Sunday, June 13, 2010

H.T Chữ Nghĩa: 18- Cháy Đi Một Quân Cờ!


Trong trận chiến nào cũng vậy chúng đều cần đến thế công và thế thủ, nhưng đối với tôi và Nguyễn Nhi không cần công mà chỉ có phản công. Nguyễn Nhi thì “ào ào” trong trận, còn tôi thì cứ đùa giỡn vui chơi. Chúng tôi muốn “dập tắt” những ngọn lửa “man dại” của “một số người không nghĩ đến cộng đồng”, dù là họ tự làm hay của ai xui khiến đi nữa. Bằng mọi cách và dù kéo dài thời gian đến bao lâu, chúng tôi phải dập tắt hoặc chỉ để chúng nhen nhúm mà thôi!

Tôi bắt đầu đi vào giai đoạn hai: Phản ứng mạnh hơn, đồng thời báo động với tất cả những thành viên (dân chúng) của cộng đồng bằng một loạt các bài thơ sau:


Giữa Chợ Làng.

Tớ đã đi qua giữa chợ làng,
Có người đứng đó kể oang oang
Thời oanh... oanh liệt còn vang bóng
Thuở bạc ôm kè bước nghênh ngang!

Tớ đã chui vào hóc hẻm sâu,
Những người lăn lóc, bạc thêm đầu
Xem ra chí thú (1), cùng vui vẻ
Hỉ hả vui cười quên hết đau!

Đời bao nhiêu nữa, còn mơ mộng!
Mai mốt rồi ra: Nghĩa địa chờ!
Cuối bước đường cùng như thế cả!
Sao còn nuối tiếc: "Mộng" cùng "Mơ"?

(1) chí thú làm ăn.


Bài Ca Tâm Địa.

Đám mây tâm địa u hoài
Vương vương bao phủ trần ai khổ sầu.
Những người tâm địa thâm sâu,
Hại thầy, lừa bạn bắt cầu lên cao.
Những ai tâm địa xôn xao,
Khuấy trời đục nước, ồn ào sóng vang...
Những người tâm địa mang mang
Đời sao khó tránh, hàng hàng chơi vơi!
Những phường tâm địa nhỏ nhoi
Cứ luôn bươi móc, phá hôi ngày ngày.
Những tuồng tâm địa chẳng ngay,
Uốn cong, bẻ vặn, đắng cay cho người.
Ở đời tâm địa bời bời,
Bài ca không hết những lời thế nhân...!

Nếu Có Kiếp Sau.

Nếu có kiếp sau, tớ xin đi học
Trở thành trí thức, chuyên ngồi tán dóc,
Xui người đấm đá, tớ thọc bánh xe
Người chẳng thèm nghe, tớ làm đòn xóc.

Nếu có kiếp sau, tớ thề moi móc
Loạn xóm rối làng, bình an trốc gốc,
Tớ cười hỉ hả, thiên hạ chao dao
Thây kệ đứa nào, thế còn chưa độc!

Nếu có kiếp sau, tớ làm thủ lãnh
Lập hết nhóm nầy, tớ gầy nhóm khác,
Bày ra lớp lớp, chửi lộn coi chơi
Khoái tỉ cuộc đời, gia nô hàng khối.

Nếu có kiếp sau, tớ làm ác quỷ
Gây rối cuộc đời, đóng vai nặng ký,
Quậy sóng đất bằng, đổi trắng thay đen
Giết chết mặt trời, thành nhân chi mỹ.

Tưởng Rằng...!
tặng: Trí thức "dỏm"

Tưởng rằng trong cuộc đời nầy
Đã là trí thức ra tài giúp dân
Tưởng rằng thiên hạ qua phân
Làm thân trí thức trổ tài kinh bang
Tưởng rằng dân chúng hoang mang
Có người trí thức ra an dân lành.
Ai ngờ trí thức khôn lanh
Giành ăn như ... thể.., làm banh xóm làng.
Ai ngờ học giỏi khôn ngoan,
Bày mưu, vạch kế, móc moi thật tồi.
Ai ngờ trí thức lại hôi,
Còn hơn cái đám suốt đời đi hoang.

Thuộc Hàng Nào Đây?

Dân ta có quá chục ngàn,
Vài người mà khuấy cả làng chơi vơi.
Dân ta cố ráng nín hơi,
Vài người mà đã trống kèn rình rang.
Bước đi giữa xóm, giữa làng,
Người người đứng ngó: "Thuộc hàng nào đây?"

Con người ta ai cũng vậy, thường hay sống về quá khứ cùng những thời vàng son, oanh liệt; nhất là những thời “nói ra khói, hét ra lửa”. Chính vì chỗ ấy mà cũng sanh ra nhiều chuyện: Tranh nhau lãnh đạo trong hội đoàn, người nào cũng cho ý kiến mình là quan trọng... Thắng sanh kiêu ngạo, phách lối; thua thì ấm ức, thù hận mong có dịp để “chơi nó” cho bỏ ghét!

Tôi đã thấy nhiều người kể oang oang thời xưa ngày nào đó, từ đó đã cho tôi ý niệm để viết bài: “Giữa chợ làng” để vui chơi, đồng thời nhắc khéo cho họ khi họ còn sống với những ảo tưỏng thời xưa cũ, chứ không phải nhắc lại một kỷ niệm đã qua. Rồi trong cuộc bút chiến “mạt xát” nhau họ lôi tất cả những hận thù, sân hận, moi móc, bêu xấu... để triệt hạ địch thủ, mặc dù trước kia họ là những người bạn thân. Bài “Bài Ca Tâm Địa” được ra đời! Họ quên đi, họ là những người già rỗi rảnh, không có việc gì làm, sẵn báo chí, hùa theo với người khác viết để chửi mà họ chẳng hiểu nguyên nhân là do thế nào. Tôi viết lên bài “Nếu Có Kiếp Sau” để nói về những con người trí thức, có học chỉ được một cái là ngồi “tán phét”, lập hội nầy hội nọ để giương cao thành tích, nhưng thực chất chẳng là gì để rồi người ta tranh giành lãnh đạo mà “chí choé” lẫn nhau. Tiếp theo là bài “Tưởng rằng...!” để trực tiếp kết án những con người “trí thức vô tích sự” ấy. Và sau nữa là bài; “Thuộc Hàng Nào Đây?” để báo cho dân Việt trong toàn cộng đồng thấy rằng chỉ có vài người gây rối làm cho cộng đồng náo loạn lên. Và khiến cho những cộng đồng sắc tộc khác khi gặp “chúng ta” thì họ đặt câu hỏi: “Dân nầy thuộc hàng nào đây? Tốt hay xấu?” (nếu có). Trong đó hai bài “Nếu có kiếp sau” và “Thuộc hàng nào đây?” là có tác động mạnh, cùng với một câu chuyện khác đưa đến sự “cháy” của một con bài “mũi nhọn” của nhóm “xung kích”.

Nói đến con bài mũi nhọn nầy tôi nghĩ cũng tức cười. Số là quân bài nầy là bạn học cùng lớp, cùng trường với Nguyễn Nhi trong thời gian lâu dài. Nơi xứ người họ cũng là người đồng hương, nhưng quê hương của ông ta là nơi mà vua Quang Trung đã lớn lên và dựng nghiệp. Nếu có lần tôi viết về dũng khí của Nguyễn Nhi, thì ông nầy cũng thừa chứ không thiếu. Hai ông là bạn nhưng tính tình thì cũng chẳng khác gì nhau: Cũng cứng cõi, lì lợm, không tháo chạy, dám đứng mũi chịu sào, dám ăn dám nói kể cả dám làm. Tôi đã nghe nói nhiều về khả năng viết lách cũng như làm việc của ông ta. Tôi nghe đã từ lâu. Những gì ông viết thì không che đậy, không cần sợ mích lòng. Ông được coi là “người mũi nhọn” của phía bên kia; và Nguyễn Nhi là “người hùng” của phía bên nây. Tôi thường đùa với Nguyễn Nhi: “Tôi hỏi thiệt anh nhe! Anh với ông ta có âm mưu với nhau không để mỗi người một bên, làm bộ chửi nhau để hưởng huê hồng của hai tờ báo. Chứ hai ông là bạn, tính tình cũng lại giống nhau, không lẽ hai ông lại nghịch nhau?”. Những lần như vậy, Nguyễn Nhi chỉ cười mà thôi!

Nhưng có một lần có hai ông bạn của Nguyễn Nhi lên farm thăm Nguyễn Nhi và bàn tính chuyện gì đó. Không biết Nguyễn Nhi phu nhân có nói gì hay đuổi họ về không? Và chuyện ấy bà Nguyễn Nhi có kể lại cho người đồng hương không tôi không biết, mà ngay sau đó những ý tưởng, câu chuyện ấy được đưa lên báo với những lời chắc nịch, tố khổ vụ việc, và cho biết Nguyễn Nhi phu nhân là người cho biết tin tức, kể lại. Thế là chuyện nổ to, bà Nguyễn Nhi cho biết là không nhân nhượng, nhịn nữa. Và cách đó vài ngày, trên báo mới đã có bài của người bạn trong cuộc của Nguyễn Nhi viết đăng lên kể lại câu chuyện và cho rằng ông bạn đồng hương của Nguyễn Nhi dựng chuyện theo một tâm địa xấu xa. Thế là ông bạn đồng hương của Nguyễn Nhi, người “mũi nhọn xung kích” vướng mắc, đành ấm ức viết bài để giải tỏa. Phu nhân Nguyễn Nhi dứt khoát: Nếu đăng lên thì sẽ không nhân nhượng nữa, bà và Nguyễn Nhi quyết làm cho ra lẽ. Nhưng sự can thiệp của “phu nhân ông mũi nhọn xung kích” mới là quan trọng! Thế là bài báo sắp đăng của “ông xung kích” phải gỡ bỏ không đăng với “bất cứ giá nào”. Từ đó về sau ông ta ít xuất hiện trên mục “Diễn Đàn Bạn Đọc”, và tình hình có vẻ dịu bớt đi vì “kẻ phát pháo ra trận” đã “hưu” rồi! Tôi không biết ông ta có núp dưới bút hiệu nào khác không, nhưng không thấy giọng văn của ông ta nữa!

Nhưng đó cũng bắt đầu cho một kẻ phương xa đột nhập vào, khiến tôi và Nguyễn Nhi phải đi vào giai đoạn khác!

Nguyên Thảo,
09/01/10.

(“Cuộc Hành Trình Của Chữ Nghĩa” 18)

No comments:

Post a Comment