giờ cũng được tôn trọng!

Nguyên Thảo,
05/03/2020.







Friday, March 6, 2020

*Cái Chết!



Tiêu đề nầy chắc chẳng mấy ai thích, nhưng dù sao nó vẫn là mục tiêu cuối cùng của cuộc sống, và nhất là trong dịch bệnh NCoV-19 phát sinh từ Thành phố Vũ Hán của tỉnh Hồ Bắc bên Trung Quốc từ tháng 11, 12 năm 2019 đến giờ, cùng lan ra khắp nhiều quốc gia trên thế giới. Dịch bệnh khiến mấy ngàn người chết, hàng trăm ngàn người nhiễm, nhưng con số ấy vẫn chưa chấm dứt mà còn gia tăng mỗi ngày khiến nhân loại luôn trong hồi hộp lo âu. Thế thì chúng ta hiểu gì về “Cái Chết”? Cái chết có đáng sợ lắm không? Và chúng ta sẽ đối diện nó trong quan niệm nào? Đó là những vấn đề ta thử tìm xem ra sao? Có người nói; “Chết không sợ, chỉ sợ bệnh, nhất là lây lan cho người khác thì càng thấy ân hận hơn”!
Từ xưa tới nay chẳng ai muốn mình chết cả, bằng chứng là đối diện với cái chết, người ta vùng vẫy, muốn thoát khỏi đó. Nhưng chết là một sự kiện mà chúng ta dù muốn dù không đành phải chấp nhận khi mà nó đến! Ai cũng muốn sống, dù cuộc sống nầy nhiều khổ hơn vui, sống thì phải vất vả làm việc, chạy tất bật cho miếng ăn hay đúng hơn là “cơm, áo, gạo, tiền” không những cho chính mình mà cả gia đình. Người ta không muốn chết, có những người nghe nói đến cái chết họ không thích, kiêng kỵ; mà ngay cả họ không hề đi tới thăm viếng mấy đám tang của bạn bè. Họ sợ chết đến như thế! Từ trong lịch sử có nhiều ông vua muốn “trường sinh bất tử” để hưởng thụ cuộc đời sung sướng nơi vương giả. Nhưng rồi theo quy luật thiên nhiên về cuộc sống “sinh, lão, bệnh, tử”, vật chất thì “sinh, trụ, dị, diệt”, hiện tượng thì “thành, trụ, hoại, không” không chừa một ai! Dù có nhiều thầy thuốc tài giỏi cố tìm các phương thuốc để “cải lão hoàn đồng”, trường sinh nhưng vẫn chưa được thành công! Ngay cả đối với những con vật cũng vậy, khi cận kề cái chết nó cũng muốn thoát chạy, dùng hết sức để vượt qua, hoặc là chảy nước mắt hay kêu rống lên đau đớn trước khi không còn sống nữa.
Tuy có những con người sợ chết thì cũng có những người suy nghĩ ngược lại. Họ cho chết là điều tất nhiên sẽ phải đến cho nên không cần thiết quan tâm cho lắm. Họ cho chuyện chết là “tránh đường, nhường chỗ” cho thế hệ khác tiến lên theo kiểu “tre tàn, măng mọc” hay chết là “dứt nợ đời”, là “sẽ không còn biết đến đau khổ, vất vả nữa” thì chuyện sống hay chết, nó không là quan trọng. Nhưng cái điều mà người ta quan tâm nhiều là chuyện “bệnh” hơn là chuyện chết! Vì bệnh sẽ làm cho người ta đau đớn, mòn mỏi sức để chống chọi, phải chịu đựng trong thời gian dài nếu những bệnh ấy là những bệnh kinh niên. Người ta không sợ những chứng bệnh nhanh chóng chết, lại sợ những bệnh kéo dài mà trong đời ai biết được! Bệnh kinh niên, lâu sẽ hành hạ thân xác con người trong thời gian dài, có khi “muốn chết mà chết không được”. Thế rồi người dân gian thường ước nguyện “được chết trong yên lành, nhanh chóng để không phải làm khổ cho chính mình và người thân hay con cháu”!
Tôi viết như vậy cũng là một phần nào “những cái quan niệm” trong dân gian và cuộc sống của đời người để quý độc giả lược sơ qua về cái chết; chứ cái chết không ai có thể định trước hay đoán trước được, ngay cả những người tự tử. Đối với những người chọn cái chết để được lên Thiên Đàng với niềm tin được ban mọi điều sung sướng cùng bảy Trinh Nữ của các kẻ “khủng bố” “Tử vì Đạo”, nhưng đó chỉ là “Niềm Tin” chưa được “Chứng Thật”! Hầu hết các Tôn giáo chỉ nói đến những điều “Sau Khi Chết” của con người; có người chết đi sống lại trong thời gian ngắn nào đó vẫn không xác định được “những điều” sau khi chết khi mà họ được sống lại! Dù là như thế, Tôn Giáo vẫn là nguồn an ủi, để người ta bấu víu, nương tựa vào trong những lúc đau khổ cùng cực. Đó là “Niềm Hi Vọng” của cái hộp mà nàng “Pandora” đã mở theo chuyện Thần Thoại Hi Lạp!
Với “Cái Chết” thì không biết khi nào. Có thể là “Đột Ngột” như những trường hợp đột tử do bệnh tim, đứt gân máu não, hay xe đụng, lạc đạn, trúng gió, tai nạn giao thông, hay thiên tai… Có những trường hợp kéo dài, đau đớn qua những căn bệnh trầm kha như Ung thư chẳng hạn…mà chúng ta không thể biết được! Cái đó thì tùy…!
Tùy theo tôn giáo mà người ta tin theo để có cái quan niệm về “Cái chết”! Như trong dân gian của người Á Đông thì quan niệm do “Ông Trời”, Ông Trời sinh ra tất cả, mọi thứ trên thế gian nầy cũng đều do Ông Trời mà ra, ngay cả hành động của mỗi con người, sự tàn tật, bệnh hoạn, thiên tai, chết chóc hay nhũng cái kỳ dị, khác thường cũng đều do Ông Trời hết thảy. Nhất nhất cái gì cũng do Trời làm, Trời sinh ra. Đôi khi, khi người ta nhờ vào khoa học đã biết “Ông Trời” ngày xưa không phải là một “Ông”, mà chỉ là một “Định Tinh” trong vũ trụ thì người ta đã chuyển qua “Tạo Hóa”, hay Đấng Tạo Hóa. Thì cũng giống như vậy, những tôn giáo “Độc Thần” thay vì nói đến “Ông Trời” như phương Đông, thì họ cho có một Đấng Tạo Hóa sinh ra, nắn nót mọi vật và sinh vật đặt để trong cuộc đời nầy và khiến chúng làm, sinh hoạt như những con rối được điều khiển trong một sân khấu vĩ đại, Đấng đó cũng được gọi bằng “Những Danh Từ” khác chẳng hạn. Do đó “Cái Chết” được định đoạt từ những Đấng Tối Cao ấy! Còn trong Đạo Phật thì do vì từ Vô Minh (Không Biết) mà Tâm Thức chúng sinh đã bỏ cõi “Sáng Suốt” để “Đi Vào” trong vòng Luân Hồi, rồi tạo nghiệp trong nhiều kiếp, những nghiệp đó đan xen với nhau nên chúng sinh phải trả quả. Tùy theo các quả trổ ra trong từng kiếp mà chúng sinh có những hình dáng, khúc quanh trong cuộc sống khác nhau. Đến khi trả hết quả trong kiếp ấy thì chúng sinh sẽ “mãn kiếp” giống như những vai trong tuồng hát, khi vai diễn đã xong thì họ ra ngoài, không còn đứng trên sân khấu nữa. Như vậy “chết là trả hết nợ đời” không có gì là lo âu, luyến tiếc! Còn chết như thế nào là do nơi cái quả mà mình phải trả! Đó là những ý niệm mà trong tôn giáo đã quan niệm!
Tôn giáo nhằm giải thích và đưa những ấn tượng lạc quan đến cho chúng sinh, nhất là con người để tin tưởng vào một đời an lạc, sung sướng hơn so với cuộc đời đau khổ của hiện tại, nhằm an ủi, thúc đẩy ước mơ, hi vọng cho tương lai để con người có thể hi vọng mà sống! Thói thường người ta rất sợ đến “cái chết”, tuy nhiên khi mà người ta chán nản đến cùng cực, hay liều lĩnh không sợ đến cái chết nữa thì chuyện gì người ta cũng dám làm. Cho nên trong đời, người ta rất sợ những kẻ “liều mạng” là như vậy!
Nhân trong tình trạng “Đại dịch” từ Thành phố Vũ Hán đã lan rộng toàn nước Trung Quốc sang đến nhiều nước và lãnh thổ trên thế giới, khiến cho nhân loại xôn xao vì sợ lây bệnh, bệnh hoặc bị chết; Đồ Ngông tôi cũng xin lạm bàn về “Cái chết” để chúng ta “thấy” vài ý niệm về cái sống, rồi mình có thể có ý niệm tích cực hơn khi mình phải đối diện với cái điều mình không mong muốn! Để rồi, vẫn “lạc quan” mà đi giữa đời nầy!

Đồ Ngông,
14/02/2020.