Saturday, February 20, 2010

H.T Chữ Nghĩa 9: “Xía” Vào Chuyện Cộng Đồng!

Từ chuyện viết những bài giúp phụ huynh có thêm ý kiến để hướng dẫn con cái được dễ dàng hơn, tôi lại ngứa nghề nhảy đại ra viết “Những bài viết cho con” để “giải tỏa những ấm ức” của mình và của nhiều bậc cha mẹ vì mình nói mà con không chịu nghe. Giống như “phát ngây” tôi lại nhảy vào trong chuyện dạy học như một thuở ngày nào. Rồi một ngày kia nhân đọc trên báo thấy có ý kiến của độc giả nào đó cho rằng với tờ báo lớn như thế đó mà chẳng có một bài nào đề cập đến vấn đề Thanh Thiếu Niên. Nhân cơ hội ấy, tôi nghĩ mình đã có vài nhận xét và ý kiến từ trước, nhưng chưa được dịp; nay tôi ráng hoàn tất một bài cho chung mọi người và cộng đồng. Nhưng chuyện đặt trách nhiệm lên họ chắc họ không thích mấy, không bao nhiêu người tìm cái cực để mà làm. Chuyện “ăn cơm nhà, đi vác ngà voi” thôi thì để hạ hồi phân giải vậy!

Thử Bàn Về Vấn Đề Thanh Thiếu Niên.
(Đã đăng trênViệt Luận số 1941 thứ sáu ngày 21/ 01/ 05)


Có lẽ các bậc phụ huynh chúng ta trên xứ Úc nầy không mấy ai tránh khỏi những vướng mắc về vấn đề con cái. Nó là vấn đề làm nhiều gia đình phải mất ăn, mất ngủ; hoặc đôi khi phải ân hận vì mãi mê chạy theo việc làm, cuộc mưu sinh mà không theo sát con cái được, đành để sự việc "đã lỡ làng" xảy ra. Hôm nay, chúng tôi muốn thử đặt lại vấn đề để chúng ta cùng tìm hiểu xem nguyên nhân "vì sao?", và có cần thiết phải tập trung mọi nỗ lực hầu giúp đỡ con em chúng ta chọn đúng con đường lành mạnh trong thuở còn là thanh thiếu niên hay không?

1-Thanh Thiếu Niên và Cộng đồng Việt nơi hải ngoại:

Trong thời nào cũng vậy, thanh thiếu niên là lực lượng hậu bị của một dân tộc, là thế hệ tương lai để tiếp nối những truyền thống xây dựng, giữ nước. Đất nước có tiến được hay không, phần lớn đều do sự đóng góp của thế hệ nầy. Nói tóm lại, vận hội đất nước ở mai sau là do thế hệ thanh thiếu niên đương thời quyết định. Hiện nay thanh thiếu niên không những đóng vai trò quan trọng trong nước, mà thanh thiếu niên hải ngoại còn giữ vai trò quan trọng cho sắc dân Việt ở mọi nơi nào mà cộng đồng sắc tộc chúng ta có mặt. Chúng ta không cần để ý đến thế hệ già, vì thế hệ già của chúng ta có quá nhiều phức tạp từ lối suy nghĩ, tính tình, lẫn tánh khí cũng như thành phần ra đi. Chúng ta ra đi vừa có người tốt vừa có người xấu, nhất là sự khác biệt về quan điểm chính trị đã là nguyên nhân cộng đồng chúng ta không được ổn định ở nhiều nơi. Đồng thời thế hệ già thường quên rằng ta đang ở trên đất của người mà cứ nghĩ là đang ở trên quê hương của ta, những thái độ ngang nhiên, tự tiện hành động, những hành động bạo động hay quá khích đủ để những sắc tộc hoặc cộng đồng khác nhìn cộng đồng chúng ta với những tình cảm giảm sút rõ rệt so với những thời gian đầu; mặc dù cộng đồng ta đóng góp nhiều thành tích khá đáng kể vào cho đất nước mình được dung chứa.

So sánh với cộng đồng người Trung Hoa thì cộng đồng sắc tộc Việt của chúng ta là một trong những cộng đồng quá mới, quá còn non trẻ. Cộng đồng ta thực thụ thành hình chỉ mới khoảng 30 năm sau ngày “30 tháng 4- 1975”..... Chính vì quá mới mẻ và là thế hệ đầu tiên bỏ nước ra đi, phần đông đều là trắng tay, vì thế trong một nếp sống xa lạ khác hẳn phong tục tập quán trên quê nhà, nên ai cũng phải tập trung lo làm để ổn định đời sống cùng bước đầu gầy dựng cơ nghiệp.

Trong khi cộng đồng người Trung Hoa họ ra đi từ từ, có đem theo tài sản; nên sự gầy dựng của họ dễ dàng hơn. Thế hệ sau được sự giúp đỡ của thế hệ trước qua tình họ hàng, thân nhân hoặc các bang hội đồng hương nên họ nhanh chóng thành công. Vả lại, với cả ngàn năm xa xứ họ đã có kinh nghiệm đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau nên cộng đồng họ trở thành cộng đồng mạnh ở các quốc gia họ cư trú. Với các trung tâm kinh tế phát triển như Hồng Kông, Đài Loan, Tân Gia Ba,.. Cộng đồng người Trung Hoa dần chiếm lĩnh các thị trường buôn bán ở nhiều nước; đôi khi họ khuynh đảo cả nền kinh tế của các nước sở tại, nhất là tại các quốc gia Đông Nam Á. Với tinh thần hãnh diện của dân tộc, họ đã giữ vững nền văn hóa đặc thù của họ ở bất cứ nơi đâu.

Còn đối với người Do Thái trong lịch sử bị mất nước, họ phải lưu vong trong nhiều thế kỷ, nhưng với tinh thần muốn bảo tồn dân tộc, nòi giống họ cố gắng đoàn kết thành khối với những sắc thái riêng biệt của họ; đôi lúc có vẻ tách rời với đời sống chung của các nước sở tại: Có thể do vì tinh thần đoàn kết, có thể vì sợ sệt điều không hay xảy đến cho sắc tộc nên họ không thể xa rời nhau, nhất là vấn đề tôn giáo vì chỉ có Do Thái Giáo cho người Do Thái. Những điều ấy khiến họ tập trung vào những "ghetto". Với tinh thần dân tộc mạnh mẽ như vậy và với nhu cầu mưu sinh trên đất khách quê người, người Do Thái đã có sức sống mãnh liệt, cho nên người Do Thái nỗi tiếng về trình độ học vấn, kiến thức qua các nhà khoa học, triết gia đã đóng góp vào nền văn hóa hay tiến bộ khoa học chung cho nhân loại. Ngoài ra, nhiều người Do Thái trở thành những nhà tài phiệt có tiếng trên thế giới. Những thành tích ấy không phải một ngày một buổi mà có được.

Nếu chúng ta làm một cuộc so sánh và cũng là để học kinh nghiệm từ những sắc tộc khác thì chúng ta thấy rằng sắc tộc của chúng ta dù thật là non trẻ, nhưng cũng có được nhiều thành tích đáng kể để đóng góp vào thành tích của các nước mình đang sống. Điều ấy có thể được lâu dài hay không? Đó là điều khá quan trọng. Những thành công của thế hệ hôm nay là do đâu? Có phải do từ trong ý thức của con người: Cha mẹ cố làm để vừa ổn định đời sống trên xứ người, vừa tạo điều kiện cho con học hành; con ráng học để có tương lai, có địa vị hay là có việc làm tốt, lương bổng cao được sung sướng tấm thân. Họ ra đi còn mang theo khá nhiều tinh thần hi sinh cho đại gia đình, cầu tiến trong cuộc sống. Nhưng liệu thế hệ sau có được tinh thần ấy hay không? Điều đó là điều mà chúng ta cần nhiều ý kiến đóng góp để mổ xẻ vấn đề.

Thực ra, thế hệ già của chúng ta cũng nên chịu trách nhiệm ít nhiều về ảnh hưởng tinh thần đối với thế hệ trẻ. Không phải bậc cha mẹ vì bận việc không chú ý, săn sóc đầy đủ đến thế hệ con cháu của mình không thôi, mà ngay cả cộng đồng của chúng ta cũng vậy. Đoàn thể có, tổ chức có; từ Hội của người trí thức đến các Gia đình quân đội, thân hữu đều đầy đủ và thật là nhiều, nhưng thử hỏi bao nhiêu Hội đoàn, cộng đồng lưu tâm đến thế hệ thanh thiếu niên. Chúng tôi không phủ nhận nhiều đóng góp của nhiều nơi, nhiều tổ chức với thế hệ thanh thiếu niên ấy; nhưng song song bên cạnh đó, thế hệ già đã có những hành động không được tốt khiến thế hệ trẻ chán chường với ngay sắc tộc của chính mình. Quý vị cứ thử nghĩ: Ở một nơi nọ, người ta tranh giành nắm quyền của một tổ chức, không hiểu là do danh vọng cá nhân, hay ý đồ gì đó của một nhóm. Thế rồi, người ta lợi dụng phương tiện truyền thông sẵn có lôi lên báo chí chửi nhau hàng hai năm trời chưa chịu dứt. Lạ một điều là tất cả các hội đoàn, ngay cả tổ chức chính của sắc tộc hoặc các tổ chức của trí thức, chính trị vẫn phớt lờ để người ta cứ làm như vậy. Người tại nơi chửi nhau chưa đả, lại lôi người ở nơi khác chửi phụ. Quả thật là những chuyện vô duyên, chẳng đem lại ích lợi cho cộng đồng mà khiến cho thế hệ trẻ chán chường ngay chính "bản chất Việt Nam" của mình. Đã thế, lại còn lôi nhau ra tòa. Nếu Quý vị là quan tòa người "Tây" ấy, Quý vị sẽ đánh giá thế nào về cộng đồng nầy. Nghe câu chuyện đó, người ta đặt thành hai vấn đề: Một là chuyện cá nhân hay nhóm thì quả là một chuyện "vô ý thức", tranh giành nhau để mang tiếng cho cộng đồng, tranh giành nhau làm rối ren "để được tiếng", một mai chết đi đem xuống báo cáo thành tích với "Diêm Vương"! Còn nếu tranh giành với lý do chính trị thì quả thật là "Ấu trĩ": "Chính trị là thu phục nhân tâm để lấy công sức, ngay cả xương máu người khác mà phục vụ mục đích của cá nhân, của nhóm, hay tổ chức của mình,....". Nhưng với chuyện ấy thì những người kia gặt hái được những gì, hay chỉ là khiến mọi người trong cộng đồng chán chê, thế hệ trẻ thì khinh bỉ thế hệ già; người địa phương nhìn sắc tộc nầy như "đồ rác rưởi". Ôi! thế hệ già chúng ta cần xét lại để thế hệ trẻ mai sau được nhờ vậy!

Chuyện Thanh thiếu niên hiện nay dẫy đầy những tệ nạn. Trên báo chí từ tiểu bang cho đến liên bang thỉnh thoảng đều có đăng tãi tin tức về người của cộng đồng ta tham dự vào các tệ nạn hay tội phạm. Đó là điều cũng đáng buồn! Nhưng nguyên nhân do đâu?

2- Tâm lý Thanh Thiếu Niên:

Khi chúng tôi lấy tiêu đề nầy thì quả thật là không xứng chút nào, vì chúng tôi không phải là nhà tâm lý học, mà cũng chẳng là người tìm hiểu về tâm lý của thanh thiếu niên. Nhưng vì với tính cách "thử lạm bàn", cho nên chúng tôi cố mạo muội đem những điều hiểu biết kém cỏi của měnh để phân tích vấn đề, xem như là những ý kiến "lạm bàn" cho thêm phần đầy đủ, thế thôi! Kính xin Quý Vị thứ lỗi!

Nói đến tuổi của Thanh thiếu niên là nói đến lứa tuổi đang lớn, đang phát triển về cơ thể, về tâm lý và tinh thần từ giai đoạn mới bắt đầu đến giai đoạn hoàn tất, để bước vào giai đoạn kết hợp thành một gia đình riêng và bận rộn nhiều với con cái.

Giai đoạn đó bắt đầu từ khi nào thì chúng tôi không thể xác quyết được, nhưng nó tùy thuộc vào từng cá nhân, nó có thể đến sớm mà cũng có thể đến trể hơn. Đó là giai đoạn bắt đầu thời kỳ các tuyến sinh dục hoạt động, chúng tạo kích thích tố làm cho các trẻ nhỏ nẩy nở về cơ thể, tăng trưởng về chiều cao một cách nhanh chóng mà trong dân gian người ta gọi "thời kỳ bể tiếng" hay "nhổ giò"; còn trong y khoa, cơ thể học gọi đó là "giai đoạn dậy thì". Trong giai đoạn nầy gái thì phát triển về chiều cao, đồng thời các bộ phận sinh dục cũng phát triển và nẩy nở; còn trai thì bể tiếng, bộ phận sinh dục phát triển, mọc thêm râu, và chiều cao tăng nhanh. Thời kỳ nầy của giới nữ phát triển sớm hơn nam giới. Nếu người nữ e thẹn, mắc cỡ, ngại ngùng thì chàng nam lại muốn tỏ ra ta là người có bản lãnh, do đó chàng thường chứng tỏ ta đã trưởng thành, muốn tự mình quyết định hoặc thay thế cho cha mẹ trong nhiều trường hợp, nhất là trên quê hương chúng ta thái độ ấy được thể hiện một cách rất rõ ràng.

Nơi xứ nhà với phong tục và bản chất người nữ thì khi bắt đầu phát triển về cơ thể để trở thành một thiếu nữ yêu kiều, thì họ có khuynh hướng phụ giúp mẹ để làm các công việc trong nhà, tính tình mềm mỏng hơn trước, chăm sóc cho các em, giúp việc bếp núc, dọn dẹp nhà cửa cho tươm tất, gọn gàng để chứng tỏ "nhà có con gái". Còn con trai lại "cặp bè cặp bạn" đi chơi, chọc ghẹo các cô nàng, tham gia tiệc tùng, học thêm các thứ khác như võ, đàn hát hay các điều trong xã hội mà đến nay chúng thấy mình cần biết để tham gia vào các hoạt động xã hội, hoặc tập tành làm việc để thay thế cho cha mẹ khi cần thiết v..v...

Cái điều quan trọng của lứa tuổi phát triển nầy lại là vấn đề tâm sinh lý, nhất là ở giới nam. Cơ thể của họ có những đột biến quá nhanh, kích thích tố mạnh như thế nào đó mà đa số các người trong họ ai cũng đều có sự phản kháng và phá phách cả, không ít thì nhiều. Một cái kiếng ở trạm xe buýt bị đập bể, một bức tường bị vẽ sơn lên, hay những hình vẽ trong nhà vệ sinh công cộng.... có thể cho ta nghĩ đến số chàng thanh niên mới lớn nào đó.
Tâm lý muốn biết, muốn học hỏi, ham vui và tham gia vào các hoạt động có nhiều người khiến lứa tuổi nầy hăng hái dự vào. Chính vì thế mà những tổ chức Hướng đạo, các tổ chức phụng sự xã hội được nhiều người trong giới thanh niên ủng hộ một cách nhiệt tình, điều đó được chứng minh từ xưa đến nay. Và ngay cả các băng đảng cũng tập hợp các lứa tuổi nầy nhiều hơn cả. Tùy theo môi trường họ gần gũi mà họ chọn con đường. Nói như vậy không có nghĩa là không có những trường hợp ngoại lệ, nhưng lại là rất hiếm hoi.

Trên xứ Úc nầy với thực phẩm, chế độ ăn uống được đầy đủ thì tuổi dậy thì của thanh thiếu niên lại càng đến nhanh hơn, do đó sự suy nghĩ của họ thiếu chín chắn hơn một chút. Tức là họ dễ có thể tốt hoặc dễ xấu nhanh hơn là tuổi thanh thiếu niên ở quê nhà. Có người đặt vấn đề tại sao trẻ con ở xứ ta dễ dạy hơn trẻ trên xứ Úc nầy?

Đó chẳng qua phong tục và luân lý của xã hội mỗi nơi mỗi khác.

Nếu chúng ta tinh ý hơn một chút thì chúng ta thấy được những đặc điểm chung của các Thanh thiếu niên ở đây. Do thời tiết hoặc do giờ giấc của địa phương mà giờ học bắt đầu từ 9 giờ sáng, nên thời khóa biểu sinh hoạt của chúng gần như sau:
- Chúng có thể thức dậy từ 7 giờ 30 hoặc 8 giờ làm vệ sinh cá nhân, ăn sáng, sửa soạn đi học.
- từ 9 giờ đến 3 giờ 30 ở trong trường học.
- đến nhà khoảng 4 giờ hay hơn, có thể tắm rửa, ăn uống (hoặc không) rồi đi ngủ.
-6 hay 7 giờ thức dậy, tắm rửa, ăn uống, nghỉ ngơi chút ít, sau đó
-vào bàn học học bài hoặc làm homework (bài tập ở nhà)
-đến khuya thì ngủ, để rồi sáng thức dậy tiếp tục chu trình ấy cho đến cuối tuần.

Cuối tuần chúng lại hẹn hò đi chơi, có tiệc (party), hoặc đi Disco, sau khi chúng thức dậy thật trể (có khi ngủ đến giữa trưa). Với một thời khoá biểu như thế đó thì thời gian để trò chuyện với cha mẹ quả thật là khó; hoặc cha mẹ muốn tâm tình với con cái cũng không có thời gian, nhất là những bậc cha mẹ quá bận rộn với công việc của mình.

Điều ấy chúng ta có thể thấy rõ hơn qua những điều đơn giản sau đây:
-Con cái uống nước chúng đem ly vào phòng học rồi không đem ra ngoài để cho cha mẹ rửa, đến khi hết ly thì cha mẹ phải vào phòng của chúng lấy ly đi rửa.
-Quần áo của chúng ít khi được chúng tự sắp xếp lại gọn gàng, nhất là đứa nam; đôi khi ngay cả chỗ ngủ nữa.
-Từ đó, chúng không để ý gì đến việc phụ giúp cha mẹ cắt cỏ, lau nhà, hoặc những việc lặt vặt khác để cha mẹ được rảnh rỗi, nghỉ ngơi để có sức làm việc kiếm tiền chi phí cho gia đình.

Rồi mọi việc cứ diễn tiến như thế từ ngày nầy qua ngày khác, trở thành một thói quen mà cha mẹ phải ráng làm từ công việc kiếm tiền cho đến công việc dọn dẹp nhà cửa; vì nhờ đến chúng thật là khó khăn. Và chúng coi như đó là nhà của cha mẹ cha mẹ phải làm, không là công việc của chúng. Chúng thờ ơ với công việc chung ấy.

Với tinh thần hiếu đễ, vâng lời cha mẹ khiến con cái ở Việt Nam dễ dạy hơn ở trên xứ người; đồng thời dư luận đàm tiếu ngoài xã hội cũng khiến chúng thêm dè dặt khi làm việc không phải, hoặc tỏ ra bất hiếu với cha mẹ. Còn ở trên xứ Úc thì không có được như vậy, chưa chắc bậc cha mẹ nào hơn cha mẹ nào, ai cũng có hoàn cảnh giống nhau: Nay gia đình mình tốt, mai biết đâu con cái làm mình "cũng chẳng khác người ta". Nên chẳng ai dám chê trách ai cả!

Đó là một số tập quán, tập tục ảnh hưởng đến quan niệm tâm tính, đời sống cá nhân của chúng. Còn vấn đề tâm lý trong thời nầy thì sao?

Chắc chúng ta, các bậc phụ huynh, đều trải qua thời kỳ mới lớn hay thanh niên; chúng ta cố nhớ và quay lại với thời kỳ ấy và đặt tâm lý đó vào hoàn cảnh bây giờ của chúng thì chúng ta có thể hiểu được một số vấn đề.

Cái tâm lý trưởng thành và với sự phát triển khiến người thanh niên thấy mình có nhiều khả năng mạnh hơn, thông minh hơn người ngay cả với cha mẹ, và có thể làm được mọi thứ. Do vậy, con trẻ bắt đầu phản ứng khi cha mẹ nói điều mà chúng không thích, hoặc chúng coi đó là điều lạc hậu. Nếu cha mẹ lớn tiếng thì chúng coi như cha mẹ "chửi" hay "rầy la" chúng; để rồi bắt đầu từ đó chúng có thành kiến và xem như cha mẹ không thương mình, hay rầy la mình và dần rời xa cha mẹ đi. Nhất là đối với trẻ con của chúng ta trên xứ Úc nầy, tiếng Việt chúng không hiểu rành ngay cả một số tiếng thông dụng, do đó dễ hiểu sai lầm; và chúng cũng không phân biệt được thế nào là nói, hoặc rầy, la, chửi, mắng, ... Chúng chỉ cần biết nói lớn tiếng có nghĩa là "chửi" thế thôi! Sự lầm lộn ấy khiến tình cảm trong gia đình càng thêm rắc rối.

Đó là chuyện trong nhà, còn ngoài xã hội lại phức tạp hơn thêm.

Với đa số thời gian trong ngày trẻ con thường ở trong trường học, thì tất nhiên với bè bạn chúng sẽ thân thiết nhau hơn, cộng với nền giáo dục "cá nhân chủ nghĩa" trên xứ nầy; con cái chúng ta thấy cá nhân của chúng là quan trọng: Tự do làm, tự do hành động theo ý mình; ai bắt chúng làm khác đi là xâm phạm đến quyền tự do của chúng. Điều ấy đã đưa đến một số trẻ con bỏ nhà ra đi: Ra đi vẫn được cấp tiền nhiều hơn, vẫn được luật pháp bảo vệ. Chính vì điều đó mà khiến bậc cha mẹ phải "nhức đầu"!

Khi thanh thiếu niên lớn lên đã có những biến chuyển tâm lý khá phức tạp, lại gặp môi trường hoàn cảnh như thế mà cha mẹ Việt Nam lại muốn uốn nắn con cái theo lý tưởng của mình thì quả là khó khăn, rất dễ bị gãy đổ. Khi chúng ta học được kinh nghiệm thì cũng đã lỡ làng rồi!

Ngoài ra, còn một số tâm lý khác khiến con cái chúng ta dễ vướng mắc vào con đường hư hỏng, đó là tâm lý học hỏi, sinh hoạt "như" và "làm người lớn".

Trẻ con nào cũng vậy thấy ở tuổi mình không làm được một số việc mà người lớn làm thì thường hay tò mò, thích bắt chước như hút thuốc uống rượu chẳng hạn. Nên trong thời kỳ nầy là dịp để chúng thực hiện ước mơ của mình. Vả lại, nhà trường đã có dạy disco, có những buổi party thì chúng cặp bè cặp bạn lần đến những chỗ vui chơi, những "club" để trước là nhảy disco, nghe nhạc, sau kiếm bạn gái, rồi tập uống bia, rượu mạnh, hút thuốc và sau cùng là "sex". Và đôi khi chúng rủ rê nhau tiến vào con đường "ma túy" vì sự hiếu kỳ để rồi vương vào "sự khổ" cho mình và "làm khổ" cho gia đình lẫn xã hội.

3- Sự khác biệt về sinh hoạt, tập quán, xã hội:

Như ở trên chúng tôi vừa trình bày với chỉ thời tiết khác biệt thôi đã thay đổi phần lớn nếp sinh hoạt của thanh thiếu niên trên xứ Úc so với thanh thiếu niên ở tại quê nhà. Nếu cách kiến tạo của cái nhà ở Việt nam theo thời tiết vùng nhiệt đới không cần nhiều phòng, không có phòng riêng cho từng cá nhân, nên thanh thiếu niên phải biết chăm lo, phụ giúp những người trong nhà mà lo dọn dẹp, quét tước cho sạch sẽ, sắp xếp mùng mền chiếu gối lại cho gọn gàng, tránh khi có khách đến nhà trông thấy cảnh "xô bồ xô bộn" mà người ta đánh giá. Thế nên, nhà là một cái gì có thể gọi là danh dự chung. Nhưng trên xứ Úc vì thời tiết lạnh; mà cũng do là cái kiến trúc có từ trước nên mỗi thanh thiếu niên thường được một căn phòng riêng. Chính vì thế mà sự sinh hoạt của chúng thường không được ngăn nắp, gọn ghẽ. Lâu ngày tạo thành một thói quen, nhất là trong những ngày nghỉ chúng tha hồ ngủ và dậy trưa. Điều đó khiến chúng không có "đủ" thời giờ để nhìn lại, biết phụ giúp cha mẹ dọn dẹp nhà cửa, cắt cỏ, sửa soạn thùng rác vào những ngày đổ rác. Chúng chỉ thức dậy, ăn uống rồi đi chơi. Cha mẹ bận lo công việc kiếm tiền để trang trải mọi chi phí gia đình và phải làm luôn những công việc "lắt nhắt" đó. Thanh thiếu niên của chúng ta trên xứ Úc thật là "dửng dưng" với một tập thể gia đình mà cha mẹ cũng "thật" là khó nói, lại chẳng biết nói thế nào để con cái có thể nghe! Tệ hơn nữa là những ly nước chúng uống xong bỏ tại chỗ cho cha mẹ tha hồ dọn dẹp.

Đã thế, cha mẹ lại không dám "nói nặng nói nhẹ" hay lớn tiếng sợ sau nầy lại càng khó nói chúng hơn. Rủi một khi chúng giận hay có thành kiến thì lúc cha mẹ bắt đầu nói chúng lại vào phòng đóng cửa lại chẳng thèm nghe. Nếu cha mẹ không "dằn" được cơn tức, giận mà quát mắng thì lại sanh ra chuyện lớn nữa rồi! Hoặc là từ đó chúng sẽ tránh xa ra, hoặc là chúng sẽ tránh lúc sum họp gia đình; lúc đông người chúng sẽ ở trong phòng, khi bớt người hay vắng mặt người mà chúng "không thích" chúng mới ra ngoài. Có những trường hợp cha mẹ quá giận dỗi mà sanh ra tình trạng chửi mắng, đánh đập thì phạm vào tội "bạo hành con cái" trong gia đình, phải đối chất với cảnh sát hay với luật pháp. Còn thanh thiếu niên lại bỏ nhà đi ra ngoài sống riêng, được sự giúp đỡ, "tiếp tay" của chế độ, qui chế nhân đạo của xã hội từ các cơ quan chính phủ. Bậc cha mẹ đành "thúc thủ" bó tay. Từ những thiếu thốn nầy đến thiếu thốn khác đó, các thanh thiếu niên ít có người nào vươn lên để tạo được sự nghiệp, mà đa số đều vướng vào các tệ nạn xã hội hay phạm pháp làm cho xã hội càng tệ hại hơn thêm. Không biết đó là do lỗi của cha mẹ hay là do "chính sách" của ông chánh phủ mà đã tạo nên những hoàn cảnh như vậy? Nhiều cha mẹ phải "lỡ khóc lỡ cười" cũng vì con cái trên xứ người.

Thanh thiếu niên nào cũng thích được thoải mái làm theo ý muốn, không bị một ai ngăn trở hoặc người khác để ý đến công việc của mình, cho nên bậc cha mẹ can ngăn vào chúng lại không thích. Còn bậc cha mẹ thấy con mình đi vào con đưòng sai lầm thì không thể chịu nỗi cần phải nói. Do đó sự xung đột cũng có thể xảy ra dễ dàng. Nhất là những cuộc vui ở những "club" disco: Ai chẳng thích nghe nhạc, ai chẳng thích nhảy, vui thì ai cũng thích cả. Tuy nhiên chính vì ham vui sẽ đưa người ta lần đến những thứ khác: Trước thì đi chơi cho biết, sau thì vui quá trở nên ham; đi mãi trở nên ghiền không đi không thể chịu được. Thế là, bắt đầu đi thường xuyên. Cái tâm lý học đòi làm người lớn lúc nầy lần theo thời gian phát triển: Tập uống bia, rồi đến rượu mạnh xem đứa nào "mạnh đô", uống giỏi. Sự thách đố và với lòng háo thắng độ rượu càng ngày càng tăng, tiền chi ra mỗi lúc càng nhiều; song song với rượu là thuốc lá, cuộc vui đầu tiên lần lần đốt cháy tương lai của chúng. Cha mẹ nhìn thấy nói cho chúng biết thì chúng chẳng thèm nghe và xem cha mẹ ghét chúng mà ngăn cấm chúng "vì chúng chưa hề trải qua kinh nghiệm sống ấy". Cuộc vui đó lần được rủ rê trong đám bạn bè hoặc từ những khích bác mà thanh thiếu niên tiến xa hơn bước nữa, nhất là đám "nam nhi" lần đi vào các "động điếm" để mình thật sự trở thành người lớn; và với sự thách thức của đám đi trước, đám sau có nhiều "đứa" lại lâm vào nghiện ma túy; hoặc do những con buôn ngon ngọt dụ dỗ chúng vào con đường ấy để thêm được một khách hàng thường xuyên, góp phần cho sự băng hoại cộng đồng và xã hội. Hoặc đang lúc chúng cần tiền, người ta đã tung tiền ra để giúp đỡ chúng rồi sau đó để giải quyết số nợ chúng phải tiếp tay vào những tội lỗi khác. Điều ấy bậc cha mẹ không hề được hay biết đến. Khi biết thì chuyện đã rồi!

Đó là chưa kể đến những chuyện xung đột từ giành gái đến tự ái, say rượu hay băng đảng sanh ra đánh lộn, đâm chém gây thương tích hoặc chết người.

Còn nhà trường ở Úc chỉ nhằm giáo dục trẻ con về kiến thức, không mấy chú trọng đến giáo dục về đạo đức và những vấn đề giao tế cần có trong xã hội, giống các bộ môn Đức dục và Công dân như ở Việt nam ngày trước. Chúng tôi vì không làm công tác giáo dục cho nên không biết rõ vì sao lại là như vậy. Nhưng theo thiển nghĩ vì để trẻ con phát triển theo năng khiếu của chúng cho nên không có một mẫu đạo đức hay lịch sự chung nào được áp dụng để "uốn nắn" trẻ con trở thành người tốt trong tương lai. Làm như vậy có thể xâm phạm vào sự tự do phát triển của cá nhân. Và ngay cả những trường ngôn ngữ tiếng Việt cũng ít chú trọng đến vấn đề nầy(!) Nếu có chú trọng, thì chắc chắn tình trạng trong con em chúng ta sẽ được tốt hơn khá nhiều rồi!

Có lần, khi chúng tôi còn học Anh văn trong những lớp cho người mới tới, cô giáo đưa một bài báo nói về chuyện một cô gái bỏ gia đình đi ở bên ngoài. Chúng tôi phê phán chuyện đó, nhưng cô giáo bảo rằng như vậy đứa con gái ấy thể hiện tính tự lập của nó đó. Chúng tôi cả bao nhiêu người Việt nam trong lớp đều ngạc nhiên; và về sau chúng tôi mới hiểu được hậu quả của nền giáo dục ấy đã ảnh hưởng đến con cái chúng ta rất nhiều. Và nhiều bậc cha mẹ phải âm thầm đau khổ vì con.

Như trên chúng tôi đã trình bày thế hệ thanh thiếu niên hiện nay là lực lượng hậu bị cũng là những bộ mặt đại diện cho cộng đồng ta trên xứ người: Cộng đồng được tốt hay xấu đều gắn liền theo thế hệ thanh thiếu niên ấy và luôn mãi gắn liền với các thế hệ thanh thiếu niên về sau. Sự chuẩn bị tốt hay không là do chính thế hệ già của chúng ta hiện nay. Đó chính là lý do mà chúng tôi muốn lạm bàn cùng quý phụ huynh và độc giả làm thế nào để chuẩn bị cho một thế hệ tương lai mà thế hệ đó đại diện cho một sắc tộc hay là biểu tượng cho một dân tộc. Sự hãnh diện, vẻ vang hay buồn tủi đều cũng từ những thế hệ trẻ mà nên.

4- Những vấn đề đặt ra:

a)- Đầu tiên chúng tôi muốn nói đến tinh thần dân tộc là trên hết:

Vì xã hội Úc là một xã hội đa văn hóa, gồm có nhiều chủng tộc mỗi chủng tộc được quyền duy trì sắc thái riêng của mình, đồng thời hội nhập vào những sinh hoạt cộng đồng chung. Chính vì vậy mà chúng ta cố gắng giới hạn những điểm hạn chế của sắc dân mình được chừng nào hay chừng nấy. Những hoạt động của từng cá nhân hay nhóm có những khác biệt đều được xem đó là những thành tích đại diện cho sắc dân: Tốt, xấu tùy thuộc vào lợi ích của nó hay những tác động vào xã hội chung. Nếu chúng ta có những nhận xét về một số người Ý, Hi Lạp, Trung quốc lục địa... để từ đó rút ra một khái niệm chung cho sắc dân đó; thì sắc dân khác cũng có việc làm như chúng ta. Do đó, nếu chúng ta không để tâm đến, chúng ta cứ xử sự "thoải mái" như trên quê hương chúng ta thì tất nhiên chúng ta sẽ có nhiều "sơ hở" để cộng đồng sắc tộc khác đánh giá cộng đồng ta, mặc dù đó là những việc làm của cá nhân hay nhóm. Những năm trước, khi chúng tôi đến đất Úc được chưa đầy năm, lúc đó cộng đồng ta có nhiều sôi động về việc "biểu tình" ở nhiều nơi trên đất Úc. Một ngày nọ, sau khi xem tin tức trên truyền hình về việc biểu tình bạo động đối với một nhà thờ nào đó chiếu phim tuyên truyền; trong cuộc biểu tình có bạo động có súng nổ, có ném đá làm bể kiếng cửa sổ của nhà thờ, miểng kiếng văng trúng tay làm người Úc chảy máu; anh bạn Úc của chúng tôi đã nói: "Từ trước tao rất có cảm tình với người Việt tị nạn của tụi bây, nhưng tao không hiểu người ta chiếu phim thì đâu có gì để tụi bây làm cho người Úc đổ máu; qua chuyện nầy khiến cho tao thay đổi một cái nhìn". Chúng tôi, một số người kém tiếng Anh cố dùng hết ngôn ngữ hiện có của mình để biện minh cho việc làm đó, nhưng liệu trong đầu óc của anh bạn nầy có "thông cảm" được việc làm của cộng đồng chúng ta hay không? Và cũng từ đó, đã cho chúng tôi khái niệm nầy và hôm nay chúng tôi cố gắng trình bày ra đây như là đóng góp một ý kiến đối với cộng đồng chung của chúng ta vậy.

Làm chính trị "là phải biết tranh thủ nhân tâm" để giành lấy sự hậu thuẩn của người khác; ngay cả đến hình thức dùng "thủ đoạn" khôn khéo của mình lừa người khác đi nữa, thì cũng nên khéo che đậy để người ta thấy mình đúng, hợp lý thì người ta mới yểm trợ, ủng hộ. Thế nhưng, có nhiều người sử dụng một cách lộ liễu để giành phần hơn, phần thắng trong cộng đồng chung thì đó chỉ là hình thức chia rẽ trong cộng đồng; đồng thời đem đến sự thiếu thiện cảm của cộng đồng khác đối với cộng đồng ta mà thôi. Từ đó về sau, chúng ta khó mà làm được việc gì, vì người ta đã "chán" chúng ta lắm rồi!

Chúng tôi lớn lên trong vùng có nhiều người Hoa sinh sống và sau lớn lên đi nhiều nơi, chúng tôi ít khi nào thấy người Hoa họ giận dỗi, mặc dù sự buôn bán của họ đôi khi cũng bực mình; hoặc họ bị chọc ghẹo họ vẫn ôn tồn vui vẻ. Thuở ấy, chúng tôi có nhiều thắc mắc và chúng tôi chỉ nghĩ đơn thuần vì "lý do buôn bán" nên họ phải vui vẻ để buôn bán miễn là tiền vô túi thì thôi. Nhưng đến khi mình trở thành người lưu vong xa xứ, thì sự yên lành "để có một nơi để sống" là một điều cần thiết. Không ai ngu dại gì tự mình làm mất đi nơi dung thân của mình. Và cũng không ai muốn phiền phức nhất là trên những đất nước có nhiều "ngấm ngầm kỳ thị"!

Để củng cố một cộng đồng chúng tôi thiết nghĩ nên đặt nặng vấn đề "danh dự, thể diện dân tộc, sắc tộc" trước tiên, để từ đó chúng ta làm "kim chỉ nam" cho mọi hành động chung trong cộng đồng. Từ ý thức ấy cá nhân mới điều chỉnh thái độ của mình sao cho hợp lý có ích cho mình, cho cộng đồng và thế hệ mai sau. Chẳng lẽ, chúng ta lưu vong để đem rao bán danh dự dân tộc cho thế giới hay sao? Hay khiến người khác nhìn dân tộc chúng ta qua "kính mờ vẩn đục" mà chúng ta đem đến. Dân tộc chúng ta đã có tiếng chịu khó, ham học, cần cù, nhẫn nại, tiết kiệm, hiếu khách, lễ nghĩa, giúp đỡ tương trợ lẫn nhau, và còn nhiều ngôn từ đẹp đẽ khác nữa... Vậy thì chúng ta phải làm như thế nào? Quả thật là khó để quyết định được vấn đề!

Mỗi con người thành viên của cộng đồng sắc tộc hiểu biết về vị trí, vai trò của mình là điều cần thiết, và điều ấy cũng phải là mãi mãi từ thế hệ nầy đến thế hệ khác; vì màu da, màu tóc, vóc dáng chúng ta khó mà thay đổi. Phát huy những điều tốt, giảm thiểu những điều xấu thì cũng chẳng thiệt hại gì cho ai cả, mà chỉ đem đến "danh dự, giá trị" cho cá nhân con người, cho sắc tộc hay sự ngưỡng mộ của người khác thì cũng "chẳng chết ai" bao giờ!

Nếu thanh thiếu niên ý thức được điều ấy, thì chúng tôi thiết nghĩ sẽ là động cơ thúc đẩy để chúng có lý tưởng học hành, làm việc sau nầy, đưa chúng đến con đường tốt hơn cho tương lai của cá nhân, gia đình của chúng và cho chính sắc tộc của ta. Rạng danh cho mình và cho dân tộc chắc ai cũng đều thích thú, thì điều nầy vẫn không phải là điều hại. Sự vươn lên của dân tộc, hay sắc tộc của chúng ta là cần thiết để chúng ta hoàn thiện cộng đồng sắc tộc chúng ta trên xứ người, cũng là bảo toàn được cảm tình của mọi người nơi mình đang sống. Thế thì, tại sao chúng ta không làm khi mà chúng ta có thể làm được?

b- Hiện nay chúng ta có các tổ chức của thanh thiếu niên:

Gia đình Hướng đạo, Gia đình Phật tử, Thanh niên sinh viên Công giáo, Hội quán Trùng Dương, Hội Sinh viên Học sinh, Các võ đường.. thì chúng tôi nghĩ với những sinh hoạt bổ ích, rèn luyện cho các em về nhiều kỹ năng chuyên môn, nếu được cộng thêm vào những ý thức "danh dự dân tộc" thì tốt hơn nhiều. Mỗi khi nhớ mình là "người Việt nam" hay "Úc gốc Việt" thì các em không thể quên mình là người Việt, thì chúng cũng phải làm sao để "xứng đáng" là người Việt; không lẽ chúng làm những điều làm cho sắc dân Việt mang tiếng xấu ư? Sở dĩ từ trước tới nay sắc tộc chúng ta dù chỉ mới khoảng 30 năm thành hình trên xứ người, nhưng cũng có khá nhiều "thành tích" không được mấy tốt đẹp bên cạnh những thành công, vẻ vang khác vì "họ" thiếu đặt nặng vấn đề "danh dự dân tộc". Họ hành động tự tiện, hành động theo ý thích, theo lợi nhuận không cần biết có nhiều sắc tộc khác đang để ý, theo dõi "một số người mới" đang sinh sống cùng chung với họ trên một đất nước nhiều chủng tộc của xứ Úc nầy. Chúng ta cứ ngỡ là chúng ta đang sống thoải mái trên đất nước của chúng ta nên chúng ta đã không hề nhìn lại ở chung quanh và nhận định chúng ta phải làm thế nào để hợp lý hơn. Đó là nhược điểm của chính thế hệ già chúng ta và chúng ta cũng quên những thế hệ Thanh thiếu niên sau lưng của chúng ta rồi.

Vì vậy, chúng tôi muốn nói đến sự hướng dẫn của lớp người đi trước đối với thế hệ đi sau.

c- Sự tiếp tay của những Tổ chức, Hội đoàn, Gia đình quân đội:

Vì đây là sự đầu tư, tái tổ chức nhằm giúp đỡ những thế hệ thanh thiếu niên trong tương lai cho nên nó có tính cách lâu dài và trường kỳ chăm sóc, hướng dẫn. Việc làm nầy không còn là của riêng ai nữa, mà là việc chung vì trong đó có con cháu của chúng ta. Tạo điều kiện thuận lợi về tài chánh cũng như môi trường hoạt động, lẫn khuyến khích thanh thiếu niên tham gia những học tập, công tác lợi ích là điều tốt. Có như thế chúng mới có ý thức đối với tập thể, tâm tính mới mở rộng ra với mọi người, đó là điều hiếm thấy trong môi trường "chủ nghĩa cá nhân" của xã hội Tây phương vật chất đã thể hiện trên xứ Úc nầy. Đó cũng là điều kiện để tách rời thanh thiếu niên không còn có nhiều thì giờ đi vào con đường thiếu lành mạnh để có thể làm khổ cho chính mình và gia đình. dành thì giờ để làm những công việc có ích cho mình, cho xã hội; học hỏi, sinh hoạt trong một môi trường tốt đẹp đầy thiện tâm không tốt hơn sao? Thanh thiếu niên có môi trường tốt thì cha mẹ, cộng đồng cũng đỡ phải nhức đầu phải không Quý Vị?

Với sự lãnh đạo chung của các Ban Quản Trị Cộng Đồng, cộng đồng vẫn có thể động viên những cá nhân, thành viên các Tổ chức có khả năng khác tham gia vào các công tác thiện nguyện khác như dạy võ thuật, nhiếp ảnh, huấn luyện những bộ môn thể thao, dạy đàn, trống, lập ban nhạc, đội múa lân, nhóm văn nghệ.. Nhằm hướng dẫn thanh thiếu niên sinh hoạt, đồng thời tạo được những thế hệ kế tiếp các khả năng của mình thì chúng tôi không nghĩ quý vị ấy "không thích mà chẳng tham gia vào".

d- Đối với nhà trường:

Nền giáo dục của Úc đã khiến cho chúng ta gặp nhiều khó khăn đối với việc dạy dỗ con cái, nhưng chúng ta vẫn có nhà trường ngôn ngữ của chúng ta. Chúng ta có thể nghiên cứu đưa vào chương trình những điều giáo dục đức dục, công dân để các em có thể hiểu được nhiệm vụ của mình đối với đất nước dù Tổ quốc Úc hay Việt; đồng thời chúng cũng không quên những điều căn bản của con người đối với gia đình như: Đi thưa về trình, thương mến cha mẹ, yêu quý ông bà, nhường nhịn anh chị em, ăn uống có vệ sinh, gặp người chào hỏi, kính trọng người lớn tuổi, phụ giúp hiếu thảo với cha mẹ.... thì cũng đâu có gì gọi là vi phạm tự do cá nhân của thanh thiếu niên, đôi khi đó lại là điều làm tăng thêm giá trị con người. Quý vị sẽ nghĩ thế nào giữa một đứa trẻ khi mình vào nhà nó nó chỉ đứng "trố mắt" ra nhìn và một đứa khác thì "thưa bác đến chơi ạ!". Hẳn là đứa sau được đánh giá tốt hơn đứa trước chứ! Vậy tại sao nhà trường Việt ngữ chúng ta không thể làm được việc ấy? Hay là chính quyền sẽ thưa ra tòa vì tội "o ép trẻ con" vào con đường "lịch sự, lễ phép" đó chăng?

e- Đối với gia đình:

Như chúng tôi đã trình bày ở trên, nhiều bậc cha mẹ, gia đình vì bận mãi lo làm việc kiếm tiền để ổn định đời sống, nên không có đủ thì giờ chăm sóc đến con cái; vả lại, vì xã hội nầy quá mới và khác biệt với xã hội của chúng ta khá nhiều, nên họ đã "khóc nhiều hơn cười" với vấn đề con cái, thậm chí đến đỗi "héo hon, gầy gò, bạc đầu" với con. Nhưng biết làm thế nào? Đó là chuyện chúng ta cần bàn và hướng đến một cơ cấu tổ chức đồng bộ, hợp lý trong mọi đoàn thể, mọi người và gia đình để giúp cho chính chúng ta, những thế hệ mai sau, và cộng đồng sắc tộc chúng ta nữa.

Chính vì lý do ấy, mà chúng tôi không ngại ngần trình độ thô thiển, nhận xét kém yếu của mình viết lên bài nầy nhằm trình bày cùng tất cả Quý vị "để thử bàn" và mong tìm được giải pháp chung nhất nào đó ích lợi cho tất cả mọi người trong sự cùng nhau hợp tác và cùng nhau tìm được hạnh phúc cho mình và thế hệ mai sau.

oOo

Song song với những phần nầy, tôi còn bỏ thì giờ ra để nghiên cứu các kinh điển của Đạo Phật, đi tìm những giải thích của những điểm “lạ lùng” mà tôi đã gặp phải trước kia trong các kinh điển ấy. Qua đó với những khám phá ghi nhận được tôi hoàn tất thành 15 bài viết về Đạo Phật ở cấp độ bình dân, thích hợp với trình độ “bắt đầu tìm hiểu” như của tôi. Sau nầy với trình độ khá hơn, tôi viết những bài khác dựa trên căn bản cũ và gởi đến trang nhà Đạo Phật Ngày Nay trong thời gian từ đầu năm 2008 đến năm 2009 cũng được hơn 10 bài. Trong đó quan trọng nhất là phần “Vũ Trụ Quan” và “Nhân Sinh Quan” mà tôi gộp chung chúng lại được gọi là “Tài Liệu Tổng Quan Về Giáo Lý Đạo Phật”.

Nguyên Thảo,
22/12/2009.
(Cuộc Hành Trình Của Chữ Nghĩa).

No comments:

Post a Comment