Monday, May 3, 2010

"Rệp Mà Chê Bù Xít".


Nói đến con rệp chắc Quý vị đều nhớ đến con vật cắn, hút máu mà ai cũng ghét: Vì nó làm mình khó chịu, phá giấc ngủ, lúc nào cũng thừa cơ hội để "lấy" máu của mình. Chẳng những đã vậy, nó còn có một mùi hôi rất nặng khi ta buồn tình, bực mình giết nó. Lúc nhỏ, có một đêm nọ Đồ tôi bắt ghế bố ở "hàng ba" trước nhà để ngủ, vì trời nóng nực oi bức nên không thể ngủ trong nhà. Ôi! Tại sao hôm nay kỳ quá! Ghế bố có cái gì bất ổn, hay lông các sợi bố của cái bao bố chỉ xanh trở nên cứng nó "chọt" lưng mình, khiến Đồ tôi không thể nào nằm được lâu; chứ đừng nói chi là yên giấc. Tức quá, Đồ tôi dậy đốt đèn lên coi lại cái ghế bố. Chẳng có gì, lông sợi bố đâu có cứng, nó vẫn mềm mại cơ mà. Đồ tôi lấy làm lạ, tắt đèn đi ngủ. Khi nằm lên ghế bố, Đồ tôi lại có cảm giác khó chịu như trước. Đồ tôi giận quá! Nhưng cứ làm thinh mà nín nghe coi cái gì, xem cái cảm giác khác biệt ra sao mà tại sao hôm nay cái ghế bố lạ lùng như thế này. A! Lạ thiệt! Nó không những khó chịu, lại còn đốt nóng từng cơn vào cái lưng của mình làm như có hàng ngàn mũi kim đồng loạt chích cùng một lúc. Đồ tôi suy nghĩ không thể nào các lông bố gây cho mình "xót" (ngứa ngái, nhột nhạt), vì bao bố để làm ghế bố nầy xài cũng đã lâu. Mà nếu có, tại sao hôm trước không bị. Đồ tôi không thể hiểu được! Giận quá, Đồ tôi lại đốt đèn lên đi tìm nguyên nhân. Ôi! khi lật tấm bố ngay chỗ mấy cây nẹp của ghế bố: Hàng khối con rệp, rệp lớn rệp nhỏ, rệp mẹ rệp con lung nhung, lúc nhúc đang tìm đường chạy trốn. Đồ tôi lật đật giết nhưng vẫn không kịp. Giết đến đổi ngón tay trỏ đầy máu, hôi rình mà vẫn phải giết. Thấy rệp chạy mà Đồ tôi "giởn óc", "nổi da gà". Thế là đêm ấy Đồ tôi phải "gát" (bỏ ra) ghế bố qua một bên, và trải chiếu trên nền xi măng mà ngủ. Ngày hôm sau, Đồ tôi không chịu tha cho cái ghế bố. Đồ tôi lại lật nó xuống để tảo thanh mấy con rệp. Ôi! Rệp sao mà nhiều quá! Đồ tôi không thể giết bằng tay. Đồ tôi lấy giấy mồi lửa đốt nó. Lửa có hiệu quả hơn, nhưng làm cháy mấy cái lông sợi bố và làm ghế bố bị nám đen. Nhớ đến, có một lần, thằng bạn xài dầu cặn (gasoil) xịt lên mình các con rệp, chúng chạy một hồi rồi nhỏng cẳng lên, vễnh cong đít lại, rung rinh vài cái và chết. Chết đứng như vậy! Đồ tôi không có dầu cặn, đành lấy dầu hôi (dầu lửa) thay thế. Rệp phải chết! Chúng chết thiệt! Ngay cả trứng cũng bị "ung" (hư) đi! Từ đó về sau, Đồ tôi tha hồ nằm ghế bố, ngủ trên ván, trên giường mà không hề sợ đến con rệp nữa. Đồ tôi cũng không thèm giết những con rệp để phải dơ tay và ngửi mùi hôi của nó.

Lại có con bù xít, nó hôi hôi tệ hại hơn con rệp nhiều. Có những đêm ngồi học hoặc mọi người đang quây quần nói chuyện vui vẻ dưới ánh đèn, lũ sâu bọ có cánh thấy ánh đèn nó khoái chí lại bay vào. Có nhiều loại. Đồ tôi thấy có con gì là lạ, lấy tay khều nó đi. Sau đó tay mình sao mà hôi gớm! Một mùi hôi khó chịu, nhức đầu. Cở mà giết nó, có lẽ ngón tay còn hôi "khiếp" hơn nữa. Đến bây giờ Đồ tôi không còn nhớ đến hình dáng của nó. Nhưng nếu lỡ mà đụng đến con sâu bọ nào mà có mùi hôi ấy thì Đồ tôi sẽ biết ngay: Đó là con bù xít.

Nói đến rệp và bù xít, Đồ tôi lại nhớ đến một câu chuyện tức cười. Cũng từ câu chuyện đó, Đồ tôi mới biết được câu "Rệp mà chê bù xít", và cũng lại là lần đầu tiên mà Đồ tôi được nghe đến câu ấy.

Số là vào năm 85, Đồ tôi cùng vài người bạn cùng nhau mướn nhà để ở. Nói là bạn nhưng tất cả giống như là thân, cho nên tiền bạc chi phí ềŠu chia đồng chứ không chia theo phòng như nhiều trường hợp khác. Đồ tôi thì thủ kỹ cái "sleep out" ở phía sau. Nó vừa thích hợp, yên tĩnh, thoáng mát, lại vừa có thể nhìn cảnh vật phía sau vườn; mặc dù mùa đông có hơi lạnh hơn một chút. Nhưng đã có lò sưởi thì cũng chả sao!

Còn có bạn thanh niên thì ở phòng trên, tương đối ấm cúng hơn. Nhưng một ngày nọ, anh chàng bỗng nổi hứng báo với bọn Đồ tôi: Anh chàng muốn đem người bạn về ở chung. Đồ tôi và những người bạn khác phân tích trước về tình hình, nếu ưng ý thì cứ đem về. Thế là sau đó nhà thêm được một thành viên. Thành viên ấy cũng chẳng xa lạ gì với chúng tôi. Cũng đều là bạn cả. Lúc đầu thì vẫn vui vẻ được một hai tháng. Nhưng lâu ngày đã bắt đầu có những than phiền. Than phiền không phải vì chuyện trong nhà, mà là chuyện tự trong phòng. Đầu tiên là chuyện "mớ" khiến cho khó ngủ. Rồi đến chuyện mở đèn vì người thì làm "ca ngày", người thì làm "ca đêm". Sau đó, thì đến chuyện bày biện, ở dơ. Tới lúc ấy thì chúng tôi thường xuyên nghe những lời than phiền từ hai phía. Bên nào cũng chê người kia ở dơ, bày biện không dọn dẹp gì cả. Một hôm nọ, anh bạn trưởng nhóm vừa bực mình, vừa cười bảo: Hai đứa tụi bây đứa nào cũng như đứa nấy mà than phiền ai. Đúng là "rệp mà chê bù xít". Đồ tôi nghe mà cũng tức cười! Không ngờ trong tục ngữ lại có câu ấy! Thật là rất đúng trong trường hợp nầy. Không đứa nào hơn đứa nào, đứa nào cũng có những đặc điểm như nhau, thế mà lại chê nhau. Ôi! Quả thật là "Rệp mà chê bù xít"!

Nhưng thói thường trong cuộc đời là như thế đó! Người ta thường không để ý đến những gì hoặc những thói xấu, những nết của mình. Hay họ cố tình "làm như không hay biết" chuyện của họ. Họ chỉ chú ý đến chuyện của người khác, cái "gương mặt của người khác" mà họ không thấy được "cái mặt của mình". Thế cho nên họ cứ tha hồ bình phẩm, chê trách, không tiếc lời. Họ cứ mãi nhìn vào túi của người khác, mà quên đi túi của mình đang đầy âm ấp.

Lại có những hạng người toàn là moi móc, bươi rác rưởi của người khác mà không nghĩ ở nhà mình đang có nhiều rác rưởi hơn, chẳng ai bằng.

Ôi! Kẻ chê người hôi lại còn hôi hơn cả người!

Thế mới là: "Rệp mà chê bù xít".

Từ đó ta mới thấy những kinh nghiệm của cổ nhân! Đồ tôi thật là khâm phục!


ĐỒ NGÔNG,
14-01-03.
(“Chuyện Tào Lao Thế Sự”)

No comments:

Post a Comment