Nhớ hồi còn nhỏ, ông Nội thường hay lấy xe đạp chở tôi đi đây đi đó,
có khi về thăm ông bà Cố, có khi đến nhà ông Chín chơi, có khi đi chợ để ông
mua ít đồ. Điều ấy có thể vì tôi là đứa cháu nội trai đầu tiên của ông chăng?
Người ta thường nói tôi là cháu đích tôn của ông cho nên được ông thương nhiều!
Ừ, thì cứ coi là như vậy đi, mà quả thật ông thương tôi nhiều lắm! Đi đâu ông cũng
thường chở tôi theo! Đến một ngày nọ, ông chở đi qua xóm Hàng Tre Dài để thăm
người quen bên ấy, khi đến một đoạn đường cát, hơi trũng thấp mà hai bên là những
bờ đất cao có cây giống như rừng mà ông nội nói đó là cái truông, ở đây cát khá
nhiều, khó chạy xe, nên ông nội và tôi phải xuống đẩy xe đi bộ cho qua khỏi nơi
nầy. Chưa bao xa thì nghe tiếng la ỏm tỏi, lẫn tiếng chửi thề và tiếng roi quất
lia lịa. Khi tới nơi đó thì mới thấy có người đánh lên mình con bò tới tấp, còn
con bò thì nằm mẹp xuống đường, mặc cho người chủ đánh bao nhiêu thì đánh, còn đầu
trước của xe thì nghiêng một bên vì con bò bên kia còn đứng bên đó, tất nhiên là
xe không thể đi được. Ông Nội thấy vậy mới hỏi người kia:
-Năm à! Làm sao mà mầy đánh
con bò dữ vậy?
-Nó trở chứng bẽ nài rồi
chú, tới đây cái nó không chịu đi nữa, làm sao chở đồ về được!
Chú năm nầy hồi nào giờ tôi
chưa được gặp, nên không biết chú, nhưng chắc chắn là ông nội có quen rồi.
-Mầy bắt nó chở nhiều, nặng
quá, coi chừng nó bị bể rồi mai mốt khó bắt nó kéo xe được nữa. Thôi đừng đánh
nó nữa. Mầy nên chống tó để xe ở đây, xong mầy dẫn hai con đi ăn cỏ, nghỉ ngơi
một chút xem sao, rồi dẫn nó lợi bắt vô ách coi như thế nào. Chứ mầy đánh hoài
thì nó cũng nằm ì như vậy thôi. Nếu không được thì mượn bò ai đó để kéo xe về!
Xe thì chở nặng, đường cát quá, lại lên dốc nữa, bò nhỏ khó kéo lên nổi. Thôi mầy
thử làm như vậy coi sao?
Nội nói xong thì hai ông
cháu cũng sắp qua khỏi vùng cát và dốc, tôi trèo lên ba-ga ngồi để ông nội chở đi
tiếp.
Khi về nhà thì đã chiều rồi,
nên sau cơm nước xong, ông nội hỏi tôi: “Con muốn biết tại sao hồi xế con bò đó
không chịu kéo xe nữa không? Muốn biết thì lợi đây ông nội kể cho con nghe”. Tôi
đến bên ông nội đang ngồi trên võng, rồi ông đỡ ngồi trong lòng của ông. “Nè,
con có muốn bị đòn như con bò không? Người ta nói lì như bò nên nó bị đòn quá
chừng mà không chịu đứng dậy, vậy con có lì không?”. Tôi lắm léc: “Con không muốn
bị đòn”. “Vậy thì con đừng lì nhen”, “Dạ, con không dám lì”. Rồi ông nội kể:
“Con bò cái đẻ ra con bò
nghé, khi nó lớn lên, tới cái độ có thể kéo xe được thì người ta kiếm hay mua một
con nữa bằng với nó, để rồi người ta dợt, hay tập cho chúng có thể kéo xe. Lúc đầu
chưa bắt chúng vào xe được, nên chỉ cho hai con mang cái ách lên cổ chúng. Thoạt
đầu còn phải có người dắt ở phía trước cho chúng đi quen dần, còn một người ở phía
sau cầm dây mũi, là dây cột vô dây xõ mũi nó đó điều khiển. Điều khiển như thế nào,
con biết không?”, “Con hỏng biết”. Đi như bình thường thì người ta thả lỏng hay
sợi dây, khi nào muốn quanh bên phải thì người ta kéo dây mũi con bên phải cho
con phải đi chậm lại và hô “ví” cho con bên trái đi mau lên. Và khi muốn quanh
bên trái thì kéo dây mũi bên trái cho con trái đi chậm lại và hô “thá” cho con
phải đi nhanh lên thì nó quẹo trái. Tại sao kéo dây mũi của bò con biết không?
Lúc trước ông nội có kể cho con nghe chuyện con bò bị xõ mũi đó. Kéo nhẹ dây mũi
cho nó đau để nó đi chậm lại, còn muốn nó đi mau thì lấy roi đánh vào mông đít,
hoặc bò lớn thì người ta xài cây đót, là cái cây dài mà đầu có gắn cây đinh hay
mũi nhọn chích vào đít, nó đau nên phải đi mau thôi; còn “ví” là kêu con bên trái,
“thá” là con bên mặt hay phải đó”.
Hớp xong một miếng nước, ông
nội nói tiếp:
“Khi quen rồi, không cần
người dẫn ở phía trước nữa, chỉ người điều khiển ở phía sau thôi. Trong một thời
gian chúng thuần thục, nhắm chừng chúng có thể kéo xe được thì người ta mới bắt
vào xe. Nếu có xe nhẹ nhàng hơn thì tập cho nó lần lần, nếu không thì cho nó kéo
xe không, không có chở đồ. Qua thời gian nữa thì chở ít, rồi tăng lần lên đến
khi nhuần nhuyễn. Nhưng con có biết tại sao con bò hồi xế bị đòn không?”.
Tất nhiên là tôi không biết
rồi, cứ nhìn vào ông nội. Ông kể tiếp:
“Thông thường, cặp bò nào
cũng kéo xe sau khi tập cho nó quen rồi, nhưng không phải con bò nào cũng dễ dàng
như vậy, có con thì chịu đựng giỏi, có con khá lười biếng, có con hay “phá bĩnh”
là hay trở chứng, với những con nầy sự kéo xe của nó đôi khi trở nên khó khăn,
gây trở ngại nhiều cho người chủ. Với con hồi xế mà con thấy đó, có thể giống
như loại con bò mà ông nội vừa nói, nhưng nó cũng có thể vì sức nó yếu hơn con
kia mà ông chủ bắt nó kéo xe, chở nặng nhiều quá, lại đường cát, lên dốc nữa nên
nó mệt đi không nỗi, dù cho ông chủ có đánh nó bao nhiêu đi nữa, nó vẫn nằm ì
chịu trận mà thôi. Không khéo nó chết đi thì chỉ có nước bán cho lò giết bò làm
thịt để bán, vì vậy mà ông nội kêu chú ấy mở bò ra cho nó đi ăn trong chốc lát,
vừa nghỉ ngơi vừa lấy lại sức để tiếp tục kéo xe. Nếu ép nó làm nhiều quá, mai
mốt nó bị “bể” luôn, “bể” là nó sợ, nhát mỗi khi mình tra ách vào cổ nó thì nó
sợ, nó cứ muốn tránh ra, không chịu kéo xe nữa, lúc đó mình cũng chỉ bán nó cho
lò làm thịt thôi. Mà thói thường con nào giỏi, làm nặng được, kéo xe nhiều, bền
bỉ thì được chủ ưa thích, bắt làm nhiều. Mà cứ làm nhiều thì con đó sẽ mệt mỏi
và bị đót chích vào đít hay bị đánh nhiều hơn. Do vậy, người chủ thích mua những
con bò tốt như thế, cho nên họ cần phải nhờ đến những người lái bán bò lựa chọn
cho họ những giống tốt như bò bô chẳng hạn, vừa to, vừa khỏe để làm được nhiều,
mà con nào không phải trở chứng “bẻ nài” nên mấy ông lái bò phải biết “coi xoáy”
bò nữa để chọn lấy bò tốt mà bán cho người ta. Xoáy là những vòng lông xoay tròn
giống như cái xoáy trên đầu con đó, nhưng mấy ông lái mua bán bò họ coi xoáy trên
khắp mình con bò để định xoáy nào tốt, xoáy nào xấu để định biết con bò đó có
thể không chịu kéo xe nửa chừng hay không? Nội nói con có biết hông?”. Thực sự
lúc ấy tôi chẳng biết gì, ông nội nói thì ông nói, tôi nghe thì cứ nghe vì tôi
còn quá nhỏ. Lớn lên khi tiếp xúc với ngoài đời, tôi mới hiểu dần mấy điều ông
kể. Nhưng điều tôi nhớ nhất là sau khi kể câu chuyện, ông hỏi tôi: “Con có bao
giờ muốn làm con bò không?” rồi ông cười, trong lúc tôi trả lời: “Con hỏng chịu
đâu!”.
Đồ Ngông,
05/08/2024.