Thursday, March 19, 2020

* Cái "Ý Thức"!



Tôi gọi “Ý Thức” là “Cái” vì thực sự ý thức rất quan trọng trong đời sống con người, nếu không nhấn mạnh nó là “Cái” thì người ta dễ quên lãng, cái quên lãng ấy sẽ gây nên nhiều phiền toái cho những người chung quanh, nhất là trong đời sống của xã hội mà mọi người đều có chung đụng, quan hệ nhau trên nhiều lĩnh vực. Ý thức cũng là khía cạnh, bình diện của Triết học mà các triết gia để tâm nghiên cứu, phân tích khi mổ xẻ về đời sống của con người!
Nếu con người sống riêng lẻ, hoặc là đến nơi “thâm sơn cùng cốc” nào đó ẩn tu thì không phải cần đến ý thức. Họ có thể tự do, thoải mái muốn làm tất cả những gì mà họ muốn. Những điều ấy không thể, nhất là trong một xã hội, lại là xã hội của loài người! Một cái xã hội được coi là “cao cấp nhất” trong mọi xã hội thú vật trên thế gian nầy, do trong xã hội ấy tất cả thành viên đều có tư tưởng, suy nghĩ, và hiểu biết!
Khác với mọi loài vật, loài người được tạo hóa ban cho một trí não biết “suy tư, suy nghĩ” như nhà bác học Pascal đã nhận định “Là cây sậy biết suy tư”, từ suy tư ấy mà loài người đã làm được nhiều điều, nhiều thành quả mà loài vật không thể làm được. Do đó mà loài người đã thống trị trên thế giới của quả đất. Không những vậy, loài người còn trao truyền những kiến thức ấy cho thế hệ sau để họ tiếp tục phát huy các thành quả tiến bộ hơn. Theo như vậy, loài người quả là “ưu việt” trong tất cả mọi loài. Để minh chứng điều ấy ta quan sát vào các công trình hiện diện trên mặt đất hay kết quả của khoa học, kỹ thuật, tin học, y học, cơ khí… hiện nay thì chúng ta sẽ thấy rõ điều ấy.
Thế nhưng, con người cũng là những sinh vật, nó luôn tiềm ẩn trong mình những cái “bản năng” của cá nhân, cái ‘bản năng” hoang dã vẫn hiện hữu khi cần thiết hay gặp những hoàn cảnh “thúc ép” thì bản năng ấy hiện ra. Đó là bản năng “Tranh đấu để sinh tồn”! Một khi bản năng ấy xuất hiện thì nó lại “khủng khiếp” hơn đối với các loài vật khác! Cũng may con người còn có những tôn giáo để kìm hãm chúng lại và đưa thế giới nầy trở lại sự êm thấm và chịu đựng để không phải phạm tội, sống đời thiện lành! Và có điều quan trọng hơn cả: Đó là sự giáo dục!
Con người còn có cái bản năng khác hay cái tính tình khó ưa mà trong bất cứ hoàn cảnh nào và ở đâu cũng đều có là “thích ngồi không” hay “không làm” để lấy công của người khác mà thụ hưởng. Chắc cũng chính từ “bản năng” ấy mà sự “đóng góp cùng nhau” về lương thực kiếm được trong xã hội nguyên thủy không còn nữa, để tiến lên sự tan rã của xã hội nguyên thủy, đi đến giai đoạn cá nhân tách rời và biến thành “chiếm hữu”. Đó cũng chính là cái “Ý thức tập thể” không có được ở từng con người! “Ý thức về riêng mình” hay gọi đúng hơn là “sự ích kỷ” lúc nào cũng chỉ biết “có mình” chứ “không nhìn về người khác” nầy luôn tiềm tàng nơi mỗi cá nhân, nó chỉ chờ cơ hội để bộc phát lên mà thôi! Cái “Ý thức” ấy được nêu rõ trong môn “Duy thức học” của Triết lý Đạo Phật, nó chính là cái Thức Thứ Bảy hay là Mạt Na Thức mà điển hình là hình ảnh của Trư Bát Giới trong truyện Tây Du Ký. Trư Bát Giới chỉ thích ăn, ngủ, ham dục lạc, chỉ biết mình chứ không lo cho người khác… “Con heo lòng” nầy gây ra nhiều tội lỗi, tạo nên nghiệp sâu nặng của từng cuộc đời mà người ta phải trả quả. Cũng do từ “ý thức” cá nhân như thế mà những quan chức đã từng lấy “công quỹ”, “của công” để làm của riêng. Họ tiêu xài, ăn cắp tài, vật của nhà nước, chính phủ để đem về thụ hưởng cho cá nhân và gia đình, chứ không nghĩ tài vật ấy là của người dân, từ tiền đóng thuế của biết bao nhiêu người đi làm. Thậm chí họ còn dùng quyền lực để “cưỡng bức” người dân phải hối lộ cho họ để họ có thêm nhiều tiền sống cuộc đời xa hoa, phung phí. Họ “đục khoét” ngân sách mà nước ngoài viện trợ, thay vì xây dựng đất nước. Món nợ ấy khiến những thế hệ con cháu sau nầy phải “nai lưng” ra làm mà trả! Nhưng thói đời người ta không nghĩ đến tài sản của đất nước là do người dân chung sức góp vào qua tiền đóng thuế, mà cứ nghĩ là của nhà nước, chính phủ nên họ không cần phải ăn năn, áy náy khi họ “vô tư” cắt xén, tham nhũng, ăn cắp! Còn người dân thì sao? Với tư tưởng “muốn không làm mà có” họ sinh ra trộm cắp, ăn cướp, cướp của giết người, gây đau khổ cho người khác!
Để giảm bớt tình trạng ấy trong xã hội, người ta đã nghĩ đến một tôn giáo, hay các tôn giáo góp phần vào sự giáo dục thiện lành để con người sống hiền hòa trong các tập thể và biết nghĩ đến người khác. Nhất là các chương trình giáo dục con người và người dân trong trường học cũng như trên các phương tiện truyền thông rất ích lợi cho người dân trong nước cũng như trong xã hội loài người. Các nội dung về “giữ vệ sinh chung” nơi công cộng, cũng như quán ăn… khiến mọi người có ý thức hơn. Nếu chúng ta đi vào một quán ăn mà trên sàn nhà nhiều giấy rác, hay khạc nhổ bừa bãi thì món ăn dù có ngon cách mấy ta cũng thấy đáng sợ. Hai bên đường phố sạch sẽ không rác rến cũng hấp dẫn cảm quan người đi qua hoặc tham quan. Nhìn vào địa phương nào đó mà ta thấy sự sạch sẽ, gọn gàng ta có thể đánh giá được nếp sống của người dân tại địa phương, hay trách nhiệm của giới lãnh đạo, hoặc kết quả của đường lối giáo dục ở địa phương ấy. Nếu nhìn từ địa phương, mà nhân ra đến phạm vi quốc gia thì ta sẽ thấy rõ được sự sống của người dân lẫn sự điều hành của giới cầm quyền cũng như công tác giáo dục ở quốc gia đó như thế nào! Sự ý thức nhiều hay ít là do từ từng cá nhân, nhưng nếu nó được giáo dục trường kỳ từ đời nầy sang đời khác, từ trong trường học ngay lúc còn nhỏ cho đến lúc lớn thì ý thức cũng được “trở thành những phản xạ tự nhiên” tốt. Đó là chưa nói đến sự cộng tác của các phương tiện truyền thông. Giống như trước kia ta không biết lái xe, sau khi học lái, thi lấy bằng, rồi lái mãi ta cũng sẽ quen về luật cũng như cách lái và các hành động ấy trở thành một “phản xạ tự nhiên” lúc nào ta cũng chẳng hay!
Cái “Ý thức” đôi khi nó phải đi với những hình phạt: Giả sử như muốn tránh nạn xả rác bừa bãi nơi công cộng, quán ăn thì ta sử dụng cách giáo dục trước bằng những thông báo, yêu cầu trong một thời gian nào đó. Sau thời gian đó ta xử phạt những ai vi phạm với hình thức nhẹ. Rồi sau đó sự phạt vạ càng ngày càng nặng hơn thì tự nhiên người dân sẽ có “ý thức” về rác rến. Cũng thế ta có thể tiến hơn về nhiều phương diện như uống rượu, lái xe, gây rối trật tự công cộng, v..v..  cùng nhiều phương diện khác.
Nhân đọc tin tức về chuyện “NCoV- Vũ Hán 19” thấy người ta chửi, comment nhiều về “cô nàng con gái nhà giàu” của bệnh nhân 17 là thiếu “ý thức cộng đồng” đi chơi rồi đem bệnh về lây truyền, làm khổ cho nhiều người (mấy trăm người trên máy bay, nhân viên bệnh viện, mấy trăm người đang điều trị ở bệnh viện và khu phố, lây cho bệnh nhân 21, rồi bệnh nhân 21 kéo theo nhiều viên chức khác) tôi thấy cũng hơi chạnh lòng! Ý thức nó không phải ở chỗ giàu hay nghèo, mà ở chỗ từng cá nhân do sự hiểu biết và “nghĩ” đến mọi người hay không? Có người trở thành “Tỉ phú” mà họ chỉ lo thụ hưởng “làm nổi”, “chơi nổi” thì cũng chẳng ích gì, làm sao so sánh được với “Tỉ phú Bill Gate” khi vừa tin có dịch ông ta bỏ ra hàng chục triệu đô la để giúp nhân loại chống dịch: Tỉ phú như vậy mới đúng là “Tỉ phú” từ “Thực tế cho đến Tâm hồn” đáng làm gương mẫu cho nhiều Tỉ phú, cũng như các Nhà Giàu khác nên học hỏi và sống ở đời! Nhất là những Nhà Giàu của nước ta.
Bởi thế, ý thức không phải dễ dàng mà có được!

Đồ Ngông,
20/03/2020.




No comments:

Post a Comment