Monday, May 3, 2010

H.T Chữ Nghĩa 15: Ấn Hành Một Số Bài.

Tôi muốn né đi tình hình phức tạp và sôi động của hai phe: Trấn áp và bị trấn áp (từ một phe nhóm có thực lực từ những năm 1980). Lúc đó thế lực họ mạnh lắm họ bao trùm cả mọi chốn, nhưng không biết vì sao sau nầy họ chỉ còn có mỗi một Cộng Đồng với một số nhóm người hậu thuẫn, mà trong đó có những người “xung kích” đánh phá không nương tay. Có một nhóm trong đó được gọi là Câu Lạc Bộ mang tên của một nhà thơ, một vị quan đồng thời là nhà chính trị có tài trong văn học Việt Nam. Tôi rất lấy làm ngạc nhiên vô chừng! Tôi thường đặt câu hỏi: Tại sao họ lại khuấy động lâu dài như vậy? Không thể là chuyện một người lính khai là sĩ quan giả để bị chửi trong 6 tháng trời! Không thể là tranh giành chức mà chửi ròng rã gần nửa năm! Tại sao họ lại lôi người trong hội đoàn nầy xong lại lôi người trong hội đoàn kia đưa lên báo để chửi vừa tục tỉu, vừa bẩn thỉu như thế. Họ lại muốn đưa người thuộc phe họ vừa ly khai để ra tòa về tội “mạ lỵ, phỉ báng” gì đó!

Thực sự, tôi chẳng biết gì cả! Vì từ trước tôi cứ lo mãi chạy theo cuộc sống, tôi không hề để ý đến chuyện của người khác hay cộng đồng, nhất là các đoàn thể thì tôi lại càng mù tịt. Nhưng tôi nhảy vào can thiệp nhằm cho họ giảm bớt cường độ để bảo vệ uy tín của một cộng đồng sắc tộc trên xứ người, hầu mọi người được yên ổn có một nơi để sống trong tình trạng tha hương. Tôi làm công việc ấy ngoài khả năng của tôi mặc dù tôi cũng chẳng có uy tín gì để làm công việc ấy. Nhưng tôi phải làm vì những lý do mà tôi đã kể ra từ trước.

Tôi về cộng tác cùng tạp chí Né để chơi không bao lâu, thì một ngày nọ Nguyễn Nhi trong bài thơ đã viết:

... Từ nay nếu có làm thơ
Tìm gia đình Né để nhờ đôi câu....

Hai câu nầy khiến đám “xung kích” nỗi “xung” lên bắt đầu công kích vào gia đình Né? Gia đình Né là cái gì? Gia đình Né làm thơ như thế nào mà Nguyễn Nhi lại viết như vậy? Vừa tấn công Nguyễn Nhi, vừa moi móc gia đình Né. Như tôi đã nói về Nguyễn Nhi, ông ta xứng đáng là người ở cùng quê hương với vua Quang Trung, những người “xung kích” không thể qua ông được mặc dù tôi chẳng phải yễm trợ cho ông.

Một hôm, ông chủ báo cũ hỏi tôi về gia đình Né, tôi nói tôi cũng chẳng biết rành, tôi chỉ nói sơ qua cái điều nhỏ nhoi mà tôi biết; thì ông có cho biết đã liên lạc với người phụ trách Bản Tin Nông Gia năm xưa để xin đăng lại bài chửi Gia đình Né. Tôi thấy lớn chuyện nữa rồi, không khéo cộng đồng có thêm nhiều rắc rối, kéo theo kẻ bênh người chống lại càng chia rẽ hơn thêm. Về nhà tôi thấy cần làm dịu bớt đi tình hình bằng cách nhờ tạp chí Né ấn hành một số thơ và bài viết của tôi, vì tạp chí Né đã có máy in màu. Tập thơ Đồ Ngông1 của tôi ấn hành trong thời gian ấy, chỉ vài chục bài để chơi và tặng bạn bè. Sau đó, thì ấn phẩm “Những bài viết cho con”, “Những bài viết về mẹ”, “Thơ Đồ Ngông 2” xuất hiện, Nguyễn Nhi với tập “Thơ Nguyễn Nhi” và phu nhân Nguyễn Nhi phát hành tập “Thơ Từ Thị Thu Trang”. Thế là chiến dịch công kích vào gia đình Né bị vỡ tan, và họ cho rằng: “Gia đình Né là tập hợp những người lỡ thời vận, thất chí” vân.. vân.. và vân.. vân...

Những ấn phẩm nầy in không nhiều, chừng khoảng 50, 60 quyển mỗi thứ chỉ để tặng bạn bè. Với tập”Thơ Đồ Ngông 1” tôi dự tính cho bạn bè để từ những nhận xét của tôi về từng hạng người trong xã hội sẽ giúp cho con cháu họ về sau nhận xét thêm để biết rõ hơn mà né tránh hay có cách đối phó. Nhưng nó bị hiểu ngược lại, bạn bè nhiều người cho tôi là nói về họ, sanh ra chuyện khá phiền phức. Thực ra trong suốt đời tôi, tôi không có tiếp xúc, giao tế nhiều, nhưng vì ra đời tôi đã gặp nhiều cay đắng nên tôi thường quan sát chú ý từng tư cách, vì vậy tôi thu thập được nhiều kinh nghiệm. Với nhận xét của mình tôi đã biến thể thành thơ, mặc dù thơ không lưu loát, nhưng không đến đỗi tệ. Tôi muốn những bài thơ ấy sau nầy nếu được phổ biến là mỗi ngọn chổi quét đi bớt những nết xấu mà người mang nó có thể đem đến thương đau với người khác, hoặc người khác biết hạng người như thế đó để cẩn thận hoặc tránh xa. Đó cũng là một mục đích “Tư tưởng xã hội” của tôi!

Tư tưởng xã hội của tôi đôi khi làm cho tôi cũng gặp nhiều khó khăn. Khi còn học năm “Đệ Nhị niên” trong trường Quốc Gia Sư Phạm Sài Gòn, có một lần người bạn ở trọ chung về hỏi tôi: “Chiều nay ăn cơm ở đâu?”. Tôi chỉ đùa thôi: “Mình lớn lên trong xã hội thì ăn cơm xã hội chứ ở đâu!”. Không ngờ câu ấy làm anh bạn khác người Huế cùng ở trọ giật mình. Tối đó anh không trở về, mãi vài ngày sau anh về với anh bạn khác rủ rê tôi hoạt động cho đảng “Đại Việt” nhóm Hà Thúc Ký. Tôi tìm cách thoái thác. Anh ấy đã hiểu lầm câu nói của tôi rồi! Ăn cơm xã hội vào thời đó là phổ biến với những học sinh, sinh viên vì xã hội cung ứng cơm miễn phí còn thức ăn chỉ tượng trưng để bán cho giới bình dân và nghèo. Nói chung nó rẻ tiền, chỉ có thể mà lại sinh phiền. Những lần khác sau khi ra trường tôi đã bị ức hiếp, nên tôi chán cảnh hiếp người cho nên tôi thường xen vào chuyện không đâu.

Đến nay, nhân dịp nầy tự dưng thơ, văn trong tôi lại phát tiết. Để cản lại họ tôi vận dụng những năng khiếu ứng phó trong những ngày tháng cũ: Phải lao lách, phải khéo léo, phải lôi cuốn, phải thu hút, nhất là phải chứng tỏ mình có khả năng hơn họ thì sự can thiệp của mình mới có tác dụng. Chính vì vậy thay vì chỉ viết một bài khích bác, hay nịnh hót tôi phải nghĩ ra mọi nết xấu của con người trong xã hội, kê khai một danh sách như toa kê khai hàng, sau đó tôi “sắp chữ lại thành thơ” dần dần; tức là đề tài tôi không thiếu. Thơ viết ra như vậy, những kẻ gây rối không biết tôi nói ai và nói cái gì, nếu ai tinh ý thì mới thấy rõ điều tôi muốn nói. Những bài văn xuôi cũng thế, nhưng nó đơn giản hơn nhiều. Nhờ tôi viết văn, làm thơ được, và tôi không a dua, mà chỉ can ngăn vì ích lợi chung nên những “xung kích” cũng không chửi tôi được. Có một lần, một “lão” nào đó có lẽ nghe nói và biết về tôi như thế nào mà trong bài viết có câu: “không khéo đụng đến thiền sư Đồ Ngông”. Đọc đến câu ấy tôi bật cười, đưa bài cho vợ tôi rồi hai vợ chồng cùng cười. Tôi viết bài về thiền mà lâu quá tôi cũng chẳng còn nhớ đến. Tay nầy nay lại nhắc dùm tôi! Tôi cũng thật là cám ơn!

Ở trên tôi đã nói tập “Thơ Đồ Ngông 1” đem đến nhiều hiểu lầm cho tôi, làm cho tôi về sau không tặng cho bạn bè tập nào nữa cả. Trong đó bài “kẻ lù khù” là tôi lấy từ câu tục ngữ “lù khù có ông cù độ mạng” cũng như câu chuyện, tâm trạng của chính tôi khi còn nhỏ. Thế nhưng “đụng” đến ông anh cùng chung nghề. Ông ấy giận tôi, còn bà vợ thì triển khai bài nầy nói người nầy, bài đó nói người kia, bài ấy nói người nọ...v.v....

Bài ấy như sau:


Kẻ Lù Khù.


Lù khù, lủ khủ, kẻ lù khù
Đội mũ, mang lu, có cả dù
Ít nói, hiền queo như cục đất
Trong lòng sôi động, nét âm u!


Nhỏ nhẻ, từ từ duyên thục nữ
Như không thèm ngó, cũng không màng...
Vương vương sóng động, lòng sôi sục
Canh cánh chạnh niềm, mắt xốn xang.


Thế gian đã bảo kẻ lù khù
Không khéo chạy đi vác cả lu
Nhủ mĩ, nhu mì là ngoại diện
"Cóc khi mở miệng, chuyển mây mù"..!


Sau khi bị hiểu lầm ấy, tôi phải viết một bài văn xuôi khác đăng lên báo để “thanh minh”, chứ không thể nói bằng miệng, vì có nói họ cũng không tin:


"Kẻ Lù Khù" Và "Người Đức Độ".


Đồ Ngông tôi đã tập tành làm thơ! Theo thời thế, hoàn cảnh Đồ tôi cũng biết làm thơ chửi đời. Tất nhiên chửi thì người đọc không mê, thành phần "bị chửi" lại không thích. Nhưng Đồ tôi cũng "ráng", không phải vì Đồ tôi ham chửi, mà Đồ tôi chỉ "thừa nước đục thả câu". Thấy người ta chửi nhau quá! Đồ tôi muốn hòa giải để cho con cháu về sau được nhờ. Nhưng họ mê cuộc, Đồ tôi phải chịu thua! Đồ tôi ấm ức: "Tại sao phải chửi? Tại sao phải gây chia rẽ? Cuộc đời không khổ lắm ư? Chửi nhau có lợi lộc gì?" Rồi Đồ tôi tức mình, nảy ra ý "Chửi thì chửi, Đồ tôi cũng sẽ chửi với mấy người! Nhưng Đồ tôi sẽ không tham gia vào cuộc, Đồ tôi chỉ lôi hết cái xấu nầy đến cái xấu khác của xã hội chửi chơi". Chửi để phụ họa âm điệu với mọi người mà thôi!

Thế rồi! Tàn cuộc, Đồ tôi gom góp chúng lại thành tập. Tập "Thơ Đồ Ngông" để tặng bạn bè, thân hữu coi chơi. Nhất là để lưu lại cho các em, các con, các cháu một số kinh nghiệm mà quan sát, nhận định những mẫu người trong cuộc sống. Vì đó là tất cả những gì "thu lượm" được sau mấy mươi năm trải qua trong đời của Đồ tôi. Đồ tôi đã từng sa vào một số những nết xấu ấy, nên các nhận xét cũng không đến đỗi tệ. Thế nên, Đồ tôi mới biết những hạng ấy nghĩ gì, muốn gì? Mặc dù không hẳn là đúng, chính xác cho lắm! Nhưng không sao? Các em, các con, các cháu của Đồ tôi sẽ thêm vào bằng kinh nghiệm của chúng nó sau nầy.

Trong số các bài thơ có bài "Kẻ lù khù", là bài có thể bị hiểu lầm, và dễ bị dùng "nhầm lẫn" đối tượng. Vì thế, Đồ tôi phải viết đến bài nầy để phân tích sự khác biệt giữa hai "đối tượng", mà "thoáng" nhận xét về các đặc điểm, ta dễ bị sai trái. Đồng thời, đóng góp ý kiến với Quý vị để phân tích, nhận xét về một hai mẫu người trong xã hội, dù Đồ tôi không là người lịch lãm, từng trải trong cuộc sống. Tất nhiên, những nhận xét nầy chỉ là một vài khía cạnh phiến diện, thiếu sót xin nhờ Quý vị bổ túc dùm vậy! Đồ tôi dám làm chuyện ấy, quả đúng Đồ tôi là thứ "đồ ngông"!

Đồ tôi xin trở lại vấn đề:

Những đặc điểm của "Kẻ lù khù" nó có hao hao với những đặc điểm của "Người Đức độ", nhưng không phải là giống nhau.

Đồ tôi khi tạo ra bài "Kẻ lù khù" là cũng muốn nói đến một mẫu người trong xã hội, mà trong ca dao tục ngữ, Ông Bà ta đã ghi lại rằng: "Lù khù có ông Cù độ mạng" hay "Lù khù, vác lu mà chạy". Đồ tôi, không biết bây giờ ra sao? Chứ trong quá khứ Đồ tôi vốn là một kẻ lù khù, từ hình tướng cho đến cách sống trong cuộc đời lẫn cách làm việc. Bạn bè cứ mãi trêu ghẹo không thôi! Nhưng khoảng hơn mươi năm trở lại đây, Đồ tôi có vẻ lì lợm, ngang bướng, dám làm hơn mà không còn nhút nhát, e dè, nhu mì như thuở xưa, sau một "biến cố" để thay đổi cuộc đời. Cũng chính từ chỗ đó, mà khoảng ba năm nay, Đồ tôi thường hay xuất hiện với các bài viết mà Quý vị thương tình đã đọc qua.

Lù khù, theo như cái nghĩa của nó đã mang tính cách ngù ngờ, chậm chạp. Và nếu tưởng tượng về hình tướng thì khổ người hơi thô, cục mịch; đầu óc thì có vẻ khờ khạo, đần độn chút ít. Ngày xưa, bạn bè Đồ tôi đã từng ghẹo Đồ tôi "Nhủ mĩ, nhu mì như nó, coi chừng có ngày nó vác lu mà chạy cũng nên", rồi tụi nó xúm nhau cười. Đồ tôi tức mình, quê lắm! Mà bản chất của mình không thể phản ứng nhanh được, bởi thế cứ để "sóng cồn" trong lòng. Tức quá đôi lúc cự lên, hoặc nói những lời không êm diu, móc ngoéo, cay cú. Được nước, tụi nó còn chọc quê nhiều hơn. Nhưng chỉ cô thế trong đám, đành yên lặng "ngậm bồ hòn" làm ngọt! Thế rồi, thời gian qua đi, càng ngày càng lớn thấy tụi nó đôi lúc nói đúng, đành không dám giận hờn nữa mà lại từ từ sửa sai. Đến khi đi làm "thầy đồ", nghề nghiệp làm biến đổi khá thêm để thích hợp với việc mình làm. Lại khi đến xứ người, thấy mình quả thật là "cô đơn", mới thấm thía những điều "triết lý" mình đã học xưa kia, nên phải biến đổi mạnh hơn. Nhưng chỉ có "biến cố" mới có thể làm cho mình đột nhiên thay đổi, thay đổi một cách nhanh chóng và dứt khoát. Biến cố đó có thể do "Bệnh hoạn", hay "Bạn bè chơi cho một vố đau điếng" vì dã tâm, hoặc "Cuộc đời đá lên, đá xuống". Đồ tôi "Hận đời" cũng vì vậy! Đồ tôi "oán" cuộc đời lắm! Nên đành "tức tối" bươi móc cuộc đời "nhiều xấu" để thiên hạ coi chơi! Bởi vậy, Đồ tôi quả là "đồ ngông"!

Kẻ lù khù, sống trên thế gian như một thằng ngơ ngáo, lặng lẽ, giống như đi bên lề cuộc đời; từ từ, chậm chạp, không màng lưu ý đến những việc chung quanh; trí óc không có nét minh mẫn, tinh anh cho nên sự đối đáp cũng không được nhạy bén, linh hoạt, có vẻ của một người đạo mạo. Cho nên, thoáng nhìn qua người ta tưởng lầm "kẻ lù khù" là "người đạo đức".

Kẻ lù khù không phải trí óc lúc nào cũng "mơ ngủ", có những lúc nó thức. Khi nó thức, thì cũng khá năng động và mỗi sinh hoạt của cơ thể cũng làm việc nhiều hơn, giống như đồ chơi của trẻ con khi được thay "pin" mới vậy. Những lúc ấy là những lúc kẻ lù khù "có thể vác lu"; còn "Ông Cù độ mạng" là thế gian nhận xét đến sự may mắn của kẻ lù khù: "Coi nó khù khờ như thế đó mà đôi lúc lại được may mắn giống như Trời cho".

"Người đạo đức" là người hiểu đạo lý, sống theo đạo lý, và làm theo những tiêu chuẩn của đạo lý đã dạy. Nói chung là con người đạo hạnh, dù theo Tôn giáo nào, hoặc là Triết lý nhân sinh.

Nhìn từ bên ngoài, con người đạo hạnh cũng có những nét chậm chạp, nhưng đó là từ "thái độ từ tốn, ý thức, không tranh giành, một sự chững chạc của thân thể" được thể hiện từ trong "chững chạc tinh thần", thực hành đạo lý mà ra. Mỗi cử động thường được cân nhắc kỹ lưỡng, cẩn thận do đó mà người đạo đức rất khiêm cung trong mọi cung cách. Cái "chẩm rãi" ở đây, đều được ý thức chứ không phải là chậm chạp từ bản năng, vốn trời sinh ra hay từ bệnh hoạn, khiếm khuyết của người lù khù. Điều ấy rất khác xa!

Còn trong "lời ăn, tiếng nói", nếu ở kẻ lù khù giống như một bẩm sinh, hay tập tính, hay một sự "lờ đờ" không có ý thức; thì ở người có đạo đức, sự nhỏ nhẹ từ tốn thể hiện một tình cảm trìu mến, thương yêu, không sân hận, đem tình cảm đến với tất cả mọi người. Tâm của họ rất bình an, không khởi lên những vọng niệm, hờn oán, ganh tị và mang một tính cách vị tha. Cái "ngã" của họ nhỏ dần đi để nhường lại cái "tha nhân", vì thế mà chúng ta hay thấy họ không giành giựt, chen lấn, lớn tiếng, nặng nhẹ, chửi rủa, bới móc... Họ thường hay nhường phần cho người khác, và trong đời sống, họ sống có thể thật bình dị, và có một chút nét "ẩn dật".

Bằng một sự tình cờ trong cuộc đời của mình, Đồ tôi có thể hiểu được chút ít về "kẻ lù khù" và cũng do một cái "duyên" Đồ tôi có tìm hiểu thêm về "người có đạo đức"; đề hôm nay, nhân có sự "hiểu lầm lẫn" kẻ lù khù với người đạo đức, Đồ tôi cũng muốn dành chút thì giờ phân tích cùng Quý vị xem chơi! Nhưng Đồ tôi viết chỉ là những nhận xét của một cá nhân, tất nhiên nó sẽ không được chính xác và đầy đủ. Mong Quý vị sẽ bổ túc và điều chỉnh để chúng ta được một kết luận tốt hơn.
Đồ tôi thành kính tri ân.


Dù có bị hiểu lầm nhưng tôi cũng đành chịu thôi! Nhưng qua đó tôi mới thấy rằng nhận xét của mình trong cuộc đời cũng là trên trung bình. Vì nếu “tệ” thì đã không đúng, và người ta đâu có trách mình.

Kinh nghiệm lần ấy, tôi không dám tặng những ấn phẩm của tôi cho những người “thân quen” ấy nữa. Như vậy là tôi cũng đỡ phải tốn tiền!


Nguyên Thảo,
04/01/2010.
(“Cuộc Hành Trình Của Chữ Nghĩa” 15)

No comments:

Post a Comment