Saturday, May 22, 2010

Viết Cho Con: 4- Sự May Mắn Của Chính Mình!

Con ạ,

Chắc có lần, con đã nhìn thấy trên truyền hình chiếu cảnh những người dân Phi châu bị đói và chết đói. Họ gầy còm chỉ còn xương bọc da, ruồi bu vào mặt họ, mà họ không thể xua tay đuổi được! Và dân ở Bosnia phải di tản vì chiến tranh, cái chết có thể đến với họ bất cứ lúc nào. Nhưng con rất là bình yên, được ăn uống đầy đủ, đi chơi thoải mái, ấy là một sự may mắn của con rồi đó!

Và nếu so sánh với dân tộc của chính mình, con có biết đâu biết bao đứa trẻ còn ở Việt nam, trong đó có rất nhiều bạn, bạn học của con phải vất vã hơn con nhiều. Ba không biết bây giờ con có còn nhớ chúng nó không? Và con có nhớ chút nào về sinh hoạt ở Việt nam không? Thôi thì Ba cũng viết để nhắc lại cho con hiểu rằng: "Con đang có nhiều sự may mắn"!

Con thử tưởng tượng lại, sáng sớm có nhiều đứa trẻ phải thức dậy phụ cha mẹ quét sân, quét nhà trong khi mẹ nó phải sửa soạn cơm nước, cha nó chuẩn bị bò, xe để đi làm. Sau đó, chúng có thể coi lại bài đợi tới giờ đi học. Bây giờ kinh tế tương đối đỡ hơn, chúng có thể có xe đạp mà đi. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều đứa vẫn phải đi bộ; chỉ hai, ba cây số phải mất gần một giờ đồng hồ mới tới trường. Có những ngày trực nhật, chúng phải tới lớp sớm hơn để quét dọn lớp học; chứ không như ở đây có người lo sẵn cho con, tới giờ con vào học và hết giờ con ra về.

Con ạ! Ngoài một buổi học học rất nhiều môn, ềŠ nhà chúng phải phụ giúp cho gia đình nữa: Đứa thì gánh nước, bửa củi; đứa thì đi chăn trâu, chăn bò; đứa thì cắt cỏ. Nói chung, đứa nào cũng phải làm công việc phụ giúp cho gia đình và cha mẹ nó cả. Sau bửa cơm chiều, chúng mới ngồi vào bàn học, học bài cho ngày mai. Có những đứa gia đình nghèo quá, thiếu thốn sách vở, hay lâu lắm mới có chút đỉnh tiền để ăn quà. Từ đó, con hãy nhìn lại chính mình: Con được cấp tiền đi học, sách vở đầy đủ, quần áo lành lặn, đẹp đẻ, giày mắt tiền,...Con đi tới trường có xe đưa rước. Con không phải làm phụ công việc nhà. Công việc chính của con chỉ ăn, học, ngủ và đi chơi! Thỉnh thoảng, Ba Mẹ mới cần tới con để phụ giúp chút ít thôi. Thông thường, những ngày cuối tuần con dành nhiều thì giờ vui chơi với bạn. Nếu con nhìn kỹ lại thì con rất ư là hạnh phúc...!

Nhưng con ạ, thời gian đi qua rất nhanh, và nó đã đi rồi thì không thể kéo trở lại được. Bây giờ nếu con không biết sắp xếp thời gian để học tập, để tập luyện, chuẩn bị cho mình một tương lai tốt đẹp; con mãi vui chơi, đi bê tha với bạn bè thì ngày mai kia bạn con và chính con không có được một khả năng nào để xin được một công việc nhàn nhã, khoẻ khoắn mà lại kiếm được nhiều tiền.

Hiện tại con đã và đang được hưởng sự may mắn, con hãy nhân cơ hội nầy, nương vào đó lập thành một kế hoạch học tập, tập luyện để chuẩn bị cho tương lai của chính mình!

Này con, Con có nghe kể chuyện "Con thỏ và con rùa chạy đua" chưa? Chú thỏ ỷ mình chạy nhanh hơn chú rùa, chú cứ la cà, dạo chơi vui đùa với bướm, ngắm những cành hoa, ngắm trời và nằm nghe gió mát rồi chú ngủ quên. Khi tỉnh dậy, chú giật mình chạy thật nhanh, nhưng con rùa đã đến đích trước rồi! Chú rùa giống như người tối dạ, học không nhớ dai nhưng sự chăm chỉ, bền chí, miệt mài đã khiến chú rùa đạt được thành công, đến đích trước. Cũng cùng ý đó, tục ngữ Việt nam có câu: "Có công mài sắt, có ngày nên kim". Và người Tây phương họ nói: "Talent is a long patience" (Tài năng là một sự kiên nhẫn lâu dài), con nên nhớ là "long patience"! Chứ không phải là một ngày, một buổi. Tới đây con có thể hiểu được không? Và con có quyết định làm kế hoạch và tiến theo kế hoạch của mình không? Hãy cố gắng lên con ạ! Một thời gian ngắn chịu khó mà được sung sướng cả đời. Vài năm đi chơi ít, con sẽ được mấy chục năm có tiền và đi chơi thoải mái. Hay là con muốn bây giờ đi chơi thoải mái, để sau nầy kiếm công việc làm vất vả, đổi mồ hôi sức lực lấy một ít tiền cho cuộc sống mai sau...!

Sau đây, Ba chép lại cho con bài học thuộc lòng, mà Ba đã học lúc Ba còn nhỏ để con suy nghiệm và tận dụng thời gian may mắn nhất của con:


Thì giờ thấm thoát thoi đưa
Nó đi đi mất, có chờ đợi ai
Con ơi! Chớ nên dông dài
Đừng như con bướm là loài chơi không
Con ơi! Nên hãy gắng công
Như con ong mật vốn dòng siêng năng
Mấy lời dạy dỗ nên chăng
Hãy ghi tạc dạ để hòng trị thân
Nữa mai thiên hạ xoay vần
Con đem tài sức đền ân nước nhà.

Nguyên-Thảo,
07-08-2000

Viết Cho Con: 3- Hãy Thương Yêu Mẹ!

Con yêu dấu,

Không phải kể ơn khi Ba viết về đề mục nầy. Nhưng ít ra khi làm con người có suy nghĩ, có được ý thức, tức là con đã biết mình thương người nào, ghét người nào; và con cũng cần nên biết Ba Mẹ mình đã làm những gì cho mình, và làm việc ấy với mức độ hi sinh ra sao? Nhiều hay ít?

Ba không biết bây giờ con có người yêu hay bạn gái chưa? Tình yêu con dành cho người bạn gái thế nào? Gần thì vui, xa thì nhớ phải không con? Tình yêu ấy mới chỉ là mãnh liệt, bộc phát trong khoảng thời gian nào đó thôi. Chứ còn một thứ tình yêu khác mà con không thể tìm ra được khi Ba Mẹ đã mất! Đó là tình Ba Mẹ thương con!

Chắc có lần con đã ngắm nghía và quan sát một bông hoa từ lúc nó còn búp đến khi nó nở, tàn rồi trở thành trái. Đó là một lẽ của tạo hóa! Thời gian mà con thích nhìn nó nhất là lúc nó nở hoàn toàn. Có những cánh hoa mềm mại, màu mơn mỡn, nhụy lấm tấm vàng, đẹp đẽ làm sao ấy! Và lúc mà hoa ấy bắt đầu úa để tạo thành trái là lúc con không thích nhìn nữa. Đấy là giai đoạn của loài hoa. Con người cũng không khác hơn bao nhiêu con ạ! Con người lúc bắt đầu dậy thì, phát triển như bông hoa đang độ búp. Khi hoa nở là lúc thanh niên nam nữ vào lứa tuổi yêu đương. Cho nên người xưa mới gọi thời kỳ ấy là "Tuổi thanh xuân" hay "Thời kỳ hoa bướm", giống các con hiện nay vậy. Các thiếu nữ là những bông hoa. Hoa nở ra mỗi bông một vẻ, màu sắc mơn mỡn xinh tươi, tràn đầy sức sống, lay mình trong gíó để chào đón các cánh bướm "chàng trai" đang nhởn nhơ, tung cánh khoe màu sắc của cánh mình. Con thấy cảnh ấy có nên thơ không? Chính vì vậy, những vần thơ tình, những bài hát yêu đương, những tiếng còi sinh hoạt thanh niên đều vào thời ấy cả! Và đó, cũng là thời kỳ nhiều kỹ niệm nhất được gom góp bỏ vào "rương cuộc đời" để về già, ngồi uống nước trà mà nhớ lại!

Khi con chọn được người yêu và tiến đến hôn nhân, quyết lập gia đình tức là bắt đầu vào giai đoạn khác của con người. Những năm đầu chưa có con, hai vợ chồng vẫn còn thoải mái, đi đây đi đó, vui vẻ lẫn nhau. Khi có con thì cặp vợ chồng nào cũng vậy: Cũng phải lo lắng, nghĩ đến làm thế nào chăm sóc cho con. Làm có tiền để lo cho con đầy đủ. Con mình phải đẹp thế nầy, thế kia. Ngoan thế nào? Học giỏi ra làm sao?

Mỗi bước trưởng thành của cái thai là mang thêm một suy tính cho người mẹ và suy nghĩ cho cả người cha. Đôi khi cái thai làm cho người mẹ ăn không được ngon, uống không được thoải mái. Hoặc đôi lúc sức khoẻ yếu kém, nhưng người mẹ vẫn thấy thích thú: Vì mình sắp có con. Bước đi ấy phải mất 9 tháng 10 ngày!

Sự đau đớn của Mẹ sinh con ra không phải là đơn giản. Chắc có lúc, con đã coi phim trên truyền hình, có vài đoạn phim chiếu cảnh người mẹ sinh con, quả cực khổ vô ngần như Thánh Kinh đã viết: "Ngài (Đức Chúa Trời Giê Hô Va) phán cùng người nữ rằng: Ta sẽ thêm một điều cực khổ bội phần trong cơn thai nghén; ngươi sẽ chịu đau đớn mỗi khi sinh con;..." (Sáng thế ký; 3:10).

Khi con ra đời, nhìn thấy con trọn lành, mẹ con mĩm cười, hôn đứa con mình lần đầu tiên: Sao mà dễ thương quá! Rồi nửa đêm con thức giấc đòi bú, ỉa, đái hoặc con khóc; tất cả sự việc đó mẹ con đều phải thức, giấc ngủ chẳng được ngon! Chứ không như bây giờ, mẹ con kêu con dậy để học bài vì trời đã tối, con lại cự nự, cằn nhằn. Hoặc kêu con ngủ sớm để mai dậy sớm thì con cũng lớn tiếng, cộc cằn. Đó là chưa kể đến ngày thì mẹ phụ cùng ba, tối về con lại bị bệnh nóng sốt hay khóc suốt đêm, thì con cứ thử nghĩ: Mẹ con sẽ phải làm gì? Mỗi năm con mỗi trưởng thành, mỗi năm mẹ con phải lo nhiều hơn. Ai đi làm, ai cơm nước, ai giặt giũ quần áo cho con, ai dậy sớm thức khuya. Công sức ấy rất nhiều con ạ! Đó là tình mẹ thương con! Nếu "công cha" chỉ cao "như núi Thái sơn", thì "Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra", không bao giờ dứt. Nếu con đã hát karaoké, thì ba nghĩ ít ra cũng có một lần con hát bài "Lòng mẹ" của nhạc sĩ Y-Vân: "Lòng mẹ bao la như biển Thái bình dạt dào" và "lòng mẹ như dòng suối hiền ngọt ngào" và nhiều...nhiều nữa! Con cảm thấy lòng mình thế nào khi con hát?

Có một câu chuyện hồi nhỏ ba học, bây giờ ba kể lại cho con nghe. Chuyện đó nói về lòng mẹ thương con: "Một ngày kia, có một người thợ săn đi vào trong rừng săn thú. Đi đến một rừng cây nọ, người thợ săn thấy con vượn mẹ đang cõng con vượn con chuyền qua cành. Người thợ săn liền lấy cung tên nhắm bắn con vượn mẹ. Con vượn trúng tên. Biết mình không thể sống được nữa, con vượn mẹ liền cho con bú, xong rồi lăn ra chết. Con vượn con bò quanh vượn mẹ kêu gào! Người thợ săn bắt luôn con vượn con đem về nuôi. Nhưng liền mấy ngày nó không ăn, không uống rồi cũng chết".

Con có hiểu chuyện kể ấy không? Vượn mẹ thương con đến lúc sắp chết vẫn còn sợ con đói và vượn con thương mẹ cũng không ăn, không uống mà chết. Thì đối với con người, tình thương con còn sâu đậm hơn nữa con ạ! Mỗi lúc con đi chơi về khuya, con đâu biết mẹ con cứ thức giấc chờ con. Con càng về khuya thì mẹ con càng bồn chồn, không an lòng! Thực ra, tình mẹ bỏ ra không bao giờ tính toán đúng như câu:

Mẹ nuôi con như biển hồ lai láng,
Con nuôi mẹ tính tháng, tính ngày. (ca dao)

Những điều ấy bây giờ Ba nói thì con chẳng chịu tin. Nhưng đến khi lớn lên có vợ, có chồng và có con thì lúc đó con mới hiểu. Khi con hiểu thì Ba Mẹ có thể đã mất đi rồi! Cho nên, trong đạo Phật có ngày lễ Vu-Lan, đó là ngày báo hiếu vào ngày rằm tháng bảy. Lễ ấy bắt đầu lúc Ngài Mục-Kiền-Liên báo hiếu cho mẹ được truyền đến nay. Và sau nầy, trong buổi lễ có thêm phần "Bông hồng cài áo". Ai còn mẹ được cài bông hồng đỏ, ai mất mẹ thì cài bông hồng trắng. Nếu lúc ấy, con phải cài bông hồng trắng thì có lẽ: "Lòng con chan hòa nước mắt!", mà muốn mình được cài lên bông hồng đỏ. Vậy thì, con đừng đợi đến lúc ấy, một ngày nào đó, "Rồi một ngày nào đó, con về nhìn Mẹ yêu, nhìn thật lâu, và nói với Mẹ rằng: Mẹ ơi! Mẹ ơi!..Mẹ!..Mẹ có biết rằng...biết rằng...Con yêu Mẹ lắm không?" (Bông hồng cài áo, nhạc Phạm Thế Mỹ). Chắc lúc đó, Mẹ con sẽ nhìn con qua làn nước mắt vì cảm động.

Mẹ già như chuối Ba Hương,
Như xôi nếp một, như đường mía lau. (ca dao)

Nguyên-Thảo,
20-07-2000.

Cái Viết Của Đồ-Ngông

Có người quen gặp Đồ Ngông tôi hỏi rằng: "Ê Đồ Ngông! Bồ viết cái gì mà tôi đọc không hiểu gì hết? Mà cũng không biết mục đích của bồ nói về cái gì? Sao giống như lập trường lừng khừng của bồ đối với vấn đề chung trong Cộng đồng vậy?". Đồ tôi cười rồi từ từ trả lời với ông bạn:

"Anh nói thì tôi cũng cám ơn! Thực ra, Đồ tôi viết chỉ là giúp vui mọi người, viết để mọi người đọc "bậy bạ" mà chơi. Nếu đúng, tất cả những chuyện đó đều có cái tựa là "Chuyện Tào Lao". Đồ tôi chỉ kể chuyện tào lao trong cuộc đời của mình, cũng như quan sát trong xã hội để đưa ra một vài quan điểm, góp ý với độc giả về những phương diện xã hội, tương quan giữa những con người với nhau. Đồ tôi chỉ viết chung chung rồi tùy độc giả đọc mà nhận xét, hoặc có cái cách riêng của mình. Nhưng mấy nơi đăng bài của Đồ tôi không có đề tựa "Chuyện Tào Lao", do vậy mà độc giả cũng như anh, tưởng Đồ tôi viết một bài viết nghiêm chỉnh đó thôi!

Theo như anh biết đó! Đồ Ngông tôi được ra đời giữa sự xung đột của "hai nhóm" trong Cộng đồng. Đồ tôi lúc ấy thấy tình hình của họ "găng" quá, có thể ảnh hưởng chung đến tất cả mọi người; nên Đồ tôi bấm bụng hòa giải bằng một vài bài thơ, hoặc bài viết kêu gọi đến "sự suy nghĩ lại" của họ để cho mọi người, nhất là con cháu chúng ta về sau được nhờ. Nhưng họ "mê cuộc" họ lại càng làm mạnh hơn, khiến Đồ tôi nhớ đến một câu chuyện ngày còn bé: Lúc đó Đồ tôi phải "giữ em" nên thường chơi chung với mấy đứa con gái cũng giữ em như Đồ tôi. Có một hôm em của một đứa nó cứ mãi khóc, đứa ấy "dỗ" hoài mà em nó cũng không chịu nín. Cuối cùng nó không biết làm sao, rồi nó đành ngồi ỳ ra mà khóc với em. Lạ thay! Trong lúc em nó khóc, nó cố dỗ, thì em nó lại khóc nhiều hơn! Mà trong lúc nó khóc thì em nó lại nín nghe, không còn khóc nữa. Thế là Đồ tôi cùng hòa nhịp với họ để chửi! Nhưng anh thấy đó, Đồ tôi chỉ moi móc thói đời xấu "chửi chơi"! Có người biết, họ rất là ngạc nhiên: Tại sao Đồ Ngông là một bộ mặt của người khác mà lại "chửi" dữ vậy cà! Rất khác hẳn, thật là rất khác hẳn!

Nhưng anh à!

Đối với Đồ Ngông tôi, dù chửi hay là không chửi vẫn là một mục đích. Không chửi nó có tác động riêng của nó. Nó đi vào tình cảm, những gì Đồ tôi viết nhằm đánh vào tâm tư, tình cảm, ý thức của con người để họ có thể nhận định và có cách hành xử riêng của họ. Còn những bài "thơ chửi đời", Đồ tôi hòa mình vào những mặt xấu, tiêu cực để "bắt nó ra trình diện" với mọi người:


Ngồi buồn sắp chữ lại thành thơ
Ta gọi thơ ngông, chửi cuộc đời
Moi móc kiếp người bao cái xấu,
Rao cho thiên hạ xúm coi chơi.

(Thơ ngông)

hoặc


Thơ vạch thói đời bao cái xấu,
Quét người, lại quét cả thằng ngông...!

(Vịnh thơ ngông)


Rồi kế đến, Đồ tôi mới "tâm tình" với độc giả:


Thân tôi sức yếu, nhờ thơ thôi!
Thơ chửi đời chơi, gởi mọi người
Chổi hóa thơ, thơ thành bó chổi,
Quét đời, cứ đọc quét đời chơi.

(Ông quá tôi!)


Sau đó, Đồ tôi đã tập hợp chúng lại thành tập "Thơ Đồ Ngông", in ra rất giới hạn, để tặng thân thuộc, bạn bè làm kỷ niệm. Đồng thời, mong chúng cũng sẽ hỗ trợ thế hệ trẻ có một số vốn "kinh nghiệm" trong việc nhìn đời cùng phân biệt những mẫu con người trong xã hội. Với những kinh nghiệm ấy, Đồ tôi đã phải bỏ ra rất nhiều nước mắt, lẫn những cố gắng hết sức mình vượt thoát ra một số tánh xấu, mà do vì hoàn cảnh đã phải vương vào.

Thực ra, đối với Đồ Ngông tôi mọi diễn tiến trong cuộc đời của mình từ sau các biến cố, Đồ tôi xem đó là những sự tự nhiên, là một "định nghiệp", cho nên Đồ tôi không quan tâm đến gì nhiều. Tuy nhiên, duyên đến thì cứ làm theo "Duyên", hậu quả tốt hay xấu là do "nghiệp quả" của mình. Thì Đồ Ngông tôi ra đời cũng từ nhận định đó!

Đồ Ngông nó có hai nghĩa: Một là "đồ ngông" cuồng, dám đi vào lằn tên, mũi đạn của hai nhóm để can ngăn, để "phá đám trò chơi của chúng Ông". Đồ tôi sở dĩ dám ngông, chính vì ích lợi chung của mọi người trong Cộng đồng và nhất là các thế hệ tương lai. Do vậy Đồ tôi cứ đi! Đi với kinh nghiệm của "một đứa bé giữ em". Chửi cuộc đời bên cạnh người ta chửi nhau. Đôi lúc phải "làm gan" ra một vài bài để "chặn bớt" bước tiến của họ lại. Thế rồi cũng tàn cuộc! Còn rơi rớt chính là "đồ ngông"! Hai là Đồ tôi vốn là "Đồ", nhưng bây giờ thật sự đã mất dạy, có thời gian dài đã là "gàn gàn, ngông ngông" cho nên Đồ Ngông là hai nhập một như anh đã biết từ lâu.

Đồ tôi đã "bấm gan" đi trong thời gian đó. Đi theo định mệnh. Nhưng rồi, bây giờ Đồ tôi lại thấy các bài thơ ấy cũng tương đối có tác dụng một phần nào. Chẳng hạn như các bài "nổ" khiến cho những người nổ phải bớt lại, hoặc người khác đọc vài câu nhắc nhở thì họ cũng giảm đi, như vậy giúp họ sửa đổi được tốt hơn. Hoặc bài "Hiếp chồng" khiến những bà "ra oai" hiểu được cũng từ từ tôn trọng chồng thì hạnh phúc gia đình vui vẻ, con cái thấy mình được sung sướng thêm. Chẳng ai mất mát gì cả! Tất nhiên, Đồ tôi phải chịu thiệt thòi vì những người thuộc "giới như thế đó" ghét Đồ tôi ghê lắm! Nhưng lần lần họ sẽ thấy Đồ tôi có lý thì họ sẽ không "giận" Đồ tôi nữa. Đồ tôi nghĩ xã hội cần được tốt hơn! Quan hệ giữa những con người cần chút ít phải thay đổi khác đi.

Đồ tôi viết như là một cái "nghiệp" chứ không phải vì cầu lợi hay cầu danh, cho nên Đồ tôi khi thấy cái gì có lợi cho mọi người, có ích cho xã hội thì Đồ tôi viết. Hoặc ít ra các bài viết ấy dù hơi vô vị, có tính cách tào lao nhưng cũng cung cấp cho độc giả một số hiểu biết nào đó theo như tục ngữ nói "Không bổ bề ngang, thì cũng bổ bề dọc". Dù hiểu biết ấy Đồ tôi không nhớ được chính xác vì Đồ tôi vốn có trí nhớ thật kém tự trong bẩm sinh.

Cho đến giờ phút nầy, Đồ tôi chưa có được nhận "một đồng hay một xu" từ tờ báo nào cả. Đồ tôi chỉ thức khuya, dậy sớm, nặn óc, viết bài, đánh máy, sang qua "disc", đem cho để người ta in lên báo thế thôi. Nhưng Đồ tôi cũng cám ơn các tờ báo ấy đã giúp Đồ tôi truyền đạt những "ước mơ" của mình thành "hiện thực" để đưa những ý nghĩ, tư tưởng, mục đích của Đồ Ngông đến độc giả để độc giả "thương mà đọc, chia sẻ, cùng suy nghĩ về một vài vấn đề.

Đồ tôi dù rất là bận rộn với công việc "riêng" của mình, nhưng vì lý tưởng đành ráng sức. Có nhiều người quen rất là ngạc nhiên khi biết "chuyện làm" của Đồ tôi, họ bảo với nhau: "Ông ấy bận rộn công việc như thế đó mà lại có thì giờ để viết sao?" Đồ tôi cũng phải biết tự lượng sức mình, thấy còn làm được thì cứ làm, làm vì ích lợi chung. Dù làm không tiền, hoặc không nghĩ đến "danh", Đồ tôi chỉ nghĩ đến "nghiệp"! Cứ thế mà Đồ tôi lại làm. Độc giả thương tình thì cho thế nào, hoặc đánh giá ra sao thì cũng được. Tùy độc giả vậy!

Đó là vấn đề viết, còn vấn đề chung của Cộng đồng thì, thú thật, Đồ tôi vốn là "vô danh tiểu tốt" cho nên từ xưa tới nay Đồ tôi ít khi tham gia vào một vấn đề gì; và cũng chẳng ở trong một hội đoàn nào cả. Đồ tôi chỉ "lủi thủi" đi về trong công việc của mình. Thỉnh thoảng "ghé tạt" qua vài người bạn, tán dóc vài ba câu chuyện rồi về nhà. Không màng thế sự! Nhưng do "nghiệp" Đồ tôi lại xuất hiện qua các bài viết, và "xía" vào chuyện chung chút ít. Chứ thực sự Đồ tôi chẳng có khả năng nào cả. Như vậy cũng xin Quý độc giả thương mà thông hiểu dùm Đồ tôi.

Theo như anh đã biết Đồ Ngông tôi từ lâu, chắc anh cũng thấy Đồ tôi thật là đơn giản trong cuộc sống cũng như trong cách hành xử. Đồ tôi thấy sao thì nói vậy, không phải màu mè, bốc thơm; đôi khi nó lại trở nên "cục mịch" giống như cái tướng của Đồ Ngông tôi. Nhưng "Trời" sanh ra mình như thế đó thì đành chịu thôi!

Nhân hôm nay anh hỏi, Đồ tôi cũng mạn phép trình bày với anh và cũng để độc giả xem chơi; chứ Đồ tôi viết hay không viết không thành vấn đề. Vì Đồ tôi chỉ viết khi nào có ý, hoặc hứng thú; mà vấn đề ấy phải có ích cho mọi người, cho Cộng đồng thì Đồ tôi mới viết, chứ Đồ tôi không viết những "điều tào lao, phá đám, ăn hại" đâu. Chúng ta bây giờ sống ở trên xứ người, thì Đồ tôi cũng phải nhận thức đến danh dự, tinh thần dân tộc của mình chứ? Không lẽ Đồ tôi lại tạo ra rối rắm, mang tiếng cho Cộng đồng hay sao? Rồi con cháu của chúng ta ngày sau sẽ ra sao? Chúng phải xấu hỗ, gục đầu đi dưới những cái nhìn, tiếng la, cử chỉ khi dễ, khinh bỉ của sắc tộc khác ư? Tại sao chúng ta không cùng nhau đóng góp xây dựng con đường tươi đẹp cho sắc tộc của mình và con cháu?

Đồ tôi cứ thắc mắc: Tại sao và tại sao?

Anh có nghĩ cùng với Đồ tôi như vậy không? Hay là Đồ tôi vẫn là kẻ "đơn độc"? Suy nghĩ ấy khiến Đồ tôi nhớ đến câu hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong bài "Lặng lẽ nơi nầy":

"Trời cao đất rộng/ Một mình tôi đi/ Một mình tôi đi.
Đời như vô tận/ Một mình tôi về.
Một mình tôi về với tôi"

Ôi! Thật là tuyệt diệu! "Một mình tôi về với tôi". Tuyệt diệu lắm, anh Trịnh Công Sơn ơi! Đồ Ngông tôi hiểu và thông cảm được "nỗi lòng" của anh!

"Trời cao đất rộng/ Một mình tôi đi/ Một mình tôi đi.
Đời như vô tận/ Một mình tôi về.
Một mình tôi về với tôi"

Đồ tôi sẽ đọc đi đọc lại nhiều lần câu nhạc đó của anh, và nghiền ngẫm như là một "triết lý" sống trong cuộc đời nầy!

Đồ Ngông,
17-03-03.

(“Chuyện Tào Lao Thế Sự”)

Một Hạng Người!

Trên thế gian thì có nhiều hạng người! Đồ Ngông tôi không có trình độ để phân tích đủ các hạng người ấy. Tuy nhiên, ở đây Đồ tôi muốn kể lại với Quý vị về một hạng người đã khiến cho thiên hạ bực mình và đôi lúc phải nhức đầu để đối phó. Hạng người nầy cũng không ít trong xã hội.

Hạng người mà Đồ tôi sắp kể nó chỉ hiển hiện ra một cách rõ ràng từ sau ngày 30-4-75. Nói như vậy không có nghĩa là nó không có trước đó, nhưng vì đời sống về vật chất hãy còn đầy đủ và công việc không bị thúc bách, phải hoạt động cho tập thể nhiều như sau ngày 30-4-75.

Xã hội nào cũng có những hạng người mà người ta gọi là tiêu cực, tiêu cực đây không phải là những con người chống đối, bất mãn không muốn làm. Mà tiêu cực giống như là một bản năng, bản chất của con người đó, một hạng người đáng được tặng câu "Quyền lợi thì đến, bổn phận thì đi" để làm quà.

Số là, Đồ tôi được một người bạn kể lại rằng:

"Vào những năm cuối 70, tao được lệnh thuyên chuyển đến một trường khác để điền vào chỗ thiếu giáo viên ở đó, vì ở nơi cũ tao coi như là thừa. Lúc ấy, đời sống giáo viên rất là thiếu thốn, cơ cực. Nhưng từ xưa tao chỉ biết có đi dạy không thôi, nghỉ ra thì làm gì? Vả lại mình không có tiền dư nào để làm vốn, thì cũng không có thể đi buôn bán, chạy "mánh" được. Thêm nữa, mình vốn bị "chân thật" của nghề mô phạm, lại càng khó sống theo cái kiểu "ăn gian, nói láo". Phải chi tao là đàn bà thì còn có nhiều nghề khác để làm như một cán bộ nói với tao "bất cứ nghề nào có trong xã hội đều có thành phần giáo viên của mấy ông?". Tao mủi lòng khi nghe câu ấy, thấy danh dự nghề nghiệp bị đụng lây. Nhưng tao nghĩ lại, thì quả đúng như thế đó! Trong khi Đảng, nhà nước cứ mãi vinh danh nghề giáo nhưng chỉ là để làm mà thôi, còn quyền lợi thì thiếu thốn mọi bề. Mạnh ai nấy lo, tìm đường, tìm cách bương chãi để đáp ứng cho nhu cầu gia đình, cho nên họ không từ mọi hình thức, vì vậy họ lao vào mọi nghề trong xã hội kể cả nghề "làm điếm". Thế thì lỗi tại ai? Tao cũng không biết phải nói như thế nào? Coi như thế thời thế nào thì phải chịu như vậy!

Ở đó tao chứng kiến được một hạng người tiêu biểu trong xã hội mà tao gọi đó là hạng người "thiếu ý thức" về cả trách nhiệm lẫn quyền lợi.

Vốn anh ta là giáo viên cấp 1, dạy lớp 4. Không biết như thế nào mà anh ta thường xuyên trể nãi hoặc thỉnh thoảng bỏ lớp lai rai. Tao dạy lớp gần anh ta đâm ra cũng mệt. Những ngày ấy học trò lớp anh ta không người điều khiển la lối om sòm, hoặc chạy lung tung, ồn ào khiến học trò tao bị ảnh hưởng động lây. Tao nghe nói lại, "ảnh" viện lý do nầy lý do nọ, đủ thứ lý do để biện minh cho việc làm của anh ta. Ông Hiệu Trưởng trường cũng lắc đầu mà không thể dùng biện pháp nào được, vì anh ta xin lỗi, hứa chừa, không tái phạm nhưng rồi thì "tánh nào, tật nấy". Mãi rồi, Ông Hiệu Trưởng cũng không dám phân công tác gì cho anh ta. Thế là anh ta lại càng được sướng hơn!

Vào một buổi "Phát thưởng cuối năm" của trường. Trong buổi họp Hội Đồng để phân công tác. Ông Hiệu Trưởng dè dặt phân anh ta điều khiển học trò để làm sân khấu. Anh ta nhận, nhưng Ông Hiệu Trưởng hãy còn chưa tin tưởng bèn hỏi gặn lại: "Chắc hôn đó ông?". Anh ta xác định: "Được mà Thầy! Chuyện đó dễ thôi!", nhưng ông Hiệu Trưởng hãy còn chưa an lòng: "Thiệt hôn? Đừng đi trể hoặc bỏ nhe ông!". Ông nửa đùa, nửa thật. Anh ta nhe răng ra cười: "Chắc mà Thầy! Chuyện đó dễ ợt!". Cả đám giáo viên chứng kiến, nhưng lòng cũng hẳn chưa tin. Vì đây không phải là lần đầu tiên!

Thế rồi, ngày phát thưởng đến. Từ sáng sớm mọi người lo chuẩn bị. Phần ai nấy làm cả thầy lẫn trò đều bận rộn. Thế mà anh ta mất tiêu. Chờ mãi chẳng thấy công tác của anh ta được tiến hành. Các giáo viên khác cứ hỏi nhau là có thấy anh ta đâu không? Anh ta đến chưa? Không có sân khấu làm sao để trang hoàng, sắp xếp. Cuối cùng, các giáo viên khác phải ngưng công việc của mình mà lo về sân khấu thế cho anh ta. Mãi đến khi tiến hành lễ phát thưởng độ chừng nửa giờ sau thì anh ta mới đến.

Buổi lễ phát thưởng xong xuôi, chiều đến trường họp để đúc kết, rút kinh nghiệm. Trong buổi họp, anh ta trình bày lý do: Anh ta không muốn đi trể, anh ta đi từ sáng sớm. Nhưng vì đi được một đoạn đường xe đạp anh ta bị lủng, bánh xẹp. Không có chỗ vá nên anh ta phải đẩy về nhà, rồi ra đường đón xe đi. Đợi xe lâu quá đành phải tới trể. Nghe thì như vậy, nhưng mấy người đã tin! Thế là chuyện cũng êm xuôi!

Nếu chuyện bao nhiêu đó thì làm sao biết được "một hạng người"!

Mầy biết không? Sau đó không lâu, đợt mua nhu yếu phẩm lần nầy có võ xe đạp. Tới phiên ai được võ xe đã có danh sách cả rồi. Nhưng hôm tao xuống người phát nhu yếu phẩm lần ấy lãnh đồ và hãy còn ngồi chơi. Anh ta cũng đến lấy đồ và đòi lấy võ xe đạp. Dĩ nhiên, người phát nhu yếu phẩm không cho anh ta lấy. Anh ta nói đã thương lượng với cô Bảy, cô Bảy đồng ý nhường cho hắn lấy võ xe đạp lần nầy; đến lần của hắn, cô Bảy lấy. Người phát nhu yếu phẩm và tao cũng tưởng là thiệt, đành đưa võ xe đạp cho hắn. Vài ngày sau, tao phải làm chứng cho một cuộc đối chất về một cái võ xe đạp.

Chừng ấy, tao suy nghĩ tại sao có những con người như vậy? Cái hạng người muốn được sung sướng, không muốn làm mà lại muốn hưởng, giành giựt gian lận để hưởng. Tao cố tìm hiểu, phân tích thử vì lý do tại sao? Cuối cùng, bằng những so sánh với những con người tương tự như hắn, thì tao phân tích được và đi đến kết luận là những con người ấy là "những con người không có ý thức". Chính vì không có ý thức, cho nên họ không làm đầy đủ trách nhiệm của họ; họ không thấy bạn bè, người khác phải làm "công việc của mình" thay cho mình là kỳ cục và nhiều ái ngại. Họ chỉ biết sướng cho mình mà thôi! Thêm nữa, chính vì không có ý thức và chỉ biết có mình; nên họ giành giựt, gian lận để lấy quyền lợi về cho mình".

Thằng bạn Đồ tôi kết luận với một vẻ rất là tự tin về nhận xét của mình.

Đến bây giờ, nhìn lại trong cuộc đời mình đã qua. Và kiểm lại những mẫu người, Đồ tôi phải công nhận thằng bạn Đồ tôi có lý một phần nào. Quả thật, đã có những con người chỉ thấy có quyền lợi mà mình được hưởng; còn phần bổn phận thì họ lại "lờ", hoặc tránh né, hoặc làm cho "có lệ", không trách nhiệm gì cả. Đồ tôi thấy những người ấy có vợ cũng chỉ để cho vợ làm mà thôi! Đã là "không ý thức" thì họ có cần gì "mắc cở hay là nhục nhã". Ôi! Cuộc đời có nhiều phức tạp! Vậy là "Do Trời" hay là "Nhân quả"? Đồ tôi không hiểu nổi?

Đồ Ngông,
26-01-02.

H.T Chữ Nghĩa 16: Giai Đoạn Đầu.

Sự can thiệp của tôi có tính cách cá nhân và đơn phương. Tôi vốn trước kia không giao thiệp nhiều, bạn bè ít, nhất là tôi không có trong một đoàn thể nào cả dù là trong một đoàn thể vui chơi. Tôi can thiệp chẳng qua vì thấy “chướng tai gay mắt”, bất bình; nhưng cũng phải nói là vì “tự ái”: Trong khi tôi đang cố gắng tìm cách để giúp đỡ cho các bậc cha mẹ có thêm nhiều ý kiến lẫn phương cách để hướng dẫn trẻ con tốt về sau, thì người lớn lại làm trò “khó coi” trên báo chí. Lúc đầu tôi “hỡi ôi!” mà cũng phải bật cười đôi lúc. Không ngờ lại có những con người “vô duyên và thiếu ý thức như vậy!”, kể cả “người” mà tôi đã từng quý mến, vì ông đã giúp tôi đạo đạt ý nguyện cũng như những tư tưởng của tôi đến với mọi người và những bậc phụ huynh.

Trong một thời gian khá lâu để quan sát, tôi thấy chuyện nầy xảy ra không đơn giản. Nếu đơn giản thì những người lãnh đạo Cộng Đồng đã can thiệp vào rồi, hoặc ít ra các đoàn thể cũng phải họp lại để giải quyết vấn đề. Nếu không thì các đoàn thể chính trị, lẫn tôn giáo cũng lo hợp tác để làm cho cộng đồng được yên ổn. Nhưng không! Không một đoàn thể, tổ chức chính trị hay tôn giáo và không một hành động nào gọi là để cho yên ổn cả! Tôi đặt dấu hỏi: “Ai là người đứng đàng sau vấn đề nầy? Tại sao những người lãnh đạo Cộng Đồng không giải quyết? Tại sao các đoàn thể chính trị, tôn giáo, các tổ chức không yêu cầu các tờ báo chấm dứt đăng các bài ấy; nếu không đăng thì người ta viết để làm gì?”. Chắc chắn là có âm mưu, nhưng ai đứng đàng sau vụ nầy? Và vụ phá chùa cũng không đơn giản vì trước đó tôi đã nghe có người nói với phe ứng cử đối nghịch rằng: “Hồi trước mấy ông nói xấu Huề thượng và chùa, tôi sẽ nói Huề thượng kêu gọi Phật tử tẫy chay liên danh mấy ông!”. Thế là không bao lâu và trước bầu cử Ban Quản Trị Cộng Đồng mấy ngày chùa bị đập phá. Vậy thì ai đứng sau lưng vụ việc? Và ai đỡ đầu, chỉ thị cho tờ báo đăng những bài chửi, và ai chỉ thị những người viết các bài chửi liên tục để gây rối cộng đồng, không cho dân chúng được sống yên ổn trên xứ người? Có nhóm nào ở sau lưng việc gây rối ấy không?

Sự trấn áp thấy rất rõ ràng, bất cứ một người nào viết bài gởi đăng để kêu gọi ngưng hay can thiệp thì “những người xung kích” viết bài chửi tới tấp bằng những ngôn từ khiếm nhã, đá cá lăn dưa, tục tỉu kể cả “chụp mũ” thiên hạ nếu trong bài viết có vài ngôn từ “không phải của phe ta”. Thế cho nên không ai dám can thiệp cả! Những người trí thức không dám dùng uy tín của mình để can thiệp; người trong đoàn thể không dám vì sợ dính líu đoàn thể mình vào. Các đoàn thể chính trị đối nghịch thì không, vì đó là sự tranh giành giữa họ với nhau... Cho nên, vấn đề ấy là nan giải! Dù biết là vậy, tôi cố gắng nhảy vào, chỉ mong họ thấy được vấn đề “không có lợi” mà bớt cường độ lại, thế thôi! Tôi chuẩn bị từ cái “bút hiệu” cho đến “nội dung” của bài. Có thế, tôi mới theo đuổi vụ việc cho đến tàn cuộc. Tùy theo tình hình mà nội dung có lúc cương, lúc nhu; có lúc nói gần có lúc nói xa... Nhưng chung quy cũng nhằm vạch cho độc giả, dân chúng thấy việc làm sai trái của họ, để sử dụng đến “sức mạnh của quần chúng” mà “tẩy chay” hoặc phiền trách những con người ấy đi!

Trong cuộc can thiệp tôi có một sự nhu nhược không thể tha thứ: Đó là trình bày một số sự thật. Nhưng tôi đành “bất khả kháng” vì một là “ân nghĩa”, hai là “thế lực” chủ trương làm việc đó, ba là “quyền tự do báo chí trên xứ người”, bốn là do mục của “bạn đọc”, năm là “quyền lợi, thủ thuật kinh doanh”, sáu là “nhằm triệt hạ”. Chính vì thế mà sự việc kéo dài rất lâu, và Đồ Ngông tôi cũng cố kiên trì trên lập trường của mình. Đó cũng là nguyên nhân do đâu tôi sáng tác rất mạnh trong thời kỳ ấy, vừa văn, vừa thơ vừa nghiên cứu về Đạo Phật, vừa làm farm. Cho nên đứa cháu là con của “bà chị đã hỏi tôi về vấn đề Thiền trước kia”, nó đã từng học ngành báo chí ở quê nhà trước khi có chồng sang Úc đã hỏi tôi: “Chú làm farm như vậy mà sao chú có thì giờ để viết?” Tôi chỉ nói là tôi ráng thôi! Cũng như về sau nầy có những bạn đồng môn ngày xưa nhìn thấy sự sáng tác của tôi trong thời kỳ đó; nhưng với riêng tôi thì tôi lại chẳng hề để ý đến điều ấy; có lẽ vì tôi “mãi cắm cổ” mà chạy, nên tôi đã đi quá xa mà tôi chẳng biết, giống như là một sự thường tình!

Trong giai đoạn đầu nầy, tôi rất phải cẩn trọng trong sự viết để can thiệp của mình, không khéo đụng đến “những vấn đề lớn hơn” thì rất ư là phiền, cho nên tôi viết giống như “hàng hai” mà trung tâm câu chuyện thường nằm trong giai đoạn “con nít” của tôi; và tôi đặt cho chúng một tên chung là “Tào lao thế sự”. Nói chuyện “tào lao” chơi thôi, chứ không đá động dính dáng đến ai. Và với thơ tôi phải triển khai xa hơn, là nói đến “thói đời” của con người, đôi khi các bài thói đời phải nhiều hơn để họ không thấy được cái ý mà tôi “muốn nói”; cho nên đa số họ chẳng thấy được cái ý sâu xa của tôi. Thế tôi mới được yên thân và làm trọn được công việc của mình.

Trong thơ tôi “bắt chước” họ để chửi, nhưng tôi lái sang một phạm vi rộng hơn; không moi móc, vạch lá tìm sâu của cá nhân để chửi; mà tôi lôi thói xấu của cuộc đời, con người để chửi chơi, nhưng trong những thói đó tất nhiên họ cũng có rồi, họ không biết tôi muốn nói cái gì, nói ai. Thế mà khi tặng các ấn phẩm cho bạn bè để giúp con cháu họ có vài nhận xét về con người, để thêm kinh nghiệm sống về sau thì tôi lại bị “hiểu lầm”, cũng thật là có nhiều “nhức nhối!”.

Tôi triển khai cái chửi “cá nhân” hay “đàn nhóm” thành cái chung của con người, của thói hư tật xấu mà bất cứ một ai chán nãn cuộc đời hay bị cuộc đời “cho” nhiều thấm thía đều muốn chửi, tôi tặng cho họ một bài thơ chửi cuộc đời chẳng là thoải mái lắm sao? Tôi cố gắng ngồi nhớ nhiều chừng nào tốt chừng đó. Rồi lại phải moi óc từ những nhận xét của mình trên từng hạng người, xong phải tìm chữ đưa vào vần điệu mà kết lại thành một bài thơ, cũng khó lắm chứ, nhất là một bài thơ đường luật! Nhưng vì hiện tại lẫn tương lai tôi cố gắng làm việc đó, chỉ mong về sau được nhiều người biết, họ chỉ cần đọc bài thơ ấy thôi, để rồi bài thơ sẽ làm được nhiệm vụ của nó, cũng như tôi đã tâm tình trong bài thơ “Ông Quá Tôi!” như sau:

Thân tôi sức yếu, nhờ thơ thôi!
Thơ chửi đời chơi, gởi mọi người
Chổi hóa thơ, thơ thành bó chổi,
Quét đời, cứ đọc quét đời chơi!

Trong thời kỳ nầy, song song với thơ tôi còn dành thì giờ để viết những bài “Tào lao thế sự”, vì thơ nó vừa cô đọng, vừa khó nói cặn kẽ hơn được. Tôi phải thủ để khi nào bị “nhóm họ tấn công quá mạnh” thì: Nếu không trả lời bằng thơ thì tôi sẽ qua văn; đồng thời cũng để chứng tỏ “bản lĩnh” của tôi như thế đó, các ông “muốn làm gì thì làm đi!”. Nhưng tôi đã thấy rồi, bản lĩnh của tôi, mấy ông ấy khó mà theo kịp vì: “Tôi viết với một tấm lòng!”. Nếu tôi có thua đi nữa, khi vỡ lở ra thì độc giả cũng sẽ hiểu cho tôi, vì tôi là người phổ biến ra bài Thiền, cũng như giáo dục con cái, hay “Những bài viết cho con” hoặc “những bài ca tụng mẹ”, đó là chưa kể đến những công trình nghiên cứu đạo Phật của tôi, ngoài việc sản xuất dưa, cà, ớt... đóng góp cho xã hội. Nói như thế, chứ tôi đã sẵn sàng những bài thơ dành riêng cho “thế thủ” của mình một khi mà họ muốn tấn công tôi, chúng được che đậy bằng hình thức “ngụ ngôn”. Nhưng chưa cần đến chúng, cho nên chúng vẫn là những bài thơ “ngụ ngôn”!

Tôi xin mời quý vị đọc hai bài: “Câu chuyện chửi người như sau:

Câu Chuyện Chửi Người (1).

Đồ tôi muốn viết câu chuyện chửi người đã lâu. Nhưng vì một phần bận rộn với công việc làm ăn, một phần thời cơ chưa hẳn đúng lúc và một phần khác nữa là chưa có thì giờ rảnh để tìm lại quyển "Ba Giai Tú Xuất" để viết cho chính xác hơn. Do thời cơ gấp rút tới, thôi thì cứ viết "bừa" đi thôi! Nếu có sai, có trật thì mong bà con thứ lỗi cho vậy. Hoặc là Đồ Ngông tôi phải đòi tiền huê hồng với nhà xuất bản cuốn "Ba giai Tú Xuất", vì Đồ tôi quảng cáo không công cho họ. Còn một câu chuyện khác dám chắc bà con không bao giờ biết, nếu Đồ tôi không kể.

Nhưng trước khi kể, Đồ Ngông tôi xin xác định với bà con mình rằng: "Đồ Ngông tôi không hề chỉ trích, châm biếm ai cả và khẳng định một cách rõ ràng, trước sau như một là Đồ Ngông tôi không lấy văn chương để bôi bẩn một ai, hay Đồ Ngông tôi không sử dụng chữ nghĩa để làm một việc đê tiện, thiếu văn hóa, vô giáo dục. Văn chương chữ nghĩa mà Đồ Ngông tôi sử dụng phải đem lại lợi ích cho mọi người; đả phá các nếp xấu, xây dựng cái tốt; còn nếu không Đồ Ngông tôi sẽ không viết như trong bài "Uy lực của ngòi viết " Đồ Ngông tôi đã viết: "Từ lúc ấy tôi mới ngó lại cây viết của mình mà năn nỉ nó "Viết ơi! Xin mầy đừng làm khổ tao; nếu có, tao mong mày hãy gãy đi trước khi tao viết".

Mà nếu sau nầy, bà con có biết được Đồ Ngông thì chắc bà con cũng hiểu dùm cho Đồ Ngông; còn bây giờ cứ coi như là nó ngông nên nói bậy. Mà rủi có trúng thì cũng chỉ là "xin xăm" mà thôi!

Số là ngày xưa khi Đồ Ngông tôi học lớp cuối của bậc Trung học, hồi đó gọi là lớp Đệ Nhất lận, chứ không là lớp 12 như sau nầy. Vì nhà xa trường, một phần vì chiến tranh khá ác liệt cho nên phải trọ học, chỗ trọ thì có ba thằng trai hai đứa con gái. Anh bạn của Đồ tôi là bồ của một trong hai đứa con gái ấy. Thực ra đứa con gái ấy lại thích Đồ tôi, nhưng vì Đồ tôi rách mướt, mặc cảm tự ti đành phải ngậm ngùi "ngoảnh mặt quay đi" mà lòng vẫn "xốn xang, chua chát":

Không biết vì sao một buổi chiều,
Buồn dâng lấp cả cánh tim yêu!
Nhìn dương lả ngọn, mây đen đến
Anh thấy lòng anh, khó chịu nhiều!

Anh thấy nhớ nhà, thấy nhớ em!
Nụ cười duyên dáng trên môi mềm
Mắt sâu yên lặng và thâm thúy
Anh bỡn, anh em cứ mãi cười!

Bây giờ em lại đến đây sao?
Em biết lòng anh có những nào?..."

Sau một thời gian, một bửa nọ anh bạn Đồ tôi vào lớp học cảm thấy nhức đầu xin thầy về sớm. Không hiểu thế nào, khi tan học Đồ tôi đạp xe đạp về đến chỗ trọ, anh bạn Đồ tôi than phiền ngay: "Bửa nay tao tức quá! May là tao về sớm bắt gặp được, nếu không mai mốt nó đá đít mình không hay!" Đồ tôi chưng hửng, nhưng rồi sự tình cũng được giải bày. Anh bạn nói với Đồ tôi: "Tối nay tao phải chửi cho nó một chập". Cơm nước xong xuôi, Đồ tôi ngồi vào bàn học với hai đứa kia. Sau đó, thì trèo lên ván ngủ. Sáng hôm sau, anh bạn Đồ tôi kêu Đồ tôi ra nói nhỏ: "Hồi hôm tao tức quá, tao kêu nó ra tao chửi cho nó một hồi. Nó đứng nó khóc, nó không nói gì cả. Tao chửi nó, tao chỉ trông cho nó trả lời, hoặc trả treo để tao tha hồ tao chửi cho đở tức. Nhưng nó chỉ khóc thôi, thành ra tao cũng mất hứng." Lúc ấy, Đồ tôi vừa ngạc nhiên, vừa thoáng hiện trong trí óc "đúng là nhu thắng cương". Chuyện ấy đã qua rồi, thắm thoát cũng mấy chục năm. Ôi! Cuộc đời sao nhanh quá vậy! Giống như chuyện vừa mới xảy ở hôm qua...!

Thế rồi sau nầy có dịp đọc chuyện Ba Giai Tú Xuất, Đồ tôi khoái có mỗi hai chuyện nhất là chuyện "Thằng bé ơi! ra đây mà ăn kẹo" và chuyện mà Đồ tôi sắp kể lại cho bà con. Thú thật, trí nhớ của Đồ tôi rất dở, nhiều lúc đọc vừa qua lại quên rồi, cho nên chỉ nhớ loáng thoáng mà thôi. Vì không có thì giờ tìm kiếm đọc lại để kể cho đúng, thôi thì bà con cứ nghe rồi sau nầy có đọc được thì tự chỉnh lại dùm vậy, xin đa tạ vô cùng.

Vốn là Đồ Ngông nhớ như vầy:

"Ở Nam Định, thuở ấy một cô hàng quán chanh chua, đanh đá hay chửi người. Năm ấy vào mùa thi, sĩ tử kéo về thành Nam tìm chỗ trọ ăn uống để đi thi, thì hai anh chàng Ba Giai Tú Xuất nhân dịp nầy đến phá cô hàng cho bỏ tật. Thế là hai anh chàng giả làm sĩ tử đi vào hàng quán cô nàng, không biết như thế nào đó (vì Đồ Ngông tôi không nhớ được) lại tìm cách cho cô nàng nổi "tam bành lục tặc" tha hồ lên cơn mà chửi. Còn hai anh chàng qua hàng quán kế bên ngồi đánh chén. Chửi gần cả ngày khi cô nàng mệt, thì anh chàng Tú Xuất bắt ghế thò đầu qua hàng rào chửi vài câu để cô nàng tiếp tục chửi, cứ thế cả ngày lẫn đêm. Suốt 2 (hay mấy?) ngày, cuối cùng cô nàng mệt lả người, khách đều bỏ đi hết, không vào trọ lẫn ăn uống. Và từ đó cô nàng bỏ luôn cái tánh chanh chua, đanh đá, hỗn hào".

Đồ Ngông tôi chỉ nhớ như vậy, không biết là đúng hay sai?

Nhưng trong đời có nhiều kẻ thích chửi người, coi sự chửi thắng như là một thành tích, một kỳ công, có khi bị người khác "bơm" để nó chửi, mà lợi là người ta hưởng. Bởi thế Đồ Ngông tôi cũng quả là "hận đời". Cho nên Đồ Ngông tôi sau khi ngồi "ráng rặn", bóp nát bộ óc của mình vắt ra được một bài thơ:

Khích bác.

Có kẻ thường hay khích bác người
Muốn người "nổi trận" để coi chơi
Đôi khi đứng thủ ngoài vòng chiến
Đợi lúc người suy, "đoạt món lời"!

Có người "tưởng thế cô đơn"
Dùng trí đa mưu khích bác người
Sẵn tánh anh hùng, người "nổi máu"
"Con cờ lợi dụng" khác gì hơn!

Lại lủ hèn kia chẳng dám làm
Đem lòng xui giục đứa lòng tham:
Tham danh, tham vọng, tham tiền bạc,
Mắc phải mưu thâm thay hắn làm!

Ôi! Đời sao lắm người gian thế!
Chỉ muốn mượn người để lợi ta
Lời ngọt, ý hay luôn thúc đẩy
Lợi là y, chết lại là ta!

Câu Chuyện Chửi Người (2).

Đồ Ngông tôi nhát lắm! Hễ thấy chỗ nào bắt đầu "khua dao động thớt" là Đồ tôi lật đật bỏ giò lái mà lẳng lặng chuồn một cách êm ru. Thật ra, ai có qua cuộc đời sôi động mới thấy chán cảnh ồn ào; ai có "hăng tiết canh vịt" mới thấy gây sự là chán ngắt; ai có trong giới giang hồ mới thấy mình có nhiều nỗi lo âu, mỗi bước đi "nghênh ngang" là có mội cái nhìn quanh quất chung quanh. Ôi! Thế mà, người ta vẫn thích nghênh ngang. Đời là như thế đó! Nhưng ngẫm nghĩ lại, nếu tất cả phẳng lặng như tờ thì nó buồn tẻ biết chừng nào! Tuồng hát mà không có thằng nịnh, thằng đâm thọt thì lại không có éo le; không có thằng hề thì chẳng có những trận cười bể bụng.

Hồi nhỏ, lúc Đồ tôi còn là một cu cậu choai choai, dù rằng Đồ tôi không có nhiều thì giờ để đi chơi, nhưng không phải là không có, có những lúc cặp bè cặp bạn xuống ruộng tát cá, tắm suối, hái trâm, táo gai; bắt cá lia thia, bắt dế về cho chúng nó đá; hoặc đi ăn cắp điều, ổi; hay ăn cắp đất sét của mấy lò chén để nắn đồ chơi... Nhưng cuộc chơi nào cũng vậy, có lúc vui lúc buồn; lúc thì thích nhau, lúc chửi nhau, lúc đánh nhau... Vì Đồ tôi vốn là "vịt đẹt", nhỏ con nên đành chịu thua. Tuy vậy, đôi lúc vẫn còn bị lâm vào cuộc chiến "bất đắc dĩ". Đồ tôi sợ đánh lộn lắm: Một là trong cuộc đánh mình đã đau, về nhà bị mẹ đánh lại càng đau hơn! Nên Đồ tôi bao giờ cũng ở thế bị động, tức là bị người ta tấn công trước. Nếu bà con chứng kiến cảnh gà đá nhau: Hai con gà trống "chìa" cổ ra, giương đầu tới, hạ thấp xuống xù lông cổ và mồng đỏ lên sừng sộ; thì con người khi đánh lộn mặt cũng hầm hừ, một tay thì giơ lên cao khuỳnh ra che trên mặt, một tay ở dưới, bàn tay "gù" lại; một ở thế đỡ, một ở thế tấn công. Thế là "ghìm" nhau. Cuộc đánh nào cũng từ đám đông "cổ võ" ở bên ngoài: "Tao bắt thằng Vân ăn", "Tao nói thằng lùn thua" hoặc "Thằng nào đánh trước làm cha, thằng nào đánh sau làm con", thậm chí tụi nó còn xô thằng nầy nhập vô thằng kia để đánh lộn coi chơi. Một lẽ đơn giản là tụi nó có mất mát, thiệt hại gì đâu mà còn được coi một màn đánh lộn "đả con mắt" khỏi trả tiền. Thế rồi, thời gian đi qua, đi qua! Đồ tôi lần lần lớn lên, được gia nhập vào dòng họ Đồ. Quần áo, khăn gói, bút mực, giấy bản, ống tre lĩnh kĩnh "quả mướp" mang về vùng ốc đảo xa xôi. Người ta nói những tay oai vệ, những người hách dịch... thì những kẻ có chút địa vị lên mặt ở nơi xa xôi, hẻo lánh lại càng rõ hơn. Người ức hiếp người, người chèn người... oai quyền "ra phết". Hèn chi, người ta "khoái làm lớn" thì phải, có kẻ hầu người hạ, có người "khúm núm" bẩm ngài, bẩm quan; có người tặng quà, tặng vật... Làm người dân của thời bình thoải mái hơn người dân trong thời chiến. Và sau nầy Đồ tôi lại hiểu được: "Làm dân ở xứ văn minh sung sướng hơn người dân ở xứ nghèo đói, lạc hậu rất nhiều". Nghĩ lại, Đồ tôi lại càng thương dân và quê hương mình lắm lắm..!

Sau 30/4/75 trên quê hương mọi sự gần như bị bế tắc; về kinh tế càng ngày càng khó khăn. Những con người bương chải, làm đủ nghề để kiếm sống; hàng khối người vào tù; hàng đám người vượt biên, hàng triệu người lao động chết bỏ vì miếng cơm manh áo. Bệnh tật thiếu thuốc men,..). Thế rồi, Đồ tôi cũng được may mắn nằm trong cái số người mà: Cái cung Thiên Di có sao Thiên Mã cùng sao Phượng Các xung chiếu nên gần mười năm sau lọt về trên đất "Úc Thòi Lòi" và "Xin chọn nơi nầy làm quê hương"!

Ngày đến đây buồn lắm! May nhờ gặp thằng bạn cùng quê ráp nhau mướn nhà ở, có tao có mầy để nói chuyện tào lao và coi phim "Anh hùng xạ điêu" có Quách Tĩnh, Hoàng Dung, có Hoàng Dược Sư, Chu Bá Thông... và có lão gì luyện võ bị tẩu hỏa nhập ma mà Đồ tôi quên mất tên... A! Lão Tây Độc Âu Dương Phong! Coi cả bộ phim mà Đồ tôi chỉ nhớ có được một câu của Hoàng Dung lúc nàng ta cự với ông cha: "Cha chỉ có biết chửi người ta, tại sao cha không biết tự chửi mình?" Thế mà Hoàng Dược Sư hé miệng nở nụ cười, bởi lẽ đơn giản vì Hoàng Dung là con gái cưng của Đảo chủ Đảo Đào Hoa.

Ở trên đời, có nhiều người thích chửi người khác, chửi càng cay cú, sâu độc chừng nào họ lại càng khoái; chửi đến đổi người bị chửi phải ngậm câm thì họ lại càng khoái hơn, giống như là họ đạt được thành tích, đạt một chiến thắng vẻ vang. Và nếu "lỡ" có một người nào đó chửi thắng họ, họ trở nên tánh khí "đùng đùng" cỡ ăn tươi nuốt sống người ta được, họ cũng làm.

Đồ tôi vốn dĩ lúc nhỏ cũng dại ăn dại nói, rất ư là tình thiệt đôi khi trở thành mách lẽo hoặc nói xấu bạn bè, lớn lên thấy được tánh ấy nên ráng bỏ lần. Nhưng khi nhậu "xỉn xỉn" thì nói hoài một chuyện, bạn bè cũng không thích. Thế là, Đồ tôi ráng bớt nhậu chừng nào tốt chừng nấy. Thà ít nhậu hơn là không vui với bạn. Thế mà, khi đọc vài mẫu chuyện "vạch xấu xem chơi" ở vài nơi, vài chỗ, trên báo, trên thư rơi Đồ tôi bỗng giật mình! Quả thật bạn thân mới biết rõ ràng về "nạn nhân", bây giờ lại lật tẩy. Đã lật tẩy của người bạn cũ, thì ngày nào đó cũng sẽ lật tẩy bạn mới; "Thiên hạ sẽ khổ sở vô cùng" ! Những anh bạn mới của người ấy có sợ không? Chứ Đồ tôi run rẩy mà nhìn lại cây viết của mình và bỗng nhớ đến câu nói của một ông nọ: "Trong đời, khi mà lòng người phản trắc, thì người hại mình đau đớn nhất chính là vợ hoặc bạn thân của mình!", vì ông ta đang có một nỗi khổ về sự phản trắc của vợ.


"Dò sông dò biển dễ dò,
Đố ai lấy thước mà đo lòng người". (Ca dao)

Với hai bài chửi người nầy nếu họ tinh ý thì họ đã giảm bớt cường độ tấn công rồi. Nhưng cái gì cũng vậy. Khi họ đang “hăng máu” hay “hứng chí” thì khó mà nói cho họ “để lọt vào lỗ tai”; họ đang ấm ức phải trút được hết nỗi lòng, nếu thế thì sẽ kéo đến biết bao giờ. Nhất là có sự “kích động” của người khác.

Người làm thơ giống như “có dao” để chém. hoặc giết người, nhưng lại không có phương tiện truyền thông; còn người làm truyền thông nhưng thiếu khiếu văn thơ, giống như có “đá mài” mà không “có dao”. Một cộng đồng nát bét, một tập thể nghi kỵ, tan hoang, bất hợp tác... Đó là thành quả của những ngón đòn “tranh giành lẫn nhau” mà người dân là người chịu mọi hậu quả kể cả nhà chùa cho mãi đến ngày nay. Thật là khủng khiếp!

Nguyên Thảo,
08/01/10.

(“Cuộc Hành Trình Của Chữ Nghĩa” 16)

Thơ Đồ Ngông (tt)

Cô Nàng Hung Hăng.

Người đẹp lắm! Hung hăng cũng lắm!
Có ngờ đâu cũng tắm dòng sông
Xe lăn đỗ bánh giữa dòng
Mở lời nặng nhẹ, giống dòng hơn cha

Chính thật đã là nhà có phúc
Gieo nhân duyên đôi chút làm quà
Thoáng sau quả lại hiện ra
Hung hăng dĩ lỡ, kêu ca khó lòng!

Đồ Ngông,
03-07-07.

Tưởng...

Tớ tưởng rằng ông "Kinh tế bang"
Nửa chừng ông chỉ lại là "phang"
Vốn đời chỉ chuyện hơi nho nhỏ
Mà đã không xong, lớn chắc "hàng"!

Chính "đúng" ồn ào như chính "dổm"
Moi lời, móc chữ: Tỏ tâm can
Bàng dân thiên hạ mờ con mắt
Chẳng biết là đâu "cẳng" với "càng".

Đồ Ngông,
03-07-07.

Thương Ông!

Thương ông trèo ở trên cao
Lung lay, lúc lắc thân sao phập phồng
Người đời chỉa mắt vào trông
Hành vi nhất cử đâu mong che gì
Một mai giậu đổ "bên ni"
Bìm từ "bên nớ" sang đi với cùng
Ở đời lắm sự là chung!

Đồ Ngông,
03-07-07.

Chơi Dơ!

Một nhóm người lui cui mài mực
Cả bầy con trẻ đứng coi chơi
Mẹ ơi! Mẹ hỡi mẹ hời!
Ra coi có mấy người này chơi dơ!

Đồ Ngông,
03-07-07.

Tớ sợ.

Tớ sợ cho nên tớ chẳng thèm
Ra thân, ló mặt, quẹt tèm hem
Bao năm chiếc mũ luôn in bóng
Nhiều thuở máng heo lại sẵn hèm.
Cốt đột cúi đầu đành chịu cú
Nai tơ ngẫng mặt phải lo kèm
Bao giờ không có người ra nữa
Thì hết cử bầu, hết lắm lem!

Đồ Ngông,
14-07-07.

Cử Với Bầu.

Vui thật là vui cử với bầu!
Hai năm cứ tiếp, chẳng bao lâu
Không người ứng cử sinh buồn chán
Có kẻ tranh tài, ngán ngẫm sầu!
Một nhóm người già chuyên viết chửi
Mấy đàn con nít lại quay đầu.
Thương ông "quan lớn" ngồi trên lửa
Thà dẹp quách đi cử với bầu!

Đồ Ngông,
14-07-07.

Monday, May 3, 2010

Viết Cho Con: 2- Hãy Sống Xứng Đáng Là Một Con Người!


Hồi nhỏ trong hoàn cảnh của Ba, Ba không được sung sướng, thoải mái như con bây giờ đâu. Ngoài giờ học Ba phải phụ giúp công việc gia đình, nhưng Ba đã cố gắng học để cho bằng chúng bạn. Chắc nhờ sự quyết chí đó, mà Ba đã đeo đuổi việc học đến mức trên trung bình. Và mặc dù trí nhớ Ba kém, nhưng Ba cũng có được một số kiến thức tạm gọi là kha khá.

Bây giờ nghĩ lại, Ba không hối tiếc gì cả; dù rằng trong cuộc đời của Ba, Ba không tìm được một chút nào gọi là mùa xuân tuổi trẻ, lứa tuổi thơ mộng, yêu đương và sầu nhớ. Vào thời ấy, Ba lâm vào hoàn cảnh bi đát hơn nhiều. Ba buồn lắm và nhiều lúc phải suy nghĩ, có nhiều đêm thức trắng. Ở đó, Ba tìm được một chân lý nhỏ nhoi. Hôm nay Ba viết cho con hiểu về chân lý ấy.

Con yêu dấu,
Mỗi con người sinh ra đời đều có mang theo những nét riêng, mà người ta gọi là "tánh trời ban cho", cùng với những khả năng riêng gọi là "thiên tư". Và đạo Phật gọi đó là cái "Quả" mà ta được, do việc gieo "Nhân" từ bao nhiêu kiếp trước. Dù gì đi nữa, khi lớn lên những điều ấy vẫn bám mãi theo con cho đến chết, giống như hình hài của con vậy! Con thông minh hay đần độn, con nhớ dai hay mau quên, làm việc gì khéo hay vụng về, ăn nói hấp dẫn hay tạo nhàm chán cho người nghe, có ý hay không có ý... Những điều ấy rất quan trọng và ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của con. Nhưng trong cuộc sống, không phải chỉ có thiên tư mà còn có những tập tánh và cố gắng trau dồi luyện tập nữa. Những điểm nầy con được hướng dẫn từ Ba Mẹ, anh chị hay những người thân, hoặc bạn bè sau nầy, hoặc do môi trường xã hội chung quanh mà con đã và đang sống đó.

Con có để ý đến một đứa nhỏ chưa đầy một tuổi tập đứng và đi chưa? Con hãy quan sát nó đi! Không phải là trời sinh ra là nó biết đi liền. Nó phải tập vịn cái gì đó để đứng dậy; sau thời gian vài ngày, nó mới có thể tự mình đứng lên. Con thấy nó khum khum và run không? Nó chưa đứng được, nó phải ngồi xuống. Và rồi nó làm lại. Đâu phải một, hai lần mà nó đứng vững, nó phải tập nhiều lần. Rồi người lớn mới nắm tay nó để dìu nó bước đi. Rồi, tự nó chập chửng một bước, hai bước, ngày này qua ngày kia. Hình ảnh đó giống như con đi vào đời vậy. Con phải lần dò từng bước, con cần phải có sự dìu dắt của Ba Mẹ hay người thân hướng dẫn. Vì sao? Vì Ba Mẹ hay những người lớn tuổi đã trải qua giai đoạn ấy rồi, họ đã biết và chỉ dẫn, truyền lại cho con những nhận xét, kinh nghiệm để con tránh sự vấp ngã, thế thôi! Nhưng con ạ, thói thường lứa tuổi thanh niên của các con không bao giờ để ý đến điều đó. Tuổi của các con là tuổi đang sức ăn, đang sức lớn, sức lực dồi dào, trí óc đang phát triển mạnh, cho nên các con cứ ngỡ: Là các con sẽ làm được mọi chuyện, các con biết được nhiều điều mà các con nghĩ là những người lớn tuổi và Ba Mẹ không thể biết. Chính vì chỗ đó, mà con cái trong gia đình vào lứa tuổi các con thường không để ý đến lời cha mẹ hướng dẫn, hoặc đôi khi còn phản ứng mạnh bạo trở lại. Các con chỉ hiểu, biết được tình trạng ấy khi nào các con cũng có con, và cũng ở vào tình huống ấy mà thôi!

Con ạ,
Không phải ai cũng hát hay và nổi tiếng như Michael Jackson hay Madonna. Những người đó là do đã có thiên tư; nhưng họ vẫn phải học, tập luyện thường xuyên mới được như vậy. Thuở mới đầu con chưa biết hát, con phải ca theo ca sĩ trong "dĩa hát" khi con hát karaoké. Lúc đầu giọng con không dài, không ngân. Con hát lâu ngày thì mới giống phần nào như ca sĩ được. Rồi lúc nào đó con có thể hát một mình. Trời chỉ ban cho cái giọng hát tốt hay không tốt, truyền cảm, ấm, thu hút người nghe. Còn ca đúng nhịp, đúng giọng, có ngân hay không là do chính con biết nghe, biết học và tập luyện. Con nghĩ xem điều Ba viết có đúng không? Từ đó, con cố gắng lấy làm tiêu chuẩn để nhận xét vào một số vấn đề khác.

Này con,
Ta được thân con người là đã quý rồi. Nhưng ta biết sống đúng với thân xác, trí tuệ con người lại càng quý hơn! Con có thấy cây cỏ không? Mùa mưa đủ nước tươi tốt, mùa nắng nó khô cháy và bị rụi đi. Thân xác cây cỏ vẫn còn nằm trên mặt đất. Đợi mưa xuống làm phân bón cho lớp cỏ mọc lên sau. Cây cỏ vô tri như vậy, nhưng ít ra đời cây cỏ vẫn ích lợi cho lớp cỏ mọc lên sau. Còn con người thì như thế nào? Không lẽ ta lại thua kém hơn cây cỏ ư? Con nên ráng học, tập luyện để mình trở nên có ích. Nếu không có ích cho xã hội thì ít ra cũng sống một đời sống có ích cho chính mình và gia đình. Nếu không được như thế nữa, thì con cũng nên nguyện đừng làm hại cho xã hội. Con có thể làm được như vậy, không con?


Nguyên-Thảo.

Viết Cho Con: 1- Được Làm Con Người Là Điều Đáng Quý!


Con ạ, Thần thoại Hi Lạp đã coi con người là sản phẩm cuối cùng của Thần Zeus (Thần mặt trời). Sau khi đã nặn ra muôn loài rồi, còn lại chút ít đất, Thần Zeus mới nghĩ đến việc nên nặn một loài mới đi bằng hai chân, biết ngẫng đầu lên để chiêm ngưỡng, tán thán Ngài: Thế là con người ra đời! Và giống nầy sức lực không mạnh bằng các loài khác, không có khả năng chạy nhanh, bay lên cao, hay lặn xuống nước; nhưng lại có trí khôn biết tự tạo cho mình các khả năng ấy. Đồng thời biết cách chế ngự muôn loài. Mà quả thật, hiện tại con có nhận xét được gì không? Loài người với trí tuệ, suy nghĩ, tìm tòi, khám phá đã nâng cao cuộc sống của mình một cách vượt bực. Và do sự tiến vào ngành điện tử, máy vi tính trong thế kỷ 20, con người đã nối dài khả năng, bộ óc để đẩy mạnh các việc sản xuất, thông tin hoặc giúp ích rất nhiều trong ngành không gian lẫn y học, đem mọi người của các quốc gia trên thế giới sát lại gần nhau.

Con có nhận định được rằng: Trên thế gian nầy không có một loài vật nào có đủ khả năng để thay thế con người không? Con người biết khắc phục mọi hoàn cảnh, thiên nhiên; biết xẻ núi, ngăn sông; biết ngăn biển để tạo nên những phương tiện, điều kiện thuận lợi cho cuộc sống được đầy đủ và sung túc hơn. Họ biết lợi dụng sức nước, thủy triều, sức gió để xay bột; lấy nước từ các mạch nước, hoặc biến thành điện, vân.. vân... Biết dùng sức voi, sức ngựa, trâu bò, lạc đà để chuyên chở, cày bừa. Biết suy nghĩ để chế tạo động cơ, máy móc nhằm thay thế sức người mà năng suất lại tăng rất cao, đúng như nhà tư tưởng của Pháp Pascal đã nói: "Con người là một cây sậy, nhưng cây sậy có tư tưởng".

Con ạ,
Hôm nay con đã được làm con người rồi, con có thích thú không? Con có hãnh diện không? Ba thấy rằng con nên hiểu và hãnh diện mình đã được là con người. Con biết con đang làm cái gì? Con đang suy nghĩ đến điều gì? Con biết cắp sách đến trường, con biết học cách nào để thừa hưởng thành quả trí óc của người đi trước, để tạo được những điều mới cho mai sau. Con biết điều hay, lẽ phải; biết loại bỏ các cái xấu, điều không tốt; biết nhận định đúng, sai. Nói tóm các điếu ấy lại bằng ba chữ: Chân, Thiện, Mỹ mà trong Triết học và Tôn giáo người ta hay xài đến.

Này con,
Con có biết làm con người quý đến bậc nào không? Không những trên thực tế, loài người đã vượt trội các loài trên thế gian nầy, mà trong Tôn giáo cũng được nhắc đến luôn.

Đối với Phật giáo, con người không phải là giống siêu việt trong vũ trụ, nhưng lại là cần thiết để có thể tu và thành Bậc Giác Ngộ. Thế giới con người ở là cõi Nam Diêm Phù Đề, hay còn gọi là Nam Thiệm Bộ Châu. Cõi nầy có vui, có khổ; có sướng, có cực; khổ nhiều hơn vui! Ngoài ra còn có cõi Bắc Câu Lư Châu, người ở đấy cao lớn, họ giàu sang, văn minh lắm. Và giống người ở Đông Thắng Thần Châu, hoặc Tây Ngưu Hóa Châu thì thấp, cũng thông minh, sung sướng không kém. Nhưng các giống người ở cõi đó, muốn thành Phật, thành "Bậc Giác Ngộ" thì cũng phải tái sanh làm người như chúng ta.

Trong sáu đường (lục đạo) luân hồi: Thiên (Trời), Nhân (Người), A tu la (Thần), Địa ngục, Ngạ quỹ (Quỹ đói), và Súc sinh (súc vật), thì chỉ có làm người mới có thể tu để đạt quả Giải Thoát, tiến đến Niết Bàn.

Và con có hiểu không? Đức Chúa Trời đã tạo nên loài người như hình tượng của Ngài: "Chúng ta hãy làm nên loài người như hình ta và theo tượng ta, đặng quản trị loài cá biển, loài chim trời, loài súc vật, loài côn trùng bò trên mặt đất và khắp cả đất" (Sáng thế ký 1:26). Không những vậy, Đức Chúa Trời còn cho Ngôi Hai xuống thế: Đức Chúa Con phải chịu đóng đinh trên Thập tự giá để chuộc tội và cứu rỗi cho loài người.

Con yêu dấu,
Ba viết để chứng minh cho con biết và hiểu: Được làm con người rất quý như thế nào? Không những trên phương diện của các loài vật ở thế gian nầy, mà còn đưa con vào tôn giáo để con thấy: Làm con người không phải là không công dụng. Từ đó, con hiểu và con sẽ quý cái thân xác con người của con, con sẽ bảo vệ, chăm sóc, lo lắng cho nó cả tâm hồn để mỗi ngày được tiến bộ và trở thành có ích cho mình, cho người, cho xã hội ở mai sau.


Nguyên Thảo.
25-08-2000.

"Rệp Mà Chê Bù Xít".


Nói đến con rệp chắc Quý vị đều nhớ đến con vật cắn, hút máu mà ai cũng ghét: Vì nó làm mình khó chịu, phá giấc ngủ, lúc nào cũng thừa cơ hội để "lấy" máu của mình. Chẳng những đã vậy, nó còn có một mùi hôi rất nặng khi ta buồn tình, bực mình giết nó. Lúc nhỏ, có một đêm nọ Đồ tôi bắt ghế bố ở "hàng ba" trước nhà để ngủ, vì trời nóng nực oi bức nên không thể ngủ trong nhà. Ôi! Tại sao hôm nay kỳ quá! Ghế bố có cái gì bất ổn, hay lông các sợi bố của cái bao bố chỉ xanh trở nên cứng nó "chọt" lưng mình, khiến Đồ tôi không thể nào nằm được lâu; chứ đừng nói chi là yên giấc. Tức quá, Đồ tôi dậy đốt đèn lên coi lại cái ghế bố. Chẳng có gì, lông sợi bố đâu có cứng, nó vẫn mềm mại cơ mà. Đồ tôi lấy làm lạ, tắt đèn đi ngủ. Khi nằm lên ghế bố, Đồ tôi lại có cảm giác khó chịu như trước. Đồ tôi giận quá! Nhưng cứ làm thinh mà nín nghe coi cái gì, xem cái cảm giác khác biệt ra sao mà tại sao hôm nay cái ghế bố lạ lùng như thế này. A! Lạ thiệt! Nó không những khó chịu, lại còn đốt nóng từng cơn vào cái lưng của mình làm như có hàng ngàn mũi kim đồng loạt chích cùng một lúc. Đồ tôi suy nghĩ không thể nào các lông bố gây cho mình "xót" (ngứa ngái, nhột nhạt), vì bao bố để làm ghế bố nầy xài cũng đã lâu. Mà nếu có, tại sao hôm trước không bị. Đồ tôi không thể hiểu được! Giận quá, Đồ tôi lại đốt đèn lên đi tìm nguyên nhân. Ôi! khi lật tấm bố ngay chỗ mấy cây nẹp của ghế bố: Hàng khối con rệp, rệp lớn rệp nhỏ, rệp mẹ rệp con lung nhung, lúc nhúc đang tìm đường chạy trốn. Đồ tôi lật đật giết nhưng vẫn không kịp. Giết đến đổi ngón tay trỏ đầy máu, hôi rình mà vẫn phải giết. Thấy rệp chạy mà Đồ tôi "giởn óc", "nổi da gà". Thế là đêm ấy Đồ tôi phải "gát" (bỏ ra) ghế bố qua một bên, và trải chiếu trên nền xi măng mà ngủ. Ngày hôm sau, Đồ tôi không chịu tha cho cái ghế bố. Đồ tôi lại lật nó xuống để tảo thanh mấy con rệp. Ôi! Rệp sao mà nhiều quá! Đồ tôi không thể giết bằng tay. Đồ tôi lấy giấy mồi lửa đốt nó. Lửa có hiệu quả hơn, nhưng làm cháy mấy cái lông sợi bố và làm ghế bố bị nám đen. Nhớ đến, có một lần, thằng bạn xài dầu cặn (gasoil) xịt lên mình các con rệp, chúng chạy một hồi rồi nhỏng cẳng lên, vễnh cong đít lại, rung rinh vài cái và chết. Chết đứng như vậy! Đồ tôi không có dầu cặn, đành lấy dầu hôi (dầu lửa) thay thế. Rệp phải chết! Chúng chết thiệt! Ngay cả trứng cũng bị "ung" (hư) đi! Từ đó về sau, Đồ tôi tha hồ nằm ghế bố, ngủ trên ván, trên giường mà không hề sợ đến con rệp nữa. Đồ tôi cũng không thèm giết những con rệp để phải dơ tay và ngửi mùi hôi của nó.

Lại có con bù xít, nó hôi hôi tệ hại hơn con rệp nhiều. Có những đêm ngồi học hoặc mọi người đang quây quần nói chuyện vui vẻ dưới ánh đèn, lũ sâu bọ có cánh thấy ánh đèn nó khoái chí lại bay vào. Có nhiều loại. Đồ tôi thấy có con gì là lạ, lấy tay khều nó đi. Sau đó tay mình sao mà hôi gớm! Một mùi hôi khó chịu, nhức đầu. Cở mà giết nó, có lẽ ngón tay còn hôi "khiếp" hơn nữa. Đến bây giờ Đồ tôi không còn nhớ đến hình dáng của nó. Nhưng nếu lỡ mà đụng đến con sâu bọ nào mà có mùi hôi ấy thì Đồ tôi sẽ biết ngay: Đó là con bù xít.

Nói đến rệp và bù xít, Đồ tôi lại nhớ đến một câu chuyện tức cười. Cũng từ câu chuyện đó, Đồ tôi mới biết được câu "Rệp mà chê bù xít", và cũng lại là lần đầu tiên mà Đồ tôi được nghe đến câu ấy.

Số là vào năm 85, Đồ tôi cùng vài người bạn cùng nhau mướn nhà để ở. Nói là bạn nhưng tất cả giống như là thân, cho nên tiền bạc chi phí ềŠu chia đồng chứ không chia theo phòng như nhiều trường hợp khác. Đồ tôi thì thủ kỹ cái "sleep out" ở phía sau. Nó vừa thích hợp, yên tĩnh, thoáng mát, lại vừa có thể nhìn cảnh vật phía sau vườn; mặc dù mùa đông có hơi lạnh hơn một chút. Nhưng đã có lò sưởi thì cũng chả sao!

Còn có bạn thanh niên thì ở phòng trên, tương đối ấm cúng hơn. Nhưng một ngày nọ, anh chàng bỗng nổi hứng báo với bọn Đồ tôi: Anh chàng muốn đem người bạn về ở chung. Đồ tôi và những người bạn khác phân tích trước về tình hình, nếu ưng ý thì cứ đem về. Thế là sau đó nhà thêm được một thành viên. Thành viên ấy cũng chẳng xa lạ gì với chúng tôi. Cũng đều là bạn cả. Lúc đầu thì vẫn vui vẻ được một hai tháng. Nhưng lâu ngày đã bắt đầu có những than phiền. Than phiền không phải vì chuyện trong nhà, mà là chuyện tự trong phòng. Đầu tiên là chuyện "mớ" khiến cho khó ngủ. Rồi đến chuyện mở đèn vì người thì làm "ca ngày", người thì làm "ca đêm". Sau đó, thì đến chuyện bày biện, ở dơ. Tới lúc ấy thì chúng tôi thường xuyên nghe những lời than phiền từ hai phía. Bên nào cũng chê người kia ở dơ, bày biện không dọn dẹp gì cả. Một hôm nọ, anh bạn trưởng nhóm vừa bực mình, vừa cười bảo: Hai đứa tụi bây đứa nào cũng như đứa nấy mà than phiền ai. Đúng là "rệp mà chê bù xít". Đồ tôi nghe mà cũng tức cười! Không ngờ trong tục ngữ lại có câu ấy! Thật là rất đúng trong trường hợp nầy. Không đứa nào hơn đứa nào, đứa nào cũng có những đặc điểm như nhau, thế mà lại chê nhau. Ôi! Quả thật là "Rệp mà chê bù xít"!

Nhưng thói thường trong cuộc đời là như thế đó! Người ta thường không để ý đến những gì hoặc những thói xấu, những nết của mình. Hay họ cố tình "làm như không hay biết" chuyện của họ. Họ chỉ chú ý đến chuyện của người khác, cái "gương mặt của người khác" mà họ không thấy được "cái mặt của mình". Thế cho nên họ cứ tha hồ bình phẩm, chê trách, không tiếc lời. Họ cứ mãi nhìn vào túi của người khác, mà quên đi túi của mình đang đầy âm ấp.

Lại có những hạng người toàn là moi móc, bươi rác rưởi của người khác mà không nghĩ ở nhà mình đang có nhiều rác rưởi hơn, chẳng ai bằng.

Ôi! Kẻ chê người hôi lại còn hôi hơn cả người!

Thế mới là: "Rệp mà chê bù xít".

Từ đó ta mới thấy những kinh nghiệm của cổ nhân! Đồ tôi thật là khâm phục!


ĐỒ NGÔNG,
14-01-03.
(“Chuyện Tào Lao Thế Sự”)

H.T Chữ Nghĩa 15: Ấn Hành Một Số Bài.

Tôi muốn né đi tình hình phức tạp và sôi động của hai phe: Trấn áp và bị trấn áp (từ một phe nhóm có thực lực từ những năm 1980). Lúc đó thế lực họ mạnh lắm họ bao trùm cả mọi chốn, nhưng không biết vì sao sau nầy họ chỉ còn có mỗi một Cộng Đồng với một số nhóm người hậu thuẫn, mà trong đó có những người “xung kích” đánh phá không nương tay. Có một nhóm trong đó được gọi là Câu Lạc Bộ mang tên của một nhà thơ, một vị quan đồng thời là nhà chính trị có tài trong văn học Việt Nam. Tôi rất lấy làm ngạc nhiên vô chừng! Tôi thường đặt câu hỏi: Tại sao họ lại khuấy động lâu dài như vậy? Không thể là chuyện một người lính khai là sĩ quan giả để bị chửi trong 6 tháng trời! Không thể là tranh giành chức mà chửi ròng rã gần nửa năm! Tại sao họ lại lôi người trong hội đoàn nầy xong lại lôi người trong hội đoàn kia đưa lên báo để chửi vừa tục tỉu, vừa bẩn thỉu như thế. Họ lại muốn đưa người thuộc phe họ vừa ly khai để ra tòa về tội “mạ lỵ, phỉ báng” gì đó!

Thực sự, tôi chẳng biết gì cả! Vì từ trước tôi cứ lo mãi chạy theo cuộc sống, tôi không hề để ý đến chuyện của người khác hay cộng đồng, nhất là các đoàn thể thì tôi lại càng mù tịt. Nhưng tôi nhảy vào can thiệp nhằm cho họ giảm bớt cường độ để bảo vệ uy tín của một cộng đồng sắc tộc trên xứ người, hầu mọi người được yên ổn có một nơi để sống trong tình trạng tha hương. Tôi làm công việc ấy ngoài khả năng của tôi mặc dù tôi cũng chẳng có uy tín gì để làm công việc ấy. Nhưng tôi phải làm vì những lý do mà tôi đã kể ra từ trước.

Tôi về cộng tác cùng tạp chí Né để chơi không bao lâu, thì một ngày nọ Nguyễn Nhi trong bài thơ đã viết:

... Từ nay nếu có làm thơ
Tìm gia đình Né để nhờ đôi câu....

Hai câu nầy khiến đám “xung kích” nỗi “xung” lên bắt đầu công kích vào gia đình Né? Gia đình Né là cái gì? Gia đình Né làm thơ như thế nào mà Nguyễn Nhi lại viết như vậy? Vừa tấn công Nguyễn Nhi, vừa moi móc gia đình Né. Như tôi đã nói về Nguyễn Nhi, ông ta xứng đáng là người ở cùng quê hương với vua Quang Trung, những người “xung kích” không thể qua ông được mặc dù tôi chẳng phải yễm trợ cho ông.

Một hôm, ông chủ báo cũ hỏi tôi về gia đình Né, tôi nói tôi cũng chẳng biết rành, tôi chỉ nói sơ qua cái điều nhỏ nhoi mà tôi biết; thì ông có cho biết đã liên lạc với người phụ trách Bản Tin Nông Gia năm xưa để xin đăng lại bài chửi Gia đình Né. Tôi thấy lớn chuyện nữa rồi, không khéo cộng đồng có thêm nhiều rắc rối, kéo theo kẻ bênh người chống lại càng chia rẽ hơn thêm. Về nhà tôi thấy cần làm dịu bớt đi tình hình bằng cách nhờ tạp chí Né ấn hành một số thơ và bài viết của tôi, vì tạp chí Né đã có máy in màu. Tập thơ Đồ Ngông1 của tôi ấn hành trong thời gian ấy, chỉ vài chục bài để chơi và tặng bạn bè. Sau đó, thì ấn phẩm “Những bài viết cho con”, “Những bài viết về mẹ”, “Thơ Đồ Ngông 2” xuất hiện, Nguyễn Nhi với tập “Thơ Nguyễn Nhi” và phu nhân Nguyễn Nhi phát hành tập “Thơ Từ Thị Thu Trang”. Thế là chiến dịch công kích vào gia đình Né bị vỡ tan, và họ cho rằng: “Gia đình Né là tập hợp những người lỡ thời vận, thất chí” vân.. vân.. và vân.. vân...

Những ấn phẩm nầy in không nhiều, chừng khoảng 50, 60 quyển mỗi thứ chỉ để tặng bạn bè. Với tập”Thơ Đồ Ngông 1” tôi dự tính cho bạn bè để từ những nhận xét của tôi về từng hạng người trong xã hội sẽ giúp cho con cháu họ về sau nhận xét thêm để biết rõ hơn mà né tránh hay có cách đối phó. Nhưng nó bị hiểu ngược lại, bạn bè nhiều người cho tôi là nói về họ, sanh ra chuyện khá phiền phức. Thực ra trong suốt đời tôi, tôi không có tiếp xúc, giao tế nhiều, nhưng vì ra đời tôi đã gặp nhiều cay đắng nên tôi thường quan sát chú ý từng tư cách, vì vậy tôi thu thập được nhiều kinh nghiệm. Với nhận xét của mình tôi đã biến thể thành thơ, mặc dù thơ không lưu loát, nhưng không đến đỗi tệ. Tôi muốn những bài thơ ấy sau nầy nếu được phổ biến là mỗi ngọn chổi quét đi bớt những nết xấu mà người mang nó có thể đem đến thương đau với người khác, hoặc người khác biết hạng người như thế đó để cẩn thận hoặc tránh xa. Đó cũng là một mục đích “Tư tưởng xã hội” của tôi!

Tư tưởng xã hội của tôi đôi khi làm cho tôi cũng gặp nhiều khó khăn. Khi còn học năm “Đệ Nhị niên” trong trường Quốc Gia Sư Phạm Sài Gòn, có một lần người bạn ở trọ chung về hỏi tôi: “Chiều nay ăn cơm ở đâu?”. Tôi chỉ đùa thôi: “Mình lớn lên trong xã hội thì ăn cơm xã hội chứ ở đâu!”. Không ngờ câu ấy làm anh bạn khác người Huế cùng ở trọ giật mình. Tối đó anh không trở về, mãi vài ngày sau anh về với anh bạn khác rủ rê tôi hoạt động cho đảng “Đại Việt” nhóm Hà Thúc Ký. Tôi tìm cách thoái thác. Anh ấy đã hiểu lầm câu nói của tôi rồi! Ăn cơm xã hội vào thời đó là phổ biến với những học sinh, sinh viên vì xã hội cung ứng cơm miễn phí còn thức ăn chỉ tượng trưng để bán cho giới bình dân và nghèo. Nói chung nó rẻ tiền, chỉ có thể mà lại sinh phiền. Những lần khác sau khi ra trường tôi đã bị ức hiếp, nên tôi chán cảnh hiếp người cho nên tôi thường xen vào chuyện không đâu.

Đến nay, nhân dịp nầy tự dưng thơ, văn trong tôi lại phát tiết. Để cản lại họ tôi vận dụng những năng khiếu ứng phó trong những ngày tháng cũ: Phải lao lách, phải khéo léo, phải lôi cuốn, phải thu hút, nhất là phải chứng tỏ mình có khả năng hơn họ thì sự can thiệp của mình mới có tác dụng. Chính vì vậy thay vì chỉ viết một bài khích bác, hay nịnh hót tôi phải nghĩ ra mọi nết xấu của con người trong xã hội, kê khai một danh sách như toa kê khai hàng, sau đó tôi “sắp chữ lại thành thơ” dần dần; tức là đề tài tôi không thiếu. Thơ viết ra như vậy, những kẻ gây rối không biết tôi nói ai và nói cái gì, nếu ai tinh ý thì mới thấy rõ điều tôi muốn nói. Những bài văn xuôi cũng thế, nhưng nó đơn giản hơn nhiều. Nhờ tôi viết văn, làm thơ được, và tôi không a dua, mà chỉ can ngăn vì ích lợi chung nên những “xung kích” cũng không chửi tôi được. Có một lần, một “lão” nào đó có lẽ nghe nói và biết về tôi như thế nào mà trong bài viết có câu: “không khéo đụng đến thiền sư Đồ Ngông”. Đọc đến câu ấy tôi bật cười, đưa bài cho vợ tôi rồi hai vợ chồng cùng cười. Tôi viết bài về thiền mà lâu quá tôi cũng chẳng còn nhớ đến. Tay nầy nay lại nhắc dùm tôi! Tôi cũng thật là cám ơn!

Ở trên tôi đã nói tập “Thơ Đồ Ngông 1” đem đến nhiều hiểu lầm cho tôi, làm cho tôi về sau không tặng cho bạn bè tập nào nữa cả. Trong đó bài “kẻ lù khù” là tôi lấy từ câu tục ngữ “lù khù có ông cù độ mạng” cũng như câu chuyện, tâm trạng của chính tôi khi còn nhỏ. Thế nhưng “đụng” đến ông anh cùng chung nghề. Ông ấy giận tôi, còn bà vợ thì triển khai bài nầy nói người nầy, bài đó nói người kia, bài ấy nói người nọ...v.v....

Bài ấy như sau:


Kẻ Lù Khù.


Lù khù, lủ khủ, kẻ lù khù
Đội mũ, mang lu, có cả dù
Ít nói, hiền queo như cục đất
Trong lòng sôi động, nét âm u!


Nhỏ nhẻ, từ từ duyên thục nữ
Như không thèm ngó, cũng không màng...
Vương vương sóng động, lòng sôi sục
Canh cánh chạnh niềm, mắt xốn xang.


Thế gian đã bảo kẻ lù khù
Không khéo chạy đi vác cả lu
Nhủ mĩ, nhu mì là ngoại diện
"Cóc khi mở miệng, chuyển mây mù"..!


Sau khi bị hiểu lầm ấy, tôi phải viết một bài văn xuôi khác đăng lên báo để “thanh minh”, chứ không thể nói bằng miệng, vì có nói họ cũng không tin:


"Kẻ Lù Khù" Và "Người Đức Độ".


Đồ Ngông tôi đã tập tành làm thơ! Theo thời thế, hoàn cảnh Đồ tôi cũng biết làm thơ chửi đời. Tất nhiên chửi thì người đọc không mê, thành phần "bị chửi" lại không thích. Nhưng Đồ tôi cũng "ráng", không phải vì Đồ tôi ham chửi, mà Đồ tôi chỉ "thừa nước đục thả câu". Thấy người ta chửi nhau quá! Đồ tôi muốn hòa giải để cho con cháu về sau được nhờ. Nhưng họ mê cuộc, Đồ tôi phải chịu thua! Đồ tôi ấm ức: "Tại sao phải chửi? Tại sao phải gây chia rẽ? Cuộc đời không khổ lắm ư? Chửi nhau có lợi lộc gì?" Rồi Đồ tôi tức mình, nảy ra ý "Chửi thì chửi, Đồ tôi cũng sẽ chửi với mấy người! Nhưng Đồ tôi sẽ không tham gia vào cuộc, Đồ tôi chỉ lôi hết cái xấu nầy đến cái xấu khác của xã hội chửi chơi". Chửi để phụ họa âm điệu với mọi người mà thôi!

Thế rồi! Tàn cuộc, Đồ tôi gom góp chúng lại thành tập. Tập "Thơ Đồ Ngông" để tặng bạn bè, thân hữu coi chơi. Nhất là để lưu lại cho các em, các con, các cháu một số kinh nghiệm mà quan sát, nhận định những mẫu người trong cuộc sống. Vì đó là tất cả những gì "thu lượm" được sau mấy mươi năm trải qua trong đời của Đồ tôi. Đồ tôi đã từng sa vào một số những nết xấu ấy, nên các nhận xét cũng không đến đỗi tệ. Thế nên, Đồ tôi mới biết những hạng ấy nghĩ gì, muốn gì? Mặc dù không hẳn là đúng, chính xác cho lắm! Nhưng không sao? Các em, các con, các cháu của Đồ tôi sẽ thêm vào bằng kinh nghiệm của chúng nó sau nầy.

Trong số các bài thơ có bài "Kẻ lù khù", là bài có thể bị hiểu lầm, và dễ bị dùng "nhầm lẫn" đối tượng. Vì thế, Đồ tôi phải viết đến bài nầy để phân tích sự khác biệt giữa hai "đối tượng", mà "thoáng" nhận xét về các đặc điểm, ta dễ bị sai trái. Đồng thời, đóng góp ý kiến với Quý vị để phân tích, nhận xét về một hai mẫu người trong xã hội, dù Đồ tôi không là người lịch lãm, từng trải trong cuộc sống. Tất nhiên, những nhận xét nầy chỉ là một vài khía cạnh phiến diện, thiếu sót xin nhờ Quý vị bổ túc dùm vậy! Đồ tôi dám làm chuyện ấy, quả đúng Đồ tôi là thứ "đồ ngông"!

Đồ tôi xin trở lại vấn đề:

Những đặc điểm của "Kẻ lù khù" nó có hao hao với những đặc điểm của "Người Đức độ", nhưng không phải là giống nhau.

Đồ tôi khi tạo ra bài "Kẻ lù khù" là cũng muốn nói đến một mẫu người trong xã hội, mà trong ca dao tục ngữ, Ông Bà ta đã ghi lại rằng: "Lù khù có ông Cù độ mạng" hay "Lù khù, vác lu mà chạy". Đồ tôi, không biết bây giờ ra sao? Chứ trong quá khứ Đồ tôi vốn là một kẻ lù khù, từ hình tướng cho đến cách sống trong cuộc đời lẫn cách làm việc. Bạn bè cứ mãi trêu ghẹo không thôi! Nhưng khoảng hơn mươi năm trở lại đây, Đồ tôi có vẻ lì lợm, ngang bướng, dám làm hơn mà không còn nhút nhát, e dè, nhu mì như thuở xưa, sau một "biến cố" để thay đổi cuộc đời. Cũng chính từ chỗ đó, mà khoảng ba năm nay, Đồ tôi thường hay xuất hiện với các bài viết mà Quý vị thương tình đã đọc qua.

Lù khù, theo như cái nghĩa của nó đã mang tính cách ngù ngờ, chậm chạp. Và nếu tưởng tượng về hình tướng thì khổ người hơi thô, cục mịch; đầu óc thì có vẻ khờ khạo, đần độn chút ít. Ngày xưa, bạn bè Đồ tôi đã từng ghẹo Đồ tôi "Nhủ mĩ, nhu mì như nó, coi chừng có ngày nó vác lu mà chạy cũng nên", rồi tụi nó xúm nhau cười. Đồ tôi tức mình, quê lắm! Mà bản chất của mình không thể phản ứng nhanh được, bởi thế cứ để "sóng cồn" trong lòng. Tức quá đôi lúc cự lên, hoặc nói những lời không êm diu, móc ngoéo, cay cú. Được nước, tụi nó còn chọc quê nhiều hơn. Nhưng chỉ cô thế trong đám, đành yên lặng "ngậm bồ hòn" làm ngọt! Thế rồi, thời gian qua đi, càng ngày càng lớn thấy tụi nó đôi lúc nói đúng, đành không dám giận hờn nữa mà lại từ từ sửa sai. Đến khi đi làm "thầy đồ", nghề nghiệp làm biến đổi khá thêm để thích hợp với việc mình làm. Lại khi đến xứ người, thấy mình quả thật là "cô đơn", mới thấm thía những điều "triết lý" mình đã học xưa kia, nên phải biến đổi mạnh hơn. Nhưng chỉ có "biến cố" mới có thể làm cho mình đột nhiên thay đổi, thay đổi một cách nhanh chóng và dứt khoát. Biến cố đó có thể do "Bệnh hoạn", hay "Bạn bè chơi cho một vố đau điếng" vì dã tâm, hoặc "Cuộc đời đá lên, đá xuống". Đồ tôi "Hận đời" cũng vì vậy! Đồ tôi "oán" cuộc đời lắm! Nên đành "tức tối" bươi móc cuộc đời "nhiều xấu" để thiên hạ coi chơi! Bởi vậy, Đồ tôi quả là "đồ ngông"!

Kẻ lù khù, sống trên thế gian như một thằng ngơ ngáo, lặng lẽ, giống như đi bên lề cuộc đời; từ từ, chậm chạp, không màng lưu ý đến những việc chung quanh; trí óc không có nét minh mẫn, tinh anh cho nên sự đối đáp cũng không được nhạy bén, linh hoạt, có vẻ của một người đạo mạo. Cho nên, thoáng nhìn qua người ta tưởng lầm "kẻ lù khù" là "người đạo đức".

Kẻ lù khù không phải trí óc lúc nào cũng "mơ ngủ", có những lúc nó thức. Khi nó thức, thì cũng khá năng động và mỗi sinh hoạt của cơ thể cũng làm việc nhiều hơn, giống như đồ chơi của trẻ con khi được thay "pin" mới vậy. Những lúc ấy là những lúc kẻ lù khù "có thể vác lu"; còn "Ông Cù độ mạng" là thế gian nhận xét đến sự may mắn của kẻ lù khù: "Coi nó khù khờ như thế đó mà đôi lúc lại được may mắn giống như Trời cho".

"Người đạo đức" là người hiểu đạo lý, sống theo đạo lý, và làm theo những tiêu chuẩn của đạo lý đã dạy. Nói chung là con người đạo hạnh, dù theo Tôn giáo nào, hoặc là Triết lý nhân sinh.

Nhìn từ bên ngoài, con người đạo hạnh cũng có những nét chậm chạp, nhưng đó là từ "thái độ từ tốn, ý thức, không tranh giành, một sự chững chạc của thân thể" được thể hiện từ trong "chững chạc tinh thần", thực hành đạo lý mà ra. Mỗi cử động thường được cân nhắc kỹ lưỡng, cẩn thận do đó mà người đạo đức rất khiêm cung trong mọi cung cách. Cái "chẩm rãi" ở đây, đều được ý thức chứ không phải là chậm chạp từ bản năng, vốn trời sinh ra hay từ bệnh hoạn, khiếm khuyết của người lù khù. Điều ấy rất khác xa!

Còn trong "lời ăn, tiếng nói", nếu ở kẻ lù khù giống như một bẩm sinh, hay tập tính, hay một sự "lờ đờ" không có ý thức; thì ở người có đạo đức, sự nhỏ nhẹ từ tốn thể hiện một tình cảm trìu mến, thương yêu, không sân hận, đem tình cảm đến với tất cả mọi người. Tâm của họ rất bình an, không khởi lên những vọng niệm, hờn oán, ganh tị và mang một tính cách vị tha. Cái "ngã" của họ nhỏ dần đi để nhường lại cái "tha nhân", vì thế mà chúng ta hay thấy họ không giành giựt, chen lấn, lớn tiếng, nặng nhẹ, chửi rủa, bới móc... Họ thường hay nhường phần cho người khác, và trong đời sống, họ sống có thể thật bình dị, và có một chút nét "ẩn dật".

Bằng một sự tình cờ trong cuộc đời của mình, Đồ tôi có thể hiểu được chút ít về "kẻ lù khù" và cũng do một cái "duyên" Đồ tôi có tìm hiểu thêm về "người có đạo đức"; đề hôm nay, nhân có sự "hiểu lầm lẫn" kẻ lù khù với người đạo đức, Đồ tôi cũng muốn dành chút thì giờ phân tích cùng Quý vị xem chơi! Nhưng Đồ tôi viết chỉ là những nhận xét của một cá nhân, tất nhiên nó sẽ không được chính xác và đầy đủ. Mong Quý vị sẽ bổ túc và điều chỉnh để chúng ta được một kết luận tốt hơn.
Đồ tôi thành kính tri ân.


Dù có bị hiểu lầm nhưng tôi cũng đành chịu thôi! Nhưng qua đó tôi mới thấy rằng nhận xét của mình trong cuộc đời cũng là trên trung bình. Vì nếu “tệ” thì đã không đúng, và người ta đâu có trách mình.

Kinh nghiệm lần ấy, tôi không dám tặng những ấn phẩm của tôi cho những người “thân quen” ấy nữa. Như vậy là tôi cũng đỡ phải tốn tiền!


Nguyên Thảo,
04/01/2010.
(“Cuộc Hành Trình Của Chữ Nghĩa” 15)

Những Bài Thơ Cho Bé (tt):

36- Sân Trường Vương Nắng.


Ngày hè trời vương nắng
Ánh nắng chói chang chang
Sân trường trông hơi vắng
Giọt nắng chảy hàng hàng.

Mùa đông trời thêm lạnh
Nắng sân trường lung linh
Tay vươn lên mãnh khãnh
Em khép nép thu mình.

Những ngày trời nắng ráo
Chim hót, gió tung bay
Em tung cao tà áo
Bạn nhún nhẩy vui thay!

Đùa nhau vui bạn nhé!
Sân trường ôm chân ta
Cùng đi vào kỹ niệm
Để mai ngày cách xa.

Nguyên Thảo,
17-07-04.


37- Hàng Phượng Bên Rào.

Hàng phượng bên rào ra bông đỏ
Bắt đầu báo hiệu hè lại sang
Một năm học nữa vào chấm dứt
Mình lại chia tay quá vội vàng.

Thấm thoát bây giờ đã đúng năm
Mưa rơi nhè nhẹ như nhủ thầm
Mấy tháng xa nhau buồn không nhỉ?
Lối ngõ đi về như xa xăm.

Dăm tháng xa nhau, ôi dài quá!
Ngóng cổ trông chờ lại quá xa.
Nhớ trường, nhớ bạn thầy cô giáo
Nhớ lớp ngày qua, tuổi ngọc ngà!

Nguyên Thảo,
17-07-04.


38- Cây Me Trước Lớp.

Hoa phượng khoe sắc thắm
Me lại trở màu xanh
Lá non còn mơn mởn
Gió đong đưa trên cành.

Giọt mưa hơi nặng hạt
Em vội vàng chạy nhanh
Vào mái hiên che chở
Không khéo ướt cả mình.

Cơn mưa vừa đi qua
Ve sầu cất tiếng ca
Mùa hè sao buồn quá!
Bạn bè lại cách xa.

Nguyên Thảo,
18-07-04.

Thơ Đó, Thơ Đây (Tây Nguyên)):

Lên Voi.

Lên non ta cưỡi voi chơi
Để ra ta biết thế nào “lên voi”
Rồi mai ta kiếm chó còi
Để ta lại xuống cho đời đủ đôi
Thử rằng thiên hạ ngỏ lời
Có voi, có chó mà ta thế nào?

Đồ Ngông.

Mây! (ở Pleiku)

Mở cửa phòng ra, ta đón mây vào
Hương mây lành lạnh thấm làm sao!
Mây nghe ươn ướt choàng lên tóc
Mây dán lên mi đẹp tựa sao!

Mây thoáng qua phòng, mây lại ôm
Không gian lồng lộng bóng chiều hôm
Mây bay thơ thẩn theo cơn gió
Thủng thẳng mà đi chẳng dập dồn!

Đồ Ngông.

Đi Tìm.

Lên cao tìm lấy người thân
Ngày xưa dòng họ xa gần lạc nhau
Lên non đi kiếm đồng bào
Ngày xưa một bọc xa nhau nửa phần.
Ta đi tìm những ân cần
Cùng nhau kết nối, nhớ về mẹ cha.

Đồ Ngông.

Trên Đỉnh Trường Sơn.

Trên đỉnh Trường Sơn nhiều gió lộng
Chói chang nắng đổ trời nung nóng
Mưa rừng gió núi buồn giăng giăng
Cỏ nội hoa ngàn vui ngập lối
Đồi núi, núi đồi nối với nhau
Hồ khe, khe hồ liền như bóng
Khách xa lạ mắt ưa mà ngắm
Ngoáy cổ lại nhìn trông với ngóng!

Đồ Ngông.

Một chuyến Tây Nguyên.

Tây Nguyên có tiếng là buồn
Không đi sao biết nguồn cơn thế nào?
Qua đồi, qua núi, qua truông
Qua bao ruộng rẫy, rừng, nương chập chùng
Cao su rung lá mông lung
Cà phê vẫy gọi; tiêu, điều nhấp nhô
Quê hương tiếng gọi vô bờ!

Đồ Ngông.

Biệt Điện. (Buôn Ma Thuột)

Cung điện nhà vua, có phải chăng?
Cái tên khác biệt thế gian rằng
Hay là đồ dỏm đem làm hiệu
Cho khách thầm mơ “dáng chị Hằng”!

Thôi thì ở tạm, coi như mơ
Khách sạn “ba sao” cũng chỗ hờ,
Có phải cung vua đâu lại tưởng
Khi rời, ra thể cũng như mơ!

Đồ Ngông.


Bài Hát Tây Nguyên. (Buôn Ma Thuột)

Bài hát vang vang vọng núi rừng
Rền rền âm sắc với không trung
Hát lên mang cả niềm tâm huyết
Đem trải lòng ra, trải khắp cùng.

Đồ Ngông.

Dòng Sông Sê-Rê-Pok. (Buôn Ma Thuột)

Dòng sông chảy xiết không chừng
Qua ghềnh xuống thác, đâu ngừng âm vang
Rộn ràng đá núi, cây ngàn
Một màu trắng đục, chứa chan nỗi lòng
Quê hương trong thoáng hoàng hôn
Mây giăng lảng đảng, bồn chồn xa xôi!

Đồ Ngông.

Bản Đôn.


Bản Đôn ta lại cưỡi voi
Qua Sêrêpok; xem nhà nhiều gian
Thăm nhà Y Prông E Ban
“Hửi” qua hương vị rượu cần bốc hơi

Đồ Ngông.

Qua Cầu Treo.

Qua cầu vào giữa dòng sông
Ngồi trên sàn ván, trong lòng hàng cây
Lắng nghe tiếng chảy rầm rì
Nước ngầu vẩn đục, len đi giữa ngàn
Nước non trên dặm quan san
Nghĩa tình non nước, bao lần nhớ nhung.

Đồ Ngông.

Thơ Đồ Ngông (tt)

Lại Nữa!

Lại nữa rồi đây, lại nữa rồi!
Bàng dân thiên hạ, xúm coi chơi.
Một bầy con rối, vung tay múa,
Cả đám thò lò, lúc lắc trôi.
Náo loạn om sòm, cò được béo,
Lung lay sóng động, quạ tha mồi.
Bao nhiêu nhân tướng, bao nhiêu miệng
Sao chẳng thanh âm, mặc kẻ tồi.

Đồ Ngông,
02-06-07.

Nhắc,...!

Nhắc nhỡ cùng nhau, tớ với anh
Ra thân tị nạn, kiếm nơi lành.
Có nơi ẩn náu, nương làm khách
Được chỗ vui vầy, tớ với anh.
Cả khối dân mình cần chỗ sống,
Hàng nghìn đứa trẻ muốn yên lành.
Sao anh không thấy, hay anh nhỉ?
Khuấy để làm gì, thế hỡi anh?

Đồ Ngông,
02-03-07.

Hơi Buồn,

Chưa chúc được anh, tớ phải buồn!
Những chiều nhìn thấy hạt mưa tuôn:
Nghĩ anh gánh nặng đè vai nhỏ,
Lòng tớ trĩu niềm áo não luôn!
Anh được vinh danh, người hớn hở,
Họ vừa khuấy động, tớ hơi buồn!
Ô hay, dân tộc ta là thế?
Hay tại vì ai đã phát cuồng!

Đồ Ngông,
03-06-07.

Suy Tư.

Tớ phải mừng anh hay phải buồn,
Leo cao người ngắm được luôn luôn
Nghĩ về nhóm Việt lòng đau xót
Thương để dân Nam dạ sóng cồn.
Tớ thấy nhiều năm người rối loạn
Anh xem trong tháng họ bồn chồn.
Lửa thiêu tới đít: Người cùng báo
Khuấy động om sòm lại tới luôn.

Đồ Ngông,
03-06-07.

Nghĩ Về Anh.

Tớ thấy thương Anh, thương lạ lùng
Đang ngồi trên lửa: Kiết hay hung?
Chỉ cần cả đám làm như giặc
Danh giá nhà anh lại đến cùng.

Việc lớn thì xong, nhỏ chẳng xong
Cộng Đồng không được, lớn sao thông
Hay là Anh tính, xin với họ
Anh được phần anh, vẹn cộng đồng.

Lời thực Anh buồn, tớ cũng xin
Bao năm mòn mỏi, khiến dân kinh
Chỉ riêng có tớ vì ngông nặng
Nên cứ lậm lì can với ngăn.

Đồ Ngông,
03-06-07.

Bà Bầu Ở Cử!

Bà bầu ở cử! Hai năm,
Tèm hem như thể máng hèm heo ăn
Bây giờ "quả" hiện lăng nhăng
Muôn ngàn công đức chỉ cần "đóm" thôi
Ông về suy ngẫm chuyện đời
Nhân nhân quả quả muôn lời đắng cay
Cuộc đời thật khó lắm thay!

Đồ Ngông,
03-07-07.