Sunday, August 1, 2010

Mẹ Chồng, Nàng Dâu.

Đồ tôi thắc mắc tự lâu lắm về vấn đề nầy khi bắt đầu được học về "Đoạn Tuyệt" của nhà văn Nhất Linh thuở còn ở trường Trung học. Nhưng lúc ấy, Đồ tôi không thể tìm hiểu được lý do vì sao? Vì thuở ấy mình không có kinh nghiệm. Và mới đây, trong một sự tình cờ, đồng thời lưu tâm đến những biến chuyển tâm lý, sự việc; Đồ tôi mới khám phá được chút ít vấn đề. Nay viết ra để trao đổi, cùng lý sự với Quý vị xem chơi; đồng thời để chúng ta có thể có những "cái cách" thông hiểu, mà đáp ứng được "hạnh phúc" thay vì bằng sự xung đột giữa những "mẹ chồng, nàng dâu".

Phải nói chúng ta là những người may mắn được ra xứ ngoài nên có tinh thần phóng khoáng hơn, không phải bị cái "lễ nghĩa Nho gia" ràng buộc một cách nặng nề. Hoặc cái "tôn ti trật tự, phép tắc" gò bó một cách chật cứng như bao ngàn năm. Nhân phẩm và nhân vị con người cũng được hiểu thêm, nên cách hành xử có khác đi. Nói thế, không có nghĩa là Đồ tôi lên án tập tục của chúng ta. Không khéo một số vị "vội vàng nóng tánh" vội vã cho Đồ tôi chống lại "phong tục ngàn xưa" thì cũng "kẹt" cho Đồ tôi lắm!

Nếu nói đến "hệ lụy" mẹ chồng, nàng dâu mà không nói về "tập tục lễ giáo Nho gia" thì không thể tìm ra được nguyên nhân của sự xung đột bao ngàn năm qua; đồng thời, một lý do khác nữa mà chỉ có thể lấy triết lý trong "Đạo Phật" hay đúng hơn là "Đạo Giác Ngộ" mới "giác ngộ" được mà thôi! Còn đem vấn đề nhân bản, nhân vị con người hay hiện sinh chỉ là "ngoài da" chứ chưa phải là "hiểu được đến ngọn ngành". Đồ tôi không vọng ngữ đâu? Đồ tôi sẽ ráng trình bày cùng Quý vị, và chúng ta có thể cùng nhau "mổ xẻ" vấn đề nầy "Nếu Quý vị cảm thấy hứng thú!".

Thú thật với Quý vị, Đồ tôi rất nhạy cảm và dễ rơi nước mắt trước những cảnh "mủi lòng" ngay cả trên những phim, tuồng hát. Đồ tôi lái xe trên đường về vùng "pham" cam xa xôi, lần nào cũng phải bắt băng tuồng "Lá sầu riêng" hay "Bao công tra án Quách Hòe" để tránh được buồn ngủ trong lúc lái xe; đồng thời để nghe lòng mình đầy "những cảm xúc" với những giọt nước mắt chảy dài. Cảm xúc ấy để chia xẻ với những khung cảnh ngoài đời trên đất nước mình và "để dành riêng" cho những đứa trẻ mồ côi, bị bỏ rơi hay hất hủi, thiếu đi tình thương, thiếu sự trìu mến từ mẹ hay cha. Khổ thay, Đồ tôi lại thích nghe và cũng lại thích như vậy. Nghe ở tuồng hát và "nghe trong lòng của chính mình". Nước mắt bên ngoài và nước mắt bên trong!

Vì trong đạo Nho, người phụ nữ chỉ còn là "những phụ thuộc" là thành phần "thập nữ viết vô", "nữ sanh ngoại tộc", chỉ biết phục tùng "Tại gia tùng phụ, xuất giá tùng phu, phu tử tùng tử", trong nhà thì chăm sóc con cái, bếp núc, thêu thùa. Cái nếp "tam cương, ngũ thường", cái "lễ nghĩa Nho gia" trói buộc người đàn bà, con gái rất là khắc nghiệt. Có lẽ chính vì vậy mà quyển tiểu thuyết "Đoạn Tuyệt" của Văn hào Nhất Linh đã vang danh từ cả hai phía "chống" và "bênh".

Có một lúc, khi mới đến xứ Úc nầy, Đồ tôi cùng bạn bè xim phim "Cao bồi". Xem các phim ấy Đồ tôi thấy các phụ nữ rất được quý trọng dù thành phần của họ "không là tốt đẹp" trong xã hội. Nhưng thử hỏi: Trong đám bao nhiêu đàn ông hung hăng đó có mấy người đàn bà. Đàn bà để tô điểm cuộc đời. Đàn bà là "những đoá hoa hồng trong sa mạc" ấy không được nuông chìu thì lấy ai mà làm cho cuộc đời các "yêng hùng" đó trở nên có ý nghĩa. Từ đó, Đồ tôi nghĩ không lẽ tục quý mến người phụ nữ phương Tây phát xuất từ khung cảnh ấy ư? Mặc dù trong thời nào, mà Đồ tôi không nhớ rõ, trong quyển sách "Văn minh Tây phương" có đề cập đến việc trọng phụ nữ ngay thời thịnh hành của những chàng "Hiệp sĩ". Thế cho nên khi ở đảo tị nạn, người ta kháo nhau: Ở phương Tây "Nhất đàn bà, nhì trẻ con, thứ ba cây cỏ, thứ tư chó mèo, thứ năm đàn ông" cũng không có gì là lạ! Và cũng chính tinh thần giải phóng người phụ nữ theo phương Tây ấy mà xã hội Việt nam ta đã có sự xung đột giữa "Mới" và "Cũ" là Chủ đề "Đoạn Tuyệt" của Nhất Linh.

Tuy nhiên, sự hài hòa bao giờ cũng là "đẹp đẽ" cả. Được anh được tôi. Vừa anh vừa tôi. Có em có anh. Không ai là nô lệ của ai. Không ai làm "mọi" cho ai. Bình đẳng tương giao. Đẹp anh, đẹp tôi. Tương nhượng với nhau một chút để vui vẻ thì "cũng chẳng chết thằng tây nào". Nhưng đừng quá lắm, thiên hạ chê cười, cười cho "nhà ngươi" đó, chứ không phải cười ta đâu? Phong tục cũ hay mới không thành vấn đề. "Bình đẳng tương giao và hạnh phúc", con cái hỉ hả mừng vui là chẳng quý lắm sao?

Tại sao Đồ tôi lại cho rằng "Lễ giáo Nho gia" tạo nên khung cảnh "mẹ chồng, nàng dâu" trong xã hội ta tự bao nhiêu đời?

Vì trong thời Xuân Thu Chiến Quốc thiên hạ nhiễu nhương, loạn lạc. Những rối loạn trong xã hội đã tạo nên rối loạn trong gia đình và những giềng mối ràng buộc bị lỏng lẽo, rơi rớt cho nên Ngài Khổng Tử "nhập thế", thu thập những gì có trước kia san định trở lại, lập thành cái khung bắt "ai về vị trí nấy" thì sẽ yên vị. Còn Ông Lão Tử thấy không phải ở chỗ đó mà là ở chỗ "lòng con người" và là "ý trời" nên Ông ta bảo "Thiên địa bất nhân", hoặc "Thiên hạ vô sự" rồi "Xuất thế" trở về sống phóng khoáng với thiên nhiên; mặc cho thiên hạ tranh giành, chém giết gì đó thì làm!

Chính vì những cương thường, những phong tục phải theo đó đã đào tạo cho người đàn bà những mẫu mực, làm khác đi là "ngỗ nghịch", "chống đối", không làm theo lời dạy bảo là không hiếu thảo, rồi cho nàng dâu "cứng đầu, khó dạy". Từ đó sanh tâm "thành kiến". Khi "thành kiến" xuất hiện thì tất cả mọi việc đều được nhìn qua lăng kính thành kiến ấy. Không những mẹ chồng, rồi đến em chồng cũng nghĩ chị dâu "bất tuân, chống với mẹ mình" nhảy vào "ăn có, xỉ xỏ, nặng nhẹ, nói xa nói gần"... Xa hơn nữa, lần lần "rêu rao" khắp trong họ để lôi cuốn đông người, cùng nhau "khinh bỉ nó cho bỏ ghét". Cuối cùng chỉ là để hại hạnh phúc của con mình, và khiến cho cháu mình phải khổ tâm, lớn lên trong khung cảnh "đầy cay đắng". Đồ tôi cũng từng được nghe, từng được chứng kiến khá nhiều từ lúc còn thuở ấu thơ. Nhưng đến bây giờ mới đúc kết lại những nhận xét nhờ duyên "hội ngộ" các chi tiết.

Thói thường, người nào sống trong gia đình nghiêm khắc thì trước sau gì họ cũng có nghiêm khắc dù ít hay nhiều. Ít hay nhiều là tùy theo cá tính của họ biết "điều ấy tốt hay xấu", nên theo hay là không nên. Còn đại đa số cứ "bổn cũ soạn lại", "trước bày nay theo", cứ đạp lên vết xe cũ một cách máy móc, không sáng tạo chút nào. Điều ấy cũng còn đi theo trình độ học vấn nữa. Có nhận thức, biết suy xét, thông hiểu, biết xét vào trong hoàn cảnh thì cũng "đỡ" hơn nhiều. Cho nên đến hiện nay trên quê hương ta chưa hẳn là đã hết "tình trạng mẹ chồng nàng dâu" hoặc "nàng dâu" cùng "chị, hay em chồng". Và Đồ tôi cũng dám xác quyết điều ấy "hãy còn" khi con người chưa "giác ngộ" dù trong thời kỳ nào, bất kỳ ở đâu? Tại sao?

Vì khi con người "nhập thế" trong thế gian nầy với đầy đủ thân xác, đầy đủ "lục căn", đầy đủ lòng ham muốn, sân hận; với cái "Ngã" (cái "Ta") quá lớn, lòng "ái, dục" bao la. Khi không thỏa mãn ước muốn của mình thì trở nên sân hận, ganh ghét, tìm đủ mọi cách để triệt hạ cho được những cái gì "chống báng" với mình. Bắt người khác "phải theo mình, ý mình muốn" mà không nghĩ "mình phải theo ý của người khác". Chính vì "cái ngã" ấy mà người ta không chịu "đặt mình vào vị trí của người", bắt người "phải như mình", "làm giống như mình" hay "Phải thay đổi theo ý mình". Thật là lạ lùng thay! Con chúng ta nuôi ngay từ thuở mới sanh ra. Nuôi trong mười mấy, hai mươi năm còn có những lúc không nói được thay, hay chúng làm "tự ý"; mà mình lại muốn bắt "con của người khác" một sớm một chiều phải thay đổi như ý mình. Quả là một "điều nghịch lý" vô cùng to lớn! Và "nàng dâu" là "cho mình" hay là "cho con"? Vậy vì "hạnh phúc của con" thì ta hãy "hiểu" để cho con tìm thấy được hạnh phúc. Còn muốn "xây dựng" như thế nào, tất phải có thời gian. Người xưa đã khó, bây giờ ta cũng lại khó nữa sao?

Đồ tôi thì nghĩ vậy! Còn ý của Quý vị thì thế nào? Nhất là ý của Quý Bà? Đồ tôi xin lắng nghe!
Xin chào trân trọng!

Đồ Ngông,
15-04-03.

No comments:

Post a Comment