Tuesday, June 1, 2010

"Chuyện Cờ Bạc".

Đồ tôi mà viết về chuyện cờ bạc thì quả là "không xứng" chút nào! Vì trong đời Đồ tôi ít khi nào "bốc" đến bộ bài. Nhưng Đồ tôi chỉ có thể ghi lại vài điều "học lóm", "nghe trộm", hoặc "được cho biết", "nghe kể" lại cho Quý vị đọc để tiêu khiển thời gian.
Nói đến cờ bạc là nói đến "một thú vui". Không biết người ta đặt ra cờ bạc tự lúc nào. Nhưng đến bây giờ, nó trở thành phổ biến một cách rộng rãi, khắp mọi nơi, và truyền trong mọi giới, không kể trẻ hay già. Cờ bạc quả là một thú vui, vừa họp bạn bè, vừa giết thì giờ rỗi rảnh; lại vừa "hồi hộp, hấp dẫn" khi phải theo một con bài, đoán một nước, nhận định con tẩy khi bài còn trên tay của người khác; hoặc triệt hạ được quân bài một cách ngoạn mục, "thần kỳ". Đánh bài hấp dẫn thật. Nhưng Đồ tôi không biết thì "thật là uổng!".

Đánh bài thì có: Xì dách (hai lá), bài cào (ba lá), các tê (sáu lá), xập xám (mười ba lá), và loại khác hai lá gọi là "phé". Người sành điệu thì lại mê "phé" hơn! Vì mỗi con bài kéo thêm đều có "kêu" và "tố", "theo" hay "chạy". Ngoài ra, còn nhiều thứ chơi khác trên bộ bài ấy như "tú lơ khơ" hoặc "bài tây" gì đó mà Đồ tôi chưa hề được biết. Nghĩ lại đầu óc con người quả là phong phú! Ngồi để tưởng tượng đặt ra bài, cách chơi và chơi sao cho hấp dẫn, cao thấp. Rồi một loại bài chưa đủ còn đặt ra các loại bài khác như: Bài oăng(?), bài tới, tứ sắc, tổ tôm (?). Những hình thức cờ bạc khác cũng được sáng chế "góp vui" như: Bông vụ, hốt me, chẵn lẽ, tài xỉu, bầu cua cá cọp, domino, xóc dĩa..v..v..Đồ tôi không thể biết và nhớ hết. Chung qui vẫn là những trò chơi để định "hơn thua, thắng bại" trên "mặt trận nhỏ": Trong sòng bài!

Sau nầy, người ta phát triển những thú vui ấy thành một "kỹ nghệ làm ăn" ở những nơi thật là sang trọng, trang hoàng đẹp đẽ, hấp dẫn, nhằm lôi cuốn những "tay có máu mặt" đã đành, còn để lôi cuốn thêm nhiều "con nhạn lẻ tẻ" khác chưa hề biết cờ bạc đến tập tành và trở thành người "professional". Đó là những Casino đã làm tiêu tán biết bao nhiêu là gia đình vốn trước kia là những gia đình hạnh phúc. Và cũng chính nơi đó đã "góp phần" vào "sự băng hoại xã hội" không ít.

Đến đây, chắc quý vị không thể tin được điều Đồ tôi viết, và quý vị có thể cho rằng: Đồ tôi "quan trong hóa vấn đề" mà thôi!

Trước hết, Đồ tôi sẽ kể sơ qua về những sòng bài nho nhỏ ở những làng quê để quý vị xem chơi. Ở những làng quê, nhất là trong quê, nơi mà người dân quanh năm cậm cụi làm việc trên đồng ruộng, chân lấm tay bùn, ban ngày lủi thủi làm việc, ít nói chuyện với ai cho nên họ được cái tính "chân thật, thật thà, cục mịch", hoặc vì làm lụng cực nhọc nên thường quạu quọ, thế nên trong ngôn từ không hoa mỹ, êm dịu đúng là "dùi đục chấm mắm nêm". Và trong xã hội, người ta xếp họ vào thành phần "dân ngu, cu đen", vì họ không thể có đủ điều kiện để đi học. Nhưng sau những thời gian làm lụng mệt nhọc, người ta cần được thoải mái tâm hồn chút ít thì "vài ba ly rượu" với bạn bè; hoặc những ngày lễ lộc, ngày hội đình, ngày Tết tập họp nhau vui chơi và thêm tí "cờ bạc" để giải trí. Cờ bạc không cần đòi hỏi phải học nhiều và trường lớp, nên dốt hay có học đều có thể học tập nhanh chóng và thành thạo trong vài tiếng đồng hồ hoặc vài ngày.

Khởi đầu từ những vui chơi ấy, người ta đã quen dần và ngày càng thấy nhớ như "nhớ một tình nhân", rồi người ta "xích lại gần" và càng ngày càng thường xuyên hơn. Mới thì đánh "ăn chơi", "quẹt lọ nghẹ". Sau thì đánh uống nước, uống rượu. Rồi tiến đến "Đánh nhỏ nhỏ" chơi, và ngày càng tăng tiến lên trở thành "đánh ăn thiệt mà còn đánh lớn nữa". Thế là cờ bạc được phát triển đến mức độ. Những sòng bạc thành hình, những người chuyên sống về nghề cờ bạc được thêm số đông. Để giành được phần thắng, trong giới cờ bạc đã nghiên cứu cách đánh, cách gian lận, sắp bài bằng cách "xào bài, chẻ bài, chia bài, dấu bài, toa rập với nhau, ăn gian...". Nhiều lắm, Đồ tôi không được nghe kể hết. Từ chỗ đó tạo được "những tay điếm" về "cờ gian, bạc lận". Tất nhiên, những "tánh" như thế sẽ dễ sanh sự, đánh lộn, đâm chém nên những người ấy thường hay học võ, phe nhóm và trở thành những "du côn, điếm đàng" của xóm, khu vực. Còn ở những nơi thành thị thì: Những anh chị họp thành băng đảng kiểm soát, tổ chức, bảo vệ mọi hoạt động như cờ bạc, động điếm lẫn trộm cắp, giựt đồ, buôn bán ma túy cần sa... Tất cả cũng chỉ vì con người muốn sung sướng, ở không, mà có người cung phụng đầy đủ, hay lấy của người khác để xài mà mình khỏi phải làm lụng cực nhọc. Thế thôi!

Chỉ ở những sòng bài nho nhỏ mà nhiều người đã "mê", tối ngày chỉ "chun" vào các sòng, không lo làm việc, bỏ bê con cái: Nhà hết gạo hết cơm, con bửa đói bửa no, quần áo rách bươm, thân hình ốm nhom ốm nhách, khóc la ỏm tỏi. Vợ chồng thì gây lộn um sùm, nợ nần tới tấp, mặc cho con vợ gánh gồng đàn con. Đôi khi thua hết tiền về nhà "đánh khảo" vợ, để lấy tiền đi đánh tiếp. Ôi! Chỉ một người "đi chơi", "mê" mà cả mấy người chịu khổ; đến hàng xóm, những người cho mượn tiền cũng phải chịu khổ lây. Đôi khi thua quá, thiếu hụt nơi cung cấp tiền bạc sanh ra chôm chĩa, trộm cắp khiến cuộc sống an vui trước kia của láng giềng trở thành lo âu, hồi hộp.

Có những người "mê" đánh bài đến cả hai ba ngày không ngủ. Họ chỉ cần ngồi, ngồi coi người ta đánh "cũng vui", dù mình đã thua "cháy túi".

Đồ tôi cũng đã đi vào Casino để xem qua cho biết. Thấy cảnh đông người vui thiệt. "Ông đi qua, bà đi lại" thật rộn ràng. Màu xanh, đỏ, vàng, cam, trắng,.. đủ màu bắt mắt một cách lạ lùng. Với những cái máy "pokies" sắc màu sặc sỡ, âm thanh thật là "vui tai". Có người bảo với Đồ tôi: Ôi! cái âm thanh khi mà mầy "Win" thật là "Wonderful!". Người ta nói "mật ngọt, chết ruồi", thì ở đây quả thật những cái gì hấp dẫn đã đưa đến cái "hết tiền hết bạc", phải bán dần tài sản, của cải dành dụm bấy lâu. Bao nhiêu năm làm lụng, chắt chiu chỉ trong thời gian ngắn tất cả đều "đội mũ ra đi" không hề "ngoãnh mặt lại". Đồ tôi cũng đã đến các sòng bài khác như bài cào, xì dách, roulette... mà Đồ tôi không nhớ đến tiếng Anh gọi là gì, và bao nhiêu món chơi trong đó. Người ta "mê" là phải; Đồ tôi chỉ vào xem qua cho biết, thế mà cũng có cảm giác mình "nghe khoái", "rộn rã" trong lòng; "hừng hực" trong máu; "lâng lâng" trong tâm hồn như muốn nhảy vào cuộc. Đôi lúc thấy người ta đánh mà mình không đánh, thật là lạc lỏng làm sao! Cái tâm lý vào Casino "phải đánh thử" cho biết, là cái tâm lý khởi đầu. Đánh thử để thấy tâm lý chuyển biến từ từ: Từ chỗ "đông người vui", đến người ta đánh mình cũng đánh cho biết. Lúc đầu, chỉ bỏ ra ít tiền đánh chơi thôi! Nếu ăn, thấy tiền kiếm được sao dễ dàng quá! Mà "thắng" cũng chẳng khó khăn gì. Nếu thua, thua sát nút thấy lòng mình ấm ức, lại ngẫm nghĩ: Chẳng lẽ mình lại thua hoài! Thế là cứ đánh "nhồi" lên. Đến khi thua quá, hết tiền ra về. Ra ngoài, thấy được ánh sáng mặt trời, mình như "tỉnh cơn mơ". Nhớ lại, thì mình đã thua nhiều rồi! Tiền làm cực khổ trong thời gian qua đã đi: "Mình phải gở, gở lại rồi, không chơi nữa". Nhưng sao được? Người đến quán uống cà phê còn phải ngồi ở "cái chỗ" quen thuộc nữa là! Huống hồ gì "nàng tình nhân cờ bạc" có quá nhiều yếu tố, cử chỉ để mình phải nhớ. Thế là người "ghiền" cờ bạc giống như người ghiền ma túy. Đến cử ghiền thì phải "phê", thế thôi!

Đồ tôi cũng ghé qua các Casino khác, thì bên trong trang trí có khác nhau đôi chút để hấp dẫn người chơi, từ màu sắc cho đến các phương tiện phục vụ lẫn trò chơi... Nhưng chung qui, vẫn là "tạo một khung cảnh mờ mờ, ảo ảo" để người đánh có cảm giác "như trong cơn mơ". Không còn biết sáng tối, ngày đêm, tự mình "mê hoặc" lấy mình. Từ đó, người đánh cứ mãi theo "game" mình đang chơi. Đến khi sạch túi, ra ngoài mới tỉnh lại và hối tiếc. Rồi phải đến thêm một lần khác để "lấy lại những gì mình đã mất". Nhưng có được đâu? Thuở xưa, Đồ tôi được nghe người ta kể: "Có một ông chủ sòng bài nọ bị con bạc thắng khá nhiều, nhưng con bạc ấy lại ra về. Có người hỏi, ông ta nói: "Trừ khi nó chết, hoặc là xây mồ mã thì số tiền ấy sẽ bị mất. Nếu anh ta còn sống, tất anh ta sẽ đem trở lại đây mà trả, cộng với tài sản của anh ta". Quả thật không lâu, con bạc đó "nướng" cả tài sản của mình vào sòng bạc và làm khổ đến vợ con.

Có những gia đình lúc đầu chỉ có vợ hoặc chồng mê cờ bạc, đến đổi người kia phải thắc mắc: "Cờ bạc, Casino có gì mà mê?". Thế rồi, họ chỉ đến xem thử tại sao người chồng hay vợ của mình lại mê. Sau nầy họ lại "càng mê" hơn vợ hay chồng của mình nữa. Rồi người ta đổ thừa cho "con ma" ở Casino hoặc là tại "bùa yếm" của những nhà phong thủy, đặt đâu đó khi chủ bắt đầu xây dựng Casino mướn họ làm. Nếu ai đã vào Casino lần đầu tiên chịu khó "lưu tâm" cái chuyển biến cảm giác, tâm lý của mình thì có thể thấy được điều ấy, không cần nghĩ ngợi xa xôi.

Với chuyện "mê cờ bạc" đã đưa đến hậu quả tai hại cho gia đình, con cái; thì "mê Casino" lại càng tệ hại hơn thêm. Báo chí chẳng đăng tãi có những bà mẹ đi vào Casino để con còn nhỏ trong xe ngoài "car park" bị nắng lên làm nóng "xém chết" đứa con là gì? Thế gian từng nói: "Hùm dữ không ăn thịt con", nhưng người mẹ "mê cờ bạc" bỏ bê đứa con thơ của mình chẳng là "tệ quá" ư? Có nhiều cặp vợ chồng chỉ đợi tới ngày "tiền vô" để lãnh tiền mà tới Casino. Ôi! uống rượu đã là bê tha, không giúp ích cho xã hội. Cờ bạc lại càng làm khó cho xã hội hơn thêm! Thiên hạ bảo "Tứ đổ tường" cũng không là quá đáng!

Có một hôm, Đồ tôi đi với người bạn vào Casino. Hai đứa đang đi có một người đàn bà lấy tay "khều" anh bạn Đồ tôi lại. Đồ tôi đi tới phía trước chờ. Hai người nói chuyện một hồi. Xong, bạn Đồ tôi đi tới, Đồ tôi hỏi: Quen hả? Bạn Đồ tôi trả lời: Không quen! Đồ tôi thật là ngạc nhiên! Anh bạn hỏi Đồ tôi: Mầy biết nó nói cái gì hôn? Đồ tôi: Không biết! Nó hỏi tao muốn "chơi" không? Đồ tôi lại càng ngạc nhiên hơn, vì bạn Đồ tôi cũng đã từng dự vào các trận Casino rồi, thế mà bà nầy tại sao lại hỏi như vậy! Bạn Đồ tôi bảo: Mầy "khờ" quá! "Chơi" là cái "vụ ấy" đó, chứ không phải là hỏi tao "muốn đánh" đâu. Ở đây, có nhiều bà mê đến đổi chỉ cần vài chục bạc để đánh thôi. Vì vậy, mà sinh ra tình trạng như thế đó. Đồ tôi hởi ôi! Thật là cuộc đời có nhiều phức tạp! Nó còn bảo: Còn có vài ông hết tiền thì đứng xem, coi ai thắng xin một ít để đánh. Đồ tôi lắc đầu chịu thua! Quả Đồ tôi thật là ngu dốt, "không biết cái gì hết trọi hết trơn"!

Có người phân tích sự "tăng tiến" tệ nạn trong xã hội càng ngày càng nhiều, một phần cũng do cờ bạc và Casino mà ra. Vì nhu cầu cờ bạc, mà người ta lại không có tiền cho nên sanh ra trộm cắp, chôm chĩa, buôn bán ma túy cần sa gây điều phạm pháp. Ma túy, cần sa được tung ra thị trường nhiều chừng nào thì con cái của ta khó giữ được chừng nấy. Rồi đứa nầy "rồ quến, dụ dỗ" đứa kia. Lúc ấy, bậc cha mẹ chỉ "có nước" ngồi thở than, ủ rủ bỏ hết công ăn, việc làm để mà chạy lo cho con cái.

Biết trách ai bây giờ? Ta trách ta hay ta lại trách người?


Đồ Ngông.
(“Chuyện Tào Lao Thế Sự”)

No comments:

Post a Comment