Sunday, January 24, 2010

H.T Chữ Nghĩa 6: Những Bài Viết Cho Con.

Tiếp nối theo những bài viết góp ý cùng với bậc phụ huynh, tôi cố gắng dành thì giờ để viết cho những đứa trẻ trên xứ người. Nhưng một trở ngại lớn nhất là tôi không thể viết bằng tiếng Anh, vì những đứa trẻ Việt Nam trên xứ Úc biết, hiểu tiếng Anh dễ hơn tiếng Việt. Quả thật, tiếng Việt là thứ tiếng dễ học, nhưng sử dụng đúng tương đối hơi khó vì có khá nhiều từ ngữ Hán Việt, nếu không hiểu được những từ đó thì khó mà hiểu được cái nghĩa trọn vẹn của câu. Ngay với người lớn đã từng kinh qua trường học thuở trước chưa chắc đã hiểu đúng thì với Thanh Thiếu Niên sau nầy và nhất là trẻ con trên xứ người làm sao hiểu trọn vẹn được. Tôi viết, và có lời nhờ đến bậc phụ huynh giúp chúng để hiểu được nội dung của bài, nhưng không biết thế nào? Vì không có phản hồi nào cả! Về sau có một chị làm việc trong cộng đồng cho biết chị tưởng rằng báo Nam Úc lấy từ trên Internet, chứ không phải là do một người ở tại Nam Úc nầy viết.
Nhưng, có một điều an ủi cho tôi là sau khi đăng vài bài thì có nhà thơ “Cao Quỳnh Tuệ Lâm” tức ông Nguyễn Văn Chánh từ trên tiểu bang Queenland ngõ ý với tòa soạn báo Nam Úc muốn liên lạc với tôi. Tôi liên lạc bằng điện thoại với chú Chánh và chú cho biết muốn được đăng “Những bài viết cho con” trên trang nhà “Đại Đạo Tam Kỳ” của Đạo Cao Đài mà chú gầy dựng. Nhằm mục đích phổ biến và giúp phụ huynh tôi sẵn sàng đồng ý với chú. Sở dĩ, chú biết được những bài viết ấy từ trên Queenland là vì trước kia chú cũng từng sống ở tiểu bang Nam Úc, đã từng gởi bài, thơ đăng trên Nam Úc Tuần Báo. Tuy di chuyển từ Adelaide lên Melbourne, rồi Brisbane nhưng chú vẫn gởi tiền “tem” để chủ báo gởi báo thường xuyên cho chú. Tôi vẫn gởi bài cho chú đến khi chú báo là “trang Web” bị ngưng.
Tôi hoàn tất 17 bài ngăn ngắn ấy trong vòng năm tháng từ tháng 07/2000 đến tháng 12/2000. Cứ đi làm về, cơm nước xong, nghỉ ngơi chút ít là tôi ngồi vào máy computer chọn đề mục để viết. Thực ra đề mục tôi đã chọn từ trước theo tiến trình nhưng để đó. Khi viết, thì có lúc viết đề mục nầy xong đến đề mục khác thường thì theo thứ tự, nhưng có lúc đề mục khó hoặc phức tạp hơn tôi để viết sau hoặc cần tham khảo, hay đọc lại tài liệu cho chính xác hơn rồi mới viết. Khi đánh máy xong một bài trong máy vi tính, tôi in ra để xem lại hoặc sửa chữa từ câu văn đến ý. Điều ấy đối với tôi không khó lắm, vì ngày còn học ở trường Trung Học Phước Thành trên Tân Uyên từ lớp Đệ Thất cho đến năm Đệ Tứ, thầy dạy giảng văn Trần Văn Khánh vừa nghiêm vừa dạy rất tận tâm. Chúng tôi học căn bản viết văn trên quyển “Những lỗi thông thường trong Thuật Viết Văn” của Tác giả Nguyễn Văn Hầu; và kiến thức về văn học trong quyển “Việt Nam Văn Học Sử Yếu” của Dương Quảng Hàm. Tôi không ngờ những vốn học năm xưa, bây giờ lại có nơi sử dụng; và tôi cũng không ngờ có lúc hoàn cảnh và một tấm lòng lại thôi thúc mình viết văn lẫn làm thơ! Đúng là cuộc đời có nhiều chữ “không ngờ” và không ai có thể biết được “ngày sau sẽ ra sao?”
Ngay từ khi tôi nghĩ đến viết những bài cho Thanh Thiếu Niên là tôi đã nghĩ đến viết những gì, và viết cái gì trước, tôi liền viết phổ biến bài đó trước. Trong khi đưa cho báo bài ấy, thì tôi chuẩn bị bài kế tiếp, vì thời gian là một tuần, cũng đủ thời gian cho tôi hoàn tất bài sau. Sắp gặp bài khó thì tôi cố gắng hoàn tất những bài dễ trước thời gian lâu hơn để tôi có rộng thì giờ viết bài khó đó. Năm tháng trôi qua, “Những bài viết cho con” của tôi được hoàn tất đăng trên báo Nam Úc. Và công trình của tôi đã đến với độc giả mà tôi nghĩ là đến với phụ huynh nhiều hơn là với Thanh Thiếu Niên, vì một lẽ dễ hiểu Thanh Thiếu Niên không hiểu rành tiếng Việt nên chúng ít đọc hay không coi đến báo tiếng Việt trong đó có thể cũng có con tôi!
Sau đây, tôi xin trích ra “Mục lục” và bài quan trọng trong loạt bài ấy là bài “Học là con đường ngắn nhất tiến tới tương lai xán lạn”:

Mục Lục:
(Bài theo Trình tự)

=Lá thư vào bài.

1- Được làm con người là điều đáng quý!
2- Hãy sống xứng đáng là một con người!
3- Thương yêu mẹ!
4- Sự may mắn của chính mình.
5- Cần có một lý tưởng sống.
6- Ý chí và Quyết tâm.
7- Học là con đường ngắn nhất tiến tới
tương lai xán lạn.
8- Ta là sản phẩm của xã hội.
9- Đường đời con sẽ đi.
10- Không thể không buồn...!
11-Bi quan để làm gì?
12- Nương vào hoàn cảnh để xây dựng tương lai.
13- Dạy dỗ con cái không phải là dễ...!
14- Một số kinh nghiệm về "Hạnh phúc gia đình".
15- Tinh thần dân tộc.
16- Tinh thần vị tha.
17- Chính trị và Tôn giáo.

=Lá thư kết thúc.

No comments:

Post a Comment