Friday, March 6, 2020

*Cái Chết!



Tiêu đề nầy chắc chẳng mấy ai thích, nhưng dù sao nó vẫn là mục tiêu cuối cùng của cuộc sống, và nhất là trong dịch bệnh NCoV-19 phát sinh từ Thành phố Vũ Hán của tỉnh Hồ Bắc bên Trung Quốc từ tháng 11, 12 năm 2019 đến giờ, cùng lan ra khắp nhiều quốc gia trên thế giới. Dịch bệnh khiến mấy ngàn người chết, hàng trăm ngàn người nhiễm, nhưng con số ấy vẫn chưa chấm dứt mà còn gia tăng mỗi ngày khiến nhân loại luôn trong hồi hộp lo âu. Thế thì chúng ta hiểu gì về “Cái Chết”? Cái chết có đáng sợ lắm không? Và chúng ta sẽ đối diện nó trong quan niệm nào? Đó là những vấn đề ta thử tìm xem ra sao? Có người nói; “Chết không sợ, chỉ sợ bệnh, nhất là lây lan cho người khác thì càng thấy ân hận hơn”!
Từ xưa tới nay chẳng ai muốn mình chết cả, bằng chứng là đối diện với cái chết, người ta vùng vẫy, muốn thoát khỏi đó. Nhưng chết là một sự kiện mà chúng ta dù muốn dù không đành phải chấp nhận khi mà nó đến! Ai cũng muốn sống, dù cuộc sống nầy nhiều khổ hơn vui, sống thì phải vất vả làm việc, chạy tất bật cho miếng ăn hay đúng hơn là “cơm, áo, gạo, tiền” không những cho chính mình mà cả gia đình. Người ta không muốn chết, có những người nghe nói đến cái chết họ không thích, kiêng kỵ; mà ngay cả họ không hề đi tới thăm viếng mấy đám tang của bạn bè. Họ sợ chết đến như thế! Từ trong lịch sử có nhiều ông vua muốn “trường sinh bất tử” để hưởng thụ cuộc đời sung sướng nơi vương giả. Nhưng rồi theo quy luật thiên nhiên về cuộc sống “sinh, lão, bệnh, tử”, vật chất thì “sinh, trụ, dị, diệt”, hiện tượng thì “thành, trụ, hoại, không” không chừa một ai! Dù có nhiều thầy thuốc tài giỏi cố tìm các phương thuốc để “cải lão hoàn đồng”, trường sinh nhưng vẫn chưa được thành công! Ngay cả đối với những con vật cũng vậy, khi cận kề cái chết nó cũng muốn thoát chạy, dùng hết sức để vượt qua, hoặc là chảy nước mắt hay kêu rống lên đau đớn trước khi không còn sống nữa.
Tuy có những con người sợ chết thì cũng có những người suy nghĩ ngược lại. Họ cho chết là điều tất nhiên sẽ phải đến cho nên không cần thiết quan tâm cho lắm. Họ cho chuyện chết là “tránh đường, nhường chỗ” cho thế hệ khác tiến lên theo kiểu “tre tàn, măng mọc” hay chết là “dứt nợ đời”, là “sẽ không còn biết đến đau khổ, vất vả nữa” thì chuyện sống hay chết, nó không là quan trọng. Nhưng cái điều mà người ta quan tâm nhiều là chuyện “bệnh” hơn là chuyện chết! Vì bệnh sẽ làm cho người ta đau đớn, mòn mỏi sức để chống chọi, phải chịu đựng trong thời gian dài nếu những bệnh ấy là những bệnh kinh niên. Người ta không sợ những chứng bệnh nhanh chóng chết, lại sợ những bệnh kéo dài mà trong đời ai biết được! Bệnh kinh niên, lâu sẽ hành hạ thân xác con người trong thời gian dài, có khi “muốn chết mà chết không được”. Thế rồi người dân gian thường ước nguyện “được chết trong yên lành, nhanh chóng để không phải làm khổ cho chính mình và người thân hay con cháu”!
Tôi viết như vậy cũng là một phần nào “những cái quan niệm” trong dân gian và cuộc sống của đời người để quý độc giả lược sơ qua về cái chết; chứ cái chết không ai có thể định trước hay đoán trước được, ngay cả những người tự tử. Đối với những người chọn cái chết để được lên Thiên Đàng với niềm tin được ban mọi điều sung sướng cùng bảy Trinh Nữ của các kẻ “khủng bố” “Tử vì Đạo”, nhưng đó chỉ là “Niềm Tin” chưa được “Chứng Thật”! Hầu hết các Tôn giáo chỉ nói đến những điều “Sau Khi Chết” của con người; có người chết đi sống lại trong thời gian ngắn nào đó vẫn không xác định được “những điều” sau khi chết khi mà họ được sống lại! Dù là như thế, Tôn Giáo vẫn là nguồn an ủi, để người ta bấu víu, nương tựa vào trong những lúc đau khổ cùng cực. Đó là “Niềm Hi Vọng” của cái hộp mà nàng “Pandora” đã mở theo chuyện Thần Thoại Hi Lạp!
Với “Cái Chết” thì không biết khi nào. Có thể là “Đột Ngột” như những trường hợp đột tử do bệnh tim, đứt gân máu não, hay xe đụng, lạc đạn, trúng gió, tai nạn giao thông, hay thiên tai… Có những trường hợp kéo dài, đau đớn qua những căn bệnh trầm kha như Ung thư chẳng hạn…mà chúng ta không thể biết được! Cái đó thì tùy…!
Tùy theo tôn giáo mà người ta tin theo để có cái quan niệm về “Cái chết”! Như trong dân gian của người Á Đông thì quan niệm do “Ông Trời”, Ông Trời sinh ra tất cả, mọi thứ trên thế gian nầy cũng đều do Ông Trời mà ra, ngay cả hành động của mỗi con người, sự tàn tật, bệnh hoạn, thiên tai, chết chóc hay nhũng cái kỳ dị, khác thường cũng đều do Ông Trời hết thảy. Nhất nhất cái gì cũng do Trời làm, Trời sinh ra. Đôi khi, khi người ta nhờ vào khoa học đã biết “Ông Trời” ngày xưa không phải là một “Ông”, mà chỉ là một “Định Tinh” trong vũ trụ thì người ta đã chuyển qua “Tạo Hóa”, hay Đấng Tạo Hóa. Thì cũng giống như vậy, những tôn giáo “Độc Thần” thay vì nói đến “Ông Trời” như phương Đông, thì họ cho có một Đấng Tạo Hóa sinh ra, nắn nót mọi vật và sinh vật đặt để trong cuộc đời nầy và khiến chúng làm, sinh hoạt như những con rối được điều khiển trong một sân khấu vĩ đại, Đấng đó cũng được gọi bằng “Những Danh Từ” khác chẳng hạn. Do đó “Cái Chết” được định đoạt từ những Đấng Tối Cao ấy! Còn trong Đạo Phật thì do vì từ Vô Minh (Không Biết) mà Tâm Thức chúng sinh đã bỏ cõi “Sáng Suốt” để “Đi Vào” trong vòng Luân Hồi, rồi tạo nghiệp trong nhiều kiếp, những nghiệp đó đan xen với nhau nên chúng sinh phải trả quả. Tùy theo các quả trổ ra trong từng kiếp mà chúng sinh có những hình dáng, khúc quanh trong cuộc sống khác nhau. Đến khi trả hết quả trong kiếp ấy thì chúng sinh sẽ “mãn kiếp” giống như những vai trong tuồng hát, khi vai diễn đã xong thì họ ra ngoài, không còn đứng trên sân khấu nữa. Như vậy “chết là trả hết nợ đời” không có gì là lo âu, luyến tiếc! Còn chết như thế nào là do nơi cái quả mà mình phải trả! Đó là những ý niệm mà trong tôn giáo đã quan niệm!
Tôn giáo nhằm giải thích và đưa những ấn tượng lạc quan đến cho chúng sinh, nhất là con người để tin tưởng vào một đời an lạc, sung sướng hơn so với cuộc đời đau khổ của hiện tại, nhằm an ủi, thúc đẩy ước mơ, hi vọng cho tương lai để con người có thể hi vọng mà sống! Thói thường người ta rất sợ đến “cái chết”, tuy nhiên khi mà người ta chán nản đến cùng cực, hay liều lĩnh không sợ đến cái chết nữa thì chuyện gì người ta cũng dám làm. Cho nên trong đời, người ta rất sợ những kẻ “liều mạng” là như vậy!
Nhân trong tình trạng “Đại dịch” từ Thành phố Vũ Hán đã lan rộng toàn nước Trung Quốc sang đến nhiều nước và lãnh thổ trên thế giới, khiến cho nhân loại xôn xao vì sợ lây bệnh, bệnh hoặc bị chết; Đồ Ngông tôi cũng xin lạm bàn về “Cái chết” để chúng ta “thấy” vài ý niệm về cái sống, rồi mình có thể có ý niệm tích cực hơn khi mình phải đối diện với cái điều mình không mong muốn! Để rồi, vẫn “lạc quan” mà đi giữa đời nầy!

Đồ Ngông,
14/02/2020.




No comments:

Post a Comment