Chúng tôi là một đôi! Tôi muốn nói đến người bạn Nguyễn Nhi. Mặc dù làm farm cũng khá lâu, tôi chỉ nghe nói đến Nguyễn Nhi, chứ trước kia tôi không quen ông. Tuy nhiên, khi tôi quyết định can thiệp vào những chuyện “tranh giành, chửi lộn” trong cộng đồng, tôi cũng chưa hề gặp ông ta, đến khi nghe nói đến tập san gia đình Né thì trong đó có thơ và văn của Nguyễn Nhi. Tôi xin tham dự viết cho vui, vì tôi thích giúp vui cho nông gia chỉ đơn giản như vậy thôi. Nguyễn Nhi có lập trường cứng rắn; vả lại, Nguyễn Nhi có tham gia vào trong các hội đoàn, tất ông biết nhiều chuyện của cộng đồng hơn tôi, do đó ông dứt khoát hơn tôi. Ban đầu khi viết cho tập san gia đình Né tôi loại trừ những bài can dự vào việc “chửi lộn” vì tập san Né không là của tôi cũng như tôi tham gia chỉ là “ăn ké”, thì tôi không thể đem rối rắm đến cho nó được. Tôi quen Nguyễn Nhi trong dịp nầy, một phần cũng là do lập trường chúng tôi tương đối giống nhau: Đều muốn những người gây rối chấm dứt hành động điên rồ của họ để trả lại sự yên ổn cho cộng đồng. Nhưng điều ấy không xảy ra! Sự gây rối của những con người “gây rối” thể hiện một cách khá rõ ràng là họ muốn dẹp tan những ai chống đối hay bênh vực cho những kẻ mà họ muốn loại trừ, tất cả đều được họ dùng mọi mánh khoé, thủ đoạn để giành phần thắng. Tôi thấy rõ điều ấy nên đã chuyển hướng bám theo họ lâu dài. Nhưng đối với Nguyễn Nhi, ông biết rõ những kẻ ấy nên ông thẳng tay. Ông làm thơ với những dẫn chứng xác thực, cho nên tờ báo cũ đã loại trừ thơ ông ra, họ không chịu đăng mà nêu lên trường hợp giống như bút hiệu Đồ Ngông của tôi trước kia. Nguyễn Nhi không gởi thơ cho tờ báo cũ nữa mà gởi sang cho tờ báo mới. Còn tôi, sau khi bài của tôi “bị sửa đổi” 3 lần tôi cũng hơi chùn bước, nên tôi ít gởi bài. Nhưng sau nhờ anh Sơn, đại diện cho báo Dân Việt trước kia cũng như Việt Luận sau nầy, là người phụ trách đặc trang Nam Úc trên các báo đó phổ biến một số bài của tôi, nhiều nhất là trên tờ Việt Luận. Thú thật, khi bắt đầu viết tôi chỉ mong phổ biến những ý nghĩ, ý kiến của mình trên báo địa phương là quý lắm rồi. Tôi chỉ muốn phụ thêm vài ý kiến cho những bậc cha mẹ, hay giúp vui cho đồng hương mà thôi! Vì tôi tự thấy mình không đủ khả năng để viết lách và thơ tôi cũng chỉ để là vui chơi, chứ không có giá trị văn chương gì cả. Chính vì vậy mà tôi không hề tham gia vào trong nhóm “Sinh Hoạt Văn Học, Nghệ Thuật” của Nhóm văn nghệ sĩ Nam Úc. Chính vì điều đó, tôi cứ mãi phân vân, lưỡng lự khi gởi chi tiết cá nhân của mình để Ngô Lâm kết tập thành phần “Những nhà văn ở Nam Úc” trong quyển sách: “Ba Mươi Năm Văn Học Nghệ Thuật Của Người Việt ở Úc” ấn hành vào năm 2005 của ông. Tôi không thể ngờ chuyện viết vui chơi của mình đã đi quá xa, và cả những đề tài mà mình chọn cũng gần như không thích hợp với một người có trình độ học vấn như tôi. Nhưng, riêng về sự nghiên cứu Đạo Phật của tôi nó có một căn bản từ trong tâm linh, với những gì tôi “cảm nhận” được trong cơn buồn vào lúc bệnh hoạn. Tôi “tức mình” tại sao mình không nằm mơ, cũng không ngủ mà lại thấy và theo đuổi những hiện tượng như vậy. Điều ấy làm tôi tò mò quyết tìm cho ra lẽ. Tôi phải tìm trong kinh điển mà Đức Phật thuyết giảng để xem có những điều tôi đã thấy hay không? Nhiều lần tôi tự hỏi: Tại sao Đức Phật trong “Tĩnh tâm” (Thiền) mà ngộ được đạo, rồi Ngài mới hướng dẫn cho chúng sinh? Tại sao tôi lại thấy và cảm nhận điều lạ trong sự “tĩnh tâm” của mình? Chính vì chỗ không tu của tôi (kể cả ăn chay) nên tôi lại càng thắc mắc và tò mò hơn nữa, tôi quyết chí “dành” thì giờ để đi tìm, dù một năm, mười năm hay đến hết cuộc đời. Sau hơn 5 năm hiện tượng ấy, tôi bắt đầu tìm đến những quyển sách về Đạo Phật. Ngoài quyển “Đức Phật và Phật pháp” của Phạm Kim Khánh dịch từ quyển “The Buddha and His Teachings” của Narada Thera, tôi chú ý đến bài “Đời tu của tôi” của Thiền sư Thích Thanh Từ và sau đó là chuyện “bệnh hoạn và tu chết bỏ” của Thượng tọa Thích Trí Minh từ Na Uy đến thuyết pháp tại chùa Pháp Hoa (Nam Úc). Từ đó, tôi đi lần vào kinh điển, nhưng cái điều tôi khám phá nhiều nhất là khi đọc bộ Phật Học Phổ Thông do Hòa Thượng Thích Thiện Hoa biên soạn về phần các Kinh Lăng Nghiêm, Viên Giác và Kim Cang. Các kinh đó có một sự nối kết lạ kỳ mà tôi đã nhiều lần trích dẫn trong các bài viết về Đạo Phật của tôi. Xa hơn nữa tôi đi vào các kinh điển khác, chúng không khó với tôi; vì tôi có thể hiểu và cảm nhận được chúng một cách dễ dàng. Ngoài các bài viết qua vài chủ đề về Đạo Phật, tôi còn cố gắng đúc kết lại toàn bộ lý thuyết của Đạo Phật bằng ba bài: “Nhập Thế Gian” tức là nói về Vũ Trụ Quan qua các lời giảng của Đức Phật cũng như kinh điển; và hai phần “Xuất Thế Gian” (I, II) đều đăng trên trang nhà của Đạo Phật Ngày Nay. Đó là những điều tôi làm mà có lẽ nó khá vượt xa ngoài khả năng của tôi quá nhiều, nhưng tôi chỉ có thể giải thích bằng những từ ngữ: “Đó là những cái Duyên”. Duyên đến tôi cứ tự nhiên làm theo duyên mà thôi!
Ở đây cũng vậy, “duyên” tôi đã gặp ông Nguyễn Nhi để cùng nhau làm một công việc chung: “Chặn đứng sự “điên rồ” của những người “xung kích gây rối”! Cái thế của tôi là thế đơn độc với một tấm lòng, còn Nguyễn Nhi có một thế lực mặc dù ông làm là do tính cách cá nhân, vả lại ông cũng là một người gan lì, dũng cảm. Ông là người chủ trương tập san Né và là một trong vài người tài trợ cho tập san ấy. Báo cũ không đăng ông đưa qua báo mới; còn tôi thấy báo cũ muốn tìm cách loại tôi ra, tôi cũng nhảy qua báo mới. Và với tôi làm như vậy sẽ tốt hơn, vì nếu tôi ở bên kia “những người xung kích” sẽ mạnh bạo hơn vì là trên đất nhà của họ, hai là “giống như” tôi đã theo phe họ, thì họ lại “tấn công” phe đối nghịch càng mạnh bạo hơn. Còn tôi khi ở bên nây họ sẽ e dè vì ở đây lại có thêm một người “cản hầu cản họng” chuyện làm của họ. Vô tình sách lược nầy của họ lại đưa cho tờ báo mới có hai người “dám ăn dám nói”. Chúng tôi thành một cặp bài trùng từ đó: Vừa ở trên tờ báo mới cũng như trên Tập san đất nhà của Nguyễn Nhi. Nói là “cặp bài trùng” chứ thực ra Nguyễn Nhi theo lập trường, con đường của ông và tôi tuân theo ý hướng của tôi, nhưng thơ chúng tôi đều có thường xuyên trên tờ báo mới. Nguyễn Nhi đối đầu thẳng trực tiếp với họ, thơ ông thẳng thắn, khảng khái, rực lửa. Bị tấn công càng nhiều thì thơ ông lại càng có hồn và mạnh bạo, hay hơn lúc bình thường; đồng thời sáng tác cũng sung mãn hơn. Chính vì vậy mà tôi không cần “cứu bồ” dù bên kia có đông cách mấy. Có lúc, có người ban đêm đến farm ông đốt ngoài bìa rào để cảnh cáo ông, nhưng ông nào có “ngán”. Ông vẫn cứ thế mà tiến! Đúng là con người ở vùng đất Vua Quang Trung, dũng khí đầy mình! Còn tôi, tôi phải biết cái thân tôi. Tôi cứ vậy mà đi, ai nói gì thì nói; ai khích bác gì thì khích bác. Nếu ai giỏi hơn tại sao họ không làm? Tôi không theo ai, và tôi cũng chẳng chống ai. Tôi chỉ yêu cầu người ta nên ý thức công việc mình làm để ngưng hẳn hay bớt lại để cho mọi người trong cộng đồng nhờ. Người ta chưa nghe, chưa ý thức được điều đó thì nhiệm vụ tôi hãy còn, chỉ có thế thôi! Tôi viết hay làm thơ cho vấn đề nầy không là để trở thành nhà thơ hay một nhà văn mà chỉ muốn chứng minh với “những người xung kích gây rối” rằng tôi cũng biết làm thơ, viết văn, và tôi đang dùng thứ văn thơ có từ ngữ thanh cao hơn họ để chửi... chửi cuộc đời đây. Những bài chửi của tôi không thua cường điệu của họ nhưng cũng chẳng kém văn chương; nhưng nó lại đem đến cho người đọc cái ích lợi là một số kinh nghiệm nhận xét hay sống mà tôi đã sống trong đó. Tôi là “một đứa giữ em đang khóc” để cho em mình “nín khóc”!
Nhưng những xung kích nầy không nín khóc, vì họ đang làm theo điều kiện; nên tuy có giảm nhưng chưa hề chấm dứt. Đó là lý do vì sao đến nay tại đất Nam Úc nầy hãy còn những “xung kích già” đánh phá cả ở trong chùa với một ngôn từ thanh cao là “chấn chỉnh”, “chỉnh đốn”.
Ngày xưa chỉ có một mình tổ chức của họ, thì họ “làm mưa làm gió”, đôi khi làm quá đáng; đến khi có người bước ra ngoài thì họ lại “vói” đánh theo, khiến người ta phải ô hợp lại “kình” với họ. Đảng phái nầy, đảng phái nọ thi nhau ra đời, bây giờ họ lại lại tranh giành để gây rối một cộng đồng. Người trong cộng đồng muốn được yên thân, muốn có một nơi an lành để sống, nhất là trên đất khách quê người, chứ không muốn bị lôi cuốn vào sự tranh nhau.
Tôi và Nguyễn Nhi: Một người cương, một người nhu. Một người dánh thẳng vào họ, còn tôi thì châm biếm hay trào lộng về một đôi điều, hoặc nói xa gần đối với vài thái độ, xen lẫn với những bài sáng tác để vui chơi.
Từ khi anh Sơn không còn làm cho tờ Việt Luận nữa, thì tôi cũng ít khi gởi bài cho Việt Luận mà tôi chỉ có thơ đăng trên tờ báo mới của địa phương và văn xuôi lẫn thơ (những bài “nặng ký”) được đưa về tập san Né cứ mỗi 3 tháng ấn hành một lần. Như vậy, trong cuộc chiến, tạp chí Né mới là trọng tâm của sự chuyển tải và cũng chính ở đó Nguyễn Nhi và tôi mới thật sự là một cặp bài trùng.
Nguyên Thảo,
09/01/10.
(“Cuộc Hành Trình Của Chữ Nghĩa” 17)
Tuesday, June 1, 2010
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment