Thursday, December 19, 2013

*Kinh Tế!


*Chuyện Tào Lao 2.       (tt)



Ngày xưa, lúc tôi đi học, có ông thầy dạy về Công dân, ông có một bài học về kinh tế trong đó phân tích: Những quốc gia chậm tiến thường là những quốc gia thuộc về nông nghiệp, những quốc gia mở mang thiên về công nghiệp và những quốc gia phát triển lại phát triển về vận chuyển. Lúc đó học thì học chứ tôi không có ý niệm gì cả. Nhưng đầu óc càng ngày càng chú ý tới vấn đề đó như là những tò mò, tìm hiểu.

Thế rồi sau ngày đất nước thống nhất, tôi cũng phải lao vào lãnh vực “lao động là vinh quang, lang thang là chết đói”. Ngoài giờ ở trường học, tôi phải tập sản xuất lao động trên phần đất nhỏ nhoi của gia đình để kiếm thêm với số tiền lương khiêm tốn. Trời nắng, trời mưa mình lại muốn khóc: Công việc thì bề bề mà mình thì chỉ có hai cánh tay, làm hoài công chuyện lại không dứt. Ôi! Con trâu đi trước, cái cày đi sau; không làm thêm thì sao đủ ăn và nuôi mấy đứa con. Trồng trọt cũng không dễ chút nào, không phải cứ cặm cây xuống là tự nó mọc lên tươi tốt. Người nông dân phải bỏ công sức ra để chăm sóc, bón phân làm cỏ theo từng giai đoạn; lúc đó tôi mới biết đến cái cảnh “đầu tắt mặt tối” của cảnh làm nông. Những ngày nắng phải lo “thay trời làm mưa”, trên cánh đồng bao la, dòng suối con không đủ nước cho người ta lấy để tưới, canh (chờ đợi) để lấy được nước có khi đến chiều tối và rồi còn phải xách gàu đi tưới. Đó là chưa nói đến cái nạn sâu rầy, nhất là trong giai đoạn mọi thứ đều bị ngăn chặn và thiếu thốn. Và cũng từ dạo ấy, tôi đã học được bài học “đi thực tế” vào trong công việc và đời sống người nông dân thực thụ. Có một lần tôi “cự” ông bạn khác miền khi ông ba hoa về sự lạc hậu của người nông dân miền nam. Ông đề cập đến sự lạc hậu, tôi hỏi ông ông biết họ làm như thế nào mà gọi là lạc hậu, ông chưa đi sâu vào việc làm nên chưa hiểu được những kỹ thuật mà người nông dân đã ứng dụng trong từng giai đoạn, mặc dù những kỹ thuật ấy có khi là học hỏi, có khi là sáng tạo qua kinh nghiệm và đôi khi là học lóm nữa.

Làm nghề nông thì ở đâu cũng vậy, nó có nhiều vất vả vì công việc có nhiều giai đoạn để nuôi một cây trồng được tươi tốt và cho nhiều quả. Sự chăm sóc song song với trị sâu rầy. Chỉ khác đi là máy móc nhiều hay ít mà công việc trong nông nghiệp được giảm thiểu cho người nông dân được thoải mái hơn chút ít mà thôi. Nếu ngày xưa, người nông dân phải có trâu bò để cày cho kịp thời vụ thì con cái họ phải dành nhiều thì giờ để chăn bò, cắt cỏ cho bò ăn; trâu bò còn là súc vật để kéo xe chuyên chở giúp người nông dân được nhẹ nhàng hơn. Bằng không thì người làm nông phải đợi chờ người cày mướn đến phiên mới cày thì có thể trễ vụ mùa và phải trả một số thù lao nào đó. Nhiều lúc tôi thắc mắc tại sao những người nông dân tập trung vào những vùng tương đối hẻo lánh xa các phương tiện cung ứng cho đời sống mà họ vẫn thích thú an nhàn, và con cái của họ phần đông không được đi tới trường để học. Sau nhiều năm cố tìm hiểu, tôi mới ngộ ra rằng: Để thuận tiện trong công việc đồng áng, người nông dân thường chọn nơi cao ráo hơn ở gần ruộng nương để thuận lợi trong việc cày cấy. Vì thế họ thường cất nhà ở ven rừng, phía trên của cánh đồng, ở đó người ta tập họp thành xóm, có chia vuông đất từng gia đình để trồng cây trái, rau hay những loại ngũ cốc để kiếm thêm lương thực cho sinh hoạt gia đình, hoặc chăn nuôi gia súc. Như vậy vừa thuận lợi cho việc đồng áng, vừa tiện cho cuộc sống mặc dù nó hơi hẻo lánh và khó khăn cho việc học hành của con cái. Từ đó, mới nảy sinh về nếp sống riêng biệt của nông thôn: Những việc chung đồng lòng cùng nhau làm như đình đám hội hè, đường sá, an ninh xã thôn; tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau về mặt tinh thần cũng như vật chất trong những quan hôn tương tế, vui buồn có nhau...Ngoài ra, còn có những thú vui như đờn ca xướng hát hay nhậu nhẹt sau một ngày làm lụng nhọc nhằn. Cây trái, gia súc thì sẵn tại nhà, cá thì dưới ruộng đồng…cho nên đời sống của người nông dân cũng tương đối thoải mái. Nhưng nền nông nghiệp tùy thuộc về thời tiết từng năm, từng thời kỳ, do đó nó không được vững vàng, nguồn thu nhập cũng không nhiều và thường xuyên nên người nông dân khó mà làm giàu. Cho nên, những quốc gia phần đông dân số sống về nghề nông nghiệp vẫn còn trong tình trạng yếu kém về kinh tế. Trong lịch sử về kinh tế, từ khi máy hơi nước được phát minh, người ta mới bắt đầu phát triển về công nghiệp, nền công nghiệp phôi thai thu hút nhân công từ thôn quê để tiến ra thị thành; đồng áng bị thiếu hụt nhân công, người ta phải nghĩ đến máy móc hóa nông nghiệp để đáp ứng được nhu cầu lương thực. Nền công nghiệp ngày càng được phát triển, nhiều nhà máy được mọc lên, đem lại công ăn việc làm thường xuyên cho nhiều người và thành phẩm trong xã hội càng được phong phú, mà chúng hoạt động cả trong mùa đông lẫn mùa hè không bị gián đoạn, đưa đến cuộc sống người dân càng được tốt hơn. Và nếp sống trong công nghiệp cũng thay đổi nếp sống của xã hội nông nghiệp xưa: Người ta làm công việc theo giờ giấc, tác phong nhanh nhẹn theo tiến trình của máy móc, kéo theo nhậu nhẹt, phong cách lê thê cũng giảm đi và kỷ luật cũng khá được tuân hành; cho nên những quốc gia phát triển về công nghiệp thường được tiến bộ về trình độ, phong cách làm việc cũng như thành phẩm cung ứng cho xã hội. Ý thức về trật tự, thứ lớp cũng tiến triển thêm.

Một khi nền công nghiệp được phát triển hơn thì thành phẩm cung ứng xã hội được nhiều, thị trường được mở rộng xa thì phương tiện chuyển vận là điều kiện cần thiết. Chính vì thế sự vận chuyển, phân phối là điều kiện trở nên quan trọng. Những xe vận tải hạng nặng, xe có đầu kéo, xe toa dài, một hay nhiều toa để một lần chở được nhiều hàng đến nơi khác mà cước phí lẫn giá thành phẩm không cao khi được bán ra thị trường. Theo đó cơ sở hạ tầng về giao thông cũng được củng cố tốt hơn. Lúc đó người ta chỉ cần thấy lưu lượng xe tải hạng nặng trên đường sá đi xa cũng có thể hiểu được về nền kinh tế của quốc gia ấy.

Những điều ngày xưa tôi đã học trong nhà trường mãi đến mấy chục năm sau mới có thể kiểm chứng được ở trên xứ người, và rồi tôi lại thương cho cuộc sống của nông thôn của xứ mình nhất là những năm bị thất mùa đời sống của gia đình nông dân sẽ khốn khổ không biết là dường nào!

 

Đồ Ngông,

10/11/2013.

*Mua Quan!


*Thơ Đồ Ngông!         (tt)



*Người Ta!

 

Người ta cứ nghĩ: Mình là hay

Thừa có khả năng, lại có tài

Hàng khối chuyện làm ta được tuốt

Bao nhiêu gian khó làm trôi ngay!

 

Người ta hay nghĩ ý mình ngay

Vượt trội lên trên cả mọi người

Ý tưởng của ta là bậc nhất

Coi thường của mọi người đều sai!

 

Nhóm ta cứ tưởng đông là hay

Quá sức, đâu ngờ lại quá sai

Khi đã làm rồi, thiên hạ khóc

Ngàn năm di hại, khó mà thay!

 

Đồ Ngông,

20/12/2013.

 

 

 

*Mua Quan.

 

Người ta bán chức mua quan

Tiền ra vất vưỡng để ngồi trên cao

Lên trên để được “vênh râu”

Ra tay hoạnh hẹ, người hầu kẻ lo

“Không chi…” ta chẳng thèm cho

Của kho lo lót, đưa đò bao thư

Có nhiều thì khỏi…mong chờ

Đi qua cửa ải dễ dàng như chơi

Không bằng..! Cứ để khơi khơi

Cả năm, năm nữa quan thời chẳng coi,

“Làm dân” khổ lắm, ai ơi!

 

Đồ Ngông,

20/12/2013.

Sunday, December 1, 2013

*Con Thỏ Em!


*Chuyện Tào Lao 2.          (tt)



Bây giờ mọi cuộc đã xong rồi, Thỏ Em rất là ăn năn hối hận. Nhưng dù có ăn năn, hối hận bao nhiêu đi nữa thì đất đai, gia sản cũng đã chẳng còn. Kể từ giờ phút nầy và mãi mãi về sau, nó thực sự là người lang thang, không còn nguồn gốc nữa. Nhà cha mẹ nó để lại cũng bị người ta chiếm mất đi rồi, thằng thỏ anh của nó cũng bị chết thảm thương trong cuộc chiến để gìn giữ tài sản ấy. Nó hối tiếc lắm, nhưng mọi sự đã rồi! Nó tự trách nó nông nỗi, thiếu suy nghĩ chính chắn. Nó cũng sáng ra rằng: Vì nó khờ dại nghe lời ngon ngọt của người khác để nhảy vào chen chân và cản bước của thỏ anh trong cuộc chiến giành lại gia sản của dòng họ nhà mình. Người ta cứ mớm cho nó vì lý tưởng nầy, lý tưởng nọ đưa nó lên tận trên cao của lý tưởng cao đẹp của một thời thanh niên để nó làm, mà bây giờ nó mới có thể hiểu đó chỉ đóng ở vai trò tay sai. Thỏ anh cũng không khác gì cho lắm, thỏ anh cũng cứ ngỡ điều thỏ anh làm, thỏ anh thực hiện đường hướng của một phe khác mà thỏ anh cũng tưởng là làm cho nhân loại để đưa con người đến cõi tốt đẹp của lý tưởng.

Do nơi lý tưởng người ta mớm cho mà nó không ngần ngại chống lại thỏ anh, cố giành lấy phần gia sản mà người ta đưa cho nó mặc dù đó là gia sản của gia đình để lại, và nó được hỗ trợ tận tình từ những thế lực khác để chống lại phe thỏ anh. Thế là anh em nhà thỏ của nó lại tha hồ đánh nhau khiến cho cỏ cây tan hoang, họ nhà thỏ khốn đốn nhưng nó và thỏ anh không cần biết chỉ đánh nhau vì lý tưởng, vì cái toàn vẹn gia sản thôi. Nó đã không ngần ngại khủng bố, hình phạt nặng nề đối với nhóm thỏ anh như là để cho cái lý tưởng của người khác chứ không là của nó. Không thể ngờ được, anh em trong nhà không cùng nhau bảo vệ gia sản của mình mà lại nghe lời xúi giục người ta và họ cứ thổi nó lên vì lý tưởng để rồi anh em đánh nhau trối chết. Nó cứ nghe thỏ anh theo con đường tàn độc, nó càng cố gắng chống lại, vô tình hai anh em nó càng ngày lại đi càng sâu vào hận thù hơn, đến đỗi không thể chấp nhận lẫn nhau. Nó thề diệt anh nó, thỏ anh cũng hận thù thằng em đáo để. Anh em nó đánh nhau với sự trang bị của những thằng bên ngoài từ gậy gộc, dáo mác đến mọi thứ dữ dằn hơn nữa, chỉ có thịt xương và máu là của dòng họ nhà nó. Người ta trang bị cho nó và thỏ anh với những hận thù không bao giờ nguôi, thế mà nó và thỏ anh luôn hãnh diện lắm: Ta là phe chính nghĩa, thuộc đám quang minh chính đại, là đám trừ gian diệt bạo mà chẳng bao giờ nghĩ mình chỉ là những thằng tay sai chỉ đánh nhau cho những chủ nghĩa ngoại lai. Người ta làm anh em nhà nó đánh nhau tan tác, đổ máu như sông, tan xương nát thịt và nhà cửa tan hoang ra chỉ bằng những lời khích bác cùng khen ngợi!

Thỏ anh trở thành kẻ thắng cuộc. Thỏ anh áp dụng những hình thức quả tàn bạo thực, giống như đối với những kẻ thù thực thụ, muốn họ nhà em mình không bao giờ ngóc đầu lên nỗi để không chống lại, hay đủ sức mạnh mà lật được thế cờ. Thỏ anh trấn áp bằng sức mạnh mà nó có, nó loại trừ những thân nhân của thỏ em với quan niệm là không tạo điều kiện cho giặc để giặc làm một cuộc nỗi dậy, lật đổ chính quyền. Thỏ anh không nhân nhượng nhóm thỏ em, càng tạo nên thêm hận thù. Đám thỏ em chịu không nỗi đành tính kế “dĩ đào vi thượng” để bảo toàn thân mạng và cuộc sống của mình. Cũng đúng vào cơ hội, thỏ em đành xa lìa thỏ anh với sự căm hận trong lòng. Từ khi thoát khỏi vòng kiềm tỏa của thỏ anh, thỏ em thấy mình cao hẳn lên, nên trở nên ầm ĩ và khi nào có cơ hội thì phanh phui, lật xấu anh mình và kêu gọi mọi người bao vây, khống chế cho chết người anh mà bao năm thù ghét. Không những thế mà nhóm thỏ em lại vận động người ta cột trói anh mình lại, và mong cho thằng chó sói đói mồi nuốt luôn đám anh mình cho rồi. Con chó sói thấy vậy thích lắm, nó cứ lườm con mắt chờ cơ hội. Nó luôn cho người len lỏi vào bên trong giang sơn của thỏ anh mà phá đủ mọi thứ, nó tìm thế bao vây thỏ anh, nó lừa thỏ anh vào những điều mà thỏ anh phải im lặng mà vâng lời. Nó làm mãi, thỏ anh trở nên “như người mất hồn” để thỏ anh giống như con rối, tay sai của nó. Với sức mạnh và sự hung hãn của sói, thỏ anh khó mà phản kháng trở lại. Trong khi đó, qua lòng căm hận thỏ em lại muốn sói giết anh mình cho rồi, hết đời cái thằng gian ác, cho bỏ ghét.

Qua sự căm hận thù ghét thỏ anh, thỏ em đã tạo bao nhiêu điều khó khăn cho anh khiến anh không thể làm gì được, cộng thêm sự ngang tàn, nuốt sống người khác; thỏ anh bây giờ đã chết cùng với tiêu mất tài sản của cha ông cho loài sói rình mồi; và dòng nhà thỏ lại phải sống trong kiếp đời nô lệ như hơn ngàn năm trước đã bị làm. Thỏ em trở nên ân hận, nhưng sự cũng đã rồi!  Lịch sử sang trang, thực tế không thể đảo ngược. Thỏ em tự cảm thấy rất là buồn và tự ân hận không biết đến bao giờ!

 

Đồ Ngông,

24/10/2013.

*Khu Du Lịch Đại Nam.


*Thơ Về Bình Dương!        (tt)



 
*Lên.

 

Bưng Cầu, Cầu Định lại lên

Đi lên Bến Cát, Bàu Bàng xa xôi

Lai Khê thì đã qua rồi

Đợi chờ xe “cát” (bến cát) chở lên Chơn Thành

Đường đi khó bởi chiến tranh

Thôi thì quay lại, về xây nhà mình!

 

Đồ Ngông,

24/04/12.

 

 

 

*Khu Du Lịch Đại Nam.

 

To lớn là to, khu Đại Nam

Có vô mới thấy thật chàm vàm

Người đâu lại có khu to quá

Hàng khối người vào khu vẫn kham!

 

Đồ Ngông,

24/04/12.

 

 

 

*Ăn!

 

Qua sông Thị Tính tới An Điền

Ta về Rạch Bắp sẽ ăn thêm

Tha hồ nướng bắp nghe dòn dã

Đánh giấc trưa hè, sướng như tiên!

 

Bánh tráng Tây Nam dẻo lại thơm

Cứ cuốn đi rồi khỏi ăn cơm

Rau rác đây nầy cần đâu kiếm

Đầy đủ cả rồi, quả thật xôm (xôm tụ)!

 

Đồ Ngông,

24/04/12.

 

 

 

*Bến Thế.

 

Đã là cái “Bến” ở ven sông

Chẳng biết ra sao lại “Thế” không

Làm chứng cho đời “Đình” đứng đó

Để “Tân An Xã” lại bằng lòng!

 

Đồ Ngông,

24/04/12.

Friday, November 22, 2013

*Con Bọ Hung!


*Thơ Đồ Ngông!       (tt)



*Tớ Được Làm Quan!

A ha! Tớ được làm quan
Từ nay tớ lại có người "nâng bi"
Những canh nhậu nhẹt đôi khi
Được người trang trải sướng vui thỏa lòng
Lớp quà, lớp biếu ước mong
Tiền vô tới tấp, thiếu nơi để dành!

Đồ Ngông,
20/11/2013.




*Con Bọ Hung!

Con bọ hung ở dơ
Đùn đống phân làm nhà
Dùng vật thải thối tha
Làm đồ ăn ngon miệng!

Con bọ hung có ích
Vì tiêu hủy đồ dơ
Giúp tẩy bớt cuộc đời
Cho đời thêm sạch sẽ!

Có những loài cao cả
Lại trên đỉnh suy tư
Xả thối cho cuộc đời
Bọ hung còn thứ hạng!

Đồ Ngông,
23/11/2013.

*Đồng Tính!


*Chuyện Tào Lao 2.         (tt)



Tôi không phải là thành viên của giới đồng tính, nhưng tôi nhất định bênh vực cho họ tới cùng. Tôi phản đối với tất cả những ai phản đối, ngăn cản họ ngay cả đối với Tổng thống Mỹ hay là với Giáo Hoàng. Tôi cho rằng những người đó chẳng hiểu gì đến con người, họ không hiểu được nỗi khổ của một con người bất bình thường mà trời sinh ra đã là như thế.!Tôi còn cho rằng những người ấy là “đã chống với Thượng Đế” khi đã phản đối với những điều mà Thượng Đế tạo ra!

Những con người đồng tính chính họ cũng chẳng muốn họ là như vậy! Họ là con người mà chẳng giống ai, thủ phạm của họ chính là Thượng Đế. Thượng Đế ác tâm tạo con người của họ. Thượng Đế sao không thấy họ buồn ủ rủ về con người, về những nhu cầu khác thường của họ. Biết đâu có nhiều đêm họ phải khóc thầm về những gì mà họ phải chịu đựng! Đối với một con người mơ ước, mong muốn mà không được đã là cảm thấy đã khổ trong khi họ phải làm những điều mà người khác thường hay chú ý theo dõi, đôi khi họ lại bị chế giễu nữa. Thượng Đế đã tạo ra mà Thượng Đế không nhìn thấy, thế mà con người mhìn thấy lại chẳng hề giúp đỡ họ mà lại còn ngăn cấm, chê bai hoặc làm khó khăn cho họ thêm lên. Tại sao một con người bình thường khi họ muốn một điều gì họ cố gắng đạt đến điều mong muốn; ai cản trở ngăn cấm họ quyết vượt qua cho được để đạt được ý nguyện, thế mà những con người kém may mắn lại không được toại nguyện theo những nhu cầu, ý muốn của mình mà lại bị xã hội bài bác? Tại sao người ta không oán trách Thượng Đế và cảm thông với họ?

Những người đồng tính không là con người ư? Họ không được quyền bình đẳng và mong muốn như con người khác ư? Con người ta có những nhu cầu tâm, sinh lý; người đồng tính cũng có những nhu cầu của họ, tại sao họ không được quyền thể hiện những nhu cầu của họ? Tại sao người ta lại nhân danh nầy nọ, nhất là nhân danh Thượng Đế để phủ nhận những gì mà Thượng Đế đã làm cho họ? Thật là một điều oái oăm lạ lùng nhất trong cuộc đời nầy! Họ chật vật đối với cuộc sống của chính mình, họ xoay sở những cần thiết nhu cầu của họ; họ phải âm thầm chịu đựng với những cay đắng cùng những chế giễu của cuộc đời. Họ cũng mong muốn nhiều thứ nhưng tất cả đều bị giới hạn trong giới tính mà họ phải cưu mang, thế những ai đã từng đứng ra để bênh vực cho họ? Hay là người ta không tán đồng một cuộc diễu hành của người đồng tính được tổ chức hàng năm ở tại một thành phố của quốc gia nào đó, hoặc người ta nhìn vào đó với một cảm giác vui vui, lạ lùng, quái đản đáng thương hại! Điều đó khiến chúng ta, những con người có nhiều may mắn hơn, cần phải suy nghĩ và thông cảm hơn nhiều và mong rằng những nhu cầu của họ cũng được chấp nhận như một thực tế không thể thiếu đối với cuộc đời của họ. Điều ấy cũng chẳng làm chết ai và tổn hại đến xã hội một cách nghiệm trọng nào!

 

Đồ Ngông,

10/11/2013.

Saturday, November 2, 2013

*Cách Mạng!


*Chuyện Tào Lao 2.          (tt)



Người ta thường nghĩ đến cái tư tưởng: “Thay cũ đổi mới mà cái mới tốt hơn cái cũ” mỗi khi đề cập đến Cách mạng. Cái cũ đã không hợp thời nữa, cái cũ bây giờ trở thành cái chướng ngại, gây bất lợi khó khăn hay càng ngày càng làm cho người ta trở nên túng bẩn nhiều hơn, hoặc cái cũ không đáp ứng được tình huống tiến bộ trong xã hội hiện tại nên nó cần có sự thay đổi. Sự thay đổi có thể là sửa chỉnh từ từ để đi đến hoàn thiện và tốt hơn như một sự tiệm tiến mà mọi người đều vui vẻ, thích thú, thoải mái. Cuộc cách mạng ấy dịu dàng, êm thắm như là không có gì xảy ra. Điều ấy rất cần thiết cho một cuộc cách mạng trong nội bộ hay cho một đường lối tiến bộ, nó không đưa đến một cuộc cách mạng mạnh bạo khác sẽ xảy ra trong tương lai. Với đường hướng ấy ai cũng sẽ thấy thích hợp và vừa lòng. Trong xã hội loài người có rất nhiều cuộc cách mạng từ cuộc cách mạng xã hội, nông nghiệp, kỹ nghệ kể cả tư tưởng, chính trị, triết học và tôn giáo nữa. Nhận định, sửa sai để tiến về cái tốt đẹp hơn, đó cũng đã làm một cuộc cách mạng, nhưng thói thường người ta lại không thích như vậy. Đầu óc, tư tưởng con người lúc nào cũng bảo thủ cứ nghĩ con đường của mình đang đi là đúng, cách hành xử của mình chọn là chính đáng, rồi khư khư ôm lấy con đường ấy mà không thấy nó đã gây ra biết bao nhiêu là khó khăn cho người khác. Điều đó trong Đạo Phật gọi là cái “Chấp Ngã”, cái ta và cái của ta nó quá nên quan trọng khiến cho ta mờ mắt mà không thấy được cái của người; biết cái của ta thích chứ không nghĩ đến cái của người thích; biết con đường của ta đi chứ không nghĩ đến con đường mà người cần đi, nên thường hay bắt buộc người khác đi con đường của mình và đôi lúc dùng đến những cách khống chế để người khác phải đi trên con đường mà mình muốn đi. Nếu có những sự chống đối mình lại dùng đến quyền lực, sức mạnh để khống chế hay là trấn áp để không còn ai can ngăn, phản kháng mình thực hiện con đường của mình mà không nghĩ đến tư tưởng “Nơi nào có áp bức là nơi đó có đấu tranh”. Chính vì thế mà từ xưa đến nay biết bao nhiêu cuộc cách mạng bạo lực đã xảy ra để lật đổ những cái cũ tàn bạo, lạc hậu ấy đi.

Đồ tôi nhớ đến thời còn bé đi theo những thằng lớn để chơi, nó cũng chia phe, chia đảng, mình đi theo một phe. Đôi lúc tụi lớn không thích lại hiềm khích nhau, khi mình bị thua yếu thế, tụi kia lại trấn áp mình, khiến mình không dám nói năng hay chống đối. Nếu chống đối nó nó sẽ dùng đến những hình thức đánh đập, hăm dọa, nó bảo nếu mình chống đối nó nó sẽ đập mình cho đến khi không còn chống đối nữa mới thôi, nhất là làm cho mình èo uột khó nuôi. Điều ấy trong thời gian chiến tranh hay hòa bình Đồ tôi cũng được chứng kiến khá nhiều, chỉ tội cho những thằng nhỏ và bé như Đồ tôi, cứ lẳng lặng âm thầm, nhịn nhục mà chịu đựng. Thì tôi nghĩ người dân trong những chế độ lạc hậu, độc đoán cũng giống như Đồ tôi trong thời con nít vậy. Họ cũng phải từng chịu đựng mọi hậu quả không tốt mà người lãnh đạo thiếu sáng suốt hoặc lãnh đạo theo một con đường thiếu chính xác, khôn ngoan đã làm khổ cho họ, và khiến cho đất nước trở nên lầm than, không những chẳng đi lên mà lại còn đi ngược trở về phía sau so với thế giới bên ngoài. Trong lịch sử xã hội không thiếu những chế độ trong thời phong kiến với những vị vua lo hưởng thụ ăn chơi khiến cho triều đại sa đọa làm cho người dân khốn khổ, sưu cao thuế nặng để làm nguồn tài chánh cho vua quan sống xa hoa, phung phí. Và nói chung, trong xã hội nào cũng vậy, chính quyền cần có nguồn tài chánh chi phí cho mọi phương diện cho đất nước vẫn bằng buôn bán những tài nguyên của quốc gia hay bằng thuế thu nhập từ dân chúng. Nếu sử dụng được tốt thì đem đến lợi lộc cho đất nước dân chúng, còn sử dụng xấu xa cho mục đích cá nhân hay bè lủ thì khiến quần chúng phải lầm than và đất nước lâm vào cảnh nợ nần, tạo gánh nặng cho những thế hệ sau phải trả. Do đó làm cuộc cách mạng trong nội bộ cũng không phải là dễ dàng, còn nếu không thì những yếu tố đó ngấm ngầm là tác nhân cho những cuộc cách mạng bạo lực về sau.

 

Đồ Ngông,

20/10/2013.

*Cao Su.



Tôi có duyên với cây cao su không biết tự bao giờ, nhưng mỗi lần thấy cây cao su là tự nhiên tôi cảm thấy trong lòng hơi vui vui với một màu xanh mát. Cây cao su theo từng giai đoạn tôi lớn lên cho đến ngày tôi rời xa quê hương. Điều đó cũng không có gì là lạ lắm vì tôi được sinh ra trên vùng đất của miền Đông phía nam, nơi vùng đất tương đối khô ráo mà người Pháp thực dân đã khởi đầu lập những đồn điền cao su trong thời kỳ Pháp đô hộ. Sau hiệp định Genève 1954, thực dân Pháp cuốn gói về nước thì những đồn điền cao su ở vùng của tôi không được toàn vẹn như xưa. Người ta đã phá đi nhiều khu cao su để chiếm cứ lấy đất đai trồng hoa màu vào mùa mưa, hay đào những giếng lấy nước mà trồng thêm vào mùa nắng. Đường về quê nội của tôi thì băng qua Gò sở là nơi đánh dấu sở cao su ngày xưa. Lúc tôi biết thì người ta đã phá lần những cây cao su ở đó để trồng đậu phọng, hay thuốc lá, đậu đủa hay vài thứ hoa màu khác. Dần dà những cây cao su cuối cùng cũng được đốn đi và cung ứng cho việc bếp núc trong nhà. Theo đó thì những vườn cao su ở Hóa Nhựt hay khu sở Con Rồng ở trên sân bay nằm trải từ Hòa Thạnh, Bình Quới, Bình Thoại, chạy dài ở giữa các xã Phú Hữu, An Mỹ, Vĩnh Trường vào tận trong xã Phú Chánh cũng cùng chung số phận. Sở Con Rồng chắc cũng khá lớn vì có cả sân bay để máy bay lên xuống mà sau nầy ba tôi hay kể là tụi Nhựt lùn khi chiếm Việt Nam đã bắt dân “làm xâu” (bị bắt buộc đi làm mà không trả tiền công) ở trên sân bay. Lúc tôi lớn thêm chút nữa thì những nơi nầy chỉ còn một số cây cao su loe hoe, riêng ngoài Bình Thoại, Hòa Thạnh thì hai bên đường cao su còn khá nhiều, đường đi mát rượi, xe bò thì đi hai bên đường mà không được chạy trên lộ, rồi trong thời gian sau những cây cao su cuối cùng cũng không còn nữa.

Từ đó, tôi ít khi được nhìn thấy cây cao su trong nhiều năm dài để rồi một ngày nọ tôi đi lên Tân Uyên dự thi vào lớp Đệ Thất của Trường Trung học Phước Thành của tỉnh Phước Thành. Tỉnh Phước Thành là tỉnh mới thành lập, nên trường Trung học nầy được mở trễ sau ngày tựu trường của năm học cả mấy tháng trời! Trên đường lên Tân Uyên tôi phải cỡi xe đạp chạy theo các anh Năm, Huệ, Son, chị Mướp, chị Thay… vượt lên những dốc dài Hố Khởi của ấp Hóa Nhựt, dốc dài Tân Hội rồi qua Tân Long đến cầu Hố Cao, lên dốc dài Hố Cao tôi lại được thấy đồn điền cao su Sở số 10 mà trong đó có trại cùi Bến Sắn, và đi thêm nữa về phía bên tay trái là Sở 49. Trời xế nắng làm trái cao su nẻ vỏ nghe tiếng nổ nho nhỏ và hạt rơi trên mặt đất. Đó là lần đầu tiên mà tôi nghe được tiếng trái cao su nổ tách làm hột văng ra. Rồi chúng tôi qua đoạn đường rừng chồi đến khúc quanh cua Bình Chánh để xe đổ dốc đồi ra ngã ba Bình Hóa và xuôi theo tỉnh lộ 16 mà về Tân Uyên.

Tôi lên Tân Uyên học khi được trúng tuyển cùng với hơn mưòi người cùng học chung lớp Nhứt ở trường Tân Phước Khánh trước kia. Nhưng vì tôi nhỏ con và không đủ sức để cỡi xe đạp đi về mỗi ngày nên ba tôi tìm nơi trọ cho tôi ở lại trên đó cùng với ba người bạn nữa. Chúng tôi ở nhà của bà út Nghệ, mà người ta thường nói trại ra là Ngậy để tỏ vẻ kính trọng bà. Bà cho chúng tôi ở không không lấy tiền. Chúng tôi tự lo nấu nướng và đi quơ hay mua củi về chụm.

Vì trong thời gian chiến tranh cho nên chúng tôi cũng chẳng đi đâu xa. Quanh quẩn chung quanh khu vực đó và lo chuyện học hành. Trường lúc nầy chỉ có một lớp Đệ Thất khoảng 60 đứa với ba thầy: Thầy Trần Văn Khánh, thầy Tạ Kim Anh và ông Tổng Giám Thị Mã Sấm dạy Pháp Văn. Lớp mượn cơ sở của trường Tiểu học Uyên Hưng. Đến năm sau trường có hai lớp Đệ Thất và một lớp Đệ Lục. Năm nầy chúng tôi được tập luyện đi diễn hành ráo riết để một ngày kia những xe GMC quân đội chở chúng tôi cùng nhiều đoàn thể, tổ chức về trên Phú Giáo dự lễ khánh thành tỉnh lỵ mới có tên là Phước Vĩnh. Xe chạy theo tỉnh lộ 16 qua các đồn điền cao su ngút ngàn. Có nhiều sở được đánh dấu bằng số thứ tự xen lẫn với những sở tư nhân nhỏ. Trong các sở ấy nổi tiếng là sở cao su Phước Hòa và những sở của ông Nguyễn Đình Quát.

Ở nhà của bà Út có vợ chồng Bác sáu Bùng cùng hai vợ chồng cô út đều là phu cạo mủ ở sở Kẹc-Bay, đây chắc là tên tiếng Pháp nhưng không biết chữ viết nó ra sao mà chỉ nghe nói là như vậy. Tôi và bạn bè có một ngày đi theo hai bác và cô dượng cho biết cạo mủ như thế nào. Chúng tôi thức sớm và cỡi xe đạp cùng đi.

Khi đi trời hãy còn tối thui, cho nên đến đoạn đường không biết mình đạp như thế nào mà nghe nặng chịch, đứng lên đạp mà xe vẫn hãy chạy chậm. Một lúc mọi người xuống xe, dẫn xe đạp đi. Tôi vừa bước xuống xe thì bị lật té ngang. Dắt xe một đoạn thì lên xe đạp đi tiếp. Không bao lâu đến sở. Chúng tôi đi theo bác Sáu, ông vừa cạo vừa phân tích cho chúng tôi, cạo thế nào và cạo phạm vào sâu ra sao thì cây bị hư lâu lành. Chúng tôi đi trong ánh đuốc và từ cây cao su nầy sang cây cao su khác. Đến gần sáng thì bác Sáu đã cạo xong. Mỗi người phu cạo mủ có hai lô, ngày nay cạo lô nầy, ngày mai cạo lô khác cứ thay phiên như vậy cho đến mùa cao su thay lá thì nghỉ một thời gian đợi chờ cao su tốt trở lại và vào một mùa thu hoạch khác.

Nghỉ ngơi xong, một buổi sáng trong đồn điền bắt đầu. Những tia nắng đầu tiên của mặt trời mọc xuyên qua những cành lá cao su thật là thú vị xen lẫn tiếng các loại chim rừng kêu với những âm thanh, giọng hát khác nhau rất vui tai cùng cái khí hậu ẩm ướt, trong lành của một buổi sương mai sớm. Bác Sáu dẫn chúng tôi đi trút mủ. Mủ cao su trắng tinh chảy vào trong những chén sành treo ở cuối rãnh, bác chỉ cầm chén trút mủ vào trong những thùng tròn bằng thiếc treo hai bên ba-ga xe. Khi nắng lên nhiều, những tiếng trái cao su nẻ võ, hột văng xuống đất, tiếng nẻ võ và tiếng hạt rơi xuống đất nghe hơi não lòng. Bác bắt đầu từ cây khởi đầu đầu tiên, lần lượt cho đến cây cuối cùng. Mỗi lần trút chén xong, bác nắm sợi dây mủ còn đọng, khô ráo trên rãnh rồi bỏ vào túi đeo bên hông. Cứ vậy cho đến hết. Xong rồi, đợi chờ xe cam nhông trần thu mủ đến bỏ lên xe chở về nhà máy cán mủ.

Chúng tôi cũng được tập tành qua giai đoạn cán mủ trong nhà máy. Những miếng mủ lấy lên từ những hầm chế biến được chạy qua những dàn cán hẹp dần cho đến dàn ống cán cuối cùng có hình gai để ép tấm mủ thành như hình dáng nó có trước khi đưa vào nhà xông hay đem phơi và sau đó đóng thành những bành hình vuông đưa ra thị trường và chế biến thành những thành phẩm.

Đó là một ngày mà lần đầu tiên chúng tôi đi theo bác Sáu để thử tập tành về cái nghề mà nhiều người đã sinh sống và nhiều người đã phải “đi phu từ Bắc vào Nam”. Cái chỗ mà tôi té lúc đêm khuya chính là cái dốc cao, hơi đứng có tên là dốc Bà Nghĩa, nơi mà lúc chiến tranh ác liệt sau nầy thường là địa điểm giựt mìn, đụng độ giữa hai bên, tất nhiên là có nhiều người chết. Dốc Bà Nghĩa cũng là nơi mà trong truyện “Cọp Ba Móng” tức là con cọp dữ, khôn ngoan tránh bẫy, một bàn chân chỉ có ba móng đã gây nhiều tai họa đến cho dân chúng ở vùng lân cận nầy đã có lần xuất hiện về đây.

Trong những ngày đi học trên Tân Uyên, với ba năm đầu tôi ở trọ ở nhà của Bà Út Nghệ thì tôi hay đạp xe đạp đi lên vào sáng thứ hai và về nhà vào trưa thứ bảy. Sáng thứ hai tôi thường vào Tân Hội ghé nhà thằng Lực mà đi với nó, có những ngày trời có trăng tôi không biết giờ giấc nên vào đến nhà Lực rất sớm và phải đợi tới giờ mới đi. Có một lúc nọ, vì còn trong thời gian nghỉ lễ nên tôi đạp xe đạp đi trước và vào trong sở 49 ngủ ở nhà ông Năm, ông đã nhiều lần đã giúp cho tôi vải để may quần áo mặc dù gia đình tôi không có dòng họ với ông. Trong vài ngày ở đây tôi cũng đã được thực tập một lần nữa về cách cán mủ. Nước mủ thải ra chứa các hố bên ngoài thật là hôi. Lúc ấy tôi mới biết tại sao đi bên ngoài đường gần nơi nhà máy mủ của sở thật là thúi!

Tôi tưởng chỉ có sở cao su 49 ở khu vực nầy thôi, không ngờ, bên trong kế đó lại có sở cao su Bác Vật nữa. Trong một lần đi học về, tôi theo bạn bè cỡi xe đạp chạy luồn vào bên trong vì đoạn đường từ sở 49 đến ngã ba Bình Chánh không đi được do những cây sao dọc đường bị mấy ông trong rừng cưa ngã nằm chắn ngang đường để cản trở sự đi lại của bên ngoài. Đường đi học càng ngày càng trở nên khó khăn vì các cầu, các đoạn đường thường hay bị đào, đắp mô, đốt cháy nên chúng tôi phải khéo léo cỡi, dắt hay vác xe đạp đi qua.

Tôi còn được một lần để gắn liền với một sở cao su nữa trong thời gian bốn năm học ở Tân Uyên. Vốn là lúc gần Tết năm ấy, bác Sáu con bà Út được giao trông coi văn phòng sở ở gần Đất Cuốc. Bác rủ tôi với Long đi với Bác vào ngủ trong ấy. Chúng tôi cỡi xe đạp chạy vòng qua quận về ngã ba Tân Hòa, Tân Tịch rồi quẹo trái. Chạy hồi lâu, đã đến văn phòng. Sau khi cất xe đạp, lo chỗ ngủ xong xuôi, bác Sáu dẫn tôi và Long đi vòng quanh. Đi đến bìa ruộng thì thấy bên kia cánh đồng không rộng lắm, những xe bò mà người ta chất đầy vật liệu nhà cửa để dời nhà theo sách lược “dồn dân lập ấp” đang tung bụi mù mà đánh đi. Sau nầy tôi mới biết đó là vùng Thường Lang, Đất Cuốc của vùng chiến khu D.

Bẵng đi thời gian dài khi tôi chuyển về học ở trường An Mỹ, Trịnh Hoài Đức hay Sài Gòn, tôi chỉ thấy những vườn cao su nho nhỏ không gây được những niềm nhớ trong tôi. Nhưng khi tôi ra trường bắt đầu cho nghề nghiệp của mình, tôi đi theo Tâm lên Bình Long, An Lộc để một mai tôi phải chọn về Bình Long thì cũng chẳng ngỡ ngàng. Tâm đưa tôi lên Bến Cát, Lai Khê qua Bàu Bàng, Chơn Thành và tiến về An Lộc. Trong thời gian ấy, công ty thầu RMK của Mỹ đang làm con đường xa lộ đi lên Bình Long. Chúng tôi đi qua những đồn điền cao su ngút ngàn, nhưng cao su chỉ còn sâu vào trong khoảng 200 mét từ hai bên đường. Khi về Tâm kêu tôi lái Honda. Với mùa mưa đường trơn trợt tôi đã quăng hai đứa trên đường trong vườn cao su. Đó là kỷ niệm khiến tôi nhớ nhứt đối với đồn điền cao su!

Tôi không về Bình Long vì thứ hạng của tôi hãy còn về được Bình Dương. Tôi chọn về Bình Dương còn trước một hai người. Nhưng Sự Vụ Lệnh của tôi bị trường Sư Phạm giữ lại vì lý do sức khỏe, đợi bệnh của tôi lành thì sẽ phát cho tôi. Cuối tháng 12, tôi cũng nắm được giấy tờ từ Ty Tiểu Học Bình Dương để về Dầu Tiếng mà tên lúc đó là Trị Tâm.

Dầu Tiếng không những nổi tiếng bằng cây dầu mà còn là nơi đóng bản doanh của sở cao su: Đồn điền Michelin. Tôi không biết đồn điền Michelin có bao nhiêu đồn điền tất cả, nhưng số làng thì thuở tôi lên có nghe nói hơn số hai mươi mấy; nhưng vì chiến tranh, an ninh chỉ cho phép tôi biết đến ấp 5 hay làng hai. Lúc đó tôi mới thực sự biết đến đồn điền Michelin, chứ trước đó chỉ biết cái vỏ xe hơi Michelin mà thôi!

Trước khi chúng tôi đến Dầu Tiếng thì phải qua khu vực đồn điền Bến Củi của tỉnh Tây Ninh (vì trong thời gian chiến tranh ấy đường từ Dầu Tiếng về Bình Dương bị cắt đứt ở vùng Tam Giác Sắt mà Bến Súc là tâm điểm). Khu vực đồn điền Bến Củi cũng bị ủi sạch cao su hai bên đường như đường lên Bình Long, chắc có lẽ bên quân đội sợ bên trong rừng phục kích hay đặt mìn dọc đường. Cái không khí trong lành, bóng râm dịu mát, hay những luồng lá bay xạc xào trên đường không có nữa. Băng qua con đường đất đỏ được đổ cao trên cánh đồng để chạy về cầu sắt bắt qua sông Dầu Tiếng (tức đầu nguồn sông Sài Gòn) thì chúng tôi đến Bo (có thể do chữ (Port) của tiếng Pháp) hay là trụ sở của đồn điền Michelin. Đi qua ngã ba Ba-rắc và về chợ Dầu Tiếng. Chúng tôi ở trọ tại dãy phố trước rạp hát cũ Dầu Tiếng, nằm sát vòng rào của trụ sở quận.

Ở Dầu Tiếng hai năm tôi lại kết thân với cao su, nhất là năm thứ hai khi Trường Sơ Cấp Ấp 2 Định Thành tạm thời được dời về dãy phòng trống của Trường Trung Học Tỉnh Hạt Trị Tâm. Những buổi trưa hè, ngồi trong lớp với không khí oi bức nghe ve sầu kêu vang rân ngoài vườn cao su ở phía sau, thỉnh thoảng những trái cao su nẻ vỏ “tách tách” rồi tiếng hột cao su rơi trên những lá cao su khô và đâu đó có tiếng một vài cành khô gãy rơi xuống đất khiến cho lòng tôi lại nhớ miên man, và những nỗi buồn vô cớ xen vào; từ ấy tôi lại bắt đầu bằng những vần thơ cho một vùng kỷ niệm.

Dầu Tiếng đối với tôi có thật nhiều điều đáng nhớ, nơi cũng có vài hình bóng của quá khứ khó quên! Bây giờ tôi đã biết mùa thu, mùa thu lá rụng đầy giống như lá cao su bay bay vào những ngày cuối năm, bay trơ trụi chừa những cành cây như những bộ xương đưa lên khung trời bảng lảng và rồi nó ra đầy lá non, một màu xanh mơ mộng, với những chùm lá còn búp đầy sức sống trong đó mà tôi, Ẩn, Văn, Vui đã được chiêm ngưỡng giữa những hàng cao su thẳng tắp của đồn điền cao su bên Bến Củi vào ngày đi đường tắt từ Khiêm Hanh qua Bến Củi để về Dầu Tiếng sau những ngày nghỉ Tết và trở về nhiệm sở của một năm nào!

 

Nguyên Thảo,

15/09/2013.

*Quốc Lộ 13.


*Thơ Về Bình Dương!       (tt)



*Cầu Phú Cường.

 

Chiếc cầu đã bắt qua sông

Khiến người chẳng phải ngóng trông đợi đò

Nhưng mà lại chạy vòng vo

Khiến người cũng phải gọi đò, đợi mong!

 

Đồ Ngông,

20/04/12.

 

 

 

*Ngã Ba Lò Chén.         (Thị xã Phú Cường)

 

Ngã Ba ở chỗ lưng đồi

Vừa khi đổ dốc chạy về Nghĩa Phương

Chạy qua những phố những phường

Đầy đầy chén bát, ồn ào dĩa khua

Vui vầy kẻ bán người mua

Đúng khu lò chén, tiếng “khua” có thừa!

 

Đồ Ngông,

21/04/12.

 

 

 

*Quốc Lộ 13.

 

Bình Dương có lộ mười ba

Đi qua Thị xã, đi về Lộc Ninh

Trong thời tàn khốc chiến tranh

Nhiều nơi chiến tích, nhiều nơi xác người!

 

Đồ Ngông,

22/04/12.

 

 

 

*Bưng Cầu!

 

Tay “bưng” lấy rổ mãng “cầu”

Lên Tương Bình Hiệp mà rao bán hàng

Nếu nào ai chẳng chịu sang

Thì xin trao đổi sơn mài được không?

 

Đồ Ngông,

22/04/12.

Wednesday, October 16, 2013

*Một Dân Tộc Đứng Lên!


*Thơ Đồ Ngông!              (tt)



*Tham Vọng.

 

Muốn mình được mạnh ở trên cao

Thiên hạ tung hô, lại cúi chào

Nhất nhất muôn nơi đều cúi mặt

Một mình ta ngất ngưỡng trên cao.

 

Muôn năm vạn tuế mãi bầy tôi

Quỳ mọp cong lưng vẫn giữ lề

Không vãn, không than thân phận bé

Không buồn, chẳng nghĩ thoát cơn mê!

 

Muốn trùm thiên hạ, muốn ôm vào

Thế giới con con chẳng lớn đâu

Tay với đen xì nhơ với nhớp

Ngàn năm tham vọng cả con tàu!

 

Đồ Ngông,

13/10/2013.

 

 

 

*Xin Đừng Làm Khổ Nhau!

 

Cuộc đời đã khổ lắm rồi

Vui chi người lại gieo điều khổ đau

Muốn bao cho đủ sang giàu

Sống bao cho đủ lòng người đầy tham

Mình vui, vui thích an nhàn

Người người thiếu thốn, nỗi sầu không vơi

Lửa nung sùng sục không nguôi

Người ơi thương lại cho đời thế nhân!

 

Đồ Ngông,

15/10/2013.

 

 

 

*Thù Hận!

 

Mãi mang thù hận trong lòng

Giết ta, ta lại giết người chung quanh

Ngày xưa ta đã đày người

Sao ta không thấy, thấy người hại ta

Sống đời như kẻ phương xa

Biết ta, ta chẳng biết còn có ai!

 

Đồ Ngông,

16/10/2013.

 

 

 

*Một Dân Tộc Đứng Lên!

 

Một dân tộc đã vùng lên

Tạo thành một thế đứng

Sau ngàn năm nô lệ cúi đầu

Với một trăm năm xiềng xích ngoại bang.

Dù máu chảy

Dù bao người ngã xuống

Đốt cháy cả ruộng đồng, đá núi

Vùng cả lên

Cho hai chữ tự do.

Châu chấu nhỏ

Vươn chân đá trứng

Voi ngã nhào vì tổng lực mà nên!

 

Nguyên Thảo,

15/10/2013.

*Hận Thù!


*Chuyện Tào Lao 2.       (tt)


Nói đến hận thù là nói đến sự kéo dài, ẩn uất, thầm lặng và hành động biểu lộ trong thời gian lâu dài không biết đến bao giờ mới giải quyết được. Nếu làm theo như Đức Phật có đề cập đến: “Oán báo oán, oán chập chùng. Lấy ân báo oán oán tiêu tan”, thì có lẽ trên đời nầy người ta trở nên hạnh phúc và nhiều tình thương với nhau chứ không phải là một cuộc đời đau khổ triền miên kéo dài trong suốt cuộc sống của mỗi con người. Hận thù luôn ẩn nấp trong tâm tư để rồi nó hành hạ những người mang nó không có được cuộc sống yên bình trong thời gian dài, nhiều lúc nó trở nên sôi động như ngọn núi lửa hoạt động dữ dội và có những lúc lắng dịu nằm ẩn để chờ thời điểm mà bùng phát trở lại. Điều đó, khiến chúng ta thấy “mắt đền mắt, răng đền răng” là một câu chuyện thường tình của con người chứ không có gì là thần thánh cả. “Mầy tát tao một cái, tao tát lại mầy một cái, hoặc phải nhiều hơn một cái mới là thỏa đáng vì mầy đã khiêu khích tao”. Con người thích chơi trong những cuộc chơi có nhiều mạnh bạo, hay hận thù kéo dài mới là những thích thú của đời người, vì cuộc sống quá trầm lặng khiến cho người ta nhàm chán, không thích thú. Chính vì thế nên người ta phải bày ra, chọn những đối chọi để chia phe chơi với nhau như trong thời con nít, hay theo những phe đối nghịch và bắn giết lẫn nhau để thỏa mãn trong cuộc đời nầy. Và nếu như không nuôi những căm thù oán hận trong lòng thì khi chết đi họ chưa hài lòng vì cuộc chơi chưa được hoàn tất như họ mong muốn, mặc dù khi họ chết chẳng có gì để họ mang theo ngay cả bản thân của họ. Những cặp đôi đối nghịch, những triết lý mâu thuẫn trong đời hay những tôn giáo cần phải tranh nhau vươn ra toàn thế giới không cần đến tiêu chuẩn “Chân, Thiện, Mỹ” mà có thể đôi khi những tôn giáo ấy cần dùng những thủ đoạn thường tình của con người để tranh làm “bá chủ” hay thỏa mãn tự ái của một vùng miền hay sắc tộc nào đó. Điều ấy cũng được sự tiếp sức cùng kế hoạch của những người lãnh đạo, nó chẳng khác gì một đảng phái chính trị, hay một phe nhóm có nhiều tham vọng nhưng nó ác độc hơn nhiều vì điều khiển tự trong tâm thức, lòng hay nói đúng hơn là bằng “đức tin”! Do đó, chúng ta không thấy sự thù hận nào tàn khốc hơn bằng sự thù hận qua hình thức tôn giáo.

Thông thường khi mỗi con người không thích nhau đã có nhiều để ý đến nhau và những lời phát ngôn, hoặc những lời không tốt đẹp được phát ngôn để thỏa mãn với lòng mình hoặc có ý tưởng lôi cuốn người ngoài về với mình để nhìn đối thủ là không đúng nên sự kiện lại càng phức tạp hơn. Đó là chúng ta chỉ nói đến từng cá nhân sống trong xã hội, còn nếu đứng về những phương diện to tát hơn như những tổ chức, đảng phái chính trị thậm chí đến nhiều tôn giáo nữa họ sử dụng đến nhiều thủ đoạn khôn lường có thể là tinh tế, có thể là thẳng thừng mà không cần đến che đậy để thực hiện cái mục đích và cứu cánh của tổ chức của mình.

Hận thù khiến con người muốn thanh toán, triệt hạ nhau để mình trở thành kẻ chiến thắng và cầm đầu. Lúc còn chống đối nhau, tùy theo thực lực mạnh hay yếu mà họ tiến hành những phương cách đấu tranh. Yếu thì dùng chước, dùng cách đánh lén; mạnh thì lấn lướt, tấn công. Kẻ thống trị bao giờ cũng dùng đến những biện pháp trấn áp, những hình phạt độc địa để kẻ đối nghịch không dám chống lại nữa. Khi kẻ yếu lật được trở lại thì họ cũng dùng những phương cách như vậy. Cho nên hận thù cứ mãi kéo dài không biết đến bao giờ, và con người cứ mãi sống trong hận thù! Chỉ tội cho dân chúng thường mà thôi: “Trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết”! Kẻ thù hận nhau, hành hạ nhau không được đâm ra hành hạ người dân cho thỏa mãn tức giận của mình. Những kẻ chống đối nhau cũng luôn dựa vào lực lượng hùng hậu dân chúng để được che đậy, giúp đỡ, nuôi nấng, hậu thuẫn để làm một cuộc vùng dậy thành công. Nhưng đến khi thành công thì quyền lợi của bản thân và của phe nhóm, đảng phái mình là chính, người dân bị lãng quên và nhiều lúc lại bị bốc lột nữa. “Làm cho dân, phục vụ cho dân” chỉ là những tiêu đề ma mị, để lừa đảo người dân an nhàn trong sự bị bốc lột và chà đạp. Thử hỏi họ đã làm gì cho người dân được sung sướng, hạnh phúc! Muôn đời vẫn vậy! Chẳng có triều đại nào sáng giá lâu dài trong suốt chiều dài lịch sử cả, kể cả trong thời đại gọi là dân chủ nhất!

Đã chẳng được vậy mà thế lực hận thù lại muốn lôi cuốn nhiều người vào trong cái niềm hận thù của họ, họ hận thù cũng muốn nhiều người sống trong hận thù như họ. Lôi kéo được nhiều người chừng nào tốt chừng nấy! Họ chẳng hiểu “Lấy tình thương xóa bỏ hận thù” là gì và cũng chẳng bao giờ họ thèm hiểu!

 

Đồ Ngông,

29/09/2013.

Thursday, October 3, 2013

*Mùa Thu!




Tôi nghe nói đến mùa Thu, tôi học về mùa Thu rất nhiều, nhưng tôi đã chưa cảm nhận được mùa Thu khi còn ở quê nhà. Bởi lẽ, tôi là đứa bé được sinh ra và lớn lên gói gọn ở vùng đất miền Đông, nơi chỉ có hai mùa mưa nắng. Tôi thích lắm bài “Tôi đi học” của nhà văn Thanh Tịnh: “Hàng năm cứ vào cuối thu lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường…” Hay có lúc tôi đọc những câu thơ của Bà Tương Phố:
“Trời thu ảm đạm một màu
Gió thu hiu hắt cho sầu lòng em
Trăng thu bóng ngã bên thềm
Tình thu ai để duyên em bẽ bàng.
Rồi các bài “Thu Điếu, Thu Ẩm, Thu Vịnh” của Nguyễn Khuyến. Hoặc:
“Em có nghe mùa thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô…”
 
của Lưu Trọng Lư. Rồi tôi lại nghe đến bài “Mùa Thu Paris” của Nguyên Sa,  những bài hát ca tụng mùa thu của Trịnh Công Sơn hay của Ngô Thụy Miên khiến tôi lại thường tưởng tượng cho khung cảnh của một mùa thu nào đó. Trí tưởng tượng của người ta thường hay quái ác, tưởng tượng và mơ mộng những gì mà mình chưa chứng kiến để rồi mình lại mơ mộng, giấc mộng được kéo dài thêm ra. Quả thật tôi cũng chẳng là ngoại lệ! Ở miền nam hai mùa mưa nắng làm gì có mùa thu, rồi người ta đi chụp những bức ảnh trong rừng cao su vào thời gian cao su thay lá để tưởng tượng đó là khung cảnh mùa thu. Mà cũng đẹp và mơ mộng thật! Tôi và bạn bè cũng đã từng “đạp trên lá vàng khô”, đã từng ngước nhìn lên bầu trời có nhiều mây bàng bạc, có những con chim đứng trên cành trụi lá, hay chúng tôi chứng kiến những lá bay bay theo gió, nhưng chúng tôi cũng không tận hưởng được mùa thu vì đó là khoảng thời gian vào cuối năm. Thế nhưng tôi lại thích nhìn những lá cao su bay bay vào lề mỗi khi có xe hơi chạy qua, cuốn những chiếc lá rơi rớt trên đường với những âm thanh nho nhỏ xạc xào.
Rồi trong những sách, tạp chí có những ảnh mùa thu, tôi ráng cố giương mắt lên nhìn, quan sát để xem mùa thu nó ra sao. Tôi bắt chước như Trịnh Công Sơn để “Nhìn những mùa thu đi”. Tôi cố lắm, nhưng tôi chẳng nắm bắt được bao giờ! Tôi nhớ lại thời gian còn đi học, cỡi xe đạp đi trên những bờ ruộng vào những ngày đầu tựu trường tôi nhớ các điều Thanh Tịnh diễn tả với “Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh…” hoặc Nguyễn Khuyến “Ao thu lạnh lẽo nước trong veo”, “Sóng biếc theo làn hơi gợn tí, Lá vàng trước gió sẻ đưa vèo, Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt”; với những hình ảnh ấy tôi thấy trên cánh đồng vào những tháng nầy sao nó có hơi hướng mùa thu lạ. Trên bầu trời đầy mây, gió hiu hiu hơi lành lạnh, nhất là sương mù giăng giăng, người đi trên bờ ruộng mờ mờ xen lẫn với những bông lúa đong đưa, người ta nói sương mù nầy làm cho lúa đang trổ đòng đòng sẽ ngậm bông, làm hạt. Không biết thế nào, chứ tôi nghe mặt mình lành lạnh vì sương và gió. Những lúc chúng tôi dắt xe đạp qua cầu khỉ bắt ngang những vũng nước lớn trên cánh đồng thì gió nhẹ thổi làm nước lăn tăn mà thằng bạn tôi nó cứ ngỡ là cầu chạy, nó đành ngừng ngay giữa cầu khiến chúng tôi cũng không làm sao qua cầu cho được. Ôi âu đó cũng là những điều vui và đầy kỷ niệm với những gì mình chưa được biết và háo hức để được biết.
Thế rồi với thời gian lớn dần, tôi bằng lòng với những gì tôi có, không còn tưởng tượng mùa thu ra sao nữa, mà cũng chẳng bận lòng. Nhịp sống dồn dập, ai cũng lo tìm ăn trối chết trong những năm hòa bình, người ta làm mà quên mình để tìm một cuộc sống đầy đủ đã là khó thì ai hơi đâu mà còn biết đến cái mùa.
Rồi một ngày nào đó tôi lang thang trên vùng đất ở Nam bán cầu nầy để được “nhìn những mùa thu đi”. Quả thật như là cơn mơ! Tôi đặt chân lên xứ người khi trời “chớm thu” (bắt đầu vào thu). Tôi nghe khí trời lành lạnh, có những ngày mây tràn đầy và mưa lất phất bay. Ở trong trại tiếp cư được lo lắng đầy đủ, nhưng từ xứ nóng đến xứ lạnh ban đêm cần đến lò sưởi, sưởi như vậy mà vẫn nghe còn lạnh. Sưởi đến khô cả cổ vì không khí bị đốt nóng đến khô khan. Để thêm nước cho dung hòa độ ẩm. Những ngày nắng ấm thì còn đỡ, những ngày trời âm u gió nhiều thì ráng đi nhanh nhanh như trốn chạy cơn lạnh. Mưa khá nhiều, đất ướt hơn làm cho những cây gần rào to lớn thế kia mà lá bắt đầu úa vàng. Mùa thu đã đến trên cây. Có cây với bộ lá màu nâu nâu, đo đỏ, vàng ửng, vàng óng lên. Những cơn gió nhẹ cũng làm rơi đi vài chiếc lá vàng. Lá rời cành lảo đảo theo chiều gió lần rơi xuống đất. Vài cơn gió mạnh thổi qua, lá bay hàng loạt tắp vào mặt người đi bộ mà không thương tiếc. Người ta bắt đầu mặc áo dầy hơn, thân được to ra. Trên đường phố đầy những chiếc lá rơi. Lá bay trên đường, lá chạy vào phố, lá chun vô hóc hẻm với tiếng kêu xào xạc, lá gom vào góc phố, góc đường để một cơn gió khác tới lại móc nó ra. Lá nhỏ, lá to có nhiều sắc màu pha trộn vào đó để mưa xuống chúng nằm im trong cùng một màu sắc khô đen. Những cành cây trụi lá vươn chọc lên bầu trời để ló ra những khung tường gạch đỏ hay những nóc nhà với những màu khác nhau. Cảnh vật quang đãng hơn trong một bầu trời xám xịt đầy mây! Vì những lá xanh che khuất ngày trước đã không còn!
Tôi cũng thấy mùa thu trên những cánh đồng trồng nho, những hàng nho lá trở nên vàng óng sau những ngày hè mà người ta đã thu hoạch xong. Hay nhìn lên những hàng cây táo hoăc lê mà thấy những sự trở màu của lá để rồi khi gió đến từng loạt những chiếc lá bay đi, lá “cuốn theo chiều gió” để lại những chiếc cành lặng lẽ chịu đựng trong mùa đông!
Những buổi sáng đi trên đường nhìn vào, trông cánh đồng có những vệt sương mù dù dầy hay mỏng biết đó là những nơi mà không khí lạnh sát mặt đất khiến hơi nước từ cỏ bốc lên đã ngưng tụ lại thành mây là đà ngay trên đó. Tôi cũng đã chứng kiến nơi những ao, hồ, dòng nước, dòng sông có những luồng khói, hơi bay lên mà khoa học giải thích là: Vì ban ngày nước hấp thụ năng lượng mặt trời và giữ được năng lượng lâu hơn nên khi không khí trên mặt trở lạnh nhanh, sự chênh lệch nhiệt độ ấy khiến nước bốc hơi, hơi nước trong mỗi độ chỉ chứa với một số lượng hơi nước nào đó thôi, còn những lượng dư ra thành những giọt nước nhỏ li ti kết hợp lại thành hơi sương, khói nhẹ bay lên. Sương khói nầy vừa bay lên vừa theo ngọn gió nên chúng dạt, trải dài theo ngọn gió. Ngày xưa khi chúng tôi còn nhỏ, trong những ngày mưa, mây xuống thấp cứ nghĩ cùng nhau lấy đòn gánh giơ lên là sẽ đụng được mây và tọt (thọc và đẩy) mây lên; nhưng có thật nhiều lúc mình đi trong mây mà mình không biết: Vì lẽ đơn giản mây trên mặt đất chính là sương mù. Đúng là những ngày nhỏ hãy còn “ngây thơ”!
Tôi cũng từng đi trên những vùng núi vào mùa thu sang. Xen lẫn những vùng cây còn có màu xanh tươi là những ngôi nhà có trồng những cây trở lá của mùa thu hay những cây rừng tự nhiên trở màu. Vừa được ngắm phong cảnh vừa nhìn màu sắc, những màu vàng óng, vàng cam, màu đỏ, màu nâu, màu khô cháy… điểm xuyết xen nhau và lại được nhìn sương mù, hay những làn mây mong mỏng nho nhỏ mới vừa thoát bay lên từ ao hồ cùng với cái lành lạnh của khí trời tương đối ẩm ướt và làn gió hơi lành lạnh “heo may”!
Tôi đi, đi lẩn thẩn, trầm ngâm như một thi nhân lặng lẽ trong khu vườn để ngẫm nghĩ đến một triết lý của mùa thu. Người ta trồng những cây dị ứng để mỗi khi vào thu bao nhiêu người đến đây chiêm ngưỡng “mùa thu về trên cây lá”! Những sắc màu của một khu vực, từng cơn gió nhè nhẹ thoảng qua, những chiếc là vàng tơi tả bay bay theo chiều gió; hoặc chúng tung lên hàng loạt với những cơn gió hung tàn mạnh bạo. Chiếc cầu nho nhỏ vắt qua ao nước, làn khói sương từ mặt nước bốc lên mà tôi cứ tưởng tượng đến câu thơ của Thôi Hiệu “Yên ba giang thượng sử nhân sầu” (Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai - Tản Đà dịch) để rồi tôi lại tự vấn “hương quan hà xứ thị”? Tôi còn đi lang thang dưới những tàn cây lá nhỏ dẫm trên thảm lá màu nâu đỏ và nhìn những tia nắng xiên len qua những lá, tàng, hàng cây thật yếu ớt mà chiếu lên mặt đất.
Có những lúc tôi cũng hay ngồi uống cà phê để nhìn “mùa thu phai”, những chiếc lá sau cùng của các cây ăn trái ở sau vườn, cây nectarin màu vàng óng, lá dài mỏng, cây apricot lá hình trái tim, hơi tròn màu vàng đậm đà hơn, cây đào lông màu vàng nghệ có điểm nâu đỏ, cây mận tây, cây cherry màu nắng cháy, những cây hồng màu nâu đỏ trên chiếc là dày, cứng làm cho tôi cảm thấy mình giống như một nhà thơ đi tìm cho mình một khung trời mùa thu ở trong vườn. Nghĩ thế, tôi lại nhớ đến bài “Nhớ mùa thu Hà Nội” của Trịnh Công Sơn:
“Hà Nội mùa thu! Cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ nằm kề bên nhau phố xưa nhà cổ mái ngói thâm nâu. Hà Nội mùa thu – Mùa thu Hà Nội. Mùa hoa sữa về thơm từng cơn gió. Mùa cốm xanh về thơm bàn tay nhỏ phố sữa vỉa hè thơm bước chân qua…”
Và rồi, bây giờ tôi đã được thấy, được nhìn, được ngắm, được suy ngẫm về một mùa thu trong thơ, nhạc và cả cái triết lý của cuộc đời!
Ôi! Mùa thu sang!
 
Nguyên Thảo,
22/09/2013.