Saturday, February 20, 2010

“Vị Nhân Sinh” Hay “Vị Nghệ Thuật”?

Đồ tôi nhớ lại thuở đi học, nhất là thời gian học ở Trung học sao mà nhiều kỹ niệm đẹp thế! Hay là vào thời kỳ đó, Đồ tôi cũng như bao nhiêu người khác lại bước vào thời kỳ "bể tiếng", "nhổ giò"; thời kỳ cơ thể phát triển để trở thành "con gà giò" tập gáy sửa soạn "đá": "đá bóng" lẫn "đá đèn".

Ở vào giai đoạn phát triển ấy thì những năm "Đệ Ngũ, Đệ Tứ" (sau nầy người ta đổi là lớp 8, lớp 9) lại bắt đầu học về văn chương nghị luận: Nghị luận luân lý và văn chương. Ôi! Thanh niên nam nữ ai cũng tập lý luận nhoi lên, kẻ thắng thì "ưởn ngực ta đây", còn đứa thua thì "ấm ức", rồi kiếm các bài phê bình nào hay, tác phẩm nào nổi tiếng để đọc: Vừa học kiến thức, vừa học cách lý luận cho khỏi thua người ta. Riêng Đồ tôi không được suông sẻ, không có nhiều may mắn mà lại bước vào giai đoạn bi đát của đời mình. Tuy nhiên, nhờ bạn bè thương tình, đôi lúc cho chia sẻ một vài vấn đề; và bây giờ Đồ tôi lại viết về vấn đề ấy, tức là "Nghệ thuật vị nghệ thuật" hay "Nghệ thuật vị nhân sinh".

Nói đến nghệ thuật thì nó rất bao quát, nó bao gồm rất nhiều phương diện của cuộc sống, nhằm tô điểm cho đời tươi đẹp, đáp ứng nhu cầu đẹp cho con người từ vật chất lẫn tinh thần, hoặc trong nhu cầu đó đáp ứng được cả hai, như nghệ thuật cắm hoa chẳng hạn: Nhìn vào một bình hoa hoặc lẳng hoa mình thấy nó mang một vóc dáng đẹp mình thích (vật chất) và thích ngắm mãi để tìm một cảm giác thoải mái, một nhu cầu đáp ứng cái đẹp (tinh thần).

Vì Đồ tôi vốn sanh sau đẻ muộn, nên không được đọc các bài tranh luận trong cuộc bút chiến (không phải chửi lộn) giữa hai nhà văn có tiếng của Việt Nam lúc bấy giờ là Phan Khôi và Hải Triều. Về sau, Đồ tôi có đọc được một, hai bài không nhớ rõ ở đâu mà chỉ là tác giả quyển sách ấy trích ra hai bài: Một của Phan Khôi, một của Hải Triều. Khi đọc, Đồ tôi quá thán phục về cách lý luận, cách hành văn và sử dụng từ ngữ của các nhà văn ấy. Nó vừa súc tích ý nghĩa, vừa thanh cao; từ ngữ chính xác, sắc bén và rất là văn chương, chứ không như những bài chửi tầm bậy, hạ thấp giá trị văn chương, giá trị con người của chính mình như một vài người đã làm (chắc họ làm để thoả mãn cái "tức khí", sân hận, ấm ức của mình đối với một hay nhóm người nào đó. Làm thế để làm gì? What for?). Nếu thắng thì được cái gì? Nếu thua thì cũng chẳng được cái gì? Và xét lại trong cuộc đời thì người ấy chỉ là một người "tức khí" mà thôi!

Trong cuộc đời, nghệ thuật vốn là sản phẩm của đời sống con người. Con người đã tạo ra nghệ thuật. Thì với quan niệm "vị nghệ thuật" hay "vị nhân sinh" cũng là hai khía cạnh để phục vụ cho đời sống con người. Tranh luận cho lắm thì cũng thế mà thôi!

Nếu ta suy luận về quá khứ và thử đặt mình vào hoàn cảnh của người tiền sử thì ta cũng có thể hiểu được phần nào. Từ giáo dục, kinh nghiệm sống ở đời, kinh tế, tổ chức xã hội, chính trị lẫn khoa học, văn hoá đều được phát triển từng bước theo sự phát triển của con người. Tất nhiên từ thời kỳ ăn lông, ở lổ chỗ trú chỉ là hang động, sau che sơ sài để trú ẩn, khi lương thực chỗ nầy hết rồi phải du mục sang chỗ khác. Đến khi định cư để canh tác, nhà cửa cũng được cũng cố dần lên; lúc đầu cành lá thân cây che mưa, gió, tuyết... Sau thì vỏ cây, lá, tranh bện lại che mái; cây hoặc đất đá chất lên làm vách; rồi tiến đến gạch, ngói; rồi kiểu nầy kiểu kia để làm đẹp nơi mình trú ngụ. Sự thay đổi dần ấy người ta gọi là tiến bộ. Với từng bước tiến bộ về kinh tế, loài người có cuộc sống khá hơn. Rồi từ đó nghệ thuật tạo tác, nghệ thuật về nhu cầu tinh thần lẫn vật chất cũng được nâng cao.

Nghệ thuật không tự dưng ở trên trời rớt xuống, không một vị thần nào ban xuống cho loài người, mà chỉ có con người từng bước qua cuộc sống, nhận xét, lấy kinh nghiệm tạo nên. Nó nhanh hay chậm tùy theo trí óc của ta suy tư nhiều hoặc ít. Nói chung mọi sự trong đời đều do sự suy tư của trí óc, hay khác đi được khởi phát tự trong "Tâm thức" của ta nhằm đáp ứng các nhu cầu "thấy, nghe, hay, biết". Thấy đẹp, muốn đẹp, rồi làm đẹp. Ghét bỏ cái xấu ta không lấy cái xấu. Nghe âm thanh du dương, rung động đến tình cảm của ta, hay kích động được tinh thần của ta, ta thích dù trong thời gian ngắn nào đó thôi! Những điều ta cảm nhận hay cảm biết đều được phân tích thành tốt xấu để mình thích hay không thích. Những điều thích được tiếp tục phát triển và điều xấu bị loại bỏ. Ngay cả trong kinh tế cũng vậy, ta thích mua đồ tốt, đẹp; đồ xấu, hư sẽ không được mua, cơ sở sản xuất đồ ấy cũng phải bị dẹp đi.

Nếu đứng trên bình diện ngọn mà nhận định thì có vẻ: Nghệ thuật và nhân sinh là hai phần riêng biệt, cũng như đứng trên nhìn xuống dòng nước, cọng rong xanh nghiêng qua nghiêng lại theo dòng nước ta tưởng là nghệ thuật, nếu nhổ gốc thì nghệ thuật, đời sống của rong đều chết hết. Cũng thế, nếu ta nghiêng về cái hay, cái đẹp, cái du dương thoải mái thì điều ấy giống như là "nghệ thuật", nhưng cái đẹp ấy cũng chỉ là đáp ứng cho nhu cầu sống của con người, thế vậy chẳng là cho "nhân sinh" sao?

Chịu khó suy tư và suy luận một chút, thì chúng ta cũng có thể phân biệt được cái nào hư và cái nào thực, đúng hoặc sai. Mà quả đúng vậy, người ta nói "vàng thiệt không sợ lửa" thứ thiệt trải qua bao nhiêu thử thách nó vẫn là thiệt. Và một yếu tố khác cũng để đo lường chân lý, đó là thời gian. Với thời gian lâu dài: Thiệt vẫn là thiệt, giả sẽ hiện rõ ra. Yếu tố thời gian và yếu tố tính chất định đoạt được chân lý hoặc hư thực. Còn nghệ thuật được khởi nguồn từ con người vẫn dính líu tới con người, cho con người thì nghệ thuật cũng không hẵn là nghệ thuật suông. "Nghệ thuật vị nghệ thuật" hay "Nghệ thuật vị nhân sinh", Bạn thử đoán mà coi!...

Đồ Ngông,
6-5-02.
(Chuyện “Tào Lao Thế Sự”)

No comments:

Post a Comment