Sunday, August 1, 2010

"Trang Chu" Và "Hồ Điệp".

Thật tình mà nói với Quý độc giả, Đồ tôi chẳng biết gì nhiều về chữ Hán cả. Nhưng, ở đây, Đồ tôi lại thích cái tên "Trang Chu" để gọi cho Ngài Trang Tử của chúng ta xa xưa; đồng thời cái âm "Hồ Điệp" nghe nó mơ mộng làm sao ấy. Vì thế mà Đồ tôi dùng hồ điệp để gọi cho con bướm, và cũng để nhớ đến người Nữ nghệ sĩ "ngâm thơ" Hồ Điệp đã một thời vang danh ở miền Nam qua các lần trình diễn, nhất là trong chương trình "Thơ Nhạc Giao Duyên Tao Đàn" của Thục Vũ.

Nói đến Trang Chu và Hồ Điệp, Đồ tôi phải lui về quá khứ, "chui" vào cái lớp học của Trường Trung Học xa xôi nơi quê hương nhà văn Bình Nguyên Lộc. Trường Trung học ấy nhỏ lắm, được sanh sau đẻ muộn; chỉ có hai lớp: lớp Đệ Thất và lớp Đệ Lục. Đồ tôi thuộc lớp đầu đàn. Thầy cô cũng ít. Chỉ có ba thầy và Ông Tổng Giám Thị kiêm dạy Pháp Văn. Tuy nhiên, vì ít và đều cùng trong hoàn cảnh đi xa, nên thầy trò mến nhau lắm.

Chính như vậy mà mấy Thầy thường truyền đạt những gì mình biết được cho trò với tất cả nhiệt tình và lương tâm của một Thầy giáo, hay là một người đàn anh hướng dẫn lại cho đàn em.

Trong tinh thần đó, Đồ tôi cùng các bạn được biết chút ít về Triết lý Lão Trang trong Cổ văn. Trang tử đã nằm mơ thấy mình hóa bướm, tức "Trang Chu" mơ thấy mình hóa thành "Hồ Điệp". Khi tỉnh dậy, Trang Tử đành "dụi mắt" không biết "Trang Chu hóa bướm" hay bây giờ "con bướm đã hóa thành Trang Chu".

Lúc ấy, khi nghe thầy kể, bọn học trò Đồ tôi chỉ thấy câu chuyện "ngộ ngộ" mà thích thú cái tinh thần phóng khoáng, hư hư thực thực trong Đạo Lão; Và nhất là âm điệu của chữ "Trang Chu", "Hồ Điệp". Nghe nó mơ mộng làm sao!

Làm con người ai cũng từng đi qua mơ mộng. Người ta chẳng bảo "mơ mộng về tương lai", "mơ mộng về tình ái" là gì? Đã có một danh nhân nói mà Đồ tôi chỉ nhớ đại khái như sau: "Khi còn trẻ con người hướng về tương lai; khi trưởng thành người ta sống về hiện tại; và khi về già người ta sống về quá khứ". Điều ấy sau mấy mươi năm, Đồ tôi công nhận là đúng! Còn Quý vị ra sao Đồ tôi không biết được!

Con người khi còn trẻ, lớn lên đầy sức sống, trong đầu óc chưa có gì. Khi bắt đầu chuẩn bị vào đời đã phát họa tương lai, lý tưởng của mình: Từ người mình yêu cho đến nghề nghiệp, người vợ, con cái sau nầy với sự chưa từng trải, kinh nghiệm cuộc đời. Nhưng, vẫn là một định hướng tương lai. Rồi lớn lên, người ta thực hiện những lý tưởng đó, có cái thực hiện được, có cái không. Rút ra những kinh nghiệm thực tế để rồi người ta sống thực tế hơn, không còn mơ mộng như xưa. Đời có nhiều cay đắng, lọc lừa, gian dối, tham lam... Cố tranh giành để làm khổ, giết hại lẫn nhau mà người ta vẫn cảm thấy sung sướng, thỏa mãn mặc dù đôi lúc cảm thấy ê chề, chán chường giống như những cầu thủ đá banh trên sân cỏ. Trong cuộc chơi người ta cố sức tranh giành quả bóng, đôi khi chơi xấu với nhau để nhằm đạt được thắng lợi. Họ không cảm thấy mệt mỏi, không cảm thấy tội lỗi, không biết mình đã bỉ ổi như thế nào. Nhưng đến khi tàn cuộc mới suy nghĩ lại có những điều mình không phải, không đúng; hoặc còn ấm ức hay tiếc nuối những gì mình đã chưa làm được. Có khi mơ mộng những thời oanh liệt đã qua. Thế là người ta về già! Với tuổi già để ôn lại những kỷ niệm trong thời quá khứ.

Sự ôn lại quá khứ, mỗi người cũng chẳng giống nhau tùy theo tâm tính, tùy theo cơ thể, hệ thần kinh mà biến chuyển. Người thì sẽ trầm tính lại, ôn thời quá khứ oai hùng, vang danh để thấy được những điều gọi là "ác nhơn" không thiện để họ tu tâm dưỡng tánh, hoặc vốn trước kia họ đã hiền lành nay lại nhận thức được cuộc đời hơn thêm. Họ lại càng sống thêm đạo hạnh để xứng đáng với một kiếp người. Có người thì chưa thỏa mãn với những gì mình đã gặt hái, họ lại tiếp tục "háo danh", gây những điều để được nổi giữa chốn đông người, nhằm mọi người chú ý đến ta, một mai khi chết "được để tiếng" ở đời. Có người đam mê quá, quên đi mình đã già khiến mấy đứa trẻ bảo rằng: "Già mà không nên nết", hoặc "già mà ham!"... Thật là cuộc đời có nhiều phức tạp! Đồ tôi thì cuộc sống chẳng bằng ai. Cuộc đời cũng không từng trải, chỉ quanh quẩn, lủi thủi với những gì mình có; nhưng nhờ được lắng nghe, học hỏi từ những người khác, hoặc chú ý và thắc mắc nên cũng tìm được một ít nguyên nhân để bây giờ "có duyên" viết.

Đồ tôi được cái may mắn đến xứ người, lúc đầu trong hoàn cảnh cô đơn, nhiều mặc cảm. Nên rồi đôi lúc lại nghĩ đến thân phận của mình. Rồi tưởng tượng đến những thế hệ di dân của người Tàu. Họ rời quê hương của họ qua quá nhiều thế hệ, nên họ có nhiều kinh nghiệm. Bởi thế cho nên bây giờ từ công việc làm ăn, cho đến đoàn kết, thống nhất tổ chức để làm một cộng đồng sắc tộc mạnh trên xứ người cũng không có gì là lạ. Còn với sắc tộc của ta thì quá mới, vả lại tánh khí của dân ta "không ai chịu nhường ai", người nào cũng muốn làm anh hùng, muốn "nổi", đồng thời được chiến tranh "hun đúc" nên tình trạng phân hóa hiện nay là một sự thường tình. Tuy nhiên, điều ấy không phải là không có cơ hội để thay đổi, nhưng quan trọng vẫn là "ở trong ý thức": Vì cộng đồng, vì mọi người, vì danh dự dân tộc và ý "có muốn" làm cho cộng đồng trở nên tốt hay không mà thôi! Một người muốn phá thì ngàn người xây dựng cũng như không! Đó là chưa kể đến những người không ý thức, chỉ biết có tiền, cần tiền để thỏa mãn nhu cầu, thú vui tiêu khiển của mình mà không "nề" (sợ) đến sự phạm pháp, gây tiếng xấu cho cộng đồng. Hoặc vì lợi lộc đã tiếp sức đem "độc dược" hại đến cả thế hệ con em chúng ta. Rồi thế hệ lớn "lôi cuốn, dụ dỗ, rồ quến" thế hệ sau. Cuối cùng, sắc tộc ta bị coi như là "Một thứ rác rưởi" của xã hội, cùng với "tất cả những bậc cha mẹ đau khổ" đang có con lâm vào tình trạng nghiện xì ke, ma túy.

Nhân nhớ lại câu chuyện "Trang Chu" hoá thành "Hồ Điệp", hay "Hồ Điệp" hóa thành "Trang Chu", Đồ tôi cảm hứng viết về một vấn đề: Chỉ mong chúng ta là những người con dân Việt suy nghĩ lại, để rồi gát bỏ mọi tị hiềm vì cá nhân hay vì âm mưu của một số người, tổ chức nào đó, mà đã gây nên rối rắm dù họ không cố ý nhưng đã vô tình, chỉ vì muốn tranh giành ảnh hưởng với nhau, và cùng nhau "nhìn" lại danh dự của một dân tộc. Không lẽ ta đến xứ người để "bêu xấu" dân tộc của mình hay sao?

Đó là một "sự mơ ước" của Đồ tôi, mặc dù Đồ tôi bây giờ cũng đang tiến vào "hàng già". Đáng lẽ ra, Đồ tôi phải sống về quá khứ mới gọi là đúng hơn!


Đồ Ngông,
14-04-03.

No comments:

Post a Comment