Saturday, March 7, 2020

*Truy Cứu Về "Niết Bàn"!



Trong Đạo Phật, Niết Bàn là vấn đề được người ta thắc mắc nhiều nhất: Không biết nó có thực không? Niết Bàn ở nơi đâu trong vũ trụ nầy? Niết bàn cũng là cứu cánh của những người tu theo Đạo Phật sau khi thành đạo, thế mà người ta vẫn còn nhiều mù mờ về vấn đề nầy! Do đó “Niết Bàn” trở thành đề tài tốn hao nhiều giấy mực lẫn nghiên cứu cho nhiều người tu theo Đạo lẫn các học giả. Có người cho rằng Niết Bàn đồng nghĩa với Hư Vô, với Vô Ngã; có quan niệm cho Niết Bàn chỉ là Khái Niệm; hay Niết Bàn là trạng thái Vắng Lặng mà văn tự không thể diễn tả được, vượt ra ngoài phạm vi luận lý. Đôi khi người ta lấy luận lý, văn phong, ngôn từ khó hiểu, cầu kỳ, gút mắc của Triết học để giải thích về Niết Bàn khiến vấn đề Niết Bàn lại càng khó hiểu hơn!
Vậy Niết Bàn là gì? Theo thiển ý của chúng tôi thì ngay trong câu nói: “Đức Phật nhập Niết Bàn” nó đã hàm chứa câu trả lời cho chúng ta rồi! Tức “Niết Bàn” là “Cõi Phật” và chỉ là “Cõi Phật” không sai khác! Tuy nhiên, trước khi Quý vị và chúng tôi đi vào sự “truy cứu” về Niết Bàn, Quý vị cho chúng tôi quay về câu chuyện “Rùa Và Cá” được ghi lại trong quyển: Đức Phật Và Phật Pháp của Đại Đức Narada Maha Thera, do Phạm Kim Khánh dịch ra Việt Ngữ:

“Thuở xưa có một con cá. Cá chỉ biết trong nước và không biết gì ngoại trừ nước. Một hôm, cá mải mê bơi lội trong ao đầm quen thuộc như mọi hôm thì gặp lại chị Rùa. Hỏi ra thì hèn lâu rùa đi dạo trên đất liền. Cá hỏi: "Chào chị rùa, chị đi đâu mà hèn lâu tôi không gặp?"
- Này chị cá, chào chị. Hôm rày tôi đi một vòng lên trên đất khô. Rùa trả lời.
- Đất khô à! Cá lấy làm ngạc nhiên. Chị nói đất khô, vậy đất khô là gì? Đất làm sao khô được? Tôi chưa bao giờ thấy cái gì mà khô. Đất khô chắc là không có gì hết.
Bẩm tánh ôn hòa, Rùa nhỏ nhẹ đáp:
- Được, tốt lắm, nếu chị muốn nghĩ như vậy cũng tốt. Không ai ngăn cản chị đâu. Tuy nhiên, chỗ mà tôi đi mấy hôm rày đất khô thật.
- Nầy chị rùa, đâu chị nói rõ lại coi. Đất khô mà chị nói ra làm sao, giống như cái gì? Nó có ẩm ướt không?
- Không, đất khô không ẩm ướt.
- Đất khô có mát mẻ và êm dịu, dễ chịu không?
- Không, đất khô không mát mẻ và êm dịu dễ chịu.
- Đất khô trong suốt và ánh sáng rọi xuyên qua được không?
- Không, đất khô không trong suốt và ánh sáng không rọi xuyên qua được.
- Đất khô có mềm mại và dịu dàng để mình bơi lội trong ấy không?
- Không, đất khô không mềm mại dịu dàng, và mình không thể bơi lội trong lòng đất.
- Đất có di chuyển và trôi chảy thành dòng không?
- Không, đất không di chuyển và trôi chảy thành dòng.
- Đất có nổi sóng và tan ra thành bọt không?
Cá rất bực mình với loạt câu trả lời "không, không, ..." của rùa.
- Không, đất không nổi sóng. Rùa thành thật trả lời.
Cá bỗng nhiên lộ vẻ hân hoan của người đắc thắng và vang lên:
- Thấy chưa, thật quả như tôi đã nói chớ gì nữa! Tôi đã bảo rằng đất khô của chị là hư vô, không có gì hết. Tôi hỏi và chị đã xác nhận rằng đất khô và không ẩm ướt, không mát mẻ, không êm dịu và không trong suốt, và ánh sáng không rọi xuyên qua được, không mềm mại và dễ chịu để mình có thể bơi lội trong ấy, đất cũng không di chuyển và trôi thành dòng, cũng không nổi sóng và cũng không tan rã thành bọt. Không phải gì hết thì có phải là hư vô không?
Rùa đáp:
- Được, tốt lắm. Nầy chị cá, nếu chị quả quyết rằng đất là hư vô, không có gì hết, thì chị cứ tiếp tục nghĩ như thế. Thật ra, người nào đã biết nước và đất liền rồi sẽ nói rằng chị chỉ là con cá dại dột, vì chị quả quyết rằng cái gì mà chị không biết là không có gì hết, hư vô. Nói là hư vô bởi vì chị không bao giờ biết.
Đến đây, rùa bỏ cá ở lại một mình với ao đầm nhỏ bé, quay đầu lội đi và suy tưởng đến một cuộc viễn du khác trên đất khô, nơi mà cá tưởng tượng là hư vô...
Câu chuyện lý thú nầy ngụ ý tuy rằng đã có sống trong nước và trên khô, rùa không giải thích cho cá bản chất thật sự của đất vì cá chỉ biết nước mà cá cũng không thể nhận thức được thế nào là đất liền, vì chỉ biết có nước thôi. Cũng thế ấy, tuy chư vị A La Hán đã từng biết thế nào là thời gian và trạng thái siêu thế là sao, nhưng các ngài không thể dùng ngôn ngữ của thế gian để mô tả trạng thái siêu thế mà người tại thế cũng không thể nhận thức trạng thái siêu thế là sao, bằng sự hiểu biết của thế gian.
Niết Bàn là hư vô, tức nhiên Niết Bàn phải trùng hợp với không gian (akasa). Cả hai, Niết Bàn và không gian, đều vĩnh cửu và không biến đổiKhông gian là vĩnh cửu vì nó là hư vô. Thật ra, Niết Bàn ở ngoài không gian và thời gian. Về sự khác biệt không gian và Niết Bàn ta có thể tóm tắt rằng, không gian là Không, nhưng Niết Bàn là Có.
Khi đề cập đến những cảnh giới khác nhau mà chúng sanh có thể sanh vào, Đức Phật có nhắc đến cảnh "Vô Sở Hữu Xứ" (akincannayatana), cảnh giới có quan niệm về hư không.
Niết Bàn là một Đạo Quả. Có thể chứng ngộ Niết Bàn như một đối tượng tinh thần (vatthudhamma). Sự kiện nầy rõ ràng chứng tỏ rằng Niết Bàn không phải là một trạng thái hư vô. Nếu Niết Bàn là hư vôĐức Phật đã không mô tả bằng những danh từ như "Vô Tận"(Ananta), "Bất Tùy Thể" (Asamkhata), "Vô Song" (Anupameya), "Tối Thượng" (Anuttara), "Tối Cao" (Para), "Vượt Ra Ngoài" (Pàra), "Chỗ Nương Tựa Tối Thượng" (Paràyana), "Châu Toàn" (Tana), "An Toàn" (Khema), "Hạnh Phúc" (Siva), "Duy Nhất" (Kevala), "Bất Khả Diệt" (Akkhara), "Tuyệt Đối Trong Sạch" (Visuddha), "Siêu Thế" (Lokuttara), "Vĩnh Cửu" (Amata), "Giải Thoát" (Mutti),"Vắng Lặng" (Santi) v.v...”

Đó là đoạn văn chúng tôi đã trích ra từ quyển “Đức Phật Và Phật Pháp” để chúng ta có thể hiểu theo câu chuyện về Niết Bàn. Nếu chúng tôi nhớ không lầm có lần đi nghe thuyết pháp thì vị Hòa thượng có đề cập đến lúc Đức Phật mới thành đạo Ngài thuyết về Kinh Hoa Nghiêm. Nhưng khi thuyết về Kinh đó khiến Trời, Người đều ngơ ngác, không hiểu gì cả: Cho nên về sau Đức Phật mới giảng những Kinh khác từ thấp đến cao để cho chúng sinh hiểu, lĩnh hội được mà tu hành. Mỗi Kinh đều tùy theo căn cơ nhận thức, hiểu biết của từng chúng sinh mà từ đó tiến lên để tu.
Thực vậy, Đức Phật đã Thiền Định và đạt được kết quả tận cùng của Thiền, để rồi sau đó “nói đến” những cái tột cùng đó, tức là sự “Chứng Ngộ” và “Nhận Biết” thì chúng sinh không hiểu là phải: Vì điều đơn giản là chúng sinh vẫn chưa biết gì nhiều về Thiền. Giống như khi chúng ta lên được một ngọn tháp cao nào đó nhìn thấy cái cảnh đẹp đẽ, sáng chói, rạng rỡ chung quanh; để rồi chúng ta đến một nơi khác diễn tả lại cái cảnh đẹp ấy cho nhiều người. Tất nhiên người ta sẽ không tin, vì họ chưa biết, chưa thấy và ngay cả ngọn tháp ấy họ cũng chưa biết là có hay không, hoặc là ở đâu? Điều ấy không phải là lạ, giống như con cá nó chưa hề ra khỏi mặt nước để nhìn thấy đất khô. Vì thế mà Đức Phật đã phải bỏ ra hơn 40 năm để đi rao giảng cho chúng sinh biết để có nhận thức mà cố gắng vượt thoát ra vòng “Luân hồi sinh tử” đầy khổ đau theo con đường Ngài hướng dẫn.
Quay trở lại vấn đề “Truy cứu”, có lẽ chúng ta nên để ý đến câu nói của A-Nan sau khi được Đức Phật giảng giải: Nếu mỗi người đều lấy cái Vọng Tâm mà tu hành thì không thể thành đạo được:

“Không ngờ ai tu nấy chứng, không thể thay thế cho nhau được” (Kinh Lăng Nghiêm, Phật học Phổ thông, tập 6,7, H.T Thích thiện Hoa, trang 36).

Và cũng cùng một ý như thế trong Kinh Địa Tạng đã có đoạn sau:


“Nghiệp lực rất lớn, có thể sánh với núi Tu Di, có thể sâu dường biển cả, có thể ngăn đạo thánh.
Vì thế chúng sanh chớ khinh điều quấy nhỏ mà cho là không tội, sau khi chết đều có quả báo dầu đến mảy mún đều phải chịu lấy.
Chí thân như cha với con, mỗi người cũng theo nghiệp của mình mà đi khác đường, dầu cho có gặp nhau cũng chẳng bằng lòng chịu khổ thay nhau”.   (Kinh Địa Tạng, H.T Thích Trí Tịnh, Chùa Pháp Bảo – Sydney ấn tống 1994, trang 81)

Theo như vậy, chúng ta đã thấy rõ ràng là những ai tu để dứt nghiệp thì “chỉ người đó mới thành đạo”, người nào gây nên tội ác thì “chỉ họ phải gánh chịu hậu quả chứ không ai thay thế cho ai”, cũng như “không ai có thể cứu” cho họ, mà chỉ có thể giúp họ phương pháp, cách thức, nâng đỡ để họ tự tháo gỡ “nghiệp chướng” của họ gây ra mà thôi!
Nhưng khi đối với một người nào đó biết tu hành, tháo gỡ mọi nghiệp chướng của mình: Với quá khứ đã tròn “trả quả”, đối với hiện tại “không tạo thêm nhân” (không phải Tái sinh nữa để trả quả) thì người đó sẽ thành Bậc Giác Ngộ, và thoát khỏi vòng Luân Hồi. Trong hiện tiền họ vẫn còn sống, thì họ được “Ung Dung Tự Tại, Không Phiền Não” trong cuộc sống thì họ đã vào trong Trạng Thái của “Hữu Dư Y Niết Bàn”. Còn khi họ chết họ sẽ vào “Vô Dư Y Niết Bàn”.

Vậy Niết Bàn ở đâu? Và Bản Chất của Niết Bàn là gì?
Thực ra trong Kinh Lăng Nghiêm, Đức Phật có đề cập đến rất nhiều về Niết Bàn, và Niết Bàn ở đâu, nhưng vì chúng ta “chưa thấu hiểu” được thôi! Nay tôi mạo muội dẫn chứng cùng Quý vị vài chỗ “xem chừng ra” chúng ta có thể thấy được chút nào chăng!
Những phần, câu, hay đoạn của Kinh Lăng Nghiêm mà chúng tôi trích dẫn ra đây đều từ quyển Phật Học Phổ Thông, Khóa 6,7 của Hòa thượng Thích Thiện Hoa, do Thành Hội Phật Giáo Hồ chí Minh ấn hành năm 1997 (Phật Lịch 2541), vì thế mà chúng tôi chỉ ghi số trang mà thôi!

Có lẽ trước hết chúng ta nên chú ý đến lời giảng của Đức Phật sau đây:

“Phật dạy: Ông nay muốn đặng đạo Vô Thượng Bồ Đề, thì điều cần nhứt là phải hiểu rõ hai món căn bản:
-1 căn bản của sanh tử luân hồi là Vọng Tâm.
-1 căn bản của Bồ Đề, Niết Bàn là Chơn Tâm.

Rồi sau đó Đức Phật đã giảng giải nhiều về Vọng Tâm, Chơn Tâm. Và trong đoạn sau:

“Các ông nên biết: Đất, nước, gió, lửa, hư không, cái thấy, và thức tâm gọi chung là 7 đại, tánh của nó đều là Chơn Tâm viên mãn khắp giáp tất cả, vốn không sanh diệt. Các ông vì mê muội nên không biết”.                   (Trang 110)

Hay:

“Tất cả các cảnh vật sum la vạn tượng trong thế gian nầy, đều ở trong Chơn Tâm; Chơn Tâm bao trùm khắp giáp cả mười phương thế giới”.    (Trang 111)

Vậy Chơn Tâm là gì?

“Chơn Tâm nhiệm mầu, vắng lặng mà thường sáng suốt chiếu soi” (Tánh giác diệu minh, bản giác minh diệu)   (Trang 11)

Hay:

“Chơn Tâm phi tất cả tướng”.      (Trang 113)

Và Đức Phật cũng nhắc nhở ông A Nan:

“A nan! Nay ông muốn cho cái thấy, nghe, hay, biết (các giác quan) trở lại để hiệp với bốn đức Niết Bàn của Như Lai: Thường, Lạc, Ngã, Tịnh thì trước ông phải lựa ra cái gốc rễ sanh tử (vọng tâm) và y theo chơn tâm thanh tịnh viên mãn bất sanh bất diệt làm nhơn địa tu hành”.      (Trang 155)

Như thế, sao gọi là “Niết Bàn”?

“(Anan) Bạch Thế Tôn! Bồ Đề, Niết Bàn, Chơn Như, Pháp Tánh, Yêm-Ma-La-Thức, Không Như Lai Tạng, và Đại Viên Cảnh Trí, bảy danh từ tuy khác, chớ cũng đồng một quả Phật thanh tịnh thường còn không hoại”.     (Trang 162)

Ngoài ra, Đức Phật còn chỉ cho Ngài A Nan hiểu thêm hơn về cách tu hành:

“Khi Tâm hoàn toàn thanh tịnh rồi, thì cái trí quang sáng suốt hiện ra. Lúc bấy giờ Chơn Tâm ông vừa tịch tịnh lại vừa chiếu soi, bao trùm khắp cả mười phương hư không thế giới, lúc bấy giờ ông trở lại xem cảnh vật hiện tiền ở thế gian nầy, cũng như là việc trong chiêm bao”.      (Trang 235)

“A Nan, ông chỉ xoay cái nghe của mình trở về nghe Chơn Tánh, không chạy theo phân biệt vọng trần bên ngoài, thì ông liền thành đạo vô thượng, đây thật là pháp tu viên thông.
Các Đức Phật nhiều như vô số vi trần cũng đều do một con đường này mà đến cửa Niết Bàn. Hiện tại các vị Bồ Tát và những người tu hành đời sau, đều y theo pháp môn này mà thành đạo. Chính tôi cũng nhờ pháp môn này mà được chứng quả, đâu phải một mình Ngài Quán Âm tu mà thôi”.     (Trang 236)

Theo như vậy khi mà người tu hành thành được đạo, tức là khi thành Phật thì sẽ về đến nơi gọi là Niết Bàn hay nôm na hơn là “Cõi Phật” hoặc bằng những danh từ mà Ngài A Nan đã kể ở trên. Tuy nhiên không dừng ở đó, Đức Phật còn chỉ rõ hơn cái phạm vi của Niết bàn như thế nào trong vũ trụ vô biên”

“Còn ta (Phật) thì trái với Vọng Trần, hiệp với Chơn Tâm thường trụ bất sanh bất diệt, biến khắp cả pháp giới. Cho nên ta mới được tự tại vô ngại: Ở trong một hiện ra vô lượng, vô lượng hiệp làm một, trong nhỏ hiện lớn, trong lớn hiện nhỏ; không rời nơi đạo tràng mà hiện khắp cả mười phương thế giới. Thân ta bao trùm mười phương hư không vô tận. Trên đầu một mảy lông hiện ra các cõi nước; ngồi trong hạt bụi mà chuyển đại pháp luân. Vì ta diệt hết vọng trần, trở lại với bản tâm thanh tịnh trong suốt, nên mới được như vậy”.      (Trang 132-133).

Và để hiểu rõ thêm chúng ta cũng có vài chi tiết nữa được trích ra từ Kinh Viên Giác (Khóa 8) cũng từ bộ sách Phật Học Phổ Thông của Hòa Thượng Thích Thiện Hoa như sau:

“Nầy Thiện nam! Các Bồ Tát và chúng sanh đời sau, khi diệt hết các ảnh tượng vọng huyễn rồi thì tánh “Viên giác thanh tịnh” hiện ra, khắp cả vô biên hư không, không có ngằn mé và phương hướng”.     (Trang 46).

Và các Đức Phật trong Niết Bàn đó sẽ như thế nào? Đức Phật ví dụ sau đây:

“Thí như trăm ngàn ngọn đèn, đồng đốt trong một căn nhà, ánh sáng của mỗi ngọn đèn tuy đều chiếu khắp cả nhà, nhưng không có lộn lạo hay lấn diệt lẫn nhau”.       (trang 52)

Qua những đoạn Kinh trên đây chúng tôi thiết nghĩ công việc “Truy Cứu” về Niết Bàn như: “Niết Bàn thế nào? Và Niết Bàn ở đâu?” của chúng ta không thể nào là khó khăn để “mường tượng” và “suy đoán” nữa khi mà “Khắp cả vô biên hư không, không có ngằn mé và phương hướng” mà trong đó các vị Phật đều “chiếu sáng không lẫn lộn hay lấn diệt lẫn nhau”, và “không rời nơi đạo tràng mà hiện khắp cả mười phương” cùng “hiệp với Chơn Tâm thường trụ bất sanh bất diệt, biến khắp cả pháp giới”.

Cuối cùng, chúng tôi hi vọng những phần tìm hiểu nhỏ nhoi nầy góp phần nào thêm vào ý kiến cho công cuộc tìm tòi, nghiên cứu của chúng ta về một giáo lý sâu xa, đi sát với những gì mà khoa học đang khám phá, nhất là giáo lý ấy không đặt nặng vào sự “tin theo” và bắt buộc tín đồ “phải tin”, sự tìm hiểu và khám phá của mọi người bao giờ cũng được tôn trọng!

Nguyên Thảo,
05/03/2020.







No comments:

Post a Comment