Sunday, January 24, 2010

H.T Chữ Nghĩa 4: Từ N.T Trở Thành Nguyên Thảo.

Sau khi suy nghĩ kỹ càng và với nhu cầu cần thiết phải phổ biến gấp bài “Những ý kiến đóng góp về một phương pháp Thiền” nên tôi đã nhờ đến tờ báo Nam Úc giúp dùm. Phổ biến xong trong một thời gian dài không thấy có phản hồi nào hết, tôi cảm thấy nhẹ nhỏm trong người. Và, tôi lại chọn đề tài khác để gởi cho anh bạn để đăng trong Bản Tin Nông Gia. Lần nầy, tôi chọn một đề tài xã hội đã được tôi quan tâm từ lâu. Đó là vấn đề “sợ vợ” mà tôi đặt tựa đề là “Sợ vợ có phải là sợ vợ hay không?”. Sợ vợ ở Việt Nam thì hiếm hơn, nhưng vấn đề ấy đã khiến cho dòng họ ‘gát bỏ’ ông chồng qua một bên; còn ở xứ người vì luật pháp bảo vệ người đàn bà nên vấn đề sợ vợ gần như được phổ biến. Tôi dự định viết bài ấy để những ai đọc được, nhất là những người đàn bà hay “la” chồng sẽ giảm bớt đi để hạnh phúc gia đình được bền lâu, con cái sẽ được vui vẻ hơn; và nhất là họ sẽ hiểu được ông chồng mình nhịn mình vì hạnh phúc gia đình chứ không phải là sợ mình. Bài ấy viết ra, cũng có nhiều phản ứng. Nhưng vì tôi chỉ để tên tắt của mình thôi, tức là N.T, thành ra người ta cũng chẳng biết là ai? Chỉ vì tôi thố lộ với anh bạn mà nó đã phổ biến và người cự tôi lại là bà bạn phụ giúp tôi trong những lúc tôi cần người. Bà ấy cũng văn nghệ lắm! Bà nói bà sẽ viết phản ứng lại. Tôi cũng khuyến khích bà viết phản hồi, bởi vì đó là vấn đề chung trong xã hội; Tôi chỉ viết để giúp hai bên hiểu nhau hơn chứ không châm chích ai cả, tôi chỉ phân tích một vấn đề để mọi người xem chơi!
Từ đó, tôi không để tên tắt nữa mà là Nguyên (N) Thảo (T), theo nghĩa của nó: Vốn là cỏ (cây). Tôi tự xem mình là chẳng ra gì như thân phận cây cỏ mà thôi! Và cũng để những ai viết phản đối lại bài tôi viết dễ xưng hô mặc dù trong văn viết. Nhưng chẳng có ai viết phản đối cả kể cả bà bạn của tôi.
Tôi trích lại để quý vị coi chơi, nhưng với bài nầy tôi đã sửa lại đôi chút để thích hợp với bút hiệu Đồ Ngông sau nầy và được đăng tải trên một tờ báo liên bang ở Sydney.

"Sợ Vợ" Có Phải Là "Sợ Vợ" Không?

Đồ tôi nhớ khi còn nhỏ nghe trong "la-dô" mấy ông hề hát tuồng "Hội sợ vợ": Nghe nó vui làm sao ấy! Đồ tôi cứ mãi lắng mà nghe. Tưởng câu chuyện đó chỉ là viết để giúp vui cho mọi người thôi! Nhưng sau nầy lớn lên mới biết vở tuồng nọ cũng là một "phản ánh" xã hội, mang tính cách trào phúng lẫn châm biếm.
Rồi đến một ngày kia, Đồ tôi chứng kiến một người vợ "ra oai" với ông chồng, Đồ tôi ngơ ngác mà ngẫm nghĩ "sự đời". Nhưng sau đó, ông chồng nói với Đồ tôi rằng: "Tánh bà ấy thường thì như thế đó! Bả la một hồi rồi thôi! Nếu bác cự lại thì sanh ra hai vợ chồng gây lộn nhau hoài, con cái nó nghe được hay chứng kiến thì nó buồn tội nghiệp, gia đình cũng chẳng vui!". Từ đó, Đồ tôi hiểu thêm được vấn đề một chút ít.
Khi vào đời đi làm việc, Đồ tôi gặp một ông bạn. Ông bạn nầy cũng có tiếng là "sợ vợ". Đồ tôi chỉ nghe thôi, chứ chưa chứng kiến. Trong một buổi trưa nắng buồn, mọi người ngồi trong phòng tự dưng ngưng ngang câu chuyện, cùng nhau yên lặng. Một cái yên lặng đột nhiên, lạ lùng. Ông bạn "sợ vợ" bỗng phá bầu không khí ấy: "Mình đâu có sợ vợ mấy ông, nhưng mà mình "nễ" (nhịn) vợ, rồi mình sợ vợ lúc nào không hay!". Câu ấy vào trong hoàn cảnh đó đã đánh mạnh vào trong suy nghĩ Đồ tôi, đưa Đồ tôi rơi vào khoảng không của tâm thức, và với một sự cảm thông bằng một tình cảm không cùng. "Một lời tâm tình, một lời bộc lộ, một sự diễn tả tự nhiên không hề có ý thức". Do vậy, mà khi Đồ tôi tập tành viết lách, viết cho vui trên "Bản tin nông gia" của Hội Nông Gia Nam Úc đã đưa vấn đề ấy "mổ xẻ" một lần vào khoảng năm 2000. Nay Đồ tôi bỏ chút thì giờ "chỉnh lý", viết lại để đưa ra trình diện cùng Quý vị xem chơi, đồng thời tham khảo. Nhất là các "bà Mệnh phụ" vui lòng ngẫm nghĩ, xét lại điều Đồ tôi ghi nhận, nhận xét có đúng hay không? Khi viết vấn đề nầy, Đồ tôi chỉ có một mục đích là giúp cho "hạnh phúc gia đình" của Quý vị mà thôi. Hạnh phúc trong "Sự tương kính, hiểu nhau" và con cái được vui trong "cảnh êm ấm".
Thực ra, trong thế gian người ta ít khi đào sâu, tìm hiểu về một vấn đề "để mà" thông cảm, mà người ta chỉ thấy hiện tượng rồi vội vàng phê bình đàm tiếu. Vì thế, vấn đề sợ vợ mau chóng trở thành một chứng tật gán ghép được lưu truyền.
Đồ tôi, với những thời gian đã chứng kiến nhiều câu chuyện và cũng được nghe nhiều phê bình, đàm luận từ bên ngoài đến trong họ hàng của người sợ vợ. Đồ tôi muốn làm một cuộc "thanh minh" giúp hộ, thế thôi!
Sau những lần tìm hiểu, phân tích Đồ tôi đúc kết được một số nguyên nhân, lý do để đưa người đàn ông đến tình trạng "Phải sợ vợ" như sau:
1-Khi người đàn ông vì ham mê một cái gì như: cờ bạc, rượu chè, lăng nhăng bồ bịch, dấu diếm tiền bạc cho một công việc mờ ám nào đó; tức là người đàn ông tự tạo lỗi lầm cho mình đối với vợ, gia đình thì người vợ la lối, cự nự là một điều tất nhiên và người đàn ông không thể mở miệng nói được. Nếu điều ấy là thường xuyên thì "bàn dân, thiên hạ" cứ coi như người đàn ông đó là sợ vợ.
2-Nếu trong gia đình người đàn ông vì lý do nào như: lười biếng, sức khỏe yếu kém, bất tài, bê tha, sống lệ thuộc vào gia đình vợ... khiến bà vợ phải nhảy ra quán xuyến, gánh vác; làm trụ cột chính về tài chính của gia đình thì người đàn ông cũng phải đành chịu "lép vế" cái vị thế của mình là một việc đương nhiên.
3-Trường hợp hiếm hoi: Đối với những ông chồng "vô phước" gặp phải các "bà chằng", các bà vợ tính tình bất thường, nóng nãy, "mad" dây, thường hay la lối om sòm, mà các ông cũng không thể dứt bỏ được thì cũng dễ đưa đến hình thức sợ vợ.
4-Trong hoàn cảnh xã hội theo phương Tây nầy, người đàn bà được bênh vực triệt để. Tiền trợ cấp cho "single mum" lại cao hơn, khiến cho các bà một phần muốn sống "như Tây", một phần muốn "quên đi" vai trò của mình trong gia đình, lại càng lên nước khiến gia đình đi đến đổ vỡ hoặc là các ông chồng lâm vào tình trạng sợ vợ.
5-Trong những nghề nghiệp cần có quyết định chung như trong nghề nông, nghề kinh doanh... Nếu đã bất đồng ý kiến giữa hai vợ chồng lúc ban đầu về chọn giống, kế hoạch mà ông chồng quyết định theo ý mình; dù việc làm không bị thất bại, hư hao mà gặp lúc giá trên thị trường rẻ, thì ông chồng cũng sẽ bị cằn nhằn từ ngày nầy qua ngày khác, hoặc đôi lúc còn bị "tố khổ" giữa đám đông bạn bè. Điều ấy nếu nhiều lần, lâu ngày ông chồng cũng trở thành "sợ vợ".
6-Còn trường hợp hiếm hoi khác là "hiếp chồng lưu truyền", tức là bà vợ ấy khi còn là con gái trong gia đình mà mẹ đã "hiếp chồng" rồi. Vì quá quen khung cảnh đó nên đã "thừa hưởng" lúc nào không hay, chỉ đợi ngày phát tiết ra thôi. Tuy vậy, có những người tinh ý thì lại ngược lại vì "không đồng ý" với việc làm của mẹ; đồng thời cũng "thương cảm" với cha mà thái độ hành xử có khác đi.
7-Nhưng tựu chung, đại đa số các con "gà cồ" bị "gà mái" đá, chẳng qua đó là một sự nhường nhịn lớn lao của người đàn ông. Họ không muốn cãi cọ, gây gổ, xung đột nhau trong gia đình khiến ảnh hưởng, tác động lớn đến tinh thần, sự học của con cái và cả đời sống tương lai của chúng ở sau nầy. Họ chịu nhịn nhục để con được yên vui, thành người.
Vấn đề sợ vợ cũng có những phức tạp của nó, Đồ Ngông tôi chỉ có khả năng tìm hiểu đến đó thôi! Nhưng có một điều, dù là "sợ vợ" hay "ăn hiếp chồng" cả hai vẫn không bên nào được đánh giá là cao quý cả. Đối với đàn ông bị coi là "hèn nhát, sợ vợ"; thì ngược lại đàn bà cũng bị coi là "Mụ đó dữ như Chằng", "chửi chồng như chửi con", "Con mụ chẳng có nết" đôi khi người ta còn chêm vào "Chắc nó giống mẹ của nó" lại rất ư là phiền!
Đó là những điều mà xã hội, thiên hạ bình phẩm; chưa nói đến trong gia đình, dòng tộc có thái độ nghiêm khắc, chanh chua hơn. Đồ tôi, trong đời, đã đôi lần được chứng kiến ở một vài đại gia đình đó đây, mà Đồ tôi cũng giật mình. Không ngờ nó lại trầm trọng đến như thế! Mới đầu chỉ có vài người tỏ vẻ bất mãn, khinh khi. Lâu ngày, nguyên cả họ bắt đầu coi rẽ: "Nó là thằng sợ vợ", "Nghe lời vợ", "Lệnh bà phán"...Rồi lần lần loại trừ ông chồng sợ vợ nầy ra riêng và cả con cái của ông ta cũng bị khinh khi, ghét bỏ giống như là "một thứ cùi hủi" trong dòng tộc. Đồ tôi thấy, mà ngán ngẫm cho thế sự!
Nhiều lúc, trong cuộc sống, người ta hành xử với nhau mà không hề lưu tâm đến thái độ, cung cách của mình, thế mới nên có nhiều phiền phức, hệ lụy; mà "ăn hiếp chồng" lại là một trong những cung cách đó. Vì thế, một khi mà người vợ "hiếp chồng" nầy có thân thuộc, thân nhân bị vợ "hiếp" thì lúc đó, họa may, họ mới nhận ra và sửa đổi thái độ để điều chỉnh lại nhịp điệu trong gia đình cho hài hòa hơn; khi ấy cũng đã quá muộn màng. Nhưng có vẫn còn hơn không! Được như vậy cũng là đem đến "nguồn vui cho con cái" của họ.
Thực ra "con gà trống" nào vẫn là "con gà trống". Nhưng con gà trống chỉ chưa sống và hành xử đúng với bổn phận, nhiệm vụ, trách nhiệm của mình mà thôi!

Đồ Ngông.

Và từ đó tôi sử dụng đến bút hiệu Nguyên Thảo nầy trong những bài viết của tôi. Vì viết cho tập san nghề nông, nên tôi vận dụng những điều mình đã học được về vạn vật vào năm Đệ Nhị, mà cố gắng viết ba bài ngăn ngắn về đời sống cây cối để giúp các anh chị trong nghề nông có ý niệm khái quát để từ đó có thể trồng trọt dễ dàng hơn. Khi viết những bài đó tôi cảm thấy ái ngại đối với chính mình, vì lẽ mình trồng trọt cũng chẳng bằng ai mà mình lại “bày đặt” phân tích, chỉ chỏ... Chính vì vậy mà tôi ngưng ngang những bài sau về phân, thuốc... mà chỉ đưa tài liệu để anh bạn tôi dịch và đăng tải vào trong tập san.
Đối với tôi, viết là một sự giải trí, góp vui với mọi người, hay mình biết những gì có ích hoặc không hại đến người khác thì tôi mới viết. Nhất là viết để chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau mà tôi biết thì tôi không từ nan. Tôi thường tâm tình với anh bạn: “Mình bỏ thời gian ra để viết, mà viết những điều không có ích hoặc tào lao thì uổng phí quá; hay mình viết tầm bậy giống như mình đi gom rác lại để làm của mình thì tôi không viết. Viết phải có ích, không thì không viết tốt hơn!”. Ý nghĩ đó đã trở thành kim chỉ nam trong sự viết của tôi. Vả lại, từ ngay lúc đầu tôi viết bài Thiền cũng do sự thôi thúc vô hình nào đó từ trong tâm tưởng của tôi, nhằm để phổ biến những điều mình đã cảm nhận đến với mọi người; để giúp một số người nào đó cần biết, để họ tự tạo cho chính mình một niềm tin trên con đường hành trì của họ. Vì thế, khi cầm bút để viết một vấn đề tôi thường hay đắn đo rất nhiều trước khi viết.

Nguyên Thảo,
21/12/09.

No comments:

Post a Comment