Sunday, June 13, 2010

Đòn "Bột Ngọt".

Sau ngày 30/4/75 không biết nơi của Quý vị như thế nào, chứ ở vùng Đồ Ngông tôi có nhiều chuyện xảy ra khá lạ lùng, đến đổi Đồ tôi cũng phải ngạc nhiên mà không biết nên tin hay là không nên tin dị đoan. Ôi! Chiến tranh kéo dài lâu quá, người ta ai cũng chán chường: Chiến tranh gì mà chết chóc liên miên, biết bao nhà cửa ruộng vườn bị tàn phá tiêu hao, người thương tật cũng chẳng là ít.. Thế cho nên có nhiều người cứ mãi trông hòa bình dù có "ăn muối, ăn rau", "bửa đói bửa no" hoặc là chết cũng được. Khi hòa bình đến thật sự, quả thật người ta đua nhau chết. Vừa chôn người nầy xong thì người khác đã chết. Có khi hai ba cái đám ma một lượt: Làng trên xóm dưới, xã bên nây lẫn cả xã bên kia. Song song chuyện chết thì lại là bệnh hoạn, thiên tai. Nạn cào cào từng đàn bay đến chỗ nào thì tre, lúa, đậu, mía ở chỗ đó phải trụi lủi. Đã vậy còn thêm bệnh sốt xuất huyết, ghẻ ngứa, ho gà hoành hành trong dân gian, nhà thương chật ních cả người. Những đứa bé khóc la, hay là trả thân về "cát bụi", chúng chưa kịp hát câu "Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi" của Trịnh Công Sơn. Đời sống của dân chúng lại khó khăn hơn khi nhà nước bắt đầu đánh "Tư sản mại bản". Các hàng quán, tiệm của tư nhân phải đóng cửa, kiểm kê. Người ta không thể mua được những vật dụng thông thường để xài trong nhà. Những đứa bé con chào đời mà cha mẹ không thể tìm đâu ra một cây đèn dầu nhỏ để cho nó ngó đèn vào ban đêm.

Lúa gạo trên thị trường thì bán giới hạn theo tiêu chuẩn, bà con đến thăm nhau cũng không dám hoặc là phải đem theo gạo. Xe cộ thì thiếu xăng dầu, thiên hạ phải trở về "đi bộ", hoặc "xe đạp" như những năm thật là xưa. Thế cho nên người miền Nam mới thắm thía vấn về "xe đạp, cái đài, đồng hồ không người lái có một cửa sổ hay hai cửa sổ". Lúa trên đồng bị cào cào, sâu rầy tàn phá, thế là câu nói "bửa đói bửa no, ăn muối ăn rau" trở thành sự thật. Rồi người ta ru mình bằng sửa câu hát của bài "Tình đất đỏ miền đông": "Tổ quốc ơi! Ăn khoai mì ngán quá! Từ trận thắng hôm nay, ta ăn độn dài dài...". Ăn khoai mì là còn đở đó, có nơi người ta phải xắt chuối nấu canh để ăn cho qua bửa qua ngày. Ôi! Người ta không thể nghĩ tới. Quả là "Cuộc đời không phải là Thiên đường!". Thế nhưng, Đồ tôi được nghe kể lại một ngón đòn, ngón đòn đó đã được giới con buôn thao túng theo thời thế, khiến dân chúng phải tiêu hao thêm tí nữa. Đúng là "dân chúng lầm than".

Số là sau "ngày giải phóng" ra, các anh "bộ đội" nhà ta thích ăn bột ngọt, rồi truyền rao trong dân chúng "ăn bột ngọt bổ óc, học sẽ thông minh, trí óc sáng suốt". Dân chúng cũng tưởng là như vậy, đua nhau ăn bột ngọt. Bột ngọt trở thành nguồn lợi cho giới con buôn.

Đồ tôi không nhớ chính xác thời gian chuyện đã xảy ra, nhưng có lẽ là thời gian trước cuộc kiểm kê, khi mà các nhà buôn, hãng xưởng chưa bị quốc hữu hóa, chưa biến thành của tập thể do: " Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ". Thời ấy nhà máy còn sản xuất nhưng nguyên liệu trở nên hạn chế, khan hiếm; Các nhà buôn, đại lý còn hoạt động một cách dè dặt.

Một ngày nọ, có người bạn từ Thành phố về ghé thăm Đồ tôi và kể cho Đồ tôi nghe một câu chuyện. Đồ tôi không biết đó là câu chuyện thật hay là câu chuyện "bên lề". Tuy nhiên thấy cũng hay hay và nó cũng đáng được lưu ý về một cách "mánh" của giới con buôn: Lợi dụng mọi tình thế để làm giàu trên sự thương đau của bao nhiêu người khác, cho nên người ta nói "Vì tiền bạc, vì sự giàu sang mà con người có thể làm đủ mọi việc, kể cả giết cha mẹ của mình".

Số là, trong tình hình thiếu thốn về mọi thứ sau ngày gọi là Giải phóng, cũng như bao cơ xưởng khác, nguyên liệu trở nên hạn chế, đồng thời thiếu nhập vào cho nên hảng bột ngọt cũng sản xuất không đủ. "Số cung không đủ số cầu", tất nhiên giá hàng sẽ tăng vọt vì khan hiếm. Từ đó các đại lý phân phối đã nâng giá hàng thêm nữa để kiếm thêm nhiều lợi nhuận. Nếu người bán lẽ, người mua không thích, không ưng giá thì khỏi mua, khỏi phải xài. Người tiêu thụ cũng đành "bóp bụng" mà mua.

Người bạn của Đồ tôi kể tiếp:

"Mầy biết không? Mấy đại lý tụi nó khôn lắm! Nương vào tình hình sản xuất thiếu thốn về nguyên liệu, số lượng; tụi nó tung tin hãng bột ngọt sắp hết nguyên liệu, nay mai phải đóng cửa nên sẽ không có hàng nữa nếu chịu giá như vậy thi nó bán, không thì thôi! Hoặc nhà nước sắp lấy hãng rồi! Thế là khách hàng phải chịu giá tăng vọt trong mỗi kỳ mua.

A! Còn một mánh nữa mà tụi đại lý đánh vào người tiêu thụ một cách ngoạn mục. Nếu không là tư bản khó mà biết được!" Đồ tôi há hốc mồm ra, ngơ ngác! Nó nói tiếp: "Này mầy à! Mầy có thể tưởng tượng rằng tụi đại lý cũng cho người về những vùng lân cận tung tiền ra mua lẽ các số bột ngọt đó đem trở về với giá mới không? Xong các nơi bán bán hàng đã hết, chạy về đại lý, Tổng đại lý phải mua với giá cao hơn. Cứ thế mà giá bột ngọt tăng lên mãi. Đó là một trận chiến bột ngọt sau ngày Giải phóng!"

Đồ tôi nghe thằng bạn kể mà nửa tin nửa ngờ! Nhưng dù gì thì giá cả bột ngọt tăng vọt cũng là một thực tế. Đồ tôi chỉ thương cho người tiêu thụ, và con người trong cuộc chơi trần thế nầy mà thôi! Bởi thế mà Đồ tôi không dám ham gì cả! Điều nầy khiến Đồ tôi liên tưởng về những trận chiến khác: Trận chiến "cút" vào những năm nào: "Ăn cút, trứng cút để bổ dương" rồi người ta thổi phồng lên. Giá cút tăng vọt một cách khủng khiếp. Nhiều người gặp thời làm giàu nhờ cút. Nhưng sau đó "Ăn cút, trứng cút sẽ bị cùi", một số không ít người sạt nghiệp cũng vì cút! Rồi thêm một trận mới là bắt đĩa để bán cho các tiệm thuốc làm thuốc trước ngày 30/4/75. Giới nông dân, nghèo khổ lội xuống nước, xuống ruộng quậy cho nổi bùn, bán máu mình cho đĩa để bắt nó. Ngày trước người ta thấy đĩa thì sợ, bây giờ đi kiếm nó để kiếm tiền. Những ngày tháng ấy Đồ tôi cũng vui vì mình lội xuống ruộng, xuống "bàu", xuống các đường nước không phải lo lắng vì nạn đĩa nữa. Không phải sợ đến cái con đen đen, mềm mềm, thun ra thun vào, nhớt nhợt chạy lăng quăng trên mặt nước để bám vào chân, vào mình của mình mà hút máu, vì chúng còn lại rất ít. Sau ngày gọi là Giải phóng phong trào bắt đĩa không còn nữa, không biết phong trào ấy có phải là "ám hiệu" cho một cuộc nổi dậy hay không? Chính trị cũng là một mặt có thủ đoan và khó lường!

Đồ tôi thấy mình ngu dốt quá! Thôi đành chịu thua!


Đồ Ngông,
16-02-03.

(“Chuyện Tào Lao Thế Sự”)

No comments:

Post a Comment