Rượu là một thứ thiết yếu trong đời sống hay chỉ là một xa xỉ? Đã nhiều lần Đồ tôi cố gắng tìm hiểu, nhưng sao vẫn không giải quyết được vấn đề. Mãi rồi, Đồ tôi không cần để ý đến nó nữa! Ai muốn say thì cứ say; ai muốn vui thì cứ vui; ai muốn giải sầu thì giải sầu; hoặc họ coi đó như là một nhu cầu lễ nghĩa ăn nói thì cũng tốt. Trong dân gian người ta chẳng nói: "Rượu lễ, rượu nghĩa" là gì? Nhưng rượu bây giờ có mặt trong mọi cuộc vui và có rất nhiều thứ rượu. Ngon có, dở có, thứ mắc tiền cũng có.
Đồ tôi nhiều lúc ngông, tự dưng suy nghĩ "tầm bậy tầm bạ" về rượu: Có lẽ trong một sự tình cờ nào đó vào thời xa xưa người ta đã tìm được rượu. Rượu giúp cho cơ thể ấm chống lại những cái lạnh của thời tiết khá tốt, và khi uống tâm hồn thấy lâng lâng "quên hết sự đời", đôi khi thấy "mình lại anh hùng, dám làm những gì mà khi tỉnh mình không dám".
Rượu đến ngày nay được phổ biến khắp mọi nơi trên thế giới và công dụng của nó cũng đa dạng từ trong y học cho đến dân gian. Ở đây, Đồ tôi chỉ đề cập đến những điều "tào lao" để Quý vị xem chơi, gọi là mua vui trong chốc lát vậy mà!
Đồ tôi uống rượu không được nhiều, nhưng cũng có nhiều lần say túy lúy, quên hết đường về. Mỗi lần say, tỉnh dậy thấy mình mệt mỏi vô cùng, do đó Đồ tôi lần lần "ngán" (sợ) rượu, uống lại càng dở hơn. Lại có lúc "ói" giữa bàn tiệc, chẳng những làm mất cuộc vui của mọi người mà còn làm cho người ta kinh tởm nữa. Thế nên Đồ tôi, bây giờ, phải cẩn thận tự "control", tự hạn chế lấy mình, không dám để tình trạng ấy xảy ra nữa.
Phải công nhận rượu coi vậy mà có sức mạnh vô cùng to lớn, nó đánh bại tất cả mọi kẻ thù. Do vậy, mà mấy "tay" Việt Cộng sau ngày 30/4/75 đã than: "Đánh bại được mọi đế quốc từ đế quốc Pháp, phát xít Nhật, đế quốc Mỹ, nhưng lại đầu hàng đế quốc doanh!". Mọi con người say "bị" rượu điều khiển một cách khác nhau. Có người uống rượu vào thì im lặng buồn ngủ, có người thì la lối ồn ào, có người lại moi móc chửi người nầy người kia hay có những người ca hát kể chuyện vui vẻ, thậm chí có những kẻ "ỉa, đái" trong quần. Đồ tôi sau khi say tỉnh dậy, tự hỏi: "Say mệt quá! Tại sao mình lại say khi mình uống đâu có bao nhiêu?"; Từ chỗ đó Đồ tôi mới biết rằng "tửu lượng" mình rất dở, và mình lại nhỏ con nên sức chịu đựng cũng không thể cao được. Rồi Đồ tôi thắc mắc: "Tại sao có người uống rượu thế mà họ lại mập, có người càng uống thì càng gầy?" Đồ tôi lại nghĩ ngông: "Chắc người máu lạnh khi uống rượu vào làm máu họ ấm lên, điều hòa cơ thể nên họ mập; còn người máu nóng khi uống vào máu lại nóng lên thêm, thiêu đốt trong thân của họ khiến họ ốm đi, và họ hay quậy". Đồ tôi gần như thỏa mãn với suy luận đó, nên sau đó Đồ tôi lại càng ngông thêm: "Tại sao khi say, thái độ tư cách của mọi người lại khác nhau?", Đồ tôi ngẫm nghĩ: "Hay tại rượu kích thích hệ thần kinh mỗi con người khác nhau, nếu kích thích vào trung khu thần kinh gây ngủ thì người đó phải buồn ngủ; kích thích vào trung tâm hoạt động thì họ ồn ào, linh hoạt; nếu thêm vào máu nóng thì họ sẽ hay gây sự; nếu "tập tính" lúc bình thường cũng xấu thì khi say họ lại càng xấu hơn...". Đồ tôi chỉ nghĩ bậy thôi, để giải thích những điều mình thấy là khá lạ lùng trong việc "uống rượu", chẳng biết là nó đúng hay sai?
Dù thế nào, trong cuộc đời "rượu" vẫn là món uống thông dụng, mà tuổi trẻ lớn lên lấy đó như là một "điều" chứng tỏ mình là người lớn, người đã trưởng thành, song song với việc "biết mùi" để trở thành "đàn ông" chứ không phải là "thanh niên" nữa.
Đồ tôi lại nhớ đến thời choai choai, mới lớn: Cũng biết cặp bè cặp bạn, lội hết nhà nầy đến nhà khác, lưu linh lưu địa, mai ngủ chỗ nầy, mai ngủ chỗ kia. Thực sự ra, bọn Đồ tôi cũng không muốn như vậy, nhưng vì tình hình an ninh lúc ấy khiến bọn Đồ tôi phải di chuyển đến chỗ nào an toàn, nhất là về ban đêm. Vì vậy ban ngày thì về nhà đi học, ban đêm thì thay đổi không chừng. Đến thời gian hè, nghỉ ba tháng thì lại tập hợp thường xuyên, thế là cũng bắt đầu tập uống rượu, đứa nào uống được nhiều mà lâu say coi như "tửu lượng" mạnh, nó là tay uống rượu "chì" (giỏi); rồi cũng lại tập hút thuốc, ban đêm cả mười mấy đứa nằm sắp lớp trên cùng một bộ ván, chia nhau từng miếng giấy quyến hoặc giấy nhựt trình (giấy báo) vấn từng điếu "thuốc rê" (thuốc bánh, hay thuốc rời để vấn) để cùng nhau hút và thổi khói cho được hình chữ O. Từ đó Đồ tôi mới biết được: "Nam vô tửu như kỳ vô phong". Và sau thời kỳ đó, rượu đã thường xuyên có mặt trong tất cả cuộc vui của bạn bè. Đồ tôi bị "bể" từ khi thằng bạn "trát" (xí gạt, gạt gẫm) Đồ tôi phải uống trong khi bụng đói. Hôm ấy vào khoảng mùa hè đỏ lửa, đã say "ói tới mật xanh" thế mà còn phải ôm súng đi trực. Uống thứ gì để cho giả rượu vẫn bị ói, ói đến lả người!
Rồi một hôm, Đồ tôi ngồi với bạn trong quán cà phê nọ. Có một ông đang say vào quán. Ông ta nói với chủ quán nhiều lắm! Xong ông ta từ giả ông chủ ra về, nhưng khi đến ngạch cửa, ông đưa chân lên lại xoay ngược trở vô, rồi đến bên ông chủ nói tiếp; rồi từ giả đến cửa lại trở vô. Đến ba lần như vậy. Đồ tôi thấy hơi lạ và nghĩ rằng: "Biết đâu một ngày nào đó mình say mình cũng sẽ như vậy. Khó coi quá!".
Lại thêm có một ông khác, ông ấy uống không nhiều, nhưng rất dễ say. Một buổi chiều ông say đi ngang qua chợ gặp đám trẻ con, chúng la lên: "Ông Cò say rượu, tụi bây ơi! Cò bay! Cò bay!". Ông ấy nghe như vậy, bèn cổi quần ra quăng lên trên không rồi cũng la "Cò bay! Cò bay!" khiến các bà đi trên đường bẻn lẽn, quay mặt sang nơi khác, đi nhanh lên! Ôi! Quả thật khi say ta không thể điều khiển lấy được ta!
Đồ tôi nhìn thấy những cảnh "đau lòng" ấy mà nghĩ đến mình. Biết đâu một lúc nào đó mình cũng giống như vậy. Rồi tự bấy giờ, cứ mỗi lần Đồ tôi uống rượu thường hay nhớ đến vài câu chuyện xa xưa. Thế mà, thỉnh thoảng Đồ tôi cũng phải "vấp ngã" đôi lần. May là Đồ tôi lúc say cũng có ít tính xấu, chỉ nói hơi nhiều, vui vẻ, hay nhắc chuyện cũ và thường nhắc đi nhắc lại; ấy cũng chẳng phải là điều hay!
Lúc xưa, đám Đồ tôi cũng thường tập hợp nhau làm đồ nhậu, nhậu rồi nói chuyện tào lao, hay hát hò. Nhưng đến một ngày nọ, một thằng bạn thấm nhuần Triết lý trong bài thơ sau đây mà nó hay đọc ra. Đồ tôi chép lại không biết có chính xác không:
Bình minh nhất trảng trà,
Nhất nhật tam bôi tửu
Thất nhật dâm nhất độ,
Lương y bất đáo gia.
(Buổi sáng uống một chén trà; mỗi ngày uống ba chung rượu; bảy ngày "sinh lý" một lần; thì thầy thuốc sẽ không phải đến nhà).
Bài thơ ấy đã ảnh hưởng đến cuộc sống của nó rất mạnh, cho nên nó không chịu uống. Trong khi thằng bạn khác cứ bắt nó phải uống "chung vui" với bạn, vì:
"Rượu ngon không có bạn hiền,
Không mua không phải không tiền không mua" (Thơ Nguyễn Khuyến, "Khóc Dương Khuê").
Cứ thế mà dằn co, rồi "thằng" không muốn uống nhiều nói nặng một câu, xách chai rượu ra ngoài đường mương đập bể, thề rằng: "Từ nay tao không uống rượu với mầy nữa". Bọn Đồ tôi sau ngày đó ít tụ tập hơn và chỉ còn lại vài ba đứa, thỉnh thoảng mà thôi! Hai mươi mấy năm sau, tụi nó vẫn còn giận nhau.
Lỡ kể cho Quý vị những câu chuyện về rượu, thì Đồ tôi cũng "ráng" kể luôn để Quý vị xem chơi. Câu chuyện về "say mà không có say". Tức là người say không chịu là mình say.
"Ngày kia, ông anh hàng xóm nhà tôi là anh Ba đi nhậu ở đâu không biết, khi về anh ấy đã say rồi! Người bạn đi chung rủ anh vào quán uống ly cà phê để cho giải rượu. Nhưng anh ấy say khá nhiều, ngồi nói lãi nhãi mãi. Có mấy người thấy vậy, mới bảo: "Thôi Ba à! Con say rồi thôi về nhà nghỉ đi!". Lúc đầu anh nói anh không có say. Hồi lâu có người kêu: "Mầy về nhà nghỉ đi, say quá rồi!". Anh dòm người ấy với đôi mắt của người say, không có thần sắc, đầu thì lắc lư không vững, rồi gục xuống. Đột nhiên anh ngóc đầu lên, la lớn: "Đã nói người ta không có say mà cứ nói say hoài". Nói xong, anh chụp cái bình tích nước trà đập trên bàn vỡ tan. Mọi người trong quán ngơ ngác! Có mấy người lại nói nhỏ nhẹ khuyên, có người sai mấy đứa bé tới nhà anh ta kêu người em đến để kêu anh ta về... Cuối cùng anh về nhà. Cả anh, người em, Đồ tôi và hai người nữa ngồi trên "băng" (ghế dài nhiều người ngồi) nói chuyện, phía trước là cái thớt bán thịt heo (cái bàn lớn hình chữ nhật để đem heo làm xong, xẻ ra thịt, bày biện trên đó) vì nhà anh ta làm heo, ra thịt để bán. Đang ngồi nói chuyện không đâu, đột nhiên anh ta đứng xuống, kéo ngăn kéo ra lấy con dao "liệng" (quăng, vụt) về phía trước. Con dao bén ấy, trúng vào miệng thúng, nhảy lên rớt xuống đất, cách đứa con của người em ngồi chơi khoảng nửa thước. Tất cả đều "hú hồn"! Người em hỏi: "Anh làm gì vậy?". "Tao nói tao không có say, mà người ta cứ nói tao say. Tao làm cho người ta biết tao không say!". Đồ tôi giật mình: "Khi say người ta có một tâm lý như thế đó sao?". Từ đó, Đồ tôi cố tình quan sát thì thấy quả thật là như vậy! Cho nên, Đồ tôi lại uống rượu hạn chế thêm. Nhưng thỉnh thoảng khi nào mới bắt đầu vào tiệc mà nghe rượu có vị ngọt, ngon là hôm ấy Đồ tôi lại say. Đôi khi bạn bè phải "kè" đi về!
Trong đời, nếu kể vào việc say rượu thì không biết bao nhiêu chuyện mà kể. Từ việc gây lộn, đánh lộn, chửi nhau, mất tình bạn bè; đến đâm chém nhau trí mạng. Còn trên xứ Úc nầy thì thêm nạn lái xe chạy rất nhanh đụng vào trụ đèn, xe khác làm chết mình, chết người; hoặc bị thương nặng nề trở thành người tàn phế, dở khùng dở điên, ra tòa mất bằng lái... Thế mà người ta cứ "Nam vô tửu như kỳ vô phong", hay "Nam vô tửu bất thành nhân"...! Chưa chi, chỉ thấy khi mình say mình đã tốn tiền rượu, tiền mồi, mất nhiều thì giờ. Khi say rồi thì mình cũng chẳng làm gì được, chỉ để vợ con làm, mất đi chí khí của một người cha hay chồng. Hoặc đôi lúc vợ bực quá, nó chửi như "tát nước vào mặt" cũng phải đành nín thinh!
Nếu Quý vị để ý một chút, thì trong cuộc đời nầy biết bao nhiêu là vấn nạn xảy ra vì rượu. Đồ tôi không có khả năng quan sát hết được!
Để kết luận bài viết nầy, Đồ tôi xin kể sơ lại một câu chuyện mà Đồ tôi không nhớ hẳn là đúng hay không. Nếu sai, Quý vị chỉnh lại dùm:
"Một ngày kia, có một vị Thần hiện ra bảo một người nọ: "Nhà ngươi phải chết! Nếu nhà ngươi không muốn chết thì nhà ngươi phải chọn một trong ba điều: Một là giết mẹ, hai là đốt nhà, ba là uống rượu". Nói xong, vị Thần biến mất. Người kia sau bao lần suy nghĩ: "Nếu ta giết mẹ thì ta bất hiếu, mẹ đã sinh ra ta, nuôi ta nên người, biết bao là khổ nhọc, mẹ cho ta tình thương, trìu mến... Ta không thể giết mẹ được! Còn đốt nhà, nhà là nơi ở, là công cực khổ, là tiền của của ta cùng mẹ biết bao năm dành dụm và làm việc mệt nhọc. Ta không thể đốt nhà!". Thế rồi anh ta chọn uống rượu.
Khi anh ta uống rượu, rượu làm anh ta nóng nảy, khó chịu. Trong mình như có cái gì thúc giục, thiêu đốt. Anh ta nổi lửa đốt nhà! Bà mẹ thấy vậy can ngăn. Anh ta giết mẹ!
Khi tỉnh dậy, anh ta hối hận, bèn tự tử!"
Anh ta đã làm trọn cả ba điều của vị Thần: "Chỉ vì rượu!".
Đồ Ngông.
(“Chuyện Tào Lao Thế Sự”)
Tuesday, June 1, 2010
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment