Wednesday, January 20, 2010

Hành Trình Chữ Nghĩa 1: Duyên Nợ Chữ Nghĩa!

Tôi sẽ bắt chước nhà văn Pháp, Anatole France, trong câu mở đầu: “Je vais vous dire...” để “sắp nói cùng các bạn...” một câu chuyện của một kẻ không có khiếu viết văn, làm thơ; nhưng rồi lại làm thơ viết văn khi trở về già. Đó là tôi. Một cái tôi đáng ghét! Nhưng thật đúng như thế! Tôi không thể phủ nhận điều ấy, và điều ấy đã làm cho tôi cũng phải ngỡ ngàng; đôi lúc tôi tự hỏi lại mình: “Có phải là chính tôi hay không?”.

Tôi xuất thân từ một môi trường không đủ điều kiện để đi đây đi đó, kinh nghiệm sống không nhiều, học hành chẳng tới đâu: Chỉ dở dở ương ương một năm trên đại học, để rồi năm sau phải đi vào trường Sư Phạm hầu kiếm cho mình một cái nghề kiếm sống trong mai sau, và thích hợp trong thời buổi chiến tranh. Với số vốn như thế đó, tôi không bao giờ dám nghĩ đến có ngày mình lại viết văn và làm thơ, và nhất là thuở thiếu thời tôi không được đọc nhiều truyện hay tiểu thuyết, dù là của nhóm Tự Lực Văn Đoàn hoặc truyện Tàu hay là truyện kiếm hiệp của Kim Dung. Còn thơ thì có thích, cũng sưu tập, chép một số bài mình thích nhưng tôi không thể thuộc được dù là một bài ngăn ngắn ngay cả thơ của tôi về sau nầy. Nhưng sự đời có nhiều oái oăm. Duyên đưa đẩy tôi lại phải làm thơ và viết văn. Tôi bắt đầu viết vì một tấm lòng!
Đúng như vậy! Tôi chỉ viết với một tấm lòng!

Nhớ đến một ngày nọ, trên đường từ trường dạy học trở về nhà, tôi đã gặp một nhóm bạn bè tụ tập ở quán cà phê. Họ kêu tôi lại và nhập bọn cho vui. Trong lúc đó bạn bè giới thiệu tôi với một anh bạn lớn con, đẹp trai, nhưng anh ta chạy “xe lam” đưa rước khách. Về sau, khi quen nhau nhiều, anh bạn thú thật kể lại ngày ấy khi được bạn bè giới thiệu tôi là thầy giáo dạy ở trường đó thì anh bạn đã nghĩ: “Tướng cha nầy là nông dân chết mẹ, mà chả lại là thầy giáo, còn tướng mình ngon lành như thế nầy mà lại chạy ‘xe lam’!”. Không ngờ nhận xét ấy không sai chút nào! Người ta thấy tướng tá của tôi không ai nghĩ tôi là thầy giáo cả, chẳng ít người đã phải lầm lẫn khá nhiều. Sau khoảng 13 năm lênh đênh ở các trường, cuối cùng tôi đến xứ Úc Đại Lợi để trở lại cái nghề thích hợp với hình dáng của mình hơn. Nói ngay, đó cũng là xu hướng của người Việt tha hương trên quê hương Nam Úc. Lỡ thầy, lỡ thợ mà cũng lỡ cả “cu li”, nên đành chọn cho mình cái nghề “làm nông”. Tiếng Anh thì không biết nhiều, trình độ văn hóa chẳng bao nhiêu, nếu chọn con đường đi học thì lấy tiền đâu mà phụ giúp gia đình, con cái còn ở lại Việt Nam; cho nên đa số chọn con đường đi làm thuê trên các nông trại, hoặc các khu vườn cây trái. Thời tiết lạnh lẽo, nắng mưa đều lãnh đủ. Sau bước đầu rồi tùy theo hoàn cảnh của mình mà mỗi người có một hướng đi riêng. Nhưng chung lại cũng nhằm mục đích lo cho con cái mà thôi!

Bốn năm sau ngày đặt chân lên đất Úc để “chọn nơi nầy làm quê hương”, và đem quê hương chính của mình gói lại bỏ vào trong “trí nhớ” thì vợ con được sang đoàn tụ theo diện ODP (Orderly Departure Programme). Nhu cầu lại nhiều hơn, hai vợ chồng “ráng cày” để trả tiền mướn nhà, điện, nước, ga, xe cộ... đủ thứ và hỗ trợ cho con cái học hành. Hai vợ chồng quên mất mình đã là thầy và cô giáo. Dốt cũng hoàn là dốt! Từ đó, tôi đã trở thành nông dân chính thức, dù là làm mướn hay mướn đất gầy dựng cơ sở để làm. Người bạn của tôi năm xưa không sai lầm! Công việc nghề nông thì ở đâu cũng vậy: Lệ thuộc thời tiết, tùy theo giá cả thị trường, số cung số cầu, sự thu hoạch thời vụ, sâu rầy... May mắn thì trúng vụ, trúng giá; nếu không thì lấy công làm lời, đôi khi không may cũng có thể vỡ nợ như chơi. Trước kia thì “trói gà không chặt” và bây giờ biết làm gì hơn! Vả lại với nghề nghiệp năm xưa, mình không thể bon chen hay có bản lĩnh, thủ đoạn để vào đời, cho nên đành an phận với những gì mình đã có.

Vài năm đi qua, chuyện kiếm sống nơi xứ người cũng có nhiều phức tạp nhất là trong những giai đoạn đầu. Ai cũng cần tiền cả, kiếm được một chỗ làm thuận tiện không là dễ, nên sự tranh giành, dèm pha, ganh ghét... cố hữu của người mình thường xuyên xảy ra. Người làm có lương tâm cũng bị chỉ trích, châm chích hoặc móc ngoéo. Người biết chút ít tiếng Anh hay chủ thường nói chuyện cũng thường hay bị để ý, và dễ dàng bị người khác tìm cách loại ra. Tính phe đảng, nịnh hót, tâng bốc, hiếp đáp... trong các nhóm người Việt không nơi nào là không có. Hai vợ chồng tôi cũng không ra ngoài “ngoại lệ” chỉ vì mình làm việc tương đối có lương tâm nghề nghiệp của một thầy cô giáo, được sự tín nhiệm của người trưởng nhóm, thế là có vài người toa rập với nhau “chơi” cho vợ chồng tôi một “vố”.

Tôi ngậm ngùi tình đời, đi vào “cắt vải” trong một hảng may hàng đồng phục của nhà thương. Được đúng một năm sau, lại đi tìm nhà kiếng mướn để trồng dưa. Nhà kiếng cũ, đất cũ cũng khó kiếm ăn, nên hai vợ chồng quyết định gom góp, vay mượn từ ngân hàng để sắm nên của mình. Ráng được vài tháng thì lại phải không may. Xương sống của tôi bị “collapse disc” đau đến cái chân. Tôi phải chịu đi mỗ ở xương sống! Nỗi buồn tiếp nối nỗi buồn. Tôi nằm dưỡng bệnh mà thương cho vợ thì ốm yếu phải cáng đáng gia đình, còn hai đứa con lớn học năm cuối bậc trung học phải vất vả, không khéo ảnh hưởng đến sự học của chúng, nên tôi bàn với vợ tôi quyết định bán dù phải chịu lỗ, rồi về sau sẽ tính sau.

Trong tình huống đó, tôi mới thấm thía cái nỗi buồn vô hạn. Tôi mãi lo nghĩ mà đôi lúc mình không nhìn hay đoái hoài đến ngoại cảnh. Nghe chỉ để mà nghe chứ bao giờ cũng nghĩ về nội tâm của mình. Đêm đến, mình cũng chỉ thấy mình mà thôi! Buồn lắm! Tôi phải nghĩ đến cách giải buồn. Mướn phim Tàu về coi. Bộ phim “Tế Điên Hòa Thượng” được tôi chọn vì trước kia tôi đã được xem một đoạn, mà tôi thích nhất là cách “tếu tếu” của Tế Điên. Còn ban đêm tôi phải ráng vận dụng cách ổn định tinh thần bằng hình thức “định tâm” qua hơi thở. Rồi ngày nọ, anh bạn tôi đã nói về hiện tượng Bà Thanh Hải, tôi chưa nghe đến bà ấy bao giờ. Vài ngày sau, anh đưa tờ báo Việt Luận cũ cho tôi với bài “Âm thanh siêu thế giới”. Tôi đọc, nhưng tôi lại liên tưởng đến cái âm thanh tôi đã nghe những khi tôi lặn dưới nước. Ngày tôi ra trường bắt đầu đi dạy, tôi cũng phải vận dụng cách luyện trí nhớ bằng tập trung tinh thần vào ban đêm. Tôi đã thấy có những vòng tròn ánh sáng từ trong đầu của tôi phóng rất nhanh và đi xa về điểm vô cực trong toán học. Và những vòng ánh sáng chuyển màu từ màu lam sang vàng, đỏ, xanh, cam, tím. Tôi nhìn theo những biến chuyển đó trong tâm tưởng vì hai mắt tôi vẫn nhắm lại. Sau cùng ánh sáng ấy di chuyển chậm lại và khoảng chính giữa là màu trong, lần lần khoảng trong ấy lớn rộng ra. Tôi đang chú tâm theo dõi thì người bạn ngủ chung lại “mớ” trong giấc ngủ và đập tay mạnh trên tấm ván ngủ. Tôi giật mình và cảm thấy hơi chơi vơi. Từ đó tôi bỏ luôn không dám theo hiện tượng ấy nữa. Tôi có thể hiểu được cái nghĩa “tẩu hỏa nhập ma” trong các truyện kiếm hiệp từ thuở đó. Tôi đã được nghe nói đến Đức Đạt Lai Lạt Ma và pháp Quán âm; nhưng với bà Thanh Hải nầy pháp Quán Âm ra sao, tôi chưa được biết. Tuy nhiên, đêm đến tôi thử nghiệm nghe âm thanh thử coi thế nào. Tôi ráng cố nhớ lại thời con nít lúc tắm suối cũng như khi tắm sông, cái âm thanh ấy nhiều lần tôi đã được nghe, nay tôi cố nghe lại. Tôi bịt kín lỗ tai để nghe, sau bỏ lần tay ra để nghe, tôi đã bắt được những “tiếng dế kêu” ấy. Từ đó, tôi theo âm thanh ấy và nghiệm xem tại sao lại có âm thanh đó và tại sao nó lại như vậy. Rồi tôi tò mò nghe xem âm thanh nghe được bên lỗ tai bên trái có khác với âm thanh bên lỗ tai bên phải không? Nghe bên nây một hồi, bên lỗ tai bên kia một hồi, không ngờ chúng có khác nhau đôi chút và chiều nghe không còn đi ngang nữa mà lại dần đi theo chiều thẳng đứng. Trong sự ngạc nhiên và tò mò tôi quyết đi theo các hiện tượng diễn ra. Sau nhiều đêm tôi thu nhặt được những sự kiện lạ lùng mà tôi không biết đó là thực hay là mơ. Nhưng tôi biết chắc là trong lúc đó tôi không ngủ mà chỉ trong trạng thái “mơ mơ màng màng” mà thôi! Tôi tự hỏi: Đức Phật ngộ đạo trong trạng thái như thế nào? Tất nhiên là không trong trạng thái ngủ, mà thiền thì cũng không hẳn trong trạng thái thức. Tôi cứ mãi thắc mắc về điều ấy!

Nhưng vào cuối năm đó, tức là cuối năm 1992 tôi lại phải trở lại nghề nông trong tình huống phải làm để phụ giúp con cái có điều kiện học hành tốt hơn. Chính vì điều nầy mà tôi không có thì giờ để thắc mắc về chuyện đã xảy ra trước kia. Tuy nhiên, mãi đến khoảng năm 1996 có bà chị làm chung vì mẹ mất nên sau lễ cầu siêu cho mẹ chị đã thường xuyên đến chùa; và chị cũng thường rủ vợ chồng tôi vào chùa nghe mỗi khi có vị sư nào đó về chùa thuyết pháp. Sau đó tôi thấy mình cần tìm hiểu những điều mà mình đã cảm nhận được trong lúc bệnh có phải là “sự mầu nhiệm” nào đó hay không? Nghĩ và làm! Tôi bắt đầu tìm kinh điển để đọc, để tìm hiểu; nhất định mình phải tìm cho ra lẽ. Không thể mình không mơ mà lại thấy những hiện tượng lạ như vậy. Và nếu không có “kết quả” thì người ta thiền để làm gì? Và tại sao Đức Phật lại ngộ được trong sự hành thiền? Tôi nhất quyết đi tìm ra lẽ thật!

Trong suốt nhiều năm trời, tôi cứ để mãi niềm ưu tư về hiện tượng kia. Tôi dành cho mình thời gian để bắt đầu đi tìm hiểu vào đạo Phật. Khi tôi còn bước mò mẫm, chập chững thì Hội Nông Gia của nhóm nông gia Nam Úc lại củng cố Hội và Ban Chấp Hành mới ra đời. Trong khí thế đang lên, Hội đưa ra Bản Tin Nông Gia, nó vừa là bản đăng tải tin tức, thông tri cho nông gia và đồng thời cũng là khu văn nghệ vui chơi cho những nông gia ai muốn tham gia để giúp vui cho mọi người. Cầm bản tin đầu tiên số 1 trong tay. Tôi mường tượng chỉ có một hai người viết mà thôi. Anh bạn tôi là người phụ trách bản tin ấy. Tôi hỏi anh và anh cũng thành thật cho tôi biết quả là như vậy. Tôi xin anh tham gia đóng góp chơi cho vui, anh vui vẻ khuyến khích và hoan nghênh. Tôi muốn tìm vấn đề xã hội nào có ích thì tôi chọn làm đề tài. Trong lúc suy nghĩ để lựa chọn, nhưng ở “Bản tin nông gia” số 1 có bài viết về “nhân quả” cứ mãi ám ảnh tôi trong lúc tôi đang hái dưa, mà lạ lùng người ta viết về nhân quả thì sao tôi lại cứ nghĩ về Luân hồi. Thế là tôi chọn về một vấn đề khá lớn là “Thiền”, nhưng vì nó lớn quá nên tôi không dám nói là “Thiền” mà chỉ lấy tựa bài là “Lạm bàn về một vấn đề”. Đó là bài đầu tiên tôi cầm bút viết một bài văn để trình bày một vấn đề cùng công chúng với tính cách vui chơi mà có ích. Nhưng khi “bản tin” in ra thì anh bạn tôi sửa lại: “Thiền là gì?” vì trong bài ấy tôi nói đến Thiền. Một tháng sau, phần kế tiếp được ra đời! Một cách dễ hiểu vì “bản tin” chỉ ấn hành mỗi tháng một lần với số trang khiêm nhường. Tôi hốt hoảng khi thấy mình viết thì chậm chạp mà người đọc lỡ họ làm theo điều tôi viết thì không khéo trở nên nguy hiểm cho họ. Cho nên trong khoảng thời gian đó tôi phải cố gắng dành thời gian kết thúc trọn bài ấy càng sớm càng tốt. Về phần viết không khó đối với tôi, vì tôi chỉ ghi lại những gì mà tôi đã cảm nhận được trong lúc bệnh của hơn 7 năm về trước. Tôi phải chọn một bút hiệu thật xấu để người đọc cẩn thận kiểm định lại những nhận thức của tôi, thế là bút hiệu “Bất Hạnh” được ra đời trong bài ấy. Sau đó, tôi đem bài ấy đến báo biếu địa phương “Nam Úc Tuần Báo” nhờ xem được đăng dùm để giúp thêm ý kiến cho những người đang thực hành Thiền, cho nên nó được mang tên là: “Những ý kiến đóng góp về một phương pháp Thiền”. Tuy nhiên, nhà báo không hiểu ý tôi nên thêm vào tựa bài chữ “vài” tức là “một vài phương pháp Thiền”. Nhưng dù sao, ý nguyện của tôi cũng được toại nguyện. Điều tôi muốn phổ biến cho mọi người biết về Tâm Linh cũng như Thiền là có hiệu quả, và nhất là cẩn thận với những trở ngại của nó. Bài ấy đã trải được “tấm lòng” của tôi ra với một số người đọc và hiểu được nội dung của bài. Từ đó tôi không ngờ mình lại đi vào “viết văn” với những cơ hội và sự tăng tiến từ báo địa phương lên đến báo liên bang hay vào mạng cũng là một sự tình cờ. Tôi chưa bao giờ có ý định trước là mình sẽ trở thành nhà “viết văn” hay là một nhà thơ!

Nguyên Thảo,
18/12/09.

No comments:

Post a Comment