Wednesday, January 20, 2010

Cho Tôi "Góp Một Bàn Tay"!

Tôi là Đồ Ngông! Tôi chỉ là đệ tử của Cụ Trần Tế Xương. Thuở xưa, nhân học bài thơ "Chúc Tết" của ông lúc còn trong nhà trường mà từ đó tôi lại đâm ra thích bài thơ nầy quá! Bài thơ cứ âm vang mãi trong đầu óc của tôi qua nhiều năm! Đến nơi xứ người mà nó hãy còn "vang vang" đó đây! Đến một lúc các hội đoàn với cộng đồng chí chóe cùng nhau về chức vụ và ảnh hưởng. Bài thơ ấy lại nỗ bùng lên trong tôi! Nghĩ lại cụ Tế Xương ngày xưa là Tú, còn tôi chỉ là "Đồ": Một thầy giáo quèn xóm quê, ăn lương công chức "ba cọc ba đồng", nghĩ mình tài cán chẳng là bao nhiêu, không tiền, không địa vị ở xứ người, mà phải chướng tai gay mắt về cảnh ấy, rồi tự dưng hứng chí nhảy ra, trân mình mà nhúng tay vào. Trước lằn tên mũi đạn của đôi bên, tôi nhứt định gồng mình chịu trận cho họ chửi chỉ vì danh dự của cộng đồng sắc tộc. Tôi đã làm một việc rất "ngông" mà không một tay trí thức nào dám làm! Quả tôi có "ngông" không các bạn? Họ hăng máu đụng ai can thiệp vào thì họ chửi tán loạn trên báo chí, không chừa một ai bằng những ngôn từ bẩn thỉu, đá cá lăn dưa! Tôi làm công việc của một thằng ngông, đúng là thứ "đồ ngông". Nhưng tôi phải làm vì ích lợi cộng đồng. Tôi bày sẵn một cái bẫy: "đồ ngông"! Đồ ngông có ý ngầm bảo rằng: Bọn họ đúng là đồ ngông, làm việc không có ích mà lại "biêu" tiếng xấu cho cộng đồng; thứ hai: Tôi là "đồ ngông" viết bậy, mà họ chửi đồ ngông thì độc giả, dân chúng sẽ chửi họ là "đồ khùng". Trong hướng đó "đồ ngông" đã biến thành "Đồ Ngông". Khổ cho thân tôi! "Đồ Ngông" không bị họ chửi mà tự dưng thiên hạ ồn ào: "Đồ Ngông là ai? Sao hắn dám làm công việc ấy?". Thiên hạ cứ mãi truy tầm! Tôi không thể dấu được lý lịch của mình vì do những tờ báo đăng bài tiết lộ. Thế là một thằng nông dân tầm thường, một thầy đồ "mất dạy" đã từ lâu, lại bị chường mặt ra trước thiên hạ: A! Hắn là Đồ Ngông!

Tình thế rất căng! Họ chửi hết tuần nầy đến tháng kia. Tôi phải đeo theo. Muốn cho họ không thể chửi mình, tôi không trực diện đối đầu, mà nói vòng vo tam quốc, nói bóng nói gió khi thì cận, khi thì xa. Khi mệt quá tôi làm thơ theo kiểu của cụ Trần Tế Xương, khi khỏe tôi viết chuyện tào lao thế sự, cũng mong thiên hạ trong cộng đồng đọc hiểu sự phân tích của tôi mà chửi cái đám của họ, cho bọn họ im cái miệng đi; đầu óc mở ra để cho thiên hạ được nhờ, được sống yên ổn nơi đất khách quê người. Công trình tôi đeo theo cũng cả hơn sáu năm trời! Nghĩ lại tôi cũng thật là xâm mình!

Các bạn đừng nghĩ rằng tôi làm thơ chửi. Tôi chỉ dùng những từ ngữ, câu thơ mộc mạc của mình để phân tích cuộc đời, những mẫu điển hình trong xã hội và cuộc sống để mọi người kiểm chứng, nhận định hầu có thể giúp phần nào cho các con cháu của mình về sau: Các bài thơ ấy có thể phân tích thế nào là người khoe khoang, hay phách lối, người đạo đức hay kẻ giả vờ. Tôi trở thành một nhà văn hay một nhà thơ tào lao bất đắc dĩ, mà điều ấy tôi cũng không thể ngờ! Vì các bạn biết khi tôi còn ngồi trên ghế của lớp Đệ Tam trường công lập An Mỹ, Thầy phụ trách về báo chí có lần bóng gió nhận định bài đóng góp của tôi vào đặc san xuân chỉ thuộc vào trình độ lớp Đệ Thất, Đệ Lục mà thôi! Thật tình mà nói: Tôi chẳng có khiếu viết văn! Nhưng đến bây giờ tôi cũng không ngờ là: "Tôi lại có thể viết văn và làm thơ!". Nhiều lúc tôi ngẫn ngơ vì những việc mình đã làm! Khó tin quá phải không các bạn? Tôi đã phải dụi mắt để nhìn lại chính tôi! Nhưng sự thật là như thế, dù bạn có tin hay là không?

Tôi đã dự trù không viết nữa, nhưng nay nhân đọc trên tờ Việt Luận thấy thầy Lê Tấn Lộc có nhắc đến trang web của Từ Minh Tâm làm cho CHS Trịnh Hoài Đức, tôi cố tìm và đã tìm được. Lúc đầu tôi cứ ngỡ Từ Minh Tâm là anh bạn của lớp mình, nhưng sau biết rõ là không phải, mà Từ Minh Tâm là em của Từ Văn Nhung, bạn ngồi bên cạnh của tôi năm Đệ Nhứt ban A, hai thằng đã bị thầy Nguyễn Vũ Hải cho một đòn "dằn mặt" lúc đầu năm học. Tôi sẽ kể cho các bạn về sau để ôn lại một thời kỹ niệm của thuở ấu thơ và thời mài dủn quần trên ghế nhà trường.

Hôm nay tôi muốn xin đóng góp một bàn tay cho trang nhà CHS Trịnh Hoài Đức, mặc dù duyên tôi gắn bó với Trịnh Hoài Đức chỉ vỏn vẹn có ba năm: Một năm học dưới thời thầy Nguyễn Văn Phúc mới ra trường về dạy Triết cho lớp Đệ Nhất, và hai năm gắn với bảng và phấn của trường cùng thời với Lê Văn Chánh, Trần Tấn Lực, Lưu Văn Hòa, Phan Văn Ban (năm 73-75)...Lúc đó, Thầy Nguyễn Văn Phúc đã về Sở Học Chánh Bình Dương; thầy Lê Tấn Lộc đi sang Biên Hòa giữ chức vụ cao hơn! Hình như Trưởng Khu Học Chánh thì phải?

Những bài viết mà tôi muốn đóng góp chỉ có tính cách vui chơi cũng như những ngày đầu mà Đồ Ngông cũng chỉ tính là vui chơi, chọc họ cho họ giảm bớt tức khí mà thôi! Nhưng không ngờ Đồ Ngông trở thành một hiện tượng; có người hỏi tôi tính làm một Tú Xương thứ hai đó ư? Tôi không dám vì tôi không đủ bản lĩnh làm thơ được như vậy! Nhưng có một điều tôi cố gắng dùng thơ để "lật mặt trái" của cuộc sống trong xã hội lầm than và đầy dẫy những thói tật của con người. Tôi chỉ là một người thợ "sắp chữ lại thành thơ" chứ không là nhà thơ, hay dùng tiếng Hán ngon hơn là: Thi sĩ! Đối với tôi, tôi chỉ là người đã có học về qui luật thơ, biết vài từ ngữ để làm thơ, thế thôi!

Điều ấy thầy Lê Vĩnh Thọ, Võ Tấn Phước, Nguyễn Văn Lộc (dạy Vật Lý cấp 3 của Trường Trịnh Hoài Đức) làm chứng cho tôi. Thầy Nguyễn Văn Lộc khi nghe có người nói tôi là Đồ Ngông thì thầy ấy lấy làm ngạc nhiên: "Ông ấy mà là Đồ Ngông à!", bởi một lẽ đơn giản vì thầy Lộc biết tôi hơn ai cả! Thầy biết tôi từ trong trường cho đến ở nhà, đến ngay cả cuộc sống riêng tư. Nhưng dù muốn dù không thì cũng đã là như vậy!Ở đây, tôi chỉ muốn chia sẻ với các đồng môn ngày nào về những sự "bất chợt", bất chợt tôi lại viết văn, làm thơ trong cái thuở sắp về già. Thì từ đó tôi nghĩ các đồng môn cứ mạnh dạn tâm tình, trải dài kỹ niệm của mình ra bằng những dòng chữ để rồi ngày mai nào đó, tôi hi vọng được thưởng thức những công trình to hơn của các bạn, góp phần cho vườn ương cây Trịnh Hoài Đức được kết quả hơn nhiều! Và cũng để đáp lại sự nhiệt tình của những người làm trang Web, cùng các bạn đồng môn thiết tha với những năm học cũ ngày nào...!

Đồ Ngông.

No comments:

Post a Comment