Saturday, May 22, 2010

H.T Chữ Nghĩa 16: Giai Đoạn Đầu.

Sự can thiệp của tôi có tính cách cá nhân và đơn phương. Tôi vốn trước kia không giao thiệp nhiều, bạn bè ít, nhất là tôi không có trong một đoàn thể nào cả dù là trong một đoàn thể vui chơi. Tôi can thiệp chẳng qua vì thấy “chướng tai gay mắt”, bất bình; nhưng cũng phải nói là vì “tự ái”: Trong khi tôi đang cố gắng tìm cách để giúp đỡ cho các bậc cha mẹ có thêm nhiều ý kiến lẫn phương cách để hướng dẫn trẻ con tốt về sau, thì người lớn lại làm trò “khó coi” trên báo chí. Lúc đầu tôi “hỡi ôi!” mà cũng phải bật cười đôi lúc. Không ngờ lại có những con người “vô duyên và thiếu ý thức như vậy!”, kể cả “người” mà tôi đã từng quý mến, vì ông đã giúp tôi đạo đạt ý nguyện cũng như những tư tưởng của tôi đến với mọi người và những bậc phụ huynh.

Trong một thời gian khá lâu để quan sát, tôi thấy chuyện nầy xảy ra không đơn giản. Nếu đơn giản thì những người lãnh đạo Cộng Đồng đã can thiệp vào rồi, hoặc ít ra các đoàn thể cũng phải họp lại để giải quyết vấn đề. Nếu không thì các đoàn thể chính trị, lẫn tôn giáo cũng lo hợp tác để làm cho cộng đồng được yên ổn. Nhưng không! Không một đoàn thể, tổ chức chính trị hay tôn giáo và không một hành động nào gọi là để cho yên ổn cả! Tôi đặt dấu hỏi: “Ai là người đứng đàng sau vấn đề nầy? Tại sao những người lãnh đạo Cộng Đồng không giải quyết? Tại sao các đoàn thể chính trị, tôn giáo, các tổ chức không yêu cầu các tờ báo chấm dứt đăng các bài ấy; nếu không đăng thì người ta viết để làm gì?”. Chắc chắn là có âm mưu, nhưng ai đứng đàng sau vụ nầy? Và vụ phá chùa cũng không đơn giản vì trước đó tôi đã nghe có người nói với phe ứng cử đối nghịch rằng: “Hồi trước mấy ông nói xấu Huề thượng và chùa, tôi sẽ nói Huề thượng kêu gọi Phật tử tẫy chay liên danh mấy ông!”. Thế là không bao lâu và trước bầu cử Ban Quản Trị Cộng Đồng mấy ngày chùa bị đập phá. Vậy thì ai đứng sau lưng vụ việc? Và ai đỡ đầu, chỉ thị cho tờ báo đăng những bài chửi, và ai chỉ thị những người viết các bài chửi liên tục để gây rối cộng đồng, không cho dân chúng được sống yên ổn trên xứ người? Có nhóm nào ở sau lưng việc gây rối ấy không?

Sự trấn áp thấy rất rõ ràng, bất cứ một người nào viết bài gởi đăng để kêu gọi ngưng hay can thiệp thì “những người xung kích” viết bài chửi tới tấp bằng những ngôn từ khiếm nhã, đá cá lăn dưa, tục tỉu kể cả “chụp mũ” thiên hạ nếu trong bài viết có vài ngôn từ “không phải của phe ta”. Thế cho nên không ai dám can thiệp cả! Những người trí thức không dám dùng uy tín của mình để can thiệp; người trong đoàn thể không dám vì sợ dính líu đoàn thể mình vào. Các đoàn thể chính trị đối nghịch thì không, vì đó là sự tranh giành giữa họ với nhau... Cho nên, vấn đề ấy là nan giải! Dù biết là vậy, tôi cố gắng nhảy vào, chỉ mong họ thấy được vấn đề “không có lợi” mà bớt cường độ lại, thế thôi! Tôi chuẩn bị từ cái “bút hiệu” cho đến “nội dung” của bài. Có thế, tôi mới theo đuổi vụ việc cho đến tàn cuộc. Tùy theo tình hình mà nội dung có lúc cương, lúc nhu; có lúc nói gần có lúc nói xa... Nhưng chung quy cũng nhằm vạch cho độc giả, dân chúng thấy việc làm sai trái của họ, để sử dụng đến “sức mạnh của quần chúng” mà “tẩy chay” hoặc phiền trách những con người ấy đi!

Trong cuộc can thiệp tôi có một sự nhu nhược không thể tha thứ: Đó là trình bày một số sự thật. Nhưng tôi đành “bất khả kháng” vì một là “ân nghĩa”, hai là “thế lực” chủ trương làm việc đó, ba là “quyền tự do báo chí trên xứ người”, bốn là do mục của “bạn đọc”, năm là “quyền lợi, thủ thuật kinh doanh”, sáu là “nhằm triệt hạ”. Chính vì thế mà sự việc kéo dài rất lâu, và Đồ Ngông tôi cũng cố kiên trì trên lập trường của mình. Đó cũng là nguyên nhân do đâu tôi sáng tác rất mạnh trong thời kỳ ấy, vừa văn, vừa thơ vừa nghiên cứu về Đạo Phật, vừa làm farm. Cho nên đứa cháu là con của “bà chị đã hỏi tôi về vấn đề Thiền trước kia”, nó đã từng học ngành báo chí ở quê nhà trước khi có chồng sang Úc đã hỏi tôi: “Chú làm farm như vậy mà sao chú có thì giờ để viết?” Tôi chỉ nói là tôi ráng thôi! Cũng như về sau nầy có những bạn đồng môn ngày xưa nhìn thấy sự sáng tác của tôi trong thời kỳ đó; nhưng với riêng tôi thì tôi lại chẳng hề để ý đến điều ấy; có lẽ vì tôi “mãi cắm cổ” mà chạy, nên tôi đã đi quá xa mà tôi chẳng biết, giống như là một sự thường tình!

Trong giai đoạn đầu nầy, tôi rất phải cẩn trọng trong sự viết để can thiệp của mình, không khéo đụng đến “những vấn đề lớn hơn” thì rất ư là phiền, cho nên tôi viết giống như “hàng hai” mà trung tâm câu chuyện thường nằm trong giai đoạn “con nít” của tôi; và tôi đặt cho chúng một tên chung là “Tào lao thế sự”. Nói chuyện “tào lao” chơi thôi, chứ không đá động dính dáng đến ai. Và với thơ tôi phải triển khai xa hơn, là nói đến “thói đời” của con người, đôi khi các bài thói đời phải nhiều hơn để họ không thấy được cái ý mà tôi “muốn nói”; cho nên đa số họ chẳng thấy được cái ý sâu xa của tôi. Thế tôi mới được yên thân và làm trọn được công việc của mình.

Trong thơ tôi “bắt chước” họ để chửi, nhưng tôi lái sang một phạm vi rộng hơn; không moi móc, vạch lá tìm sâu của cá nhân để chửi; mà tôi lôi thói xấu của cuộc đời, con người để chửi chơi, nhưng trong những thói đó tất nhiên họ cũng có rồi, họ không biết tôi muốn nói cái gì, nói ai. Thế mà khi tặng các ấn phẩm cho bạn bè để giúp con cháu họ có vài nhận xét về con người, để thêm kinh nghiệm sống về sau thì tôi lại bị “hiểu lầm”, cũng thật là có nhiều “nhức nhối!”.

Tôi triển khai cái chửi “cá nhân” hay “đàn nhóm” thành cái chung của con người, của thói hư tật xấu mà bất cứ một ai chán nãn cuộc đời hay bị cuộc đời “cho” nhiều thấm thía đều muốn chửi, tôi tặng cho họ một bài thơ chửi cuộc đời chẳng là thoải mái lắm sao? Tôi cố gắng ngồi nhớ nhiều chừng nào tốt chừng đó. Rồi lại phải moi óc từ những nhận xét của mình trên từng hạng người, xong phải tìm chữ đưa vào vần điệu mà kết lại thành một bài thơ, cũng khó lắm chứ, nhất là một bài thơ đường luật! Nhưng vì hiện tại lẫn tương lai tôi cố gắng làm việc đó, chỉ mong về sau được nhiều người biết, họ chỉ cần đọc bài thơ ấy thôi, để rồi bài thơ sẽ làm được nhiệm vụ của nó, cũng như tôi đã tâm tình trong bài thơ “Ông Quá Tôi!” như sau:

Thân tôi sức yếu, nhờ thơ thôi!
Thơ chửi đời chơi, gởi mọi người
Chổi hóa thơ, thơ thành bó chổi,
Quét đời, cứ đọc quét đời chơi!

Trong thời kỳ nầy, song song với thơ tôi còn dành thì giờ để viết những bài “Tào lao thế sự”, vì thơ nó vừa cô đọng, vừa khó nói cặn kẽ hơn được. Tôi phải thủ để khi nào bị “nhóm họ tấn công quá mạnh” thì: Nếu không trả lời bằng thơ thì tôi sẽ qua văn; đồng thời cũng để chứng tỏ “bản lĩnh” của tôi như thế đó, các ông “muốn làm gì thì làm đi!”. Nhưng tôi đã thấy rồi, bản lĩnh của tôi, mấy ông ấy khó mà theo kịp vì: “Tôi viết với một tấm lòng!”. Nếu tôi có thua đi nữa, khi vỡ lở ra thì độc giả cũng sẽ hiểu cho tôi, vì tôi là người phổ biến ra bài Thiền, cũng như giáo dục con cái, hay “Những bài viết cho con” hoặc “những bài ca tụng mẹ”, đó là chưa kể đến những công trình nghiên cứu đạo Phật của tôi, ngoài việc sản xuất dưa, cà, ớt... đóng góp cho xã hội. Nói như thế, chứ tôi đã sẵn sàng những bài thơ dành riêng cho “thế thủ” của mình một khi mà họ muốn tấn công tôi, chúng được che đậy bằng hình thức “ngụ ngôn”. Nhưng chưa cần đến chúng, cho nên chúng vẫn là những bài thơ “ngụ ngôn”!

Tôi xin mời quý vị đọc hai bài: “Câu chuyện chửi người như sau:

Câu Chuyện Chửi Người (1).

Đồ tôi muốn viết câu chuyện chửi người đã lâu. Nhưng vì một phần bận rộn với công việc làm ăn, một phần thời cơ chưa hẳn đúng lúc và một phần khác nữa là chưa có thì giờ rảnh để tìm lại quyển "Ba Giai Tú Xuất" để viết cho chính xác hơn. Do thời cơ gấp rút tới, thôi thì cứ viết "bừa" đi thôi! Nếu có sai, có trật thì mong bà con thứ lỗi cho vậy. Hoặc là Đồ Ngông tôi phải đòi tiền huê hồng với nhà xuất bản cuốn "Ba giai Tú Xuất", vì Đồ tôi quảng cáo không công cho họ. Còn một câu chuyện khác dám chắc bà con không bao giờ biết, nếu Đồ tôi không kể.

Nhưng trước khi kể, Đồ Ngông tôi xin xác định với bà con mình rằng: "Đồ Ngông tôi không hề chỉ trích, châm biếm ai cả và khẳng định một cách rõ ràng, trước sau như một là Đồ Ngông tôi không lấy văn chương để bôi bẩn một ai, hay Đồ Ngông tôi không sử dụng chữ nghĩa để làm một việc đê tiện, thiếu văn hóa, vô giáo dục. Văn chương chữ nghĩa mà Đồ Ngông tôi sử dụng phải đem lại lợi ích cho mọi người; đả phá các nếp xấu, xây dựng cái tốt; còn nếu không Đồ Ngông tôi sẽ không viết như trong bài "Uy lực của ngòi viết " Đồ Ngông tôi đã viết: "Từ lúc ấy tôi mới ngó lại cây viết của mình mà năn nỉ nó "Viết ơi! Xin mầy đừng làm khổ tao; nếu có, tao mong mày hãy gãy đi trước khi tao viết".

Mà nếu sau nầy, bà con có biết được Đồ Ngông thì chắc bà con cũng hiểu dùm cho Đồ Ngông; còn bây giờ cứ coi như là nó ngông nên nói bậy. Mà rủi có trúng thì cũng chỉ là "xin xăm" mà thôi!

Số là ngày xưa khi Đồ Ngông tôi học lớp cuối của bậc Trung học, hồi đó gọi là lớp Đệ Nhất lận, chứ không là lớp 12 như sau nầy. Vì nhà xa trường, một phần vì chiến tranh khá ác liệt cho nên phải trọ học, chỗ trọ thì có ba thằng trai hai đứa con gái. Anh bạn của Đồ tôi là bồ của một trong hai đứa con gái ấy. Thực ra đứa con gái ấy lại thích Đồ tôi, nhưng vì Đồ tôi rách mướt, mặc cảm tự ti đành phải ngậm ngùi "ngoảnh mặt quay đi" mà lòng vẫn "xốn xang, chua chát":

Không biết vì sao một buổi chiều,
Buồn dâng lấp cả cánh tim yêu!
Nhìn dương lả ngọn, mây đen đến
Anh thấy lòng anh, khó chịu nhiều!

Anh thấy nhớ nhà, thấy nhớ em!
Nụ cười duyên dáng trên môi mềm
Mắt sâu yên lặng và thâm thúy
Anh bỡn, anh em cứ mãi cười!

Bây giờ em lại đến đây sao?
Em biết lòng anh có những nào?..."

Sau một thời gian, một bửa nọ anh bạn Đồ tôi vào lớp học cảm thấy nhức đầu xin thầy về sớm. Không hiểu thế nào, khi tan học Đồ tôi đạp xe đạp về đến chỗ trọ, anh bạn Đồ tôi than phiền ngay: "Bửa nay tao tức quá! May là tao về sớm bắt gặp được, nếu không mai mốt nó đá đít mình không hay!" Đồ tôi chưng hửng, nhưng rồi sự tình cũng được giải bày. Anh bạn nói với Đồ tôi: "Tối nay tao phải chửi cho nó một chập". Cơm nước xong xuôi, Đồ tôi ngồi vào bàn học với hai đứa kia. Sau đó, thì trèo lên ván ngủ. Sáng hôm sau, anh bạn Đồ tôi kêu Đồ tôi ra nói nhỏ: "Hồi hôm tao tức quá, tao kêu nó ra tao chửi cho nó một hồi. Nó đứng nó khóc, nó không nói gì cả. Tao chửi nó, tao chỉ trông cho nó trả lời, hoặc trả treo để tao tha hồ tao chửi cho đở tức. Nhưng nó chỉ khóc thôi, thành ra tao cũng mất hứng." Lúc ấy, Đồ tôi vừa ngạc nhiên, vừa thoáng hiện trong trí óc "đúng là nhu thắng cương". Chuyện ấy đã qua rồi, thắm thoát cũng mấy chục năm. Ôi! Cuộc đời sao nhanh quá vậy! Giống như chuyện vừa mới xảy ở hôm qua...!

Thế rồi sau nầy có dịp đọc chuyện Ba Giai Tú Xuất, Đồ tôi khoái có mỗi hai chuyện nhất là chuyện "Thằng bé ơi! ra đây mà ăn kẹo" và chuyện mà Đồ tôi sắp kể lại cho bà con. Thú thật, trí nhớ của Đồ tôi rất dở, nhiều lúc đọc vừa qua lại quên rồi, cho nên chỉ nhớ loáng thoáng mà thôi. Vì không có thì giờ tìm kiếm đọc lại để kể cho đúng, thôi thì bà con cứ nghe rồi sau nầy có đọc được thì tự chỉnh lại dùm vậy, xin đa tạ vô cùng.

Vốn là Đồ Ngông nhớ như vầy:

"Ở Nam Định, thuở ấy một cô hàng quán chanh chua, đanh đá hay chửi người. Năm ấy vào mùa thi, sĩ tử kéo về thành Nam tìm chỗ trọ ăn uống để đi thi, thì hai anh chàng Ba Giai Tú Xuất nhân dịp nầy đến phá cô hàng cho bỏ tật. Thế là hai anh chàng giả làm sĩ tử đi vào hàng quán cô nàng, không biết như thế nào đó (vì Đồ Ngông tôi không nhớ được) lại tìm cách cho cô nàng nổi "tam bành lục tặc" tha hồ lên cơn mà chửi. Còn hai anh chàng qua hàng quán kế bên ngồi đánh chén. Chửi gần cả ngày khi cô nàng mệt, thì anh chàng Tú Xuất bắt ghế thò đầu qua hàng rào chửi vài câu để cô nàng tiếp tục chửi, cứ thế cả ngày lẫn đêm. Suốt 2 (hay mấy?) ngày, cuối cùng cô nàng mệt lả người, khách đều bỏ đi hết, không vào trọ lẫn ăn uống. Và từ đó cô nàng bỏ luôn cái tánh chanh chua, đanh đá, hỗn hào".

Đồ Ngông tôi chỉ nhớ như vậy, không biết là đúng hay sai?

Nhưng trong đời có nhiều kẻ thích chửi người, coi sự chửi thắng như là một thành tích, một kỳ công, có khi bị người khác "bơm" để nó chửi, mà lợi là người ta hưởng. Bởi thế Đồ Ngông tôi cũng quả là "hận đời". Cho nên Đồ Ngông tôi sau khi ngồi "ráng rặn", bóp nát bộ óc của mình vắt ra được một bài thơ:

Khích bác.

Có kẻ thường hay khích bác người
Muốn người "nổi trận" để coi chơi
Đôi khi đứng thủ ngoài vòng chiến
Đợi lúc người suy, "đoạt món lời"!

Có người "tưởng thế cô đơn"
Dùng trí đa mưu khích bác người
Sẵn tánh anh hùng, người "nổi máu"
"Con cờ lợi dụng" khác gì hơn!

Lại lủ hèn kia chẳng dám làm
Đem lòng xui giục đứa lòng tham:
Tham danh, tham vọng, tham tiền bạc,
Mắc phải mưu thâm thay hắn làm!

Ôi! Đời sao lắm người gian thế!
Chỉ muốn mượn người để lợi ta
Lời ngọt, ý hay luôn thúc đẩy
Lợi là y, chết lại là ta!

Câu Chuyện Chửi Người (2).

Đồ Ngông tôi nhát lắm! Hễ thấy chỗ nào bắt đầu "khua dao động thớt" là Đồ tôi lật đật bỏ giò lái mà lẳng lặng chuồn một cách êm ru. Thật ra, ai có qua cuộc đời sôi động mới thấy chán cảnh ồn ào; ai có "hăng tiết canh vịt" mới thấy gây sự là chán ngắt; ai có trong giới giang hồ mới thấy mình có nhiều nỗi lo âu, mỗi bước đi "nghênh ngang" là có mội cái nhìn quanh quất chung quanh. Ôi! Thế mà, người ta vẫn thích nghênh ngang. Đời là như thế đó! Nhưng ngẫm nghĩ lại, nếu tất cả phẳng lặng như tờ thì nó buồn tẻ biết chừng nào! Tuồng hát mà không có thằng nịnh, thằng đâm thọt thì lại không có éo le; không có thằng hề thì chẳng có những trận cười bể bụng.

Hồi nhỏ, lúc Đồ tôi còn là một cu cậu choai choai, dù rằng Đồ tôi không có nhiều thì giờ để đi chơi, nhưng không phải là không có, có những lúc cặp bè cặp bạn xuống ruộng tát cá, tắm suối, hái trâm, táo gai; bắt cá lia thia, bắt dế về cho chúng nó đá; hoặc đi ăn cắp điều, ổi; hay ăn cắp đất sét của mấy lò chén để nắn đồ chơi... Nhưng cuộc chơi nào cũng vậy, có lúc vui lúc buồn; lúc thì thích nhau, lúc chửi nhau, lúc đánh nhau... Vì Đồ tôi vốn là "vịt đẹt", nhỏ con nên đành chịu thua. Tuy vậy, đôi lúc vẫn còn bị lâm vào cuộc chiến "bất đắc dĩ". Đồ tôi sợ đánh lộn lắm: Một là trong cuộc đánh mình đã đau, về nhà bị mẹ đánh lại càng đau hơn! Nên Đồ tôi bao giờ cũng ở thế bị động, tức là bị người ta tấn công trước. Nếu bà con chứng kiến cảnh gà đá nhau: Hai con gà trống "chìa" cổ ra, giương đầu tới, hạ thấp xuống xù lông cổ và mồng đỏ lên sừng sộ; thì con người khi đánh lộn mặt cũng hầm hừ, một tay thì giơ lên cao khuỳnh ra che trên mặt, một tay ở dưới, bàn tay "gù" lại; một ở thế đỡ, một ở thế tấn công. Thế là "ghìm" nhau. Cuộc đánh nào cũng từ đám đông "cổ võ" ở bên ngoài: "Tao bắt thằng Vân ăn", "Tao nói thằng lùn thua" hoặc "Thằng nào đánh trước làm cha, thằng nào đánh sau làm con", thậm chí tụi nó còn xô thằng nầy nhập vô thằng kia để đánh lộn coi chơi. Một lẽ đơn giản là tụi nó có mất mát, thiệt hại gì đâu mà còn được coi một màn đánh lộn "đả con mắt" khỏi trả tiền. Thế rồi, thời gian đi qua, đi qua! Đồ tôi lần lần lớn lên, được gia nhập vào dòng họ Đồ. Quần áo, khăn gói, bút mực, giấy bản, ống tre lĩnh kĩnh "quả mướp" mang về vùng ốc đảo xa xôi. Người ta nói những tay oai vệ, những người hách dịch... thì những kẻ có chút địa vị lên mặt ở nơi xa xôi, hẻo lánh lại càng rõ hơn. Người ức hiếp người, người chèn người... oai quyền "ra phết". Hèn chi, người ta "khoái làm lớn" thì phải, có kẻ hầu người hạ, có người "khúm núm" bẩm ngài, bẩm quan; có người tặng quà, tặng vật... Làm người dân của thời bình thoải mái hơn người dân trong thời chiến. Và sau nầy Đồ tôi lại hiểu được: "Làm dân ở xứ văn minh sung sướng hơn người dân ở xứ nghèo đói, lạc hậu rất nhiều". Nghĩ lại, Đồ tôi lại càng thương dân và quê hương mình lắm lắm..!

Sau 30/4/75 trên quê hương mọi sự gần như bị bế tắc; về kinh tế càng ngày càng khó khăn. Những con người bương chải, làm đủ nghề để kiếm sống; hàng khối người vào tù; hàng đám người vượt biên, hàng triệu người lao động chết bỏ vì miếng cơm manh áo. Bệnh tật thiếu thuốc men,..). Thế rồi, Đồ tôi cũng được may mắn nằm trong cái số người mà: Cái cung Thiên Di có sao Thiên Mã cùng sao Phượng Các xung chiếu nên gần mười năm sau lọt về trên đất "Úc Thòi Lòi" và "Xin chọn nơi nầy làm quê hương"!

Ngày đến đây buồn lắm! May nhờ gặp thằng bạn cùng quê ráp nhau mướn nhà ở, có tao có mầy để nói chuyện tào lao và coi phim "Anh hùng xạ điêu" có Quách Tĩnh, Hoàng Dung, có Hoàng Dược Sư, Chu Bá Thông... và có lão gì luyện võ bị tẩu hỏa nhập ma mà Đồ tôi quên mất tên... A! Lão Tây Độc Âu Dương Phong! Coi cả bộ phim mà Đồ tôi chỉ nhớ có được một câu của Hoàng Dung lúc nàng ta cự với ông cha: "Cha chỉ có biết chửi người ta, tại sao cha không biết tự chửi mình?" Thế mà Hoàng Dược Sư hé miệng nở nụ cười, bởi lẽ đơn giản vì Hoàng Dung là con gái cưng của Đảo chủ Đảo Đào Hoa.

Ở trên đời, có nhiều người thích chửi người khác, chửi càng cay cú, sâu độc chừng nào họ lại càng khoái; chửi đến đổi người bị chửi phải ngậm câm thì họ lại càng khoái hơn, giống như là họ đạt được thành tích, đạt một chiến thắng vẻ vang. Và nếu "lỡ" có một người nào đó chửi thắng họ, họ trở nên tánh khí "đùng đùng" cỡ ăn tươi nuốt sống người ta được, họ cũng làm.

Đồ tôi vốn dĩ lúc nhỏ cũng dại ăn dại nói, rất ư là tình thiệt đôi khi trở thành mách lẽo hoặc nói xấu bạn bè, lớn lên thấy được tánh ấy nên ráng bỏ lần. Nhưng khi nhậu "xỉn xỉn" thì nói hoài một chuyện, bạn bè cũng không thích. Thế là, Đồ tôi ráng bớt nhậu chừng nào tốt chừng nấy. Thà ít nhậu hơn là không vui với bạn. Thế mà, khi đọc vài mẫu chuyện "vạch xấu xem chơi" ở vài nơi, vài chỗ, trên báo, trên thư rơi Đồ tôi bỗng giật mình! Quả thật bạn thân mới biết rõ ràng về "nạn nhân", bây giờ lại lật tẩy. Đã lật tẩy của người bạn cũ, thì ngày nào đó cũng sẽ lật tẩy bạn mới; "Thiên hạ sẽ khổ sở vô cùng" ! Những anh bạn mới của người ấy có sợ không? Chứ Đồ tôi run rẩy mà nhìn lại cây viết của mình và bỗng nhớ đến câu nói của một ông nọ: "Trong đời, khi mà lòng người phản trắc, thì người hại mình đau đớn nhất chính là vợ hoặc bạn thân của mình!", vì ông ta đang có một nỗi khổ về sự phản trắc của vợ.


"Dò sông dò biển dễ dò,
Đố ai lấy thước mà đo lòng người". (Ca dao)

Với hai bài chửi người nầy nếu họ tinh ý thì họ đã giảm bớt cường độ tấn công rồi. Nhưng cái gì cũng vậy. Khi họ đang “hăng máu” hay “hứng chí” thì khó mà nói cho họ “để lọt vào lỗ tai”; họ đang ấm ức phải trút được hết nỗi lòng, nếu thế thì sẽ kéo đến biết bao giờ. Nhất là có sự “kích động” của người khác.

Người làm thơ giống như “có dao” để chém. hoặc giết người, nhưng lại không có phương tiện truyền thông; còn người làm truyền thông nhưng thiếu khiếu văn thơ, giống như có “đá mài” mà không “có dao”. Một cộng đồng nát bét, một tập thể nghi kỵ, tan hoang, bất hợp tác... Đó là thành quả của những ngón đòn “tranh giành lẫn nhau” mà người dân là người chịu mọi hậu quả kể cả nhà chùa cho mãi đến ngày nay. Thật là khủng khiếp!

Nguyên Thảo,
08/01/10.

(“Cuộc Hành Trình Của Chữ Nghĩa” 16)

No comments:

Post a Comment