Sunday, January 24, 2010

Học Là Con Đường Ngắn Nhất Tiến Tới Tương Lai Xán Lạn!

Con yêu dấu,
Đây là bài quan trọng nhất trong loạt bài Ba viết cho con, và cũng là bài cần thiết nhất mà lứa tuổi của con cần phải có khái niệm, ý thức, mục đích để theo đuổi. Nó sẽ giúp cho con có một tương lai vững chắc, sung sướng, hạnh phúc; đồng thời hổ trợ con trong việc nuôi, dạy con ở sau nầy. Ba chỉ sợ rằng ba không đủ khả năng diễn tả, lột hết ý nghĩa về tầm quan trọng của nó. Nhưng Ba cũng sẽ "ráng" với mọi khả năng sẵn có của Ba!
Con ạ,Con người ai cũng vậy, được "sinh ra" và "lớn lên". Tới tuổi thì vào lớp, vào trường để học tập. Đó là khả năng ưu việt của loài người mà con không thể thấy ở loài nào khác. Con có thể hiểu được sự học và ích lợi của nó thì con mới dấn thân vào. Mà sự dấn thân đó sẽ hoàn toàn có lợi cho con. Nhưng cuộc đời không đơn giản như vậy! Vì ở trong con, trong lứa tuổi của con có hai hướng đi trái ngược: "Học tập" và "Đi chơi". Học tập là một thái độ, một tập tánh của xã hội; còn đi chơi là bản năng của con người.
Trước hết, có lẽ Ba phải viết về "Đi chơi": Bản năng của con người! Con người từ lúc khi còn là con vật, là vượn người thì nó chẳng có học hành gì cả, sống rất thoải mái, đi chơi, đùa giởn. Đói thì đi kiếm trái cây, khoai củ; khát thì đến bên giòng nước uống nước; chỗ trú là những nơi hang động. Sống thì cũng có thể dăm ba người rời rạc, chưa kết đoàn. Nhưng sau vì kinh nghiệm, bản năng sinh tồn phải kết hợp từng nhóm đông hơn để chống chọi lại thú dữ: Voi, cọp, sư tử, báo....Đá, cành cây là vũ khí; qui ước ngôn ngữ là sự thông tin. Rồi, bước tiên đầu tiên xa hơn là vấn đề kinh tế. Con cứ nghĩ với số đông người như vậy thì trái cây, khoai củ lâu ngày tất phải hết, đoàn vượn người đó di chuyển đến nơi khác. Và sự di chuyển đó gặp một nhóm khác thì theo con nghĩ sự việc gì sẽ xảy ra: Một là chiến tranh giành lấn chiếm đất; hai là bỏ đi. Mỗi năm nhân số sinh sản mỗi đông hơn, thức ăn hạn hẹp đi, thì tới giai đoạn phải tìm thêm thức ăn khác: Săn bắn, bắt cá, bắt thú vật nhỏ. Và qua quá trình tiến hóa từ loài vượn người biến thành người; từ nhóm nhỏ kết đoàn thành bộ tộc; từ ăn sống đến chín qua ngọn lửa; con người sống với bản năng của mình: Ăn và chơi. Nhưng cũng từ các biến chuyển đó, con người đã có kinh nghiệm, biết cách nào hái trái cây dễ hơn, biết chỗ nào có củ để ăn; biết làm sao để bắt được cá; cách nào để bắt được chim, thú. Sự truyền thụ, dạy dỗ, hướng dẫn cũng theo đó mà càng ngày càng phong phú. Các điều ấy trở thành "giáo dục" và "học tập". Giáo dục, dạy dỗ là phương cách của những người lớn tuổi, có kinh nghiệm truyền đạt lại cho người khác, trẻ nhỏ. Học tập là cách thức của người nhận, của trẻ con. Đó là khái niệm, hình thức đầu tiên hình thành về giáo dục: Khởi nguồn từ vấn đề kinh tế. Nhưng con nên nhớ rằng con người còn có trí khôn và suy nghĩ nữa, cho nên bộ óc con người đã ghi nhận rất nhiều sự kiện về kinh tế, sinh hoạt, xã hội lẫn suy tư. Vì vậy, mà kiến thức của loài người truyền lại hiện nay thật phong phú và đa dạng. Do nơi tìm kiếm thức ăn càng ngày càng khó khăn, phải di chuyển từ nơi nầy đến nơi khác, và với điều kiện thời tiết bắt buộc phải làm chỗ trú ngụ. Từ đó, con người phải tận dụng những gì sẵn có ở tại chỗ để làm chòi, chỗ trú ngụ tạm. Đời sống du mục mãi cũng không đủ ăn. Cuối cùng đoàn người phải tìm nơi nào đất tốt, điều kiện sinh sống dễ dàng để dừng lại, bắt đầu hình thức làng mạc ra đời. Song song vào đó, kinh tế cũng có khác đi: Trồng cây ăn trái, chăn nuôi thú rừng biến chúng thành gia súc, đào ao thả cá, trồng khoai tỉa đậu, và khai khẩn đất để trồng lúa, lúa mì...Sự truyền đạt kinh nghiệm lúc nầy lại càng đa dạng, phong phú thêm, trẻ con được chỉ dạy nhiều hơn. Từ ngôn ngữ khó nhớ, biến thành qui ước về chữ viết để ghi lại những điều muốn truyền thụ cả cho người dạy lẫn người học.Và con có biết không? Với sự thành hình của chữ viết loài người đã ghi lại những kiến thức, suy nghĩ, kinh nghiệm của mình trên các phiến đá, trên gỗ, trên các tấm da, trên vỏ cây hay trên trang giấy để lại đời sau. Đó là các di tích văn hóa, văn chương hay thể hiện nền văn minh của các vùng. Tất cả cùng góp sức chung vào sự tiến hóa của nhân loại!Bây giờ con được đi học, đi vào trường con có biết vì sao không? Con có bao giờ nghĩ là con đi học để làm gì không? Nếu con càng hiểu được rõ ràng cái mục đích, cái nội dung mà con học thì con mới càng thích thú và chăm chỉ học hơn. Ba nghĩ rằng con cũng có được chút ít về khái niệm, nhưng Ba sẽ cố gắng ghi lại để con thấy chương trình mà con đang học không phải là đơn giản, cũng không phải là một ngày một buổi mà hình thành được đâu.
Con ạ,
Trước hết Ba sẽ lướt qua về hình thức giáo dục; rồi sau đó Ba sẽ đưa con đi vào một số điểm nội dung.Con thấy nhà trường hiện nay thường có cơ sở nguy nga, tổ chức rất tươm tất, phương tiện đầy đủ. Con có thể bình phẩm trường nầy giàu, trường kia nghèo; trường nầy dạy hay, trường kia dạy dở... Nhưng có một lúc, con xem trên truyền hình thấy chiếu cảnh học trò ở cảc xứ nghèo hay ở những làng quê xa xôi nào đó: Thầy cô giáo phải ngồi ghe thuyền, đi xe vào tận làng quê xa để dạy. Lớp học chỉ có vài đứa học trò, thầy trò cùng ngồi dưới bóng mát của cây to. Lớp học là thế đó! Đó là những lúc rỗi rảnh, nếu gặp vụ mùa, học trò phải đi làm phụ giúp cha mẹ nữa thì lớp học đành phải đóng cửa. Thật giống như cái cảnh mà nhà thơ Cao Bá Quát đã ghi:Một thầy, một cô, một chó cái,Trò thì nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi.Sự hình thành trường lớp bắt đầu từ sự hướng dẫn, giảng dạy của những người có kinh nghiệm, có hiểu biết cho một số người hay trẻ con trong thôn xóm về một số kinh nghiệm làm việc, sinh hoạt, săn bắn... nào đó. Rồi qua sự thông thương qua lại giữa các bản làng, thôn xóm, các nơi; kinh nghiệm, kiến thức của con người càng ngày càng phong phú. Trường lớp được mở rộng thêm, chương trình dạy nhiều hơn và trẻ con cũng được cha mẹ cho đi học đông hơn. Cái kết quả thực tiển là những kẻ "có đi học" làm việc, suy nghĩ hay lãnh đạo gặt hái nhiều thành công, làm cho kinh tế giàu có, phồn thịnh; cách giải quyết được lẹ làng, nhanh chóng. Từ đó, lớp học ngày càng mở thêm nhiều, học trò lại đông hơn và phương pháp truyền thụ cũng phải biến chuyển theo: Sao cho "kết quả truyền đạt" được kết quả khả quan nhất và thích hợp với tâm sinh lý của trẻ con trong từng giai đoạn nào đó.Con có biết không? Thời trước người ta dùng roi, hình phạt nghiêm khắc để bắt học trò phải học. Dần dần cách thức ấy có vẻ hành hạ học trò quá! Nên người ta, hay đúng hơn là những nhà nghiên cứu về giáo dục thấy cần phải tìm ra các cách giáo dục khác "hay và tốt hơn" giống như phương pháp giáo dục hiện nay mà con đang được đối xử trong nhà trường. Song song vào đó, người ta tiến đến một hình thức quản lý mới: Ấy là sự quản lý bằng tổ chức và những quy ước về luật lệ hay là kỹ luật. Tựu chung là làm thế nào để cho học trò đi học được vui vẻ, thoải mái; hân hoan mà tiếp nhận các kiến thức được truyền thụ tới mức tối đa tùy theo lứa tuổi, trình độ của chúng.Sự thay đổi như vậy, kéo theo sự thay đổi của các thầy cô. Họ cũng phải được đào tạo từ các trường dạy "dạy học" (Teaching school), sư phạm (Pedagogy) với những đòi hỏi trình độ kiến thức nào đó về kiến thức phổ thông, tâm lý, tổ chức... mà một người "giáo chức" cần phải có. Đến đây, chắc con không thể ngờ rằng sự việc con tưởng là đơn giản mà lại qua một quá trình gay go và phức tạp, lâu dài đến thế!
Chưa đâu con ạ! Ngay cả cơ sở trong trường học cũng vậy, nó cũng thay đổi theo phương pháp cả từ việc bắt học trò học thuộc lòng như ngày xưa, dần dần việc giảng dạy cần có học liệu, hình ảnh chứng minh, thí dụ cụ thể, chuyện kể; và bây giờ lại có thêm máy vi tính, truyền hình, máy chiếu... Sự tốn kém để dạy cho các con học hiện nay phải chi phí rất nhiều. Con thử nghĩ: Nếu có kẻ nào phá hoại trường học, thì biết bao nhiêu đứa học trò sẽ bị thiệt thòi và mức thiệt thòi sẽ là bao nhiêu? Con có thể ước lượng được không?Này con! Đó mới chỉ là hình thức, tổ chức, phương tiện để thầy cô giảng dạy con học thôi. Chứ về nội dung thì còn trải qua quá trình rất dài và tổng hợp của biết bao nhiêu là người tài giỏi trên thế giới từ xưa tới nay. Nói chung, đó là những tri thức của nhân loại. Chỉ riêng về khoa học thôi, một điều con học ở nhà trường nó phải mất bao nhiêu thời gian để kiểm nghiệm về tính chính xác của nó. Trước tiên người ta phải quan sát về một hiện tượng như Newton thấy trái táo rơi xuống đất, liền đặt một câu hỏi: Tại sao nó lại rơi? Tại sao rơi xuống đất mà không rơi theo chiều khác? Sau vài lần quan sát các vật khác nữa, rồi người ta mới đặt ra giả thiết, Newton đã nghĩ: Có thể có một sức hút nào đó từ trong trái đất! Tiếp theo là các kiểm nghiệm để chứng minh điều ấy, cuối cùng mới đưa đến một kết luận; ta mới có Định luật Newton về vật rơi. Con có thấy không, con chỉ học về Định luật Newton trong vài phút đồng hồ mà Newton đã tốn thời gian biết là bao lâu. Và còn... còn nhiều nữa. Trong mỗi môn học đều là tổng hợp vốn hiểu biết của con người từ lúc khởi thủy cho đến ngày nay. Con học bao nhiêu môn học là con tiếp thụ vốn của bao nhiêu "dòng tri thức" của nhân loại mà ngành giáo dục, người viết sách, người soạn chương trình đã sắp xếp vào đề mục, có hệ thống, thích hợp theo từng lứa tuổi cùng sự mở mang trí óc của con.Đến đây con có thấy sự học của con rất có ích, và không đơn giản lắm không? Vậy con hãy suy nghĩ, phải quyết định thế nào: Học hay là đi chơi? Dù thế nào con cũng phải học xong lớp 12, tốt nghiệp bậc Trung học đi đã: Tức là sau bậc nhà trẻ, mẫu giáo và 12 năm trong trường học. Bao nhiêu người cùng đi học, đều phải bỏ thời gian như nhau; không lẽ mình lại học dở, quá tệ thì con không thấy uổng phí thời gian lắm ư? Chỉ cố gắng một chút, một chút ít thôi sự học của con sẽ có kết quả, với kết quả tốt nghiệp lớp 12 khả quan, con sẽ chọn được một ngành học, sau nầy nó sẽ là nghề vững chắc, một nghề có ích cho xã hội mà lương bổng lại hậu hỹ. Con có hiểu được chiều hướng tiến mà Ba viết cho con chưa? Hãy ráng lên con ạ! Tương lai tươi sáng đang chờ con đó!xXxTrong lứa tuổi trưởng thành của con, con gặp phải hai chướng ngại lớn sẽ ảnh hưởng vào sự học của con. Tại sao là hai chướng ngại lớn? Vì nó là hai "bản năng". Con có biết Bản năng là gì không? Bản năng là khả năng, là bản tánh tự nhiên của con người, là tự nó có trên bước đường trưởng thành của thân xác và trí óc. Đó là "Sự ham vui, đi chơi"; và "Tình yêu".Ba sẽ viết cho con về sự ham vui, đi chơi trước. Rồi sau đó, Ba sẽ đề cập đến vấn đề tình yêu.Đã nhiều lần Ba thấy con sửa soạn bắt đầu ngồi vào bàn học, con vụt nhớ đến bạn bè, hay điện thoại gọi đến thì con lại bỏ đi ngay. Và rồi, có khi đi đến nửa đêm con vẫn chưa về, mẹ con phải thấp thỏm, hồi hộp để chờ đợi con!Làm con người ai cũng ham vui cả, chỗ nào chơi vui thì mình thích tới, nơi nào mình thấy hứng khởi thì mình hay tham dự. Ở đây, Ba sẽ nói chuyện với con về một câu chuyện trong Đạo Phật. Câu chuyện đó bắt đầu cho kiếp người, cho các nẽo luân hồi mà cũng tiêu biểu cho ảnh hưởng của việc ham vui. Trong Đạo Phật coi tất cả mọi loài đều có một khởi điểm chung: Đó là Phật tánh. Vật nào có đời sống, có mạng đều là chúng sanh. Từ Thánh Tiên, Thần, Người xuống đến loài thú vật, loài ma quỷ và tất cả loài trong địa ngục vẫn gọi chung là chúng sanh. Mọi chúng sanh đều bình đẳng, vì tất cả đều có Phật tánh như nhau. Nhưng tại sao có sự khác biệt đó? Trong "Thập nhị nhân duyên" đại khái như thế này: Khởi đầu là mọi Phật Tánh đều ở trong cùng một cõi yên tịnh gọi là Chơn Như hay Niết Bàn, nhưng vì Vô minh tức là cái Sự không biết, mê muội, u tối, mờ mịt che mất sự sáng suốt của Phật Tánh, nên làm cho Phật Tánh có hành động sai lầm mà ham thích có được thân xác, hình thể (danh sắc) để vào cuộc đời trần gian vui chơi. Từ chỗ có thân xác, hình thể nên mới có lục căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý). Có lục căn mới tiếp xúc với cảnh vật bên ngoài, rồi mình mới thấy, biết tốt xấu, ngon dở, thiện ác, đẹp xấu... Qua sự phân biệt đó mình mới "cảm thấy" (cảm thọ) và ham thích (ái). Có thích mình mới muốn "chiếm giữ" (thủ) để làm "của riêng" (hữu). Chính vì vậy, khi chết mình vẫn muốn chiếm hữu, không chịu buông ra, thế là lại "phải" Tái sanh. Có sanh thì có bệnh, lão, tử. Tức là có sự khổ. Chúng sanh đi vòng vòng trong sáu nẽo luân hồi cũng do nơi mình ham thích (ái) "được luân hồi". Còn sanh ở cõi nầy, cõi kia là do nơi nghiệp quả của những "hành động chơi, gây hấn, hận thù" của mình gây ra từ bao kiếp trước. Đó là kết quả của sự ham vui trong Đạo Phật. Còn ngoài đời, nếu con ham vui, con lao theo cuộc vui thì sau đó con sẽ nhận kết quả không vui. Tại sao? Giả sử, Ba chỉ giả sử thôi nhé! Giả sử bây giờ con ham vui, con đi chơi với bạn bè, hết cuộc vui nầy tới cuộc vui khác. Hết nhậu nhẹt tới câu cá, hết đi coi phim tới đi chỗ nầy chỗ kia. Con lê la mãi thì con không có thì giờ để học, sự học của con càng ngày càng tệ hơn. Vào lớp con theo không nổi (không hiểu) bài giảng của thầy cô, rồi con đâm chán, con không thích học nữa. Con thường hay bỏ học, trốn giờ đi chơi. Khi con bỏ học, con đi vào làm công trong hảng xưỡng với những công việc lao động bằng chân tay. Con phải đổ mồ hôi, hao sức lực để đổi lấy đồng lương kém cỏi. Nhưng con không thể làm khác hơn được! Trong khi đó bạn con trong trường học học hành chăm chỉ, siêng năng. Nó vào Đại học, vài năm sau nó tốt nghiệp ra trường về làm chung hảng con, lương nó gần gắp đôi lương con hay hơn nữa. Nó làm công việc lại nhẹ nhàng, không phải hao tốn công sức hoặc dơ bẩn như con. Lúc ấy, con sẽ suy nghĩ ra sao? Hối tiếc cũng đã muộn màng rồi, con ạ! Thế là kết quả không vui!Ba có người bạn, lúc trước anh ta muốn đi học để vào Đại học. Anh ta vào Đại học được một năm, thấy bạn bè đi làm có tiền mua xe tốt, còn anh ta đi xe xập xệ. Thấy cũng buồn, anh ta nhảy ra xin hảng làm kiếm tiền sắm xe, đồ đạc. Vài năm sau, bạn cùng ngành lúc ở Đại học lại được việc ở ngay hảng của anh ta. Lúc đó, anh ta mặc cảm và quyết định xin nghỉ làm để trở lại đi học. Cuộc đời đôi lúc làm cho mình lẩn quẩn như vậy! Do đó, con phải có quyết định dứt khoát. Khi nào còn ở nhà trường con nên "học cho ra học" để không uổng "cơm cha, áo mẹ, công thầy", để không uổng phí thời gian của những ngày "mài đủn quần" trên ghế nhà trường.Con muốn sự học của con được thoải mái mà đạt được kết quả, con phải có kế hoạch, có thời khóa biểu hẳn hoi. Mỗi ngày con dậy từ lúc mấy giờ, bắt đầu học vào lúc nào, học môn nào rồi sẽ tới môn nào. Xen kẻ những giờ học là những giờ giải trí ngắn, giải trí bằng tập đàn, chơi nhạc, xem truyền hình hay vài động tác thể dục. Tới tối con sẽ học đến lúc mấy giờ. Thời gian mình ngủ có đủ cho sức khoẻ của mình không? Con sắp xếp thế nào để con có thể thực hiện được và không nguy hại đến sức khỏe của con. Vì đây là kế hoạch lâu dài và tập luyện; tài năng không phải là một ngày một buổi: "Tài năng là một sự kiên nhẫn lâu dài". Cuối tuần con để dành ngày nào đi chơi. Và chiều chủ nhật con ngồi vào bàn học để "bắt đầu cho một tuần kế tiếp".Con ạ!Đứa trẻ nào cũng phải bỏ thời gian ở trường học để học được những tri thức của nhân loại trong thời niên thiếu của mình cả. Và sau nầy từ những tri thức đó, đứa trẻ có thể vận dụng, phát triển hơn trong đời sống, việc làm của mình. Nếu tất cả trẻ con đều học đến lớp 10 thì 10 năm học đó giống như là đi chơi. Đi chơi mà có ích cho mình, cho xã hội mai sau. Và các đứa trẻ có khác nhau là từ lớp 11, 12 cho đến khi tốt nghiệp Đại học ra làm việc, đem vốn liếng tri thức mà mình tiếp thu đóng góp trở lại cho xã hội. Như vậy, thực sự ra việc học của con chỉ có cố gắng vào hai năm cuối của bậc Trung học và khoảng trên dưới 5 năm của bậc Đại học, vị chi chừng 7 năm. Và nếu so với những bạn còn đi học như con: Bạn con học không cố gắng, nó chỉ học 60% với khả năng; và con cố gắng học tới 90% khả năng, thì sự khác biệt chỉ là 30%. Với 30% đều đặn trong 7 năm, khi ra trường con sẽ có việc làm dễ dàng, lương khá, nghề nghiệp tương đối ổn định. Nếu thế, cuộc đời con từ lúc ấy trở về sau sẽ sung sướng. Còn nếu bạn con bê tha, ham chơi bỏ học phải vào hảng làm công việc tay chân, dơ dáy, cực nhọc, lương thấp thì nó chỉ sướng trong vài năm đi chơi lúc trước, nhưng nó phải lam lụ cả đời. Vậy thì con thích điều nào: "Ráng chịu khó vài năm để được sung sướng cả đời" hay "Sung sướng vài năm để cực khổ suốt đời". Tùy ý thích mà con chọn, Ba không thể quyết định cho con.Con yêu dấu,Ba viết cho con về tình yêu khiến Ba phải nhớ và hồi tưởng lại thuở xa xưa để tìm những ý niệm, những khởi động đầu tiên dẫn dắt con người vào tình yêu.Tạo hóa đã ban cho con người cái thân xác, cái thân xác ấy lớn lên theo thời gian. Tới một giai đoạn mà người ta gọi là "giai đoạn dậy thì", thì hầu như tất cả các bộ máy trong cơ thể đều đồng nhịp hoạt động. Con thử tưởng tượng con đi vào một cơ xưởng, trong những thời gian đầu chỉ có một số cơ phận nào đó của nhà máy đang chạy thôi, con cảm thấy có một sự yên tĩnh, nhẹ nhàng. Nhưng tới lúc, tới giờ, toàn bộ nhà máy hoạt động, con có thấy một sự nhộn nhịp khác thường và ồn ào gần như muốn đẩy tung cái nóc của nhà máy lên không trung. Thì trong tuổi dậy thì, con người cũng gần giống như vậy, vì các tuyến tăng trưởng, sinh dục trước kia hoặc là nằm im bất động, hoặc là hoạt động một cách chậm chạp, yếu kém, đến nay chúng bỗng vùng lên hoạt động với mọi khả năng của chúng. Thiếu niên ngày trước, nay đã thay đổi giọng nói (bể tiếng), cơ thể phát triển nhanh chóng về chiều cao (cho nên người ta mới gọi là "nhổ giò") và các phần sinh dục cũng phát triển, tâm tính có phần khác đi. "Chàng" bắt đầu chải chuốt, ăn diện, lời nói cũng văn hoa hơn, nhất là những nét tập làm người lớn, cùng với những lý luận tranh cãi để chứng tỏ mình đã trưởng thành. Lúc đầu còn vụng về, sau dần dần được cải thiện và thành đặc trưng của mỗi chàng thanh niên.Rồi chàng thanh niên cùng bạn bè kết hợp thành đám, thành nhóm chơi chung với nhau. Và qua đó, sự chú ý đến các cô gái ngày một nhiều hơn. Đến một lúc nào đó con sẽ gặp một người hợp với con, con thích trò chuyện hoặc thích gặp mặt "cô nàng" thường xuyên. Con cảm thấy mến "cô nàng" một cách lạ lùng! Tình cảm ấy cứ vun đắp mãi, khi gần cô nàng con thấy vui và xa cô nàng con thấy nhớ. Thế là con đi dần vào tình yêu! Với tình yêu nầy bao nhiêu nhà thơ, nhà văn lẫn nhạc sĩ đã diễn tả, đã ghi lại cái cảm xúc "Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy, nghìn năm hồ dễ mấy ai quên", hoặc sự xảy ra rồi thì "mới biết là mình yêu" vân vân...và vân vân.. .Nhiều và nhiều lắm...! Từ tình thơ mộng cho đến tình dang dỡ. Nhưng ở đây điều ấy không phải là điều Ba muốn viết cho con. Ba chỉ muốn viết cho con sự liên hệ giữa tình yêu đối với tương lai qua sự học. Ngay khi Ba đặt tựa cho bài nầy đó cũng là một suy nghĩ, một dụng ý của Ba. Tại sao gọi là "Học tập là con đường ngắn nhất tới tương lai xán lạn"? Con cứ nhìn vào những nghề nghiệp chuyên môn con sẽ thấy rõ. Như một người thợ hồ, nếu họ không từ trường lớp ra, trước tiên họ phải đi trộn hồ, làm phụ công, lâu ngày mới lên được thợ phụ, khi thật vững vàng, biết chiết tính xây cất mới có thể là thợ chính. Họ phải mất thời gian rất lâu dài. Một người thợ nấu ăn, nếu từ trường lớp có thể chỉ tốn hai, ba năm. Nếu không họ phải bỏ vài năm đi rửa chén, xắt rau tức là phụ bếp; sau đó làm ở "thợ bốc" là người chuẩn bị rau cải, thịt hay cá tùy theo từng món ăn để cho thợ nấu sẵn sàng nấu, mất thêm vài năm nữa; khi có nhiều kinh nghiệm hoặc có điều kiện thì lên đứng chão dầu; rồi thợ nấu phụ, thợ phụ chỉ nấu món ăn thôi chứ chưa biết chiết tính cho bao nhiêu phần ăn sẽ cần bao nhiêu rau cải, bao nhiêu thịt, gà; nói chung là vật liệu, vật dụng. Nếu lên được thợ nấu chính: Biết nấu, biết chiết tính, biết điều hành có lẽ phải trên mười năm. Như vậy con thấy giữa 3 và 10 năm cái thời gian nào là ngắn nhất. Thôi kể đại khái cho con biết vậy. Bây giờ Ba trở lại vấn đề tình yêu và sự học.Ở trên Ba đã có nói tình yêu nó là một bản năng, con người dù muốn dù không vào lứa tuổi đó, ít nhiều con cũng có lần để yêu. Không ai cấm cản con được. Nhưng con ạ! Tình yêu là sự nhung nhớ, là sự quyến luyến, vấn vương. Khi con đã yêu hình bóng người yêu của con cứ lảng vảng trong đầu óc, trí nhớ của con; cứ mong gặp để chuyện trò, để đi chơi. Có nhiều lúc con ngồi vào bàn học, lật sách ra con lại nhớ đến người yêu nữa rồi! Thật là khó quá phải không con? Tới lứa tuổi cần yêu thì phải yêu thế thôi! Và cũng khó khăn lắm con mới có thể cân bằng được giữa học và yêu. Đối với tình yêu bồng bột, say sưa lại càng khó khăn hơn. Nhưng con ạ! Con phải lựa chọn giữa yêu và tương lai, và nếu con có khả năng con có thể đi song hành: Yêu vẫn yêu, học cứ học. Khi nào con thấy sự yêu đương làm cho con học tệ hơn thì con nên cẩn thận! Trong quá khứ không biết bao nhiêu chuyện dang dỡ, đau khổ, hận đời, chán nãn kể cả mất trí vì chuyện tình yêu. Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu thất tình với cô hàng sách. Và con có nhớ cái ông ngồi uống cà phê mà hay nói lảm nhảm ở xã mình không? Ông ta cũng bị "cô bồ" bỏ đó. Và đôi lúc con thấy có một vài thanh niên xâm trên cánh tay hình trái tim có mũi tên xuyên qua với mấy chữ "hận đời đen bạc" để nói lên rằng mình bị "bồ đá" mà đâm ra hận đời. Nhưng chỉ do tình yêu, mình hỏng cả cuộc đời thì uổng phí quá! Vì con đã biết "Được làm con người là điều đáng quý" thế nào rồi. Trong cuộc đời của mình, con không phải một lần yêu. Có khi tình yêu chỉ thoáng qua trong vài tháng, có khi tình yêu kéo dài cả vài năm. Có tình yêu rất là nồng nàn, cũng có lúc con cảm thấy yêu nhưng mà yêu hời hợt, chút chút thôi. Vậy thì yêu là quan trọng hay sự nghiệp tương lai trong suốt cuộc đời là quan trọng? Con hãy suy nghĩ thật kỹ về vấn đề nầy! Bây giờ Ba giả sử là con học ngành y, nha hay dược gì đó. Con có người yêu, tình yêu cũng tương đối nồng nàn. Con thương cô nàng và cô nàng cũng thương con lắm! Đôi lúc cô nàng cũng hãnh diện với bạn bè vì cô nàng có bạn trai là Bác sĩ, Nha sĩ, hay Dược sĩ trong tương lai. Vì sự yêu thương, nhung nhớ con học không được tập trung như lúc xưa. Việc học của con yếu kém đi, con bị thi lại; rồi con bị ở lại một năm nữa. Giả sử năm sau con qua không nổi và con phải bị rời khỏi trường. Tương lai con không còn là một Y, Nha hay Dược sĩ mà chỉ là một sinh viên tầm thường, liệu cô nàng có còn yêu con như lúc trước hay không? Và nếu trong lúc ấy, cô nàng có chàng trai khác "có tương lai hơn" đeo đuổi, cô nàng bỏ rơi con. Thì! Thế là tương lai, sự nghiệp, lẫn người yêu đều bỏ con mà đi hết cả! Còn có người vì quá yêu, bị người yêu "đá mình", "bắt bồ" với người khác, đã chán nãn bỏ dỡ học hành, bỏ đi sự nghiệp tương lai mà ôm vào mình sự đau khổ: "Đường vào tình yêu có muôn lần nhớ, có vạn lần sầu" phải không con?Con yêu dấu,Ba chỉ viết sơ lược đến thế thôi, chứ tình yêu nó có nhiều phức tạp tùy theo tình cảm, lý trí của mỗi con người. Và nếu mình đã định được giới hạn để vẹn toàn cả sự học lẫn tình yêu thì liệu mình có đủ ý chí để giữ vững không? Đời không đơn giản! Do đó, con có cần thấy mình phải có tương lai trước rồi có tình yêu, hay cần có tình yêu trước rồi hẵn có tương lai? Ba hi vọng con sẽ tìm được câu trả lời và định hướng được cho chính cuộc đời của con.

Nguyên Thảo,7-9-2000.

Vì sự lo lắng của những bậc phụ huynh cũng như của chính tôi về vấn đề con cái, tôi đã cố gắng với mọi nỗ lực của mình để phổ biến những suy nghĩ, kiến thức mà tôi đã gom góp được từ trong nhà trường lẫn cuộc sống để hầu giúp ý kiến cùng với những bậc cha mẹ hay những con em nhỏ của chúng tôi. Nhưng viết là một lẽ, còn quyết định là của mọi người lẫn trẻ con. Kết quả như thế nào thì tôi cũng không biết vì không có phản ứng nào cả. Nhưng việc tôi làm, tôi vẫn cứ tiếp tục làm! Vì thế mà: “Những Bài Viết Về Mẹ” được thành hình.
Nguyên Thảo,
22/12/2009.

H.T Chữ Nghĩa 6: Những Bài Viết Cho Con.

Tiếp nối theo những bài viết góp ý cùng với bậc phụ huynh, tôi cố gắng dành thì giờ để viết cho những đứa trẻ trên xứ người. Nhưng một trở ngại lớn nhất là tôi không thể viết bằng tiếng Anh, vì những đứa trẻ Việt Nam trên xứ Úc biết, hiểu tiếng Anh dễ hơn tiếng Việt. Quả thật, tiếng Việt là thứ tiếng dễ học, nhưng sử dụng đúng tương đối hơi khó vì có khá nhiều từ ngữ Hán Việt, nếu không hiểu được những từ đó thì khó mà hiểu được cái nghĩa trọn vẹn của câu. Ngay với người lớn đã từng kinh qua trường học thuở trước chưa chắc đã hiểu đúng thì với Thanh Thiếu Niên sau nầy và nhất là trẻ con trên xứ người làm sao hiểu trọn vẹn được. Tôi viết, và có lời nhờ đến bậc phụ huynh giúp chúng để hiểu được nội dung của bài, nhưng không biết thế nào? Vì không có phản hồi nào cả! Về sau có một chị làm việc trong cộng đồng cho biết chị tưởng rằng báo Nam Úc lấy từ trên Internet, chứ không phải là do một người ở tại Nam Úc nầy viết.
Nhưng, có một điều an ủi cho tôi là sau khi đăng vài bài thì có nhà thơ “Cao Quỳnh Tuệ Lâm” tức ông Nguyễn Văn Chánh từ trên tiểu bang Queenland ngõ ý với tòa soạn báo Nam Úc muốn liên lạc với tôi. Tôi liên lạc bằng điện thoại với chú Chánh và chú cho biết muốn được đăng “Những bài viết cho con” trên trang nhà “Đại Đạo Tam Kỳ” của Đạo Cao Đài mà chú gầy dựng. Nhằm mục đích phổ biến và giúp phụ huynh tôi sẵn sàng đồng ý với chú. Sở dĩ, chú biết được những bài viết ấy từ trên Queenland là vì trước kia chú cũng từng sống ở tiểu bang Nam Úc, đã từng gởi bài, thơ đăng trên Nam Úc Tuần Báo. Tuy di chuyển từ Adelaide lên Melbourne, rồi Brisbane nhưng chú vẫn gởi tiền “tem” để chủ báo gởi báo thường xuyên cho chú. Tôi vẫn gởi bài cho chú đến khi chú báo là “trang Web” bị ngưng.
Tôi hoàn tất 17 bài ngăn ngắn ấy trong vòng năm tháng từ tháng 07/2000 đến tháng 12/2000. Cứ đi làm về, cơm nước xong, nghỉ ngơi chút ít là tôi ngồi vào máy computer chọn đề mục để viết. Thực ra đề mục tôi đã chọn từ trước theo tiến trình nhưng để đó. Khi viết, thì có lúc viết đề mục nầy xong đến đề mục khác thường thì theo thứ tự, nhưng có lúc đề mục khó hoặc phức tạp hơn tôi để viết sau hoặc cần tham khảo, hay đọc lại tài liệu cho chính xác hơn rồi mới viết. Khi đánh máy xong một bài trong máy vi tính, tôi in ra để xem lại hoặc sửa chữa từ câu văn đến ý. Điều ấy đối với tôi không khó lắm, vì ngày còn học ở trường Trung Học Phước Thành trên Tân Uyên từ lớp Đệ Thất cho đến năm Đệ Tứ, thầy dạy giảng văn Trần Văn Khánh vừa nghiêm vừa dạy rất tận tâm. Chúng tôi học căn bản viết văn trên quyển “Những lỗi thông thường trong Thuật Viết Văn” của Tác giả Nguyễn Văn Hầu; và kiến thức về văn học trong quyển “Việt Nam Văn Học Sử Yếu” của Dương Quảng Hàm. Tôi không ngờ những vốn học năm xưa, bây giờ lại có nơi sử dụng; và tôi cũng không ngờ có lúc hoàn cảnh và một tấm lòng lại thôi thúc mình viết văn lẫn làm thơ! Đúng là cuộc đời có nhiều chữ “không ngờ” và không ai có thể biết được “ngày sau sẽ ra sao?”
Ngay từ khi tôi nghĩ đến viết những bài cho Thanh Thiếu Niên là tôi đã nghĩ đến viết những gì, và viết cái gì trước, tôi liền viết phổ biến bài đó trước. Trong khi đưa cho báo bài ấy, thì tôi chuẩn bị bài kế tiếp, vì thời gian là một tuần, cũng đủ thời gian cho tôi hoàn tất bài sau. Sắp gặp bài khó thì tôi cố gắng hoàn tất những bài dễ trước thời gian lâu hơn để tôi có rộng thì giờ viết bài khó đó. Năm tháng trôi qua, “Những bài viết cho con” của tôi được hoàn tất đăng trên báo Nam Úc. Và công trình của tôi đã đến với độc giả mà tôi nghĩ là đến với phụ huynh nhiều hơn là với Thanh Thiếu Niên, vì một lẽ dễ hiểu Thanh Thiếu Niên không hiểu rành tiếng Việt nên chúng ít đọc hay không coi đến báo tiếng Việt trong đó có thể cũng có con tôi!
Sau đây, tôi xin trích ra “Mục lục” và bài quan trọng trong loạt bài ấy là bài “Học là con đường ngắn nhất tiến tới tương lai xán lạn”:

Mục Lục:
(Bài theo Trình tự)

=Lá thư vào bài.

1- Được làm con người là điều đáng quý!
2- Hãy sống xứng đáng là một con người!
3- Thương yêu mẹ!
4- Sự may mắn của chính mình.
5- Cần có một lý tưởng sống.
6- Ý chí và Quyết tâm.
7- Học là con đường ngắn nhất tiến tới
tương lai xán lạn.
8- Ta là sản phẩm của xã hội.
9- Đường đời con sẽ đi.
10- Không thể không buồn...!
11-Bi quan để làm gì?
12- Nương vào hoàn cảnh để xây dựng tương lai.
13- Dạy dỗ con cái không phải là dễ...!
14- Một số kinh nghiệm về "Hạnh phúc gia đình".
15- Tinh thần dân tộc.
16- Tinh thần vị tha.
17- Chính trị và Tôn giáo.

=Lá thư kết thúc.

H.T Chữ Nghĩa 5: Vấn Đề Con Cái Của Chúng Ta.

Như tôi đã trình bày ở trên, cái gì tôi biết mà có ích lợi cho mọi người thì tôi không từ nan để viết. Nhất là đã có phương tiện phổ biến sẵn sàng do anh bạn tôi cung cấp. Chính vì vậy mà chủ đề con cái mới được ra đời.
Trước khi trình bày, tôi cũng xin nói tóm tắt hoàn cảnh của tôi cũng như mọi người trong hoàn cảnh “xứ lạ quê người”. Làm bậc cha mẹ thì cố gắng lo chăm sóc con cái, ai cũng muốn con mình tốt, ngoan, giỏi; tất nhiên không ai muốn con mình hư hỏng cả. Tuy nhiên, ở trên xứ mình việc dạy con cái tương đối dễ hơn vì có sự phụ lực của xã hội, nhà trường, môi trường, khung cảnh... Còn trên xứ người phong tục khác hẳn, nhà cửa phòng ốc riêng tư, luật pháp bảo vệ cá nhân con người, nhà trường có cách dạy khác hơn bên xứ nhà khiến cho việc dạy con cái trở nên khó. Song song vào đó, vì là thế hệ đầu tiên trên xứ người nên cần làm việc, làm việc thật nhiều để có đủ tiền cho phí cho cuộc sống, sinh hoạt, trả tiền mướn nhà, điện, nước, ga, xe cộ... kể cả phụ giúp thân nhân. Xả thân để làm, có khi quên cả ăn hay quên cả thân mình thì khó theo dõi con cái cho chu đáo. Vừa xã hội, vừa mình, vừa con nên đưa đến những trường hợp đau thương của nhiều gia đình.
Một buổi sáng nọ, trên đường đi làm, vợ chồng tôi ghé nhà thăm một anh bạn. Ngồi uống cà phê mà nói về vấn đề con cái. Nói đứa nầy, đến đứa kia... rồi thì chúng tôi thấy có những điểm chung, từ đó trong đầu óc tôi nghĩ: “Tôi có thể viết được điều đó!”. Thế rồi chiều đi làm về, cơm nước xong tôi nằm úp trên giường (vì lưng tôi thường hay đau sau khi mổ) lấy viết, giấy ra, tôi nguý ngoáy viết. Tôi bỏ hai ba buổi tối như vậy để hoàn tất một bài. Nhưng Bản Tin của anh bạn tôi cả tháng mới ấn hành một lần thì chuyện viết của tôi cũng được thư thả đi nhiều.
Những kiến thức của những ngày học trong trường Quốc Gia Sư Phạm lại hiện về, nhất là môn Tâm Lý Giáo Dục. Thú thật, những ngày ấy dù học nhưng tôi không thể nhớ được nhiều, vì vào năm Đệ Nhất tôi đã gặp 2 lần những ông lính dữ có tiếng ở hai địa phương khác nhau, làm dữ, hoạnh hoẹ làm tôi trở nên tức và buồn và từ đó trí nhớ tôi thật là tồi tệ. Tôi cứ ngỡ là năm ấy tôi không vượt qua được Tú Tài 2. Nhưng vì năm sau tuổi trong giấy tờ của tôi không đủ để thi vào trường Sư Phạm, nên tôi đành lang thang trên trường Đại Học Văn Khoa một năm. Học để mà học chứ tiền chi phí trang trải không đủ, thiếu thốn mọi bề và nhất là vấn đề trí nhớ của tôi. Ráng chịu trận để năm sau thi vào trường Sư Phạm. Vì trí nhớ kém sau hai lần khủng hoảng, học trong trường Sư Phạm tôi cũng chẳng tiếp thu là bao nhiêu, nên khi ra trường thứ hạng thuộc về “hơi kém”. Nhưng đến lúc nầy, khi viết, tại sao tôi lại nhớ khá hơn, tôi ráng vận dụng vừa kiến thức trong trường, vừa khi đi dạy, vừa kinh nghiệm, vừa cố gắng đào sâu, vừa gom góp ý tưởng của bạn bè trong những lúc “trà dư tửu hậu” để viết. Nghĩ đến ích lợi cho mọi người tôi hăng hái viết. Trong khi hoàn tất bài thứ nhất, tôi lại nhớ đến anh phụ trách về thanh thiếu niên trong cộng đồng có đăng vài bài về giáo dục trên báo Nam Úc, lúc thì có, hai ba tuần thì không. Tôi nghĩ anh đã thiếu bài để phổ biến, cho nên tôi đem bài thứ nhất đó đến cho anh gọi là phụ giúp anh để giúp cho mọi gia đình trong cộng đồng. Hai tuần sau mới đăng. Thấy bài được đăng, tôi đem đến cho anh bài thứ hai. Mấy tuần sau chẳng thấy trên báo, tôi gọi điện thoại đến anh hỏi, anh bảo không kiếm được người đánh máy, và anh nói anh bận có việc cần đi gấp. Buồn tình, tôi “xách” bài đến anh chủ báo Nam Úc. Không ngờ đến tòa soạn thì gặp anh bạn làm ở Cộng đồng. Sau khi anh ấy đi rồi, tôi đưa bài cho anh chủ báo. Anh bảo: “Tại sao anh không đưa thẳng cho tôi, anh đưa cho ổng thì ổng cũng đưa qua tôi thôi!”. Tôi vả lả: “Tôi đâu có biết!”. Thế là từ đó về sau tôi cứ đưa thẳng bài về chủ báo.
Cũng từ chuyện đó tôi ấm ức muốn học computer, biết đánh máy để đánh những bài mà mình muốn viết. Cũng may, trong thời gian ấy có ông thầy giáo mở lớp dạy máy vi tính miễn phí cho phụ huynh, tôi mạo nhận phụ huynh để được đi học. Học xong, tôi lấy máy cũ của con tôi bỏ ra mà sử dụng. Lần lần rồi cũng quen. Tôi không còn lệ thuộc ai nữa!
Những bài về con cái kể như được đăng tải trên báo chí đến 3 lần: một lần trên báo Nam Úc tức báo địa phương ở Nam Úc, một lần trên báo Dân Việt (báo Liên bang ở Sydney), và lần thứ ba trên báo Việt Luận cũng ở Sydney, vì người phụ trách đặc trang Nam Úc trên báo Dân Việt lại chuyển sang làm cho tờ Việt Luận.
Tôi không bao giờ nghĩ mình đủ khả năng để viết và có bài đăng trên báo liên bang, nhưng chỉ do duyên đưa đẩy và cũng chính nhờ anh Nguyễn Văn Sơn (người đại diện cho báo Dân Việt, rồi Việt Luận ở tại Nam Úc) đã đưa các bài tôi lên báo Liên bang. Tôi cũng thành thật tri ân anh nhiều!
Các bài về con cái được phổ biến và độc giả cũng quan tâm, có nhiều phản hồi về tòa soạn từ các tiểu bang (theo lời anh Sơn cho biết). Tôi cảm thấy được an ủi phần nào, vì sự cống hiến cho cộng đồng của tôi đã có kết quả. Trong bài ấy tôi cố gắng viết như thế nào để giá trị của nó có được phải lâu dài dù không đúng trong mọi hoàn cảnh cũng như ở bất cứ nơi đâu. Tham vọng của tôi là viết cho con người, cứ còn con người là các bài đó còn giá trị, vì thế tôi rất cẩn trọng suy nghĩ kỹ trước và trong khi viết.
Các bài đó tôi viết thành ba bài để thích hợp với khả năng của tôi, nhưng sau báo Việt Luận kết hợp chung thành một bài đăng luôn một kỳ. Điều đó cũng thích hợp thôi, vì cả ba đều là “bàn về vấn đề con cái của chúng ta”.
Tôi xin trích lại để chúng ta cùng duyệt qua; đồng thời với chúng, ta có thể rút ra được một số vấn đề nào đó dành cho con cháu chúng ta cũng không chừng:


Những Vấn Đề Con Cái Của Chúng Ta.

Lời Trần Tình: Trong hoàn cảnh hiện nay của mọi gia đình, chắc nhiều bậc cha mẹ phải nhức đầu để đối phó với vấn đề con cái. Nguyên-Thảo cũng như bao nhiêu người khác, chúng ta hãy còn lúng túng về việc hướng dẫn con trong một môi trường xa lạ, khác hẳn với phong tục của mình.
Chính vì vậy những bài nầy được ra đời! Nguyên-Thảo cố gắng gom góp những cái mà mình được biết, cùng nhận xét riêng, hay đúc kết lại từ trong những cuộc đàm đạo với bạn bè. Biết rằng nó không phải là hoàn thiện; có nhiều sai sót; đồng thời chưa hẳn là những nhận xét chính chắn. Nhưng Nguyên-Thảo cố gắng trình bày như là những ý kiến đóng góp cùng với các bậc cha mẹ, hay trong Cộng đồng chúng ta để nhằm giải quyết được vấn đề một cách tốt hơn.
Nguyên-Thảo hi vọng các điều ấy sẽ đem lại một số ý kiến nào đó có thể hữu ích, giúp các phụ huynh hỗ trợ sự học tập, đời sống của con mình thêm tích cực.
Cuối cùng, Nguyên-Thảo xin cảm tạ đến Quý vị đã để ý đến tập tài liệu nầy và mong rằng mọi người chúng ta tìm được sự an vui và có kết quả khả quan hơn trong vấn đề "khó khăn đến bạc đầu".
Xin Thành kính!
Nguyên Thảo.

I-Các Giai Đoạn Trưởng Thành Của Con Cái Chúng Ta.
Vào một buổi sáng nọ, ngồi uống cà phê với bạn bè, chúng tôi lại đề cập về vấn đề con cái...Điều ấy, sau đó làm cho Nguyên Thảo suy nghĩ nhiều lắm! Thôi thì, với số vốn mình biết được bao nhiêu thì viết "đại" lên bấy nhiêu, dù không giúp được nhiều, nhưng ít ra cũng giúp được cho bạn hữu, hoặc những cặp vợ chồng trẻ có con còn nhỏ, có thêm một số ý kiến để chăm sóc con được tương đối tốt hơn trong hoàn cảnh lộn xộn của giới thanh, thiếu niên hiện nay nầy.
Một cặp vợ chồng khi đã quyết định có con mà được có con: Sự sung sướng đó giống như người nhạc sĩ, nhà viết văn hay họa sĩ sáng tác tạo được tác phẩm đầu tay. Ở đây, cả hai vợ chồng chung nhau tạo được các "tác phẩm" con cái. Nếu các sáng tác của người nghệ sĩ trong tương lai có được ngưỡng mộ, tán thưởng hoặc bị chê bai hay không là do nơi tài của người nghệ sĩ. Nhưng con cái của một cặp vợ chồng sẽ khó hơn nhiều, vì nó còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố ngoài thiên tư của đứa trẻ: Cha mẹ chăm sóc có kỹ lưỡng hay không? Đứa trẻ có dễ dạy, biết nghe lời hay không? Và còn tùy vào hoàn cảnh gia đình, nhà trường, xã hội lẫn môi trường sống chung quanh nữa.
Sự giáo dục của cha mẹ đối với trẻ niên thiếu có thể tạm coi là chấm dứt khi đứa trẻ trưởng thành, bước được những bước sành sõi để vào đời. Tuổi đó là bao nhiêu? Là 21 (tuổi được giao chìa khóa) hay là 24, 25? Điều ấy cũng khó xác định lắm! Theo ý của Nguyên Thảo, thiên tư của đứa trẻ bao giờ cũng là yếu tố chính: Đứa trẻ có ý, biết nhận xét thì lại càng chửng chạc và trưởng thành sớm hơn.
Trước khi vào vấn đề, Nguyên Thảo xin xác định là chỉ muốn cống hiến và nêu lên một số suy nghĩ, ghi nhận riêng của mình về một vấn đề xã hội, phụ thêm vào những nhận xét riêng của bạn, hầu giúp bạn có phương cách tốt, hữu hiệu hơn để đối phó, cùng với cách giải quyết mà thôi. Ngoài ra, Nguyên Thảo không có tham vọng gì cả.
Tùy thuộc vào tâm lý, sinh lý của đứa trẻ (tức là phát triển về cơ thể, trí óc) mà ta có thể chia sự trưởng thành của trẻ con làm 3 giai đoạn. Sự phân chia nầy có thể tương ứng với cấp lớp học của trẻ trong nhà trường, vì chương trình học cũng dựa vào tâm, sinh lý để giáo dục cho chúng.
Giai đoạn 1: Từ lúc mới sanh cho đến 6 tuổi:
Trong năm đầu đứa trẻ chỉ sống theo bản năng bẩm sinh của con người: đòi bú, ăn, ngủ, rồi tập lật, trườn, bò, đứng chựng và đi. Tập nói bập bẹ. Đứa nào cứng cáp thì chưa đầy năm , trể thì quá thôi nôi, hoặc năm rưởi , có khi hơn nữa.
Từ thôi nôi trở đi, thường thì đứa trẻ nói chuyện nhiều hơn, hồn nhiên sống với bản năng và chúng cũng tập, bắt chước theo lời nói, hành động mà chúng quan sát, lẫn sự chỉ dạy của cha mẹ, anh chị hoặc những người gần gũi với chúng. Trong giai đoạn nầy chúng giống như tờ giấy trắng, những người trong gia đình hoặc chung quanh sẽ ảnh hưởng đến chúng rất nhiều cùng với sự giáo dục ở nhà trường. Vui chơi là chính, học chỉ là phụ.
Giai đoạn 2: Từ lúc 7 tuổi đến tuổi dậy thì:
Nữ thập tam (13), nam thập lục (16). Nhưng ở trên xứ Tây trẻ con có thể dậy thì sớm hơn. Trong giai đoạn nầy, trẻ con bắt đầu có nhận thức, ghi vào trong óc những sự kiện vui buồn của cá nhân, gia đình, trường lớp; Những ấn tượng của xã hội, mặc dù chúng vẫn còn ham chơi, thích ngủ nhưng cũng bắt đầu biết tham gia vào hoạt động chung của gia đình (phụ giúp cha mẹ, anh chị), dự vào công việc tập thể (chơi thành nhóm, thành đám); sinh hoạt lớp, trường học. Ở thời kỳ nầy, đứa trẻ mới chỉ ghi nhận, có nhận thức, nhưng hãy chưa có những phản ứng hay sự phản kháng nào. Vì vậy, bậc làm cha mẹ cũng cần lưu ý về điểm nầy mà tránh đi những xung đột riêng tư trước mặt chúng nó, để chúng cảm thấy gia đình vẫn là mái ấm, là hạnh phúc. Sự âu yếm, dịu dàng, ngọt ngào, thân thiện, khen thưởng và lèo lái chúng vào con đường tốt rất là quan trọng; đồng thời cũng là "bước" để trách nhiệm của mình được nhẹ nhàng hơn trong giai đoạn kế tiếp.
Giai đoạn 3: Từ dậy thì cho đến tuổi trưởng thành.
Đây là giai đoạn quan trọng nhất của con người, trong thời kỳ nầy, cơ thể đứa trẻ bắt đầu phát triển, các tuyến sinh dục, tăng trưởng hoạt động và thúc đẩy sự phát triển cơ thể một cách toàn diện và trọn vẹn để biến một thiếu niên trở thành thanh niên tràn đầy nhựa sống. Do sự trổi dậy mạnh mẽ ấy của cơ thể, sức lực lẫn trí óc, nên tâm lý cũng biến đổi mạnh bạo. Bây giờ "chàng thanh niên" cảm thấy đủ khả năng để làm tất cả mọi việc, có thể biết được nhiều điều, cho nên "chàng" hăng hái tham gia vào các công việc xã hội, gia đình; tập quán xuyến, lãnh đạo. Và đứa con ngoan ngoãn, nghe lời trong các giai đoạn trước lúc nầy cũng có ý kiến, biện luận, tranh cãi, lắm lúc phản kháng nữa. Nếu ta không lưu tâm đến sự kiện nầy, có thể dễ dàng tạo sự xung đột giữa chúng ta cùng với con cái; và nếu chúng ta lở lớn tiếng rầy la, hoặc bắt ép chúng nghe theo, thì có thể sẽ bị phản kháng nhẹ nhàng, hoặc dữ dội tuỳ theo trường hợp; đôi khi có trường hợp mà cha mẹ không thể nhân nhượng được, có lẽ... chúng sẽ bỏ nhà ra đi!
Con gái trong giai đoạn nầy đã trở thành "thiếu nữ"; Nếu ở xã hội Việt nam, đa số lại quay vào trong nhà phụ giúp mẹ, lo nấu nướng, chăm sóc em, dọn dẹp nhà cửa, may vá...Thì ở xã hội nầy, chúng cũng lại quay ra ngoài, tham gia vào các cuộc vui (disco, party, tới nhà bạn nhiều). Điều ấy gây khó khăn cho bậc cha mẹ không ít. Riêng con trai bắt đầu thể hiện những nét, "chứng tật" của lứa tuổi "choai choai" ở mọi nơi trên thế giới: Ghẹo gái, phá phách, uống rượu, hút thuốc, đôi lúc còn đi xa hơn nữa và trở thành nạn nhân của tệ nạn xã hội. Nếu không có chuyện gì xảy ra, đây là giai đoạn đẹp nhất của con người: Là thời hoa bướm, thời của tình yêu trai gái; thời của những kỹ niệm khi còn son trẻ hay thời còn mài đủn quần trên ghế nhà trường. Nhưng nếu gặp bạn xấu, ham vui, thì thời kỳ nầy cũng là thời kỳ dễ sa ngã vào tệ nạn nhất.
Do đó để hướng dẫn con cái, chuẩn bị tốt cho chúng trong giai đoạn nầy thì cuối giai đoạn trước (giai đoạn 2) cha mẹ cố gắng hướng dẫn, chuẩn bị, phân tích cho chúng về ích lợi của sự học và học phải giỏi để đạt được tương lai tốt; biết chọn bạn để chơi, chơi những trò chơi lành mạnh: Thể thao, âm nhạc, bơi lội...Có như vậy, thì trong giai đoạn nầy mới hi vọng giảm thiểu được nhiều âu lo, và tránh được phần lớn các điều nguy hiểm có thể xảy đến với chúng.
Đối với Nguyên Thảo, trong cả hai giai đoạn, vai trò của người mẹ rất quan trọng. Vì sao như thế? Vì tâm tính của người đàn bà vốn mềm mỏng, dịu ngọt nên dễ thâm nhập vào đứa trẻ hơn. Còn người cha nóng nảy, mạnh bạo thường tạo ra phản ứng mạnh, và đưa đến điều không hay.
Trong giai đoạn trước, Nguyên Thảo có đề cập đến sự ghi nhận vào tâm tư, nhận thức của đứa trẻ đối với hoàn cảnh gia đình: Hạnh phúc hay không hạnh phúc, chúng được thương yêu hay bị ghét bỏ...Tất cả điều ấy trở thành "nhân" và sang giai đoạn 3 nầy trở thành "quả". Nếu chúng thấy gia đình hạnh phúc, chúng được thương yêu, được mọi người quan tâm, thì chúng không nỡ rời mái ấm gia đình; còn trái lại, thì chúng không thiết tha gì ở lại nhà, chúng sẽ ra ngoài với bạn bè và dễ sa ngã vào tệ nạn. Lúc ấy, chúng ta "rất khó" mà níu kéo chúng trở lại.
Để kết luận, trong phần nầy Nguyên Thảo xin đóng góp với bạn một số nhận xét về tâm lý đứa trẻ, đồng thời cũng nêu lên một vài ý kiến đóng góp trong vấn đề dưỡng dục con cái. Tuy nhiên, Nguyên Thảo cũng xin lưu ý cùng bạn lần nữa, khi đứa trẻ bắt đầu vào lứa tuổi 16 đến 21: Đấy là lúc sự phán đoán và nhận xét của chúng vẫn còn non nớt, mà chúng lại ưa thích gia nhập vào các cuộc vui, cũng như bắt chước từ người khác nên rất dễ bị cám dỗ và sa ngã. Đối với con gái, vấn đề nầy có thể sớm hơn một hay vài năm.
Làm bậc cha mẹ ở xứ mình đã có nhiều khó khăn; mà còn trên xứ người thì lắm lúc phải bạc đầu vì con. Đôi khi: Mình ráng tận sức, tận khả năng rồi mà định mệnh đã an bài thì "Ấy là số trời"! Tuy nhiên hãy "tận nhân lực" để "tri thiên mệnh" vậy!


2- Tiến Trình Con Cái Rời Xa Chúng Ta Như Thế Nào?
Trong phần nầy, Nguyên Thảo, với nhận xét riêng của mình, ghi nhận lại một số sự kiện đã khiến con cái của chúng ta rời xa chúng ta, gây cho chúng ta những khó khăn, lo âu, buồn phiền. Và Nguyên Thảo cũng hy vọng những điều nầy sẽ bổ túc các nhận xét, hoặc điều biết của bạn để giúp bạn có thể có phương cách tốt hơn trong việc hướng dẫn các con còn lại, tránh được những nguy hại đã xảy ra cho lớp anh chị của chúng.
Nguyên Thảo không đề ra cách thức giải quyết nào cả, bạn cứ đọc rồi suy nghĩ trong mỗi giai đoạn: Bạn có thể làm gì để giúp cho con cái tránh được sự sa ngã, cám dỗ, hoặc hướng dẫn thế nào cho chúng khá hơn.
Có lẽ ai cũng phải công nhận rằng: Một đôi vợ chồng mà không có con thì nó buồn vô hạn, mà con đông quá thì lại vất vả vô cùng. Đôi khi con cái là "nguồn vui của cuộc sống", mà đôi lúc "phải thật nhức đầu"!
Dù gì con cái ở Việt nam vẫn dễ dạy hơn ở trong xã hội nầy. Vì sao? Nguyên Thảo ghi nhận được 3 yếu tố ngoài bản chất trời sinh của đứa trẻ: Từ gia đình, giáo dục đến xã hội.
1- Về gia đình: Trước hết ta phải chấp nhận lỗi lầm vì hoàn cảnh của chúng ta, chúng ta thiếu thì giờ để lưu ý và chăm sóc con cái... Đa số người tị nạn đến xứ người thường vớí đôi bàn tay trắng; Cho nên muốn tạo một cuộc sống ổn định, thì phải lo làm để kiếm tiền, do đó hai vợ chồng ráng cố gắng làm, có khi phải làm ngày làm đêm để chạy đua với tiền nhà, điện, nước, ga, điện thoại, mua sắm xe, tủ lạnh, máy giặt... Muốn ổn định cuộc sống càng nhanh thì phải cật lực làm càng nhiều, do vậy ta thiếu mất thì giờ để chăm sóc tới con cái; đôi lúc ta lại cần đứa lớn chăm sóc cho đứa nhỏ nữa.
Kế đến là vấn đề trở ngại về ngôn ngữ. Con cái ở đây, ngoại trừ những đứa khi rời Việt nam đã lớn, còn ngoài ra thì có lẽ tiếng Việt chúng lại không rành. Cho nên cha mẹ giảng giải thì chúng chỉ hiểu loáng thoáng, lơ tơ mơ, nghe để mà nghe chứ hiểu rành rẽ thì lại không, do đó sự giáo dục của ta không có ảnh hưởng mấy. Còn cha mẹ thì tiếng Anh lại không đủ hoặc không làu thông làm sao diển tả ý mình muốn cho con cái hiểu một vài vấn đề nào đó trong gia đình; hoăc khi muốn truyền đạt kinh nghiệm sống ngoài xã hội cho chúng thì thấy chúng có vẽ lơ là, hoặc là chúng thốt ra một vài câu vô tội vạ "Ba, mẹ nói nhiều quá". Nếu lúc đó ta không hiểu, ta rầy chúng, hoặc nói mạnh hơn, thì chúng nói ta "chửi" chúng, chúng sẽ vào phòng đóng cửa lại, còn lại "ta sẽ tức với ta".
Có nhiều bậc cha mẹ cũng muốn giúp đỡ cho con cái trong sự học, nhưng cái học của mình lúc xưa có khác phần nào với cái học bên nầy, cụ thể như: Phương pháp nhân, chia chẳng hạn... Giảng theo tiếng Việt thì con chẳng hể‹u gì cả, còn giảng tiếng Anh thì không thể giảng được. Mà khổ nổi, tiếng Việt có quá nhiều từ ngữ Hán Việt, chưa chắc người lớn đã hiểu trọn, thì đối với trẻ nhỏ trên xứ tiếng Anh nầy lại càng mù tịt, rốt cuộc muốn giúp con mà chẳng giúp được gì, đành phải mướn thầy dạy hoặc để tự con lo.
2- Về giáo dục: Lúc xưa khi còn mài đủn quần trên ghế nhà trường, trong các bài học hoặc trong sách, Nguyên Thảo cứ ngỡ xứ Tây chắc có lẽ con người rất là lịch sự nào là dở nón chào, tay bắt mặt mừng.. .Nhưng khi đến đây mình mới vở lẽ: Không có cách chỉ thế nào là lịch sự, lễ phép cả; hay là những cái đó đã quá thời của nó rồi chăng? Cho nên con cái lần lần quên đi cách chào hỏi mang qua từ lúc còn ở Việt nam. Rồi "mum", "mummy" thay từ "mẹ"; "Dad", "daddy" thay từ "ba"; "You", "me" thay từ "Anh, chị, em" và chào hỏi khách thay bằng cái nhìn, hoặc là "phớt tỉnh Ăng-Lê". Khi Ba, mẹ nhắc nhở thì chúng làm lấy lệ.
Quả thật chương trình học chú trọng các môn chính: Toán, Lý, Hóa, còn các môn giống như Đức dục, Công dân ở Việt nam thì không có, kể cả môn để dạy cách lịch sự tối thiểu của con người cũng không, mà cứ để nó tự do phát triển theo kiểu Tây: Con vò đầu cha và nói "good boy". Đôi khi nhà trường có những bài học về tính tự lập của đứa bé 16 tuổi bỏ nhà ra đi... Thế là ta đã bị cách giáo dục của nhà trường đẩy con cái rời xa ta. Sự níu kéo của ta càng ngày càng mong manh. Cộng vào đó, con cái ta học ở trường gần suốt ngày: Từ 9 giờ sáng đến khoảng 3 giờ chiều. Số giờ học so với ở Việt nam thì không nhiều hơn bao nhiêu, nhưng đủ cho con cái ta cảm thấy gia đình như là một chỗ nghỉ ngơi, ăn, ngủ. Và ngày học ấy cũng đủ làm cho chúng thấy mệt. Cho nên về đến nhà, thường thì chúng ngủ ngay. Sau đó thức dậy, tắm rửa, ăn uống và làm bài tập (homework) rồi ngủ đến khoảng 7, 8 giờ sáng thức dậy đi học tiếp. Từ thời khóa biểu đó tạo cho chúng một cái nếp: Uống nước đem ly vào phòng nhưng không dọn dẹp, đến lúc cha mẹ thấy không còn ly, thì vào phòng chúng gom ly đem rửa. Rồi từ lớp 11, 12 và khi chúng vào Đại học: Bài học nhiều, thi cử tới tấp; cha mẹ thấy chúng học cực quá, ráng làm việc nhà, dọn dẹp, giặt quần áo, quán xuyến cho chúng, để chúng có thì giờ học. Nhưng tưởng đến cuối tuần chúng sẽ phụ giúp, ai ngờ rằng chúng đã hẹn nhau đi chơi, đá banh, dự sinh nhật, tiệc tùng. Thì ra, chúng lại bận rộn hơn cha mẹ nhiều! Thế là bậc cha mẹ cứ mà lo làm công việc của mình vậy!
3- Về xã hội: Xã hội xứ Tây nầy phải nói nó có cái hay của nó, đôi lúc thấy cũng bật nực cười. Hàng xóm gặp nhau chào hỏi qua loa, hoặc nói chuyện đâu đâu rồi ai lo công việc nấy; Nó đở ồn ào, cải cọ, nhiều chuyện... Nhưng lắm khi quả thật vô tình, khi ở gần có người bệnh hoạn hoặc chết cũng không ai hay biết. Ai làm gì mặc ai, tốt hay xấu không cần biết, không có sự đàm tiếu ngợi khen, khinh bỉ từ bên ngoài. Nên người làm xấu chẳng đem đến cho gia đình sự xấu hổ lớn lao nào, đứa chửi cha mắng mẹ cũng không bị nguyền rủa. Do đó trẻ con thích gì chúng cứ làm, cha mẹ nói mãi chẳng được, nên đành phú thác cho trời, cho số mệnh của nó và coi đó như là một nghiệp chướng, quả báo của mình chứ không dám nói mạnh, chửi hoặc đánh, chỉ sợ chúng bỏ nhà ra đi. Nếu chúng bỏ nhà ra đi lại được xã hội trợ cấp tiền nhiều hơn, nhưng vẫn không đủ cho cuộc sống riêng tư, vì vậy cha mẹ phải lo. Lo vì chúng có thể bị sa ngã vào hút sách, ma túy hay tội phạm, thì chỉ tội nghiệp tương lai của chúng mà thôi! Thời gian dành cho gia đình thì rất là ít, chúng dành thì giờ cho bạn bè nhiều hơn, ngoài giờ học tập. Sợ nhất là chiều thứ sáu, hoặc cuối tuần, chúng rủ nhau đến khu ăn chơi (downtown) nhảy Disco. Lứa tuổi choai choai ở đâu cũng vậy, đều mang một đặc điểm chung: Quậy phá, tập làm người lớn, ghẹo gái, uống rượu, hút thuốc. Nếu gặp bạn không tốt sẽ bị lôi cuốn dễ dàng. Từ Disco sẽ qua thử uống chút rượu, "vui" rồi sẽ uống khá hơn, "xỉn" rồi thì đi thử tới động điếm để tập làm đàn ông, người lớn. "Hút thuốc không đả đâu, cần sa, bạch phiến mới đúng điệu"; "Hút hít chưa phê, chích mới phê". Thế là qua sự thách đố, dụ dỗ, lôi cuốn đó cuộc đời chúng lần lần đi sát vào "nấm mồ", vào "nghĩa địa"; còn cha mẹ thì càng ngày càng gầy héo vì thương và đau khổ bởi đứa con.
Thế vậy mà đoạn đường ấy có dứt đâu, hãy còn tiếp tục: Nếu trợ cấp xã hội không đủ thì chúng sẽ chôm chỉa của nhà, của người đem bán để thỏa mãn nhu cầu. Không đủ, thì có thể vào Casino, máy kéo, cờ bạc để cầu mong vận may, hoặc lọt vào tổ chức buôn bán, phân phối ma túy để kiếm tiền, đồng thời cung ứng nhu cầu của chúng. Khi đã lọt vào thì khó mà ra; ra tổ chức thì sợ sẽ bị thanh toán, đành phải trốn chui, trốn nhủi hoặc cao bay xa chạy. Còn bán thì cứ lựa bạn bè hoặc người quen. Thế là vô tình chúng lại phá hoại chính bản thân, gia đình chúng, xã hội và cả một cộng đồng sắc tộc của ta.
Để kết luận phần nầy, Nguyên Thảo chỉ mong với ghi nhận của mình được bạn lưu ý, phân tích, phối hợp với nhận xét của bạn, của bạn bè, để tạo nên một phong trào chấn chỉnh, tìm phương cách cứu vãn, hầu giúp cho cha mẹ từng gia đình đở phải lo, và con cái có một hướng đi vững chắc tìm đến cho tương lai vinh quang cho chính chúng nó, đồng thời giúp cho cộng đồng, sắc dân của ta tránh được những điều không hay.

3- Đi Tìm Nguyên Nhân Của Sự Khó Khăn Trong Việc Dạy Con Ở Xứ Người:
Chúng ta là những người đầu tiên ồ ạt ra xứ người và chọn nơi trú ngụ hiện tại làm quê hương thứ hai. Phần lớn là xã hội Tây phương, cho nên sự khó khăn bước đầu lại gặp càng nhiều khó khăn hơn. Có những người ở xứ nhà làm nghề rất vững chãi, dầy kinh nghiệm, nhưng khi đến xứ người phải chọn nghề khác. Có nhiều vị là Bác sĩ, kỹ sư, luật sư hay nói chung đều thuộc thành phần ưu tú của đất nước cũng phải bó tay vì ngôn ngữ; do vậy cái khả năng, cái mảnh bằng sẵn có không thể lấy (thi) lại được và đành chuyển sang nghề mới.
Vấn đề ngôn ngữ, nghề nghiệp, cách sinh hoạt, láng giềng "gần như khác hẳn", chúng ta phải lần mò, dìu dắt nhau để thích ứng với hoàn cảnh mới. Song song vào đó, phải chạy đua với các hóa đơn tính tiền: Nào thuế đường, bảo hiểm xe cộ, ga, điện, nước, điện thoại, hội đồng địa phương, tiền nhà...khiến ta thiếu thì giờ để nghỉ ngơi. Nhưng vấn đề con cái lại là vấn đề quan trọng và âm ỉ hơn cả làm bậc cha mẹ thật nhức đầu; đôi lúc thái độ chán nãn, buông xuôi được hiện rõ ra ngoài cuộc sống.
Nguyên Thảo lần nầy muốn cùng bạn cố truy tìm nguyên nhân xem vì sao mà ta không thể thành công trong vấn đề dạy con của chúng ta (tuy nhiên, cũng có không ít gia đình có con đông, nhưng họ dạy, hướng dẫn con có kết quả rất là mỹ mãn. Sự việc đó, có lẽ, ta phải nhờ các bậc cha mẹ ấy góp ý, giúp hộ kinh nghiệm để ta có thể dễ dàng tìm được phương cách tổng quát mà dạy con).
Ở trên, Nguyên Thảo đã xài đến nhóm từ ngữ "gần như khác hẳn" gần như là quá đáng với cái nghĩa của nó, nhưng suy đi nghĩ lại thì không thay được từ nào đúng, chính xác hơn. Đó là điều nghịch lý. Và trong vấn đề dạy con ở xã hội nầy, chúng ta cũng gặp phải 5 điều nghịch lý:
Nghịch lý 1: Về cá nhân: Nếu cha mẹ ở Việt nam "là cha, là mẹ" có quyền dạy con, rầy con, thậm chí có khi còn chửi mắng, đánh đập con nữa. Cái cách "thương cho roi cho vọt" đã trở thành cái nếp rất lâu dài trong xã hội và giáo dục nước ta, đến nay vẫn hãy còn tồn tại. Người con chỉ biết vâng lời hoặc làm theo lời cha, như vậy mới gọi là có hiếu.
Nhưng trong xã hội Tây phương, thì lại không quan niệm như vậy. Người cha hay mẹ cũng như con đều là con người, chỉ khác nhau lớn nhỏ, cha con mà thôi. Ai cũng có quyền của con người; người nào cũng có tự do cá nhân riêng. Hành xử áp chế, đánh đập, chửi mắng là phạm pháp. Đứa con có thể nhờ cảnh sát bảo vệ mình, người cha hay mẹ phải bị câu lưu. Điều ấy làm cho cha mẹ cảm thấy khó khăn trong việc dạy con; đứa con hiểu được như vậy, lại càng an tâm mà bướng bỉnh. Nếu người cha (mẹ) nóng tánh la lối, rầy mắng thì chúng lại bỏ nhà ra đi.
Nghịch lý 2: Về gia đình: Những điều hiếu để, vâng lời cha mẹ, giúp đỡ cha mẹ hay là đi thưa về trình dần dần xa rời nề nếp xưa cũ mà được thay thế bằng "hello", với những cái nhìn thay chào hỏi; công việc của cha mẹ thì cha mẹ cứ làm; con thì đã có hẹn "party", đá banh, đi chơi với bạn. "You", "me" gọn gàng hơn là anh, chị hay em, thì cách đối xử giữa anh, chị, em cũng có khác đi theo ngôn từ xử dụng: Em không cần nghe lời anh chị nữa, anh chị cũng không thể nói tới việc của em làm. Con càng lớn lên thì cái cảnh gia đình càng rời rạc hơn: em là em, anh là anh, chị là chị, chỉ còn vợ vớí chồng, cha với mẹ. Nếu vì lý do nào đó vợ là vợ, chồng là chồng, thì quả thực giống như cái nhà ở bên nây vậy: Mỗi người là một căn phòng có vách tường ngăn cách hẳn hoi.
Nghịch lý 3: Về giáo dục: Ở Việt nam, chương trình dạy học giúp trẻ con về kiến thức tổng quát các bộ môn: Khoa học, văn chương, sử điạ, cả công dân và đức dục. Giáo dục hổ trợ cho gia đình, đồng thời chuẩn bị tốt cho đứa trẻ gia nhập vào xã hội, quốc gia; biết bổn phận đối với Tổ quốc. Nhưng trên xứ nầy thì có lẽ: Có được mấy đứa học trò thuộc bài quốc ca; có mấy em hiểu được lịch sử và địa lý của đất nước mình. Văn chương thì lại còn xa vời hơn nữa. Tuy nhiên chúng rất rành về khoa học, máy vi tính; về liên hệ nam nữ; nhất là tuổi nào được rời khỏi nhà và những nơi nào sẽ bảo vệ chúng
Nghịch lý 4: Về xã hội: Mỗi con người ở đây có được đầy đủ quyền tự do cá nhân: Ăn nói, hội họp, làm việc, hoạt động...miễn là không phạm pháp. Không ai có quyền xâm phạm vào chuyện riêng tư của người khác, do đó xã hội bên ngoài thấy có vẻ nhộn nhịp, ồn ào, người nào cũng vội vàng, ai làm công việc nấy. Về nhà thì nhà ai nấy ở, láng giềng gặp nhau thì "say hello", cùng lắm là vài ba câu thời tiết hoặc chuyện đâu đâu rồi thôi. Không có vấn đề đàm tiếu, thiên hạ dị nghị, luận bàn: "Nhà nầy có mấy đứa con học giỏi", "thằng con nhà đó đi bán cần sa, bạch phiến bị bắt" hay "thằng đó có tiền án ăn trộm". Cho nên xã hội dửng dưng với tội ác mà cũng chẳng thúc đẩy những việc tốt được phát triển hơn lên.
Nghịch lý 5: Về tài chánh: Nếu ở Việt nam, cha hay cha lẫn mẹ cố gắng làm việc để kiếm tiền lo cho gia đình, dự trữ phòng khi thiếu hụt, bệnh hoạn và chi xuất nuôi con cái, cho tiền con cái từ cái ăn mặc cho đến sách vở đi học hoặc tiêu xài. Chính vì điều đó đứa con mới thấy sự cần thiết của đồng tiền, biết nhìn vào sự vất vả của cha mẹ, và đồng thời mới có được ý thức "giúp cha mẹ là một bổn phận". Còn trên xứ nầy chúng lại được cấp tiền để đi học, sống chung ở nhà thì hưởng ít, ra ngoài được nhiều thêm. Điều ấy khiến đứa trẻ thấy mình không bị lệ thuộc vào cha mẹ và khinh lờn nếp sống gia đình. Nếu cha mẹ ép buộc chúng nó học, hoặc bắt chúng làm những điều "mình đã định hướng tương lai cho chúng" mà chúng không thích, thì tạo nên xung đột. Nếu cha mẹ không hiểu rầy la, lớn tiếng thì chúng đều có một ýnghĩ duy nhất là "ta chửi chúng nó". Cái khổ của cha mẹ là con mình không phân biệt được thế nào là dạy dổ, góp ý, rầy la, mắng chửi. Nếu ta nói với chúng có vẻ lớn tiếng, giọng hơi nặng nề, tất cả đều đồng nghĩa là "chửi". Thế là chúng cãi, hoặc vào phòng đóng cửa lại, hoặc là bỏ đi. Nếu ta dằn lòng không được ta chửi, đánh đập thì chúng lại bỏ nhà ra đi, đưa đến cái "khổ cho chúng mà cũng khổ cho ta".
Qua các điều nghịch lý từ cá nhân cho đến xã hội, tài chánh như vậy; có lẽ bạn cũng có thể mường tượng được vấn đề khó khăn để dạy con của chúng ta... Ta đã bị "bao vây toàn bộ", cho nên ta chỉ còn một cách duy nhất: Là xét lại mình để tìm một con đường khác ổn thoả hơn.
Trước hết, ta nhìn vào người địa phương để xem họ dạy con như thế nào? Và sau nữa, ta nương vào đó để phối hợp với những nét cũ của ta tạo thành cách mới, thì mới có thể hy vọng đạt được kết quả tốt hơn.
Nói đến người Tây phương dạy dỗ con cái, thì thú thực Nguyên Thảo cũng không hiểu nhiều và rành rẽ lắm. Lúc xưa, nghe người ta nói Ông Jean Jacques Rousseau viết ra phương pháp giáo dục để cho người khác dạy con, dạy học trò, nhưng chính con mình phải đưa vào trường nội trú. Phương pháp ấy được giáo sinh (học sinh trường sư phạm) ở Việt nam học tập. Nhưng khi đến xứ Úc nầy, có nhiều bạn than phiền "nhà trường dạy cái gì mà con cái ít thấy chúng nó học, vô trường chơi nhiều hơn là học". Trong giờ ra chơi, học sinh muốn leo trèo, làm gì thì làm, giáo viên cũng không nói. Nếu có em nào té gãy tay, thì kêu xe cứu thương đến chở tới nhà thương... Lúc ấy vì chân ướt chân ráo mới đến xứ người, nên Nguyên Thảo chỉ nghe, mà không có ý kiến tìm hiểu với bạn xem: Vì sao? Rồi thời gian sau bận đi đây, đi đó kiếm việc, kiếm tiền. Đến khi vợ con qua thì mới trụ lại một nơi. Con đi học, vợ chồng phải đi làm. Đôi khi làm phải cật lực hơn nữa mới có tiền mua sắm, ổn định đời sống và trang trải các chi phí quá nhiều. Lúc ấy, dù bận rộn thế nào Nguyên Thảo cũng phải lưu ý chút ít về sự học của con. À thì ra! Người bạn trước kia phàn nàn không phải là sai. Từ lúc nhà trẻ, mẫu giáo, đứa trẻ được cho chơi, vẽ hình, tô màu, làm thủ công, vừa chơi vừa học chữ, học nói, học viết. Sang Tiểu học (lớp 1 đến lớp 7) học càng ngày càng nhiều hơn chút ít, nhưng về nhà cũng ít khi chúng phải làm bài tập nhiều. Mãi khi chúng sang Trung học (lớp 8) thì chúng học "khá" hơn chút nữa, bài tập ở nhà có vẻ bận rộn. Đến lớp 10 mới thấy chúng học nghiêm chỉnh. Rồi lớp 11, 12 bù đầu với bài tập ờ nhà (homework) và chuẩn bị thi. Chương trình học thì thấy như thế đó, nhưng với kỹ luật nhà trường lại chắc không gò bó gì lắm. Ở đây thấy chỉ có khen, chứ chê trách hay hình phạt, kỹ luật chẳng có mấy khi...
Còn nhìn về chung quanh thì thấy người Tây phương không gò bó, ép buộc con cái gì cả: Nó phá thì kêu nó đừng phá, nó tới chỗ nguy hiểm thì kêu nó đừng tới, thế thôi! Con cái thích làm gì thì làm, rất là thoải mái, cha mẹ thỉnh thoảng chỉ trông chừng, chứ không phải cho con "được làm cái nầy, không được làm cái kia; chơi ở đây chứ không được tới đó, không nghe thì bị đòn". Điều ấy rất hiếm xảy ra.
Suy rộng ra, có lẽ họ để con họ tự do phát triển về năng khiếu, trí óc, sở thích của chúng, họ chỉ trông chừng và tạo các điều kiện giúp chúng mà thôi.
Trong các điều kiện giáo dục của nhà trường, con cái ta tiếp xúc trực tiếp với môi trường, xã hội chung quanh như vậy, khiến ta không thể hành xử theo lối cũ của ta được, cho nên:
1- Ta hãy xóa tất cả những gì ta kỳ vọng, muốn áp đặt vào đứa con, bắt nó phải học như thế nầy, giỏi như thế kia để đạt tới ngôi vị mà ta muốn nó đạt tới.
2- Hãy tập cho ta một sự bình tỉnh, nhẫn nại, từ tốn để mềm mỏng mà ứng phó.
3- Dằn xuống mọi cơn nóng giận. Khi nóng giận, ta "đừng nên nói, đừng đổ trút nó lên con cái".
4- Ta luôn nhớ là ta giống như một người bạn của con mình, chỉ có nhiệm vụ giúp đỡ, hương dẫn chứ không là một người bắt buộc, la rầy.
Có 2 ví dụ điển hình mà bạn có thể hình dung được tình trạng liên kết với vấn đề dạy con:
a/ -Khi ta lái xe từ trong đường nhỏ đến ngã ba và "give way" để ra đường lớn. Ta muốn băng qua đường để quẹo về phía bên kia, nhưng đường lớn xe đông quá, ta cứ kiên nhẫn đợi chờ...đến lúc an toàn mới qua, không thể qua ẩu, không khéo thì xảy ra tai nạn. Sự kiên nhẫn đó giống như sự kiên nhẫn của ta đối với việc dạy con vậy.
b/ -Ta trồng một cây dưa, cần quấn lên dây, nhưng gì quá bận rộn, ta để cây dưa ngã cúp xuống, ngọn lại cong lên. Khi quấn ta cũng không thể nóng nước hay mạnh bạo được. Nếu không sẽ bị gãy. Do đó hôm nay ta quấn một chút, ngày mai ngọn khá thẳng lên, thì ta quấn thêm một chút, dần dần nó sẽ trở lại bình thường. Và khi quấn ta phải nhẹ nhàng, dịu dàng chìu theo hướng nó đi.
5- Ta hãy dẹp bỏ tất cả những kỳ vọng, áp đặt của ta trước kia vào đứa con, mà bây giờ, ta tự coi như là bạn của nó, chỉ giúp đỡ nó, an ủi nó, khuyến khích nó: Con học có khó không? Con có cần cái gì không? Con có đủ tiền mua không?
6- Ta hãy theo dõi sự tiến triển của chúng nó về môn học, hay sự học tập để hướng dẫn chúng trở lại cái điều mà ta đã kỳ vọng cho chúng: Kỳ nầy con học tiến bộ rất nhiều! Ba thấy con có khiếu về sinh vật, cơ thể học. Con có thích ngành y không? Ba thấy con có vẻ hợp nghề y và có khiếu nữa. Vậy thì ráng học đi con để đủ khả năng vào ngành đó; mai sau, ra kiếm việc dễ mà được nhiều tiền, lúc đó tha hồ "mà" đi chơi...
7- Tuyệt đối ta không thể dùng quyền cha mẹ áp đặt lên con cái theo kiểu ở Việt nam được.
Sở dĩ Nguyên Thảo nhắc lại điều nầy, vì điều nầy đã quá quen thuộc với chúng ta từ lúc nhỏ đến lớn, nên có thể một khi nào đó, ta sử dụng nó một cách vô ý, sẽ gây ra khó khăn lớn ngay, tức là bắt chúng làm cái nầy, không được cãi, cãi thì chửi, chửi không nghe thì đánh. Lúc ấy chúng bỏ nhà ra đi: Sự việc đã xảy ra rồi, ta không thể níu kéo lại được.
8- Dạy con ở đây không thể nôn nóng, nóng nước, phải tìm lời khéo léo, lúc ngôn ngữ của mình được ôn hòa, nhã nhặn, dịu ngọt mới "có tác dụng".
9- Nếu trường hợp người cha đã quá căng thẳng với đứa con, phương pháp tốt nhất là người cha "đừng nên nói gì nữa cả", cứ phớt lờ coi như là không có, ngay cả "như là không có đứa con đó" (để đánh lừa tâm lý cho sự buồn bực, và an ủi cho chính mình). Muốn nói gì đều qua người mẹ của nó là tốt nhất.
Người mẹ với bản tính mềm mỏng, ngọt dịu của một người đàn bà cũng cần thiết vuốt ve con, nhưng cũng biết vừa khuyên nhủ con, vừa phân tích để lôi kéo con trở lại gần với người cha (người mẹ là gạch nối, là người hòa giải, giữa đứa con và người cha).
10- Giúp con có điều kiện tổ chức BBQ, party với bạn nhân ngày sinh nhật, ngày vui của nó để tỏ ra mình quan tâm và chăm sóc tới nó.
11- Tổ chức các buổi BBQ cho gia đình, họ hàng gom mặt lại vui vẻ với nhau cho có vẻ một đại gia đình ấm cúng, gây ấn tượng tốt cho trẻ (tổ chức ở nhà hay pinic ở những nơi du lịch, công viên) cũng là một cách giáo dục hay.
Tóm lại, qua những vòng vo, tìm hiểu vấn đề mới và quan niệm xưa cũ của ta trong vấn đề dạy con cùng trở ngại của nó, Nguyên Thảo đúc kết qua cái nhìn riêng của mình vào một số vấn đề, hi vọng nó sẽ bổ túc "Ước muốn dạy con được dễ dàng hơn" của bạn, hầu giúp bạn có được một phương thức hữu hiệu và thành công.

Nguyên Thảo,
10/8/2000.

Sau khi viết và phổ biến các bài nầy xong trên Nam Úc tuần Báo, tôi thấy cần thiết tích cực hơn để giúp cho Thanh Thiếu Niên một hướng đi và tôi cũng nhớ lại quyển sách “Tâm Hồn Cao Thượng” của Hà Mai Anh dịch từ quyển sách của một nhà văn Ý “Amici” mà tôi có dịp đọc từ thuở học trò. Với hình thức những bài ngăn ngắn, tôi đã cố gắng vận dụng tất cả những hiểu biết của mình cũng như học được để kết thúc những bài viết cho chính con mình và những đứa bé cùng lứa tuổi với chúng để giúp cho chúng một hướng đi trong cuộc sống. Cho nên “Những bài viết cho con” được ra đời.

Nguyên Thảo,
22/12/2009.

H.T Chữ Nghĩa 4: Từ N.T Trở Thành Nguyên Thảo.

Sau khi suy nghĩ kỹ càng và với nhu cầu cần thiết phải phổ biến gấp bài “Những ý kiến đóng góp về một phương pháp Thiền” nên tôi đã nhờ đến tờ báo Nam Úc giúp dùm. Phổ biến xong trong một thời gian dài không thấy có phản hồi nào hết, tôi cảm thấy nhẹ nhỏm trong người. Và, tôi lại chọn đề tài khác để gởi cho anh bạn để đăng trong Bản Tin Nông Gia. Lần nầy, tôi chọn một đề tài xã hội đã được tôi quan tâm từ lâu. Đó là vấn đề “sợ vợ” mà tôi đặt tựa đề là “Sợ vợ có phải là sợ vợ hay không?”. Sợ vợ ở Việt Nam thì hiếm hơn, nhưng vấn đề ấy đã khiến cho dòng họ ‘gát bỏ’ ông chồng qua một bên; còn ở xứ người vì luật pháp bảo vệ người đàn bà nên vấn đề sợ vợ gần như được phổ biến. Tôi dự định viết bài ấy để những ai đọc được, nhất là những người đàn bà hay “la” chồng sẽ giảm bớt đi để hạnh phúc gia đình được bền lâu, con cái sẽ được vui vẻ hơn; và nhất là họ sẽ hiểu được ông chồng mình nhịn mình vì hạnh phúc gia đình chứ không phải là sợ mình. Bài ấy viết ra, cũng có nhiều phản ứng. Nhưng vì tôi chỉ để tên tắt của mình thôi, tức là N.T, thành ra người ta cũng chẳng biết là ai? Chỉ vì tôi thố lộ với anh bạn mà nó đã phổ biến và người cự tôi lại là bà bạn phụ giúp tôi trong những lúc tôi cần người. Bà ấy cũng văn nghệ lắm! Bà nói bà sẽ viết phản ứng lại. Tôi cũng khuyến khích bà viết phản hồi, bởi vì đó là vấn đề chung trong xã hội; Tôi chỉ viết để giúp hai bên hiểu nhau hơn chứ không châm chích ai cả, tôi chỉ phân tích một vấn đề để mọi người xem chơi!
Từ đó, tôi không để tên tắt nữa mà là Nguyên (N) Thảo (T), theo nghĩa của nó: Vốn là cỏ (cây). Tôi tự xem mình là chẳng ra gì như thân phận cây cỏ mà thôi! Và cũng để những ai viết phản đối lại bài tôi viết dễ xưng hô mặc dù trong văn viết. Nhưng chẳng có ai viết phản đối cả kể cả bà bạn của tôi.
Tôi trích lại để quý vị coi chơi, nhưng với bài nầy tôi đã sửa lại đôi chút để thích hợp với bút hiệu Đồ Ngông sau nầy và được đăng tải trên một tờ báo liên bang ở Sydney.

"Sợ Vợ" Có Phải Là "Sợ Vợ" Không?

Đồ tôi nhớ khi còn nhỏ nghe trong "la-dô" mấy ông hề hát tuồng "Hội sợ vợ": Nghe nó vui làm sao ấy! Đồ tôi cứ mãi lắng mà nghe. Tưởng câu chuyện đó chỉ là viết để giúp vui cho mọi người thôi! Nhưng sau nầy lớn lên mới biết vở tuồng nọ cũng là một "phản ánh" xã hội, mang tính cách trào phúng lẫn châm biếm.
Rồi đến một ngày kia, Đồ tôi chứng kiến một người vợ "ra oai" với ông chồng, Đồ tôi ngơ ngác mà ngẫm nghĩ "sự đời". Nhưng sau đó, ông chồng nói với Đồ tôi rằng: "Tánh bà ấy thường thì như thế đó! Bả la một hồi rồi thôi! Nếu bác cự lại thì sanh ra hai vợ chồng gây lộn nhau hoài, con cái nó nghe được hay chứng kiến thì nó buồn tội nghiệp, gia đình cũng chẳng vui!". Từ đó, Đồ tôi hiểu thêm được vấn đề một chút ít.
Khi vào đời đi làm việc, Đồ tôi gặp một ông bạn. Ông bạn nầy cũng có tiếng là "sợ vợ". Đồ tôi chỉ nghe thôi, chứ chưa chứng kiến. Trong một buổi trưa nắng buồn, mọi người ngồi trong phòng tự dưng ngưng ngang câu chuyện, cùng nhau yên lặng. Một cái yên lặng đột nhiên, lạ lùng. Ông bạn "sợ vợ" bỗng phá bầu không khí ấy: "Mình đâu có sợ vợ mấy ông, nhưng mà mình "nễ" (nhịn) vợ, rồi mình sợ vợ lúc nào không hay!". Câu ấy vào trong hoàn cảnh đó đã đánh mạnh vào trong suy nghĩ Đồ tôi, đưa Đồ tôi rơi vào khoảng không của tâm thức, và với một sự cảm thông bằng một tình cảm không cùng. "Một lời tâm tình, một lời bộc lộ, một sự diễn tả tự nhiên không hề có ý thức". Do vậy, mà khi Đồ tôi tập tành viết lách, viết cho vui trên "Bản tin nông gia" của Hội Nông Gia Nam Úc đã đưa vấn đề ấy "mổ xẻ" một lần vào khoảng năm 2000. Nay Đồ tôi bỏ chút thì giờ "chỉnh lý", viết lại để đưa ra trình diện cùng Quý vị xem chơi, đồng thời tham khảo. Nhất là các "bà Mệnh phụ" vui lòng ngẫm nghĩ, xét lại điều Đồ tôi ghi nhận, nhận xét có đúng hay không? Khi viết vấn đề nầy, Đồ tôi chỉ có một mục đích là giúp cho "hạnh phúc gia đình" của Quý vị mà thôi. Hạnh phúc trong "Sự tương kính, hiểu nhau" và con cái được vui trong "cảnh êm ấm".
Thực ra, trong thế gian người ta ít khi đào sâu, tìm hiểu về một vấn đề "để mà" thông cảm, mà người ta chỉ thấy hiện tượng rồi vội vàng phê bình đàm tiếu. Vì thế, vấn đề sợ vợ mau chóng trở thành một chứng tật gán ghép được lưu truyền.
Đồ tôi, với những thời gian đã chứng kiến nhiều câu chuyện và cũng được nghe nhiều phê bình, đàm luận từ bên ngoài đến trong họ hàng của người sợ vợ. Đồ tôi muốn làm một cuộc "thanh minh" giúp hộ, thế thôi!
Sau những lần tìm hiểu, phân tích Đồ tôi đúc kết được một số nguyên nhân, lý do để đưa người đàn ông đến tình trạng "Phải sợ vợ" như sau:
1-Khi người đàn ông vì ham mê một cái gì như: cờ bạc, rượu chè, lăng nhăng bồ bịch, dấu diếm tiền bạc cho một công việc mờ ám nào đó; tức là người đàn ông tự tạo lỗi lầm cho mình đối với vợ, gia đình thì người vợ la lối, cự nự là một điều tất nhiên và người đàn ông không thể mở miệng nói được. Nếu điều ấy là thường xuyên thì "bàn dân, thiên hạ" cứ coi như người đàn ông đó là sợ vợ.
2-Nếu trong gia đình người đàn ông vì lý do nào như: lười biếng, sức khỏe yếu kém, bất tài, bê tha, sống lệ thuộc vào gia đình vợ... khiến bà vợ phải nhảy ra quán xuyến, gánh vác; làm trụ cột chính về tài chính của gia đình thì người đàn ông cũng phải đành chịu "lép vế" cái vị thế của mình là một việc đương nhiên.
3-Trường hợp hiếm hoi: Đối với những ông chồng "vô phước" gặp phải các "bà chằng", các bà vợ tính tình bất thường, nóng nãy, "mad" dây, thường hay la lối om sòm, mà các ông cũng không thể dứt bỏ được thì cũng dễ đưa đến hình thức sợ vợ.
4-Trong hoàn cảnh xã hội theo phương Tây nầy, người đàn bà được bênh vực triệt để. Tiền trợ cấp cho "single mum" lại cao hơn, khiến cho các bà một phần muốn sống "như Tây", một phần muốn "quên đi" vai trò của mình trong gia đình, lại càng lên nước khiến gia đình đi đến đổ vỡ hoặc là các ông chồng lâm vào tình trạng sợ vợ.
5-Trong những nghề nghiệp cần có quyết định chung như trong nghề nông, nghề kinh doanh... Nếu đã bất đồng ý kiến giữa hai vợ chồng lúc ban đầu về chọn giống, kế hoạch mà ông chồng quyết định theo ý mình; dù việc làm không bị thất bại, hư hao mà gặp lúc giá trên thị trường rẻ, thì ông chồng cũng sẽ bị cằn nhằn từ ngày nầy qua ngày khác, hoặc đôi lúc còn bị "tố khổ" giữa đám đông bạn bè. Điều ấy nếu nhiều lần, lâu ngày ông chồng cũng trở thành "sợ vợ".
6-Còn trường hợp hiếm hoi khác là "hiếp chồng lưu truyền", tức là bà vợ ấy khi còn là con gái trong gia đình mà mẹ đã "hiếp chồng" rồi. Vì quá quen khung cảnh đó nên đã "thừa hưởng" lúc nào không hay, chỉ đợi ngày phát tiết ra thôi. Tuy vậy, có những người tinh ý thì lại ngược lại vì "không đồng ý" với việc làm của mẹ; đồng thời cũng "thương cảm" với cha mà thái độ hành xử có khác đi.
7-Nhưng tựu chung, đại đa số các con "gà cồ" bị "gà mái" đá, chẳng qua đó là một sự nhường nhịn lớn lao của người đàn ông. Họ không muốn cãi cọ, gây gổ, xung đột nhau trong gia đình khiến ảnh hưởng, tác động lớn đến tinh thần, sự học của con cái và cả đời sống tương lai của chúng ở sau nầy. Họ chịu nhịn nhục để con được yên vui, thành người.
Vấn đề sợ vợ cũng có những phức tạp của nó, Đồ Ngông tôi chỉ có khả năng tìm hiểu đến đó thôi! Nhưng có một điều, dù là "sợ vợ" hay "ăn hiếp chồng" cả hai vẫn không bên nào được đánh giá là cao quý cả. Đối với đàn ông bị coi là "hèn nhát, sợ vợ"; thì ngược lại đàn bà cũng bị coi là "Mụ đó dữ như Chằng", "chửi chồng như chửi con", "Con mụ chẳng có nết" đôi khi người ta còn chêm vào "Chắc nó giống mẹ của nó" lại rất ư là phiền!
Đó là những điều mà xã hội, thiên hạ bình phẩm; chưa nói đến trong gia đình, dòng tộc có thái độ nghiêm khắc, chanh chua hơn. Đồ tôi, trong đời, đã đôi lần được chứng kiến ở một vài đại gia đình đó đây, mà Đồ tôi cũng giật mình. Không ngờ nó lại trầm trọng đến như thế! Mới đầu chỉ có vài người tỏ vẻ bất mãn, khinh khi. Lâu ngày, nguyên cả họ bắt đầu coi rẽ: "Nó là thằng sợ vợ", "Nghe lời vợ", "Lệnh bà phán"...Rồi lần lần loại trừ ông chồng sợ vợ nầy ra riêng và cả con cái của ông ta cũng bị khinh khi, ghét bỏ giống như là "một thứ cùi hủi" trong dòng tộc. Đồ tôi thấy, mà ngán ngẫm cho thế sự!
Nhiều lúc, trong cuộc sống, người ta hành xử với nhau mà không hề lưu tâm đến thái độ, cung cách của mình, thế mới nên có nhiều phiền phức, hệ lụy; mà "ăn hiếp chồng" lại là một trong những cung cách đó. Vì thế, một khi mà người vợ "hiếp chồng" nầy có thân thuộc, thân nhân bị vợ "hiếp" thì lúc đó, họa may, họ mới nhận ra và sửa đổi thái độ để điều chỉnh lại nhịp điệu trong gia đình cho hài hòa hơn; khi ấy cũng đã quá muộn màng. Nhưng có vẫn còn hơn không! Được như vậy cũng là đem đến "nguồn vui cho con cái" của họ.
Thực ra "con gà trống" nào vẫn là "con gà trống". Nhưng con gà trống chỉ chưa sống và hành xử đúng với bổn phận, nhiệm vụ, trách nhiệm của mình mà thôi!

Đồ Ngông.

Và từ đó tôi sử dụng đến bút hiệu Nguyên Thảo nầy trong những bài viết của tôi. Vì viết cho tập san nghề nông, nên tôi vận dụng những điều mình đã học được về vạn vật vào năm Đệ Nhị, mà cố gắng viết ba bài ngăn ngắn về đời sống cây cối để giúp các anh chị trong nghề nông có ý niệm khái quát để từ đó có thể trồng trọt dễ dàng hơn. Khi viết những bài đó tôi cảm thấy ái ngại đối với chính mình, vì lẽ mình trồng trọt cũng chẳng bằng ai mà mình lại “bày đặt” phân tích, chỉ chỏ... Chính vì vậy mà tôi ngưng ngang những bài sau về phân, thuốc... mà chỉ đưa tài liệu để anh bạn tôi dịch và đăng tải vào trong tập san.
Đối với tôi, viết là một sự giải trí, góp vui với mọi người, hay mình biết những gì có ích hoặc không hại đến người khác thì tôi mới viết. Nhất là viết để chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau mà tôi biết thì tôi không từ nan. Tôi thường tâm tình với anh bạn: “Mình bỏ thời gian ra để viết, mà viết những điều không có ích hoặc tào lao thì uổng phí quá; hay mình viết tầm bậy giống như mình đi gom rác lại để làm của mình thì tôi không viết. Viết phải có ích, không thì không viết tốt hơn!”. Ý nghĩ đó đã trở thành kim chỉ nam trong sự viết của tôi. Vả lại, từ ngay lúc đầu tôi viết bài Thiền cũng do sự thôi thúc vô hình nào đó từ trong tâm tưởng của tôi, nhằm để phổ biến những điều mình đã cảm nhận đến với mọi người; để giúp một số người nào đó cần biết, để họ tự tạo cho chính mình một niềm tin trên con đường hành trì của họ. Vì thế, khi cầm bút để viết một vấn đề tôi thường hay đắn đo rất nhiều trước khi viết.

Nguyên Thảo,
21/12/09.

H.T Chữ Nghĩa 3: Sự “Huyền Nhiệm Của Tâm Linh”!

Tôi hoàn tất và phổ biến bài “Những ý kiến đóng góp về một phương pháp Thiền” theo những sự thôi thúc nào đó mà tôi không thể cưỡng, cũng như khi tôi cưỡng lại “không muốn” thì sự an tâm của mình “không có”. Sự phổ biến những “cơ duyên” đã cảm nhận được của tôi đó là nhằm mục đích để giúp cho những người đang hành thiền có thêm ý kiến để họ định hướng sự Thiền của mình cũng như có thêm cách thức để họ “chống lại” những trở ngại trong Thiền mà thôi! Đó là tấm lòng của tôi, vì sự Thiền không phải là dễ dàng như ăn cơm hay uống nước. Cho nên tôi đi vào cái viết đầu tiên là “Một tấm lòng”! Tôi không đòi hỏi một điều gì dù là nhuận bút, hay tôi sẽ trở thành nhà văn hay nhà thơ. Tôi viết chỉ cầu mong đem lại được ích lợi cho mọi người và xã hội, cho nên tôi cũng thường tự nhủ mình cùng tri ân những tờ báo và những nơi đăng tải bài của mình. Tôi viết trong hoàn cảnh cũng tương đối khó khăn về sức khỏe (đau nhức lưng thường xuyên), hay nghề nghiệp (nghề nông) đến đỗi có đứa cháu (con chị hỏi tôi về bài Thiền) phải buộc miệng: “Chú làm farm cực như vậy, mà sao chú có thì giờ để viết?”. “Một tấm lòng” khiến tôi viết, cũng như cái viết về sau của tôi cũng chỉ là ở “một tấm lòng”!
Cũng chính vì vậy, sau khi phổ biến bài “Những ý kiến đóng góp về một phương pháp Thiền” xong, tôi cứ ngỡ mình đã hoàn tất được vai trò. Nhưng, khi đi vào nghiên cứu sâu hơn về giáo lý đạo Phật (thoạt đầu, tôi tìm hiểu chỉ để tìm xem những điều tôi cảm nhận được có nói trong kinh điển của đạo Phật hay không) thì tôi thấy với những cảm nhận của tôi giúp cho tôi hiểu được kinh điển được dễ dàng hơn, nhất là khi tôi đọc bộ Phật Học Phổ Thông của Thầy Thích Thiện Hoa, đặc biệt các quyển khi Thầy giảng về Kinh “Lăng Nghiêm”, “Viên Giác” và “Kim Cang” tôi thấy ba phần ấy nó có sự nối kết lạ lùng. Tôi ghi nhận bằng bút chì trong sách và ghi ra một quyển sổ riêng. Khi đọc lại chúng là chìa khóa để tôi hiểu về giáo lý đạo Phật tương đối có hệ thống hơn. Và sự tìm hiểu về đạo Phật của tôi cũng tạm gọi là có cơ bản, mặc dù tôi mới chỉ bước vào tìm hiểu không lâu và không được đọc nhiều sách.
Khi hiểu được khá, tôi lại càng thấy sự dè dặt của mình trước kia là hợp lý vì mỗi người có nhiều nét khác nhau trong cơ thể cũng như về tâm tính, thì pháp của mỗi người cũng có khác nhau, cho nên ước nguyện ban đầu của tôi là làm sao kể và kể lại rõ ràng: Tôi đã cảm nhận về tâm linh như thế nào và tôi đã cố gắng vượt qua ra sao để tự những câu chuyện ấy nói lên những điều mà người đọc muốn tìm hiểu. Thế là bài “Sự Huyền Nhiệm Của Tâm Linh” được ra đời. Bài ấy được đăng lần thứ nhất trên báo biếu địa phương “Adelaide Tuần Báo” vào khoảng năm 2003; và lần sau trên trang mạng daophatngaynay@yahoo.com vào tháng 2 năm 2008. Với bài đó, sự đóng góp của tôi về vấn đề trong Thiền, coi như là tạm đủ và với ước nguyện muốn nói lên cái “kinh nghiệm” lúc cảm nhận của mình để cho những người lưu tâm trên con đường hành Thiền tự nhận xét mà trang bị hành trang cho chính họ. Bài ấy như sau:

Sự Huyền Nhiệm Của Tâm Linh.
(Bài viết được ghi lại tặng Quý vị đang hành Thiền)
Đã từ lâu lắm, tôi muốn viết về một câu chuyện để thưa cùng quý vị, nhất là những vị đang thực hành về Thiền. Câu chuyện ấy là một câu chuyện "mơ hồ"; câu chuyện thuộc về Tâm linh, câu chuyện "mơ mơ, màng màng" của Tâm thức mà tôi đã cảm nhận được một phần nào. Tôi muốn viết câu chuyện ấy một cách rõ hơn để từ đó có thể đóng góp chút ít ý kiến vào hành trang của quý vị để quý vị vững tiến vào con đường khám phá Tâm Linh.
Đối với tôi, điều ấy đến bằng một sự "rất tình cờ" mà tôi xem đó như là "một cái duyên". Tôi không là một nhà tu, cũng không là người thực hành Thiền, và cũng không am hiểu nhiều về bất cứ một tôn giáo nào. Nhưng câu chuyện ấy đã làm thay đổi ít nhiều cuộc đời của tôi.
Câu chuyện ấy bắt đầu bằng một chuyện thật buồn, chính vì thế mà tôi đã nhiều lần ngại ngần không muốn viết, nhất là viết về một câu chuyện riêng tư. Nhưng đến nay, tôi cảm thấy mình cũng cần nên viết, vì trong cái riêng tư ấy ít ra cũng có được những cái chung có thể đem đến ích lợi cho một số người nào đó, còn đối với những ai thấy các ý tưởng trong bài không ích gì cả thì cứ vui lòng xem qua như là một việc đọc vui chơi, như một bài viết về chuyện "tào lao" để giúp vui thiên hạ.
Câu chuyện xảy ra từ những năm cuối của 80, tôi không được may mắn và bước vào giai đoạn mà người ta nói là "Họa vô đơn chí". Một phần do số mình không may, một phần thì do "Tâm địa" con người hẹp hòi, ích kỷ. Bạn bè nhờ mình giúp một công việc, nhưng mình lại đang bận một công việc riêng tư không giúp họ được, thế mà họ đã rắp tâm thù hận. Rồi trước khi đi xa, họ kết cấu với một cặp vợ chồng khác để dèm pha, phá hại vợ chồng tôi trên bước đường "làm thuê, làm mướn". Người sử dụng thủ đoạn ác độc nhất lại là người ơn của mình. Thế là tôi phải "ngậm ngùi" mà nghĩ tình đời đen bạc. Trong hoàn cảnh ấy khiến tôi suy nghĩ và bận tâm rất nhiều. Từng bước, từng bước tôi phải tìm cách ổn định tinh thần. Trước hết đi vào hảng làm cho ổn thỏa. Làm trong hảng với tinh thần chán chường. Sau một năm, tôi có ý định ra nghề nông để mình tự làm chủ lấy mình. Thế nhưng, chưa đầy năm, tôi lại phải vào bệnh viện để mổ xương sống. Giấc mộng đành tiêu tan! Vì tương lai con cái, vì sức khỏe của mình, vì sợ cho sức khoẻ của vợ, tôi đành tính đến cách "bán đổ bán tháo", để vợ trở lại đời "làm thuê làm mướn". Tinh thần tôi trong lúc ấy trở nên sa sút, khủng hoảng vô cùng. Nằm trên giường dưỡng bệnh với bao nỗi niềm giăng mắc lo âu.
Một hôm, người anh bạn nhà bên cạnh rỗi rãnh qua thăm tôi. Tôi, anh ngồi nói chuyện thật lâu về nhiều vấn đề. Trong buổi ấy, anh có đề cặp đến hiện tượng một bà ni cô gọi là Thanh Hải, khá nổi tiếng đương thời. Tôi thì không để ý đến điều ấy, nên tôi khá ngạc nhiên về bà nầy. Thế rồi, ngày thứ bảy 27-3-92 anh trao cho tôi bài "Âm thanh siêu thế giới" của Thanh Hải mà đệ tử của bà nầy đăng trên tờ Việt Luận ngày thứ ba 23-3-92. Tôi đọc đến đoạn nói về "cái thai nằm trong nước mà vẫn sống" thì tôi bỗng nhớ lại một vấn đề: Lúc nhỏ, khi đi tắm suối tôi đã nghe âm thanh reo vui trong lúc lặn. Hồi đó tôi chỉ ngạc nhiên thôi, nhưng không hề biết tại sao lại có âm thanh ấy. Tôi đọc hết bài mà chỉ nhớ đến "cái thai nằm trong nước mà vẫn sống" cùng cái ý âm thanh siêu thế giới có thể bảo hộ cũng như rửa được nghiệp chướng.
Cái điều "âm thanh siêu thế giới có thể bảo hộ" làm cho tôi cũng lưu ý đến, vì những năm 69, 70 khi bắt đầu ra trường đi dạy học nơi xa do những biến cố từ bốn, năm năm trước tôi đã chẳng nhớ được nhiều. Dạy lớp 2, bài giảng chỉ có mười dòng mà tôi không thể nhớ được. Giận mình, nhiều đêm tôi đã phải vận dụng cách thức để luyện lại trí nhớ. Từng đêm, tôi nhắm mắt, tập nhìn vào khoảng không mù mịt để theo dõi. Sau hơn khoảng mười ngày tự dưng tôi thấy có những vầng ánh sáng từ trong đầu óc mình phóng về phía trước, càng lúc càng nhanh phóng qui tụ về điểm mà trong toán học gọi là điểm vô cực xa xôi. Tôi thấy lạ quá, tôi lặng tâm theo dõi, ánh sáng vẫn tiếp tục phóng đi từ màu lam, qua vàng, đỏ, xanh, cam, tím gần như là những màu của cầu vòng. Tôi lại càng định tâm hơn để theo dõi, xem coi những biến đổi ra sao: Như là một sự hiếu kỳ. Nhiều đêm vẫn như vậy, đến một đêm kia các vòng màu đi chậm lại và ở điểm vô cực hiện lên một điểm thật trong, điểm ấy dần lớn ra, tôi chú tâm theo dõi; nhưng "thằng bạn" ngủ chung mớ và nó đập mạnh trên tấm ván ép để lót ngủ thay ván một tiếng lớn làm tôi giật mình và "có vẻ chơi vơi". Tự đó tôi hiểu thế nào là "tẩu hỏa nhập ma" trong các truyện kiếm hiệp đã viết, tôi đành thôi không dám luyện trí nhớ bằng hình thức ấy nữa. Tuy nhiên, thỉnh thoảng về sau tôi cũng thực hành đôi lần để thoải mái đầu óc khi có những buồn chán. Những lần sau nầy tôi phải mất gắp đôi thời gian và phải tập trung mạnh hơn mới đạt được điều ấy vì lúc nầy tôi đã có gia đình, bởi một lẽ mà trong truyện kiếm hiệp gọi là "mất nguyên khí". Sau những lần ấy thì tôi bỏ thật lâu không sử dụng đến nó nữa vì tôi sợ bị "tẩu hỏa nhập ma". Tẩu hỏa nhập ma là gì? Tẩu hỏa nhập ma là hiện tượng xuất hồn, đang trong lúc xuất hồn đi xa hay xuất hồn để chú luyện, theo đuổi một cái gì; lại có những biến cố hay những tiếng động thật lớn khiến mình bị xúc động mạnh, hồn trở về không kịp khiến người ta chơi vơi và từ đó sống như người không hồn, hay bị dở điên, dở khùng. Sau nầy, tôi tìm thấy được trong kinh Lăng Nghiêm, Đức Phật đã nói thêm 50 món ma khác mà người tu Thiền khi cố gắng vượt qua Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức gặp phải. Trong đó có điểm tự thấy mình vĩ đại rồi tự xưng là bậc nầy, đấng kia cũng là một hình thức "Tẩu hỏa nhập ma" hay đúng hơn là đã bị "Thiên Ma Ba Tuần" dẫn dắt đi vào con đường Ma. Cũng trong Kinh Lăng Nghiêm, Đức Phật đã căn dặn người tu Thiền cần biết đến chú Lăng Nghiêm để làm "hộ mệnh" trên bước đường tu. Nói tóm lại, người tu Thiền cần tìm hiểu kỹ về Kinh Lăng Nghiêm.
Với những kết hợp sự kiện đó đã trở nên "duyên sanh" và "sự kiện" được "trùng trùng khởi động".
Ngay đêm hôm ấy, tôi thử bịt lỗ tai lại, lắng nghe âm thanh xem như thế nào. Khi nghe được rồi, tôi lại cố gắng bịt lỗ tai kín hơn để âm thanh bên ngoài không còn lọt vào, rồi nghe lại; cùng một thứ âm thanh không khác. Lúc bỏ tay ra, tôi cố lắng nghe cái âm thanh ấy, nghe thật kỹ. Cũng giống như vậy. Với sự hiếu kỳ và tò mò tôi đã theo âm thanh đó, càng lúc tôi nghe càng rõ, lớn hơn nhất là càng về khuya. Tôi tự nhũ: "Không biết có một thứ âm thanh hay nhiều thứ âm thanh?". Thế rồi, tôi thử xem có khác biệt không; tôi lắng nghe âm thanh ở bên tai trái, rồi lại lắng nghe âm thanh ở bên tai phải. Quả thật có khác, hai bên lỗ tai nghe hai thứ âm thanh khác biệt nhau đôi chút. Cứ nghe bên nây một lúc, tôi lại sang qua lỗ tai bên kia nghe một lúc. Luân phiên như vậy bằng sự hiếu kỳ. Nhưng hình như có một hiện tượng là lạ xảy ra. Khi tôi lắng nghe tai bên nây, rồi tai bên kia, cái chiều "sang bên" không đi chiều ngang từ tai bên nây để sang bên kia nữa, mà lại đi theo chiều xéo đi lên. Nó cứ thăng tiến như vậy, càng lúc càng nhanh và chiều xéo lại thẳng đứng hơn thêm. Tôi cảm thấy lạ quá! Càng thấy lạ, tôi càng theo dõi. Đến một lúc, chiều ấy trở nên thẳng đứng, như vậy là tâm thức của tôi đã "dính" theo chiều ấy mà đi theo nó, hay nói nôm na là bắt đầu xuất hồn. Tôi nhận thức như vậy! Và với cơn buồn chán trong tâm hồn, tôi không còn sợ "tẩu hỏa nhập ma nữa", tôi nhất quyết đi theo. Chiều "xuất hồn" đi lên qua đỉnh đầu, càng lúc càng nhanh. Tôi can đảm, liều lĩnh hít hơi từ từ, nhè nhẹ và thật sâu đ‹ể nó không ảnh hưởng đến điều theo dõi của tôi trong "cơn mơ màng" ấy. Và khi thở ra tôi cũng thở thật nhẹ nhàng như để nó từ từ tan biến, cứ vậy mà tôi theo hiện tượng đó. Chiều đi lên thay đổi tốc độ với nhịp thở của tôi. Tôi cố gắng tìm cách thúc đẩy tốc độ bằng hơi thở của mình, khi hít vào nhè nhẹ, từ từ thì tôi đưa hơi thở đẩy tốc độ di chuyển ấy lên, và khi hơi thở hít vào đã đầy và thở ra thì tốc độ ấy như muốn "tuột xuống" một chút. Thấy điều đó, tôi cố gắng dùng hơi thở điều khiển cho "nó" luôn đi lên với một tốc độ đều đặn. Cuối cùng tôi đã làm được! Khi hít vào tôi đưa nó lên và khi ngưng hít vào tôi đưa phần phổi trên tiến lên "làm như" mình vẫn đang tiếp tục hít vào và khi bắt đầu thở ra tôi vẫn dùng "nhận thức" đẩy "nó" tiến lên. Cứ thế tôi tiếp tục! "Nó" được tiến lên với tốc độ đều đặn, và lại càng lúc càng nhanh. Ôi! sao mà nhanh quá vậy! Lúc đầu chầm chậm giống như xe lửa bắt đầu ra khỏi ga, rồi tốc độ nhanh như xe hơi, như máy bay rồi lại như phản lực, rồi như hỏa tiển. Tôi hơi chới với, nhưng tôi không hề nao núng vì lúc ấy tôi trở nên liều lĩnh vô cùng với nhận thức: "Nếu có chết thì đỡ phải đau đớn, không làm khổ mình, khổ vợ con; còn nếu có dở khùng dở điên thì mình sẽ không hiểu gì đến cái mình đã phải chịu, còn làm khổ vợ con thì lúc ấy cũng như hiện nay thôi!". Đánh liều cho số mệnh, tôi nhất quyết theo hiện tượng nầy!
Nghĩ như vậy, tôi liền để tâm theo, nhưng tôi vẫn không theo kịp. Và sau cùng tôi buông thỏng cho nó đi lên, tôi chỉ theo sau nó thôi, giống như tôi đang ở dưới gốc tre, còn nó bay vút nhanh lên đầu ngọn tre, nó đi nhanh quá! Khéo tưởng tượng hơn, nó giống như viên đạn bay có cột theo sợi dây mà sợi dây ấy cột vào đầu tôi để lôi tôi theo. Đi nhanh theo chiều thẳng đứng, nó phóng từ đỉnh đầu của tôi thẳng lên trên không gian. Khi tôi nghĩ đến mặt trời thì nó đã qua khỏi mặt trời tự lâu rồi. Tôi từ từ theo nó mà tôi cảm thấy thoải mái, không bị chơi vơi nữa. Hiện tượng ấy cũng không lâu lắm, chỉ trong vài phút thôi! Rồi nó lại từ từ chậm lại và sau đó thì đứng hẳn. Tôi cảm thấy lơ lửng giữa từng không, không hề bị rơi và cũng không đi lên nữa. Nhưng khi nhìn xuống phía dưới sâu kia (cái nhìn trong thiền tức là nhìn bằng tâm trong khi mắt vẫn còn nhắm), tôi lại thấy có một cái xác giống như cái xác của chính mình. Thấy ngồ ngộ, tôi liền nhớ đến ngày đi học thằng bạn kể về chuyện Tây Du Ký: Lúc bước xuống thuyền không đáy để sang sông, Đường Tam Tạng không dám, Tôn Hành Giả đành xô thầy mình xuống, sau khi đi một khoảng thì Đường Tam Tạng thấy xác ai giống như xác của mình trôi trên sông, thì ở đây tôi cũng có cảm tưởng đó.
Cái giai đoạn nầy về sau khi tôi viết bài về Thiền tôi gọi là "Giai đoạn thăng hoa của Tâm Thức". Trong giai đoạn nầy có điều có thể nguy hiểm là: Trong lúc Tâm thức đi lên quá nhanh, nhanh đến độ ta không thể tưởng tượng được. Nếu trong lúc đó tôi không liều lĩnh và hiếu kỳ thì tôi mở mắt ra bỏ cuộc thì tôi có thể bị "rơi" và tẩu hỏa nhập ma. Do đó trong bài viết về Thiền, tôi đã nhắc nhỡ: "Giả sử xe chạy từ từ, rồi nhanh hơn giống như máy bay, rồi như hỏa tiễn rồi lại nhanh như ánh sáng, như tư tưởng và nhanh hơn nữa. Bạn sẽ làm gì? Bạn có chóng mặt không? Chắc có lẽ bạn hoảng hốt và chỉ còn cầu nguyện lạy Chúa hay cầu Phật độ. Đúng vậy, nếu đã vào Thiền bạn có thể gặp tình trạng nầy. Lúc ấy bạn hãy lấy lại bình tĩnh, một mặt cầu nguyện Phật A Di Đà (nếu là Phật tử) để Ngài phóng quang tới mà hỗ trợ, tiếp sức cho bạn. Nếu là Công giáo bạn cầu Chúa giúp sức để đến cùng Chúa, hay tùy bạn muốn cầu nguyện đến vị nào tùy theo tôn giáo của bạn. Trong vận tốc quá nhanh bạn cố giữ bình tĩnh, vẫn nhắm mắt và cầu nguyện. Bạn nhớ đừng mở mắt ra, mở mắt ra bạn có thể rớt đài và có thể bị Tẩu Hỏa Nhập Ma. Sau đó không lâu bạn sẽ lấy lại cân bằng trên vị trí của bạn, tức là tầng cao ốc đẳng cấp của bạn đang ở đó. Lúc đó bạn có thể ung dung chiêm nghiệm khám phá lãnh vực tâm linh và cõi huyền bí"... Trên vị trí ấy khá lâu mà không thấy gì thêm nữa tôi đành ngưng lại. Tôi thử mở mắt ra xem mình có phải là mơ hay không? Nhưng không, tôi không mơ, tôi không ngủ mà! Tôi nhắm mắt lại tôi vẫn thấy như vậy. Đợi thêm chốc nữa cũng không nhận thức được gì thêm, tôi mở mắt ra, bắt máy cassette cho nó hát một băng tân nhạc với âm thanh nho nhỏ để ru mình vào giấc ngủ.
Những hiện tượng diễn ra trong đêm hôm trước khiến cho tôi lại hiếu kỳ thêm, tôi phải theo tiếp tục xem coi thế nào, vả lại khi nghe những âm thanh như tiếng dế kêu ấy cũng khá vui vui. Tôi vào cuộc. Tôi hít hơi từ từ, nhè nhẹ vào trong phổi, xong ém hơi lại và đưa dần lên phía phổi trên. Trong khi đó, tôi tưởng tượng đưa hơi ấy lên đỉnh đầu, rồi từ từ thở ra thật là nhẹ nhàng, nhẹ đến đổi giống như tự nó tan ra như khói sương. Tôi tiếp tục khoảng sáu lần thì đã dến nơi chốn mà tôi dừng lại hôm qua. Bấy giờ nó không lên mà cũng chẳng xuống nữa. Tôi mở mắt ra, rồi nhắm lại, vị trí ấy vẫn không thay đổi. Có lúc tôi "quán" (nhìn không mở mắt) xuống phía dưới lại một lần nữa tôi lại thấy cái xác nhỏ của tôi dưới kia; giống như tôi lên đến trần nhà, ngồi trên đó ngó xuống thấy cái xác vậy. Thú vị thật! Nhưng cứ như vậy hoài thì chán quá! Trong cơn ngủ vợ tôi mớ la khá lớn nhưng tôi thấy không hề gì vì trong lúc đó tôi lại trở qua "bám" vào cái âm thanh "dế kêu" đó. Tôi lại khám phá rằng "âm thanh" nầy có thể giúp tránh khỏi "tẩu hỏa nhập ma", tôi không phải "chới với" như thuở theo ánh sáng nữa. Do đó, trong bài viết về Thiền tôi đã viết với ý: "Vị trí ấy là đẳng cấp của tâm thức chúng ta tự những kiếp xa xưa". Tiến lên được nơi ấy cũng tương đối không là khó khăn lắm! Nhưng tiếp tục như thế nào đây?
Tôi lấy làm tức tối, không lẽ đến đó thì ngưng; như vậy Đức Phật làm sao ngộ được Đạo, chắc phải có đường tiến lên. Tôi lại nhớ đến chuyện Thích Ca ngồi cội Bồ Đề mà thề: "Không đạt được Đạo thì không rời khỏi chỗ nầy". Nghĩ vậy, tôi lại tiếp tục theo, nhưng tình trạng cứ ỳ ra như thế! Lúc đó, tự dưng tôi nhớ đến hình tượng Quán Âm hay Thích Ca bắt ấn, tôi liền để tay phải xếp chồng lên bàn tay trái trong tư thế ngữa, xong tôi lại cong ngón tay giữa và ngón cái giữ lại, ấy là tôi bắt ấn. Sau nầy tôi mới biết là tôi bắt ấn trật, nhưng lúc đó tôi chỉ muốn tìm cách để đi lên nữa của "nó" (Tâm thức) mà thôi. Kết quả vẫn tốt! Làm như vậy xong, tôi liền định tâm lấy hơi hít vào nhẹ nhàng, từ từ như trước tôi đã làm và dần di chuyển hai bàn tay lên cao hơn thì nó đi lên, nhưng cái đi lên bây giờ không nhanh. Tôi thử đi xuống thì nó lại không xuống cho đến khi tôi đổi bàn tay phải "bắt ấn" quay trở xuống và vị trí cả hai bàn tay di chuyển từ từ xuống thấp trong lúc từ từ thở ra thì nó lại đi xuống. Tôi thử nhiều lần đến khi nó không thể lên nữa được thì tôi biết đã hết mức của tôi rồi. Tôi giữ yên vị trí ấy, và lắng nghe trong tâm, trong không gian yên tĩnh ấy những âm thanh nào mà tôi có thể nghe được. Trong những cơn như vậy, tâm tôi giống như một người đang ngồi thiền, chứ trong thực tế tôi vẫn nằm, nằm trên giường vì lưng tôi hãy còn đau quá! Tôi không thể ngồi và nếu tôi có ngồi thiền thì tôi cũng sẽ ngồi không đúng cách, vì từ trước tôi không có học thiền với ai bao giờ. Có một lần đọc quyển sách mỏng về Yoga do người bạn cho mượn với tính cách hiếu kỳ, tôi lại không chú trọng đến nó và chỉ ghi lại vài tư thế của Yoga thể dục để tập mà thôi. Qua sách đó tôi chỉ hiểu sơ sơ về Thiền, vì tôi nghĩ với hình tướng xấu xí của mình và những "căn" gì gì đó kể trong sách, thì "tất nhiên" mình không thể thành Phật được rồi, cho nên "hướng" về tu đối với tôi hãy còn quá xa xôi. Thông qua lần trước tôi đến với ánh sáng bằng một sự tình cờ, và hôm nay tôi đến với âm thanh cũng lại là tình cờ lẫn hiếu kỳ.
Tôi thực nghiệm những lần đi xuống, đi lên và khi tôi nhận thức được độ "bão hòa" trong tâm thức, tức là đã hết mức của mình rồi. Tôi cứ yên lặng ở vị trí ấy mà nghe mà nhận thức những gì xảy ra, những âm thanh tự nhiên đến. Nghe âm thanh ấy cũng thú vị thật. Vui với âm thanh mà quên đi nỗi khổ của mình, vui với nhận thức mà quên mình đang bệnh hay là yếu đuối. Trong lúc như vậy, tôi thấy trong tai của mình như có chướng ngại gì đó, một lúc sau thì có tiếng "bụp" nho nhỏ, giống như tiếng làm cho mình hết bị chứng ù tai. Sau tiếng ấy, tôi có cảm tưởng hai lỗ tai của mình đã thông suốt với nhau, không còn ngăn trở nào nữa, đồng thời con đường từ tim đi lên bộ óc cũng được khai thông. Ngã tư "trục lộ" giữa hai lỗ tai và tâm-não không có còn chướng ngại. Khi ấy, tôi lại nhớ đến ngày còn nhỏ đi đến đám ma, vị thầy tụng tụng kinh có đoạn: "...điểm nhãn nhãn khai, điểm nhĩ nhĩ khai..." tôi nghĩ: "Không lẽ đoạn kinh ấy thích hợp với chỗ nầy chăng?". Dù nghĩ thế, tôi vẫn tiếp tục hiếu kỳ, tôi cứ yên lặng mà theo dõi, cứ "yên lặng để khám phá tâm linh". Tôi đã nghe tiếng rào rào, âm thanh của những chiếc xe hơi chạy trên con đường sau cơn mưa. Nhưng không, trời không có mưa và cũng chẳng có xe nào cả. Như vậy, tại sao? Về sau, tôi tìm hiểu trong kinh điển, tôi cũng không hiểu đó có phải là "Hải triều âm" hay không, nhưng có một điều cách đây vài tháng tôi có đến vùng biển nơi người ta trượt sóng, thì âm thanh sóng biển mạnh đánh vào bờ có tương tự với âm thanh ấy. Rồi có lúc tôi lại nghe như là tiếng trống đánh, tôi cũng ngạc nhiên. Chùa ở cách nhà tôi khá xa, không lẽ hôm nay chùa làm lễ gì mà lại đánh trống đêm khuya. Tôi kiểm nghiệm lại thì không phải. Tiếng trống ấy tự trong đầu của tôi. Tôi nhất định phải hiểu được nguyên nhân gây ra tiếng trống ấy. Thì ra trong lúc mình giữ thật là yên lặng ấy, tiếng dội của mạch máu được khuếch đại vang dội vào màng nhĩ tạo nên; Rồi có lúc tiếng om om như ta ở trong hang sâu mà nghe tiếng gió rút vào, hoặc tiếng gầm vang trong rừng của sư tử (sư tử hống), nhưng tôi lại thích nhất là tiếng vi vu ở trên cao của đỉnh đầu. Không biết đó có phải là tiếng sáo, nhạc trời hay không. Những âm thanh ấy, mới đây đọc sơ qua về Kinh Hoa Nghiêm tôi thấy có đề cập đến trong một đoạn ngắn. Tôi sẽ cố gắng đọc lại bộ Kinh ấy để tìm hiểu kỹ hơn, nhưng không biết có thì giờ rỗi rãnh hay không? Từ đó về sau tôi thích âm thanh sáo trời ấy, đôi khi tôi chìm đắm vào trong nó để quên đi hết những ưu phiền khổ lụy cũng như sau ngày làm mệt nhọc ta nằm thoải mái mà nghe những bài nhạc du dương, ưng ý nhất.
Đêm hôm ấy tôi cố gắng đưa tâm mình tiến xa hơn so với mức độ của mình đã có. Tôi đạt được chiều tiến và rồi có một lúc tự dưng tôi có cảm giác như mình "đang đội đầu phá thủng trần nhà bằng bê tông". Khi phá thủng được một lỗ hẹp, tôi lại cố gắng chui qua lỗ thủng ấy. Nhưng ôi! Sao mà khó khăn gớm thế! Tôi cố gắng vượt qua, đôi lúc tôi có cảm giác ngộp thở giống như mình đang chui qua một lỗ hẹp của cái hang ở dưới nước. Tôi muốn hụt hơi thở. Tôi dồn hết năng lực, hít hơi thở vào, cố gắng ém hơi để vượt qua. Cuối cùng tôi qua được lỗ hỏng đó, nhưng một cảnh tượng thật đẹp giống như tôi đã vượt qua được các từng mây. Tôi ngồi trang trọng trong tư thế Thiền như những tượng Phật và trước mắt ánh sáng hừng đông chói tỏa rực lên. Lúc ấy, tôi nhớ đến cảnh trong phim "Tế công Hòa Thượng" khi đứa học trò ngồi Thiền chạy ra báo thấy được ánh sáng thì Tế Công lại cầm quạt đánh vào đầu hắn kêu hắn vào ngồi thiền tiếp. Tôi muốn tiếp tục theo những hiện tượng ấy và đi xa hơn nữa, nhưng đêm đã quá khuya, cho nên tôi tạm ngưng và mở băng nhạc cassette để ru mình vào giấc ngủ.
Lạ một điều, là khi nào tôi nhắm mắt đi vào sự tĩnh tâm (tôi không dám nói đến vào thiền, vì thực sự tôi chưa thực hiện thiền bao giờ) thì sự cảm nhận lại tiếp nối chứ không lập lại. Cho nên sáng hôm sau tôi đi ra nhà kho làm chút ít việc, nhưng không hiểu tại sao như có cái gì khiến tôi phải ngồi xuống để thiền. Biết rằng tôi đang dưỡng bệnh do tình trạng của xương sống và tôi không thể ngồi lâu, nhưng tôi không thể cưỡng lại được. Tôi ngồi xuống trên tấm "foam" cũ rích mà tịnh tâm trong chốc lát. Theo hơi thở tôi hít vào, tâm của tôi lại có chiều đi lên nữa, mà hiện tượng nầy khá lạ lùng hơn nhiều, nó muốn vượt thoát ra khỏi thân xác, thế rồi nó phá vỡ đỉnh đầu, rồi phần thân trên để lột xác, chui ra theo chiều thẳng đi lên. Tôi cảm nhận nó đi ra được đến đâu thì cái vỏ thân xác laị nứt ra cong xuống đến tận đáy rất là nhiều cánh giống như một tòa sen mà thân xác khác bây giờ đang ngồi trên đó.
Hiện tượng thôi thúc vào thiền nầy khiến cho tôi ngạc nhiên lắm! Và tôi nhớ lại trong phim "Tế Công Hòa Thượng", khi Tế Công thiền với các sư huynh, đệ thì không thể ngồi yên lặng được hoặc buồn ngủ; còn khi nằm ngủ dưới bếp trong đống rơm thì Tế Công không ngủ mà lại thiền, thiền trong tư thế nằm ngủ. Và đến khi ngộ được một điều gì thì ông ta chạy đến gặp thầy, hỏi thầy: "Con là ai?"; Thầy tát vào má cho một cái và trả lời: "Con là ai, con đã biết rồi, thế mà còn hỏi ta!". Xong Tế Công chạy ra ngoài, khi đi ngang chánh điện, Tế Công vụt đứng lại nhìn các tượng Phật hồi lâu, và từ từ ngồi xuống mà Thiền. Cái cảnh Tế Công ngồi xuống mà nhà đạo diễn đã diễn tả thật là hay, bộ chân chao dao gợn như sóng nước và ngồi xuống, diễn tả một cái nét tự trong tâm linh thể hiện ra ngoài.
Từ khám phá nầy đến những lạ lùng khác, khiến sự tò mò của tôi lại mạnh hơn. Tôi không tin có chấm dứt ở tại đó, cho nên đêm đến tôi vẫn nằm trên giường để tịnh tâm, yên lặng mà khám phá. Tôi quán sát những biến chuyển của những dòng tư tưởng, những thể hiện trong tâm, những tự điều chỉnh của tâm. Và rồi từ đó tôi hiểu được đời sống nhân gian cả trăm năm chỉ là một cái chớp tắt của con đom đóm giữa đêm khuya; hay chuyện con người chỉ là nhân quả và nhân duyên, và sau cùng chỉ giống như một trò chơi của chính tâm thức của chúng ta. Tôi đeo đuổi các diễn tiến một cách say mê có lúc tôi cảm thấy buồn cho nhân thế, có lúc mình cảm thấy vui, biến chuyển từng đợt, từng cơn lại hiện đến, thật là nhiều, nhưng trong đó có lúc tôi cảm thấy mình bị quay tròn như bị cuốn trong xoáy nước. Theo thì bị lôi cuốn, còn cưỡng lại thì có thể ảnh hưởng đến ngoẹo cổ hoặc mắt bị ảnh hưởng cũng không chừng, thế là tôi đành buông, không theo nó nữa mà lại định tâm của mình trên đỉnh đầu, đưa về ngay chính giữa, thoát khỏi những hệ lụy của dòng nước xoáy. Tôi vượt qua được cửa ải ấy. Còn những cảm giác, biến chuyển tư tưởng khác không nặng nề lắm. Về sau, khi tìm hiểu về kinh Lăng Nghiêm tôi có thấy được những vấn đề ấy trong đoạn Đức Phật nói về 50 món ma mà người tu thiền phải biến chuyển, vượt qua trong lúc vận dụng thiền để phá được sắc, thọ, tưởng, hành và thức.
Có một buổi sáng vào trời hừng đông, tôi đã thấy thân thể mình tự nhiên như một màu vàng kim của vàng, óng ả, bóng bẩy; cùng với bao nhiêu hào quang phóng lên cao rồi rơi lả tả xuống hai vai, ôi cảm giác lúc đó thật kỳ diệu vô cùng! Tôi nằm yên mà nghe các cảm giác đi qua. Đến khi mở mắt ra thì trời rựng sáng, ánh mặt trời lên với màu vàng giống như thế. Tôi nghĩ: "A! chắc ánh sáng nầy đã làm cho mình cảm nhận những hình ảnh vừa qua". Tôi không tin điều tôi vừa thấy là mầu nhiệm. Đó chỉ là ảo giác mà thôi! Điều duy nhất dễ hiểu: Vì tôi không phải là một nhà tu, và cũng chẳng ăn chay được ngày nào. Tất cả những cảm nhận tôi thấy chỉ là biến chuyển của tâm linh, của ảo giác mà trong cơn bệnh, buồn cực độ tôi đã nhận được mà thôi!
Thế rồi tôi chẳng chịu dừng ở đó. Tôi đã quyết theo tới cùng, như ở trên tôi đã viết dù có chết cũng không nao lòng, chết thì khoẻ cho chính tôi mà cũng lại khỏe cho vợ con hơn, dù sự xa cách nào chẳng đau lòng. Trước sau gì cũng chết, đau lòng thì cũng sẽ nguôi ngoai. Còn nếu tẩu hỏa nhập ma thì điên điên, khùng khùng thì mình chẳng biết gì lại chẳng tốt hơn sao? Vợ con khổ thì bây giờ họ chẳng khổ với mình sao? Nghĩ vậy tôi quyết đeo cho tới cùng, xem thử cái gì sẽ xảy ra. Thế là tôi cứ tiến, có nhiều lúc tôi cảm thấy nhức đầu, mỏi cổ mà đường tiến lên hãy chậm chạp, tôi phải ngưng lại tìm con đường thoải mái hơn, con đường nào mà không làm cho mình bực bội, nhức đầu, hoặc nặng nề trong tâm thì tôi cứ chọn. Sự thoải mái là chính! Từ lúc bắt đầu vào cuộc tôi vẫn quan niệm như vậy; nếu khi cảm, nhuốm bệnh là tôi đành ngưng lại, rồi sau đó khi sức khỏe tốt hơn tôi mới tiếp tục. Có những hiện tượng đến rồi mất đi, tôi lấy làm ngạc nhiên nhưng tôi nghĩ chắc là đoạn đường ấy đã qua. Điều đó quả thật là như vậy, cho nên khi ấy tôi mới hiểu được chuyện cuối trong phim "Tế Công Hòa Thượng": Khi học trò Thiền thấy được ánh sáng (Phật quang) chạy ra báo với thầy, thầy gõ đầu kêu trò thiền tiếp; khi trò thấy Phật chạy ra báo với thầy, thầy gõ đầu kêu trò thiền tiếp; khi thầy hỏi còn thấy gì không trò bảo không, thì hai thầy trò nhìn nhau cười và trở thành hai Tế Công đi độ thế giúp đời. Tại sao vậy? Thấy Phật quang chỉ là mới khởi đầu; thấy Phật chỉ là bên ngoài, ta Phật còn là hai; tiếp đến không thấy gì hết tức là Phật, ta là một. Vì vậy mà Tế Công cười mừng cho trò đã đạt được Đạo.
Tôi cứ tiếp tục và tôi cũng chẳng chấp nhận hay bằng lòng với những cái mà tôi vừa cảm nhận được, tôi quyết theo cho tới cùng xem coi nó đến đâu là chấm dứt. Chính vì vậy mà tôi cố gắng theo dõi và điều khiển hơi thở để thúc đẩy sự thăng hoa hơn thêm chút nữa. Sau đó, tôi không còn cảm thấy thân xác mình là chính yếu nữa mà lại phần cái đầu là phần quan trọng. Mỗi lần tôi hít nhè nhẹ, từ từ vào thì cái đầu trương to lên giống như cái bong bóng được bơm lên từ từ. Cái cảm giác ấy thật là lạ! Tôi lại thúc đẩy nó lớn thêm lên. Lớn nữa, lớn nữa! Quả thật nó giống như một cái bong bóng thật. Cuối cùng bong bóng nổ, tôi cảm thấy chơi vơi và khối không khí trong bong bóng đã từ từ thoát ra ngoài hoà lẫn với khối không khí bên ngoài nhập thành một thể. Cái thể ấy do tất cả hợp thành một và trong cái một ấy là tất cả. Khi đã hoà lẫn rồi tôi có cảm tưởng khi mình nghĩ mình lớn thế nào thì mình lại lớn như thế đó, có khi tôi tưởng mình tràn đầy hư không và có khi thật là nhỏ như ngồi trong cái ly nước coca cola mà nghe những âm thanh sủi bọt vừa giúp cho tâm hồn mình thoải mái vừa cuốn những nhơ bợn của mình lên trên mặt nước. Lúc đó tôi chỉ biết như vậy thôi, vì tôi chưa được đọc hay nghiên cứu về bất cứ một quyển sách nào về đạo Phật. Tôi còn khám phá được vài ngày nữa, đến một ngày kia tôi cắt cổ hai con vịt để ba tôi tiệc với người bạn của ba tôi, thì vào đêm đó tôi vừa hít hơi vào, tâm thức phát khởi thì liền phát ra lửa bùng lên. Tôi không thể tịnh tâm mà theo dõi như trước nữa. Tôi cố làm lại nhiều lần, và trong những ngày sau đó thì cảnh tượng cũng vậy. Tôi đành thôi! Tôi không tiếc nuối gì cả vì tôi không phải là một nhà tu; tôi cũng không phải là người hành thiền, tôi chỉ là một người bệnh hoạn, buồn phiền mà thôi. Những gì tôi đã đạt được quá lớn đối với tôi rồi, nhất là tự lúc đó tôi có được một quan niệm sống thoải mái trong những hoàn cảnh đau thương nhất, tôi không còn bi quan, tôi cũng ít giận hờn hay mặc cảm tự ti và nhất là tôi sống theo tự nhiên một cách thoải mái: "Chuyện gì đến nó sẽ đến, nó đến rồi nó sẽ đi". Còn nó đến mà nó triệt tiêu mình thì mình không còn có nợ nần trên cuộc đời nầy nữa giống như một kép hát đóng xong vai trò của mình trong vở tuồng không lẽ còn đứng trên sân khấu để làm gì. Vì thế chuyện gì nó xui khiến thì mình làm miễn là đem lợi hay ít ra không thiệt hại cho người khác thì được rồi. Lão Tử sau khi ngộ đạo chẳng khuyên người ta sống theo tự nhiên là gì!
Với những ý niệm như vậy, tôi đã trải qua được những khủng hoảng trong tâm hồn. Nhưng tôi vẫn luôn thắc mắc về những điều mà mình cảm nhận được. Tại sao mình lại thấy như vậy và tại sao diễn tiến những sự kiện đó chỉ trong vòng một tuần lễ thôi. Tôi hoài nghi về những điều ấy, và bắt đầu tìm đến những kinh sách, băng giảng để tìm hiểu. Còn đối với những lúc tâm hồn buồn bả, chơi vơi, hụt hẫng thì tôi nhắm mắt ngồi yên lặng, hít hơi vào phổi nhè nhẹ, từ từ; tôi hít thật sâu rồi ém hơi đưa lên đỉnh đầu cho nó tan biến từ từ như sương khói tỏa và thở ra thật nhẹ. Đồng thời, tôi lắng nghe âm thanh của bọt nước reo khuếch đại trong đầu óc của mình. Tôi đi tìm những thoải mái cũng như diệt những phiền não bằng cách ấy. Thế mà tôi đã đạt được kết quả tương đối gọi là khả quan trong nhiều vấn đề rối rắm sự đời.
Vào thời điểm ấy, một phần vì sự tò mò về hiện tượng "Thanh Hải và Quán Âm", một phần có vợ chồng anh chị bạn theo phái của bà nầy, phần nữa để giải buồn tôi đã mượn những băng giảng, video và sách để xem. Thoạt đầu, tôi thấy có nhiều điều cũng có lý, có thể chấp nhận được, nhưng tại sao bà nầy tự xưng là Phật, là Vô Thượng Sư mà lại còn nhiều sân si đến thế kia. Trong các phim video chiếu những người lên hỏi để bà trả lời thêm sau bài giảng bà đã "cự" người nầy người kia, tôi cảm thấy hơi bất nhẫn. Đến khi nghe cuồn băng giảng có tựa đề: "Những thể hiện về một vị Phật sống", trong cuồn băng ấy học trò kể những thể hiện- trong lúc ngồi thiền- về bà, có vài đoạn bà chửi học trò như chửi con. Từ đó giá trị của bà giảm khá nhiều đối với tôi. Sau bà để tóc dài có "Tóc mai sợi vắn sợi dài" và lên sân khấu hát bài nhạc kích động "A go go!", ăn mặc rất là "fashion" của nhiều nước như một "model" trình diễn thời trang. Từ đó tôi không hề đụng đến sách hay kinh của bà nữa. Tôi không quá khích, nhưng tôi thấy khá kỳ lạ. Mãi đến cuối năm 2001, khi tôi được đọc dến Kinh Lăng Nghiêm thì tôi mới hiểu bà đã bị Thiên Ma Ba Tuần lôi cuốn bà đi; bà không vượt nỗi 1 trong 50 món ma mà tôi đã có viết ở trên (Món ma Đại Ngã Mạn).
Bỏ không tìm hiểu theo bà Thanh Hải nữa, thì cùng lúc đó có bà chị đi làm chung vì trả hiếu cho mẹ khi mẹ mất, chị hứa ăn chay một tháng và chị thường tới chùa, tìm băng giảng để nghe (nhưng sau đó chị ăn chay trường luôn). Chị thỉnh nhiều băng giảng, tôi lại được nghe hùn với chị. Thuở đó, tôi trở lại nghề nông để đắp đổi phụ giúp con cái thoải mái đi học cho tới nơi tới chốn, chứ sức khỏe thì giảm thật nhiều. Có một ngày nọ chị cho hay có Thượng Tọa Thích Trí Minh từ bên Na Uy qua thuyết pháp ở chùa, chị rủ đi nghe. Thượng Tọa thuyết pháp hay thật, trong bài Thượng Tọa có đề cập đến những chuyện thực tế ngoài đời, Thượng Tọa kể có lúc bị bệnh, Thượng Tọa buồn chán rồi quyết chí tu, tôi không nhớ là tu Tịnh độ hay thiền, nhưng sau đó Thượng Tọa khám phá được vài vấn đề. Tôi mừng quá! Sau bài thuyết pháp tôi gặp Thầy để hỏi xem thầy khám phá được những gì, nhưng Thầy đã "cảm nhận" khác với tôi. Dù vậy, nó vẫn cho tôi ý niệm: "Như vậy là đã có một sự huyền nhiệm của tâm linh"! Một ngày kia vào cuối năm 97, nhân dịp lên Melbourne tôi nhờ em tôi chở lên chùa Quang Minh để xem có Kinh sách gì cho thỉnh không? Đến gặp Thầy Thích Phước Tấn, Thầy hỏi có biết gì về Phật pháp chưa? Tôi thành thật: Chưa! Thầy đưa cho cuốn "Đức Phật và Phật pháp" và "Xuân trong cửa Thiền 4" của Thầy Thích Thanh Từ. Tôi thấy bìa sau ghi: Một số Phật tử cúng dường. Tôi ngại ngần không dám lấy. Nhưng thầy bảo không sao cứ lấy về nghiên cứu. Từ đó tôi bắt đầu làm quen nghiền ngẫm với Phật pháp. Tôi thường đi nghe thuyết pháp hơn. Và trong những buổi thuyết pháp thường có cho thỉnh những băng giảng hay kinh sách, tôi cũng thỉnh một ít vể để nghe hoặc xem. Nhưng với nghề nông thì không có nhiều thì giờ rảnh và nhất là sau một ngày mệt mỏi thì về nhà cũng không có thì giờ hay khoẻ khoắn để mà đọc. Vì ước muốn tìm hiểu cho bằng được những hiện tượng mình đã cảm nhận trong lúc bệnh, mà tôi cố gắng bỏ thì giờ để đọc, nghiên cứu. Do nhu cầu tìm hiểu được nhanh và gọn hơn, tôi đã phải mua thêm bộ Từ điển Phật học của Đoàn Trung Còn để với những chữ trong Kinh, sách mà tôi không hiểu thì với tự điển sẽ giúp cho tôi hiểu được nhanh hơn. Một phần nghe băng giảng, nghe thuyết pháp, một phần nghiên cứu, nhưng tôi cũng chưa tìm ra được điều giải thích thỏa đáng. Khi tôi đọc quyển "Xuân trong cửa Thiền 4", trong đó có bài thầy Thích Thanh Từ nói về "Đời tu của tôi", thì tôi nhận được một điều: Thầy Thanh Từ cũng đã bị bệnh, và quyết chí tu chết bỏ. Sau đó Thầy hiểu Đạo hơn; tôi nghĩ thầy đã chứng được Thiền trong thời gian ấy, nhưng thầy đã ngộ như thế nào thì Thầy không có kể lại. Vấn đề của tôi muốn tìm hãy còn nhiều gay go. Nhưng rồi, trong một dịp tình cờ, khi đọc quyển "Bản tin Nông gia" của Hội Nông gia Nam Úc số I, bài "Nhân Quả" của một người bạn đã viết khiến tôi có nhiều suy tư, và tôi cũng không hiểu tại sao tôi lại cứ nhớ đến sự Luân hồi. Một phần vì tôi cũng muốn góp phần với Bản tin, một phần viết vui chơi, đấu láo với nông gia cho qua những cơn mệt nhọc của nghề, tôi ngõ ý với anh bạn lâu ngày của tôi là tôi sẽ viết, gởi bài cho anh. Thế là tôi bắt đầu vào giai đoạn tập tành mặc dù tôi chẳng có khiếu về văn chương từ trong trường học, năm tôi học lớp Đệ Tam (lớp 10) viết bài gởi cho Đặc san Xuân của trường hãy còn bị thầy chê là Văn chương của học trò lớp Đệ Thất (lớp 6), Đệ Lục (Lớp 7). Tôi đã viết bài: "Lạm bàn về một vấn đề", đưa đến cho anh bạn. Anh thấy tôi viết về Thiền, và nội dung là Thiền, cho nên anh gợi ý đổi lại tựa bài ấy: "Thiền là gì?". Vì ngại ngần với một vấn đề quá lớn so với khả năng nên tôi đã không chọn đến Tựa ấy, nhưng điều anh bạn tôi ngỏ ý vẫn không sai. Thế là bài đó được anh cho đăng với tựa "Thiền là gì?". Nhưng khi đăng bài ấy lên và phát hành khiến cho tôi giật nẫy mình, lo âu: " Người ta làm theo cách ấy, nếu có cơ duyên họ tiến xa hơn nữa thì sao?", điều nầy làm tôi lo lắng không cùng. Tôi nghĩ: "Lỡ rồi, tôi đành phải viết luôn chứ sao". Thế là tôi phải bỏ thì giờ ra, ngồi nhớ lại những điều của khoảng 6, 7 năm về trước mà mình đã cảm nhận được trong lúc mơ mơ, màng màng. Cũng may, vào giai đoạn đó vì tôi cảm thấy lạ lùng và hiếu kỳ, tò mò mà tôi đã chú ý đến nó thật nhiều, và biết đó không phải là một cơn mơ; cho nên tôi viết lại cũng không có gì khó khăn. Nhưng mỗi tháng tập san mới ra một lần, mỗi lần đăng chỉ một ít thôi. Vì sự nguy hiểm có thể xảy ra đến với người thực hiện theo điều chỉ dẫn của tôi, tôi gấp rút dành thì giờ để kết thúc bài ấy và thấy cũng không thể phổ biến trên "Bản tin Nông gia" nữa do nơi quá chậm. Tôi đành phải nhờ đến tờ báo Nam Úc, nếu thấy được đăng dùm. Hai tuần sau, trên số 236 ra ngày 31-3-2000 bài: "Những ý kiến đóng góp về một (vài) phương pháp Thiền" được trình diện với độc giả, dưới bút hiệu "Bất Hạnh". Bài ấy đăng lên rồi, tôi hồi hộp đợi chờ những ý kiến phản bác của những độc giả hay của những giới lão luyện của nghề Thiền. Sau vài tuần không có phản ứng nào hết, tôi mừng quá vì qua khỏi được "ách nạn" rồi. Cũng từ bài đó tôi lại từ từ "được" xui khiến đi vào cuộc viết văn bằng những thúc đẩy của cơ hội và phản ứng của tâm linh mà tôi không thể cưỡng lại được.
Đến khoảng đầu năm 2001 lại có một cơ duyên khác làm thay đổi thêm một chút nữa trong cuộc đời của tôi. Khoảng thời gian ấy có một vị tăng (Thượng Tọa Thích Thiện Duyên) từ Việt Nam sang, khi đến Adelaide Thầy tìm đến con gái của tôi, vì vợ chồng chúng nó lúc về Việt Nam có đi theo đoàn cứu trợ "Nạn lụt miền Tây" của Thầy. Thì ra Thầy cùng quê với tôi, Sinh quán của Thầy ở bên kia ngọn đồi, còn tôi thì ở bên nây ngọn đồi, chẳng xa với nhau gì cho lắm. Trong tình thân tôi đã đưa bài "Những ý kiến đóng góp về một phương pháp Thiền" để Thầy xem qua và cho ý kiến. Xem xong, Thầy có nói: "Bài cũng được lắm! Nhưng phải chi Thầy biết nhiều về giáo lý thì bài được chính xác hơn nhiều. Sai thì không có sai". Thầy nghiệm một chút, rồi Thầy bảo: "Nhưng nếu được thầy nên bỏ bút hiệu nầy đi, để nó nghe làm như là khổ lắm vậy! Đó là vấn đề tâm lý vậy mà! Còn về giáo lý tôi sẽ ráng giúp thầy. Khi về Việt Nam tôi kiếm cho thầy bộ "Phật Học Phổ Thông" của Thầy Thích Thiện Hoa biên soạn để thầy nghiên cứu về giáo lý". Tôi ngõ lời cám ơn Thầy trước và lúc đó tôi nhớ lại về cái bút hiệu nầy đã khiến nhiều người cũng "e ngại", ngay cả vợ con tôi.
Sau đó, Thầy Thiện Duyên rời Adelaide đi đến tiểu bang khác; còn tôi lại bắt đầu viết bài thứ nhất của loạt bài về Đạo Phật để tặng Thầy, đó là bài: "Nhân một câu chuyện..." có thêm tựa Đạo là: "Phiền não thị Bồ Đề". Vì viết về Đạo mà mình chưa có tài liệu hoặc nghiên cứu nhiều, do vậy tôi phải đến nhờ Hòa Thượng Thích Như Huệ duyệt lại dùm, xem có những sai trái gì không? Thầy cũng góp ý: "Con nên bỏ bút hiệu nầy đi, nếu con viết chuyện ngoài đời thì con xài nó như là một vui chơi thì được, nhưng con viết về Đạo thì không thích hợp mấy. Người ta viết về Đạo thì thường dùng tên hoặc là pháp danh". Với những lời khuyên hợp lý ấy tôi quyết định bỏ bút hiệu đó cho đến bây giờ và chắc không xài đến nó nữa.
Rồi tôi lại đưa ba tôi về Việt Nam trong khoảng tháng sáu năm 2001 sau khi đi một vòng thăm viếng những người thân thuộc trên các nước khác. Và lúc nầy được Thầy Thiện Duyên tặng cho bộ "Phật Học Phổ Thông"; với bộ sách nầy giúp tôi viết thêm được một số bài về đạo Phật, mặc dù kiến thức Đạo của tôi thật là ít ỏi. Tại sao tôi viết về Đạo Phật? Vì những điều tôi cảm nhận trong lúc tôi bệnh là của đạo Phật hay gần với Đạo Phật hơn là ở các tôn giáo khác. Vả lại, tôi tìm đến giáo lý đạo Phật để xem những điều tôi cảm nhận có được ghi trong Kinh của Đạo Phật hay không? Sau, nhân những dịp các Thầy Thích Quảng Ba, Thích Phước Nhơn về Chùa Pháp Hoa thuyết pháp, tôi cũng có mạn phép hỏi về vấn đề khai ngộ. Thầy Phước Nhơn cho biết Đức Phật nói rải rác trong các bộ Kinh; và Thầy Thích Quảng Ba thì cho biết là trong bộ Kinh A Hàm. Nhưng tôi chưa có nhiều thì giờ để tìm các bộ Kinh ấy mà đọc. Tuy vậy, những điều tôi "cảm nhận" được trong lúc tịnh tâm vào thời kỳ bệnh hoạn và tinh thần yếu đuối nhất đã giúp cho tôi hiểu được kinh điển đạo Phật dễ dàng hơn. Cho đến ngày hôm nay qua những quyển Kinh mà tôi đã đọc được thì sự sai trái chưa có xảy ra, đôi khi nó còn giúp cho tôi nhận định được những điều lý thú về "những sự tự xưng" là do "bị cám dỗ" bởi Thiên Ma Ba Tuần, hay còn "Sát, Đạo, Dâm, Vọng" thì không thể là người "Thành đạt được đạo" dù sự chứng ngộ của họ đạt đến nơi đâu; hoặc thế nào là Tiểu thừa hay Đại thừa theo cách và đường lối tu. Nhất là ảnh hưởng đến cái quan niệm sống của tôi hơn bao giờ hết, tôi cảm thấy mình được thoải mái hoặc là an tâm hơn, không phải thắc mắc, nghĩ ngợi lo lắng nhiều nữa.
Trong bài nầy tôi muốn dẫn chứng về sự huyền nhiệm của tâm linh, từ một đứa học trò học bài thuộc lòng rất vất vả và không bao giờ nhớ trọn được một bài hát, viết văn bị thầy chê là non yếu, một thầy giáo kém trí nhớ; Thế mà sau cơn bệnh tôi lại tập tành viết văn, làm thơ vào lứa tuổi mà người ta gọi đùa là "gần miền". Tôi không nghĩ đó là những khả năng của tôi, mà đó chính là "sự huyền nhiệm" của Tâm linh của Linh hồn hay Phật tánh ở trong tôi. Với một trình độ học vấn không cao, tiếp xúc hạn hẹp trong xã hội, thiếu sự đi đây đi đó thì tôi rất khó để hoàn tất một bài viết. Thế nhưng, tôi cũng không hiểu tại sao tôi lại viết được liên tục như thế mặc dù công việc nông của tôi rất là bận rộn, nhiều người cũng ngạc nhiên hỏi tôi, tôi cũng không biết tại sao nữa là! Nhưng có một điều tôi biết rất rõ là những kiến thức vụn vặt, nghe kể, đọc được, chứng kiến hay tìm hiểu của những ngày xa xưa "tự dưng" nó lại hiện về để tôi viết được một số bài. Những bài đó hiện hữu như là một cái "cơ duyên", và tôi vẫn cố gắng làm theo cái duyên ấy như là một sự cống hiến nhỏ nhoi trong xã hội nầy.

Nguyên-Thảo.
20/12/2009.