Cùng nhau ở trên
cái căn “flat” trên lầu ấy cũng tương đối là tiện, tuy nhiên vào mùa Đông nó hơi
lạnh vì chịu thêm cái lạnh của gió, nhưng chúng tôi vẫn còn là những thanh niên
nên có thể chịu nỗi. Có nhiều đêm tôi phải lấy cái mền trùm kín mít cái đầu, mặc
thêm hai cái áo; mà da thịt tôi cũng lạ kỳ, cứ mặc thêm nhiều áo thì lại hay ngứa
ngáy khiến mình khó ngủ, và khi trùm đầu mặt thì lại ngộp khó thở, cho nên dần
dà tôi phải tìm cách thay đổi cho tới cách tối ưu: Lấy cái mền lót phía dưới lưng
một phần cộng thêm lớp áo ấm trải ra, và phần mền trên kéo đắp kín đầu nhưng lại
chừa cái mặt và mũi ra, thế mà tôi lại thấy thoải mái hơn.
Bốn đứa cứ mỗi sáng
làm đồ ăn rồi kéo nhau đi học. Kiệt học ở trường High School (Trung học), còn tôi,
Liêm, Kim vẫn đón xe buýt đi đến trung tâm Pennington học Anh văn. Ba đứa chúng
tôi phải canh giờ xe buýt tới trạm ngoài đường lớn khi nào, và tính đoạn đường
khoảng chừng cây số từ nhà ra trạm đón xe đi khoảng bao lâu để thời gian đi đến
trường không phải trễ. Cứ như thế trong nhiều tuần. Trong những tuần ấy khi thì
Bob đến thăm, lúc thì Joeff thăm. Tội nghiệp Bob cứ thấy chúng tôi thiếu cái gì
thường hay kiếm đem cho, nhất là đối với Kiệt. Có lần tôi lại nhớ đến món cháo
tôm khô mà khi còn ở nhà tôi thường hay nói vợ tôi nấu để cho mấy đứa con ăn
sau ngày Giải Phóng, vì lúc đó với tình trạng đánh Tư Sản, các cửa hàng phải ngưng,
buôn bán dành riêng cho các cửa hàng Thương Nghiệp, cho nên thiếu thốn mọi bề.
Thịt thì người ta đi lậu nên chẳng có bao nhiêu mà lại mắc nữa, nên vợ chồng đành
nấu cháo tôm khô để cho con ăn cho có thêm chất thịt cá. Nhớ quá, tôi đành trổ
tài nấu “cháo tôm khô” để đãi Joeff và cùng nhau ăn. Kim, Liêm, Kiệt thì thấy lạ,
nhưng Joeff thì không biết thế nào mà anh ta cũng thốt lên là “Not bad”. Tính tụi
Tây là thế đó! Nó không chê dù là không ngon, đôi khi nó lại khen như là lấy lệ.
Họ không muốn làm mất lòng người khác!
Một hôm, vào giờ
giải lao, Thành đi qua lớp học trao cho tôi bao thư khá lớn, nó nói là Trọng đưa.
Tôi vừa nhận thì đã thấy chữ của vợ tôi, tôi nghĩ chắc là các giấy tờ cần thiết
cho việc bảo lãnh. Thật vậy, vợ tôi gởi thư cùng mấy đứa con viết thư cho tôi,
mỗi đứa một chút, kèm cùng tất cả giấy tờ mà tôi đã căn dặn vợ tôi phải gởi
qua. Tôi không ngăn được dòng nước mắt. Kiểm chứng lại rồi tôi mang đến phòng
anh Y nhờ anh xem đủ không để anh làm Hồ sơ bảo lãnh cho gia đình dùm. Nhưng vì
không đủ thời gian trong lúc nầy, nên anh hẹn sau khi tan học đến anh giúp dùm
cho. Xong buổi học, tôi đến nhờ anh điền đơn bảo lãnh cùng các giấy tờ kèm theo.
Như vậy vấn đề quan trọng tôi đã thực hiện xong, nhưng vào thời gian nầy chính phủ
Việt Nam hãy còn ngưng cứu xét các hồ sơ, sau khi cuộc biểu tình chống ông Ngoại
Trưởng Nguyễn Cơ Thạch của những người qua trước vào thời điểm ngày 16/03/1984 ở
Canberra, tức là một ngày sau khi tôi đặt chân lên đất Úc. Mấy ngày sau tôi mới
biết là mình đã nói sai tên địa chỉ nhà ở, thay vì “Trafford street”, tôi lại khai
là “Strafford Street”. Tôi có nói với anh Y về việc ấy, nhưng anh nói không
quan trọng vì có thể mình còn thay đổi địa chỉ, khi nào thay đổi nhớ cho anh biết
để anh điều chỉnh dùm cho. Thế là tôi hơi yên tâm! Bốn đứa chúng tôi cùng nhau ở
trên một căn flat lầu ấy được gọi là tạm ổn.
Tuy nhiên một ngày
nọ, ở trong lớp học vào giờ ra chơi, tôi và Kim đang ngồi nói chuyện với nhau
thì Thành đến. Nó nói với tôi là Trọng và Yến ra mướn nhà riêng rồi vì vợ chồng
Kiệt không muốn Trọng, Yến ở chung nữa. Nó nói Trọng, Yến kêu tôi và nó về ở
chung. Khi nghe tin đó thì tôi có nhiều suy nghĩ, vì từ trước tôi dự trù là ở
chung với những người độc thân, cho nên khi còn ở trong trại Tiếp Cư Pennington
tôi có ý cam kết với Bác Vỹ là do nguyên nhân ấy. Thế rồi tôi lại bỏ đi vì cần
có tiền để sớm gởi về cho gia đình, nay tôi đang ở với bạn bè thì lại có tin nầy.
Tôi kêu với Thành nói với Trọng để tôi tính lại sau. Vài ngày sau Thành cho hay
Trọng kêu tôi quyết định gấp rút để nó biết nó kêu người khác đến ở. Tôi thấy trong
hoàn cảnh ở chung đụng trong thời gian đầu trên xứ người nầy đã có nhiều trường
hợp “lỡ khóc lỡ cười” phức tạp xảy ra, thôi thì tôi cần đến ở với tụi nó thôi,
vì Thành đã dời qua ở rồi!
Chiều về tôi quyết
định nói với Kim, Liêm, Kiệt là tôi sẽ qua ở với Trọng, Yến, Thành. Kim trách tôi,
lúc đó tôi mới biết vài ngày nay Kim không vui cùng tôi sau khi Thành cho hay
Trọng kêu tôi về ở chung. Kim cho tôi là bỏ anh em.
Thế là từ đó Trọng,
Yến, tôi và Thành ở chung một nhà. Nhà có ba phòng ngủ. Trọng, Yến phòng lớn, Thành
phòng nhỏ, còn tôi chọn phòng ở ngoài sau, phòng nầy vốn được nối thêm từ mái
nhà gọi là “sleep out” cũng tương đối sáng sủa vì phần cửa sổ hướng ra phần sân
sau của vuông nhà. Sáng thức dậy tôi nghe tiếng kêu ríu rít của hai con chim
nho nhỏ màu trắng có tên gọi “canary” của Trọng đã mua ngày tôi mới qua, lúc mà
tôi và Trọng gặp nhau ở một chợ “second hand” ngoài trời của một sân chiếu bóng
lộ thiên! Trọng treo chúng ở cây chanh gần phòng tôi ngủ. Mọi việc về cơm nước
có chị Yến phụ giúp chúng tôi. Tiền mướn nhà, điện, điện thoại, nước (phần nước
xài lố) cùng hùn nhau để trả.
Một hôm, chị Yến
xem mấy tờ báo quảng cáo của các siêu thị thì thấy có các hàng rẻ, nên chị kêu
Trọng đi mua gởi về Việt Nam. Tôi và Thành cũng muốn gởi về cho gia đình chút ít
nên đi theo cùng Trọng. Tôi, Thành chưa biết thứ gì nên gởi về và thứ gì không
giá trị, mọi việc đều nhờ chị Yến và Trọng. Họ mua thứ gì thì chúng tôi mua thứ
ấy. Tất nhiên là hàng của tôi, Thành không được nhiều. Cuối cùng Trọng nói: “Thôi
được rồi, để tao chở hai đứa tụi bây xuống dưới anh Hai Bảo Liên, bảo đảm cho
hai đứa tụi bây mua thiếu một số vải, rồi tụi bây trả lần cho ảnh”. Hai đứa tôi
đồng ý, và xuống tiệm vải Bảo Liên của anh Hải, Trọng nói với anh để bảo đảm
cho anh em tôi mua thiếu một số vải để gởi về cho gia đình. Nhờ thế mà thùng quà
cũng tương đối được gọi là “coi cho được”! Khi xếp các món hàng vào trong thùng,
theo kinh nghiệm của Trọng cũng như nhiều người gởi trước thì phải dùng băng keo
băng khắp cả thùng quà, không phải là một lớp mà có thể là hai, ba lớp dù chúng
có nặng thêm một hai ký. Thà mình trả tiền thêm cho phí gởi một số tiền (mỗi kí
sáu đô Úc), còn hơn là bị rọc thùng và mất đồ khi về đến Sài gòn. Trong lúc băng
keo khắp thùng đồ, tôi lại tức cười nói với Trọng: “Đất nước mình sao lại khốn
khổ đến thế!”.
Sau nhiều tuần học
Anh Văn, khoá học cũng đến ngày chấm dứt theo học kỳ. Vào những ngày cuối cùng
Bác Phương đề nghị làm một buổi tiệc ăn mừng cùng chiêu đãi Cô Helena một buổi ăn
tại nhà hàng Việt Nam. Cả lớp tán đồng với đề nghị đó. Thế là mọi người hùn tiền
lại để chi phí cho buổi tiệc. Hôm đó tại nhà hàng tôi ngồi kế bên cô Helena và
phía bên kia là Bác Phương. Lúc đầu thì tôi cũng ngồi yên không nói như mọi khi
ở trong lớp học, nhưng sau khi uống xong một ly bia thì tôi lại bắt đầu nói nhiều
với cô Helena. Không biết tôi nói nhiều như thế nào, mà khi xong tiệc ra ngoài
Liêm, Kim nhìn tôi cười: “Bữa nay thấy Anh nói chuyện Tiếng Anh với cô Helena
khá đó chứ, vậy mà anh nói là tiếng Anh của anh tệ”. Tôi cười vã lả: “Chắc bữa
nay là rượu nói chứ tao đâu có nói”. Cũng từ lúc đó về sau tôi thấy mình dạn dĩ,
và tự tin hơn trong khi tiếp xúc bằng Tiếng Anh với người khác. Dù vậy, tôi luôn
biết thân phận mình vì trí nhớ kém nên tôi không hề quên thường xuyên đọc những
từ ngữ để chúng thâm nhập được chữ nào hay chữ đó. Quả thật sự học của tôi rất
là vất vả. Điều ấy không phải đến bây giờ tôi mới biết mà từ khi còn ở bậc Tiểu
học, cũng như khi lên Trung học Đệ Nhị Cấp tức là vào những lớp Đệ Nhị (lớp
11), hay Đệ Nhất (lớp 12) khi tôi phải học Ban A, tức chọn môn Vạn Vật là chính.
Cho đến giờ nầy tôi vẫn không hiểu là tại sao tôi có thể lấy được bằng Tú Tài I,
lẫn Tú Tài 2; điều đó chứng tỏ tôi phải bỏ công sức rất nhiều để lấy được thành
quả đó! Đã thế, vào năm Đệ Nhất tôi lại gặp biến cố từ những người lính ở hai địa
phương Phú Lợi vào đầu năm và ở quê mình vào cuối năm khiến cho tôi bị khủng hoảng
tinh thần làm trí nhớ lại càng tồi tệ hơn cho những năm về sau. Khi ra đi dạy tôi
phải tập luyện trí nhớ lại thật nhiều và trong thời gian lâu dài, giống như trường
kỳ mãi cho đến ngày nay.
Sau ngày mãn khóa
học, chúng tôi được nghỉ hai tuần. Ở nhà chẳng làm gì, Trọng nói tôi với Thành:
“Thôi ấy tụi bây đi với tao lên núi hái cải chơi. Bây giờ còn ít thì một đứa đi
tuần nầy một ngày, tuần sau đi hai ngày, thay phiên nhau. Đi làm chơi cho biết,
lúc nầy trên đó ít việc nên có nhiều đứa nó bỏ, tụi bây chun vô làm được đó”.
Tôi và Thành đồng
ý, thử đi làm xem cho biết ở đây làm như thế nào và cũng là để thử sức của mình
xem sao, để biết rồi sau nầy mình sẽ chọn con đường mà đi. Thành làm trước hai
ngày, tuần sau tôi sẽ làm hai ngày. Ngày đi làm tôi theo Trọng đi xe đến nhà
anh Sáu Khánh, người quen với Trọng lái xe chở đi. Xe chở năm người ra đi từ lúc
năm giờ rưởi sáng, đi lần theo những đường đèo chạy quanh co lên núi, có những
khúc quanh có bảng đề số 25 km, và có đoạn chạy dọc theo mấy cái hồ nước. Cảnh
ban đêm nên nhìn không rõ lắm. Đến khi trời tờ mờ sáng thì xe đã lên trên núi rồi.
Xe đi qua những xóm nhà không nhiều, ống khói vẫn còn nhả khói ra từ trong lò sưởi
củi từ xưa mà bây giờ người ta vẫn xài, nhưng trong thành phố người ta đã đổi
qua lò sưởi điện từ lâu. Điều nầy khiến tôi nhớ lại trong những bài học Pháp
hay Anh Văn, có những bài nói về những ngày Lễ Noel, hay Christmas Day có hình họa
kèm theo với cây thông cùng lò sưởi. Cảnh thật là nên thơ, nhất là có vẽ thêm đứa
trẻ nhỏ bò bên lò sưởi. Nhưng ngày đó chưa đến. Bây giờ chỉ là Tháng Bảy thôi!
Rồi khi xe qua
những đồng cỏ rộng có những con cừu ăn cỏ. Một cảnh khiến tôi thấy thương tâm hơn
là có những con cừu con, còn rất nhỏ chân đi chưa vững, màu trắng nõn rất dễ thương
mà phải chịu khung trời lạnh lẽo vào mùa Đông như thế nầy để đi ăn. Tôi thắc mắc
mà sao cừu lại đẻ con trong tháng nầy, thiên nhiên thật là oái oăm? Tôi nghĩ thế
nhưng rồi lại nghĩ lại: Tự nhiên cũng có những thích hợp của nó, cừu đẻ con chắc
tự nhiên là thế đó, tất nhiên cừu con cũng có thể đáp ứng trong điều kiện như vậy!
Rồi tôi lại nhớ đến chuyện Trang Tử nói với bạn về: Con cá lội đang vui. Người
kia lại hỏi là: Anh có là cá đâu mà biết cá đang vui?
Xe đến nơi, xem đồng
hồ thì chúng tôi đã phải đi hon một tiếng đồng hồ. Ở đây đã có chừng khoảng 20
người rồi. Họ đang chuẩn bị để vào hái cải, ai cũng mặc bộ đồ mưa màu vàng cùng
nón nhựa và mang cả đôi giày bốt. Trọng đã chuẩn bị luôn cả cho tôi rồi, đồ đó
là của chủ phát. Bạn của Trọng đã nghỉ nên bộ đồ đó cho tôi và Thành mặc. Tôi hỏi
cải đâu, Trọng chỉ mấy cây ở kế bên. Tôi tưởng cải là những cây giống cải bẹ
xanh, hay cải để làm dưa chua, nhưng không: Cải đây là những cây giống như cây đu
đủ nhưng thấp chừng hơn đầu gối chút ít, mà trái đeo đặc cũng giống như những bắp
cải nhỏ xíu, Trọng nói tên nó là Brussel Sprout. Khi vào hàng Trọng làm những động
tác hái cho tôi để tôi bắt chước làm theo. Tôi làm cũng không khó vì Trọng,
Huynh, hay Trí Mai đến chơi cũng có nói nhiều rồi!
Nguyên Thảo,
25/02/2020.
No comments:
Post a Comment