Sunday, February 7, 2010

H.T Chữ Nghĩa 8: Đi Vào Vấn Đề Giáo Dục!

Như tôi đã viết ở trên là tôi càng ngày càng tham lam để xía vào những phương diện khác, tôi muốn đem một ít kinh nghiệm của mình khi dạy lớp 1 ở trường Sơ Cấp ấp 2 Định Thành để soạn một số bài về cách học vần. Trong lời nói đầu tôi đã thưa trước đó là sử dụng theo lối cũ: i t ti, trên căn bản đó mà triển khai ra để hoàn tất giáo trình khoảng 30 bài với sự phụ lực của vợ tôi. Và tôi cũng ghi nhận rằng giáo trình ấy chỉ giúp đỡ cho những người học thêm ở nhà, nó không hề dính líu gì đến các trường học, vì hiện tại tôi chẳng là một giáo viên. Tôi phổ biến những phần nầy trên tờ Adelaide Tuần Báo. Còn những bài thơ thuộc về Đức Dục được phổ biến trước đó trên tờ Nam Úc Tuần Báo. Trong việc “xía vào” nầy, tôi có hai bài như sau:


*Tiếng Việt Và Con Em Chúng Ta.
Lời Người Viết: Đây chỉ là những ý kiến đóng góp của cá nhân, thế cho nên nó sẽ có những sai lầm và không chính xác. Mong Quý độc giả tha thứ và góp ý. Thành thật cảm tạ vô cùng! Nguyên Thảo.

1-Những câu chuyện bên lề:
Có một lần tôi đã ngồi giữa hai người Tàu, một người đến từ Hồng Kông và một người từ Bắc Kinh tới. Hai người nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh. Ngồi ở giữa phải nghe câu chuyện của họ mà tôi ngại ngần nhưng cũng hơi thú vị, lúc đó tôi nghĩ thầm: "Dân tộc mình có nhiều may mắn, dù là Bắc Trung hay Nam vẫn có thể nói chuyện với nhau dễ dàng, cùng một ngôn ngữ, cùng một phong tục dù tiếng địa phương có khác nhau đôi chút, nhưng vẫn hãy còn hiểu và biết lẫn nhau, không cần đến một ngôn ngữ trung gian". Sở dĩ như thế là vì anh bạn Hồng Kông không biết tiếng Phổ Thông và người Bắc Kinh lại không biết tiếng Quảng Đông nên họ phải sử dụng đến tiếng Anh.
Rồi cũng trong khóa học nghề ấy, tôi lại gặp được anh bạn trẻ đã nhiều năm không nói tiếng Việt, nhưng khoảng hai năm trở lại em đã có dịp tập và nói lại tiếng mẹ đẻ, dù đôi lúc có vài khó khăn nhỏ nhưng em vẫn nói được nhuần nhuyễn. Điều ấy khiến tôi thấy lạc quan hơn cho những thế hệ con em chúng ta trong tương lai; chúng không phải ngại ngùng hay cảm thấy xấu hổ, e thẹn để trả lời khi người khác hỏi: "Bạn là người gì?". "Tôi là người Việt Nam". "Bạn nói được tiếng Việt không?". Con em chúng ta có thể hãnh diện trả lời rằng: "Được chứ! Tiếng Quê hương của tôi mà! Tiếng của mẹ tôi để lại cho tôi, tôi không thể quên được!".
Tuy là như vậy, nhưng nếu ngay từ lúc đầu chúng ta không học cũng như không quan tâm đến, tất ta cũng không thể biết và sử dụng được thì mai kia ta vẫn là người "đánh mất" đi ngôn ngữ gốc của chính mình, nếu có người khác hỏi ta.
Ngày tôi còn ở trên đảo tị nạn, tôi cũng có đọc được một vài mẫu chuyện kể chuyện con cái trên xứ người nói tiếng Việt. Có một người đến nhà thăm bạn, gặp đứa con hỏi: "Bố con có nhà không?". "Nó vừa đi ra ngoài!". Quả thật là những câu dịch từ nghĩa tiếng Anh!
Khi đến sống trên xứ người khá lâu với đầy đủ con cái vợ chồng, mỗi ngày tôi lại khám phá thêm chút ít từ chuyện sinh hoạt hàng ngày cho đến những biến đổi tư tưởng để thích hợp theo môi trường, hoàn cảnh sống chung quanh. Những điều kiện "tất yếu" đó đã khiến cho các bậc cha mẹ phải nhức đầu đối phó, cộng thêm tệ nạn xã hội càng ngày càng phát triển có thể lôi cuốn con em chúng ta trong bất cứ lúc nào. Tệ nạn ấy do chính luật pháp dễ dãi của chính phủ lại cũng đồng thời do người của ta tham tiền phụ họa thêm vào. Thật là những vấn đề "khó nói" và khó giải quyết!
Một lần có đứa cháu tâm sự với tôi trên xe buýt trong một dịp tình cờ đón cùng chung chuyến. Cháu đi đến thư viện để mượn truyện tiếng Việt về xem theo lời cha mẹ của cháu. Cháu nói: "Mà Bác à! Sao con đọc truyện tiếng Việt con hiểu khó hơn là con đọc truyện tiếng Anh!". Quả thật là như vậy! Đối với trẻ đã có một số vốn căn bản tiếng Việt khá trước khi đến xứ người thì đở hơn, còn đa số thì đều phải vướng vấp, ngượng nghịu khi có dịp nói tiếng mẹ đẻ, hoặc giả khi nghe nói tiếng Việt quá nhiều thì chúng không thể hiểu hết nghĩa được, rồi chúng chỉ buộc miệng để nói lên một câu vô tội vạ: "Ba mẹ nói nhiều quá!". Chính vì những điều ấy cộng vào sự khác biệt tập quán đã gây nhiều cảnh khó khăn cho các bậc cha mẹ trong mọi gia đình của chúng ta trên xứ người.
Một câu nói trong câu chuyện kể lại đời sống, sinh hoạt ở nơi đất Mỹ mà tôi đọc đã lâu đáng cho ta nghiền ngẫm: "Đừng sợ con em chúng ta không biết tiếng Anh, mà chỉ sợ con em chúng ta quên tiếng Việt". Thực thế, đến nay tình trạng ấy là những âu lo của nhiều bậc cha mẹ đối với con cái của mình.

2- Tiếng Việt và chữ Nôm:
Thông thường sắc tộc nào cũng có ngôn ngữ thông tin riêng của họ, về chữ viết thì khi có khi không. Với những sắc tộc còn sống trong thời kỳ bộ tộc hay bộ lạc thì hiếm hoi để có chữ viết. Còn đối dân tộc ta cho đến nay vẫn chưa tìm thấy dấu vết gì về chữ viết riêng vào thời kỳ cổ xưa. Tuy nhiên, điều khiến cho ta suy nghĩ và ngạc nhiên là một dân tộc có thời gian lập quốc và triều đại hơn 2500 năm (Họ Hồng Bàng từ 2879 đến 258 trước Tây lịch) lại không có chữ viết riêng sao? Vả lại, trong thời kỳ Bắc Thuộc bị Tàu cai trị hơn ngàn năm với mục đích nhằm đồng hóa dân tộc ta với người Trung Hoa, họ từng lúc tùy từng vị quan mà truyền bá văn hóa, phong tục, tập quán của người Tàu cho người Việt một cách ôn hòa hay khắc nghiệt. Song song với việc truyền bá ảnh hưởng văn hóa, họ lại gom góp thu lấy hoặc hủy bỏ, tàn phá những gì đặc trưng của dân tộc Việt. Cho nên vấn đề tìm lại các chứng tích hãy là những điều khó khăn.
Dù vậy, lịch sử vẫn ghi lại được sự kiêu hùng của dân tộc trong ngôn ngữ. Dân tộc ta không bị Tàu đồng hóa như Mãn châu, Phước kiến, Lưỡng Quảng hay các sắc tộc khác trong cộng đồng gọi là Trung quốc như hiện nay. Chữ Tàu được người Việt thu nhận với một hình thái khác về âm đọc: Đó là âm Hán Việt. Người Việt đọc chữ Tàu mà người Tàu vẫn không thể hiểu được và người Việt đã lấy tiếng Tàu làm phong phú thêm cho ngôn ngữ của chính mình. Trong tự điển tiếng Việt hiện nay gần như có thể bao gồm cả bộ tự điển của Tàu, cùng với ngôn ngữ riêng của dân tộc.
Ở vào thời xa xưa điều ấy đã manh nha với sự xuất hiện của chữ Nôm. Chữ Nôm là thứ chữ mượn chữ viết của Tàu, được biến chế, ghép lại nhằm phiên âm, diễn tả theo ngôn ngữ Việt. Với sự xuất hiện của chữ Nôm đã thành hình dòng văn học chữ Nôm bên cạnh dòng văn học chữ Hán, hợp cùng với dòng văn chương bình dân kết cấu thành nền văn học của dân tộc Việt.
Dương Quảng Hàm trong "Việt Nam Văn Học Sử Yếu" đã viết:
"Dân tộc ta trước khi nội thuộc nước Tàu, có thứ chữ để viết tiếng Nam hay không; đó là một vấn đề, hiện nay vì không có di tích và tài liệu, không thể giải quyết được. Duy có một điều chắc là đến khi các bậc học giả trong nước muốn làm thơ văn bằng tiếng Nam, vì không có chữ Việt, phải đặt ra một thứ chữ để viết tiếng ta: tức là chữ Nôm là thứ chữ đã dùng để viết các tác phẩm bằng Việt văn cho đến khi ta biết dùng chữ quốc ngữ. Vậy ta phải xét lịch sử và cách chế các chữ ấy thế nào.
Chữ Nôm là gì? Chữ Nôm là thứ chữ hoặc dùng nguyên hình chữ nho, hay lấy hai ba chữ nho góp lại, để viết tiếng Nam.
Chữ Nôm có tự bao giờ?- A) Chữ Nôm đặt ra tự bao giờ và do ai đặt ra, đó là một vấn đề chưa giải quyết được. Nhiều người thấy sử chép: Hàn Thuyên là người bắt đầu biết làm thơ phú bằng quốc âm, vội cho rằng chữ Nôm cũng đặt ra từ đời ông, nghĩa vào cuối thế kỷ XIII về đời nhà Trần. Đó là một sự sai lầm, vì sử chỉ ghi việc ông làm thơ phú bằng tiếng Nôm, chứ không hề nói ông đã đặt ra chữ Nôm, hoặc chữ Nôm đã đặt ra về đời ông. Đành rằng muốn viết văn Nôm, tất phải dùng đến chữ Nôm; nhưng biết đâu chữ ấy lại chả có tự trước đời Hàn Thuyên rồi ư? Ta chỉ có thể vin vào việc ấy mà nói rằng chữ Nôm đến cuối thế kỷ XIII đã dùng để viết văn Nôm rồi" (VNVHSY trang 113-114).
Như thế, chữ Nôm được sáng chế ra để diễn tả ngôn ngữ Việt. Cái bản sắc của dân tộc cũng hãy còn và càng ngày càng được phát triển; tuy nhiên sự phát triển ấy không được rộng rãi vì chữ Tàu đã khó mà chữ Nôm lại càng khó hơn, cho nên nền văn chương bình dân vẫn là truyền khẩu từ đời nầy cho đến đời kia.
Từ khi Hàn Thuyên đời Trần bắt đầu làm thơ chữ Nôm thì phong trào làm thơ phú bằng quốc âm càng ngày càng được phát triển. Mặc dù trong giai đoạn đầu còn chịu nhiều ảnh hưởng của thi văn Tàu như dùng nhiều chữ Nho; mượn đề mục, thi tứ, cảnh sắc... mà các thi nhân đã làm vào thời kỳ Lê-Mạc (thế kỷ XV và XVI). Đến thời kỳ Nam Bắc phân tranh (thế kỷ XVII-XVIII) văn thơ chữ Nôm được phát đạt "dần dần thoát ly ảnh hưởng của văn Tàu mà có tính cách tự lập" (VNVHSY-Dương Quảng Hàm). Những tác phẩm trong thời kỳ nầy như: Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc, Hoài Nam khúc... Sang đến thời kỳ Cận kim: Nhà Nguyễn (thế kỷ thứ XIX) "nhờ công trứ tác của những bậc có biệt tài: Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương v.v. nên có những tác phẩm trường thiên (Hoa Tiên, Kim Vân Kiều, Lục Vân Tiên.v.v.) và những thơ ca có giá trị xuất hiện khiến cho Việt văn có cơ sở vững vàng, nhờ đó mà nền Quốc văn hiện thời mới thành lập được" (VNVHSY-Dương Quảng Hàm, trang 205)..
Đó là nền Văn chương Bác học dòng Văn thơ chữ Nôm do những người có học thức sáng tác bằng chữ Nôm, bên cạnh dòng văn chương chữ Hán. Còn trong dân chúng những thơ ca, truyện cổ tích hay Văn chương bình dân vẫn lưu truyền bằng miệng (truyền khẩu).
Như vậy, mặc dù trong hơn nghìn năm bị Tàu đô hộ với chính sách nhằm đồng hóa dân tộc ta với dân tộc Tàu; nhưng dân tộc ta vẫn cố gắng ngoi lên dành được độc lập tự chủ trên bình diện chính trị và luôn cả về văn hóa nữa: Cụ thể là chữ Nôm và dòng văn học chữ Nôm.

3- Sự khai sinh, và phát triển chữ Quốc Ngữ:
Trong quyển "Việt Nam Văn Học Sử Yếu", Dương Quảng Hàm đã viết:
"Việc sáng tác chữ Quốc Ngữ- A) Chữ Quốc Ngữ là gì?- Chữ Quốc ngữ là một thứ chữ dùng tự mẫu (chữ cái) La Mã để phiên âm tiếng Annam. Quốc ngữ nghĩa đen là tiếng nói của nước: Vậy cái từ ngữ ấy dùng để gọi thứ chữ mới đặt ra ở đây, kể thì không đúng, vì đó là một thứ chữ chứ không phải là một thứ tiếng; nhưng từ ngữ ấy đã dùng quen rồi, không thể đổi được nữa.
B) Ai đặt ra chữ Quốc Ngữ?- Các Giáo sĩ người Âu, khi đến nước ta truyền giáo về thế kỷ thứ XVII, thấy ở xứ ta chỉ có chữ Nôm là thứ chữ dùng để viết tiếng Nam nhưng chưa có chuẩn đích và học lại mất nhiều công phu, nên mới mượn các tự mẫu La Mã đặt ra chữ quốc ngữ để tiện việc dịch sách, soạn sách cho con chiên xem.
Việc sáng tác chữ quốc ngữ chắc là một công cuộc chung của nhiều người, trong đó có cả các giáo sĩ người Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Pháp Lan Tây. Nhưng người có công nhất trong việc ấy là Cố Alexandre de Rhodes vì chính ông là người đầu tiên đem in những sách bằng chữ quốc ngữ, thứ nhất là một cuốn tự điển, khiến cho người sau có tài liệu mà học mà kê cứu (Xem bài đọc thêm số 2). Vậy ta phải xét về cuốn tự điển của ông đã soạn ra" (trang 191).
"Cuốn tự điển của Cố Alexandre de Rhodes không những là một bằng chứng để ta khảo cứu âm vận tiếng ta và hình thể chữ quốc ngữ về tiền bán thế kỷ thứ XVII, mà lại là một cuốn sách gốc để các nhà ngữ học về sau kê cứu mà làm các tự điển khác về tiếng ta.
Kết luận.- Các giáo sĩ người Âu đặt ra chữ quốc ngữ, chủ ý là có được một thứ chữ viết tiếng ta cho tiện và dùng trong việc truyền giáo cho dễ. Không ngờ rằng, vì tình thế lịch sử xui nên, thứ chữ ấy nay thành thứ văn tự phổ thông của cả dân tộc Việt Nam ta. Đành rằng cũng như các công trình do người ta sáng tác ra, thứ chữ ấy cũng còn có một vài khuyết điểm, nhưng ta nên nhận rằng ở trên hoàn cầu này, không có thứ chữ nào tiện lợi và dễ học dễ biết bằng thứ chữ ấy". (VNVHSY, Dương Quảng Hàm, trang 198).
Như vậy, vấn đề "Ai đặt ra chữ Quốc ngữ?" ta cũng không thể biết đích xác là ai? Có thể là những giáo sĩ mà cũng có thể là những nhà thương buôn phương Tây. Khi họ đến nước ta, tiếp xúc với người của ta và để tiện việc làm ăn họ cần học ngôn ngữ Việt; đồng thời họ cũng dạy một số người Việt về ngôn ngữ của họ. Thế cho nên họ dùng mẫu tự La Tinh để phiên âm cho việc học ngôn ngữ ta, và sử dụng đến các dấu hiệu cho các giọng trầm bổng. Các dấu hiệu ấy đã trở thành dấu giọng như ngày nay.
Trong số những người phương Tây ấy có giáo sĩ Alexandre de Rhodes ông được cử sang Giáo đoàn Đàng trong ở nước ta, cuối năm 1624. Trong sáu tháng, ông học và nói tiếng Việt rất sõi. Ba năm sau (1627) Ông được cử ra Đàng ngoài để lập Giáo đoàn mới. Ông chỉ ở nước ta hơn bảy năm, nhưng ông đã nghiên cứu phong tục, tính tình, lịch sử của người Nam rất am tường và Ông đã viết nhiều sách có giá trị, trong đó có tự điển tiếng Việt dịch ra tiếng Bồ Đào Nha và tiếng La Tinh cùng sách giảng đạo "Phép giảng tám ngày cho kẻ muấn (muốn) chịu phép rửa toi (rửa tội) ma beào (vào) đạo thánh đức Chúa blời (trời)".
Dương Quảng Hàm cũng viết:
"Cứ theo bộ tự điển của cố Alexandre de Rhodes soạn và in năm 1651 thì chữ quốc ngữ về hạ bán thế kỷ thứ XVII còn có nhiều cách phiên âm khác bây giờ và chưa được hoàn toàn tiện lợi. theo cố Cadière trong một bài thông cáo đọc ở Hội đồng khảo cổ Đông Pháp ở Paris (Commission archéologique de L'Indochine) năm 1912 thì các hình thức hiện thời của chữ quốc ngữ là chính là do Đức cha Bá Đa Lộc đã sửa đổi lại mà thành nhất định. Đức cha có soạn cuốn Tự điển An nam La tinh, tuy chưa xong hẳn, nhưng cố Taberd đã kế tiếp công cuộc ấy mà soạn ra cuốn Nam việt Dương hiệp tự vựng (Dictionarium-annamitico-latinum), in năm 1838. Trong cuốn này, cách viết chữ quốc ngữ giống hệt như bây giờ; mỗi tiếng Nam đều có chua kèm chữ nôm: cuốn ấy sẽ là một cuốn sách làm gốc cho các tự điển tiếng Nam sau này.
Sự bành trướng của chữ quốc ngữ và sự phát đạt của nghề in.- Tự thế kỷ XVII, sau khi đặt ra chữ quốc ngữ, các giáo sĩ dịch các Kinh Thánh và soạn các sách truyền giáo cho tín đồ xem, mà số tín đồ cũng mỗi ngày một đông, nhờ thế mà số người biết đọc biết viết chữ quốc ngữ càng ngày càng nhiều lên.
Số sách viết bằng chữ quốc ngữ càng nhiều thì nghề in hoạt bản dùng thứ chữ ấy theo đấy mà mở mang ra. Về hạ bán thế kỷ thứ XVII, cố Alexandre de Rhodes phải đem cuốn tự điển của ông về La Mã mới in được. Đến đời cố Taberd thì ở thành Serampur (thuộc tỉnh Bengale bên Ấn độ) đã có một nhà in đúc đủ cả chữ quốc ngữ và chữ nôm, nên năm 1838, cuốn tự điển của ông in ngay ở đấy, không phải đem về Âu châu nữa. Kế đấy, ngay cạnh nước Nam ở thành Vọng các (Bangkok) là kinh đô nước Xiêm, lại có một nhà in của Nhà Chung lập nên in được sách quốc ngữ. Nhà in này xuất bản rất nhiều sách quốc ngữ về đạo như Tân ước, Cựu ước, v.v." (VNVHSY, trang 337-338).
Thế là từ vấn đề dùng mẫu tự cùng các dấu hiệu của La Tinh để phiên âm, ghi chú học tiếng Việt, hoặc dùng phương tiện đó để giáo dục tín đồ của các giáo sĩ dần dần được củng cố và trở thành phổ biến trong dân gian: "Tiếng Việt hiện nay đã thành hình".
Với phương tiện diễn tả ngôn ngữ tiện lợi đó, sự học tiếng Việt không còn khó khăn. Nhiều người học giỏi xuất hiện, họ nghiên cứu các nền văn học của Tây phương, Trung hoa rồi dịch sách, truyện của các nước nầy bằng tiếng quốc ngữ để phổ biến trong dân chúng. Nhất là sự xuất hiện của các sách giáo khoa và báo chí, chữ quốc ngữ lại càng được phổ biến rộng rải hơn nữa. Những học giả như Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh và nhóm Nam Phong, Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, các nhà thơ, nhà văn, viết kịch, làm báo, nhóm Tự Lực Văn Đàn đã đóng góp không nhỏ vào sự phổ biến, phát triển thứ chữ nầy. Nhưng vai trò quan trọng nhất vẫn là các sách giáo khoa trong nhà trường, các thầy cô và những người làm nhiệm vụ giáo dục; trong đó có sự đóng góp của "Phong trào học chữ Quốc Ngữ", và Bộ sách "Quốc Văn Giáo Khoa Thư" của các tác giả Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc và Đỗ Thận.

4- Vấn đề học Tiếng Việt:
a)- Tiếng Việt: Tiếng Việt là một ngôn ngữ tương đối dễ học vì nó có những nguyên tắc nhất định, cứ theo những nguyên tắc đó người học sẽ đạt được những mức độ căn bản có thể đọc được, hiểu được phần lớn tiếng Việt nhanh chóng. Tuy nhiên để thành thạo, hiểu khá chính xác thì có thể đòi hỏi thời gian lâu dài, vì rằng trong ngôn ngữ tiếng Việt còn sử dụng đến tiếng Hán Việt khá nhiều, chính điều nầy khiến người học tiếng Việt phải hiểu thêm tiếng Hán mới có thể hiểu và sử dụng chính xác các từ ngữ ấy trong câu nói hoặc là câu văn.
Con em chúng ta hiện nay gặp phải vấn đề nầy đối với chúng ta. Trong câu nói của chúng ta có một số từ ngữ mà chúng ta sử dụng khiến chúng không thể hiểu, hoặc là hiểu loáng thoáng thì chúng đã không thể hiểu ý của chúng ta, thế cho nên chúng trở nên ngập ngừng vâng dạ, hay là tìm cách tránh né bỏ đi. Vì vậy tiếng Anh đối với chúng lại trở nên dễ hơn tiếng Việt.
Trong tiếng Việt có tất cả là 12 nguyên âm: "i, u, ư - o, ô, ơ - a, ă, â - e, ê, y"; 17 phụ âm đơn: "b, c, d, đ, g, h, k, l, m, n, p, q, r, s, t, v, x"; và 11 phụ âm kép gồm hai hay ba phụ âm đơn hợp lại mà thành như: "ch, gh, kh, ng, ngh, nh, ph, th, tr" hay một phụ âm hợp với một nguyên âm như "gi, qu". Như vậy tính chung tiếng Việt có tất cả là 12 nguyên âm và 28 phụ âm cùng với các dấu giọng: "không dấu, sắc, huyền, nặng, hỏi, ngã".
b)- Kết cấu: Trong tiếng Việt cũng không đến đỗi phức tạp làm trở ngại cho việc học chữ Việt. Phần chính là "Vần", Vần là gì? Vần là sự kết hợp giữa các nguyên âm với phụ âm như "u + n = un"; cũng tương tự ta có "on, ông, ơp, ut, ic, iêc, uyên, iêng..." hay chúng được kết hợp từ hai nguyên âm như: "ui, ưu, ơi, ua...". Những vần chỉ có một âm ta gọi là "vần đơn" như "ui, ưa, oi..", còn những vần như "u-yên (uyên)" hay "i-êc (iêc), ư-ơi (ươi)..." thì gọi là vần kép.
Từ "vần" người ta chỉ cần thêm phụ âm vào ở đầu ta có được "Chữ". Chẳng hạn như:
Với vần "ôi" ta thêm các phụ âm vào ta sẽ có: b-ôi (bôi); c-ôi (côi); d-ôi (dôi); đ-ôi (đôi); hôi; môi; nôi; tôi; xôi...Hoặc với vần "uyên" ta có: d-uyên, kh-uyên, ng-uyên, t-uyên...Rồi thêm nữa, nếu ta thêm dấu giọng vào mỗi chữ ta sẽ có nhiều chữ, đọc lên ta được nhiều tiếng khác nhau, chẳng hạn như: "tôi"; "tôi" được coi là không dấu, thêm dấu sắc ta có "tối", thêm dấu huyền là "tồi", dấu nặng là "tội", dấu hỏi là "tổi", dấu ngã là "tỗi". Tuy nhiên có nhiều chữ ta thêm dấu vẫn có thể đọc được, nhưng vì không có nghĩa gì cả (vô nghĩa) nên không có xài đến. Cũng có nhiều vần chỉ có thể thêm một vài dấu giọng được mà thôi như "ic" không thể thêm dấu hỏi hay ngã.
c)- Ráp và Đánh vần: Ráp vần là đem phụ âm đặt trước các vần để tạo thành chữ, còn đánh vần là phương pháp đọc chữ theo cách ráp vần đó. Đó là cách căn bản khi bắt đầu học tiếng Việt. Trước tiên, người học cần học đến một số nguyên âm, phụ âm rồi đến học vần và học chữ; sau đó tăng tiến từ từ đến khi học hết các nguyên âm và phụ âm hay nói chung là các mẫu tự. Song song với điều nầy là "ráp các nguyên âm với phụ âm hay với nguyên âm để thành lập vần, từ vần thêm phụ âm vào phía trước để tạo thành chữ; từ chữ thêm dấu giọng thành những chữ hay tiếng khác".
Đánh vần là điều thích thú cho trẻ con, nhất là đọc chung trong lớp: Vừa có tính cách tập thể, vừa vui miệng, lại vừa học tập nữa; đồng thời cũng tạo một thói quen cần thiết, căn bản trong giai đoạn khởi đầu của việc học tiếng Việt.
Đánh vần không có nghĩa là chỉ đọc "vần" mà là đọc một chữ, trong cách đọc đó phân tích chữ thành những âm cấu tạo nên chữ đó, khiến cho trẻ nhắc đi nhắc lại thường xuyên các điều mình đã học, như "đ-i đi, ch-ơ chơ-nặng chợ, đi chợ" chẳng hạn.
Đánh vần có đánh vần xuôi và đánh vần ngược, đánh vần xuôi là đọc chữ từ phía trước tới sau như trường hợp "đi chợ" ở trên, còn đánh vần ngược thì đọc phía sau (vần) trước rồi mới đến phụ âm như "nguyên" sẽ đọc là "u-y-ê-n uyên, ngờ + uyên "nguyên".
Có khi trong một câu người ta phối hợp cả hai cách đánh vần xuôi và ngược cho học sinh như trong câu: "Tôi đi đến trường" sẽ đọc là: "ô-i (ôi) t-(ôi) tôi; đ-i đi; ê-n (ên) đ-(ên) đên-sắc đến, ư-ơ-ng (ương) tr-ương trương-huyền trường - tôi đi đến trường".
Thường khi các em học sinh nhỏ đã đánh vần xuôi và ngược thông thạo rồi thì thầy cô giáo cho các em đọc chữ thẳng từ bài viết, chỉ trừ khi nào các em "khựng" lại thì phải đánh vần "thầm" trong "bụng" (tức là trong trí nhớ) hoặc cần thiết nữa thì đánh vần ra tiếng để thầy cô giáo kiểm soát lại chữ ấy, nhắc nhỡ cho em.
Đó là những nguyên tắc "bước đầu vỡ lòng tiếng Việt" cho các em.
d)- Những sự khác biệt: Cho đến nay vì nước ta chưa có được "Hàn Lâm Viện" do đó sự thống nhất trong cách sử dụng ngôn ngữ, cách viết, chính tả, cách đánh vần... hãy còn có nhiều khác biệt mặc dù không là lớn lắm; nhưng cũng khiến cho nhiều người đặt vấn đề "như thế nào cho nó đúng?" chẳng hạn như "châu Mỹ" hay "châu Mĩ"; "kách" hay "cách"; "nguiễn" hay "nguyễn". Tiện lợi, cải cách, lập dị, không cần thiết đến sự cân đối, thẩm mỹ của chữ viết, hoặc chỉ cần ghi đúng theo phát âm ... Điều ấy chưa có thể xác định được. Trong thời gian chờ đợi những "Viện sĩ Viện Hàn Lâm" quyết định thì thiết nghĩ cứ theo "thói quen" từ trước mà tiếp tục vậy.
Còn trong trường học thì việc đánh vần trước kia cũng có vài khác biệt: Có người bỏ dấu trước trong phần vần rồi mới ráp chữ như trong chữ "tối" thì đánh vần là "ô-i ôi sắc ối, t-ối tối tối" chữ tối sẽ được lập lại như một cái "nhún nhẩy" nghe hơi là lạ; còn có người đánh vần theo cách bỏ dấu sau khi ráp vần "ô-i ôi, t-ôi tôi sắc tối" nghe nó đơn giản và gọn gàng hơn.
Và trong các vần kép như vần "uyên" gồm có nguyên âm "u" và "yên" có người đọc "u-yên uyên", cách đọc nầy khiến có nhiều trở ngại khi đọc các vần khác như "oong, iêng" chẳng hạn. Vì thế, có người đọc cách gọn hơn mà lại tránh được khó khăn đó giống như phần trên tôi đã trình bày là "u-y-ê-n uyên" và "o-o-ng oong" hay "i-ê-ng iêng".....
Còn trong phần các mẫu tự cách đọc đôi lúc cũng khác nhau: b ("bơ" hay "bờ"), c ("cơ" hay "cờ"), d ("dơ" hay "dờ").....TV ("tơ vơ" hay "tờ vờ"; "tê vê" hay "ti vi")
Trong thời gian chiến tranh vài học giả viết đôi lần trong các bài có đề cập: Đến lúc hòa bình chính phủ có đủ điều kiện tập hợp người tài giỏi để thành lập Hàn Lâm Viện hầu quyết định, giải quyết nhiều vấn đề căn bản. Nhưng sau chiến tranh cả gần 30 năm, chẳng thấy gì cả, khiến cho ta suy gẫm đến câu danh ngôn: "Làm thầy thuốc sai lầm chỉ chết có một người. Làm chính trị sai lầm hại cho cả một nước. Làm giáo dục sai lầm hại cả muôn đời".


*Và sau đây là một số bài thơ cho bé:

1-Nhõng Nhẽo.

Năm xưa con còn nhỏ
Con thường hay nhõng nhẽo,
Ông Ngoại con làm thơ
Tặng cho con một bài.

"Mặt con thì nhăn nhăn,
Miệng con thì toang hoác,
Tiếng lại la oe oe
Dỗ hoài mà không nín!"

Năm nay con lớn rồi,
Con không thèm nhõng nhẽo
Ông Ngoại hết làm thơ,
Không còn trêu con nữa.

2- Đi Thưa,

Sáng nay con đi học,
Con nhớ lời cô giáo
"Đi thì nhớ phải thưa,
Về thì nhớ phải trình"

Con lại thưa Ông Ngoại
"Thưa Ngoại con đi học!
Thưa Bà con đi học!
Ba, Mẹ con đi học!"

Cả nhà đều ngạc nhiên,
Nay con ngoan quá!
Chỉ mới ngày hôm qua
Hôm nay con đã khác!

"Thế mới là xứng đáng
Đứa học trò đi học
Biết điều phải, lẽ hay
Biết thực hành điều học".

3- Về Trình.

Đi học về tới nhà,
Con vào trình ông Ngoại:
"Thưa Ngoại con học về".
Ông, Bà vỗ đầu con
"Ngoan, ngoan, con ngoan lắm!"

Con lại trình Ba, Mẹ
Ba và Mẹ đều vui:
"Thế mới là học trò
Đứa học trò thật ngoan!
Vừa ngoan, vừa chăm học
Mai sau làm việc lớn
Để giúp ích cho đời!"

4- Lễ Phép Chào Hỏi.

Con khoanh tay tròn tròn,
Nghiêng đầu và cúi chào
Gọi là con kính trọng.

Con kính trọng Ông, Bà,
Con kính trọng Mẹ, Cha
Con kính trọng Cô, Thầy
Và những người lớn tuổi.

Thế là con lễ phép!
Mọi người đều vui vẻ
Con cũng được hân hoan,
Chỉ bằng cử chỉ nhỏ.

Thực hành đâu có khó
Con nhất định sẽ làm!

5- Phụ Giúp Cha Mẹ.

Năm nay con có lớn
Dù chưa được lớn nhiều,
Nhưng mà con làm được
Ít việc phụ mẹ cha.

Con giúp mẹ lặt rau,
Lấy cái thau, ly nước
Đem rác bỏ vô thùng
Giúp cha làm việc nhỏ.

Con tập làm cho quen,
Mai kia khi con lớn
Con phải làm một mình
Con trở thành người lớn.

6- Nghe Lời Cha Mẹ Dạy.

Ông Ngoại con bảo rằng:
"Con thì còn bé nhỏ,
Con chưa biết việc gì,
Đầu óc còn non dại.
Vì thế, con cần phải
Vâng lời theo Mẹ, Cha!

Cha mẹ dạy điều hay
Dạy những điều thật đúng,
Để dần con lớn lên
Con sẽ được nên người
Và trở thành người tốt.

Cha mẹ thương con nhiều
Yêu con bằng tất cả
Không dạy con điều xấu
Nên tin tưởng, vâng lời".

7- Gọi "Dạ", Bảo "Vâng"!

Hôm rồi, cô giáo dạy
Gọi "Dạ", bảo thì "Vâng".
Nhưng mà con chưa biết
Con về thưa Ông Ngoại.

Ông Ngoại dặn con rằng:
"Mai kia con không hiểu,
Con hỏi ngay Cô giáo
Cô giáo giảng con nghe
Thế mới là:
"Học với Hỏi"

Rồi Ông Ngoại hỏi con:
"Ba, Mẹ khi gọi con
Con trả lời thế nào?
Con thưa: "Con nói Dạ!"
Ông Ngoại lại mỉm cười:
"Ừ! Là như thế đó!"

"Khi Ba bảo con làm
Hay Mẹ nói con nghe
Con vâng lời đồng ý
Con trả lời "Vâng ạ!"
Nhưng thông thường người Nam
Cũng vẫn dùng tiếng "Dạ"!

Bây giờ con hiểu chưa?
Hôn Ông Ngoại một cái
Hai Ông cháu cười vui
"Ngoại à! con đã biết!".

8-Kính Chào!

Khách đến nhà chơi
Con liền khoanh tay hỏi:
"Con kính chào Ông,
Con kính chào Bà"
Nếu Ông Già, Bà Lão.

Con sẽ thưa:
"Thưa Bác mới đến"
Hoặc: "Thưa Chú, thưa Cô
Thưa Cậu, thưa Dì đến chơi"

Con sẽ chào hỏi
Để thành người lễ phép!
Con không đứng nhìn
Như mấy đứa bạn của con.

Con còn nhỏ,
Nên con chưa rót nước
Để mời Ông hay mời Chú
Như anh chị của con.
Nhưng mai mốt khi con lớn
Con sẽ làm, vì là lịch sự
Ông Ngoại con bảo
"Lịch sự chẳng mất tiền mua,
Nhưng lịch sự
Làm cho con thêm giá trị,
Cái quý nhất là giá trị con người!"
Nghe lời Ông Ngoại,
Con sẽ ráng...,
Ráng "Làm người lịch sự"!

9- Yêu Mến Mẹ Cha.

Một hôm con học về,
Con thấy mẹ ngồi võng
Sau khi thưa mẹ xong
Con ngồi vào lòng mẹ:

"Mẹ! Mẹ à!
Mẹ thương con nhiều không?
Con thương mẹ nhiều lắm!
Con cũng thương ba nữa.
Con thương để trên đầu.

Nhưng cô giáo bảo con,
Thương để dành trong tim
Mỗi khi nào xa vắng,
Mở lòng ra mà nhớ!"

"Ừ"! Mẹ cười và bảo:
"Thương cứ để đáy lòng
Ngày nào con có nhớ
Cứ lấy ra mà xem"!

10- Công Ơn Cha Mẹ.

Trong trường cô giáo dạy
Con đã được sinh ra
Nhờ có cha có mẹ,
Và mỗi năm mỗi lớn
Cũng lại mẹ với cha!
Công cha nuôi, mẹ đẻ
Chăm sóc con từng ngày;
Những ngày con bị bệnh
Cha mẹ cũng cùng lo.

Con vui cha mẹ mừng
Con buồn cha mẹ buồn!
Cô giáo con cũng nói
Con ráng học, chăm ngoan
Là đền ơn cha mẹ.

Con có học ca dao
Cô giáo con đọc lớn,
Con đọc theo cô giáo:
"Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu, mới là đạo con"

11- Nhường Nhịn Lẫn Nhau.

Ngoại con đã bảo rằng:
"Anh, chị, em cùng mẹ
Cùng máu mủ, cùng cha
Nên thương nhau thân thiết!

Chị nói, em nên nghe
Thương em, đừng ăn hiếp
Cùng giúp đỡ lẫn nhau,
Mới thực là quý mến.

Người ta nói:
"Giọt máu đào hơn ao nước lã",
Là anh em đâu phải người xa,
Nhường nhau, nhẫn nhịn gọi là
Yên vui, êm ấm cả nhà hân hoan!

12-Thương Yêu Ông Bà.

Hôm qua vào lớp học,
Cô giáo hỏi các con:
"Em nào có Ông Bà,
Giơ tay lên cô biết?".

Các con đều đưa tay:
"Con quý mến Ông Bà".
Cô con liền nói tiếp:
"Ông Bà sinh cha mẹ,
Cha mẹ mới sinh ta
Nên thương yêu Ông Bà,
Và thương nhiều lắm lắm!
Để Ông Bà vui vui!".

Tôi cố gắng làm khoảng non 40 bài thơ dành cho bé để giúp cha mẹ tóm tắt những điều căn bản của Đức Dục, đồng thời với những bài đề cập đến lớp trường, thầy cô bạn bè thân yêu gọi là thêm mắm thêm muối cho vị ngọt của tuổi thơ càng đậm đà hơn. Và cũng là phụ lực với chương trình ở nơi xứ lạ quê người không có môn Đức Dục. Tôi đưa ra những bài ấy để tùy ý thích của mọi người. Nhưng chung quy cũng muốn con em chúng ta được hướng dẫn theo những cái hay của nền văn hóa, phong tục của Việt Nam!

Nguyên Thảo,
22/12/2009.

No comments:

Post a Comment