Wednesday, August 25, 2010

Nhà "Ba Gian Hai Chái".

Nói đến nhà "ba gian hai chái" tức là nói đến đặc điểm cái nhà trên đất nước Việt Nam, Quê hương của Đồ tôi và của Quý vị. Hôm nay tự dưng "hứng thú" Đồ tôi lại nghĩ đến chuyện nầy; hay là Đồ tôi nhớ những ngày còn bé được mẹ dẫn về Ngoại, Nội: "Đi ăn đám giỗ".
Không biết tự bao giờ và với lý do như thế nào mà Ông Cha ta đã cất nhà kiểu cách như thế đó. Tất nhiên, cái nhà kiểu nầy nó không thoát thai từ hình thức của hang động thời "ăn lông ở lổ", mà cũng không phải là những hình "ống tròn" có nắp như của các sắc dân Phi châu, hoặc những trại lều của những người du mục, hay những "Igloo" của người "Eskimo". Đồ tôi chưa đi đến xứ Tàu để thấy kiểu nhà của Ta và của Tàu có khác nhau làm sao. Có thể sẽ có giống nhau chút ít, hoặc giống khá nhiều nhưng vẫn có những điểm riêng biệt. Sự giao lưu văn hóa là một điều "tất yếu" và "phải có". Vả lại, nước Tàu đã đô hộ nước ta hơn cả ngàn năm, với ý đồ "đồng hóa" dân tộc ta, đã tàn phá tất cả những gì là thuần túy của dân tộc Việt, thì "cái còn lại" giống Tàu cũng không có gì là đáng nói. Điều đáng nói là một "Tinh thần dân tộc Việt" hãy còn tồn tại và "đứng vững", không những "vững" mà lại còn "kiêu hùng" là đàng khác! Đồ tôi rất hãnh diện về Tổ Tiên ta đã đánh bại kẻ thù xăm lăng hung hãn từng xâm lăng từ Á sang Âu những ba lần; trong khi Đế quốc phong kiến phương Bắc bị "vương" vào vòng nô lệ mà lại là một nước lớn.
Không biết ý Quý vị như thế nào? Nhưng, riêng Đồ tôi thì Đồ tôi cũng nên hãnh diện chứ! Một "Tinh thần dân tộc" mà!
Cái nhà được kết tinh từ nhiều yếu tố: Từ cái mỹ quan (quan niệm về cái đẹp), tiện ích, cho đến thích hợp với khí hậu, thời tiết địa phương lẫn sắc thái pha trộn với nền văn minh, văn hóa của một dân tộc.
Cái nhà "ba gian hai chái" gần như được coi là "đặc trưng" của dân tộc Việt. Từ thôn quê cho đến thành thị. Từ khi, người Tây phương đến có những thay đổi khác nhưng dù "nhà tô", nhà gạch, nhà tường kiểu "nhà trước, nhà sau" hay "nhà trên nhà dưới" hoặc kiểu "mẹ bồng con" vẫn thường là ba gian. Còn "nhà Tây", villa, biệt thự, nhà hộp, nhà lầu mặc dù theo kiểu Tây, nhưng vẫn có những nơi cũng là "ba gian". Tại sao lại là "ba gian"?
Đồ tôi lúc nhỏ khi về Nội hay Ngoại, Đồ tôi thích lắm! Nhưng nếu nói về khung cảnh thì Đồ tôi lại thích về Ngoại. Ở nhà Ngoại cái nhà thấy ưa nhìn hơn. Đồ tôi cảm thấy nó cân đối, mát mẻ, mà đi chơi cũng thoải mái. Muốn qua bên chái nằm võng thì nằm, muốn qua chái bên kia dòm trâu bò thì dòm. Nếu "buồn ngủ" thì lên trên bộ ván của gian bên trái hay bên phải hoặc bộ ván ở nhà dưới mà ngủ. Trước nhà có sân rộng để phơi lúa hay đậu được quét sạch mỗi ngày. Chung quanh sân, nhà là vuông trồng cây ăn trái đủ các loại: Xoài, ổi, mít, sa-pô-chê, vú sửa, lê-ki-ma, khế, bưởi, dừa... hoặc trồng bông: dâm bụt, mười giờ, móng tay, mồng gà, hoa dừa, cúc, thọ nhất là bông điệp hoặc bông trang là loại được dùng để chưng cúng vào những ngày rằm, mồng một hay những ngày cúng, lễ lộc, đám giỗ... Phía trước sân là cái vùng đất thấp có trồng vài cây cao với những dây trầu cho bà Ngoại hoặc là đãi khách "ăn trầu".
Thuở ấy, Đồ tôi thấy hơi lạ lạ thích thích, chứ chưa hiểu được. Đến những năm học ở Tiểu học, thỉnh thoảng có bài Tập đọc đề cập đến nhà trong thôn quê trong chủ đề nhà cửa hoặc thôn quê nói đến nhà "ba gian hai chái". Qua thời gian Trung học, với sự phát triển trí óc của mình và trình độ cũng được khá hơn, nhưng Đồ tôi vẫn chưa chú ý đến "cái nhà". Cho mãi đến khi vào Thành phố thấy những tòa nhà lầu hình hộp mà người ta gọi là kiểu Mỹ Đồ tôi mới nhìn lại để phân biệt kiểu của Tây (Pháp), của Mỹ, của Tàu và của Ta. Thế là cái nhà ở thôn quê được Đồ tôi lưu ý mà vẫn chưa hiểu được vì sao lại là như thế? Rồi cái nhà "ba gian hai chái" cứ ám ảnh đầu óc Đồ tôi mãi. Đến bây giờ, mới trình bày với Quý vị những ý nghĩ mà Đồ tôi "gom góp" để Quý vị xem chơi!
Thật tình mà nói: Dù trước kia, Đồ tôi có chú ý đến cái nhà "ba gian hai chái" nhưng tri thức Đồ tôi bị hạn hẹp trong khung cảnh đồng quê và một vài nơi mà Đồ tôi lang thang bước tới. Vả lại, chỉ là trong đất nước mình nên Đồ tôi cũng không thể so sánh hoặc tìm hi‹ể được rộng rãi hơn. Từ khi vượt biên đến xứ Úc, nhờ xem truyền hình cùng những chương trình chiếu về xứ nầy xứ kia, Đồ tôi mới lưu ý tìm hiểu, phân tích một cách kỹ lưỡng hơn.
Nhà ở, nó là một phương tiện cư trú. Tùy theo từng thời kỳ, thời tiết, nơi chốn, ý thích mà nhà có những cách khác nhau. Ở xứ có tuyết, nóc nhà không thể tương đối không có độ cao vì khi tuyết rơi nhiều đọng trên đó làm sập nhà. Ở xứ nóng, không thể cất với những bức tường kín đáo chung quanh. Người Eskimo phải có cái nhà thích hợp với nơi ở của họ. Nhà thành phố khác với nhà ở thôn quê. Nhà kiểu Tàu khác với nhà của Tây vì những kiểu cách, hoa văn tùy theo nền văn minh của dân tộc ấy.
Nói như vậy, có nghĩa là cái nhà nó phải thích hợp với thời tiết, địa lý là trước tiên. Sau đó đến tiện ích và cuối cùng là đặc trưng của nền văn hóa, thể hiện cái "văn minh" của dân tộc. Thế thì, tại sao dân tộc ta có cái nhà "ba gian, hai chái"?
Đồ tôi thì chỉ có những suy luận "ngông", nếu trình bày sai, hoặc không "ổn" chút nào, thì xin Quý vị tha thứ hay góp ý để Đồ tôi sửa chữa. Thành thật cảm ơn!
Dân tộc ta là một dân tộc nông nghiệp tự lâu đời. Cái nhà để ở nó phải phù hợp với cung cách sinh hoạt nông nghiệp. Có thể khởi đầu, người ta chôn cột cất nhà "một gian" nhưng không đủ chỗ để sinh hoạt, yên nghĩ; nên sau đó cất thành hai gian vẫn không đủ. Rồi người ta tiến đến ba gian, thì thấy cái nhà có nét hài hòa đẹp và cân đối hay "bắt mắt", vững chắc hơn. Sinh hoạt được khá thoải mái. Nhưng vì thời tiết mưa, bão nhiều, nước mưa có thể "tạt vào" ngấm hư hay "làm sập" các vách nên người ta làm "hai chái" để bảo vệ hai vách bên hông. Luôn tiện để những dụng cụ nông nghiệp được rộng rãi, ngăn nắp. Một bên có thể để cuốc, rựa, thúng giống, những đồ lặt vặt. Bên kia thì để các "ổ gà" mái đẻ, hay các thứ khác. Nhưng còn nấu nướng thì thế nào? Không lẽ nấu ở nhà trên. Khói củi lâu ngày sẽ làm nhà dơ và đen mái nhà đi. Thế cho nên, nhà dưới hay nhà sau thành hình. Gọi là nhà sau là khi nhà nhỏ phía sau có nền tương đối không chênh lệch về độ cao nhiều so với nhà trước. Và gọi là nhà dưới vì độ cao nền có cách biệt. Nhà nhỏ ở phía sau ấy có một công dụng khác nữa là "bảo vệ" được vách tường gạch đất ở phía sau của cái nhà khỏi bị sập vì mưa hay gió. Nhà sau cũng là nơi nấu nướng ăn cơm, sinh hoạt chính của gia đình để khi có khách, khách sẽ không cười hoặc thấy. Nhà trên trở nên nơi để tiếp khách "đến nhà chơi", và trở thành nơi trang trọng.
Đó là cái nhà đã trở thành "ba gian, hai chái" có cả nhà trước nhà sau hay là nhà trên nhà dưới. Đến khi nghề nung gạch phát triển, người ta xài đến gạch tạo dựng nhà chắc chắn hơn, và sử dụng xi-măng tô mặt ngoài của tường để tránh nước ngấm vào thì trở thành nhà tô. Đến nhà "tô" thì không cần đến "hai chái" nữa; và lúc nầy nhà xe, chuồng trâu bò được cất riêng ra hơi xa cái nhà một chút để tránh "hôi thối". Thế là vị trí nhà trên nhà dưới có khác nhau trên cách xếp đặt. Có thể như cũ, nhưng cũng có thể nằm "cặp" một bên hông "nhà mẹ", giống như "mẹ đang bồng con": Kiểu nhà "mẹ bồng con" ra đời.
Ấy là "cái chuyện" tiến trình phát triển cái nhà qua các giai đoạn. Nhưng cái quan trọng "cái nhà của dân tộc ta" không phải là ở chỗ đó. Mà chính là "chuyện" ở bên trong.
Chuyện bên trong nó có rất nhiều phức tạp đến đổi một vị Linh mục rất có danh, dạy Đại học Văn khoa trước kia chuyên về Triết Đông đã nghiên cứu tỉ mĩ. Nhưng rất tiếc, Đồ tôi không đủ khả năng để hiểu vì thế Đồ tôi lúc xưa đọc sơ qua thấy mình giống như "thằng ngáo" đi chợ, đành thôi! Đến bây giờ chắc không có thì giờ để nghiền ngẫm nữa rồi! Đó là "Linh mục Lương-Kim-Định với Triết lý Gia Tiên". Quý vị nào nếu có thể thì nên tìm đọc để hiểu và biết. Còn ở đây, Đồ tôi chỉ nhân chút ít thì giờ rỗi rãnh để "tán dóc" với Quý vị mà thôi!
Lúc nhỏ, Đồ tôi được "mẹ dẫn" hay "ba chở" về Nội hoặc Ngoại ăn giỗ. Nói đến đám giỗ, Đồ con nít tôi mừng lắm! Vì được ăn bánh "đã nư", ăn bánh bò, bánh thuẩn, bánh cắp, bánh cúng, bánh ích, bánh tét, bánh da lợn, bánh qui...Và đồ ăn thì "ê hề". Khung cảnh vui lắm vì là ngày hội họp của họ hàng, mặc dù là ngày cúng kỵ Ông Bà, Tổ Tiên. Đồ tôi chơi với các anh, các chị và lắm lúc lại "làm oai" với các em con của mấy cô, còn bên ngoại thì Đồ tôi "lép vế" vì mẹ Đồ tôi là nhỏ hơn hết. Ăn đám giỗ thì mừng, nhưng sau đám giỗ thì Đồ tôi ghét lắm! Khi ra về phải khoanh tay hỏi hết người nầy đến người kia. Hỏi đông quá đến mỏi cả hơi! Mà Đồ tôi lại nhỏ con, đứng dưới "đất cái" hỏi "vói" lên mà các cô, cậu, dì hay dượng mắc nói chuyện cũng không "để ý" đến, cho con được nhờ.
Càng ngày càng lớn lên, Đồ tôi mới khám phá về ý nghĩa của cái đám giỗ. Cái "đám giỗ" nó chứng tỏ sự "Uống nước nhớ nguồn" của mọi người trong dân tộc, là ngày tưởng nhớ đến "một người" trong Tổ Tiên, ngày mà mọi người trong dòng họ họp lại nhau: Trước là để cúng kiến, tưởng nhớ Ông hay Bà như là một điều hiếu thảo, không quên nguồn cội. Sau con cháu thường xuyên gặp nhau nên dù họ hàng nhau rất "xa xôi đến mấy đời" cũng hãy còn biết đến nhau. Một tập thể cùng nhau đóng góp, cùng nhau làm và cùng nhau hưởng, thật là vui! "Đám giỗ" cũng còn mang tính chất khác là sự giao du thường xuyên với xóm giềng "bà con xa, không qua láng giềng gần". Một sự hỗ tương giúp đỡ, chia vui, san sẻ nỗi buồn của nhau, hay "trả nợ miệng". Ấy là cái tinh thần và mục đích của đám giỗ. Còn sao gọi là "Tinh thần, văn hóa, Triết lý gia tiên", lại thể hiện trong cái nhà "ba gian, hai chái"?
Vấn đề ấy với Đồ tôi thì quá lớn! Nếu đứng về phương diện nghiên cứu thì Đồ tôi xin chào thua! Nhưng nếu đứng về phương diện "tào lao" thì Đồ tôi có thể "nói được" và có thể trình bày với Quý vị để coi chơi!
Nếu nói về Đạo Phật thì chữ hiếu rất là nặng đối với bậc sanh thành, nó mang tính chất "tinh thần" hơn chữ hiếu trong đạo Khổng vì Đức Phật đã diễn tả trong Kinh "Đại Báo Hiếu Phụ Mẫu Trọng Ân": "Một vai cõng mẹ, một vai cõng cha, bước quanh núi Tu Di trong nhiều kiếp vẫn chưa đáp đền được ân trọng của cha mẹ", và trong cái "đám giỗ" sự cúng kiến ấy đều mang cả hai ý nghĩa của Đạo Phật và Đạo Khổng: Vừa tin tưởng linh hồn người chết vẫn tồn tại; đồng thời con cháu tưởng nhớ, kính cẩn, cung phụng người chết như thuở còn sống. Chính vì sự tôn trọng, vinh danh, nhớ đến nguồn cội, "Tổ" của "Gia phả" mà "Bàn thờ Gia Tiên" hay "Tổ Đường" được đặt ở vị trí "gian giữa", nơi đó trên vách treo "biểng" đề chữ "Tổ Đường", phía dưới là bàn để bày biện những đồ cúng dâng lên người chết trong ngày "kỵ cơm". Phiá trước là tủ thờ tương đối có giá trị tùy theo hoàn cảnh, tài chánh của gia đình. Nó có thể đơn giản, cũng có thể được cẩn xa cừ để tăng thêm phần trang trọng hay chứng tỏ "khí thế" của gia đình. Trên đầu tủ thờ, được trang trí bằng bộ lư ở chính giữa, hai chưng đèn ở hai bên. Lại có bình bông, dĩa lớn để đựng trái cây "đông bình, tây quả" và lư nhang, chung cúng nước. Trong ngày giỗ "đèn, bông, trái cây, nhang, nước lạnh tráng miệng, nước trà uống sau khi ăn" được cung phụng đầy đủ. "Người chết thoải mái hưởng cảnh vui vầy, sum họp, kính cẩn lạy, cung phụng của bầy con cháu đông đảo cùng sự chứng kiến của xóm giềng".
Đó là chuyện trên Bàn thờ Gia tiên, cúng kiến. Còn, cũng ở gian chính giữa được kê cái bàn dài, có hai hàng ghế hai bên. Đó là nơi trang trọng mà người lớn, người già nói chuyện, hoặc tiếp khách. Trong ngày đám giỗ các vị bô lão trong Tộc, khách quý, người già mới ngồi ở đó, mà chỉ có "đàn ông" thôi nha! Đàn bà dù trẻ hay già vẫn phải ngồi trên bộ ván kê gian bên phải (từ ngoài cửa nhìn vô). Còn con nít như Đồ tôi phải ăn ở nhà dưới. Ở nhà trên là của người lớn, không được lộn xộn (theo kiểu Khổng Tử dạy).
Trước cái bàn đó, người ta đặt "cái gì" mà Đồ tôi quên tên gọi của nó. Nó là một cái bàn vuông, hình dáng giống như cái ghế lớn bằng khổ của cái bàn dài bên trong, cao hơn cái bàn khoảng độ bốn tấc. Thường để khai rượu, trầu thuốc hay bình nước trà. Đó là "cái bộ" để gọi là đầy đủ trong gian nhà giữa. Có nhà thì đóng thêm hai cái "trang" ở trên cao, phía trên tủ thờ. Một trang ông, một trang bà theo tinh thần đạo Lão vậy mà! Còn ngay gian chính giữa, bên ngoài sân là "Bàn Thiên" có bốn chữ "Thiên Quân tứ phước" hay nôm na gọi là "bàn Trời", nơi để cúng nước trái cây tạ ơn hay cầu nguyện Trời, Phật trong cuộc sống nầy. Cái chính Văn hóa của ta là ở gian nhà chính giữa đó. Còn các gian hai bên, nếu từ bàn thờ nhìn ra ngoài cửa thì gian bên phải dành cho đàn ông, bên đó cũng có bàn thờ cho các ông đã chết, cũng trang bị giống như vậy nhưng đơn giản hơn nhiều. Bên ngoài kê một bộ ván để các ông, con trai nằm ngủ, nghỉ ngơi có chiếu gối được xếp lại gọn ghẽ vào ban ngày. Gian bên trái thì cho các bà, con gái và cũng là nơi cúng kiến cho những người nữ đã chết. Và cũng có một bộ ván dành riêng cho các bà hoặc phái nữ ngủ hoặc nghỉ ngơi. Lúc xưa, khi Đồ tôi còn nhỏ tí thì cạnh bộ ván, đầu ngoài người ta kê thêm một cái ghế cao như gian giữa, bên phía mấy ông thì để thuốc, giấy. Còn bên các bà thì có khai trầu, thuốc "xỉa" (một loại thuốc rê, thuốc vấn xấu, rẽ tiền để xỉa thuốc đi kèm với ăn trầu). Chỗ cái ghế trầu hay ghế thuốc đó là nơi tiếp khách thường, không quan trọng. Ngày Đồ tôi còn nhỏ thấy bà ngoại ngồi một bên ghế trầu, bà khách một bên trên bộ ván căn bên trái; vừa ăn trầu vừa xỉa thuốc, vừa nói chuyện.
Thế là căn nhà ba gian được sắp xếp theo một thứ tự quy củ hẳn hoi. Có nhà trên nhà dưới, hai chái có chuồng trâu, chuồng bò, nhà xe, nhà kho hai bên sân lớn ở phía trước. Cộng với vùng trồng cây trái, hoa lá trong vòng rào trồng tre tạo thành một vuông. Nhiều vuông tạo thành xóm, làng mạc có đình làng, nhà hội... Đã cấu thành nông thôn Việt Nam với nền văn hóa tự trong nhà. Còn đến làng mạc, quốc gia thì ra sao?
Đồ tôi vốn không phải là một nhà nghiên cứu về Văn hóa hay tìm hiểu, tìm tòi gì cả mà chỉ là một người viết "tào lao". Cho nên vấn đề nầy trở thành quá lớn với Đồ tôi. Tuy nhiên, Đồ tôi cũng nhận thấy có vài "vẻ", vài "nét" mà ta có thể để ý được. Vì Đồ tôi được sinh ra, và lớn lên tự nơi thôn dã cho nên "gắn liền" với "cái đình" của xóm làng là một sự đương nhiên. Ngày nhỏ đến "lệ đình" thì Đồ tôi theo mẹ, theo cha đến để chơi, coi người ta cúng, rồi ăn xôi, thịt và chơi với mấy "thằng nhỏ" khác. Đến những ngày lớn hơn, Đồ tôi mới tìm hiểu thêm được chút ít về cái "lệ đình". Lệ đình thường có hai kỳ trong năm: Kỳ tháng hai và kỳ tháng tám đều tính theo âm lịch. Có nơi nào tổ chức khác thời gian không, Đồ tôi không biết! Nhưng những nơi có đình và Đồ tôi có dịp dự thì không khác, chỉ khác nhau về cái ngày tổ chức chút ít mà thôi! Lệ đầu, tổ chức vào ngày 16 tháng hai gọi là "Rước nước" cầu Thánh, Thần, Trời, Phật cho "mưa thuận gió hòa", cùng "Quốc thái dân an" để chuẩn bị một "Vụ mùa" mới trong năm, với mùa mưa sắp tới.
Còn lệ tháng tám cũng ngày 16 thì thường được gọi là "đưa nước", lệ cúng nầy được coi là tiễn nước đi, sắp chấm dứt mùa mưa, khí trời dần khô ráo, lúa trổ bông, chín rồi được gặt hái vào tháng 11 âm lịch. Vụ gặt hoàn tất trước thời gian Tết. Rồi sau đó, thời gian chuẩn bị "Ăn Tết", hội hè vào Tháng Chạp đầu tháng Giêng.
Trong các "lệ" cúng ở đình thì Đồ tôi không chú ý đến nhiều lắm! Vả lại trong thời chiến tranh đình ở "ấp" Đồ tôi bị tàn phá, còn ở các đình khác Đồ tôi lại không có tham gia, nên không biết gì nhiều. Nhưng Đồ tôi chỉ nhớ đại khái: Đình thường cấu trúc theo hình "tam cấp": Căn ngoài cùng thì thấp hơn, căn giữa mái cao hơn chút ít, và căn trong cùng thì cao hơn cả. Phía bên trong cũng là ba gian. Gian chính giữa trong cùng là bàn thờ "Sắc phong" của vị Thần của đình hay làng xóm. Cũng có bàn để đồ cúng. Phía ngoài có bàn thờ để các chưng đèn, dĩa trái cây, bình bông. Đó là nơi tế tự cho vị "Thành hoàng". Còn phía trước chỗ căn giữa có bàn thờ làm nơi cúng bái. Người ta cúng heo "hình như" là ở chỗ nầy. Ở hai gian hai bên có các bàn thờ mà Đồ tôi không biết thờ ai? Chỉ biết là "Tả, Hữu.." gì đó vì Đồ tôi không đọc được chữ Hán.
Trước đình ngoài sân có trụ cờ để hành lễ. Có bàn thờ "Chiến sĩ trận vong". Ngoài trước nữa có tấm "bia" lớn đắp lên hình "Ông Cọp", chắc theo ý nghĩa "Bùa nêu, ông hổ" cũng nên: Để trừ ma quỷ. Nếu như thế thì lại theo hình thức của Đạo giáo sao?
Cuộc hành lễ, dâng lễ chính lại theo kiểu của "Khổng giáo", sử dụng đến "Học trò lễ". Tức là sử dụng những "học sinh" của nhà Lễ Nghĩa Khổng Tử để hành lễ. Đồ tôi thì thích coi "học trò đi lễ, dâng cúng, xướng lên" chứ thật tình không hiểu gì hết, vì thường những câu "xướng" lên đều bằng âm "Hán Việt". Rõ thiệt là bị đô hộ cả ngàn năm! Đồ tôi chỉ nhớ gì là "bái, hương, bình thân". Thế thôi!
Những người tham dự cuộc "tế tự" của đình làng thường là những vị chức sắc trong làng, hay những vị bô lão, có thế, uy tín trong xã ấp. Và họ cũng được trân trọng ngồi vào "chiếu trên" hay "ăn trên, ngồi trước" trong tinh thần "Kính lão đắc thọ" hoặc "kính trọng người có vai, có vế". Thế nhưng lâu ngày, vì tâm tính con người thích tỏ vẻ "cái Ta" quan trọng, cái Ta phải được nhiều người "oai khiếp, nễ sợ"; hoặc với "ý đồ" kinh doanh bằng "vị thế" nên đã đưa đến tình trạng "đút lót, mua chức tước" để dễ làm giàu bằng hình thức "đòi" hay "ăn hối lộ" hoặc "tham nhũng công quỹ". Đó là chuyện ngoài lề!
Có tham dự vào "lệ cúng đình" mới thấy tinh thần cộng đồng của xóm làng. Mọi người đều có tinh thần sốt sắng với việc chung vì ngày ấy là ngày cúng "vị Thần" chung của làng, vị Thần ấy sẽ ban phước, hoặc đem lại gió hòa mưa thuận, công việc làm ăn trong năm được thuận lợi. Cầu mong được như thế! Cho nên sự "đồng tâm nhất trí" hợp lực ở đây rất dễ dàng.
Cái độc đáo của "cái đình" trong xóm làng không đơn giản ở chỗ đó, mà lại là cái "Tinh thần đoàn kết" của xóm làng qua "cái đình". Đồ tôi đã được chứng kiến những nỗi buồn hay tiếc nuối, những oán hận của những người trong xóm khi cái đình đã bị sập vì bom trong thời gian chiến tranh. Hoặc những nổi bất mãn của mọi người khi đình làng bị trưng dụng làm nơi chứa hàng hóa. Đụng tới cái đình là đụng đến "danh dự, tự ái" của cả làng xóm.
Từ trong đơn vị nhỏ gia đình, dòng tộc đã trân trọng "tinh thần Gia Tiên" cộng với "mồ mã Ông bà" đã tạo được sự "đoàn kết dòng họ". Ở đơn vị lớn hơn, với làng xóm đã có "đình làng" gắn liền với mọi kỹ niệm ấu thơ hay làng mạc, hun đúc tinh thần "nơi chôn nhau, cắt rún". Và xa hơn nữa là "Quê cha, đất Tổ" với ngày "Giổ Tổ Hùng Vương", "trải Hội đền Hùng" đã trở thành một truyền thống độc đáo trong Văn hóa Việt Nam. Dân tộc Việt nam đã đứng vững và đứng vững trong tất cả mọi cuộc xâm lăng, chiến tranh, hay đô hộ cũng nhờ vào chất keo độc đáo đó. Tuy vậy, bao giờ "Ta cũng phải cảnh giác với tất cả mọi kẻ thù. Nhất là kẻ thù phương Bắc".
Ấy là "Chuyện Tào Lao" về cái nhà "ba gian, hai chái". Cái "đặc điểm trong văn hóa" của một dân tộc mà Đồ tôi có thể nói được.

Đồ Ngông,
20-04-03.

No comments:

Post a Comment