Wednesday, February 3, 2010

H.T Chữ Nghĩa 7: “Những Bài Viết Về Vu Lan Và Mẹ”

“Những Bài Viết Về Vu Lan Và Mẹ” Được Ra Đời!

Với những bài viết về con cái và cho con, tôi thấy là tạm đủ. Tuy nhiên, sau khi suy nghĩ kỹ lại, thì không thể không nghĩ đến vai trò của người Mẹ và nhất là tình mẹ thương con. Với tình cảm và sự mềm mỏng tự nhiên của một người đàn bà; nhất là của những phụ nữ Á Đông, thì họ dễ dàng thu hút con cái, đó là nguyên nhân người mẹ có thể hướng dẫn, giáo dục con cái sẽ được tốt hơn ở nơi cái xã hội Tây Phương nầy. Do suy nghĩ như vậy, nên tôi cộng thêm vào bài “Hãy thương yêu Mẹ” trong “Những bài viết cho con” bằng những bài viết ca tụng Mẹ hay tri ân mẹ trong ngày Lễ Vu Lan để thành “Những bài viết về mẹ”; thứ nhất để Thanh Thiếu Niên hiểu ý nghĩa sâu xa về ngày báo hiếu cho mẹ trong đạo Phật qua tấm gương của Ngài Đại Hiếu Đại Bồ Tát Mục Kiền Liên, thứ hai để nhắc nhỡ các em nhớ đến mẹ, hiểu công lao mà mẹ đã “bỏ ra” cho các em mà từ đó để các em biết thương mẹ, nghe lời mẹ rồi từ từ mẹ sẽ hướng dẫn, lôi kéo các em vào con đường tốt, có ích cho mình và cho xã hội ở mai sau.

Tôi ráng vận dụng mọi khả năng từ ngôn từ diễn tả đến từ ngữ sử dụng hoặc những tấm gương có thật được chuyển hóa để nhằm thu hút Thanh Thiếu Niên “phải cảm động” trước tình thương của chính mẹ mình. Và từ đó người mẹ sẽ đóng vai trò quan trọng “lôi kéo” con vào con đường tốt. Tôi không biết kết quả sự cố gắng của mình tới đâu, vì các em không mấy đứa hiểu rành tiếng Việt để đọc những bài viết của tôi, mà tôi chỉ mong nhờ sự trợ giúp của bậc cha mẹ mà thôi! Quả cũng thật là gian nan! Nhưng tôi thấy vào mùa Vu Lan có khá đông người, không biết do thời tiết tốt hay là do bậc cha mẹ tác động vào. Tôi chỉ nghĩ: Tôi cứ viết vì một tấm lòng, còn kết quả ra sao thì ra!

Không phải tôi không coi trọng vai trò của người cha trong vấn đề giáo dục con cái; nhưng vì tánh nóng nảy, thiếu kiên nhẫn hay cứng cỏi khiến không ít trường hợp đã có tác động không tốt giữa cha và con làm cho sự hướng dẫn con gặp nhiều khó khăn hoặc nan giải. Tôi chỉ đưa biện pháp nầy ra nhằm giúp giải quyết khó khăn đó là chính, và ngoài ra nếu biện pháp nầy có kết quả thì tôi cũng mừng cho những ai được sự hỗ trợ của nó.

Từ đó cứ vào mùa Vu Lan báo hiếu trong hai ba năm liền, tôi cố gắng viết dù là văn hay thơ, dù là ngắn hay dài, tôi hâm nóng tình “con nhớ ơn cha mẹ”, tôi chỉ sợ là các em sẽ quên. Nhưng về sau nầy, theo nhiều diễn biến của xã hội, các bậc cha mẹ không dám buông thỏng con cái để theo đuổi công việc làm ăn nữa; mà đa số lại bám sát vào con: Đưa rước đi học, cho học thêm, hay học đàn, học võ, thể thao... để chúng không có thì giờ bị bạn bè, người xấu lôi cuốn vào tệ nạn. Tình hình kinh tế càng khó khăn, tệ nạn càng dẫy đầy; luật pháp càng nhân đạo, thì tệ nạn cũng nhân đó mà vươn lên. Sự dạy con trở nên là một vấn đề quan yếu! Sau đây là một số bài cho cùng mục đích ấy:


*Hãy Thương Yêu Mẹ!

Con yêu dấu,

Không phải kể ơn khi Ba viết về đề mục nầy. Nhưng ít ra khi làm con người có suy nghĩ, có được ý thức, tức là con đã biết mình thương người nào, ghét người nào; và con cũng cần nên biết Ba Mẹ mình đã làm những gì cho mình, và làm việc ấy với mức độ hi sinh ra sao? Nhiều hay ít?

Ba không biết bây giờ con có người yêu hay bạn gái chưa? Tình yêu con dành cho người bạn gái thế nào? Gần thì vui, xa thì nhớ phải không con? Tình yêu ấy mới chỉ là mãnh liệt, bộc phát trong khoảng thời gian nào đó thôi. Chứ còn một thứ tình yêu khác mà con không thể tìm ra được khi Ba Mẹ đã mất! Đó là tình Ba Mẹ thương con!

Chắc có lần con đã ngắm nghía và quan sát một bông hoa từ lúc nó còn búp đến khi nó nở, tàn rồi trở thành trái. Đó là một lẽ của tạo hóa! Thời gian mà con thích nhìn nó nhất là lúc nó nở hoàn toàn. Có những cánh hoa mềm mại, màu mơn mỡn, nhụy lấm tấm vàng, đẹp đẽ làm sao ấy! Và lúc mà hoa ấy bắt đầu úa để tạo thành trái là lúc con không thích nhìn nữa. Đấy là giai đoạn của loài hoa. Con người cũng không khác hơn bao nhiêu con ạ! Con người lúc bắt đầu dậy thì, phát triển như bông hoa đang độ búp. Khi hoa nở là lúc thanh niên nam nữ vào lứa tuổi yêu đương. Cho nên người xưa mới gọi thời kỳ ấy là "Tuổi thanh xuân" hay "Thời kỳ hoa bướm", giống các con hiện nay vậy. Các thiếu nữ là những bông hoa. Hoa nở ra mỗi bông một vẻ, màu sắc mơn mỡn xinh tươi, tràn đầy sức sống, lay mình trong gíó để chào đón các cánh bướm "chàng trai" đang nhởn nhơ, tung cánh khoe màu sắc của cánh mình. Con thấy cảnh ấy có nên thơ không? Chính vì vậy, những vần thơ tình, những bài hát yêu đương, những tiếng còi sinh hoạt thanh niên đều vào thời ấy cả! Và đó, cũng là thời kỳ nhiều kỹ niệm nhất được gom góp bỏ vào "rương cuộc đời" để về già, ngồi uống nước trà mà nhớ lại!

Khi con chọn được người yêu và tiến đến hôn nhân, quyết lập gia đình tức là bắt đầu vào giai đoạn khác của con người. Những năm đầu chưa có con, hai vợ chồng vẫn còn thoải mái, đi đây đi đó, vui vẻ lẫn nhau. Khi có con thì cặp vợ chồng nào cũng vậy. Cũng phải lo lắng, nghĩ đến làm thế nào chăm sóc cho con. Làm có tiền để lo cho con đầy đủ. Con mình phải đẹp thế nầy, thế kia. Ngoan thế nào? Học giỏi ra làm sao?

Mỗi bước trưởng thành của cái thai là mang thêm một suy tính cho người mẹ và suy nghĩ cho cả người cha. Đôi khi cái thai làm cho người mẹ ăn không được ngon, uống không được thoải mái. Hoặc đôi lúc sức khoẻ yếu kém, nhưng người mẹ vẫn thấy thích thú: Vì mình sắp có con. Bước đi ấy phải mất 9 tháng 10 ngày!

Sự đau đớn của Mẹ sinh con ra không phải là đơn giản. Chắc có lúc, con đã coi phim trên truyền hình, có vài đoạn phim chiếu cảnh người mẹ sinh con, quả cực khổ vô ngần như Thánh Kinh đã viết: "Ngài (Đức Chúa Trời Giê Hô Va) phán cùng người nữ rằng: Ta sẽ thêm một điều cực khổ bội phần trong cơn thai nghén; ngươi sẽ chịu đau đớn mỗi khi sinh con;..." (Sáng thế ký; 3:10).

Khi con ra đời, nhìn thấy con trọn lành, mẹ con mĩm cười, hôn đứa con mình lần đầu tiên: Sao mà dễ thương quá! Rồi nửa đêm con thức giấc đòi bú, ỉa, đái hoặc con khóc; tất cả sự việc đó mẹ con đều phải thức, giấc ngủ chẳng được ngon! Chứ không như bây giờ, mẹ con kêu con dậy để học bài vì trời đã tối, con lại cự nự, cằn nhằn. Hoặc kêu con ngủ sớm để mai dậy sớm thì con cũng lớn tiếng, cộc cằn. Đó là chưa kể đến ngày thì mẹ phụ cùng ba, tối về con lại bị bệnh nóng sốt hay khóc suốt đêm, thì con cứ thử nghĩ: Mẹ con sẽ phải làm gì? Mỗi năm con mỗi trưởng thành, mỗi năm mẹ con phải lo nhiều hơn. Ai đi làm, ai cơm nước, ai giặt giũ quần áo cho con, ai dậy sớm thức khuya. Công sức ấy rất nhiều con ạ! Đó là tình mẹ thương con! Nếu "công cha" chỉ cao "như núi Thái sơn", thì "Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chày ra", không bao giờ dứt. Nếu con đã hát karaoké, thì ba nghĩ ít ra cũng có một lần con hát bài "Lòng mẹ" của nhạc sĩ Y-Vân: "Lòng mẹ bao la như biển Thái bình dạt dào" và "lòng mẹ như dòng suối hiền ngọt ngào" và nhiều...nhiều nữa! Con cảm thấy lòng mình thế nào khi con hát?

Có một câu chuyện hồi nhỏ ba học, bây giờ ba kể lại cho con nghe. Chuyện đó nói về lòng mẹ thương con: "Một ngày kia, có một người thợ săn đi vào trong rừng săn thú. Đi đến một rừng cây nọ, người thợ săn thấy con vượn mẹ đang đèo con vượn con chuyền qua cành. Người thợ săn liền lấy cung tên nhắm bắn con vượn mẹ. Con vượn trúng tên. Biết mình không thể sống được nữa, con vượn mẹ liền cho con bú, xong rồi lăn ra chết. Con vượn con bò quanh vượn mẹ kêu gào! Người thợ săn bắt luôn con vượn con đem về nuôi. Nhưng liền mấy ngày nó không ăn, không uống rồi cũng chết".

Con có hiểu chuyện kể ấy không? Vượn mẹ thương con đến lúc sắp chết vẫn còn sợ con đói và vượn con thương mẹ cũng không ăn, không uống mà chết. Thì đối với con người, tình thương con còn sâu đậm hơn nữa con ạ! Mỗi lúc con đi chơi về khuya, con đâu biết mẹ con cứ thức giấc chờ con. Con càng về khuya thì mẹ con càng bồn chồn, không an lòng! Thực ra, tình mẹ bỏ ra không bao giờ tính toán đúng như câu:

Mẹ nuôi con như biển hồ lai láng,
Con nuôi mẹ tính tháng, tính ngày. (ca dao)

Những điều ấy bây giờ Ba nói thì con chẳng chịu tin. Nhưng đến khi lớn lên có vợ, có chồng và có con thì lúc đó con mới hiểu. Khi con hiểu thì Ba Mẹ có thể đã mất đi rồi! Cho nên, trong đạo Phật có ngày lễ Vu-Lan, đó là ngày báo hiếu vào ngày rằm tháng bảy. Lễ ấy bắt đầu lúc Ngài Mục-Kiền-Liên báo hiếu cho mẹ được truyền đến nay. Và sau nầy, trong buổi lễ có thêm phần "Bông hồng cài áo". Ai còn mẹ được cài bông hồng đỏ, ai mất mẹ thì cài bông hồng trắng. Nếu lúc ấy, con phải cài bông hồng trắng thì có lẽ: "Lòng con chan hòa nước mắt!", mà muốn mình được cài lên bông hồng đỏ. Vậy thì, con đừng đợi đến lúc ấy, một ngày nào đó, "Rồi một ngày nào đó, con về nhìn Mẹ yêu, nhìn thật lâu, và nói với Mẹ rằng: Mẹ ơi! Mẹ ơi!..Mẹ!..Mẹ có biết rằng...biết rằng...Con yêu Mẹ lắm không?" (Bông hồng cài áo, nhạc Phạm Thế Mỹ). Chắc lúc đó, Mẹ con sẽ nhìn con qua làn nước mắt vì cảm động.

Mẹ già như chuối Ba Hương,
Như xôi nếp một, như đường mía lau. (ca dao)

*Bài Viết Cho Người Bạn Nhỏ

(Nhân ngày lễ "Vu lan").


Bạn nhỏ ơi!

Ngày Vu-lan lại đến nữa rồi! Lòng em có nôn nao không? Em có nghĩ gì về mẹ mình không? Em hãy dành một chút thì giờ đi em nhé! Em hãy nhớ lại mái tóc mẹ, nhìn kỹ vào sóng mũi, vầng trán hoặc khóe miệng của mẹ cười...Để rồi sau nầy, khi mẹ mất đi em sẽ không bao giờ được thấy nữa. Ngày ấy tất cả những gì sống động của mẹ đều vĩnh viễn ra đi!

Theo thói thường, cái gì mình có trong hiện tại, hoặc đang nắm trong tầm tay thì mình không thấy quý. Khi mất đi rồi, mình mới thấy nó cần thiết và đôi lúc trở nên quý giá vô ngần!

Mẹ đã đưa em vào đời. Mẹ đã bồng em, hôn em, trìu mến em. Bầu sữa mẹ giúp cho em được lớn. Người của mẹ trở nên gầy gò, và da mặt của mẹ theo thời gian cũng nhăn nheo đi. Em có biết vì sao không? Có khi nào em nghĩ đến là do em mà mẹ trở nên như thế không? Em đừng đổ lỗi hẵn cho thời gian nha! Em có biết đâu mỗi giấc ngủ của em, mỗi cơn nóng sốt, hoặc chỉ một buổi em ăn cơm không được, đều là một sự lo lắng chập chùng cho mẹ cả ngày lẫn đêm.

Mỗi lúc em càng lớn hơn. Tới ngày em vào trường học, mẹ phải lo cơm nước, quần áo cho em. Công việc của mẹ càng nhiều thêm. Nào chị, nào anh lại nào em. Bao nhiêu người thì công việc gấp bấy nhiêu lần. Chắc có lẽ mẹ không còn đủ thì giờ để săn sóc cho chính mẹ. Đó là chưa kể mẹ phải lo đi làm kiếm tiền phụ với ba để trang trải chi phí cho gia đình, mua sắm cho em, cho anh và cho chị.

Bạn nhỏ ơi!

Ngày "Mother’s Day" là một ngày tượng trưng. Một bó hoa, một tấm thiệp, một ngày về thăm mẹ, một nụ hôn vẫn chưa đủ, em ạ! Em có nghe người ta đọc lên câu ca dao: "Mỗi đêm mỗi thấp đèn trời, cầu cho cha mẹ sống đời với con", hoặc câu: "Chiều chiều ra đứng ngõ sau, nhớ về quê mẹ ruột đau chín chiều". Mẹ đã dành cho em suốt một khoảng cuộc đời, thì cầu nguyện, nhớ nhung vẫn hãy còn chưa thấm vào đâu!

Ngài Đại-Hiếu Bồ-Tát Mục-Kiền-Liên đã phải nhờ đến mười phương tăng cùng cầu nguyện để cứu mẹ thoát đời ngạ quỷ. Thế thì em, em sẽ làm gì?

Này bạn nhỏ ơi! Mỗi lúc em đi học, mẹ chỉ sợ em ăn không được, ngủ không đủ giấc, thân thể em sẽ ốm, sức khoẻ suy giảm đi; và sự học của em bị thua kém bạn bè, thời gian thành đạt phải kéo dài thêm ra, đời của em càng gian nan cực khổ. Và mỗi khi em đi chơi càng về khuya, mẹ càng thấp thỏm trông chờ. Mẹ không ngủ được, phải đi ra, đi vào. Nào em có biết không? Em có nhìn lên mái tóc của mẹ không? Ngày nào bóng mướt, bây giờ tóc bạc đã vương vương. Mỗi cọng tóc bạc là một nỗi buồn, một điều lo cho em. Mắt mẹ sâu hơn, quầng thâm đen hơn. Em có bao giờ nhìn thấy rõ được điều ấy không?

Em có thể đem đến cho mẹ một nụ cười, một niềm vui, một ý nguyện thỏa mãn bằng sự cố gắng học tập, thành đạt của mình. Em học giỏi, đậu cao, em thành danh, em có việc làm nhẹ nhàng, lương bổng hậu, điều đó đem đến ích lợi cho em; Nhưng tại sao lòng mẹ lại vui? Em chưa hiểu được ư? Nỗi vui ấy giống như em đi thi vậy. Em cố gắng học hành, học ngày học đêm; Đến ngày có kết quả, em mừng vì thấy em đậu có điểm cao; thì công mẹ em cũng vậy: Kết quả của em chính là thành quả của mẹ, hay em chính là kết quả công lao nuôi nấng của mẹ em.

Thế thì, em hãy vâng lời sự dạy bảo của mẹ em đi! Em hãy quấn quít, tâm tình, hỏi ý kiến của mẹ dù em có là bao lớn..! Thời gian đi qua rất nhanh! Khi mẹ đã già, mất đi, em sẽ không bao giờ...không bao giờ kiếm lại được nữa. Ngày ấy em có họa cái hình của mẹ thật to, hoặc ngồi nhớ mẹ bao nhiêu đi nữa, thì mẹ cũng đã..."đi rồi"!

Bạn nhỏ ơi!

Ngày Vu-Lan là ngày để em tưởng nhớ đến mẹ. Em có thể cầu nguyện cho mẹ dù mẹ chết hay còn sống. Ngày đánh dấu sự thay đổi của em, vì em biết rằng "Em hãy còn có mẹ", em hãy cố gắng đem đến cho mẹ những nguồn vui, những nụ cười bằng tình thương yêu mẹ, biết nghe lời và săn sóc mẹ như những ngày mẹ săn sóc cho em. Lúc ấy, em sẽ thấy lòng mình hân hoan, thơ thới đón nhận một bông hồng đỏ mà người ta sẽ cài lên áo em. Và một mai kia, dù em có phải nhận một bông hồng trắng thì em cũng chẳng phải thẹn lòng: Vì em đã làm tròn với mẹ...!


*Nỗi Niềm Của Mẹ !

Bạn nhỏ ơi!

Chắc em chưa có lần em để ý, mỗi khi em kể câu chuyện gì của em ở trường học mà vui thì mẹ em mĩm cười, vui vẻ cùng em. Còn khi em bước về nhà mặt mày em bí xị, mẹ em chưa dám hỏi đến em câu nào. Mẹ phải lựa lúc để tìm hiểu tại sao em buồn. Trong lúc ấy lòng mẹ cũng không an. Và mỗi lúc em ho, em than van nhức đầu mẹ bồn chồn hối thúc em đi khám bệnh, uống thuốc. Em có hiểu vì sao không?

Em ạ! Em có biết em chính là thân thứ hai của mẹ không? Em ra đời từ thân thể của mẹ, hay là từ con người của mẹ đã cấu tạo, thành hình vóc dáng của em. Mẹ nuôi em lớn, em là tâm tư của mẹ, em là phản ánh niềm mơ ước của mẹ. Em làm khác đi mẹ cảm thấy khổ sở vô cùng, mà em đi lạc hướng ngoài đời, em trở thành người xấu, hay em lêu lỏng sống cuộc đời không định hướng, không có tương lai ấy là niềm đau của mẹ đã khởi dậy không nguôi.

Bạn nhỏ ơi!

Hôm nay tôi muốn kể cho em nghe một câu chuyện, câu chuyện niềm đau của mẹ, đó cũng là lý do tại sao tôi là một người cha, mà tôi lại khuyến khích em nên thương mẹ, thương mến mẹ, vì tôi đã hiểu rằng không có tình thiêng liêng nào trong thế gian nầy trường cữu và sâu đậm bằng tình mẹ thương con. Câu chuyện nầy đã có một lần tôi được nghe, và đã ảnh hưởng nhiều trên cuộc sống của tôi. Hôm nay tôi sẽ kể lại cùng em, để em có đôi lần suy nghĩ.

"Tôi là đứa bé, nếu người ta nói trên trời thật sự có những vì sao xấu, thì một trong những vì sao xấu ấy lại là phần của tôi! Tôi không được may mắn từ thuở thiếu thời. Vào năm tôi lên tám, đứa em gái cùng đứa em trai kế tôi không biết vì lý do gì, chúng nóng sốt và mất đi trong vòng một tháng. Mẹ tôi khổ sở vô cùng, mất đi một đứa con là lòng lặng chết đi một khoảng thời gian dài, mà mất hai đứa thì anh thử nghĩ lòng mẹ tôi phải ra sao? Sau thời gian ấy ba tôi đi làm xa, lâu lâu mới về. Mẹ tôi phải tạo công việc để làm, một phần cho lòng bà được nguôi ngoai, hai là kiếm tiền để gia đình sinh sống. Mẹ tôi giỏi lắm! Chính vì sự giỏi giang ấy mà là một sự khổ cho tôi! Nhà không có người, mỗi khi mẹ tôi làm một việc gì, và buôn bán đắt chừng nào, mẹ tôi và tôi lại bận rộn chừng nấy. Tôi phải phụ giúp mẹ từ việc nhà cho đến việc buôn bán, ngoài thời gian đi học. Những đứa bạn cùng lứa tuổi như tôi chúng thoải mái đi chơi, không hề bị ngăn cấm; còn tôi không thể rời xa khỏi nhà hơn trăm thước. Riêng ba tôi mười bửa, nửa tháng lại trở về vài ngày rồi đi, khi nào hết việc thì ở nhà lâu hơn. Tôi không hiểu thế nào ba và mẹ tôi hay cãi cọ nhau lắm! Sự xung đột thường xuyên. Có những đêm mẹ tôi khóc, bà khóc thật nhiều! Tôi nghe bà khóc mà tôi chẳng biết làm sao? Cuối cùng tôi nói "Má đừng khóc nữa". Mẹ tôi lại khóc nhiều hơn! Thì ra, ba tôi không đưa tiền mà còn lại lấy tiền của mẹ tôi. Sự việc ấy cứ tiếp tục xảy ra. Có lần mẹ tôi nói với tôi "Mai mốt ba má thôi nhau, con theo má nhe!". Tôi nghe đến điều ấy, tôi lặng thinh mà nghe lòng mình chơi vơi. Tôi không muốn! Tôi không muốn sự việc ấy xảy ra. Rồi mẹ tôi có bầu. Những tháng gần sanh mẹ tôi lại khóc nhiều hơn và cứ như vậy đến khi mẹ tôi ra ngoài tháng. Có lần mẹ tôi bắt tôi lấy giấy, viết để ghi. Tôi tưởng ghi những gì ít thôi, nhưng không ngờ mẹ tôi đọc những chi phí mua thức ăn, giá cả của từng ngày, lui về trước cả tháng. Tôi buồn ngủ quá mà cố gắng ghi. Lúc ấy, tôi mới khám phá ra rằng: Trí nhớ của mẹ tôi thực quá tốt. Bà nhớ từng món đồ mua, nhớ từng giá tiền với số tiền lẽ. Mẹ tôi làm như vậy, "té ra" là do nơi ba tôi đưa tiền ăn uống mà ba tôi bảo là bà xài nhiều. Ngay cả tôi, ba tôi chẳng mấy khi cho tiền đi học, mọi thứ cũng đều do mẹ tôi. Có nhiều lúc bà bực mình ba tôi, bà đổ trút lên tôi. Tôi lớn lên, đôi lần, tôi không hiểu tôi là con ghẻ hay là con ruột của ba mẹ tôi. Tôi nhìn vào những gia đình của các đứa bạn, tôi ao ước: Tôi được một phần nào của tụi nó là tôi cảm thấy hạnh phúc lắm rồi...! Ba tôi đã làm khổ quá nhiều cho mẹ tôi và lây cả đến tôi!".

Bạn nhỏ ơi!

Qua câu chuyện trên, em thấy thế nào? Có những lúc mẹ phải âm thầm chịu đựng mọi đớn đau, sầu khổ, hoặc thiếu thốn mà tập trung lo cho con. Nếu em là người may mắn được có người cha biết chú ý và săn sóc cho em, em hãy trân trọng cha thật nhiều! Em hãy ngoan để cha mẹ vui lòng; mà cha mẹ cũng thỏa mãn với tất cả những gì bỏ ra để giúp em nên người. Trên đời nầy không ít những người cha chỉ biết ham vui cho chính thân mình như nhậu nhẹt, cờ bạc, đĩ điếm...để rồi về nhà làm khổ vợ lẫn con!

Bạn nhỏ ơi!

Em hãy trân trọng mẹ đi! Hãy trân trọng mẹ trong suốt cuộc đời của em. Có trân trọng mẹ; em mới thấy mẹ chịu khổ vì em, mẹ lo lắng cho em, mẹ thức khuya hồi hộp mỗi khi em đi chơi về quá trể. Em có chú ý đến mẹ, em mới thấy tóc mẹ nay đã bạc nhiều, người của mẹ gầy đi, dáng mẹ yếu dần...; để rồi em mới biết thương đến mẹ, em mới nhìn lại tương lai của mình và em mới cố gắng làm một điều gì để cho mẹ được vui.

Tôi sẽ mượn đoạn văn của Thiền sư Thích Nhất Hạnh để nói cùng em:

"..., Tôi chỉ nhắc anh: mẹ là chuối, là xôi, là đường, là mật, là ngọt ngào, là tình thương. Để anh đừng quên. Để chị đừng quên. Để em đừng quên. Quên là một lỗi lớn: cũng không phải lỗi nữa, mà là một sự thiệt thòi. Mà tôi không muốn anh chị thiệt thòi, vô tình mà bị thiệt thòi. Tôi xin cài vào túi áo anh một bông hoa hồng để anh sung sướng, thế thôi..." (Bông hồng cài áo).

Và cũng như Thiền sư Thích Nhất Hạnh, tôi cũng chỉ mong cho em, cho các bạn của em thấy được một nguồn vui nơi mẹ; để một ngày tốt trời nào đó, khi đi ra bờ biển nhìn sóng biển dạt dào, em khe khẻ hát lên "Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào, lòng mẹ thương con như dòng suối hiền ngọt ngào..." (Lòng mẹ -Y Vân). Rồi em cảm thấy em được chan hòa trong tình thương của mẹ, và vòng tay mẹ đang ôm chầm lấy em. Cả hai đều trong niềm vui sung sướng..!



*Sự Âm Thầm Của Mẹ !

Bạn nhỏ ơi!

Nếu có một ngày nào đó rỗi rảnh, em cứ nhìn mẹ làm các việc trong ngày rồi em sẽ thấy. Em không thể tưởng tượng được, mẹ làm quá nhiều công việc, từ ngày này qua ngày khác và chắc có lẽ sẽ kéo dài cho đến ngày mẹ trở nên yếu đuối không thể làm nhiều được nữa mới thôi!

Thói thường trong đời, ít ai để ý đến điều ấy. Người ta cứ coi đó như là một việc tự nhiên, nó xảy ra một cách vô tình và những người chồng cùng các đứa con cũng chẳng hề bận tâm hay ghé mắt đến chút nào! Cuộc đời cứ lặng lẽ trôi qua! Mẹ cứ âm thầm miệt mài cái bổn phận của mình theo từng thời gian một.

Hôm nay tôi muốn nói, muốn đề cập cùng em về một chuỗi ngày đăng đẳng làm việc của mẹ. Một sự hi sinh rất là thiêng liêng cho gia đình, cho chồng, cho con. Và với mục đích của tôi để em sẽ định lại vai trò của mình, em sẽ có được ý thức hơn trong việc đền đáp công ơn cha mẹ; mà mai nầy khi em trở thành một người chồng, một người vợ các em sẽ hiểu nhau hơn; sẽ giúp đỡ, tương nhượng lẫn nhau hầu tạo được một "chân hạnh phúc" trong cõi đời nầy.

Bạn nhỏ ơi!

Có một hôm, tình cờ tôi xem trên truyền hình một chương trình thời sự phỏng vấn bà mẹ nuôi năm đứa con. Bà kể lại các công việc làm của bà từ sáng sớm, bà phải thức dậy lúc mấy giờ, sửa soạn thức ăn, quần áo cho các con, chuẩn bị cho chúng đi học. Khi con đi học xong, bà phải làm những gì trong các thời gian còn lại. Rồi rước con về, chăm sóc cho chúng nó đến khi chúng đi ngủ. Tôi nhớ không rõ lắm trên bảng tổng kết là bà làm việc suốt khoảng 17, 18 tiếng đồng hồ mỗi ngày, bảy ngày trong tuần; nếu tính theo tiền đi làm thì bà phải được trả bằng một số tiền khá lớn. Vì tiếng Anh của tôi "lỏm bỏm" có khúc hiểu, khúc không; nên tôi không thể kể lại cho em một cách tường tận được. Mà đôi lúc tôi ngồi xem, tôi cũng tức cười: Tôi không hiểu bà nầy muốn nói lên sự hi sinh của một người mẹ hay là bà muốn kể với xã hội về sự đóng góp của bà trong xã hội. Người Úc, mà chắc có lẽ, với những người phương Tây đều có những nét thực tế như vậy. Họ không phải dấu diếm, che đậy hay âm thầm hi sinh hoặc chịu đựng. Đó cũng lại là một nét hay. Đối với người Việt của chúng ta, hay nói chung là đa số người Á Đông họ thường không kể, mà chỉ là "một sự âm thầm", vì kể ơn kể nghĩa là một điều không tế nhị lắm, làm giảm mất đi ý nghĩa sự hi sinh của mình. Nhưng em ạ! Ta cần nên biết. Biết để ta thương mẹ nhiều hơn, ta ráng học hành thêm lên, giúp mẹ làm các công việc mà mẹ phải bận rộn làm. Đó cũng là môi trường tạo cho em có được ý thức trong cuộc sống. Điều ấy về sau sẽ giúp cho em rất nhiều để em có được một gia đình hạnh phúc; hoặc em sẽ là một người cha, một người mẹ hiểu biết; đồng thời là một người con có hiếu. Một mai kia khi nhìn lại cuộc đời của mình đã trải qua, em chẳng thấy phải thẹn lòng vì em đã sống được một đời đáng sống: Có ích cho em, gia đình và cho xã hội. Em có suy nghĩ gì không? Hỡi người bạn nhỏ của tôi ơi!

Bây giờ, tôi sẽ kể cho em nghe một câu chuyện trong làng quê ở Việt Nam, mà câu chuyện ấy đã khiến lòng tôi suy nghĩ nhiều lắm từ lúc tôi mới mười bảy tuổi. Câu chuyện ấy giống như một điển hình của một người mẹ Việt Nam.

"Thuở ấy, tôi còn là một cậu học trò lớp Đệ Tam Trung học (tức lớp 10 bây giờ). Tôi sống hủ hỉ với ông nội tôi. Đối diện nhà ông nội tôi là gia đình của Bác Tư. Gia đình bác sống về nghề nông. Cứ sáng sớm vào khoảng bốn, năm giờ là bác đã thức dậy sửa soạn xe, bò, cuốc, rựa...là những dụng cụ để làm. Xong xuôi bác cùng bác gái ăn cơm, rồi lên xe bò đánh đi ra ngoài ruộng. Sau nầy, khi tôi cũng vào nghề nông tôi mới biết, bác gái tôi phải thức dậy sớm hơn để lo nấu cơm, làm thức ăn, sửa soạn thúng giống vừa cho hai vợ chồng, vừa phải soạn phần cho con cái. Khi trời sáng chúng thức dậy ăn uống và đi học. Ra đồng, bác gái cũng phải làm với bác trai, giờ giấc cũng như nhau, chỉ khác một điều là công việc của bác trai nặng nề hơn vì bác trai là đàn ông. Đến trưa bác gái lo nấu nướng. Ăn xong, thì bác trai nằm nghỉ, còn bác gái rửa chén, nồi rồi mới nghỉ ngơi được. Chẳng bao lâu, hai người phải tiếp tục công việc. Tới chiều, thu dọn lên xe bò, đánh xe về. Đến nhà bác trai tắm rửa, làm chút đỉnh, hoặc sửa soạn vài công việc cho ngày mai. Còn bác gái lo nấu ăn, tắm rửa các đứa con còn nhỏ vì gia đình của bác có đến tám người con. Ăn cơm chiều xong, bác trai nghỉ ngơi hay đi "tào lao thế sự" hoặc "nhậu" vài ly với bạn bè; bác gái lại phải nhắc nhở con học bài; giặt quần áo cho gia đình, cho con; dặn dò con làm gì ở ngày mai. Về sau, lúc tôi có con, tôi mới hiểu cuộc sống không gói gọn bao nhiêu đó, mà còn phải nhắc đến lúc con bệnh hoạn nữa. Nhiều lúc tôi nói với vợ tôi: "Nhà bác tư đông quá lở mà mấy đứa nhỏ bệnh hoài thì thật là cực khổ vô cùng, bác gái sẽ vất vã không ngớt. Nào thức dậy sớm lo cơm nước, nào đi làm, nào công việc nhà, nào con cái, nếu chúng nó bệnh nữa thì chắc có lẽ bà ấy chẳng ngủ được bao lâu trong ngày".

Em có hiểu được không? Chắc em cảm thấy một hình ảnh rất là xa lạ, em hãy hỏi mẹ em, mẹ em có thể giải thích cho em hiểu; rồi em hãy nhìn kỹ vào mẹ em, biết đâu mẹ có ít nhiều dáng dấp nào đó của câu chuyện nầy cũng không chừng.

Bạn nhỏ ơi!

Em yêu mến mẹ, em trân trọng mẹ, em vâng lời, làm theo các điều mẹ dạy chỉ là có lợi cho em mà thôi! Kinh nghiệm mẹ đã đi qua, cuộc đời mẹ đã trải, mẹ đúc kết truyền đạt lại cho em, mà em hãy còn nghi ngờ những điều ấy nữa ư? Tôi chỉ sợ mai kia khi hiểu được, em sẽ tiếc nuối không nguôi. Tôi cũng sẽ, tiếc dùm cho em đó!

Em có nhìn vào một cặp vợ chồng trẻ có một hai đứa con không? Nếu cả hai đi làm hảng, công việc vẫn giờ giấc như nhau, nhưng khi về nhà chồng có thể đọc báo, chơi "internet", đọc sách, đi nhậu, chơi "game", còn vợ phải lao vào bếp lo cơm nước, giặt quần áo, quét dọn nhà cửa, hút bụi, đi "shop"; nếu con bệnh thì lại thức khuya nữa thì cuộc sống con người không còn là một sự nương tựa lẫn nhau, phải không em? Đời đâu phải là "ai làm nô lệ cho ai", mà là một sự cộng hưởng, đồng nhịp nương tựa vào nhau để tạo nên hạnh phúc. Người đàn ông giống như con gà trống biết bao che, giúp đỡ cho con gà mái hầu con gà mái có đủ sức lực, khả năng làm tròn bổn phận tự nhiên của mình. Đừng để con gà trống của mình "nhu nhược" trở thành "dở dở ương ương" đi, em nhé! Hỡi người bạn nhỏ thân thiết của tôi ơi!..


*Tặng Cho Em!

Tôi sẽ tặng
một đóa hoa cho em để dành lưu niệm
Trong cuộc đời may mắn
Có bóng dáng mẹ hiền
Có những chiều gió thổi lá vào hiên
Em ngồi nghỉ, nghe lòng mình xào xạc...
Giây phút trôi đi
Như con nai buồn ngơ ngác
Bóng dáng qua rồi
Không níu lại được đâu!
Ngày lại ngày qua
Như thoáng hiện tình sầu
Rồi bỗng chốc
Em thổn thức trong lòng của mẹ!
Mây qua đi
Vầng dương vừa hé
Em thấy mình hạnh phúc hoặc khổ đau
Nhìn đại dương sóng biển dạt dào
Em chợt thấy
Lòng thêm nhiều muối mặn
Mặn trong lòng hay mặn ở trên môi?
"Tiếng hát cho con "trong tiếng hát đầu đời
Đó là những: "Niềm thương yêu của mẹ"...!
Được gởi vào những đoá hoa mới mẻ
Mà tôi sẽ làm quà
gởi tặng cho em
Qua đoá hoa em sẽ thấy mẹ hiền
Dù hoa ấy trắng màu hay sắc đỏ,
Dù hoa ấy có to hay là nhỏ
Vẫn là đóa hoa hồng tôi mến tặng cho em!




*Những Chiếc Lá Vàng.

(Tặng: Các bạn trẻ nhân ngày lễ Vu Lan năm 2007).


Những chiếc lá lại úa vàng sau các trận mưa thu. Mưa nhiều hôm đã thấm ướt đất. Khí trời lành lạnh. Cái lạnh càng ngày càng se thắt hơn thêm. Từng cơn gió lướt nhẹ, nhưng cũng đủ sức làm cho nhiều chiếc lá rời khỏi cành. Những lá vàng óng hay những lá vàng sậm, hoặc những chiếc trở nên đỏ, nên nâu. Cảnh mùa thu quả thật nên thơ! Không trách chi những nhà thơ hay những nhạc sĩ thường hay ca tụng mùa thu. Trong cái lành lạnh có gió nhè nhẹ. Trong cái cảnh màu xanh xanh, ua úa có nhiều cây với bộ áo trở màu điểm xuyết đâu đó cái màu sắc ở trong tranh. Trên trời những đám mây trắng vẩn đục kéo nhau hàng hàng. Cái cảnh hơi buồn buồn khiến người ta dễ nhung nhớ, nhung nhớ mông lung hay nhớ đến một kỷ niệm của một thời đã qua; hoặc một cuộc chia ly nào đó mà người ta dễ ký ức, nhất là trong lứa tuổi học trò.

Một buổi sáng rảnh rang, ly cà phê ở trên tay, quần áo đủ ấm với chiếc mũ len, che kín đến hai lỗ tai. Vừa thở hơi ra khói, vừa bước nhẹ ra mảnh vườn phía trước. Những chiếc lá vàng đã rụng khá nhiều, có cành chỉ trơ trụi, xương xẩu. Ngọn gió thoảng nhanh qua, những chiếc lá khô nằm trên mặt đất, lào xào khua động. Chúng xoáy tròn vào trong hốc của cái góc nhà. Lại thêm vài chiếc lá rơi. Chúng rơi không vội vàng, chỉ lả tả từ từ như sự mệt mỏi trong cái già nua của một kiếp người.

Một năm có bốn mùa ở cái xứ xa lạ này, không ai thích cái nóng nung người của mùa hè với đầy cát bụi từ sa mạc thổi về. Vừa nóng lại vừa khô khan làm người ta muốn ngộp thở. Vừa đi vừa chạy vẫn còn nghe nóng hừng hực. Lại thêm cái mùa đông rét mướt, thở ra khói giống cái ống bô xe; con người dầy, to lớn thêm ra vì quần áo nặng cũng không kém cái thân thể gầy còm, hom hem của mình. Thế mà vẫn hãy còn run lên vì lạnh. Chỉ có cái mùa xuân là tương đối dễ chịu, nhưng ấm áp chẳng được bao ngày thì gió sa mạc lại về, đành trốn trong những trung tâm thương mại hoặc nằm nhà mà nghe máy lạnh chạy vi vu hoặc ồn ào nhức óc.

Một tiếng ho của một bà đi qua. Một hình bóng quá quen thuộc. Lòng ngậm ngùi để nhớ. Trí nhớ bây giờ đã xa xôi. Cố moi ký ức để nhớ, một hình bóng nào đó ẩn hiện, chập chờn quanh đây. Cánh tay bà lão từ từ đưa lên. Ôi hình ảnh nào đó lại càng giống hơn; nó giống, giống hơn nữa. Tại sao mình lại không nhớ được. Cánh tay ấy quen quá mà! Ừ thì thôi! Khó nhớ quá! Một ngọn gió thoảng qua, vài chiếc lá vàng lại rơi! Trên cành cây bây giờ không còn được mấy chiếc lá nữa. Sự nuối tiếc cho những chiếc lá đơn côi ấy lại bắt đầu. Hai hình ảnh lại quện cùng nhau. Một chút cà phê để hương vị vấn vương cùng trí nhớ.

Hương cà phê thấm dần qua khứu giác. Cái mũi đã nhận diện được ra rồi. Cánh tay ấy, cái dáng ấy, cái giọng ho hen ấy nhất định không phải là của mẹ; mà tại sao lại giống mẹ không chừng. Vậy mà, từ nãy giờ cũng không nhớ được cái hình bóng ấy. Nó cứ lởn vởn xa xôi. Một cơn gió thoảng qua, lại vài chiếc lá rơi. Nhìn trên cây, các chiếc lá còn lại lung lay nhè nhẹ đang chờ. Vụt, trong trí lại nhớ đến mẹ. Những thân thương ấy cũng đang chờ, giống như các chiếc lá đang chờ. Chỉ cần một thoáng qua, tất cả đều nằm yên dưới đất.

Những chiếc lá rơi đi để mùa đông tàn tạ và mùa xuân lại đến. Con người rơi đi chỉ để nhớ để thương, để đi vào những ký ức khôn nguôi. Một kiếp người và chỉ một lần đến rồi lại một lần đi. Mấy mươi năm tưởng dài đăng đẳng, nhưng lại là chỉ trong thoáng chốc. Mới ngày nào còn bé tỉ ti, hay đòi tiền mua quà, hoặc làm nư không chịu uống thuốc để được nuông chìu. Thế mà bây giờ tóc đã bạc rồi, lần tiến lên phía trước. Mẹ, lại như chiếc lá vàng còn lại ở trên cây. Chỉ đợi chờ, đợi chờ cơn gió nhẹ thoảng qua!

Giữa hai hình ảnh ấy, tư tưởng lại ngập ngừng, ngập ngừng giữa nuối tiếc và sự đau lòng. Muốn thời gian ngừng lại, nhưng chàng hoàng tử đã lỡ tháo ống chỉ ra rồi, ống chỉ cuộc đời cứ buông, buông cho đến lúc hết mới thôi. Rồi đây bàn tay của mẹ không còn nữa. Những ký ức thơ ngây cũng lại tàn phai theo năm tháng. Những áng mây mùa thu cứ trôi, trôi mãi từng lớp lớp, hàng hàng. Bàn tay mẹ đang vẫy gọi, vấn vương:


Bàn Tay Mẹ.

Bàn tay này của mẹ
Nâng niu con trong những buổi đầu đời
Đong đưa lúc võng lúc nôi
Miệng à ơi, gật gù ru con ngủ.


Có những đêm dài
năm canh thao thức đủ,
Ngồi ôm con sốt ruột mãi trong lòng,
Cơn sốt nào,
cũng đưa mẹ hoài mong.
Cho con khỏe và ngày mau khôn lớn.


Bàn tay mẹ
từng mơn con bú mớm,
từng lừa xương, đút mỗi muỗng con ăn.
Từng ôm con, siết nhẹ trong lòng,
Thương con lắm,
Mẹ thương con nhiều quá!


Mẹ thương con
Tình thương con biển cả
như nước nguồn đem lấp mãi đại dương
Bao la ấy,
Nhưng vẫn hoài, không thấy đủ!...


Từ việc nầy lại nảy sanh ra việc khác, tôi vô tình trở thành người viết văn trong khoảng thời gian nầy; còn làm thơ thì chưa nghĩ tới, nhưng thỉnh thoảng làm một vài bài để chơi cũng như tôi đã thực thụ làm thơ tài tử từ năm Đệ Nhất. Nhưng thơ tôi trước kia chỉ để cho chính tôi thưởng thức và là nơi trải lòng trong những lúc có cảm xúc buồn vui. Thời tôi làm thơ hơi khá đó là lúc tôi về dạy tại trường Sơ cấp ấp 2 Định Thành (Trị Tâm - Dầu Tiếng) của Tỉnh Bình Dương. Nhưng những bài thơ ấy đã mất từ lúc vợ con tôi lên đường sang Úc đoàn tụ với tôi. Ra đi và bỏ lại!

Sau những bài viết về mẹ, tôi lại nghĩ đến một bước nữa để giúp cho cha mẹ và các em bé với những bài học vần và thơ cho bé với chủ đề của đức dục như: Yêu mến cha mẹ, ông bà, thầy cô, kính trọng người già, đi thưa về trình... Tôi viết cũng chỉ vì một tấm lòng! Và cũng chỉ với một tấm long mà thôi!


Nguyên Thảo,
22/12/2009.

No comments:

Post a Comment