Sunday, February 28, 2010

H.T Chữ Nghĩa 10: Sự Ra Đời Của “Đồ Ngông”!

Trong khi tôi cố gắng bỏ thời gian và công sức của mình, cùng tận dụng mọi khả năng để làm được một cái gì đó phụ lực với phụ huynh hướng dẫn con cái được tốt hơn và nhằm lôi kéo Thanh Thiếu Niên đi vào sự học, xa lánh những tệ nạn xã hội; thì “đột nhiên” có “một nhóm người lớn” (đều ngoài năm mươi tuổi cả) mở mặt trận trên báo chí, không từ bỏ ngôn từ tục tỉu hay bẩn thỉu. Họ sử dụng chữ nghĩa như những ngọn đao để sát phạt lẫn nhau kể cả “bôi lọ”. Tôi thật là ngỡ ngàng!

Tìm hiểu ra thì cũng là ở chỗ tranh giành với nhau.

Hơn mười mấy năm, một ông đóng vai trò Chủ tịch Cộng Đồng cùng với Hội Đồng Quản Trị Cộng Đồng của ông ta không có ai ứng cử để thay thế. Thế nhưng từ khi Hội Phụ Nữ nọ bị giải tán vì “có vấn đề”, ngân sách tài trợ bên ấy được Tiểu bang chuyển thêm sang cho Cộng Đồng thì có những thay đổi. Có người thay thế, có dư dả tiền bạc. Rồi thì mùa bầu cử Công Đồng kế tiếp có hai liên danh tranh cử với nhau. Ứng cử, tranh cử tất nhiên sẽ có thủ thuật để dành thắng. Nhưng trong cuộc vận động, người của liên danh đương nhiệm đã sử dụng đến tờ báo hiện có để viết bài hạ uy tín của liên danh đối lập. Sau khi thất bại, liên danh đối lập thấy mình cần có một tờ báo để làm hậu thuẫn nếu họ muốn làm chính trị. Đó là nguyên nhân một tờ báo “free” khác được ra đời do ngoài mười người hùn hạp lại với nhau. Trong cuộc vận động thành lập đã có những ý tưởng triệt hạ tờ báo kia trong vòng sáu và sau chỉ còn ba tháng. Người được cho biết ý tưởng đó lại là người của tờ báo kia. Với sự ra đời của tờ báo mới giá quảng cáo, những tin vui buồn giảm bớt đi còn hơn phân nửa. Mất bớt phần và có sự cạnh tranh trong làm ăn, tờ báo trước có những bài viết châm chích, moi móc đời tư của những người trong nhóm kia mà bêu xấu. Những bài viết ấy thể hiện sự bẩn thỉu của những người trí thức biết viết văn và làm thơ. Những bài viết của họ chứng tỏ họ viết rất có khả năng, nếu họ tìm cho mình con đường đúng hướng; những bài thơ rất chỉnh trong phần vần, đối... với những bài Thơ Đường. Còn về những thể thơ khác cũng chứng tỏ khả năng làm thơ của họ. Tuy nhiên, họ viết văn thơ không phải để đem ích lợi đến cho mọi người, cũng không nhằm mục đích văn nghệ, mà là nhằm mục đích chửi người khác để thỏa mãn sự sân hận của mình, của nhóm, cùng phe đảng.

Cuộc tấn công cứ tiếp diễn chậm chạp cho đến số báo Giáng Sinh năm đó. Trong tờ báo có trích đăng câu chuyện mà một ông Linh Mục nào đó gởi đến từ tiểu bang khác, bài “Giấc Mơ Noel” của Linh Mục người Ý Domici (Đỗ Minh Trí) viết bằng tiếng Việt. Trong bài ấy kể đến câu chuyện mười mấy người lính hãm hiếp một người đàn bà. Thế là những người lính cũ phản ứng về bài viết đó, coi như bài đó là mạ lỵ quân đội cũ, họ làm ầm ĩ lên. Một bên đòi xin lỗi, một bên không chịu. Và sau đó những bài viết đầy thù hằn, bêu xấu xuất hiện mạnh mẽ trên tờ báo đầu tiên. Có cơ hội và thiên hạ lấy báo thêm nhiều, tờ báo đầu tiên trở nên là diễn đàn “để chửi”, để những kẻ làm thơ, viết văn dùng nghệ thuật mà “đổ trút” những ấm ức và hận thù”. Kẻ binh, người chống; cộng đồng trở nên nhốn nháo. Lạ một điều, trong Cộng Đồng không một người nào trong Hội Đồng Quản Trị, cũng không một người nào trong các đoàn thể, phe phái chính trị hay Tôn giáo đứng ra giải quyết, kể cả nhóm Sinh Hoạt Văn Học Nghệ Thuật cũng ngậm câm dù người khác dùng Văn chương chửi nhau. Còn những người Trí thức, khoa bảng cũng không thể xía vào. Họ tấn công hăng lắm! Giống như phải triệt hạ cho được kẻ thù. Nếu có người viết bài khuyên can, hoặc bênh vực, họ “không cần biết” và tấn công luôn. Cho nên cả một cộng đồng rút chui vào những hang để họ tự do tung hoành (điều nầy tôi viết không quá đáng và cũng chẳng ngoa). Tôi yên lặng trong vòng hai tháng để xem tình hình thế nào và ngẫm nghĩ “cũng đáng buồn cười”! Qua văn chương, phong cách của họ chửi; tôi thấy tôi có thể có khả năng để họ giảm bớt được cường độ “hăng máu” của họ.

Tôi nhớ đến một chuyện mà ngày còn nhỏ phải “giữ em”: Có một đứa bạn giữ em của nó, em nó khóc hoài mà dỗ thế nào cũng không nín. Càng dỗ đôi khi em nó lại càng khóc nhiều hơn. Thế rồi nó lại ngồi khóc. Trong khi đó em nó thôi khóc để nhìn chị khóc.

Tôi nhất định phải sử dụng đến “chiêu thức” ấy, nhưng hình thức chửi để họ nín chửi phải thế nào đây, để không đụng chạm đến tự ái của họ, chửi mà họ không chửi mình được. Tôi phải “chửi cuộc đời” mà không thể chửi người; chửi “bông lông” (chửi đổng) chứ không thể chửi một người nào. Tôi đã nghĩ ra hình thức chửi!

Nhưng trước khi nhập cuộc mình thử can họ trước đã! Thế là một ngày nọ (28/04/02) tôi ngồi trước máy vi tính để đánh bài “Uy lực của ngòi viết” như sau:


Uy Lực Của Ngòi Viết.

Hôm nay cầm đến cây viết, Đồ Ngông tôi bỗng giật mình, không ngờ "cây viết" nó dữ tợn đến như thế! Có những lúc cây viết để diễn đạt tình yêu. Ôi! Thật là thơ mộng: Tôi lâng lâng tâm hồn theo dĩ vãng, tình bay bay theo lời thơ, ý văn.. Có những lúc câu văn, câu thơ thúc giục, nung đúc hùng tính của con người...Có những lúc câu văn, câu thơ đem tôi về những kỷ niệm thật là đẹp: Ngày Đồ Ngông tôi còn đi học, cứ hay tưởng tượng đứa bé ôm tập theo mẹ đến trường trong bài "Tôi đi học" của Thanh Tịnh- Hay, ngày tôi đi học xa, khi học thuộc lòng bài "Nhớ Cố hương" của Vita, rồi nhìn về cánh đồng ruộng mới vừa cấy xong, tôi lại thấy dáng con cò mà lòng có một nỗi buồn mang mang...

Rồi đến những ngày, đêm lênh đênh trên biển Đồ tôi cảm thấy chạnh lòng: Mình quả thật đã xa quê hương, xa một thời kỷ niệm dấu yêu, bỏ qua đi những kỷ niệm ngày thơ ấu, và hết rồi những buổi đến trường... Bước lên đất liền, đi vào các trại mình mới thấy mình lang thang... Tình nghĩa đồng hương thuở ấy sao mà đẹp vậy: Mỗi thứ đều chia nhau, giúp đỡ nhau, chỉ có một vài cá nhân hoạnh hoẹ, khác thường mà thôi...

Thời gian mỗi ngày một đi tới... Cho đến bây giờ Đồ tôi mới thấy rõ được "uy lực của ngòi viết". Thực sự mà nói, nếu không có hai tờ báo biếu của địa phương, thì Đồ tôi vẫn chưa khám phá được điều ấy, dù tôi đã xài cây viết từ lúc mới bước chân vào trường học.

Tôi không hiểu vì sao mà có sự "không vừa ý nhau" đến như vậy? Bài "Giấc mơ Noel" là lỗi lầm của Tác giả? Của người có trách nhiệm? Hay chỉ là một cái cớ để nổ lớn từ một ngòi nổ âm ỉ có từ trước, hoặc của hai phe nhóm nào đó?

Đồ Ngông tôi dù là ngông thật, nhưng cũng là một thành viên của Cộng đồng, Cộng đồng xấu tôi cũng "ê mặt" một phần nào với các bạn Tây của tôi. Nếu tôi làm xấu, Cộng đồng cũng buồn không ít. Nhiều lúc tôi nghĩ, không lẽ người Việt chúng ta từ bỏ quê hương,... để mang đến xứ người những nét, những hình ảnh "không hay" ư?

Cũng nhờ các ngòi viết của các vị "Trí thức", "Thức giả" mà Đồ Ngông tôi lại biết được khá nhiều chuyện, mặc dù tôi chỉ thuộc về loại "Dân ngu, cu đen", chỉ biết "tía em hừng đông đi cày bừa, má em hừng đông đi cày bừa, tía em, má em và em là những người nông dân", chỉ biết có cây dưa, cây ớt, cây cà, quấn dưa, hái cà, vô thùng, xịt thuốc, vô phân, tưới nước...

Một ngày đẹp trời sau Giáng sinh, Đồ tôi cầm tờ báo địa phương lên đọc. Tôi giật nẫy mình: Có chuyện gì nữa đây? Có sự ồn ào nữa rồi! Nhưng tờ báo tôi xin ở tiệm thực phẩm về Giáng sinh ấy mất rồi! Sau vài tuần đọc các bài "lộn xộn,... xồn" ấy cũng vui. Có lúc Đồ tôi thấy tình hình có vẻ đi xa hơn mà không biết nguyên nhân thì "dở" thiệt, bèn "ráng lết" tới tòa soạn xin tờ báo cũ về coi. Đồ tôi không có ý kiến gì hết, coi rồi làm thinh, nhìn thiên hạ "hát" coi chơi!

Đùng một cái: Có ngòi bút mở màn tấn công. Đồ tôi bật ngữa, tai nghe ù ù: Chuyện đời tư người nầy, nhóm kia, khui từ đời ông bà, cha mẹ, chửi "xã giàn"... Nhưng cũng may... chỉ là Chuyện Phiếm mà thôi!???

Ôi! Đồ tôi bất tỉnh đến cả mười phút sau. Từ lúc ấy tôi mới ngó lại cây viết của mình mà năn nỉ nó "Viết ơi! Xin mầy đừng làm khổ tao; nếu có, tao mong mày hãy gãy đi trước khi tao viết". Thế là tôi đã "ngộ" được chân lý: Uy lực của ngòi viết.

Từ ngày ấy, tôi lại biết được nhiều chuyện: Từ chuyện cha đi chăn trâu, con bán bánh mì; từ chuyện già gân gần chết đến chuyện làm sui gia..., hoặc đốt tiệm, giựt nợ; hoặc chủ tịch hội "hữu danh vô thực" lâu ngày...

Đồ tôi khoái nhất là vị "Trí thức" nào đó viết về chuyện con trâu, bò "hữi l.. con cái" thật là chính xác, giống như thằng bạn tôi đã kể và làm dáng điệu cho bọn tôi coi gần 40 năm về trước khi nó đi chăn bò ngoài buổi học để giúp gia đình; quả rất tài tình. Tôi đọc mà thán phục vô vàn. Đúng là người có nhận xét tinh tế.

Đồ tôi "khoái" đọc các chuyện ồn ào ấy lắm, và muốn theo dõi coi kết cục tới đâu, giống như mình xem phim kiếm hiệp vậy. Nhiều lúc lại muốn có nhiều tờ báo khác xuất hiện để "có chuyện" mình coi chơi. Nhưng rồi nghĩ lại, nếu như vậy thì cũng tội nghiệp cho nhiều người:

1- Tội cho người trong Cộng đồng phải biết chuyện người khác, rồi phải bàn luận, nói ra nói vào; đôi lúc không ưng ý cãi lộn nhau thì tình nghĩa anh em lại không vui.

2- Biết chuyện tư, chuyện xấu của người "có vai, có vế" thì cũng không phải, mình sẽ đâu còn "nễ" họ, thì làm sao họ làm việc.

3-Tội cho người bỏ công, thiện chí ra gánh vác chuyện Cộng đồng, không có đủ thì giờ làm việc, lấy đâu giải quyết các việc "tào lao". Không giải quyết thì chuyện lớn xảy ra mang tiếng cả Cộng đồng, hoặc bị chỉ trích là "thiên vị".

4- Tội nghiệp cho Hội Sinh Hoạt Văn Học Nghệ Thuật phải đứng mà nhìn người "cầm bút" sử dụng "thi ca, văn chương" một cách rất ư là "nghệ thuật" (!), và chỉ có "nước" khóc cho nghệ thuật mà thôi!

5- Tội cho những người làm báo, không biết mình làm báo để phục vụ cho Cộng đồng hay "chửi nhau" hoặc "vạch thẹo" cho cộng đồng coi chơi?

6- Tội nghiệp cho ngành báo chí, không biết làm báo để "chửi nhau" hay để phục vụ cho mọi người.

7- Tội nghiệp cho người viết bài "nghệ thuật" kia phải "nặn" óc tìm ra những từ ngữ chính xác, súc tích, nặng nề; "kiếm" các câu văn đúng "tầm mức" để mà sáng tác cho xứng đáng với "công trình nghệ thuật" (!) và hợp với trình độ "trí thức" (?) của mình.

8- Tội nghiệp cho văn học Việt nam, nhất là ở hải ngoại (Úc châu) phải cưu mang thêm một trường phái mới là "Văn Học Chửi Lộn" bên cạnh Trào phúng, Trào lộng và Châm biếm. (Nói thế chứ Đồ Ngông tôi cũng "khoái" trường phái nầy lắm!), cho nên qua thời gian trên, Đồ Ngông tôi cũng:

Bắt chước!

Bắt chước người, ta chửi... (chửi) cuộc đời
Ta nay, hứng chí viết văn chơi
Làm thơ "moi móc", đời nhiều "xấu"
Rồi chửi, rồi la đỡ hận đời!

Ta tiếc xưa kia học lỡ làng
Ngày nay ngu dốt, làm dân gian
Câu thơ, chữ nghĩa không sâu sắc
Chửi chẳng bằng ai,"tức bẽ bàng".

Phải trước ra đời đi "bán cá"
Học đòi sách vở của "hàng tôm"
Ngày nay "võ miệng" tha hồ chửi
Cho đám người gian "tịt" cái mồm.

Đẻ đứa con nào cũng đau đớn. Đẻ đứa con "Tinh thần" lại khó khăn hơn. Đồ Ngông tôi chỉ xin "Lạy Trời! cho tôi đẻ được đứa con ngoan, dễ dạy, có ích cho đời, cho mọi người. Đừng bắt tôi phải đẻ ngang hông, đau đớn lắm!".

Đồ Ngông.

Khi viết bài ấy, lúc đầu tôi dùng đến chữ “tôi” và không có một hình thức nào “tếu” cả, vì từ nhỏ đến lớn tôi không có khiếu về “tiếu lâm” và cũng khó mà “nói chơi” được. Nhưng đây là hình thức mà tôi phải sử dụng đến để “có thể đùa với” những người đó được. Còn bút hiệu thì sao đây? Hàng nửa tiếng đồng hồ tôi phải suy nghĩ về bút hiệu. Nếu lấy là “Nguyên Thảo” thì họ sẽ dìm mình vào đống bùn. Tôi phải lấy một bút hiệu khác để đùa với họ thôi! Nhưng tôi là một kẻ vô danh tiểu tốt chẳng ai biết tôi là ai, mặc dù trong bài Thiền người ta đã để ý, và trong “Những bài viết cho con”, “Những bài viết về mẹ” hay “Vu Lan”, người ta có chú ý nhưng chẳng mấy người biết là tôi. Tôi sống rất khép kín, chỉ biết đi làm, rồi về nhà chẳng tham gia gì cả; đến ngay chuyện cộng đồng tôi cũng chẳng rành.

Tôi lại nghĩ tại sao tôi phải can thiệp vào chuyện nầy? Những người trí thức, vai vế, chức sắc tôn gíáo, hội đoàn không nói tại sao tôi phải nói? Nhưng không là tôi thì ai dám nói bây giờ?

Tại sao tôi lại tự đặt mình trong một vị thế như vậy? Thật sự tôi bị họ chạm phải trên phương hướng. Tôi không thể nào ngờ được, tôi cố gắng bằng mọi hình thức để lôi kéo trẻ con vào con đường tốt, nhưng tại sao những con người lớn tuổi, có vai vế trước kia, có học thức tại sao họ không suy nghĩ để rồi họ làm như họ đang làm. Không một ai dám can thiệp kể cả Hội Đồng Quản Trị của Cộng Đồng và những tổ chức chính trị. Tôi cũng thừa biết những người trí thức có uy tín không dám can thiệp vì họ sợ bị chửi thì danh dự họ chẳng còn. Người trong đoàn thể thì không dám vì sẽ kéo đoàn thể mình vào cuộc nếu mình muốn đơn phương can thiệp với tính cách cá nhân. Còn đối với tôi: Tôi chỉ là một tên tiểu tốt, chẳng ai biết mình; tên nông dân tầm thường, không có uy tín dù ở bất cứ nơi đâu. Tôi can thiệp vào thì họ có chửi tôi thì cũng giống như người ta chửi một thằng dân ngu cu đen, chẳng có gì quan trọng cả! Và nếu không can thiệp thì đến khi nào mới yên! Vì ích lợi chung của cộng đồng, vì muốn mọi người được sống yên ổn trên xứ người tôi nhất quyết phải can thiệp nếu họ có chửi tôi hay dìm tôi xuống bùn. Tôi chỉ nhờ vào nhận định của tất cả đồng hương đã cố công theo dõi sự việc.

Tôi cũng nhận thức rằng “họ cũng sẽ chửi tôi” như đã chửi bao nhiêu người khác khi mà tôi cản bước tiến của họ. Họ được sự hậu thuẫn của một tổ chức khá lớn và có sức mạnh. Tôi vẫn biết như vậy! Tôi làm chỉ vì một tấm lòng đối với chung mọi người!

Tôi làm một việc rất ngông: Đành đánh đổi uy tín viết văn của mình trước kia với một việc không đâu; “như không” mình lại đút đầu ra để cho chúng chửi! Từ hành động “ngông”, tôi đã là thầy giáo thôi thì là “đồ ngông”. Chữ “đồ” mang nhiều nghĩa kể cả nghĩa Bắc. “Đồ” là cái thứ, cái hạng người; “đồ” cũng là ông đồ (ông thầy giáo). Thế là “đồ ngông” biến thành “Đồ Ngông”: Ông thầy giáo có tánh ngông ngông. Tôi đã viết: Tôi ngông nên nói bậy mà chúng còn chửi thì độc giả bênh tôi và sẽ chửi chúng là “đồ khùng”. Đó là cái bút hiệu súc tích ý nghĩa của tôi. Tôi sẽ đặt họ trước cái bẫy mà tôi đã gài ra.

Sau đó tôi ký bút hiệu ấy dưới bài đầu tiên, và giọng văn cũng phải “tếu” đi chút ít để thích hợp với bút hiệu. Đồ Ngông phải năng nỗ can thiệp vào trên bình diện “thơ” lẫn “văn”. Bên cạnh đó là những thời gian nghiên cứu về đạo Phật. Đồ Ngông thật sự chính thức đã ra đời!


Nguyên Thảo,
25/12/2009.
(“Cuộc Hành Trình Của Chữ Nghĩa”)

No comments:

Post a Comment