Friday, December 29, 2023

*Những Khung Trời Kỷ Niệm! (25)


Vì trường nằm trong một xã cũng tương đối là hẻo lánh, dù nó không bị ảnh hưởng từ những biến động tình hình ở Thành Phố hay Tỉnh, nhưng nó cũng không thể không ảnh hưởng theo tình trạng mất an ninh của khu vực. Do vậy vào một ngày nọ, tôi vừa đến trường thì gặp ngay To ngồi trên băng đá đầu của hàng điệp Tây phía ngoài cổng. To kêu tôi lại và nói: “Đừng vô”. Tôi không biết chuyện gì thì nó vội nói: “Đừng vô, ở trổng có kẹo đó”! Thì ra trong lớp học có truyền đơn được ngụy trang giống như những cục kẹo dừa, nên tôi dựng xe đạp rồi ngồi trò chuyện với nó, đợi cho lính dân vệ ngoài đồn vào thu hết những viên kẹo đó thì chúng tôi mới vào. Trong giờ ra chơi, Khiêm nói với tôi: “Hồi sáng tao vô sớm lắm, nhưng tao đâu thấy có gì đâu, rồi tao ra ngoài thì một chút lại nghe tụi nó nói có kẹo, không lẽ…”, rồi nó ngưng ngang không nói nữa, làm tôi cũng chẳng biết ra sao? Thôi thì, dù gì thì chuyện cũng êm xuôi rồi, buổi học vẫn được tiếp tục dù hơi trễ một chút. Mấy Thầy Cô ra vẽ có chiều ái ngại vì đây là lần đầu tiên trường xảy ra trường hợp nầy! Nói chung lại tình hình nhiều năm nay vẫn đều đều như vậy, đất nước trong thời buổi chiến tranh mà. Bên nào cũng ra sức tuyên truyền để giành phần “chính nghĩa” về mình. Và sự xung đột trên chiến trường càng ngày càng nhiều và tăng tiến hơn thêm, xui rủi ai thì nấy chịu thôi, chứ biết làm sao hơn. Mọi sự sinh hoạt vẫn tiếp tục sau các biến cố dù là nhỏ hay lớn.

Trong năm nầy tôi lên ở chung với Ông Nội, vì Ông Nội ở chỉ có một mình sau khi chị Nhiếm, con Bác Tư đi may ở ngoài sông phía nhà Cô Ba thuộc Dư Khánh xã Phước Thành gần Tân Ba. Ông Nội thích chơi kiểng như nhiều người già khác cũng như Ông Hai ở bên kia đường. Ngoài kiểng ra, ông lại hay về suối cái ngoài khu nhà cũ ở Phước Lương câu cá lăng để nấu canh chua lá giang, đó là sở thích của ông. Vì ông già cả nên chuyện đi lại của ông không bị ai làm khó dễ dù là lính bên nầy hay người của bên kia bởi ông đi thăm ruộng luôn mà! Tôi cũng phải nhiều lần đạp xe đạp lên chợ Thủ mua cá lòng tong về để ông làm mồi câu cá. Ở với Ông, tôi mới hiểu được vài tâm trạng của người già khi họ trở về già. Ông Nội thường hay ngủ sớm, thường là cỡ chừng 9 giờ là ông đi ngủ rồi, nhưng khoảng 3 giờ sáng là ông đã thức dậy, nấu nước pha trà ngồi uống một mình. Nhưng hồi lâu sau thì ông Bảy kế bên cũng thức dậy sang chơi; sau đó thì ông Hai của tôi ở bên kia đường cũng sang, mấy ông ngồi nói chuyện đời xưa, kể chuyện xưa cũ đâu trong thời còn trẻ mà mấy ông từng chứng kiến. Có hôm có Dưọng Hai Đố nhà kế bên sang nữa. Từ đó tôi mới hiểu người già thường ngủ rất ít, ngủ sớm dậy sớm, ngồi để ôn lại những chuyện trong quá khứ mà họ trải qua. Trong khoảng thời gian nầy, nhà cửa đều dồn vào trong Ấp Chiến Lược, nhưng vòng bao chưa có nên chuyện an ninh cũng chưa là chắc chắn lắm, do đó chuyện cửa nẽo còn cẩn thận hơn. Một hôm, tôi vừa mở cửa sau ra ngoài làm ít công việc, khi trở vào bỗng có một chú du kích nào đó dã lẻn vô nhà hồi nào rồi. Chú ngồi nói chuyện với tôi, chú cho biết theo vai thứ tôi kêu chú bằng chú. Nói chuyện với tôi một chút thì chú cứ đến bên mấy tấm bảng vách che lên thay mấy cánh cửa và thò súng qua khe hở chỉa lên vọng gác của cái tha la (vọng gác xây cao lên, để quan sát được xa) cao trong xã như muốn nhắm bắn lính trên đó. Tôi hoảng hồn năn nỉ chú, nhưng chú không nói gì mà chú cứ mãi làm như vậy nhiều lần. Tôi càng năn nỉ chú nhiều hơn. Cuối cùng chắc thấy không có cơ hội để bắn tỉa được nên chú đành bỏ đi. Từ đó tôi không dám hớ hênh về cửa nẻo nữa, nhất là cánh cửa phía sau. Ngày ấy mà chú chỉ cần bắn vài tiếng súng lên tha la thì có lẽ tôi sẽ bị bắt, bị tra tấn và đi tù, không còn là một đứa học trò nữa và chẳng biết tương lai mình sẽ thế nào.

Đường đi học thì trống trải tương đối an ninh, nhưng vào một buổi sáng nọ khi đến đầu dốc vườn Bà Đôn kế sân bay có một nhóm người du kích đón mọi học sinh đi đến đứng lại và giao cho mỗi đứa hoặc là cờ xanh, đỏ với sao vàng hoặc tờ truyền đơn, nhưng tất cả vừa ra khỏi khu vực đến sân bay đều bỏ hết không dám mang theo trong mình, khéo mà mang họa vào thân. Làm học trò trong một đất nước chiến tranh thường phải trải qua hoàn cảnh như vậy mà mình không thể nào tránh được, nhất là hai phe đang quyết liệt để tranh hơn thua, bắn giết lẫn nhau. Và rồi theo cái tình hình không ổn định ở Sài Gòn thì tình hình chiến sự, hoạt động của bên trong cũng tăng dần theo. Vào một đêm nọ có tiếng nổ lớn, rồi sau đó có tiếng kèn cùng súng nổ lên dữ dội, tôi với Ông Nội chun xuống hầm núp đạn, bom. Sáng ra mới biết là bên trong đã tấn công vào đồn, có một nhóm khói còn tỏa lên. Cái tha la bị bắn thủng một lổ lớn ở chỗ lỗ châu mai khoảng giữa chừng. Coi như là đồn đã bị phá tình hình an ninh ở xã bây giờ coi như là không được ổn định. Tùy mỗi gia đình mà người ta quyết định đi đâu và như thế nào. Từ đây có nhiều gia đình bỏ sang Biên Hòa, ở những vùng yên ổn; hay họ dời lên trên Bình Dương, khai phá vùng đất dọc hai bên đường từ gần Ngã Ba Cây Sao Quỳ trở xuống gần Nhà Thương mà cất nhà để cuộc sống được bình yên hơn. Tuy vậy họ vẫn đi về trong Tân Khánh. Còn riêng gia đình tôi thì ba má quyết định gia đình đi ra Phú Lợi lên ở tạm trên nhà của Dì Dượng Năm một thời gian rồi tính sau. Thế là từ đó tôi đi học từ xã Phú Hòa băng lên Phú Thuận, rồi lên Phú Hữu mới vô An Mỹ tương đối gần hơn nhiều. Tôi thường đi với anh Hạnh con Dì Năm. Trên đoạn đường nầy tôi thích nhất là đoạn đường mà Ông Trai làm từ Ngã Ba đi vô trường, nó rộng thênh thang, mà hai bên trồng toàn là cây sao vừa có bóng mát, vừa nghe tiếng lao xao của lá khua nhau mỗi khi gió thoảng qua, Nó thơ mộng làm sao, mặc dù chưa được tráng nhựa, mà chỉ là con đường đất đỏ. Những buổi trưa ở lại trường để chiều học tiếp thêm mấy giờ, chúng tôi tập hợp ra ngoài nền đình cao so với đất bằng cả mấy thước mà Ông Trai đã cho ủi đất từ phía ngoài vào để sau nầy cất Đình; vì ở đó có nhiều cây sao lẫn dầu có nhiều bóng mát, mà lại rộng rãi nữa tha hồ nằm hay ngồi nghỉ hoặc nói chuyện to tiếng vẫn không phiền hà đến hàng xóm.

Từ ngày chuyện mấy anh bên Trường Tư tấn công vào Thầy Giám Thị Nguyễn Văn Phụng thì trong các giờ Giảng Văn thầy Hiệu Trưởng cho chúng tôi học bài “Dĩ Hòa Vi Quý” của nhà thơ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm hơi nhiều vì trong lớp Đệ Tam nầy có học về thơ của nhà thơ ấy trong các giờ Cổ Văn. Thầy cho biết Thầy dạy tạm để đợi chờ một Thầy khác về và sẽ dạy môn Giảng Văn cho chúng tôi (đó là Thầy Trần Quốc Vị). Gần đến Tết Thầy Trần Văn Ngà dạy Anh Văn, Sinh Ngữ hai phụ trách về Khối Báo Chí phát động viết bài nộp về để Thầy tuyển chọn in vào tập san Tất Niên Tết của Trường. Tôi cũng nổi hứng viết một câu chuyện, nhưng câu chuyện ấy chẳng được thành công chút nào vì ý tưởng của mình hãy còn quá non nớt, còn thơ thì chưa biết làm! Công nhận Thầy Ngà có khiếu về thơ văn, Thầy thuộc rất nhiều thơ và Thầy thường đọc hay ngâm cho chúng tôi nghe sau những giờ rỗi rảnh làm cho chúng tôi trở nên ghiền và say mê dù mình chẳng có khiếu chút nào! Trong chương trình Văn Nghệ có nhóm hợp ca lại được Thầy Bé Tám từ dưới Trường Trịnh Hoài Đức lên luyện tập cho đám hợp xướng đó, chứ không phải là Cô Đức. Năm nầy cũng định hướng cho tôi phải chọn ban A thay vì chọn ban B là ban mình thích và thích hợp hơn, nhưng không thể làm khác được do điều kiện khó khăn của gia đình ảnh hưởng đến quyết định sau cùng. Thế là chỉ có Huệ là đi Ban B còn tôi, Son, To cùng Ban A, tức Ban lấy môn Vạn Vật là chính mà trí nhớ tôi tương đối là yếu kém từ xưa tới giờ, nên có khá nhiều trở ngại. Thời gian ngắn sau thì có Thầy Trần Quốc Vị về thay thế môn Giảng Văn của Thầy Hiệu Trưởng. Thầy Vị có vẽ thích về hướng Triết lý khiến chúng tôi cũng ảnh hưởng ít nhiều. Đường đi học từ Phú Lợi về An Mỹ ngắn và vui hơn mà lại đông học trò, tấp nập khiến mình khó cảm thấy mệt nhọc dù trong những buổi Hè nắng cháy; nhưng thời gian nầy vẫn là tạm thôi vì chúng tôi vẫn đợi chờ trong quê yên ổn hơn để trở về. Không nơi nào thoải mái, đáng yêu bằng quê hương và nhà của mình.

 

Nguyên Thảo,

30/12/2023.


 

Wednesday, November 15, 2023

*Những Khung Trời Kỷ Niệm! (24)

 

Ngoài bài thơ nầy, bạn bè còn truyền nhau, hoặc đi tìm bài hát “Em là vì sao sáng” của nhạc sĩ Nguyễn Hiền để tưởng nhớ đến một nữ sinh trẻ tuổi của Trường Trung Học Trường Sơn là Quách Thị Trang bị bắn chết trong cuộc biểu tình ở tại bùng binh trước chợ Bến Thành (Sài Gòn):

 

“Trang hỡi Trang, em là vì sao sáng

Giữa khung trời mây trắng với trăng thanh

Rồi một sớm có bao nhiêu đầu xanh

Xiết tay nhau, giục giã em lên đường

Tôi với em không hề quen biết

Xót xa nhiều khi viết đến tên em

Vì đại nghĩa, máu em đã hòa thêm

thắm tô lên trên tà áo trinh nguyên

Nhưng hôm nay tưng bừng,

Non sông đang vui mừng

Đâu bóng hình em giữa trời quê hương

Những mái tóc chấm vai,

Sân trường tìm đâu thấy

Em thơ đùa trong ánh nắng ban mai

Tôi khóc em trong chiều nay mây tím

Nén hương lòng tôi thắp nhớ tên em

Hình hài mất, nét tinh anh còn đấy

Giữa muôn tim, em còn mãi không phai”.

 

Trong năm học nầy mới đầu mà đã có nhiều chuyện xảy ra với hiện tình đất nước, may là nơi tỉnh lẽ và trong quê cũng không ảnh hưởng gì nhiều, chứ trên báo chí đăng nhiều tin biểu tình khắp Sài Gòn, Chợ Lớn cùng các Tỉnh khác, nhất là ở Miền Trung. Đối với Trường An Mỹ vẫn là các chuyện bàn tán, xôn xao thôi, cùng trao đổi cho nhau nghe những điều mà đồn đoán, hoặc là nghe được. Mấy đề tài ấy khỏa lấp mất cái tình hình chiến sự đang xảy ra. Rồi không bao lâu thì lại xảy ra chuyện Đảo Chánh lật đổ Triều Đại Ngô Đình Diệm, mà người ta gọi là Chế độ Gia Đình Trị, đàn áp Tôn Giáo do nhiều Tướng lãnh mà ông Tướng Dương Văn Minh cầm đầu vào ngày 1/11/1963. Và không bao lâu sau, chỉ mười ngày có cuộc đảo chánh khác của Tướng Nguyễn Khánh được gọi là Cuộc Chỉnh Lý vào ngày 11/11. Tưởng đâu sau các cuộc đảo chánh tình hình chính trị Miền Nam yên ổn hơn; nhưng không, tình hình càng rối rắm thêm ra, không được ổn định, có nhiều bấp bênh.

Trở lại lớp học của chúng tôi cũng có vài thay đổi, không hiểu Cô dạy Pháp Văn có lẽ do đi đường xa, trong quê hoặc sợ hay sao, hoặc là cô muốn đi học tiếp lên cao hơn nữa mà cô nghỉ, rồi Thầy Lã Huy Quý cũng ra đi khiến Thầy Trần Văn Khuê lãnh môn Pháp Văn, và Thầy Hiệu Trưởng Bùi Ngọc Ấn tạm thời kiêm môn Giảng Văn, sau đến Thầy Trần quốc Vị đảm nhiệm cho đến cuối năm. Trong khi đó thì Thầy Huỳnh Hữu Kim Sang tức Nhạc sĩ Anh Việt Thu cũng rời Trường, cô Đức thế chỗ. Toán thì Thầy Phấn thay thế bằng Thầy Nhiên. Thực ra, đối với những Giáo Sư dạy giờ, mà tôi được nghe nói, thì họ không phải là chánh ngạch nên họ thấy được thì dạy, không thì thôi vì đường vào trong xã An Mỹ nầy có nhiều trắc trở hơn là ở ngoài thành phố, nên có nhiều người e dè, sợ sệt mà không dám đi nữa. Chứ đối với những người địa phương thì cũng chẳng đến đỗi nào. Tính ra trong lớp Đệ Tam đầu đàn của Trường Trung Học Công Lập An Mỹ nầy nếu tính ra ở Tân Khánh và Tân Hóa thì chỉ có tôi, To, Huệ, Son, Lập, Đức, chị Ánh, chị Hồng, chị Khởi và chị Mới. Còn bên Bến Cỏ có Phan Thanh Diệp, hình như anh Nguyễn văn Bọ nữa thì phải. Phần lớn ở ngoài Thủ và Bưng Cầu (Tương Bình Hiệp), Bến Thế (Tân An Xã) thì nhiều như chị Hương, Chi, Thê, Thảo, Cẩm Tú. Bên nam có Khánh, Bình, Lượng, Huỳnh Minh Đẩu, Nguyễn Văn Ba, Trương công Minh (Minh sún), Nguyễn Văn Minh, và Nguyễn Thanh Minh, Khiêm, Mão, Nai, Ngơi, Điểu, Bùi Văn Cư, Lễ, Thọ, Tài, Phụ, Lê Văn Anh, Nguyễn Văn Hừng, Nguyễn Văn Năm,… và hai anh em Hùng người Bắc từ Bình Long chuyển về. Năm nầy anh Huỳnh Minh Đẩu ứng cử làm Trưởng ban Đại Diện Trường. Phía sau dãy phòng học là nhà của chú thiếm Vĩnh, lao công của trường. Nhà chỉ là nhà tranh đơn sơ, nhưng cũng là nơi mà nhiều học sinh nghỉ ngơi hoặc cần nước uống, chú thiếm rất dễ nên mọi người ra vào tự nhiên giống như là nhà của mình. Lúc trước tôi thường nghe nói những người học trường tư thường hay không thích những người học ở trường công, điều đó tôi không tin, nhưng bây giờ hai trường Trung học Công, Tư An Mỹ nằm kế bên nhau tôi mới thấy rõ điều ấy. Thực sự, điều đó có xảy ra, mặc dù chúng tôi không có gì gọi là khi dễ hay tỏ vẽ khinh thường gì các anh chị bên đó; ngoại trừ những bạn bè thân thiết phải học ở hai trường. Có bạn giải thích: “Sở dĩ như vậy vì khi thi đậu mới được vào trường công, còn học trường tư là vì không đủ sức để thi đậu vào trường công, vì vậy mà họ có sự mặc cảm nên thường có sự hiểu lầm nếu lời nói sơ sẩy không cẩn thận”! Điều ấy đã xảy ra một chuyện rất là bất ngờ khi hai trường công, tư An Mỹ nầy tổ chức một buổi đá banh giao hữu mà trọng tài lại là Thầy Giám Thị Nguyễn Văn Phụng. Trong cuộc đấu không hiểu Thầy Phụng thổi còi như thế nào đó mà bên đội của trường tư xem đó là sự thiên vị, xử ép; nên khi mãn trận đấu các anh chị lớn bên Trường Tư đi theo Thầy Phụng gây sự. Nghe nói có người chụp vai Thầy Phụng như thế nào đó mà Thầy Phụng đã phản ứng quá mạnh khiến những anh lớn ấy tấn công Thầy, Thầy chạy vội về Văn Phòng, thế mà họ ùa vào tấn công cực gắt. Sau hồi hòa giải từ Thầy Hiệu Trưởng họ mới ra về Trường bên kia mà có nhiều ấm ức, hậm hực. Từ đó khiến chúng tôi ít dám héo lánh nhiều đến khuôn viên Trường Tư nữa.

 

Nguyên Thảo.


Saturday, November 4, 2023

*Những Khung Trời Kỷ Niệm! (23)


*LỬA TỪ BI.

(Kính dâng lên Bồ-Tát Quảng-Đức)

 

Lửa! Lửa cháy ngất Tòa Sen!

Tám chín phương nhục thể trần tâm

hiện thành Thơ, quỳ cả xuống.

Hai Vầng Sáng rưng rưng

Đông Tây nhòa lệ ngọc

Chắp tay đón một Mặt Trời Mới Mọc,

Ánh Đạo Vàng phơi phới

Đang bừng lên, dâng lên…

 

Ôi, đích thực hôm nay Trời có Mặt!

Giờ là giờ Hoàng-Đạo nguy nga.

Muôn vạn khối sân-si vừa mở mắt

Nhìn nhau: Tình huynh-đệ bao la,

Nam mô Đức Phật Di Đà

Sông Hằng kia bởi đâu mà cát bay?

 

Thương chúng sinh trầm luân bể khổ,

NGƯỜI rẽ phăng đêm tối đất dày

Bước ra, ngồi nhập định, hướng về Tây

Gọi hết LỬA vào xương da bỏ ngỏ

PHẬT-PHÁP chẳng rời tay…

Sáu ngả luân hồi đâu đó

Mang mang cùng nín thở

Tiếng nấc lên ngừng nhịp Bánh Xe Quay.

Không khí vặn mình theo

khóc òa lên nổi gió

NGƯỜI siêu thăng…

Giông bão lắng từ đây.

Bóng NGƯỜI vượt chín tầng mây

Nhân gian mát rợi bóng cây Bồ-Đề.

 

Ngọc hay đá, tượng chẳng cần ai tạc!

Lụa hay tre, nào khiến bút ai ghi!

Chỗ NGƯỜI ngồi: Một thiên thu tuyệt tác

Trong vô-hình sáng chói nét TỪ-BI.

 

Rồi đây, rồi mai sau, còn chi?

Ngọc đá cũng thành tro

lụa tre dần mục nát

Với Thời-Gian lê vết máu qua đi.

Còn mãi chứ! Còn TRÁI TIM BỒ TÁT

Gội hào quang xuống tận ngục A-tỳ.

 

Ôi ngọn LỬA huyền vi!

Thế giới ba nghìn phút giây ngơ ngác

Từ cõi Vô-Minh

Hướng về Cực-Lạc.

Vần điệu của thi-nhân chỉ còn là rơm rác

Và chỉ nguyện được là rơm rác

Thơ cháy lên theo với lời Kinh;

Tụng cho nhân loại hòa bình

Trước sau bền vững tình huynh-đệ này.

 

Thổn thức nghe lòng Trái Đất

Mong thành Quả Phúc về Cây

Nam-mô THÍCH CA MẦU NI PHẬT

Đồng loại chúng con

nắm tay nhau tràn nước mắt

tình thương hiện Tháp Chín Tầng xây.

 

Vũ Hoàng Chương.

(Khởi viết từ ngày 11/6/63, xong ngày 15/7/63 tại Sài Gòn). 

Wednesday, October 18, 2023

*Những Khung Trời Kỷ Niệm! (22)

 

Thông thường đường đi học là đường đi Bình Dương qua Bình Hòa, lên Vườn Bà Đôn đến sân bay thì thả dọc theo sân bay; Đến cuối ra một khoảng đường mòn nữa lại nhập vào đường từ Vĩnh Trường sang An Mỹ, nương theo đó mà chúng tôi tới Trường. Vì có nhiều lớp từ Trường Tư Thục của ông Trai đến Trường Công Lập nên trước giờ học bọn học trò lũ lượt nhau từng nhóm vang rân trên đường đi thật là vui vẻ. Nếu có trường hợp xe nào bị hư hay có vấn đề gì thì chúng tôi có thể chở cho nhau, và xe đạp do bạn khác vừa lái xe của mình một tay, và tay kia dắt xe dùm cho bạn, nên cũng ổn. Tôi thì rất muốn theo học Ban B, tức là Ban Toán, nhưng do vì hoàn cảnh eo hẹp trong năm nầy nên đành phải theo học Ban A, là Ban Khoa Học Thực Nghiệm hay nôm na là Ban Vạn Vật. Với trí nhớ không tốt của mình, dù biết học Ban A tôi sẽ có rất nhiều vất vả, nhưng không thể làm khác hơn. Son, To và tôi thì học bên Ban A. Huệ học Ban B. Còn anh Chi học với chúng tôi bên Tân Uyên, từ khi anh bị rớt trong kỳ thi Trung Học thì bây giờ anh không học tiếp nữa mà ở nhà làm nghề nông.

An Mỹ nầy trồng nhiều tầm vông và tre, có nơi chuyên tầm vông hơn là tre cho nên có một lần tôi nghe hai đứa bạn ghẹo nhau: Đứa học Trường Trịnh Hoài Đức ghẹo đứa An Mỹ là học “ở trường Rừng”; Nhưng đứa học Trường An Mỹ cũng không vừa đối lại đứa học Trường Trịnh Hoài Đức là “mầy học ở Trường Ruộng”. Nghe xong tôi ngẫm nghĩ: “Mà đúng thiệt!”. Ở Bình Dương có hai Trường Trung Học Công lập, một là Trường Trịnh Hoài Đức không nằm ở phạm vi Tỉnh mà lại nằm ở Búng, bên Quốc lộ 13 cạnh Trường Tiểu Học Cộng Đồng Dẫn Đạo Búng, có đồng ruộng chung quanh. Còn Trường Trung Học Công Lập An Mỹ thì nằm trong xã An Mỹ nơi có nhiều rừng tầm vông. Qua cuộc đối thoại đùa vui ấy cũng khiến cho tôi có nhiều thắc mắc để truy tìm về nguồn gốc của nó. Đối với Trường An Mỹ thì tôi có thể tìm được câu giải đáp: Vì sự mong muốn đem lại vinh hạnh, trù phú cho địa phương mà Luật Sư Trần Văn Trai đã bỏ công sức, tiền của để yểm trợ cho xã Ông được những điều mà tôi được biết: Thứ nhứt là cơ sở vật chất, một ngôi Trường Tiểu Học khang trang đẹp đẽ của An Mỹ, hai là thành hình cho một Trường Trung Học Tư Thục; ba là gầy dựng Chi Nhánh Trường Trung Học Trịnh Hoài Đức ở An Mỹ trong giai đoạn đầu, mà hiện nay trở thành Trường Trung Học Công lập mà chúng tôi đang theo học; và lớp Đệ Tam nầy là lớp đầu đàn, mặc dù bên Trường Tư của Ông đã có lớp Đệ Nhị khoảng một năm trước. Trong khi đó ở ngoài Tỉnh lỵ Bình Dương có nhiều trường Trung Học Tư Thục từ rất lâu như Trường Văn An, Nguyễn Trải, trước đó có Trường Trí Đức và sau có thêm Trường Nghĩa Phương. Ngoài công lao mở mang trường học vừa giúp cho xã, Ông mà còn giúp cho học trò của nhiều địa phương chung quanh, ngay cả những địa phương xa xôi như Bến Cỏ (Phú Hòa Đông), Bưng Cầu, Bến Thế hay Vĩnh Tân. Ông còn làm con đường rộng rãi, khang trang từ ngã ba đuờng Bình Dương đi Phú Chánh vô đến trường mà hai bên trồng hai hàng cây sao rất đẹp, rồi tới cái dự án cất ngôi đình An Mỹ trên nền đất rất cao, nhưng chưa biết chừng nào mới cất. Rồi thêm một cái đập để ngăn nước mà người dân thường gọi là “Đập ông Trai”, nghe nói đập ấy nhưng tôi chưa hề tới đó bao giờ! Lạ một điều, Ông Trai làm nhiều việc như thế đó, mà gian nhà cũ của Ông, phía bên trong đối diện với trường học, vẫn không thay đổi hay cất mới vì có một lần tôi theo anh Hừng, cháu Ông vào trong đó giúp lấy một chút ít đồ! Từ đó, tôi cũng nghiệm ra: “Tại sao Trường Trịnh Hoài Đức không nằm ở trong phạm vi Tỉnh lỵ mà lại nằm ở Búng?”, không lẽ: “Những người đồng sáng lập” muốn Thầy Trương Văn Di tiện việc cai quản, chăm sóc và làm kiêm chức Hiệu Trưởng Trường Trung Học Công Lập Trịnh Hoài Đức, trong khi Thầy đang là Hiệu Trưởng của Trường Tiểu Học Cộng Đồng Dẫn Đạo Búng”? Cũng có thể lắm chứ! Đó là điều mà tôi suy nghĩ để lý giải: Vì sao một Trường Trung Học Công Lập độc nhất của Tỉnh Bình Dương thuở ấy mà không nằm trong vị trí của Tỉnh lỵ vào lúc bấy giờ? Kể như vậy, chắc Quý độc giả thấy công lao của Luật sư Trần Văn Trai đã làm được những gì có ích cho chính xã An Mỹ của Ông, đồng thời giúp rất nhiều cho những học sinh ở các vùng chung quanh và phụ cận, nhất là thêm số học trò nghèo được học ở trường công càng ngày càng thêm đông. Số học trò trong lớp Đệ Tam của tôi đa số đến từ Bưng Cầu, Bến Thế rồi Bình Dương và sau đó là Phú Hòa, Hòa Thạnh, Cầu Định, Tân Hóa, Tân Khánh, Vĩnh Trường, Bình Chuẩn, Phú Chánh, kể cả ở tận bên Bến Cỏ-Phú hòa Đông, nhưng ở tại An Mỹ và Phú Hữu thì không nhiều!

Trong năm nầy, như tôi đã viết trong phần trước thì vào khoảng Tháng 4/63 các nhà cửa của dân chúng ở vùng Phước Lộc phải dời vào trong Ấp Chiến Lược tất cả theo Chiến sách Ấp Chiến Lược lúc bấy giờ, do vậy đường đi học của chúng tôi cũng không dám đi qua vùng đó nữa vì sợ hai bên đụng độ nhau, nên đi học trên Tân Uyên phải chọn con đường xa hơn là đi vòng ra Bình Chuẩn rồi xuống Tân Ba mới đi lên Tân Uyên. Nhưng may mắn là thời gian ấy không lâu thì tới nghỉ Hè, thế chúng tôi vẫn cam nổi mà không chọn kiếm nhà trọ học như ngày trước. Tình thế lúc ấy là giai đoạn chiến tranh càng ngày càng tăng tốc độ và càng ác liệt hơn, và những cuộc biểu tình ở khắp nơi thêm nhiều sôi động, nhất là từ lúc có xe cơ giới tấn công vào Lễ Phật Đản ở Huế vào ngày 8/5/1963 gây cho 9 người chết và 20 người bị thương. Từ đó những cuộc biểu tình chống đàn áp Tôn Giáo thật là sôi động khắp miền Nam, nhất là ở Sài Gòn. Đến đỗi ngày 11/6 Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu ở tại góc đường Lê Văn Duyệt và Phan Đình Phùng, và rồi đến ngày 7/7 lại có tin trên báo chí là nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam đã tự tử. Đến ngày 25/8 thì lại nữ sinh Quách Thị Trang bị bắn chết ở bùng binh chợ Bến Thành nên những cuộc biểu tình sau đó lại càng sôi sục hơn. Nhưng ở một ngôi trường không lớn lắm của Tỉnh lẽ, mà lại ở trong quê nữa nên tình hình cũng chẳng có gì là sôi động ngoài những tin tức trên báo chí hay lan truyền cho nhau nghe. Tuy nhiên, bài thơ “Lửa Từ Bi” của nhà thơ Vũ Hoàng Chương được lan truyền một cách nhanh chóng, được chuyền tay nhau để chép mặc dù có chỗ đúng, chỗ sai. Bài thơ ấy như sau:

 

Nguyên Thảo,

19/19/2023.




Friday, September 22, 2023

*Những Khung Trời Kỷ Niệm! (21)

 

Trước ngày nhập học một tuần tôi cùng Tong lên trường An Mỹ bằng đi ngõ Vĩnh Trường, tức là đi ngang qua nhà ngoại ở xóm dưới, lên Vĩnh Trường trên rồi đi thẳng qua bên An Mỹ mà không theo đường sân bay. Vì đêm hôm mưa nhiều nên đường tương đối lầy lội, nhưng đi xe đạp thì không trở ngại cho lắm; tuy nhiên đến xóm trên thì nước đổ từ Gò Bèo xuống nhiều quá nên ngoài đường chính không thể đi được, cho nên có đoạn chúng tôi phải mượn đường bờ ruộng để đi do nó khô ráo. Qua đoạn bờ đó thì đến đoạn đường ngập nước mình phải cưỡi xe băng qua. Vì không biết rành đường nầy như thế nào nên tôi cứ nhắm chừng để băng qua, không ngờ lọt phải vào cái miệng cống, xe đạp nhủi đầu, quần áo đều ướt, may là giấy tờ không bị thấm nước. Tong chạy qua bờ ruộng cao bên kia chờ tôi. Do quần áo ướt nên tôi phải dựng xe lại, cổi áo quần ra vắt nước cho tương đối ráo đi, rồi mặc vào. Trong lúc đó, có tiếng ai gọi tôi và nói lớn lên: “Ê Thạch, quần áo mầy ướt rồi có cần tao cho mượn quần áo khô để bận không?”. Vì hơi xa, tôi nhìn không rõ mà cũng chẳng biết là ai đã gọi; ở xóm trên nầy ít có người nào biết tôi lắm, mặc dù cái cống nhỏ ấy là trước cửa ngõ nhà Cậu Ba Ngô. Tôi vội trả lời là “Được rồi, không sao, không ướt lắm đâu, tao bận được mà”! Người hỏi hỏi lại một lần nữa. Tôi xác định là được và hỏi nó: “Đi đâu vậy?”, “Tao đi về nhà cũ, thôi tao đi nhe”! Thế rồi người đó cưỡi xe đạp đi! Tôi ngạc nhiên, hỏi Tong: “Ai hỏi tao vậy Tong?”. Tong nói: “Thằng To đó”. “Ủa nhà nó ở đây hả”. “Ở trong vuông tre, chỗ mầy té đó”! Thế là tôi mới hiểu To ở trong vuông tre nhà Cậu Ba Ngô. Nói đến Thằng To, thực ra tôi không biết nó nhiều lắm, chỉ gặp nó vài lần lúc còn trường Thầy Khai, nhất là khi Thầy Khai dời Trường về trong Chùa Cao Đài và dạy ở đó. To có một thành tích đáng thán phục, nghe nói trước khi đến trường Thầy Khai không biết nó học với ai, nhưng nó thông minh lắm, học không bao lâu thì đã nhảy tọt lên học lớp Nhì hay lớp Nhứt gì đó mà tụi bạn thường nói nó là con nuôi của Thầy Khai, nó học thật giỏi. Tôi chỉ biết về nó bao nhiêu đó thôi. Nay không ngờ lại gặp nó ở đây mà nó còn nhớ tôi, quả là trí nhớ tốt quá, hèn chi nó học nhảy lớp khá nhiều. Nhưng từ khi rời trường Thầy Khai, nó chạy ra ngoài Búng học ở Trường Cộng Đồng Dẫn Đạo, có lẽ nó đậu dự khuyết nên được về học ở Trường An Mỹ, chi nhánh của Trường Trịnh Hoài Đức lúc ban đầu. Tôi và Tong tiếp tục đến Trường An Mỹ. Đến nơi vì quần áo hãy còn ướt, cho nên tôi không đi vào văn phòng ngay, mà dạo vòng quanh coi xem thế nào. Sau bốn năm tôi trở lại, những cây điệp Tây bây giờ lớn quá, tàng rộng đầy bóng mát, những bụi cây bông mà ngưòi ta nói là Immortel nở to hơn. Dọc hai hàng điệp Tây đường vô Trường có thêm mấy băng xi măng đúc để ngồi chơi trong bóng râm của cây thật là thơ mộng. Trường là một khu dài, ngay chính giữa là Khu Văn Phòng, mái nhô cao lên để rồi hai bên là những dãy lớp học đối xứng nhau qua đó. Trường được xây dựng do công trình của Ông Luật Sư Dân Biểu Trần Văn Trai vận động và xin phép. Không biết có sự đóng góp nào của dân chúng và Chính phủ không, nhưng đó là công sức của Ông muốn cho quê hương An Mỹ của Ông được rỡ ràng theo sự thành công của Ông trên đường học vấn cũng như quan trường lẫn làm ăn. Hôm nay trở về đây tôi mới biết rõ là Trường Trung Học Tư Thục An Mỹ của Ông không biến thành Trường Công Lập như trước kia tôi đã nghe nói, mà bây giờ nó được xây dựng bên trong cái sân banh gần khu Trường nầy. Còn dãy cơ sở dài nầy, chính giữa là Khu Văn Phòng, về phía bên kia là của Trường Tiểu Học, và phía bên nây dành cho Trường Trung Học Công Lập An Mỹ, mà thời gian đầu Trường quả thực là Chi nhánh của Trường Trung Học Công Lập Trịnh Hoài Đức gồm số học sinh đậu dự khuyết đưa về đây, mà lúc đó tôi nghe nói là Cô Oanh làm Giám Thị, kiêm dạy luôn môn Nữ Công Gia Chánh. Sau khi trình diện, ghi tên cho lớp Đệ Tam của trường trong năm học mới xong, thì Tong cũng làm xong công việc của nó, chúng tôi đi về Tân Khánh bằng băng dọc theo sân bay về ngã Bình Hòa mà tôi đã từng đi vào bốn năm trước.

Vào ngày tựu trường, tôi, Huệ, Son đi cùng số bạn bè lên An Mỹ qua con đường băng dọc sân bay. Đường nầy có xa hơn đôi chút, nhưng nó sạch sẽ, không lầy lội hay có nhiều vũng nước đục ngầu, hoặc đôi lúc có nhiều gai tre làm lủng bánh xe như đường qua Vĩnh Trường. Trong ngày khai giảng nầy tôi gặp lại nhiều người bạn cũ hoặc cùng xóm như To, Lễ, chị Hồng con ông Năm Thính trên xóm chợ; người bà con trang lứa với tôi là Trương Văn Lập mà vai thứ tôi phải gọi bằng Bác; hoặc Chị Mới, chị Khởi cùng học ở Lớp Nhứt ở trường Tân Phước Khánh với chúng tôi mà hình như hai chị đã đậu Dự khuyết vào kỳ thi lên lớp Đệ Thất ở Trường Trung Học Công Lập Trịnh Hoài Đức vào những năm trước mà có cả Đức nữa. Sĩ số học sinh khá đông, vào khoảng hơn sáu mươi. Trong ngày đầu lớp được ông Hiệu Trưởng tâm tình đôi lời rồi được Giám Thị là Thầy Trần Văn Xuân cho chép Thời Khóa Biểu, cái lịch trình các môn học các ngày của Trường; cùng nói qua về những nguyên tắc, nội qui sinh hoạt và kỹ luật của trường. Sau đó được cho về sớm và chuẩn bị ngày mai bắt đầu một năm học mới.

Đúng ra đến lớp Đệ Tam nầy là chúng tôi được chọn Ban để theo học, nhưng vì sĩ số lớp không đủ cho hai lớp: Ban B hay là Ban Khoa Học Tự Nhiên cho lớp học chuyên về Toán lấy môn Toán làm môn chính, họ học môn Toán cao hơn; và Ban A hay còn gọi là Ban Khoa Học Thực nghiệm lấy môn Vạn Vật là môn chính, tức là học nhiều và kỹ hơn tức nhiều chi tiết hơn. Còn một Ban nữa tức là Ban C, hay gọi là Ban Văn Chương có các môn thuộc về Văn Chương và Sinh Ngữ là những môn chính gồm có Anh và Pháp Văn; nhưng ở đây nhất là những học sinh ở Tỉnh lẽ hoặc trong quê như chúng tôi không mấy ai học ở Ban C vì không đủ trình độ Sinh Ngữ để theo học. Và cũng chỉ vì có một lớp Đệ Tam nên giờ Sinh Ngữ lớp sẽ chia làm hai lớp riêng nữa, nhóm nào học Pháp Văn thì sẽ ra học riêng và nhóm học Anh Văn thành lớp riêng. Vào năm học nầy lớp học thêm được một Sinh Ngữ nữa, như vậy là học sinh nào trước học Sinh Ngữ chính là Pháp Văn thì bây giờ học thêm Tiếng Anh; và những ai trước học Tiếng Anh thì nay học thêm Pháp Văn, mặc dù ít giờ gọi là Sinh Ngữ hai, môn Sinh Ngữ chính được gọi là Sinh Ngữ 1. Hiệu Trưởng Trường là Thầy Bùi Ngọc Ấn Thầy thường đến trường bằng chiếc xe du lịch hiệu Volswagen màu xanh trắng nhạt, rất hiền, không biết vì sao Thầy có tật một chân nên tướng đi không đều, một bên cao bên thấp. Và người dạy môn Văn chúng tôi là Thầy Lã Huy Quý, nghe nói Thầy là người từ Miền Bắc đã vượt tuyến vào Nam sau năm 1954. Và rồi một ngày nào đó không lâu, tôi lại được đọc trong quyển Tạp chí có kể lại chuyến vượt ranh giới của Thầy, đại khái Thầy là một sinh viên của Trường Đại Học nào đó ở miền Bắc, trong chuyến đi thăm viếng ở bờ sông Bến Hải, nhân vào lúc mọi người trong đoàn không chú ý Thầy đã phóng xuống sông và bơi về bờ phía Nam. Thầy thoát khỏi miền Bắc và bây giờ Thầy đang hướng dẫn chúng tôi về môn Giảng Văn. Pháp Văn là cô giáo có xuất thân từ Trường Tây Marie Curie ở Sài Gòn. Toán là Thầy Phấn. Anh Văn là Thầy Trần Văn Ngà ở ngoài Bình Dương. Vạn Vật do Thầy La Cao Trí, sinh viên Trường Dược ở Sài Gòn xin dạy giờ ở đây.

 

Nguyên Thảo,

23/09/2023.


Monday, August 21, 2023

*Rác!

 

Trong tục ngữ có câu: “Nhà sạch thì mát, bát sạch thì ngon”. Điều đó đúng hẳn thế. Khi nhà sạch thì chúng ta nghe thoải mái, cảm thấy mát mẻ hơn ngoài cái mát mẻ của vật lý. Cũng vậy bát sạch cho ta cái cảm giác tươi mát, không vướng bận, khó chịu, thức ăn dường như ngon hơn, dù món ăn không thay đổi. Ông bà ta ngày xưa đã thu gọn lại cái nhận xét, quan niệm ấy để lưu truyền lại cho ngày sau. Có một ngày nọ trên đường lên Tây Nguyên, anh bạn dẫn đường ghé vào một tiệm ăn mà anh quảng cáo là tiệm bánh canh nầy ngon lắm. Xe dừng lại, đoàn người xuống tại một quán bánh canh vào buổi chiều hơi tối, bên kia nhà thờ các giáo dân đông người dần kéo vào bên trong để tham dự buổi lễ ban chiều, đèn sáng lên cùng mặt trời vừa lặn, những tia sáng ửng lên tạo thành một quang cảnh khá đẹp và nên thơ, thú vị. Tuy nhiên vừa bước vào quán chúng tôi vội sững sờ, ngon đâu chưa thấy mà thấy dưới đất toàn là giấy tissue lênh láng từ ngoài đường đi cho đến các gầm bàn làm tầm mắt của mình phải bị vương vương làm sao ấy, khiến chúng tôi phải mĩm cười, nghĩ rằng: Ừ! Quán nầy có thể ngon đấy, bằng chứng là khách ăn khá đông nên người ta mới quăng giấy đầy trên đất như thế đó; nhưng nó thật sự được ngon hơn nếu quán được sạch sẽ không làm cho người ta có cảm tưởng ngồi trên đống rác để thưởng thức được cái món ngon. Điều nầy làm tôi nhớ đến một ngày nọ khi bước vào trong một quán nước ở trong Chợ Lớn kêu một ly cà phê để uống, nhưng dưới nền đất có nhiều đờm dãi, nước miếng mà khách đã khạc nhổ trong đó, thật là tởm đành phải cầm ly cà phê ấy bước ra ngoài mà uống vội vàng với hình ảnh các cái bẩn thỉu ấy in vào trong đầu óc của mình. Rồi một lần theo vợ chồng anh bạn ra Phú Quốc, đến bãi tắm biển và ăn trưa tại mấy quán bìa bờ, nhưng mùi rác rến bốc mùi lên tự dưới gầm làm cho chúng tôi cả thấy mất hứng thú mà thưỏng thức món ăn. Không biết các du khách khác như thế nào, nhất là các khách Tây, người ngoại quốc có cảm nghĩ gì không, chứ đối với chúng tôi thì bị giảm đi cái cảm hứng, thích thú về thức ăn nầy dù nó có ngon bao nhiêu đi nữa! Rồi cái cảnh chúng tôi mua ghẹ bên bờ bãi biển ở Long Hải mà dẫm phải những đống phân người đây đó. Ôi! Các điều ấy chẳng có thể thay đổi được hay sao?

Nhớ ngày xưa tôi có Ông Chú đi sang Singapore, khi về ông có kể lại rằng: Ở Singapore, người ta xả rác bị phạt nặng lắm, cứ một đầu lọc của thuốc hút xuống đất là có thể bị phạt một số tiền lớn, nên ai cũng phải lo giữ gìn, không dám xả rác, vì vậy mà ở Singapore rất sạch. Hình phạt đã khiến mọi người chăm chú đến túi tiền của mình, dần tạo sự ý thức công cộng và tới lúc nào đó trở thành một phản xạ tự nhiên, một thói quen tốt. Rồi một ngày nọ, trường học chúng tôi phát động vệ sinh chung, mỗi em phải có ý thức sạch sẽ về rác rến, nhờ thế mà trong thời gian dài, trường rất sạch, không hề có chuyện xả rác bừa bãi cho đến ngày tôi đi xa trường, không biết về sau đó thì trường như thế nào vì tôi không được chứng kiến. Có những chuyện được nghe kể nhất là những người có dịp sang Nhật, họ thán phục người Nhật là khu phố, đường sá thật sạch, không thấy rác mặc dù dọc theo các con đường ít khi thấy các thùng rác. Sau họ tìm hiểu thì người Nhật có đem theo các bọc nhỏ, nếu có rác họ bỏ vào đó, rồi mang về bỏ vào thùng rác ở nhà; đó là điều mà chỉ nghe kể lại nhưng trên thực tế ta thấy người Nhật có thói quen tốt, nhất là ở những cuộc thi đấu quốc tế ở những vận động trường có người Nhật tham dự. Họ đã dùng bao rác thu nhặt rác ở các vùng chung quanh chỗ họ ngồi trong khi các vị khách khác đứng dậy ra về không quan tâm đến rác. Có lẽ trường học, nền giáo dục của họ đã hướng dẫn học sinh Nhật bảo vệ môi trường quá tốt, tạo nên ý thức tốt đối với mọi người dân của họ ngay từ lúc bắt đầu ngồi trên ghế nhà trường. Đó là những tấm gương ta cần chú ý và học theo. Như vậy, trông người lại ngẫm đến ta là ta có thể tạo được cái ý thức bảo vệ mội trường như thế không? Tất nhiên là không có gì là không thể! Vậy ta sẽ có thể như thế nào?

Ở đây, chúng tôi chỉ bàn chuyện để chơi, chứ không có quyền hạn gì cả, vì quyền hạn, làm hay không là do những người lãnh đạo, có thẩm quyền điều hành đất nước, có nhiệm vụ đối với môi trường, có trách nhiệm giáo dục người công dân thực hiện các thái độ, hành động tốt và hay, có ích chung cho xã hội và Tổ Quốc. Nhưng dù gì thì cũng cần giáo dục cho thế hệ nhỏ trong tương lai có thói quen đó trước đã, chuyện đó không khó thực hiện khi chúng đã có nội quy của nhà trường và sự hướng dẫn, kiểm soát của đoàn thể mà chúng hiện diện trong đó. Còn đối với người trưởng thành trong xã hội đã có các phương tiện truyền thông từ báo chí, truyền hình, truyền thanh, kêu gọi từ các đoàn thể,…cùng nhau thực hiện một chỉ thị chung thì tất không thể không làm được. Trước là kêu gọi, giáo dục một thời gian đi trước mà không nói đến hình phạt, sau thì hình thức phạt nhẹ, càng ngày càng tăng tiến, dĩ nhiên dần người ta sẽ có ý thức ngay: Vì không ai muốn tốn tiền cho những hành động” ngu xuẫn” như thế đấy, chỉ vì “sơ ý” mà phải mất một số tiền lớn! Ở xứ người, người ta không ngăn cấm hút thuốc, uống rượu nhưng cứ tăng giá thuốc càng ngày càng cao, quảng cáo các bệnh sinh ra từ hút thuốc, khiến người ghiền thuốc phải bỏ hút từ từ. Và với sự tịch thu bằng lái sau án lịnh của tòa khiến người lái xe phải e dè khi uống rượu bia, từ đó tai nạn xe cộ cũng giảm nhiều, người chết vì xe cũng ít đi; hay những kẻ tàn phế làm khổ cho mình, tạo gia đình thêm gánh nặng được bớt dần. Đó là chuyện ở xứ người, còn ở ta thì sao? Nhất là chuyện rác rến chắc không khó để làm, nhưng chính yếu là “mình có muốn làm hay không” mà thôi!

 

Đồ Ngông,

22/08/2023.


*Những Khung Trời Kỷ Niệm! (20)


Xong ngày hôm đó là chúng tôi ở nhà phải học tới tấp lo cho kỳ thi săp đến. Những ngày học toán cùng nhau tập hợp tại nhà Tâm Lọt để cùng giải các đề toán trong sách cũng như giúp nhau ôn lại những phần đã học ở trường trong năm. Cái không khí thi ngập tràn những âu lo. Gần ngày thi thì lại càng nặng nề hơn, có khi phải thức suốt đêm để học bài, có đứa thì uống cà phê đắng, không đường, hay trà đậm để thức. Có đứa mua bí tộ về nấu ăn mà người ta nói là bổ óc. Rồi cũng có nhóm họp nhau lại đi ra gò mã nào đó “cầu cơ” xem trước coi mình thi “đậu hay rớt”. Nhưng chung quy là ráng học cho “tới đâu hay tới đó”. Tôi không dám kỳ vọng nhiều, vì những kỳ thi trước mình đã rớt mặc dù học trong lớp tương đối là khá, là hi vọng của Thầy Cô đặt vào mình; thế mà cuối cùng mình lại bị rớt như kỳ thi học bỗng hồi Lớp Ba, cũng như kỳ thi vào Đệ Thất ở Trường Trịnh Hoài Đức. Lần nầy tôi cẩn thận hơn nhiều, ráng căn dặn tự nhủ lấy mình.

Trước ngày thi một ngày, Huệ, Son và tôi cùng Chi đi xe đạp ra Tân Ba, qua Bến đò Trạm, tới Bữu Long rồi ra Biên Hòa hẹn gặp Lực, Thạch A ở cổng trường Nguyễn Du để xem lại địa điểm thi có thay đổi gì không, rồi cùng nhau về nhà anh của Huệ xin ở thêm 3 đứa nữa, thành ra tất cả là 6 tên. Sáng ngày thi đầu tiên cùng thức sớm, kéo nhau lội bộ từ nhà đến trường vì cũng không xa lắm. Bao nhiêu bí quyết học được cố dồn cho kỳ thi nầy từ chuyện hít hơi cho dài, ém lại rồi thở ra từ từ nhiều lần trước khi làm bài, cho đến câu nào dễ thì làm trước, câu khó làm sau; cho đến các trình bày bài thi cho sáng sủa, dễ nhìn để chiếm lấy thiện cảm của Giám Khảo khi họ chấm bài do mấy Thầy Cô kinh nghiệm chỉ dạy. Ngày đầu qua các môn Giảng, Luận Văn, Lý Hóa, Sử Địa tương đối không khó nên chúng tôi còn vui vẻ khi xong ngày thi. Đến ngày sau khi các môn buổi sáng xong thì đến trưa về nhà nghỉ ngơi để thi môn Toán vào buổi chiều. Chưa ăn cơm thì có một đứa nhỏ tới nhà đưa cái gì đó cho Huệ, hỏi ra thì đó là đề Toán và cách giải mà không biết là phải hay không. Chúng tôi quá ngạc nhiên cùng bàn tán rồi theo vết xem coi đứa nhỏ từ nhà nào tới, nhưng không tìm thấy, khi về tôi nhìn xuống đường có một miếng giấy nhỏ giống như giấy mà chúng tôi đã nhận được trước nhà nọ khá gần với nhà chúng tôi ở. Về nhà ăn cơm, nghỉ ngơi đôi chút rồi đến trường thi vào buổi chiều có môn Toán. Đề mà “nói lộ ra” không đúng rồi, nhưng dù gì chúng tôi cũng cám ơn người đưa tin. Môn Toán nầy đa số chúng tôi đều làm được. Sau cơm nước chiều xong, tôi, Huệ, Son, Thạch, Lực đến cám ơn người đưa tin ấy, thì ra đó là một chị gái đang học lớp Đệ Nhị cũng đang chuẩn bị cho kỳ thi Tú Tài I, chị cho biết là có người bạn nhận được đề như thế đó nên chị cho hay thế thôi, chứ không biết là có đúng hay không? Rồi mấy ngày thi cũng qua nhanh. Môn cuối cùng là môn “Nhiệm ý” tức là môn Nhạc và Vẽ, ai muốn thi môn nào thì tự chọn. Tôi chọn môn Vẽ. Đề tài là vẽ bàn tay nắm hoặc xòe. Cái bàn tay nầy khá vui, có đứa vẽ bàn tay giống như hình bàn tay của các Thầy bói, có đứa vẽ hình nắm tay một cục giống như đang thoi người ta, trông ngộ nghỉnh thật. Thế là cuộc thi quyết định nầy đã xong. Mọi thí sinh tan hàng trở về nhà, hồi hộp mà đợi trông! Bốn năm đèn sách mới có một lần! Trước khi đi về nhà chúng tôi có ghé qua nhà của chị đưa đề toán hôm trước thăm chị và chúc cho chị thành công trong kỳ thi cử sắp tới. Sau đó mấy tuần khi báo chí cho biết kỳ thi có kết quả, tôi, Son Huệ, hẹn nhau ngày giờ để đi xem kết quả. Với kết quả kỳ đó, chúng tôi kể cả Thạch A, Lực đều vượt qua được, chỉ có Chi là rớt, cũng là một điều buồn. Sau bốn năm lên học trên Tân Uyên từ con số hơn mười đứa, đoàn chúng tôi rốt cuộc chỉ còn lại 5 đứa vì mấy người kia đã rời nhà trường trước khi kết thúc bậc Trung Học Đệ Nhất Cấp và Chi là người sau cùng. Rồi Thạch A, Lực xin chuyển về Trịnh Hoài Đức vì Thạch A ở Búng và Lực đã chuyển về ở Bình Nhâm từ lúc Tân Hội, Tân Long có lịnh phải tản cư, không thể ở trong đó được vì tình trạng chiến tranh. Còn Huệ, Son xin về Trường Trung Học Công Lập An Mỹ; riêng tôi lưỡng ước, nhưng sau cùng do hoàn cảnh riêng của mình nên thôi xin về An Mỹ luôn vì sợ không đủ sức theo học ở Trưòng Trịnh Hoài Đức dù rất muốn, và là mơ ước trong nhiều năm trời. Còn tất cả những bạn bè khác trong lớp, ai đậu được bằng Trung Học đều chuyển về Trường Trung Học Công lập Ngô Quyền bên Biên Hòa.

 

3* Về Trường Trung Học Công Lập An Mỹ:

Trước khi ngày tựu trường khoảng chừng 2 tuần lễ, tôi cùng đi với Son, Huệ lên văn phòng trường Tân Uyên xin giấy chuyển trường. Trong thời gian nầy chỉ có người Văn phòng phụ trách, đồng thời có vài Thầy Cô phân công phụ giải quyết công việc trường chung với Ban Giám Hiệu, đồng thời lo chuẩn bị cho việc khai giảng niên học mới. Lần nầy có gặp Thầy Khánh, nhưng rồi không biết đến chừng nào mới gặp lại, Thầy trò chia tay bùi ngùi và những lời chúc sức khoẻ, sự thành công trong tương lai. Về đến nhà chúng tôi không vội vã để đi đến trường mới, nhưng cũng không hẹn đi chung với nhau vì mỗi đứa cần phụ giúp công việc nhà khá bận rộn trong thời gian nầy. Do vậy mà tôi hẹn với Tong, bạn gần nhà cũng là bà con cô cậu xa với tôi, ngày đi lên An Mỹ để nộp giấy giới thiệu và trình diện với trường cho niên học mới tôi về trường nầy học lớp Đệ Tam.

 

Nguyên Thảo,

22/08/2023.

 


Sunday, July 16, 2023

*Những Khung Trời Kỷ Niệm! (19)


Sau thời gian 3 tháng nghỉ Hè, chúng tôi lại lũ lượt đến trường. Năm nầy là năm cuối của Bậc Trung Học Đệ Nhất Cấp (niên học 1962-1963), chúng tôi phải dự vào cuộc thi bằng và lên lớp. Thông thường muốn lên lớp Đệ Tam trước kia học sinh phải có bằng Trung Học, nếu không thì phải học lại lớp Đệ Tứ lần nữa. Nhưng không biết năm nay thế nào, nếu có sự thay đổi để học trò được nhẹ nhàng hơn thì bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp không còn quan trọng, dù có hay không vẫn được lên học trên lớp Đệ Tam. Cái điều đó còn trong sự quyết định của Bộ Giáo Dục, nhưng hiện tại là chúng tôi phải cố gắng học cho một kỳ thi vào cuối năm. Các Thầy, Cô có nhiều thay đổi: Năm nay Thầy Mai Văn Phú dạy môn Toán, Cô Mai Thị Hồng dạy Vạn Vật, Cô Trần Kim Vân dạy Công Dân, Thầy Thại vẫn dạy Pháp Văn, Thầy Trần Văn Xuân dạy Sử, Địa. Lý Hóa là Thầy Anh, và môn Giảng Văn vẫn là Thầy Khánh. Cái không khí của một lớp cuối năm sẽ trải qua một “Kỳ Thi” đè nặng lên những đứa học trò như chúng tôi. Nếu không vượt qua được, có thể sẽ gặp lại trường hợp mà chúng tôi đã trải qua như trong kỳ thi tuyển vào lớp Đệ Thất trước kia.

Còn tình hình chiến sự cứ tăng dần, làm trên đường đi học có nhiều âu lo: Chỉ sợ đi đường rủi lọt vô giữa vòng hai bên đụng độ, hoặc khi đoàn xe quân đội bị giựt mìn thì rất nguy hiểm, chứ bình thường thì không đến đổi nào, vì dù gì những đám học trò nhỏ vẫn được nhiều châm chước, ưu đãi để đi học. Thỉnh thoảng gặp những toán hành quân, chúng tôi vẫn được dễ dãi cho đi qua để đến trường hay đi về. Về đường thì lúc nầy tương đối dễ dàng vì chúng tôi không phải băng qua các đồng ruộng, hay cầu khỉ nữa mà đi bằng những con đường mới khá tốt với các đoạn khô ráo, bằng phẳng. Tuy nhiên, dần rồi an ninh không ổn khi các nhà người dân trong xóm bị dời vào tập trung trong khu qui định để thành lập các ấp gọi là “Ấp Chiến Lược”. Giống như khoảng thời gian trước đường lên Tân Uyên qua các xã Tân Hóa, Tân Hội, Tân Long, Sở 49 phải thay đổi khi người dân các nơi đó bị buộc dời nhà ra Tân Khánh hay nơi nào đó mà người ta thích, thì đường đi trở nên nguy hiểm hơn do chiến cuộc: Đường sá bị phá, cầu cây bị đốt và trở thành những nơi có thể đụng độ giữa lực lượng hai bên bất cứ lúc nào, nên chúng tôi phải chuyển hướng, chuyển đường đi để được an toàn cho tính mạng. Thì ở đây, cũng may lần nầy là dân chúng dời đi vào những tháng cuối cùng của năm học, nên sự đi lại của chúng tôi không phải gian nan trong thời gian dài. Nếu không, có lẽ chúng tôi phải tìm nơi ở trọ trên Tân Uyên như tôi đã làm trong những năm trước.

Ở trong cái lớp được gọi là lớp cuối cùng của trường, thường thường nó cũng có những tâm lý tạo nên những kỷ niệm với nhau, nên các chuyện đi thăm viếng nhau thường xuyên hơn hầu như để níu kéo những tình cảm thân thương trong những năm qua; mặc dù sự nổ lực học hành càng lúc càng tăng thêm khi ngày tháng gần về cuối năm. Riêng tôi thì ít dịp đi hơn nhưng cũng có vài lần đi thăm viếng bạn bè như có lần đi với Chi qua bên xã Bình Hưng chơi để rồi Chi hướng dẫn cho cách chèo ghe, dù ráng chèo cho đúng cách mấy mà thuyền cứ quay vòng vòng, cuối cùng phải giao lại cho Chi. Hoặc là đi sang nhà Chị Sương bên Mỹ Quới để ăn trái sấu vị ngọt. Rồi có lúc anh Thông kéo cả đám sang nhà anh ở xóm dưới của Xã Bình Hưng, gần cuối cù lao sáu xã. Chúng tôi cưỡi xe đạp qua đồi Bình Chánh đến phía trước trường học, rồi mới đi đường ruộng xuống tới bờ sông, anh Thông kêu đò bên kia qua rước qua. Đến nhà anh Thông mới thấy cái đặc biệt của những nhà cất ở đây. Có lẽ do thường hay bị ngập và có những năm bị lụt nên nhà có nền rất cao, gần quá đầu người. Và có hôm tôi xuống nhà chị Thu Hồng ở đó một đêm, rồi hôm sau mới về.

Sau khi nhà cửa của xóm Phước Lộc dời hết vào trong khu vực Ấp Chiến Lược Tân Khánh là lúc mà chúng tôi cũng không dám đi con đường băng qua xóm cùng đồng ruộng để qua Khánh Vân nữa, vì có thể gặp những khó khăn khi gặp những người bên nầy hay bên kia hoặc là lọt vào giữa chiến trận thì sao? Do đó đường đi chúng tôi bây giờ lại phải chuyển hướng lần nữa khi mà lớp học chỉ còn khoảng hơn hai tháng. Không lẽ lên xin ở trọ, mà trong khi mấy bạn vẫn đi về, cho nên tôi vẫn đi theo mấy bạn đi về luôn. Đường đi bây giờ phải ra Bình Chuẩn, xuống Tân Ba rồi mới lên Tân Uyên, gần gắp đôi lúc trước. Nhưng nhờ đông vui nên đoạn đường không trở nên mệt nhọc cho lắm. Thời gian nầy, có kỷ niệm mà chúng tôi cũng hoảng hồn không biết sẽ bị phạt lúc nào không hay: Vốn là nhằm ngày chào cờ, thông thường trước khi hát bài “Quốc Ca” thì phải hát bài “Suy Tôn Ngô Tổng Thống”, trong bài có câu “bài phong kiến bốc lột” thì không biết bạn nào đó lại hát bậy là “bốc l..” khiến mấy bạn kế bên tức cười, và rồi cả đám không thể nhịn cười mà ca không được. Thầy Tổng Giám Thị Mã Sấm bắt ca lại, thì đến đoạn đó bạn ấy cũng hát y như vậy khiến cả nhóm lại cười nữa, không tài nào hát được. Thế là bị Thầy mắng cho một chập nữa, rồi buổi chào cờ đành dở dang, chỉ kéo cờ lên mà không hát nữa. Từ đó về sau việc chào cờ dành cho mấy lớp dưới. Lớp chúng tôi bị loại ra rồi. May mắn là không bị hình phạt nào khác! Mà mấy bạn cũng không dám chỉ ra người nào hát như vậy. Đúng là hú hồn! Thế rồi năm tháng cũng qua mau, ngày bãi trường nghỉ Hè cũng đến. Trường thông báo những ngày đến trường để biết tin tức hoặc những giấy tờ về Kỳ Thi Trung Học Đệ Nhất Cấp. Nơi thi của chúng tôi được biết là phải về Biên Hòa nhưng trường nào thì chưa biết. Sau đó không lâu, Trường cho biết ngày để chúng tôi đến để nhận Phiếu Báo Danh để biết chỗ thi của mình ở trường nào, ở đâu ở Biên Hòa và lịch trình của những ngày thi cùng thời gian. Trong những ngày cuối cùng không ai dự tính chụp hình chung của cả lớp, rồi đột nhiên có lời kêu gọi của bạn bè réo nhau để chụp chung làm kỷ niệm, cho nên tấm hình chung ấy còn thiếu khá nhiều, không đủ người! Rồi chuyện trò chia tay, mạnh ai nấy về lo học bài, trau luyện cho ngày đi thi để làm “Sĩ Tử”!

Đến ngày, Son, Huệ, tôi hẹn nhau cùng đi xe đạp đến trường sớm để nhận Số Báo Danh. Chỉ gặp vài người bạn tâm tình đôi chút, rồi cả ba đi luôn xuống Biên Hòa để xem nơi trường nào mà mình dự thí. May mắn là chúng tôi cùng thi tại một trường, chứ không phải khác, thành ra chuyện đi kiếm trường còn tập trung chứ không phải kiếm từng trường. Trường thi là tại Trường Tiểu Học Nguyễn Du. Trường nầy nằm trên đường chính, tại cái bùng binh lớn trên đường vô chợ Biên Hòa và đường đi thẳng lên Trường Trung Học Ngô Quyền. Khi kiếm được chỗ thi của mình xong, chúng tôi ra bờ sông ăn uống, nghỉ ngơi vào giấc trưa để sau đó đi xe đạp về. Nhưng rồi Huệ nói có ông anh ở gần đây, mới kêu tôi và Son đến đó chơi, sẵn hỏi luôn để những ngày thi xuống ở trọ vài ngày. Ông anh họ của Huệ vui lòng cho chúng tôi ở trọ, chỉ cần đem gạo và ít tiền phụ tiền mắm trong mấy ngày đó thôi. Anh chị sẵn sàng giúp cho. Như vậy, là chúng tôi được may mắn thêm một lần nữa! An lòng mọi chuyện, cả ba không tính về thẳng trên nhà mà lại cưỡi xe đánh môt vòng qua Thủ Đức chơi cho biết. Nhưng rồi đường đi Dĩ An, xong tới Thủ Đức xa quá, nhưng lở rồi đành phải đi tiếp. Đạp xe về Ngã Ba Bình Triệu, lại về đồng Chó Ngáp, Hiệp Bình Xã, Lái Thiêu rồi tới Búng mới rẽ về Tân Khánh. Về đến nhà mệt đứ đừ!

 

Nguyên Thảo,

16/07/2023.



Sunday, July 2, 2023

*Một Kho Tàng Văn Nghệ Vĩ Đại!

 

Đọc tựa đề Quý Vị có lẽ ngạc nhiên không cùng, khi tôi viết tựa đề như thế. Nhưng đây không phải là của nước nào khác, mà là của nước ta đó! Bạn không tin tôi ư? Bạn hoài nghi! Bạn cho tôi là người “nổ” cố hữu của những người mình thích nổ chăng? Ừ! Thôi thì cũng được, nhưng mời bạn đi vào những ý kiến của tôi về vấn đề ấy. Bạn đã biết hơn 16 tháng nay, nhìn vào tình hình trên thế giới có khá nhiều bất ổn, nhất là từ ngày 24 tháng 4 năm 2022, sau khi Nga đột ngột nửa đêm đưa quân đánh úp và dự trù thôn tính xứ Ukraina trong chớp mắt, hay vài ngày hoặc trong thời gian ngắn. Nhưng mưu lớn bất thành khiến thiên hạ mấy xứ Âu Châu giật mình tỉnh thức, rồi nhốn nháo cả lên để phải yểm trợ về vũ khí, huấn luyện cho người Ukraina để chống lại quân Nga. Nhưng tội nghiệp cho người dân Ukraina phải bỏ xứ ra đi mà lánh nạn khắp các nước khác, những người còn ở lại phải nhìn những cảnh tàn phá khi Nga tấn công vào các chung cư, tòa nhà, bệnh viện, trường học, những cơ sở điện nước làm cho dân Ukraina khốn khó mọi bề, nhất là thời tiết vào mùa Đông. Thế nhưng lại càng tội hơn khi quân Ukraina được các nước trang bị vũ khí nhưng chỉ được để chống lại quân thù trong phạm vi nước của mình, chứ không được tấn công sang lãnh thổ của đối phương. Đúng là võ sĩ bị trói tay để địch thủ tha hồ đấm đá, quăng ném từ xa mà mình chỉ được quyền chống đỡ không thôi thì chẳng có sự tức tưởi nào hơn! Đã vậy, đối phương còn “điếm đàng” hơn nữa là tìm cách sáp nhập lãnh thổ chiếm được vào lãnh thổ của mình, rồi hăm he dùng đến những vũ khí nặng ký để bảo vệ cho việc làm đó, chứng tỏ tham vọng chiếm đất dần từng bước trong chiến lược chiến tranh. Đúng là “lý lẽ của kẻ mạnh”, vậy thì những nước nhỏ từ nay sẽ làm sao đây? Có lẽ bài học ấy là bài học quý giá cho các nước nhỏ suy ngẫm về thân phận của mình! Nhất là những nước có vị trí kế bên nước lớn và hùng mạnh!

Nhìn vào chuyện người, ta lại nhìn về chuyện của ta. Ukraina chỉ chưa tới một năm rưởi chiến tranh mà bị tàn phá khủng khiếp như vậy, thế mà đất nước Việt Nam nhỏ bé của mình lại trải đến mấy mươi năm. Nếu tính từ năm 1945 đến năm 1975 thì cũng là ngót nghét cả 30 năm. Trong 30 năm đó đã biết bao nhiêu người ngã xuống, bao nhiêu gia đình tan nát, bao nhiêu người thương tật, và biết bao nhiêu tài sản phải bị tiêu tan, quê hương đầy tàn phá. Chắc chưa ai làm lại một công việc kiểm kê để thấy rằng thiệt hại đã đến mức độ nào ở cả hai Miền Nam Bắc, chỉ vì mấy chữ: Độc Lập, Tự Do và Thống Nhất. Vì Độc Lập toàn dân tộc dấn thân vào cuộc kháng chiến chống Pháp ròng rã 9 năm. Vì Tự Do, Thống Nhất làm một cuộc nội chiến 20 năm. Hai mươi năm dài đăng đẵng, làm thân phận con người của những thanh niên không còn tuổi trẻ mơ mộng, để sống cho xứng đáng với tuổi thanh xuân tươi đẹp nhất của đời người. Nhiều con người chết sớm chưa kịp gây dựng tài năng cống hiến cho gia đình, Tổ Quốc. Có ai đã kết toán được thành quả của 30 năm ấy chưa nhỉ?

Tất nhiên trong hoàn cảnh chiến tranh, nhiều người sẽ có cái nhìn khác nhau. Không biết người Ukraina có diễn tả tâm trạng của mình qua từng trang sách vở, thi ca hay âm nhạc hoặc nghệ thuật nào đó không? Chứ đối với cuộc chiến tranh lâu dài của Việt Nam người dân trở nên chán chường, họ hiểu thân phận của mình, họ hiểu cuộc sống “không chừng không đổi”, “sống nay chết mai” hay chỉ trong vài giờ phút sau đã lìa đời, chưa kịp trối trăn. Cho nên nam thanh niên gần như trưởng thành về suy tư trước tuổi, hoặc học đòi theo kiểu thanh niên Âu châu sau Thế chiến thứ hai, sống vội vã để rồi phải đi vào “lính chiến” tham dự một cuộc chiến tranh tương tàn vì “Chủ Nghĩa Thế Giới”. Ôi trong hoàn cảnh ấy, người ta cần diễn tả các tâm sự, tâm trạng não nề, hay hứng khởi về cho cuộc chiến để khích động tinh thần người ta tiến lên để giành lấy chiến thắng theo cùng các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ đấu tranh. Dĩ nhiên là có những hoàn cảnh “bi hùng” mà nhiều người thích thì những bài ấy được truyền tụng trong dân gian, vượt lên để làm nên lịch sử như các bài thơ “Màu Tím Hoa Sim” của Hữu Loan; “Đôi Mắt người Sơn Tây” của Quang Dũng, “Nhà Tôi” của Yên Thao chẳng hạn. Cảm xúc muôn chiều của nhiều con người trong cuộc chiến được diễn tả qua “sự bi thương”, nhưng trong đó cũng có cái “hùng tráng” của nó. Điều ấy được thể hiện qua nhiều tác giả chứ không riêng gì các nhà thơ ấy, mà trong giới nhạc sĩ thì thật là nhiều kể cả ngoài Bắc lẫn trong Nam, dù khuynh hướng đường lối văn nghệ có chiều khác nhau. Nhưng dù gì sau ba mươi năm chiến tranh, trong một cuộc chiến dài như thế đấy và với một dân tộc thích nhạc, thơ thì không thể không có nhiều bài thơ, nhạc hoặc văn phẩm kể cả tư tưởng, tài liệu và triết học nào mà thiếu đề cập tới. Nếu tất cả gom góp lại ở cả hai miền Nam, Bắc thì có thể là cả một gia tài đồ sộ mà không một nước nào trên thế giới có thể có được sưu tập về “văn nghệ chiến tranh” vĩ đại như ở nước ta. Đó là chưa kể đến những kinh nghiệm của một quốc gia có “sự nô lệ cả ngàn năm” với phương Bắc, cả trăm năm với phương Tây, thế mà bây giờ người ta lại nở đành bỏ quên hay ngăn cấm! Thật là tiếc quá phải không Quý Vị?

 

Đồ Ngông,

28/06/2022.

 


Saturday, June 17, 2023

*Những Khung Trời Kỷ Niệm! (18)

 

Lộ trình đi mới nầy có xa thêm đôi chút nhưng tình hình chiến tranh chưa ảnh hưởng đến mấy, bởi do nó là con đường thô sơ, không được sửa chữa sau thời chiến tranh chống Pháp. Thực ra, theo dấu vết cũ ngày xưa con đường cũng được Thực dân Pháp làm tương đối hoàn chỉnh, con đường cũng được đổ cát đá làm nền, đổ đá đỏ lên trên khá rộng. Nhưng có lẽ trong thời gian chống Pháp đường bị phá hư để cản bước tiến các cuộc hành quân của quân lính thực dân, rồi trong mùa mưa lại bị xói mòn nhiều hơn. Sau hòa bình chỉ sửa chữa ở mấy khu có khu dân cư, còn phần băng ruộng qua Khánh Vân không có sửa mà người ta phải đi trên những bờ ruộng lẫn những khoảng đường loang lỗ còn lại. Có hai cầu bị phá hư là cầu Vũng, và cầu Suối Cái, cầu bên Suối Cái nằm dưới suối, sau người dân tìm cách lấy sắt để làm vật dụng hay bán đi. Còn khung sắt bên Cầu Vũng hãy còn chút ít nằm trên khoảng đường đá đỏ còn sót lại. Để tiện việc đi tới lui, người dân làm hai cầu khỉ, bằng hai nửa thân cây dầu cưa đôi nối với nhau. Trên có dàn cây tầm vông để làm tay vịn khi qua cầu. Tất nhiên chúng tôi phải canh thời gian để đi đến trường cho đúng giờ, vì vậy phải đi sớm hơn khá nhiều. Vì đi đám đông nên cũng có nhiều thích thú đôi khi quên hết mệt nhọc, mà lắm lúc lại trở nên vui hơn vì có những chuyện đáng tức cười! Đôi khi nó cũng trở thành cái khó chịu!

Quý vị đã biết đám con nít thường năng động, nhất là tuổi đang lớn thì cũng có nhiều cái “dị kỳ”, người ta nói cái tuổi háo thắng, bồng bột cũng chẳng sai. Đoàn đi đến đâu thì thường nói chuyện ồn ào, lớn tiếng, nói rất nhiều vấn đề giống như một đàn ong đang bay vang tiếng khắp đường. Có lẽ vì vậy mà những nhà ở gần đường không thích mấy. Không biết họ có nói gì không, mà những đứa chăn bò thường hay làm những chuyện mà đám học trò chúng tôi phải phản ứng! Lần đầu tiên khi đám chúng tôi đang cưỡi xe lên dốc sõi bìa xóm Khánh Vân thì bị tụi nó “giựt mìn” bằng cách cột dây vào một trái dưa khô hư để ngang đưòng, chúng tôi không để ý, khi đạp xe ngang qua thì nó giựt dây nghe một cái rột, trái dừa ngang qua xe thằng Huệ, may là nó đi dưới bàn đạp nên không hề hấn gì. Vì bận đi học nên đoàn không có phản ứng. Lần sau nó lấy gai tre đặt dọc theo đường xe đạp lấp đất lại theo kiểu “hầm chông” may mắn chẳng có xe nào bị lủng. Từ đó trong bọn chúng tôi đã để ý đến những đứa đó. Theo như Quý vị biết học trò trong quê thì nó cũng vốn xuất thân từ nhà nông là đa số, tất nhiên chúng có thể cũng đã là “chăn bò, cắt cỏ” thì không lạ gì với những đứa đó. Thế có hôm chúng lại xách dàn thung bắn tới, nhưng còn ngán như thế nào đó mà không dám bắn trúng. Như vậy chúng nó muốn tăng lên độ “phục kích”. Mấy ngày sau khi đi học chúng tôi cũng phải thủ đủ món chơi với tụi nó. Bị bao vây và đuổi bò tụi nó chạy đi xa, do vậy mà về sau nó không dám nữa, vì đón bò tất là không thể đi xa với mấy con bò, nếu chúng tôi đuổi mấy con bò xa chừng nào thì nó lại mệt chừng nấy, không khéo bò ăn lúa hay phá đồ của người ta thì lại càng khó khăn hơn. Vả lại, chúng tôi cũng có ba con bên Khánh Vân nầy. Đó là chuyện xung quanh trên đoạn đường Khánh Vân. Có một hôm đi học về qua khoảng ruộng thì đến bìa xóm Phước Lộc gặp một đoàn dân đi rất đông. Không hiểu chuyện gì, hồi lâu mới biết là lính ở đâu bên Hóa Nhựt chuyển đồn sang Khánh Vân thì phải, nhưng mấy ông lính ấy bắt dân chuyển đạn và vật dụng đi thành đoàn rất đông như thế đó để đi qua vùng mất an ninh. Khi đoàn chấm dứt chúng tôi đứng nhìn theo hồi lâu. Lúc ấy có vài tiếng súng nổ và đạn bay trúng mấy cây dừa trong xóm, hoảng hồn bọn tôi vội lên xe cưỡi đi về không còn đứng lóng nhóng nơi đó nữa!

Tình hình chiến sự càng ngày càng tăng tiến lên có hôm có máy bay oanh tạc phía trên Tân Uyên mà ở tại trường học chúng tôi nghe được đạn nổ và trực thăng vần vũ không xa lắm, rồi thỉnh thoảng đại bác ở quận lại bắn đi, ngoài đại bác 105 li, bây giờ có thêm 155 li nữa. Sau mấy ngày có nghe người ta nói đó là cuộc hành quân tiến vào chiến khu D. Nhìn hướng thì rất xa hơn vùng Đất Cuốc rất nhiều. Trên đoạn đường đi học từ Tân Khánh băng qua cánh đồng Phước Lộc đến Khánh Vân, băng thêm đồng ruộng để ra Ngã ba Bình Chánh rồi lên đồi dốc đồi cao nơi có cái nhà sàn cất trên gần đỉnh đồi mà chúng tôi thường gọi nó là “nhà cao cẳng”. Từ đầu dốc nầy đến khi đổ dốc tới ngã ba Bình Hóa là đoạn đường mà chúng tôi e sợ nhất, vì đoạn nầy hay bị “giựt mìn” và đụng độ nhau mặc dù nơi đây có một cái lò chén khá lớn! Và cũng trên đoạn đường nầy chúng tôi thường gặp một ông Giáo già từ trên Tân Uyên xuống dạy ở Trường Bình Chánh. Chúng tôi dở nón chào ông, ông cũng ở nón chào lại giống như phong cách lịch lãm mà chúng tôi đã thấy trong những sách cũ đã dạy hay nói tới. Sự bất ổn nhiều hơn khi báo chí đăng ở Sài Gòn có vụ hai máy bay bỏ bom Dinh Độc Lập làm hư hại khá nhiều, và trên đường đi học thường hay gặp những toán lính hành quân, nhưng bọn học trò chúng tôi cũng không bị làm khó dễ. Có hôm xe hơi của trại cùi Bến Sắn trục trặc giữa đường nước như thế nao đó, mà đã nhờ đến Huệ, Son và tôi chạy vào trong ấy báo tin cho người trong trại biết để có thể ra mà giúp đưa về, may là lúc chúng tôi đi học về nên có thể giúp cho chuyện ấy. Đi đường trên những cánh đồng có nhiều cái thú vị theo từng mùa, như mùa mưa thì phải lo chuẩn bị áo mưa hay những tấm nilông sẵn sàng. Rủi gặp những trận mưa thình lình, một là đụt mưa, hay là phải đội mưa mà đi, cưỡi xe đạp nhanh trong mưa vừa nghe gió, vừa mưa lạnh run phải cố gắng trong ca hát to để cho mình nghe được ấm hơn. Rồi những ngày mùa Thu, có gió heo may, sương lành lạnh, thấm ướt mặt mày, nhìn trên cánh đồng chỉ thấy mờ mờ hình ảnh của người đi chợ hay ra đồng. Có hôm giờ học hơi trễ, khi qua Cầu Vũng Huệ đi trước, rồi Son mới tới tôi. Đi tới giữa cầu. Huệ tự dưng đứng lại. Son hối đi, Huệ nói: “Không được, không được”. Vừa thúc, vừa la: “Gì mà không được! Đâu có gì mà không được”. Huệ trả lời: “Không được, không được, cầu chạy, cầu chạy!”. Tôi và Son cười: “Cầu chạy đâu mà chạy, thôi đi đi”. Nói thế chứ cũng đợi Huệ bình tĩnh lần qua cầu. Quả thật, gió hiu hiu thổi mặt nước lăn tăn gợn sóng chạy về phía sau, nếu mình nhìn xuống kỹ hơn thì giống như cầu chạy thật. Có lẽ Huệ lớn con, cao quá nên nhìn xuống mặt nước thấy hơi sâu, rồi sóng gợn nữa nên có cảm tưởng như vậy; cũng như lúc trước đi đường Tân Long khi các cầu bị đốt cháy, người ta phải lật đà sắt nằm ngang để dễ đi, Huệ cao quá nên nhìn xuống hố thấy sâu quá không dám đi mà phải bò. Cao quá cũng dở, mà lùn như tôi cũng không xong. Ôi mỗi người có một thân thể khác nhau, rồi cái nhìn cũng khác nhau! Rồi cũng trên con đường nầy có mấy lần đi theo vài câu chuyện nữa, sau đó chúng tôi đành từ giã con đường qua vũng, suối nầy để đi con đường mới. Vốn là một lần Phụng bỏ anh em chạy về trước. Khi chúng tôi đi tới thì Phụng vừa đẩy xe vừa khóc, thì ra xe Phụng đã cán gai tre mà nhóm chăn bò gài bẩy ngang đường. Rốt cuộc một đứa phải cưỡi xe vừa dắt xe đạp cho Phụng, và đứa khác phải chở Phụng trên ba-ga ở đàng sau. Rồi lại một lần nữa, không biết Phụng có gây thù hiềm gì với mấy người bạn ở khu Khánh Vân nầy không, mà Lập khi về trước đã cùng với mấy người bạn đón đường Phụng đánh trong khi cả đoàn còn mãi tuốt đàng sau. Khi đoàn tới thì chuyện đã rồi, rốt cuộc tìm cách giải hòa để cho anh em vui vẻ với nhau. Đó là những chuyện trên con đường cũ vì trước đó cả mấy tháng trời lính yểm trợ giữ an ninh để cho đoàn Công binh làm đường mới từ Dĩ An băng qua An Phú, rồi Ngã Ba Nhà Thơ thuộc xã Bình Chuẩn, qua Phước Hải, Hố Đá, Phước Lương để qua phía bên Khánh Vân gần đình. Khi con đường làm tới Khánh Vân, có cầu qua Suối Cái thuận lợi, thì chúng tôi không còn đi đường qua đồng ruộng Phước Lộc mà chỉ qua lò rèn ông Mân thì chúng tôi rẽ qua phải đi ra Gò Sở để ra tới đường mới, nó tiện hơn nhiều. Và từ đó không có chuyện gì xảy ra nữa đối với khu xóm Khánh Vân dù đối với bạn bè hay với nhóm chăn bò, và Huệ cũng chẳng bao giờ nói đến cầu chạy nữa! Khi đoàn làm đường đó làm qua khỏi Khánh Vân chưa bao xa thì đột nhiên dừng lại không làm tiếp, và tình hình chiến sự cũng càng ngày càng sôi động, trong khi đó tình hình chính trị ở Sài Gòn lại có nhiều rắc rối, biến động nhiều hơn. Trong những tháng sau của năm Đệ Ngũ nầy có Thầy Nguyễn Văn Thại về làm Hiệu Trưởng trường và con ông là Nguyễn Thu Thủy vào học chung lớp chúng tôi. Thầy dạy luôn môn Pháp Văn thay thế Thầy Thanh Tuyền, Thầy có một câu mà học trò nào cũng nhớ: “Qui sait, qui sait encore?... Encore?”.  

Thầy Mã Sấm và Thầy Nguyễn Thanh Tuyền chụp
cùng các chị nữ sinh lớp Đệ Ngũ vào Xuân 1961.


Và cũng thời gian nầy chị Út không biết lý do gì chị xin nghỉ luôn hay là chị buồn vì bạn bè cứ ghẹo chị có cái “xái quăn tóc” ở trước trán mà tụi nó nói đó là cái tướng “sát phu”. Đúng là “coi bói ra ma” chưa chi mà đã hại người! Từ ngày trường dời lên địa điểm mới, hôm nào học tới quá trưa chúng tôi tập hợp ăn cơm ở nhà Ông Bà Năm, ngoại thằng Cẩu nhà bên kia đường với nhà Bà Út, trước nhà có cây dương lớn, rất đông vui. Son thường dở cơm bằng lá chuối ăn với đường tán, còn Chi ăn ớt còn hơn là con nhồng. Có hôm biểu diễn, Chi cầm nguyên một chùm ớt hiểm cay khoảng mười mấy trái cắn một lượt. Cả đám thấy mà lắc đầu thán phục. Thế rồi năm học cũng vào Hè và mưa lại đến, chúng tôi được nghỉ vài tháng nghỉ ngơi, phụ công việc nhà!


Nguyên Thảo,

18/06/2023.





Tuesday, June 6, 2023

*Những Khung Trời Kỷ Niệm! (17)


Chính vì tình hình càng gay go cho nên nhiều học trò như chúng tôi xin ở trọ càng lúc càng đông hơn vì chuyện đi lại trở nên khó khăn, đôi khi lại gặp nhiều nguy hiểm trên đường đi. Ở lớp nầy phần lớn mấy chị bên nữ đã trở thành các thiếu nữ mặc áo dài trông duyên dáng, thanh lịch hơn; chứ không còn xuông đuột như hồi còn ở lớp Đệ Thất. Còn bên nam một số cũng đã trưởng thành, còn một số lóc nhóc như chúng tôi thì vẫn hãy là như cũ, tánh nào cũng như là tật nấy. Đúng là con nít có khác! Khoảng thời gian nầy Thầy Lê Hữu Ân không biết lý do gì mà Thầy không còn tới Tân Uyên dạy nữa, và Thầy Nguyễn Thanh Tuyền về thay thế. Thầy Tuyền lãnh môn Pháp Văn và Sử Địa. Còn trong đám học trò thì anh Nguyễn Văn Công không còn đi học nữa, có ai đó nói là anh Công đã đi vào trong rừng rồi! Và năm học được kết thúc để bọn học trò chúng tôi được nghỉ vào ba tháng Hè với chiến sự càng gia tăng hơn.  Và cái tin đáng mừng nhất là sang năm học có thể sang học ở trường mới, mà thật sự là phải vậy vì nếu có hai lớp Đệ Thất nữa thì tổng cộng là 5 lớp, một Văn Phòng. Tất nhi ên, Trường Tiểu Học Uyên Hưng không thể có đủ phòng cho Trường Phước Thành mượn nữa rồi. Vả lại, trường Tiểu Học cần phát triển thêm ra, vì số học sinh đi học càng lúc càng gia tăng. Trước khi nghỉ Hè, tôi và chị Thay lại nộp đơn xin chuyển về Trường Trịnh Hoài Đức lần nữa, lúc nầy văn phòng trường vẫn còn nằm chung bên Trường Tiểu Học Cộng Đồng Búng. Đến khi gần đi học, tôi theo chị xuống Văn Phòng hỏi xem kết quả ra sao? Khi nghe nhân viên báo là chị không được, tự dưng tôi nghỉ đến kết quả của mình rồi mới hỏi người nhân viên. Không biết như thế nào mà người nhân viên nhìn tôi mà cười quá chừng, tôi thắc mắc. Đến khi ra ngoài trên đường xuống Búng đón xe tôi hỏi chị Thay: “Làm gì mà bà đó bả cười em dữ vậy?”. Chị Thay nói: “Không biết tại sao lúc đó mặt em xanh dữ vậy?”. Thì ra, khi tôi nghe kết quả của chị Thay không được thì tôi cũng nghĩ và sợ kết quả đơn mình cũng không được, nên lo sợ lộ ra mặt, mà rồi kết quả cũng chẳng được tí nào. Từ lần nầy tôi nghĩ mình không cần làm đơn xin chuyển trường nữa, vì cũng khó mà được.

Sau ba tháng nghỉ Hè, thì đám học trò lo khăn áo, sách vở lại đến trường, tụ tập để nhiều mẫu chuyện được kể cho nhau nghe, nhưng tất cả bây giờ gần như đã lớn hết, không còn có những đứa lẹt đẹt như tôi và Thạch A. Những anh phát triển trước thì chững chạc hơn giống như người lớn. Ngôi trường mới xây cất chưa hoàn thiện lắm ở khu đất kế bên nghĩa địa gần Nhà Bảo Sanh Song Long, và đối diện với rừng tre mà cò thường đậu ở bên kia đường. Trường ở dưới khu hơi trũng, nhưng phía sau là đồng ruộng, nên không bị đọng nước trong những ngày mưa. Trong giai đoạn tạm thời thì Lớp Đệ Ngũ chúng tôi cùng Văn Phòng dời lên trước, còn mấy lớp kia sẽ dời lên sau, nhưng cũng không muộn lắm. Phần chào cờ do lớp chúng tôi phụ trách, Thứ hai mặc quần trắng, giày, áo trắng, còn những ngày khác thì áo trắng, giày trắng, quần xanh. Do số lớp tăng, nên nhiều Thầy Cô được bổ nhiệm về tăng cường. Như tôi được biết thì có Thầy Thạc, Thầy Lịch, Cô Hoan, Cô Hồng, Cô Vân. Số học trò từ Tân Hóa đi lên được tăng thêm, đa số vẫn là cưỡi xe đạp đi về. Năm nầy học trò từ trên Phước Hòa, Phú Giáo hay Phước Vĩnh không còn xuống Tân Uyên nữa mà trên ấy đã có một Trường Chi nhánh của Trường Trung Học Phước Thành mở ra để học trò được thuận lợi đi học hơn, như vậy Tỉnh Bình Dương có hai trường Trung Học Công Lập trước (Trường Trịnh Hoài Đức và chi nhánh ở An Mỹ sau tách ra làm Trường Trung Học Công Lập An Mỹ), và Tỉnh Phước Thành lần nầy có Chi nhánh ở trên Phước Vĩnh. Có thể đó là những bước đầu phát triển Trường Trung Học Công Lập cho học sinh nhiều địa phương thuận lợi hơn và nhu cầu cho trẻ con đi học càng ngày càng nhiều! Thầy Tuyền vẫn phụ trách lớp chúng tôi về môn Pháp Văn, Sử Địa. Thầy thổi harmonica rất hay và dạy cho lớp bài ca Tiếng Pháp “Alouette”, mà cả lớp thích lắm vì mới lạ cùng cái giai điệu nhạc ngoại quốc mà lần đầu chúng tôi mới được tiếp cận. Và để chuẩn bị cho ngày Tết, Mùa Xuân Thầy dạy hát bài “Đón Xuân” của Phạm ình Chương. Còn Thầy Tạ Kim Anh trong giờ hóa học siêng làm, thực hành những phản ứng hóa học cho chúng tôi xem vì lúc đó các trường nhận được nhiều dụng cụ thí nghiệm hóa học để thực tập cho môn học từ phân giải muối thành clor và natri, hay các phản ứng khác trong các bài học. Lúc ấy Trường Trịnh Hoài Đức có phòng Thí Nghiệm lớn, nhưng ngày Lễ Khai Mạc Phòng Thí Nghiệm thì lại có trường hợp quăng lựu đạn nên học sinh, Thầy Cô chạy tán loạn cả lên, may là lựu đạn không nổ; nếu nổ không biết bao nhiêu người bị thương và ngay cả chết nữa. Đúng là thời buổi chiến tranh! Có chuyện may mắn trong đám học trò chúng tôi là anh Nguyễn Văn Đi khi trưa đi tắm ở Bến Cây Sung, không biết anh đi dưới bìa song để tắm, rủi hụt chân như thế nào đó mà nước cuốn đi xuống phía dưới, may là có ông lính quận cũng đang ngồi giặt đồ ở Bên Cây Xanh, thấy vậy ông liền nhảy xuống cặp nách kéo anh vào bờ. Hú hồn, nếu không thì chắc phải chia buồn thôi!

Bắt đầu từ năm học nầy, chiến sự có chiều tăng dần, những vụ đụng độ hai bên thường hơn. Nghe đâu có tin trên Tỉnh lỵ mới bị đánh vào, tù chính trị được thả ra và ông Tỉnh Trưởng đã chết. Tiếng súng đại bác 105 li của cứ điểm ở Quận bắn đi khá nhiều, nhưng tình hình chung quanh thì vẫn yên ổn không có gì là hệ trọng lắm. Tuy nhiên đường đi học có lúc trở nên khó khăn vì các cầu thường bị hư hay đốt phá, đôi khi phải vác xe đạp đi trên những thanh đà hình chữ H lật ngang. Đường đi chính thì bị trở ngại do những cây dầu hay cây sao bị cưa ngã chắn ngang đường từ sở 49 đến Ngã ba Bình Chánh, vì thế mà nhóm anh Năm, Huệ, Son, Sợi, Lực, Em, Ẩn, Phụng, Phùng … phải đi bằng con đường khác từ đầu dốc dài Bình Hóa băng qua sở Bác Vật rồi ra sở 49 mới đi về.

Còn thỉnh thoảng có những vụ thiêu xác của những lính người Miên ở bìa trong sân banh khiến chúng tôi ngồi học mà nghe mùi khét lẹt. Đặng Văn Sính dự thi trong cuộc đua thể thao đi bộ từ ngã ba Bình Hóa lên Tân Uyên do Quận tổ chức được hạng nhì, và trong cuộc tranh túc cầu anh Huỳnh Văn Siêng gặp tai nạn trong khi đấu khiến anh bất tỉnh khá lâu, và từ đó trường ngưng môn túc cầu mà chỉ còn tập chơi môn bóng chuyền, hay vũ cầu với cái sân bên hông văn phòng mà Thầy trò chúng tôi đã làm thay thế cho sân ở nhà của Tô Công Tâm. Do tình hình chiến sự chị Hồng khi đến nhà Bà Út chơi với chúng tôi đã xin trọ, Bà Út chấp nhận; rồi sau đó là Báu và Trí cùng đến trọ chung với tôi và Thạch A, nhưng chúng tôi ngủ trên bộ ván ở nhà phía sau của Bà Út, vì nhà cũ của Bà Út là của Bà và gia đình Út Màu ở từ khi Út Màu có Dượng Út, cùng gia đình Bác Bảy. Còn nhà Bác Hai thì có gia đình Bác cùng gia đình Bác Sáu Bùng. Có những đêm Bác Sáu đàn Vọng Cổ tập cho chúng tôi hát, nhưng chỉ có chị Hồng là hát được thôi, tôi thì giọng thấp quá, mấy bạn khác không muốn học. Lúc mình buồn ngủ, nằm thiu thiu mà nghe đàn Vọng Cổ hay các bản nhỏ thật là thú vị, nghe rất đã. Lạ một điều là bắt đầu năm học, Thạch A bắt đầu học giỏi trên tất cả các bộ môn. Tôi không nghĩ chỉ trong ba tháng Hè mà nó học thêm để giỏi như vậy? Dù cho chú Sáu nó, hay Chú Út có dạy nó cũng không thể tiến nhanh và tiến đồng bộ được. Chỉ có thể là trong tuổi dậy thì của nó có nhiều đột biến về kích thích tố khiến trí não được mở ra để mà học tiến bộ như thế. Chừng vài tháng thì tôi lại không trọ trên nhà Bà Út nữa mà lại theo Huệ, Son và các bạn khác cưỡi xe đạp đi, về mỗi ngày vì lúc nầy các xã Tân Long, Tân Hội phải dời nhà ra Tân Hóa hay Tân Khánh do chiến sự trong các nơi ấy trở nên ác liệt và người dân không thể ở trong đó được do sự đụng độ giữa hai bên càng ngày càng nhiều, đồng thời cũng do Chính sách “dồn dân lập ấp chiến lược” nên họ phải di tản. Chị Thay, anh Năm, anh Sợi, chị Mướp dần nghỉ luôn, nghe các bạn nói là họ đã đi trong rừng. Sở dĩ tôi cưỡi xe đạp đi về theo bạn bè, không ở trọ nữa vì thấy mình có thể đủ sức, thứ hai là bạn bè đi học lúc nầy không đi đường vô Tân Long, Bà Trắng (Bà Trắng là tiếng dân gian gọi cho các nữ tu Thiên chúa giáo làm trong trại cùi Bến Sắn, có địa điểm bệnh viện trong sở cao su số 10, vì các nữ tu ấy mặc đồng phục màu trắng nên người ta gọi “Bà trắng”) nữa mà phải đi ra Tân Khánh, chạy ra Phước Lộc, đi Khánh Vân, Bình Chánh để lên Tân Uyên đi ngang nhà, thành cũng thuận lợi cho tôi, và với những ngày học một buổi tôi có thể phụ giúp cho gia đình được. Thế là khoảng hơn giữa năm Đệ Ngũ tôi theo bạn cưỡi xe đạp đi học và về mỗi ngày. Chính vì tình hình như vậy mà sau nầy những học trò xã Tân Hóa không còn lên Tân Uyên thi nữa mà đổ về thi ở Trường Trung Học Công lập An Mỹ.


Nguyên Thảo,

7/6/2023.


 


Tuesday, May 23, 2023

*Những Khung Trời Kỷ Niệm! (16)


Tình hình an ninh không biết như thế nào mà báo chí đưa tin có chuyện đảo chính ở Sài gòn, nhưng cuộc đảo chính ấy không thành công và người ta đồn là ông Thiếu Tá Nguyễn Minh Mẫn của Tỉnh Phước Thành có đem quân về giải cứu, nên được Tổng thống Diệm nhận làm con nuôi. Chúng tôi chỉ nghe đồn như thế, không biết là có đúng không? Nhưng từ sau sự việc ấy ông Tỉnh trưởng thường hay xuất hiện ở nhiều nơi trong Quận. Đã vậy còn xảy ra một chuyện khác khá thương tâm. Vốn là Quận có tổ chức một đoàn đi công tác, không biết đi đến nơi đâu mà đi bằng thuyền theo sông lên miệt trên, hình như Lạc An gì đó, nhưng không biết vì sao có tiếng súng nổ mà người ta nói đó là tiếng súng đại liên, nổ liên hồi. Khoảng một buổi sau có tin là hai Thầy đã chết trong có có Thầy Khuê mà tôi đã từng biết, cùng với mấy người khác làm trong Quận cũng đi trong chuyến cộng tác đó. Người sống sót còn lại cho biết là đoàn đi gặp đoàn thiết giáp bên kia sông có lẽ do bắn lầm mà sinh ra cớ sự. Thật rất thương cho Thầy Khuê, một Thầy trẻ, hiền, rất đẹp trai nhưng không may phải chết sớm mà cũng chẳng biết gia đình Thầy ở đâu? Xác của hai Thầy được đưa về Bến Cây Sung để đưa về nhà, còn Thầy Khuê thì đưa về nơi trọ.

Sông Đồng Nai chảy về đến Tân Uyên thì chảy thành hai nhánh chảy bao bọc một cái cù lao lớn gọi là cù lao 6 xã, gồm có 6 xã trên đó, tôi chỉ biết có hai xã Bình Hưng và Mỹ Quới, còn mấy xã khác thì không nghe nói tới tên nên không biết, cái nầy chắc phải hỏi đến nhà văn Bình Nguyên Lộc… Trước cái cù lao lớn đó, còn một cái cù lao nhỏ, nhưng thường bị xâm thực bởi nước sông vào mùa mưa. Tại Bến Cây Sung nầy có nhiều lần tôi đi tắm ở đây, và thường bơi, nhưng người ta bảo coi chừng đừng bơi ra quá xa nó nguy hiểm lắm nên tôi giới hạn đi tắm ở đây. Bên kia sông ở Bến nầy có một nhà máy cưa, nhìn từ bên nây thấy cây dừa và cái Bến của nó. Tại đoạn sông nầy hằng năm có cuộc đua thuyền tranh giải của các xã do Quận tổ chức. Cuộc đua rất hấp dẫn thu hút nhiều người xem, nhưng trong cuộc đua vừa rồi không hiểu sự xung đột như thế nào đó đã xảy ra vụ cầm cây chèo chém lên đầu của người đội khác khi về gần tới đích. Sự việc xảy ra không biết sau nầy còn có đua thuyền nữa không mà tôi không thấy? Ngoài Bến Cây Sung xuống phía dưới chút nữa là Bến Cây Sanh vì nơi nầy có cây sanh to, bên trên bến là nhà máy xay lúa, tôi cũng từng đến nhà máy xay lúa nầy với Bác Bảy con của Bà Út để xay lúa cho cả nhà. Và ở chợ thì có Bến Đò nơi đò đưa người qua lại giữa bên Cù Lao Sáu Xã và chợ Tân Uyên để mua bán. Nhà cửa phần lớn được tập trung từ Bến Cây Sung trở xuống chợ và trở ra giáp với đường Tỉnh lộ. Hai bên chợ là hai dãy phố cùng các cửa hàng buôn bán. Còn từ chợ trở xuống Cầu Rạch Tre nhà cửa không nhiều, nối dài dọc theo đường và bờ sông, phía đối diện với chợ là dãy phố thuận cho việc buôn bán, hành nghề, còn phía sau đó nhà không nhiều, kéo vô tới bìa ruộng. Rồi tới xóm Chùa nhà phía trong cũng lưa thưa, chạy tới ngã ba trường học.

Sự sinh hoạt ở trường có nhiều năng động hơn, vì năm nầy được thêm hai lớp Đệ Thất nữa nên mấy Thầy có tổ thi đua làm học đường viên cho mãnh đất trống phía sau các lớp, khiến chúng tôi cùng thi đua làm khung vườn mình có nhiều hoa đẹp để chấm điểm. Bọn học trò phải đi xin bông, kiểng từ nhà người dân đem về trồng, có hôm trời mưa lớn, tôi và Thạch A về không kịp nên phải đụt mưa cho đến khi tạnh. Trên đường về thấy mấy con cá nhỏ lách lách trên đường bò vào vũng nước. Thạch A thấy vậy bắt hai con, về nhà nghe nói “Chim sa, cá lặn” xui lắm, có thể bị có tang. Thạch A nghe sợ quá đem cá ra ruộng thả, rồi cứ sợ và khóc hoài. Có những hôm chúng tôi đi từ chợ đi về, dọc đường thấy có lưới nhện từ trong nhà rất xa với đường, thế mà không biết như thế nào mà nhện lại giăng lưới từ mấy cây trong sân nhà ra tới dây điện bên ngoài đường, thật là lạ, hỏi người ta chẳng ai biết vì sao? Đó là câu hỏi, thắc mắc mà chưa tìm được câu trả lời.

Hôm khoảng thời gian cao su rụng lá, những phu cạo mủ có thời gian phải nghỉ ngơi mà thời gian lại gần Tết, nhà máy mủ thiếu người trông coi cơ sở như thế nào đó mà Bác Sáu Bùng, con Bà Út, được nhờ sang đó ngủ một đêm trông chừng dùm. Bác Sáu rủ tôi và Long theo chơi. Ba người cưỡi xe đạp đi về đường đất đỏ chạy vòng quanh theo căn cứ của quân đội để đi qua đường phía bên kia để đi lên hướng Tân Hòa, Tân Tịch. Hồi chưa biết tôi tưởng là Tân Hòa, Tân Tịch xa trường học lắm, nhưng theo phỏng đoán của tôi thì chẳng xa mấy thì đã đến ngã ba, chúng tôi đi theo đường rẽ đó. Đi mãi đến một cái cầu nhỏ có nhà cửa dáng người thấp thoáng thì Bác Sáu nói: “Đã tới rồi!”. Xong chúng tôi đi vào một nhà kho, Bác Sáu nói: “Tối nay mình ngủ ở đây. Nhưng bây giờ còn sớm thôi đi một vòng ra ngoài coi chơi”. Sau khi để để đồ đạc vào vị trí, Bác Sáu đi trước, tôi và Long đi theo sau. Băng một khoảng rừng thưa, ra đến bờ cánh đồng cỏ, nhìn về bên kia nơi có những vuông nhà, Bác Sáu nói: “Người ta đang đánh xe bò chở đồ đạc để dọn nhà đó” theo sau xe là những làn bụi mỏng chắc do chân bò vít bụi theo từng bước đi. Rồi chúng tôi trở về trời cũng vừa tối hẳn. Bác Sáu cho biết đây là vùng Thường Lang, Đất Cuốc. Tôi hỏi: “Thường Lang, Đất Cuốc hả Bác Sáu, hồi trước có nghe mấy ông lớn nói khu nầy hồi xưa là ổ của kháng chiến phải không?”. Bác Sáu cười: “Ừ!”. Tôi lại biết được thêm một nơi nữa! Nhưng chúng tôi chỉ ngủ có một đêm đó thôi, mấy ngày sau đã có người vì người trông coi có công chuyện đi vắng nên chỉ nhờ Bác Sáu trông chừng một đêm thôi! Không ngờ đêm đó là đêm mà tôi với Long đồng hành trong một chuyến đi hơi xa ở Tân Uyên nầy, vì sau Tết Long và Phụng đã được người quen làm ở dưới Bộ Giáo Dục đứng ra xin cho cả hai được chuyển về Trường Trịnh Hoài Đức rồi. Thế là trọ ở nhà Bà Út bây giờ chỉ còn lại tôi và Thạch A.

Chiến sự càng ngày càng tăng tiến hơn, đã có súng nổ vài nơi. Thỉnh thoảng có tiếng cà-nông từ nơi trại lính bắn đi, nhưng không biết có chuyện gì lớn không? Rồi một ngày Ông Đại úy Quận trưởng của Tân Uyên đi xuống Tân Hóa Khánh bị giựt mìn chết ở Cầu Đúc Hố Khởi được đưa về trụ sở Quận. Nghe nói sau đó Ông Tỉnh Trưởng Nguyễn Minh Mẫn có xuống đó và một số người bị bắt. Nhà cửa bây giờ có nhiều nơi người ta phải đào hầm trở lại để phòng ngừa những khi bất trắc mà có chỗ trú ẩn an toàn. Đường đi có những ngày có nhiều truyền đơn rải dọc theo đường cùng một số sự việc khác, nhưng bọn học trò chúng tôi được tương đối dễ dàng đi đến trường. Riêng tôi thì vẫn theo bạn sáng Thứ Hai đi lên và trưa Thứ Bảy xong buổi học thì theo bạn đi về. Và rồi, một đêm nọ nghe súng nổ văng vẳng ở phía bên sông, bên cù lao sáu xã. Sáng đi học thấy có cột một xác người tại gốc cây dầu bên bìa ruộng ỡ ngã ba đường vô trường học, bên hông có đeo một giỏ đan giống như người đi bắt cá. Những đoàn lính đi hành quân về đóng quanh quận thường xuyên hơn, và số người lính Nùng thưa dần theo ngày tháng. Có mấy người hiểu chuyện họ nói lính Nùng ấy được chuyển từ ngoài Bắc vào sau Hiệp Định Đình Chiến Genève năm 1954, họ là những người lính của Quốc Gia nên phải tập trung về Miền Nam theo Hiệp Định, cũng như Bộ Đội Kháng Chiến phải kéo ra Bắc theo sự phân chia hai miền đợi chờ cuộc Tổng Tuyển Cử vào năm 1956.


Nguyên Thảo,

24/05/2023.



Thursday, April 20, 2023

*Khung Trời Kỷ Niệm! (15)


Vào năm học mới (niên học 1960-1961), trưòng có thêm 2 lớp Đệ Thất nữa và số học trò từ Tân Hóa Khánh đều lên thi trên ấy vì thuộc Tỉnh Phước Thành. Đường đi có thêm nhiều bạn bè gồm có Ẩn, Em, Phụng và nhiều bạn nữa mà tôi không biết. Tôi vẫn đi với mấy bạn trong sáng ngày Thứ Hai và về vào trưa Thứ Bảy, còn những ngày khác thì vẫn trọ trên nhà Bà Út. Không bao lâu thì trường có thêm Thầy mới, đó là Thầy Lê Hữu Ân. Thầy trắng trẻo, dong dỏng cao dạy môn Sử Địa, Công Dân, Nhạc ở lớp tôi, không biết Thầy dạy ở mấy lớp khác môn gì. Có lần Thầy dạy cho cả lớp bài hát “Hoài Thu” của nhạc sĩ Văn Trí bắt đầu bằng câu “Mùa Thu năm ấy, trên đường đến miền cao nguyên…” thật là vui mà thơ mộng.

Rồi đến một ngày mấy lớp chúng tôi được thông báo học rút giờ giấc trong ngày để dành thời giờ tập đi diễn hành: Từ sắp xếp đội hình, hai hàng dọc nhỏ trước, lớn sau từ thấp đến cao, có đội trưởng ra ngoài đường đi một hai, một hai; đi, đứng lại; nghỉ nghiêm; bên phải bên trái, đàng sau quay. Mà cũng không phải riêng đám học trò chúng tôi mà nhiều đoàn thể, kể cả lính trong quận cũng vậy, chia nhau những khoảng đường ở trước trường, hay đoạn đường trước quận phía bên kia vũng nước để tập luyện xem ra có vẽ rất là sôi động. Tập như vậy cho thuần thục để đi dự Lễ Khánh Thành Tỉnh lỵ của Tỉnh mới trên Phước Vĩnh, hay đúng hơn là Phú Giáo.

Tình hình an ninh trong thời gian nầy có sôi động hơn chút ít, nhưng chưa đến đỗi là quá lắm, nên đoàn di chuyển lên Phú Giáo theo Tỉnh lộ 16 tức là về hướng lên Dốc Bà Nghĩa cần được giữ an ninh trước, do đó mà phải đợi chờ quân đội đi trước giữ gìn an ninh dọc đường rồi mới bắt đầu đi. Nhiều xe nhà binh được điều động để chở người của các đoàn thể và học trò chúng tôi để tiến về Quận Phú Giáo. Đưòng đi không rộng lắm, chỉ giống như đoạn đường từ Tân Ba đi lên Tân Uyên thôi, hai bên đường có nhiều cỏ tranh, lùm bụi, có nhiều cây cao. Đường len qua các khu rừng lẫn những đồn điền cao su. Nhờ ngồi chung xe với những người lớn mà tôi nghe nói đến những địa danh Bố Mua, Bố Lá, Chánh Lưu, Nhà Đỏ mỗi khi xe đi ngang qua đó, nhất là nhiều sở cao su của ông Nguyễn Đình Quát người đã có ra ứng cử Tổng Thống trong cuộc bầu cử Tổng Thống vừa qua. Nhưng ông đã bị thất cử và có mấy người con gái bị tử nạn khi đi chơi ở Vũng Tàu ở cái cầu nào đó mà báo chí có nhắc đến Miễu Ba Cô. Xe đi khá lâu mới đến sở cao su Phước Hoà, rồi phải đợi qua cầu Sông Bé. Sông Bé đây sao? Ôi cái sông mà bọn con nít tôi từng bị mấy ông thanh niên hù dọa là bắt tụi tôi đem lên Sông Bé câu sấu đây mà! Nhưng chiều muốn tối rồi, tôi đâu thấy rõ Sông Bé thế nào. Chỉ biết là qua cầu mà phía dưới sâu kia nước đang chảy hình như là chảy xiết! Xe qua cầu không xa thì quẹo sang trái trên con đường khá lớn, mấy ông ấy nói đường nầy chắc đi về Tòa hành Chánh Tỉnh. Nhưng đoàn học trò chúng tôi đâu được đi lên tuốt trên kia mà chỉ dừng nửa đường và đổ xuống ở một trường học chưa được kín đáo cho lắm. Sau khi, tìm được chỗ ngủ xong, chúng tôi được phân phát chút thức ăn tối, nhìn quanh các khu nhà được phân thành những lô đất vừa cất nhà có các cây chắn làm hàng rào. Nhà hơi nhô lên phía trước nhiều hơn là chính giữa lô đất. Ngoài trước được trồng hoa, rau cải, phía sau có trồng chuối, cây ăn trái cũng mới vừa lên cao, chứng tỏ nhà chưa xây dựng được bao lâu, gần hàng rào phía trước chất hàng dài đầy củi có bảng để bán, phía sau xen với các cây trồng là những cây to rải rác đó đây, có nơi người ta làm lò hầm than, lò còn khói lên nghi ngút, như vậy chứng tỏ trước đây là khu rừng được khai phá rồi đưa người tới đây định cư ở các lô được phân sẵn. Trời tối hẵn, chúng tôi kê bàn lo giăng mùng để ngủ dưới ánh le lói của mấy cây đèn dầu được cấp phát tạm thời. Bỗng nhiên nghe tiếng gì là lạ ở một ngôi nhà khá lớn kín đáo kế bên, chúng tôi làm lạ, tò mò lần đến. Có người nói mấy người Đạo Thiên Chúa họ đang đọc Kinh làm lễ. Người kia hỏi: “Ủa, sao mà tối thui vậy?”. Không có tiếng trả lời. Nghe hồi lâu sao giọng lạ quá, tôi chưa từng nghe giọng nói nầy bao giờ. Và bao nhiêu người nghe cũng không biết luôn. Thế rồi bèn trở về bàn mà ngủ.

Sáng hôm sau, dậy lo vệ sinh cá nhân, rồi được phân phát cho phần ăn nhẹ, nước uống để chuẩn bị cho giờ hành lễ. Vị trí của đám học trò chúng tôi chỉ cách trường học nơi ngủ tối hôm vài chục thước, nên chuyện tập họp, sắp hàng không phải tốn nhiều công sức chuẩn bị. Hàng ngũ các đoàn thể được xếp theo từng đơn vị và theo quận nên quận Tân Uyên nầy khá xa so với vị trí của khán đài. Đội ngũ chúng tôi quay mặt nhìn ra đường, và chỉ nghe được các nghi lễ qua các loa phóng thanh bắt dọc theo đường cùng với những trụ cờ trang hoàng cho cuộc lễ. Vì thế khi mặt trời lên chiếu thẳng vào mặt khiến bọn nhỏ như chúng tôi có khá nhiều khó chịu. Vả lại đứng để nghe nhiều diễn văn trong thời gian dài, tất nhiên chúng tôi không thể chịu nỗi, vì vậy lúc đầu các bạn phía sau ngồi xuống để tránh nắng, và tránh mỏi chân. Rồi phía trước nhìn thấy vậy cũng không giữ hàng ngũ nữa và bỏ đi về phía sau để tránh nắng. Chỉ tội nghiệp các đoàn người lớn, nhất là những người lính phải nghiêm trang hàng giờ để cho cuộc lễ được nghiêm trang. Cuối cùng buổi lễ cũng đến hồi kết thúc bằng cuộc diễn hành qua khán đài. Bắt đầu bằng các đơn vị quân đội đi theo tiếng nhạc, tiếng trống duyệt binh, kế đến là các đoàn thể. Đội ngũ học trò chúng tôi đang trong tư thế chuẩn bị để đi, nhưng sau cùng được lệnh là miễn, thế là chúng tôi mừng quá chừng, và tan hàng rã ngũ đi vào trường học để lấy đồ lo chuẩn bị cho chuyến hành trình lên xe để trở về Tân Uyên. Đó là sự kiện lên Phước Vĩnh Khánh Thành Tỉnh lỵ mới đã xong, mà chúng tôi cũng chẳng biết vị trí của Tòa Hành chánh Tỉnh ở chỗ nào, và con đường trước mặt đi đến tận nơi đâu? Rồi xe cam nhông nhà binh đến. Tất cả mọi người đến từ hôm trước lên từng chiếc xe để xe đưa quay trở về. Trên đường về tôi lại được ngồi chung xe cùng các ông người lớn nghe họ nói những cái gì họ biết với nhau về những nơi đi qua. Tôi nhìn con Sông Bé nước đỏ, đục ngầu chảy xiết dưới cầu mà nghĩ đến những con cá sấu mà người lớn hăm he đưa mấy đứa nhỏ lên đây “câu sấu, cho sấu ăn”, rồi nhìn qua khu Phước Hòa của đồn điền cao su Phước Hòa. Trong bận về nầy tôi thấy dọc đường có nhiều sở cao su của ông Nguyễn Đình Quát lắm, có lẽ hơn 12 sở, không biết còn ở đâu nữa không? Vậy là trong năm nầy tôi đã biết được con đường Tỉnh lộ 16 đi đến đâu và quận Phú Giáo lẫn Tỉnh lỵ Phước Vĩnh là ở tận nơi nào, nhất là cái con Sông Bé nhiều cá sấu mà người lớn ở làng tôi hay nói để hù bọn con nít chúng tôi sợ vì: Sông Bé có nhiều cá sấu. Về đến trường vào xế chiều, chúng tôi được nghỉ và ngày hôm sau đi học theo thời khóa biểu như thường lệ.