Trên thế gian thì có nhiều hạng người! Đồ Ngông tôi không có trình độ để phân tích đủ các hạng người ấy. Tuy nhiên, ở đây Đồ tôi muốn kể lại với Quý vị về một hạng người đã khiến cho thiên hạ bực mình và đôi lúc phải nhức đầu để đối phó. Hạng người nầy cũng không ít trong xã hội.
Hạng người mà Đồ tôi sắp kể nó chỉ hiển hiện ra một cách rõ ràng từ sau ngày 30-4-75. Nói như vậy không có nghĩa là nó không có trước đó, nhưng vì đời sống về vật chất hãy còn đầy đủ và công việc không bị thúc bách, phải hoạt động cho tập thể nhiều như sau ngày 30-4-75.
Xã hội nào cũng có những hạng người mà người ta gọi là tiêu cực, tiêu cực đây không phải là những con người chống đối, bất mãn không muốn làm. Mà tiêu cực giống như là một bản năng, bản chất của con người đó, một hạng người đáng được tặng câu "Quyền lợi thì đến, bổn phận thì đi" để làm quà.
Số là, Đồ tôi được một người bạn kể lại rằng:
"Vào những năm cuối 70, tao được lệnh thuyên chuyển đến một trường khác để điền vào chỗ thiếu giáo viên ở đó, vì ở nơi cũ tao coi như là thừa. Lúc ấy, đời sống giáo viên rất là thiếu thốn, cơ cực. Nhưng từ xưa tao chỉ biết có đi dạy không thôi, nghỉ ra thì làm gì? Vả lại mình không có tiền dư nào để làm vốn, thì cũng không có thể đi buôn bán, chạy "mánh" được. Thêm nữa, mình vốn bị "chân thật" của nghề mô phạm, lại càng khó sống theo cái kiểu "ăn gian, nói láo". Phải chi tao là đàn bà thì còn có nhiều nghề khác để làm như một cán bộ nói với tao "bất cứ nghề nào có trong xã hội đều có thành phần giáo viên của mấy ông?". Tao mủi lòng khi nghe câu ấy, thấy danh dự nghề nghiệp bị đụng lây. Nhưng tao nghĩ lại, thì quả đúng như thế đó! Trong khi Đảng, nhà nước cứ mãi vinh danh nghề giáo nhưng chỉ là để làm mà thôi, còn quyền lợi thì thiếu thốn mọi bề. Mạnh ai nấy lo, tìm đường, tìm cách bương chãi để đáp ứng cho nhu cầu gia đình, cho nên họ không từ mọi hình thức, vì vậy họ lao vào mọi nghề trong xã hội kể cả nghề "làm điếm". Thế thì lỗi tại ai? Tao cũng không biết phải nói như thế nào? Coi như thế thời thế nào thì phải chịu như vậy!
Ở đó tao chứng kiến được một hạng người tiêu biểu trong xã hội mà tao gọi đó là hạng người "thiếu ý thức" về cả trách nhiệm lẫn quyền lợi.
Vốn anh ta là giáo viên cấp 1, dạy lớp 4. Không biết như thế nào mà anh ta thường xuyên trể nãi hoặc thỉnh thoảng bỏ lớp lai rai. Tao dạy lớp gần anh ta đâm ra cũng mệt. Những ngày ấy học trò lớp anh ta không người điều khiển la lối om sòm, hoặc chạy lung tung, ồn ào khiến học trò tao bị ảnh hưởng động lây. Tao nghe nói lại, "ảnh" viện lý do nầy lý do nọ, đủ thứ lý do để biện minh cho việc làm của anh ta. Ông Hiệu Trưởng trường cũng lắc đầu mà không thể dùng biện pháp nào được, vì anh ta xin lỗi, hứa chừa, không tái phạm nhưng rồi thì "tánh nào, tật nấy". Mãi rồi, Ông Hiệu Trưởng cũng không dám phân công tác gì cho anh ta. Thế là anh ta lại càng được sướng hơn!
Vào một buổi "Phát thưởng cuối năm" của trường. Trong buổi họp Hội Đồng để phân công tác. Ông Hiệu Trưởng dè dặt phân anh ta điều khiển học trò để làm sân khấu. Anh ta nhận, nhưng Ông Hiệu Trưởng hãy còn chưa tin tưởng bèn hỏi gặn lại: "Chắc hôn đó ông?". Anh ta xác định: "Được mà Thầy! Chuyện đó dễ thôi!", nhưng ông Hiệu Trưởng hãy còn chưa an lòng: "Thiệt hôn? Đừng đi trể hoặc bỏ nhe ông!". Ông nửa đùa, nửa thật. Anh ta nhe răng ra cười: "Chắc mà Thầy! Chuyện đó dễ ợt!". Cả đám giáo viên chứng kiến, nhưng lòng cũng hẳn chưa tin. Vì đây không phải là lần đầu tiên!
Thế rồi, ngày phát thưởng đến. Từ sáng sớm mọi người lo chuẩn bị. Phần ai nấy làm cả thầy lẫn trò đều bận rộn. Thế mà anh ta mất tiêu. Chờ mãi chẳng thấy công tác của anh ta được tiến hành. Các giáo viên khác cứ hỏi nhau là có thấy anh ta đâu không? Anh ta đến chưa? Không có sân khấu làm sao để trang hoàng, sắp xếp. Cuối cùng, các giáo viên khác phải ngưng công việc của mình mà lo về sân khấu thế cho anh ta. Mãi đến khi tiến hành lễ phát thưởng độ chừng nửa giờ sau thì anh ta mới đến.
Buổi lễ phát thưởng xong xuôi, chiều đến trường họp để đúc kết, rút kinh nghiệm. Trong buổi họp, anh ta trình bày lý do: Anh ta không muốn đi trể, anh ta đi từ sáng sớm. Nhưng vì đi được một đoạn đường xe đạp anh ta bị lủng, bánh xẹp. Không có chỗ vá nên anh ta phải đẩy về nhà, rồi ra đường đón xe đi. Đợi xe lâu quá đành phải tới trể. Nghe thì như vậy, nhưng mấy người đã tin! Thế là chuyện cũng êm xuôi!
Nếu chuyện bao nhiêu đó thì làm sao biết được "một hạng người"!
Mầy biết không? Sau đó không lâu, đợt mua nhu yếu phẩm lần nầy có võ xe đạp. Tới phiên ai được võ xe đã có danh sách cả rồi. Nhưng hôm tao xuống người phát nhu yếu phẩm lần ấy lãnh đồ và hãy còn ngồi chơi. Anh ta cũng đến lấy đồ và đòi lấy võ xe đạp. Dĩ nhiên, người phát nhu yếu phẩm không cho anh ta lấy. Anh ta nói đã thương lượng với cô Bảy, cô Bảy đồng ý nhường cho hắn lấy võ xe đạp lần nầy; đến lần của hắn, cô Bảy lấy. Người phát nhu yếu phẩm và tao cũng tưởng là thiệt, đành đưa võ xe đạp cho hắn. Vài ngày sau, tao phải làm chứng cho một cuộc đối chất về một cái võ xe đạp.
Chừng ấy, tao suy nghĩ tại sao có những con người như vậy? Cái hạng người muốn được sung sướng, không muốn làm mà lại muốn hưởng, giành giựt gian lận để hưởng. Tao cố tìm hiểu, phân tích thử vì lý do tại sao? Cuối cùng, bằng những so sánh với những con người tương tự như hắn, thì tao phân tích được và đi đến kết luận là những con người ấy là "những con người không có ý thức". Chính vì không có ý thức, cho nên họ không làm đầy đủ trách nhiệm của họ; họ không thấy bạn bè, người khác phải làm "công việc của mình" thay cho mình là kỳ cục và nhiều ái ngại. Họ chỉ biết sướng cho mình mà thôi! Thêm nữa, chính vì không có ý thức và chỉ biết có mình; nên họ giành giựt, gian lận để lấy quyền lợi về cho mình".
Thằng bạn Đồ tôi kết luận với một vẻ rất là tự tin về nhận xét của mình.
Đến bây giờ, nhìn lại trong cuộc đời mình đã qua. Và kiểm lại những mẫu người, Đồ tôi phải công nhận thằng bạn Đồ tôi có lý một phần nào. Quả thật, đã có những con người chỉ thấy có quyền lợi mà mình được hưởng; còn phần bổn phận thì họ lại "lờ", hoặc tránh né, hoặc làm cho "có lệ", không trách nhiệm gì cả. Đồ tôi thấy những người ấy có vợ cũng chỉ để cho vợ làm mà thôi! Đã là "không ý thức" thì họ có cần gì "mắc cở hay là nhục nhã". Ôi! Cuộc đời có nhiều phức tạp! Vậy là "Do Trời" hay là "Nhân quả"? Đồ tôi không hiểu nổi?
Đồ Ngông,
26-01-02.
Saturday, May 22, 2010
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment