Sunday, February 28, 2010

Âm Nhạc Với Đời Sống.

Đồ Ngông tôi mà viết bài nầy chắc chỉ làm trò cười cho anh Đăng Thảo, Phan văn Hưng (hai nhạc sĩ ở Nam Úc- Úc Châu) lẫn các bạn nhạc sĩ khác mà thôi. Nhưng Đồ tôi cũng nghĩ rằng các anh ấy sẵn sàng tha thứ vì một là Đồ Ngông tôi vốn ngông, hai là Đồ tôi chỉ quảng cáo cho các anh ấy, chứ không có ý tranh giành hay giành giựt cho nên Đồ tôi không sợ các anh ấy phiền lòng!

Đồ tôi vốn biết hát chút chút, hát với trẻ con mà Đồ tôi phải cầm thước gõ đầu thì được. Nhưng mỗi lần hát, trẻ con lại bụm miệng cười khúc khích vì tiếng Đồ tôi giống như vịt đẹt kêu lên khi bị người ta đuổi chạy. Thế mà Đồ tôi lại thích các bài hát, thế mới chết! Trong cuộc đời của Quý vị không biết thế nào, chứ Đồ tôi gần như có những kỷ niệm thiết tha và yêu quý không cùng mà dám chắc trẻ con Việt nam trên xứ Úc, hay bất cứ trên xứ nào cũng không thể có được. Vì rằng vào thời các giai đoạn ấy, trên đài phát thanh rất thường hay hát các bài hát ấy. Bây giờ thì có bài Đồ Ngông tôi nhớ tên, có bài chỉ nhớ được vài câu, có bài không biết tựa là gì, nhưng nó vẫn là kỷ niệm của Đồ tôi.

Ngoài bài Quốc ca: "Nầy Công dân ơi! Quốc gia đến ngày giải phóng, đồng lòng cùng đi hi sinh tiếc gì thân sống...", trong lớp học đầu tiên ấy có mấy anh mấy chị; nào là Cờ, Tướng, Tự, Sơn, Chi, Son, Gõ, Năm... Và bên nữ chị Mây, Thay, Tuyết, Mới, Khởi, Băng Tâm... đứng sắp hàng mỗi sáng "nhóng mỏ" ca thật lớn, trong khi đó thì hai bạn đứng kéo cờ lên. Xong tới bài "Suy tôn Ngô Tổng Thống". Ôi! Bây giờ trong lứa bạn có người mất, người còn, những dáng trẻ con ấy không thấy nữa, đầu đã bạc, răng bắt đầu rụng, con cháu đầy đàn. Vào cuối năm lớp nhì cả lớp lại bùi ngùi, lau nước mắt tiển thầy Trọng đi động viên vào quân đội. Và năm sau lần đầu tiên viết chánh tả với cô giáo người Bắc: Vũ thị Hồng Ngọc. Cô đọc tựa bài "Cách định bệnh", có đứa thì viết đúng, có đứa viết "Cách địch bạch", đứa thì viết "Cách định bạch" rồi "địch bệnh" cùng nhau ngơ ngác. Khi bắt lỗi đứa ít nhất cũng là 8 lỗi, đa số đều trên mười lỗi lãnh "dê rô" ốc ngỗng. Tuy nhiên trong các thời gian ấy nào là bài "Khỏe vì nước", rồi "Ngày bao hùng binh tiến lên, bờ cõi vang lừng câu quyết tiến..." hoặc "Dưới ánh ô vàng rầm rầm hùng binh ta tiến.." rất khí thế. Lúc thầy Trọng còn ở trường thầy dạy nhạc nhiều lắm, có lúc thầy đem đàn Măngđôlin đàn đệm nghe dòn dã. Rồi có những ngày, các thầy ở trường khác quy tụ về vừa bắt giọng trò ca, các thầy cũng ca, Ôi! Thật là vui vẻ cả trường!

Những năm sau, đám nầy rả đi. Vì Đồ tôi "quá giỏi" nên thi tuyển vào Đệ Thất Trung học bị làm cái "bịch". May nhờ có tỉnh mới mới thành lập tuyển dụng. Đồ tôi không mất một năm, nhưng phải lên một quận xa xôi gần chiến khu. Ở đó, cứ mỗi đêm nghe đại bác từ quận bắn đi vào vùng chiến khu D của Việt Cộng. Đồ Ngông tôi được thầy cho vài bài nhạc, nhưng kỷ niệm lại là bài "Hoài thu" của Văn Trí. Vốn không nhớ dai, Đồ tôi bây giờ chỉ giữ được vài câu, nhưng vài câu ấy đem lại tất cả những hình ảnh của trường, của lớp, của thầy; nào là tắm sông bến cây da, cây sanh, bến đò... tắm suối bến ông Quận, cây dầu... Đi gạn nước bắt cá khi mùa gặt tới. Đi quơ cũi ở ven đình. Ở đây, Đồ tôi nghe đến nhà văn "Đò dọc" Bình Nguyên Lộc. Đồ tôi cố tìm vóc dáng của ông ta, nhưng chẳng thấy ông đâu. Thôi thì mình đi "Đò ngang" từ bên nây chợ băng ngang qua cù lao sáu xã vậy!

Ôi! bốn năm hàng tuần xa nhà. Cuối cùng lại trở về quê đạp xe đạp. Giai đoạn nầy có bài "Lưu bút ngày xanh" hoặc "Gác lạnh về khuya cơn gió lùa, trăng gầy nghiêng bóng cài song thưa..." ở khu trường Trung học có biệt danh "Trường rừng".

Mãi đến vài năm sau, Đồ tôi lại nhớ đến dáng ông Cõi, bạn tôi ngồi trên cửa sổ đàn Măngđôlin bài "Trăng tàn trên hè phố". Còn tôi ngày cỡi xe đạp bị trời mưa lạnh phải hát bài "Mùa chia tay" hoặc bài gì của Duy Khánh mà quên mất tên rồi: "Có người gặp tôi hỏi sao lâu rồi không về thăm quê miền Trung..." để cho bớt lạnh. Lúc đó, Đồ tôi khá thuộc các bài ấy vì trên Đài phát thanh gần như ngày nào cũng có hát. Và nó cũng lại là những bài hát nhắc Đồ tôi đến Hồng, Niềm lẫn Lịnh.

À! Đồ tôi lại quên trước đó bài "Chuyện tình Lan và Điệp" rất thịnh hành ngày mà thằng bạn thân trong cùng cảnh nghèo của Đồ tôi dẫn xuống trọ ở Sài gòn để đi thi. Nó rớt, nó vào lính, còn tôi năm sau hát bài "Mùa chia tay".

Trong cuộc đời có nhiều biến cố mà người ta không thể ngờ được, biến cố ấy là bước ngoặc có thể thay đổi đời mình giống như chiếc xe chạy đến ngã rẽ bắt buộc mình phải sang đường khác khác với dự định. Đồ tôi tưởng sự học của mình cũng chấm dứt từ đó, nhưng rồi nhờ số trời lại vượt được Vũ Môn như con cá Lý ngư. Cá Lý ngư thì hóa rồng, chứ Đồ tôi lại thành rắn bò ngoằn ngoèo dưới đất, chẳng cắn lấy ai mà lại còn bị đời đá lên đá xuống "mềm xèo" như trái chuối.

Năm ấy, Đồ tôi ngó thấy phong trào hiện sinh, và bài ca "Nỗi lòng người đi" thì phải? "Tôi xa Hà Nội năm lên mười tám khi vừa biết yêu..." cứ hát hoài trên radio. Đồ tôi lại thích nó, thích luôn cả người con gái mình yêu, yêu nhưng mà không dám nói, cho nên đi giữa Sài gòn mà lòng lại thấy "cô đơn", thấy "tâm tư sầu vắng đi trong bùi ngùi...". Rồi tiếp theo lại đến "Xuân nầy con không về", song song với bài "Bông hồng cài áo" của Phạm Thế Mỹ khiến Đồ tôi nhớ những cành hoa phượng vĩ và hai đứa bạn cùng chung chỗ trọ: Thằng Bền, thằng Ánh cùng hai đứa cháu gái của nó. Không biết bây giờ tụi nó đã ra sao?

Năm kế tiếp, Đồ tôi về vùng "ốc đảo" đèo heo hút gió mà đọc hai câu đối của Cao Bá Quát, trong khi phải vận áo dài, khăn đóng, trải giấy đỏ mực Tàu sửa soạn viết:

Trường thì: Một thầy, một cô, một chó cái
Trò thì: Nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi.

Thế nhưng cuộc đời vậy mà vui! Ban ngày, ban đêm ngồi nghe Đài phát thanh phát bài "Trên bốn vùng chiến thuật": "Tôi thường đi đó đây, bùn đen in dấu giày,.." nghe đến câu "Tây Ninh nắng nung người .." mà lòng mình chơi vơi, bùi ngùi. Đôi lúc Đồ tôi cũng khe khẻ hát, thì thằng bạn Đồ tôi giật mình hỏi: "Tao nghe tiếng dế kêu ở đâu vậy mậy, mầy có nghe không?" làm Đồ tôi phải lặng thinh nín nghe với nó. Nhưng mà... đâu có...! Cuộc đời cứ thế mà bình lặng trôi qua, âm hưởng chỉ còn vang vang của những bài "Thương quá Việt nam", hoặc sau nầy bài "Đất đỏ Miền Đông" hay "Cuộc đời vẫn đẹp sao". Trước khi đi vượt biên Đồ tôi có nghe bài gì cũng hay, khiến Đồ tôi nhớ lại vài kỷ niệm, vì trong đó có câu: "con đường có lá me bay" nhắc Đồ tôi nhớ đến lúc đạp xe đạp trên đường Hồng Thập Tự đến đoạn Trường Lê Quý Đôn, lá me "lăng quăng" rớt xuống, rồi xe hơi chạy qua khiến các lá me khô bay lướt trên mặt đường, rơi tấp vào lề nằm yên ở đó. Cũng như Đồ tôi rớt vào Mã Lai, lên đảo Bidong để còn nghe tiếng nhạc bài "Biển nhớ" (chỉ nhạc không thôi!). Và bây giờ hồi tưởng lại thuở ấy ngồi trên đồi ngó vào đất liền, vào những buổi chiều trời lặn, lòng có nhiều lo lắng, tràn đầy xúc cảm. Khi đến Úc rồi thì lại giống lá me bị văng vô lề, nằm im mà nghe cuộc sống của mình đi qua.

Ôi! Cũng nhờ các bản nhạc mà mình yêu đời thêm chút xíu, nghe từng bài mà nhớ lại vài dĩ vãng xa xưa. Có lúc Đồ tôi nghe bản "Nỗi lòng người đi" mà người ngẩn ngơ, bà xã nguýt một hồi và véo một cái đau điếng! Thế là Đồ tôi đã nhớ lại "Cái nguyên nhân" rồi!...

Đồ Ngông,
7-5-02.
(“Chuyện Tào Lao Thế Sự”).

No comments:

Post a Comment