Wednesday, January 20, 2010

Thơ Đồ Ngông


Lời Tâm Tình cùng các bạn CHS trịnh Hoài Đức:

Trong quá trình đơn độc khi can thiệp vào sự xung đột của các phe nhóm ở địa phương trên báo chí, Đồ Ngông tôi phải luồn lách viết để họ không thể chửi mình, do đó đã có nhiều bài thuộc ở nhiều phưong diện: "Lật mặt trái xã hội" (với dấu (*); hoặc "Những bài thơ, câu chuyện để những người chửi nhau trên báo chí phải suy nghĩ mà giảm bớt lại sự nóng giận" (**) hay "những bài thơ để vui chơi". Hôm nay Đồ Ngông tôi đem chúng ra trình diện với các bạn để coi chơi. Với những bài "thói đời (*)" (mặt trái xã hội) chỉ là những nhận xét riêng của Đồ Ngông tôi các bạn cần kiểm chứng tính chính xác của chúng, còn nhân vật chỉ là hư cấu xin các bạn đừng nên đặt mình vào đó mà lại phiền trách Đồ Ngông. Xin cảm ơn!

Lời Ca Vô Vọng!

Trong chiến tranh tàn khốc
Có nhạc sĩ da vàng
Ngồi hát trên đổ nát
Lại tiếng gào vang vang:

"Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu
Một trăm năm đô hộ giặc Tây
Hai mươi năm nội chiến từng ngày
Gia tài của mẹ
để lại cho con
gia tài của mẹ
Là nước Việt buồn!..."
(Nhạc Trịnh Công Sơn)

Chiến tranh nơi nầy qua
Chiến tranh vùng khác đến
Đoàn người đi khập khễnh
Hối hả bỏ cửa nhà!
Bàn tay nào dắt mẹ
Bàn tay nào cho con
Vượt qua đồi qua núi
Cố níu lấy sống còn!
Những lời ca vô vọng
Không ngăn nổi hận thù
Những nỗi hờn thiên thu
Cứ bừng lên đột cháy!...

Đồ Ngông, 07-08-06.

Vì Đâu?

Chẳng Chúa, chẳng Trời khởi chiến tranh
Cùng nhau lấy máu để tranh giành
Gây bao tang tóc cho dân chúng
Phá nát đời êm, giết mộng lành.

Đâu phải Trời, cũng chẳng Chúa tôi,
Ai gây chinh chiến khổ cho đời
Con người vốn khổ, càng thêm khổ
Cũng lại do người hận mãi thôi!

"Nhất tướng công thành, vạn cốt khô!"
Bao nhiêu người lính đến bên mồ
Bao nhiêu mạng sống đời dân giả
Thoáng chốc đi về cõi hư vô!

Chẳng Chúa, chẳng Trời tạo chiến tranh
Loài người che đậy, lẫn nhân danh
Tự do, dân tộc, cùng Tổ quốc
Cũng chỉ là do ở "tranh giành"!

Đồ Ngông,
07-08-06.

Bài Ca Buồn.

Có những chàng nhạc sĩ
Đang hát bài ca buồn
Trên hoang tàn đổ nát
Cho cuộc đời thân thương.

Đàn Guy-ta trầm trầm
Dưới trời mưa lâm râm
Trên trời mây màu xám
Trong nỗi đau âm thầm!

Trời sanh ra chiến tranh
Hay bởi dạ con người?
Đã bao nhiêu tàn phá
Với bao người chơi vơi!

Chiến tranh đi và đến
Đem lại những xe tang
Máu xương và nước mắt
Lớp lớp nối hàng hàng.

Nhân loại đầy đau thương
Trong kiếp sống bình thường
Lại con người thêm sức
Khổ trở thành đại dương!

Đồ Ngông, 05-08-06.

Đứa bé.

Một trái bom đã nổ
Đứa bé đầy máu me
Bò bên hông xác mẹ
Tìm sửa bú no lòng!

Nầy bé ơi! Bé nhỏ,
Mẹ bé chết đi rồi
Bé nào đâu có biết
Bé là trẻ mồ côi!

Trên đường đi lánh nạn
Cố đào thoát chiến tranh
Lắm cảnh buồn da diết
Nào ai biết phận mình!

Đồ Ngông,07-08-06.

Kết quả!

Một trái đạn được bắn ra
từ nòng đại bác
Một hỏa tiển được phóng đi
Khi rơi xuống mặt đất:
Một khu vực trở thành tan hoang,
Có những thân người oằn oại
trên vũng máu đau thương.
Có thể có
những người chết chẳng còn đầu,
hoặc xác tứ tung thành từng mảnh.
Tiền của, dựng xây nhiều năm
đã trở thành vô dụng.
Một số người tàn phếl
ê lết đời còn lại trên hè phố.
Thêm một ít vòng tang
và đau thương cho những người thân thuộc.
Đó là chiến tranh
Chiến tranh từ sự hoang dại
Của những bộ óc của con người!...

Đồ Ngông,
05-08-06.

Tưởng Rằng...! (**)
tặng: Trí thức "dổm"

Tưởng rằng trong cuộc đời nầy
Đã là trí thức ra tài giúp dân
Tưởng rằng thiên hạ qua phân
Làm thân trí thức trổ tài kinh bang
Tưởng rằng dân chúng hoang mang
Có người trí thức ra an dân lành.
Ai ngờ trí thức khôn lanh
Giành ăn như ... thể, làm banh xóm làng.
Ai ngờ học giỏi khôn ngoan,
Bày mưu, vạch kế, móc moi thật tồi.
Ai ngờ trí thức lại hôi,
Còn hơn cái đám suốt đời đi hoang.

Đồ Ngông,
28-01-04.

Chán Ngán. (**)
"Thế sự thăng trầm quân mạc vấn
Yên ba thâm xứ hữu ngư châu..." (1)
Người xưa chán ngán từ lâu
Người nay chán ngán, lắc đầu chua cay!
Quê cha sanh bậc anh tài
Tìm đường vượt biển, mà hay tranh giành.
Cấp bằng, quan chức, mề đay
Ngôn từ, chữ nghĩa thẳng tay chẳng chùn
Chỉ thương cái đám dân hèn,
Đã "ngu" mà lại "cu đen", thật buồn!

Đồ Ngông,
07-02-04.

(1) Thơ Cao Bá Quát

Thuộc Hàng Nào Đây? (**)

Dân ta có quá chục ngàn,
Vài người mà khuấy cả làng chơi vơi.
Dân ta cố ráng nín hơi,
Vài người mà đã trống kèn rình rang.
Bước đi giữa xóm, giữa làng,
Người người đứng ngó: "Thuộc hàng nào đây?"

Đồ Ngông,
07-02 -04.

Chõ mỏ. (**)

Ông ở từ đâu chõ mỏ vào,
Hay ông phường lủ thuộc rêu rao?
Sơn đông mãi võ làm tôi tớ,
Hát thuật cò mồi phận nối dao.
Gia đạo, ông còn chưa sửa được,
Tu thân, mi chẳng biết ra sao?
Thế mà ông lại hay khua mỏK
hông biết từ đâu chõ mỏ vào?

Đồ Ngông,
05-03-04.

Lời Tạ Lỗi! (**)

Tôi là một tên già
Đứng ra nhận tội cùng lủ trẻ:"
Nếu mai nầy
Trên đất nước xứ xa
Có xảy ra điều chi không hay cho sắc tộc
Lỗi cũng tại lủ già,
Bởi hay tranh giành, chửi bới thối tha
Tôi tạ tội vì không làm tròn nhiệm vụ".
Tôi muốn nói lên lời tự thú
Để mai nầy "gần đất, trời xa"
Tôi không phải ăn năn, hổ thẹn.

Lỗi không phải tại tôi,
Không phải: "Tại tôi mọi đàng!"
Mà vì
Do "Tâm" người ích kỷ,
Nhỏ nhoi, sân hận, oán thù
Trời không ban cho họ!

Con xin cầu ơn trên,
Ban cho họ sự sáng suốt, lìa khỏi u mê
Để họ trở lại con người thực tế:
"Họ biết có cộng đồng,
Còn biết có cả chục ngàn thân quen".
Để cùng nhau sung sướng
Và sát vai nhau hỉ hả!
Con chỉ cầu
Và cầu mong được điều như vậy!
Và chỉ mong
Một điều ấy mà thôi!

Đồ Ngông,
05-03-04.

Ngỡ là...! (Ngụ ngôn)

Ngỡ là không phải chó hùa,
Đâu ngờ bầy chó lại ùa chạy ra
Con nầy cắn, chó kia la
Om sòm một lủ nhào vô một người.
Thảm thương!
Cho đám chó hùa!
Dù sao cũng chó một bầy xưa nay!...

Đồ Ngông,
27-01-04.

Mài Sừng... (ngụ ngôn)

Con trâu kia đứng cạnh bờ,
Lui cui mài bén cái sừng chờ mai
Chém người lủng ruột, đau thay!
Nghinh người áo trắng, ghét ai sáng màu.
Nhưng mà thiên hạ có câu:
"Mài sừng cho lắm, loài trâu vẫn là!"

Đồ Ngông,
10-02-04.

Tay Sai. (**)

Cái thuở tay sai đã "quá" rồi!
Bây giờ tớ muốn được an ngơi,
Cớ sao cứ muốn "chồm" lên tớ
Bắt tớ thi hành chuyện mãi thôi!

Áo xưa tớ bỏ từ lâu lắm!
Cung cách giờ đây tớ lại người,
Bạn bè thân thiết ta tìm đến
Vui vẻ cùng nhau khoảnh khắc thôi!

Thời ấy đến giờ lại quá xa,
Tóc xanh nay đã bạc trên đầu
Cái mơ, cái mộng còn đâu nữa,
Cái thuở tay sai đã "quá" rồi!

Đồ Ngông,
23-05-03.

Thời Hung Hăng.

Một thuở hung hăng đã đi rồi!
Tớ ngồi uống nước nhớ lại chơi
Hung hăng chẳng được thêm gì nhỉ,
Chỉ khổ người, mình có thế thôi!

Thuở trước bất bình bao ức hiếp
Gian ngoa, lừa đảo, cố chèn người
Tớ quyết xen vào ăn thua đủ,
Chuyện mình cho tới tận nơi đâu.

Cũng có một thời không oanh liệt
Nhưng không hổ thẹn kiếp con người
Nghĩ lại ê chề thân trí thức,
Không xây, mà lại phá cho hôi.

Hung hăng cho lắm chẳng được gì,
Mà thêm cho chúng dễ khinh khi
Đưa mặt mày mo thiên hạ ngắm
Hung hăng cho lắm..! Chẳng được gì!

Đồ Ngông,
14-05-03.
Ai xui...

Ai xui con cóc lại trèo thang
Bé nhỏ thân thô lại lỡ làng
Dám cả bước chân ưa nhún nhảy
Bạo lòng nét tợn thích rình rang
Khoa tay khoác lác đôi ba chữ
Vung bút loe hoe được mấy hàng
Lại té ra là con cóc "tệ"
Mà sao, con cóc lại trèo thang?

Đồ Ngông,
26-08-06.



Chẳng buồn.

Tớ nghĩ ra rồi, tớ chẳng buồn!
Chuyện đời đã vậy, kệ tới luôn
Hơi đâu mà hối mà thương tiếc
Mặc nó ưa quay hoặc cuống cuồng
Cứ thể, nó đi hay nó đến
Chẳng màng, ta nắm hoặc ta buông
Đời dài lắm chuyện trong trần thế
Thuận ý là xong, tớ chẳng buồn!

Đồ Ngông,
27-08-06.

Ông Ở Trên Trời!

Ông ở trên trời ai có hay
Cớ sao lại bắt bỏ vào đây
Rồi tin, rồi nhớ, rồi thương tiếc
Lại cúi, lại chào, lại múa may
Vốn có từ xưa, nhân đức thiện
Bản lai tự cổ, phước cao dầy
Mà sao không tỏ điều chân lý
Lại khiến nhân quần chúng sợ ngay.

Đồ Ngông,
10-09-06.


Suy Tư !

Nghĩ tới, nghĩ lui, lại nghĩ vòng
Tớ không biết, hiểu cũng không thông
Cuộc đời sao mãi luôn suy nghĩ
Kiếp sống lại hoài hết ngóng mong.
Ngày tháng qua mau hơi sức yếu
Ngựa ngang cửa sổ uốn lưng còng
Đi đi lại lại trong trời đất
Nghĩ tới, nghĩ lui, lại nghĩ vòng.

Đồ Ngông,
10-09-06.

Bài Ca Lang Thang.

Những kẻ có dao
nhưng không có đá mài;
người có đá mài
nhưng lại thiếu dao
Họ cấu kết lẫn nhau
tạo nên điều tai họa;
Cả chục ngàn người
ngồi xem mà buông thả
như không có gì
lại khoái tỉ tì ti!

Thịt đã nát như tương
thêm tâm người điên đảo.
Đám ngồi trên cao
hỉ hả trong lòng
Đứa ngồi trong bóng
lại "đót" (1) thật đau:
Đám rối lắc lư
vâng lời gục gặc:
Thêm... thêm nữa! Cho vừa lòng chủ
và thỏa lòng của phận tay sai
Trí thức có thừa
"nhóm người" hàng khối
đã đầy chật lối
chính “chị”, chính em
Tôn giáo khắp miền
toàn là nặng ký
Thế mà một tí
lại chẳng giải quyết được gì
Người ngoài khinh khi
Ôi! là điều xấu hỗ.

Thế cũng ở trên cao
Thế cũng làm chính trị:
Đó là sĩ khí?
Ôi! quả thật là đau!

Đồ Ngông,
10-11-06.

(1) đót: là dùng cây dài có gắn kim nhọn để chọt vào đít (bò) để thúc nó đi nhanh. Danh từ: Cây đót.

Khen Ông!

Tớ phải khen ông quả thật hay
Vài "tay" mà đã khuấy dài dài
Không coi dân chúng trong tầm mắt
Chẳng để nhân quần ở lỗ tai
Quả ông nặng ký hơn muôn miệng
Nên tớ nhẹ lòng thử một tay
Có giỏi xin ông ngồi nghĩ lại:
Làm gì? Có ích? Những điều hay?

Đồ Ngông,
10-11-06


Tớ thách!

Tớ thách với ông thử lại tài
Tài ông ở chỗ nào ông hay
Ông cứ đem ra xem có ích
Hay là bần tiện lại đa tài?

Tớ thách với ông ông dám chơi
Đứng lên, ngó lại dáng con người
Ông soi ông giống người hay vật
Ông sống ra sao xứng với người?

Tớ thách với ông ở cuộc tình
Bao nhiêu đóng góp thuở bình sinh
Bây giờ ông thử quay nhìn lại
Có được bao lần chẳng hãi kinh?

Tớ thách với ông để mà chơi
Chơi trong trần thế có hư đời
Ông hay, ông giỏi, sao bần tiện?
Ông tốt, ông tài, lại xấu chơi?

Đồ Ngông,
10-11-06


Ngồi rình.

Học từ ông tớ cũng ngồi rình
Đợi chúng hơ hỏng tớ lại rinh
Chúng viết sai ta, làm học "giả"
Phê phê phán phán chúng sợ mình.

Học từ ông tớ lại ngồi rình
Móc móc moi moi điều bất minh
Cho chúng biết tay ta đứng đắn
Mai nầy chúng nhớ chúng nễ mình.

Học từ ông tớ chẳng thèm nhìn
Đám người gây rối đáng nhổ, khinh (phỉ nhổ, khinh khi)
Bao năm náo loạn tanh bành cả
Mà chẳng thèm ngưng, khổ dân mình!

Đồ Ngông,
12-10-06.


Tưởng!

Tưởng ông có học lại đa tài
Chữ nghĩa kinh luân hơn hẳn ai
Sách vở chứa đầy trong bụng thối
Bút nghiên đủ bó nắm trong tay
Mai này đem chúng cùng chung sức
Mốt nọ mang ra góp một tay
Ai biết rằng ông đi lạc lối
Đem ra quấy rối tự xưa rày...!

Đồ Ngông,
12-10-06.


Lú!

Tuổi già cái lú tới nơi
Ông ơi! Sao để đầu vơi đít dầy
Ông theo cái đám ăn mày
Tay sai bán chữ, lấy đầy cơm đen
Đêm nằm thao thức bên đèn
Mà nghe mệnh lệnh, lời khen nhủ thầm
Văn chương nhảy múa hờn căm
Lòng sao vương vấn hàng trăm nỗi buồn
Cuộc đời cứ nổi mưa tuôn!

Đồ Ngông,
12-10-06.


Ông Tưởng...!

Ông tưởng rằng ông giỏi lắm ư?
Ở phương xa ấy lại gầm gừ
Hung hăng bọ xít vung bừa bãi
Gấu ó chó hùa sủa ứ ư
Nghề ngỗng ra gì nghề chửi mướn
Văn chương hạ cấp tưởng văn "cừ"
Té ra cũng đám ưa danh hảo
Đạo đức chỉ là một chữ "như" !

Đồ Ngông,
26-11-06.


Tớ..!
(Biếm những người tìm danh hảo)

Học chẳng bằng ai tớ thấy buồn
Ngày ngày tháng tháng cứ qua luôn
Thôi bằng thơ "chửi" đăng trên báo
Gặp lúc "hên thời", nổi tiếng luôn!

Cái học ngày xưa đã lỡ làng
Ngày nay thua kém tâm mang mang
Mong tìm cái cách mau danh vọng
Tớ quyết ra tay, tỏ xóm làng..!

Ai nói móc moi lại phải tồi
Tớ nay moi móc, thử mùi hôi
Tớ nghe không thối, mà thơm chán
Sao ý nhân gian lại bảo tồi!

Đồ Ngông,
07-12-06.

Móc moi!

Tớ nhắn cùng ông chớ móc moi
Moi moi móc móc hóa ra tồi
Văn thơ chi lạ moi moi móc
Ngôn ngữ thật kỳ móc móc moi
Móc móc moi moi mẹ đĩ thích
Moi moi móc móc ả đòi (tôi đòi) cười
Ưa ưa thích thích ông hay móc
Quen thói ông ghiền móc móc moi...!

Đồ Ngông,
07-12-06.

Dè đâu..!

Tớ tưởng rằng ông lập nhóm văn
Đem công ra giúp những tài năng
Không ngờ ông viết nhiều bài chửi
Hiếp đáp nàng thơ lại chẳng rằng..!

Tớ tưởng rằng ông tạo nhóm thơ
Văn chương có cánh gió tung cờ
Ai đâu có biết thơ gươm dáo
Cấu kết cùng nhau giết giấc mơ.

Tớ tưởng rằng ông lại có tài
Văn chương chữ nghĩa thật là hay
Dè đâu mọi thứ đều che mắt
Mưu chước sâu dầy dễ mấy tay!

Đồ Ngông,
07-12-06.


Bài Ca Xưa.

Tóc xưa nay đã bạc
Mỗi năm tuổi càng thêm (hề!)
Ta hát vang bài ca tuổi trẻ
Cùng ôn lại (hề!) của một thời đã qua!

Thời gian (hề!) thấm thoát
Như mây trôi (hề!) thoáng đi
Mặt trời (hề!) vụt tắt
Cuộc đời (hề!) như tên.

Ta ngâm bài thơ (hề!)
Mà nghe âm vang nhiều nỗi nhớ
Thuở xưa
Như một thời (hề!) mến yêu...!

Đồ Ngông,
22-12-06.

No comments:

Post a Comment