Sunday, June 13, 2010

Thân, Hào, Nhân sĩ.

Có một lần Đồ tôi đọc trên tờ báo nào đó mà Đồ tôi không nhớ rõ cho lắm có đề cập đến vấn đề: Thân hào nhân sĩ. Mẫu bài mà Đồ tôi đọc chỉ là phần "Ý kiến bạn đọc", chứ không phải là một bài viết hẳn hoi, cho nên Đồ tôi chỉ hiểu loáng thoáng và "đoán mò" những ý mà người viết đã viết. Bây giờ, ngồi uống cà phê sáng một mình bỗng dưng nhớ lại chuyện ấy: Thì nhớ rằng: "Trí nhớ mình đã tệ hơn lúc xưa thật nhiều; càng già đầu óc càng lú lẫn; "trẻ khôn ra già lú lại"; có lẽ để chuẩn bị cho giai đoạn sắp về miền".

Nhớ điều ấy, Đồ tôi lại được trở về với vài kỹ niệm của thời ấu thơ: Nhớ lúc nhỏ khi còn cắp sách đến trường. Vào những ngày lễ, Đồ tôi cùng các bạn phải thức sớm, sửa soạn quần áo. Nào áo sơ mi dài tay trắng, quần tây trắng, giày Bata trắng để đi dự lễ. Có những ngày nắng nóng, mặt mày đỏ lưỡng đỏ lơ, đa số đều tan hàng hoặc ngồi núp bóng tránh nắng. Nhìn thấy mấy ông lính đứng nghiêm trang hàng giờ, không nhúc nhích, đám Đồ tôi kính phục ơi là kính phục!

Mở đầu bài đọc diễn văn các Ông "bự" thường "Kính thưa" các Ông lớn trước, lần lượt đến :"Kính thưa Quý Thân hào nhân sĩ, và toàn thể đồng bào!". Sau đó đi vào nội dung bài diễn văn. Người ta đọc diễn văn nhiều lắm! Bọn học trò Đồ tôi không khoái đi dự lễ đâu, nhưng sợ bị phạt nên đành không dám vắng mặt đó thôi.

Thuở đó, Đồ tôi nghe được chữ "Thân hào nhân sĩ" thì thích lắm, mặc dù không hiểu nghĩa là gì? Chỉ nghe âm điệu hay hay, chữ thì nghe là lạ mà lại ngộ ngộ nữa nên thích thế thôi! Quả đúng Đồ tôi hãy còn là con nít!

Mấy chục năm đi qua, đột nhiên một ngày kia Đồ tôi nổi hứng mua tờ báo về đọc. Thấy đề cập đến "Thân hào nhân sĩ" mà các vị trí thức ấy đã luận bàn, khiến Đồ tôi vui, vui sống lại những ngày ở làng quê. Đồ tôi vốn xuất thân từ đám "chân lắm tay bùn", mà nay thì lại "tay cuốc, tay bao tay" chứ không phải là "tay cuốc, tay cày" như trên quê hương của mình nữa. Đọc bài viết của người ta mà mình hứng chí, cũng vui vui. Thật là tài nghệ của người cầm viết đã biết khơi lại một vấn đề.

Đồ tôi nhớ không rõ lắm, vì đến nay hơi lâu mà trí nhớ Đồ tôi cũng tệ. Nhưng có một điều mà Đồ tôi còn nhớ rõ là các vị viết bài có đề cập đến việc tra Tự điển; và trong Tự điển đã không có chữ "Thân hào nhân sĩ" hay là "Thân hào" gì đó! Lúc ấy Đồ tôi nghĩ cũng tức cười: Quả thật là nhà trí thức là phải? Nếu "Nhân sĩ" hoặc "Thân hào" thì trong tự điển có thể có; còn "Thân hào nhân sĩ" thì kiếm trong Tự điển chắc phải khó khăn lắm!

Lúc nhỏ, Đồ tôi có nghe Ông nội và những người già kể đến chuyện "Hội Đồng Tề" hay là "Hội đồng Hương tề" trong đó có "Hương sư, Hương trưởng,..." gì đó. Nhiều lắm! mà Đồ tôi không nhớ hết. Về sau, Đồ tôi trong một sự tình cờ có đọc được "Tổ chức hành chánh" của làng quê hay hương thôn hồi trước trong cuốn "Việt Nam Văn Hóa Sử Cương" của Đào Duy Anh thì phải? Đồ tôi cũng hiểu được chút ít. Nhưng với Đồ tôi nó không có ích gì nên Đồ tôi chỉ "coi qua rồi bỏ", cho nên bây giờ chỉ nói chuyện tào lao. Xin Quý vị đừng trách Đồ tôi!

Nếu ai đã từng sống trong làng quê Việt nam, thì mới thấy được sự chơn chất, chân thật của giới chân lấm, tay bùn. Họ chỉ biết quanh năm suốt tháng vật lộn với những mảnh đất, đồng ruộng để mưu sinh. Trong một xã hội nông nghiệp còn lao động bằng chân tay, phương tiện di chuyển thô sơ, đường sá hãy còn man khai thì nhà cửa phải ở gần nơi chỗ làm là một vấn đề bình thường. Do đó, làng xóm vừa ở ven rừng vừa ở gần ruộng nương để tiện việc canh tác. Thế nên, các xóm thường xa thị tứ. Nhu cầu học hành, tiếp xúc sự tiến bộ thay đổi trở nên chậm chạp và khó khăn. Mãi về sau khi có được nền độc lập mới có những trường học mở vào tận các thôn xóm có nhiều dân, còn nơi ít phải đến học ở trường hơi xa. Tự lúc ấy, con cháu người nông dân mới được đi học nhiều, tầng lớp có học ít nhiều trong nông thôn mới bắt đầu phát triển ở mức độ chậm chạp từ từ.

Quý vị sẽ thắc mắc: Vấn đề đó có ăn nhập gì đến với "Thân hào nhân sĩ" đâu? Đồ tôi xin thưa theo ý ngu của mình như sau:

Chính vì chỗ đó mà đã sản sinh ra Thân, Hào, Nhân sĩ. Sở dĩ Đồ tôi suy luận như vậy là vì:
Nông dân ở trong các thôn xóm thì ai cũng biết nhau từ làng trên, xóm dưới. Thích có, giúp đỡ nhau có; ghét nhau, chửi lộn đâm chém nhau cũng có: Tại vì tánh con người. Nói chung, đa số mọi người đều tốt với nhau, giúp đỡ lẫn nhau trong mỗi sinh hoạt và cùng nhau hợp lực chống chọi lại các thú dữ, thiên tai để bảo vệ xóm làng, mùa màng để cuộc sống được bình lặng, yên vui.

Do nơi sự hẻo lánh, xa xôi ấy mà số người được đi học trở nên ít oi. Ai cho con đi học là gia đình tương đối khá giả, tất nhiên người nào được đi học sẽ hiểu được nhiều, giải thích nhiều vấn đề thực tiển cho người nông dân thì sẽ được xóm làng nễ trọng, đình đám dân làng sẽ dành chỗ xứng đáng cho họ ở "chiếu trên". Họ là "nhân sĩ".

Thế rồi, những người đỗ đạt, hoặc có uy tín dân chúng bầu lên để tham gia làng xã, việc nước; hoặc có những công trận giúp nước gì đó được cấp trên ban thường thì họ là quan, chức sắc nhưng con cháu của họ được thơm lây. Người đại diện của gia đình ấy lại là "Thân" hay là thân thích của vị quan viên nọ.

Còn thế nào là hào? Chẳng qua là phú hào đó thôi! Nông dân biết làm ăn, có thuật riêng trúng mùa trúng vụ trở nên giàu có cũng được nhiều người biết đến thì họ cũng được quý trọng cho nên được gọi vắn tắt là "Hào".

Như vậy, "Thân hào nhân sĩ" không phải là một danh từ kép Hán Việt, cho nên Quý vị tra trong Tự điển Hán Việt thì chắc đến "Tết Công Gô" mới thấy! Còn nếu viết "Thân, Hào, Nhân sĩ" thì ta có thể hiểu rằng: " ! Đó là những thành phần có uy tín trong dân chúng ở các xã thôn được dân chúng ngưỡng mộ và viên chức hành chánh cũng lưu tâm đến, nhất là trong thời gian Đệ Nhất Cộng Hòa của chánh thể ở miền Nam thường hay nhắc đến trong các buổi lễ cũng không có gì là lạ cả!

Ấy là những ý ngông của "đồ ngông" tôi, mà Đồ tôi mạn phép trình bày. Nếu có sai trái thì xin Quý độc giả tha thứ cho vậy. Đồ tôi cảm tạ ơn lòng!


ĐỒ NGÔNG,
27-01-03.

No comments:

Post a Comment