Monday, March 16, 2020

*Đi Nga. (6)



Chúng tôi về đến khách sạn vào khoảng hơn bốn giờ rưởi, sẵn ghé vào cửa hàng bán đồ lưu niệm thì thấy giá cả Búp bê Matryoshka tương đối rẻ hơn ở ngoài khu Arbat nên mua vài con đem về cho mấy đứa cháu. Xong phải lên phòng tắm rửa để đi đến phòng ăn cho bữa ăn chiều. Mọi việc khá vội vàng vì tối nay còn phải đi xem xiếc nữa.
Thời gian di chuyển từ khách sạn đến rạp hát của đoàn xiếc Nga không nhiều vì rạp cũng gần khách sạn, nhưng vì chưa đến giờ nên chúng tôi ở bên ngoài để chờ giờ mở cửa. Chỉ tội nghiệp cho chúng tôi khi cần đi tìm toilet. Đối với đàn bà thì dễ hơn vì đa số nhà vệ sinh đều dành cho mấy bà, còn đàn ông chúng tôi phải đi gần nửa vòng của rạp mới có. Vì thế khi tôi và anh Thới về đến cửa thì cửa đã mở cho người vào rồi, khiến Bernard phải đứng bên ngoài đợi hai chúng tôi. Lúc mới đầu nhìn vào cách ăn mặc tôi cứ tưởng đoàn xiếc nầy là của Ấn Độ hay của quốc gia Trung Đông nào đó. Hồi lâu mới nhớ lại là mình được xem đoàn xiếc của Nga: Thì ra cách ăn mặc có nhiều điểm tương đồng mà tôi chưa nhận ra được! Thật là dở tệ!
"Xiếc" Nga.

Chương trình kéo dài cỡ hai tiếng đồng hồ với những chương trình qui mô, nhiều diễn viên, nhưng không vì thế mà chậm chạp khi chuyển mục. Họ làm rất gọn gàng, nhanh nhẹn. Sự biểu diễn không những ở trên cao mà còn luôn cả ngoài sân khấu. Công nhận sự sắp xếp thật khéo léo. Tính ra họ không những thành công trong biểu diễn mà còn về cả kỹ thuật. Đúng là xiếc Nga có tiếng cũng là phải thôi!
Xong, ra ngoài rạp trời hơi gió nhiều nên lạnh khiến chúng tôi phải chạy nhanh ra xe buýt và về đến khách sạn cũng gần 10 giờ. Dù là vậy nhưng không dám ngủ liền vì ngày mai chúng tôi phải dậy sớm để di chuyển ra ga xe lửa tốc hành đi sang Peterbourg, nên phải lo chuẩn bị sắp xếp đồ đạc vào trong vali sẵn sàng cho sáng hôm sau. Và rồi mệt quá, chúng tôi chìm vào trong giấc ngủ không lâu do đồng hồ báo thức từ trong điện thoại di động!
Tập họp ở sảnh của phòng tiếp tân trước 5 giờ, mọi người còn có vẻ say ngủ và nhận lấy phần ăn sáng của mình từ nhà hàng của khách sạn mang theo. Khi xe buýt đến, cả nhóm kéo hành lý chuyển ra ngoài và phụ tài xế chất lên xe để di chuyển ra nhà ga của xe lửa tốc hành. Lúc ấy cũng đã hơn 5 giờ 15. Xe đưa chúng tôi đi trong thành phố, chúng tôi chỉ nhìn qua màn sương sớm cái nét đặc biệt của Nga với nhiều nóc tòa nhà dựng cao lên như những ngọn tháp thường có ngôi sao ở trên chóp. 
Kiến trúc Nga.

Xe buýt dần đến nhà ga, nhưng trên các con đường ở gần đã đầy các xe khác nên tài xế phải đi kiếm chỗ đậu. Mãi đến gần 6 giờ mới có chỗ. Lấy hành lý và kéo đến nơi trạm xe lửa là 6 giờ 10. Sau đó, mỗi người nhận được một cái vé xe từ Bà người Nga Hướng Dẫn để biết cái ghế ngồi của mình. Theo lịch trình thì xe lửa sẽ khởi hành vào lúc 6 giờ 50 và đến St. Peterbourg vào lúc 10 giờ 45, như vậy chúng tôi ở trên xe gần bốn tiếng đồng hồ!

Một hồi lâu thì có những người có nhiệm vụ chuyển hành lý cho chúng tôi đến. Họ chất các vali trên hai chiếc xe đẩy tay kiểu giống như những xe cútkít rất lớn. Công nhận họ mạnh thiệt! Bao nhiêu hành lý đó mà họ chỉ chất đầy trên hai xe. Xong họ chuyển đi mà tôi nghỉ là họ chuyển đến các toa dành riêng cho hành lý.
Tại ga xe lửa tốc hành.
Đến giờ lên xe lửa, chúng tôi lên một toa mà hầu hết là chỉ có người trong đoàn chúng tôi thôi, nên cũng thoải mái. Mình nói chuyện không phải rầy rà đến người khác. Sự sắp xếp ghế trong toa cũng hay hay. Các hàng ghế được quay mặt về chính giữa toa. Ngay chính giữa là một bàn nhỏ cho hai hàng ghế đâu mặt, một bên là hai người, chính giữa là đường đi. Vợ chồng tôi đâu mặt với vợ chồng anh Thới. Bên kia là vợ chồng Nghi, Dung đâu mặt với cặp vợ chồng trẻ cũng ở Melbourne mà tôi không biết tên.
Xe rời ga bắt đầu đi dần ra ngoại ô, tất nhiên là chúng tôi chỉ nhìn thấy ở hai bên đường rầy xe lửa mà thôi. Lúc đầu nhiều người còn vang tiếng, nhưng sau đó thì vắng dần, chắc họ mệt mỏi vì hồi hôm đã về trễ rồi còn thức khuya, sáng lại dậy sớm, nên sau khi ăn phần ăn sáng của mình xong nhiều người chìm vào giấc ngủ ngắn ban ngày. Tôi thì lại thích nhìn cảnh đồng quê nên thường xuyên nhìn cảnh hai bên đường, nhất là ở đất Nga nầy nữa, rồi lại bàn luận với anh Thới, có thêm phần góp ý của Nghi. Nghi là dân ngoài Bắc, sau 75 mới vào Nam, rồi sau đó đi vượt biên. Tôi cố nhìn để tìm hiểu, suy luận về cái nông thôn, xã hội của nơi được xem là “cái nôi của các cuộc Cách Mạng Xã Hội Chủ Nghĩa” như thế nào, nhất là trong mấy ngày nay cũng nhìn thấy và nghe từ Bà Hướng Dẫn người Nga cung cấp được vài thông tin. Tôi và anh Thới bàn luận về nhiều điều, chắc có những điều chưa chính xác hay chưa thực tế lắm thì Nghi đóng góp ý kiến vào, vì vậy mà cuộc tham khảo lại được tỏ rõ hơn. Tất nhiên từ đó bàn tôi vang tiếng khá nhiều, nhất là đối với tôi là người hay thắc mắc: Vừa thắc mắc khung cảnh hiện tại ở Nga, vừa tham khảo Nghi về quá khứ Xã Hội Chủ Nghĩa trên đất Bắc.
Tôi thắc mắc về Chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa không phải vì tôi là người nghiên cứu về chế độ ấy, mà cũng chẳng là kẻ phân tích lý thuyết hay thực hành của chế độ đó:  Do điều đơn giản là trình độ của tôi không đủ để làm công việc ấy, tôi chỉ là một đứa “học trò tò mò” thế thôi!
Ngày xưa, khi còn học trong nhà trường tôi cũng có học về các chế độ trên thế giới một cách tổng quát qua giờ Công Dân Giáo Dục, nhưng thuở đó học thì học chứ chưa biết chính trị là như thế nào; rồi qua các sách báo về sau, nhất là những tờ báo viết về “khuynh hướng xã hội” như các ông Nam Đình trên tờ Thần Chung, Trần Tấn Quốc trên tờ Đuốc Nhà Nam tôi cũng khá thích. Rồi sau đó có một lúc thằng bạn học của tôi là Nguyễn Văn Huệ xin đâu được quyển sách từ Trung Tâm Văn Hóa Mỹ nói về Liên Xô, tất nhiên bằng tiếng Anh. Tôi không hiểu, nhưng nhìn sơ qua thì tôi thấy cái biểu đồ kinh tế của Xô Viết qua vài thời kỳ: Trong thời kỳ gọi là “Bần cùng hóa nhân dân” thì thấy kinh tế xuống rất thấp. Sau đó biểu đồ kinh tế lại tăng vọt từng năm rất cao. Tôi cứ nghĩ là chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa chắc là hay, nhưng tôi vẫn thắc mắc là: Tại sao người dân từ chế độ Cộng Sản đào tỵ sang các nước Tự Do chứ không có từ Tự Do đào tỵ sang các nước Cộng Sản, tại sao thế? Rồi trong Mùa Hè đỏ lửa năm 1972 có một anh từ Lộc Ninh (vùng Giải Phóng) phải đón xe ôm băng rừng để trốn về trạm Tiếp Cư Gò Đậu. Anh kể đến chuyện phải đăng ký trâu, bò, gà nuôi trong nhà… và vài chuyện khác, chẳng ai tin chuyện như vậy cả. Thế rồi sau ngày 30/ 04 người ta mới “bật ngữa” ra. Mọi điều “thực hiện” khiến người ta không thể tưởng tượng ra nỗi!
Sau thời gian dài đất nước trong chiến tranh, tiêu hao về nhân mạng cũng như về tài sản thật nhiều, người dân luôn mong muốn có hòa bình để có thể sống cuộc đời yên vui, no ấm; để xây dựng lại đất nước giàu đẹp hơn. Sự trông chờ đó đến ngày 30/ 04 đã được hiện thực, nhưng nó không phải như trong bài hát “Một mai giã từ vũ khí” của Trịnh Lâm Ngân ước mơ:
“Trả súng đạn này, khi sạch nợ sông núi rồi
Anh trở về quê, trở về quê tìm tuổi thơ mất năm nao
Vui cùng ruộng nương, cùng đàn trâu
với cây đa khóm trúc hàng cau,
với con đê có chiếc cầu tre
đã bao năm vắng chân anh nên trở thành hoang phế rong rêu”…
Hay:
“Để có một ngày, có một ngày cho chúng mình
Ta gặp lại ta, còn vòng tay mở rộng thương mến bao la
Chuông chùa làng xa chiều lại vang
Bếp ai lên khói ấm tình thương
Bát cơm rau thắm mối tình quê
Có con trâu, có nương dâu
Thiên đường này mơ ước bao lâu”.
Mà những kế hoạch được vạch ra là những cái mà người dân không hề nghĩ tới được. Đầu tiên là giới quân nhân, viên chức của chế độ cũ ra trình diện và đi học tập. Tùy theo ngành, chức vụ mà định đoạt giữ lại hay loại ra, học dài hạn hay ngắn hạn, ở gần hay ở xa. Tất cả sách báo cũ phải bị tịch thu, hủy bỏ hay đốt đi vì nó là “tàn dư của chế độ cũ”; và mọi người ai cũng phải vào trong các đoàn thể để học tập chính trị, đào tạo theo tư tưởng mới kể cả các em còn nhỏ trong Mẫu giáo hay Tiểu học. Rồi tiếp theo là “Cải tạo công thương nghiệp” các hàng quán, tiệm bán phải đình chỉ và kiểm kê; xe cộ trưng dụng nộp vào “giao thông vận tải”.  Xăng dầu, chất đốt không được bán ra đợi nhà nước cung cấp, bán theo hệ thống quốc doanh, khiến mọi điều, sinh hoạt trong xã hội phải thay đổi. Người dân thiếu thốn mọi bề, sanh ra trộm cướp, đói kém tràn lan. Rồi người ta vì sự sống của mình, của gia đình phải đi buôn lậu, phải sanh ra nhiều tệ nạn trong xã hội. Những buổi họp ở xã ấp người dân nhàm chán không đi đến nữa, họ trở nên “lì lợm” nhưng “không dám phản kháng” vì nguy hiểm cho mình, lý lịch mình sẽ ảnh hưởng đến con cháu về sau nên họ trở nên: “Nhà Nước nói gì kệ Nhà Nước, mình làm gì cứ làm, miễn đừng phạm tội là được rồi!”. Từ đó sự tiêu cực từ trong dân chúng đã được mở rộng vì: “Dễ trăm lần, không dân cũng chịu, Khó vạn lần dân liệu cũng xong”! Các nhà máy, hãng xưởng do nhà nước quản lý dần không còn nguyên liệu, hàng hóa trong Thương nghiệp trở nên khan hiếm. Người nông dân phản đối vào Hợp Tác Xã trở nên quyết liệt vì phải nộp đất và mất quyền tư hữu, rồi cùng làm chung trong tập thể chấm theo giờ công, họ bất hợp tác. Mùa màng thất bát vì nạn sâu rầy do thiếu thuốc để chống lại. Với chính sách kiểm soát bằng hộ khẩu khiến mọi sự đi lại trở nên khó khăn… Lúc đó, tôi nghe nói đến “Tinh Thần Lạc Quan Cách Mạng”, nhưng tôi thấy tinh thần ấy thật là mong manh, tôi cũng vẫn thử để xem về sau sẽ thế nào, và sẽ kéo dài đến bao lâu? Còn nhiều vấn đề nữa, nhưng đại khái tình hình là như vậy! Lúc đó tôi nghĩ: “Không biết Liên Xô ngày xưa tiến hành cuộc Cách Mạng Xã Hội Chủ Nghĩa như thế nào chứ như tôi đã chứng kiến cũng như đã thấy thì khổ cho nhân dân quá! Nhà nước không đem sự sung sướng, của cải phong phú đến cho dân như trong lý thuyết, trong cái nói, tuyên truyền, mà chỉ gây bao nhiêu thiếu thốn, cùng cực tới mức độ thế ấy!”. Mấy ngày nay tôi được chiêm nghiệm về đất nước Liên Xô xưa cũ và nghe được phần nào về thể chế ấy! Sau nầy mới biết cuộc xây dựng Xã Hội Chủ Nghĩa ở Kampuchia nữa mới là độc đáo, thực là “độc nhất vô nhị” trên thế giới: Tự đày đọa, giết chết dân mình một cách “tàn ác, vô lương tâm, vô tội vạ” để xây dựng một chế độ Cộng Sản “diệt chủng”! Rồi tôi lại nhớ về câu nói của anh bạn tôi: “Giới trí thức rất dễ thâm nhập lý thuyết Karl Marx, nhưng lại là những người dễ bất mãn sớm nhứt”. Lúc trước khi nghe câu nói đó tôi khá ngạc nhiên vì ý tưởng trái chiều của nó, nhưng sau nầy tôi mới hiểu được rằng: Giới trí thức hiểu và tưởng tượng ra được nhanh cái con đường Karl Marx vạch ra, nhưng khi họ thấy sự thực hiện cái đường lối như thế đó, họ sẽ bất mãn ngay, thì câu nói của ông bạn tôi hay anh ta lập lại câu nói của người khác thì cũng là điều đúng, đó thôi!

Nguyên Thảo,
16/02/2020.




No comments:

Post a Comment