(Hay: Đạo Phật Là Một Ngoại Lệ).
Có lẽ ta phải nói rằng: ‘Từ khởi thủy con người vốn không có Tôn giáo’. Nếu nói như vậy sẽ làm phật ý một số lớn người sùng tín, ngoan đạo của bất cứ Tôn giáo nào. Nhưng căn cứ vào khoa học và thuyết Tiến hóa, thì đó “là một sự thực có luận lý”. Vì rằng trong điều kiện nào đó (duyên hợp) vật sống được sản sinh ra từ đơn bào tiến đến đa bào; rồi từ các loài sinh vật dưới nước đến loài lưỡng thê, loài sống trên đất liền và có loài biến thái thành khỉ, vượn, vượn người đến con người. Lại trong quá trình phát triển từ con người sơ khai cho đến con người văn minh cũng phải trải qua thời gian rất lâu dài trong lịch sử. Thế nên, ta cứ thử tưởng tượng những con người đầu tiên có nghĩ gì đến tôn giáo hay không?.. Vậy thì, tôn giáo bắt đầu có khi nào? Ta không thể xác định được thời điểm của nó, vì trước nền văn minh được truyền đến hiện nay đã có các nền văn minh trước đó; và lại biết đâu trước các nền văn minh trước đã có các nền văn minh trước nữa. Tuy nhiên, ta còn có thể lược một cách khái quát qua nếp sống từ sơ khai của con người thì ta cũng có thể sẽ hiểu một cách đại khái về sự thành hình của Tôn giáo. Nhưng dù thế nào đi nữa, ta khó loại bỏ được ý niệm: “Con người khởi thủy sống, sinh hoạt qua bản năng của mình và họ vẫn chưa phát triển được khả năng trí óc tối ưu mà tạo hóa đã ban cho”. Do đó, từ sống từng nhóm nhỏ đến hợp bầy; dùng đá cành cây làm vũ khí; ở thì ở hang động, hoặc du mục... Rồi do điều kiện sinh tồn họ mới tiến đến hợp thành bộ tộc, thôn xóm; trải qua các thời đại đồ đá, đồ đồng tới đồ sắt; biết cất nhà tạo nơi trú ngụ, trồng trọt, canh tác, chăn nuôi... Từ thuở ấy, trí tuệ con người bắt đầu phát triển nhanh chóng, biết trao đổi kinh nghiệm, tạo nên nền giáo dục, gom góp những cái hay cái dở truyền thụ lại cho nhau. Các kiến thức, kinh nghiệm từ đơn giản đến phức tạp, đa dạng, phong phú để tạo nên những tri thức văn hóa, khoa học, kinh tế, chính trị... ngay cả như tôn giáo hiện nay.
Vậy thì, vào khởi thủy, con người sơ khai chỉ biết kiếm lương thực, hái trái cây, đào củ, bắt cá để nuôi thân mình, đàn nhóm; họ chưa có khái niệm gì về tôn giáo. Từ những cơn mưa sấm chớp, sét đánh, đá lăn, cây ngã làm chết người nên con người hoảng sợ và họ tưởng tượng như có một vị nào đó vô hình điều khiển các hiện tượng ấy để làm cho người kia chết, cho nên”‘thần” được thành hình. Từ từ có thần sông, thần núi, thần lửa, thần sấm sét... Rồi phát triển song song với trí tuệ của con người, qua những bộ óc giàu tưởng tượng, các truyện kể, thần thoại, và huyền thoại được ra đời. Thế là các vị thần tạo nên vũ trụ, tạo ngày tạo đêm, tạo mây tạo gió, mưa; thần cai quản mặt trời, mặt trăng, thần của bốn mùa, thần tình yêu vân.. vân.. .Và rồi theo tiến trình phát triển của xã hội các bộ tộc đánh nhau để dành đất đai, lãnh thổ lập thành chế độ phong kiến thì lại có thêm thần chiến tranh, thần chết, thần phá hoại, xây dựng... Các vị thần trong giai đoạn nầy cũng được kết hợp thành vương triều, đa số lấy thần mặt trời làm chính yếu, cai quản cả trên trời dưới đất, chăm sóc phân công tất cả các vị thần. Nhưng tựu trung lại các vị thần đều mang tính chất của con người kể cả vị thần chúa tể, họ cũng biết tạo nên, cũng giận dữ, hờn ghen, giết chóc, rủa sả, hối tiếc... Đó là điểm chúng ta cũng cần lưu ý để về sau ta có thể nhận định được thế nào là một tôn giáo và thế nào là “bắt nguồn từ một thần thoại”. Lúc đầu các vị thần và người ở chung; các vị thần được mang thêm các quyền biến, phép tắc, tạo phúc, tạo hại rồi dần dần thần người tách biệt. Thần trở lên cõi trời, hay xuống cõi dưới đất, hoặc cõi nào mà người sáng tạo các chuyện ấy sẽ cho họ ở. Và người thì ở trên mặt đất như hiện nay.
Tiến trình thì có thể là như vậy! Nhưng vì sao có tôn giáo? Đó là điều kỳ thú nhất của con người. Theo như chúng ta biết con người ngoài sự hiện diện của thân xác ta còn có linh hồn, tâm thức hay tinh thần. Phần hồn ta không thể chứng minh một cách rõ rệt được, nhưng mà nó có: Những giấc chiêm bao là hoạt động của phần hồn, phần tâm thức, mà thân xác ta thì bất động giống như một xác chết; những người chết đi vài ngày khi tỉnh dậy kể chuyện chu du của mình; những người kể những kiếp trước mà ngày nay trên báo chí thường hay đăng tải, và những trường hợp nhập xác đoán đúng được quá khứ của người khác cũng là các điều đáng nói. Hiện nay trên thế giới nầy tôn giáo mang hình thức rất đa dạng như ta thường thấy:
- Có những tôn giáo bắt nguồn từ các câu chuyện thần thoại có sửa đổi một cách hợp lý, tinh vi hơn và được xây dựng thành một hệ thống, có một tổ chức chặt chẽ và biến thành giáo hội cho một dân tộc hay mở rộng thêm ra.
-Có những tôn giáo theo những nề nếp xưa cũ từ trong các chuyện thần thoại mà lưu truyền về tổ chức, cũng như về giáo lý, phong tục, luật pháp.
-Có những tôn giáo sản sinh từ sự tách rời với hệ thống giáo pháp cũ, qua sự canh tân hay sự phản kháng của các chức sắc trong hàng giáo phẩm mà tạo thành một tôn giáo mới.
-Có những tôn giáo phản kháng hẳn với tôn giáo mẹ như là một sự đối chọi, thường là những tôn giáo lập dị, những giáo phái của các nhóm tà giáo.
-Có những tôn giáo kết hợp từ chất của nhiều tôn giáo khác để trở thành một tôn giáo riêng.
-Cũng có những tôn giáo phát nguồn từ những giấc mơ, hay một sự huyền bí nào đó của người giáo chủ.
-Cũng có tôn giáo phát sinh từ sự suy tư của người giáo chủ.
-Và cũng có thể còn có nhiều cách khác nữa, tùy theo ước mơ hay tham vọng của người sáng lập ra đạo pháp: Vì chân lý, vì danh vọng hay vì bất tử (muốn được mọi người tôn thờ mình như một vị Thánh nếu không phải là một vị Thánh sống). Điều ấy chúng ta khó có thể hiểu được trong cõi đời nầy. Sự thánh thiện, chân lý hay ngụy thánh, chỉ có thời gian mới chứng minh được điều ấy mà thôi!
Vả lại, tôn giáo còn được sự hỗ trợ của người theo đạo, hành đạo trên con đường phát triển. Có những tôn giáo được phát triển qua lệnh dọa giết chết những người không theo đạo trong đế quốc của mình của một đại đế ngoan đạo. Có những xứ tôn giáo được coi là quốc giáo; hoặc có những tôn giáo phát triển theo đoàn quân viễn chinh, chủ nghĩa thực dân... Sự phát triển hòa bình, nhân đạo trong tôn giáo cũng thường là hiếm hoi. Ngoài ra, còn có tôn giáo muốn phát triển qua các cuộc bạo động, tạo thánh chiến hay bằng cách mạ lỵ đạo giáo khác trên tuyên truyền, sách vở hay cho người len lỏi phá phách... Chỉ vì tinh thần vị kỷ, chấp ngã mà cái của ta phải được tôn trọng, phát triển, phải hơn cái của người mà quên mất đi cái vai trò của Tôn giáo là “Đem lại sự an ủi tinh thần, là đáp ứng nhu cầu hạnh phúc cho tâm linh con người, ngoài cái hạnh phúc ấm no về thể xác”.
Dù gì đi nữa, đa số các tôn giáo vẫn có điểm chung nhằm hướng con người đến các điều Chân, Thiện, Mỹ đóng góp hạnh phúc chung cho loài người.
Nhìn vào những nét giản lược qua các hình thái thành hình của một số tôn giáo, ta thấy khởi nguồn từ con người sợ hãi đi đến thờ thần, rồi đa thần, từ đa thần đi đến thần chúa tể, từ ngôi vị chúa tể người ta chỉ còn giữ lại vị chúa tể ấy mà thôi tức là một vị thần độc nhất.
Nhưng qua quá trình lịch sử còn cho ta thấy nhiều điều khác nữa. Từ tôn giáo nầy đã sản sinh ra tôn giáo khác, từ tôn giáo khác sản sinh ra tôn giáo khác nữa, các khuyết điểm cũng dần được kiện toàn từ trong giáo lý, đến tổ chức, cách hành lễ, gây quỹ hoạt động, đào tạo người hành đạo và nhất là vinh hạnh cho người “tử vì đạo” hoặc “chiến đấu vì đạo giáo”. Đó là đầu nguồn của các cuộc chiến tranh tôn giáo là cuộc chiến âm ỉ, lâu dài, tiêu hao và đau khổ cho đời sống con người nhất trong các cuộc chiến tranh.
Đã có lần tôi viết tôi được làm quen triết lý của đạo Phật hay đạo Lão, đạo Khổng vào những năm còn “mài đủn quần trên ghế nhà trường” qua các bài cổ văn (giảng văn). Học thì biết vậy chứ tôi chẳng có thích thú gì mấy. Với các thầy cô, sách vở thì coi như đạo Lão, đạo Phật nói đến những vấn đề cao siêu. Tôi cứ thắc mắc “Thế nào là cao siêu?” và “Tại sao triết lý ấy lại cao siêu?”. Về sau, đến khi tôi đọc những câu chuyện kể trong quyển “Trang Tử Nam Hoa Kinh” của Nguyễn Duy Cần tôi thấy có nhiều chuyện tôi chưa hiểu tới được ý nghĩa của nó, nhưng chung quy nó có nét phóng khoáng của một con người, thế thôi!
Còn đạo Phật tôi đã quên nó lâu lắm rồi! Mãi khi gặp cơn bệnh tạo cho mình nhiều ưu tư, tôi tình cờ qua sự tĩnh tâm ðể làm cho tâm mình được an định trở lại mà bắt đầu tôi hiểu được triết lý đạo Phật hơn xưa. Thú thật, đến bây giờ tôi chẳng có hơn 10 bộ sách nghiên cứu về đạo Phật trong tay, mà phần lớn tôi cũng không có thì giờ để đọc. Thỉnh thoảng đi nghe thuyết pháp, thỉnh thoảng đến chùa dự vài lần sám hối. Nhưng tâm tôi đã quyết định “lấy tinh thần đạo Phật làm nơi nương tựa cho tâm hồn mình trong giai đoạn cuối của cuộc đời”, vì có nhiều lẽ:
1-Đức Phật là một con người như tôi: Đức Phật không nhân danh một ai, không bắt ai phải phụng thờ, Ngài cũng là một con người, vì hoàn cảnh Ngài có khác, nhưng Ngài dám từ bỏ cái hoàn cảnh rất được ưu đãi đó để chọn đến một phương cách sống thiếu thốn thì quả thực là siêu nhân.
2-Đức Phật bền lòng, không nản chí: Sau sáu năm gian nan đi tìm thầy học đạo, tự khép mình vào nếp sống kham khổ của pháp tu khổ hạnh, pháp tuyệt thực để sau cùng chọn lối sống trung đạo, và Ngài đã tìm được chân lý.
3-Chân lý ấy không đến từ thần thoại: Chân lý mà Đức Phật đã nhận ra từ trí tuệ (trí huệ) sau thời gian Thiền định nó gắn liền với tâm linh và thân xác của con người. Nó là vấn đề cụ thể, khoa học, có luận lý. Nó không từ trên trời rơi xuống, nó cũng không kêu gọi “tác quái, tác oai” trên thế gian nầy. Nó cũng không là lừa đảo, ma mị, bắt loài người tôn sùng mình như “một Đấng Tối cao có quyền năng kể cả hai chiều Thiện và Ác’.
4-Chân lý ấy được rao giảng và mời mọc: chứ không bằng những hình thức dụ dỗ, ràng buộc, dọa giết chóc hay “làm những khung sắt để nhốt chuồng” những con người theo chân lý của mình; mà bằng một sự thoải mái, rất tự do; ai thích thì đến, ai không thích thì thôi; và Đức Phật cũng nói mình chỉ là một Đạo sư, là một kẻ chỉ đường, dẫn đường đến nơi an lạc, thanh tịnh mà Đức Phật đã đến được rồi.
5-Chân lý của Đức Phật chỉ rõ cho mọi người thấy mỗi sinh vật, mỗi sự sống đều có cùng bản thể là Phật tánh, khác nhau chỉ vì hình thức khác nhau, thân xác khác nhau. Cho nên Đức Phật kêu gọi bớt đi sát nghiệp, thương tất cả chúng sanh. Và ngay cả sự phát triển Đạo lý của Ngài cũng rất hòa bình, nhân ái: “Người ái mộ chân lý đi tìm học, thỉnh kinh điển, diễn ra chữ nước mình. Vua chúa thích thì cũng chẳng bắt dân ưa (chứ không như Đại đế mộ đạo dọa bắt giết tất cả những người trong đế quốc không theo đạo của mình theo như thời Trung cổ bên Âu châu). Và Đạo Phật cũng không hề theo gót chân của đạo quân viễn chinh nào để truyền bá đạo giáo. Đó là sự phát triển Đạo một cách rất êm thấm, hòa bình, tự do và nhân ái.
6-Đạo Phật là một chân lý nhân sinh: Chân lý của Đức Phật chỉ cho mình biết: Mình có mỗi một kẻ thù là Dục ái. Dục ái là nguồn gốc của mọi khổ đau; chiến thắng được kẻ thù ấy là ta sẽ phá được vòng luân hồi sinh tử, không còn lặn hụp trong lục đạo mà sẽ tiến về cõi thanh tịnh, niết bàn, hoặc chân không diệu hữu. Do đó, Đức Phật mới nói đến “Tứ Diệu Đế”, thực hiện “Bát Chánh Đạo” và qua “Lục Độ Ba La Mật”.
7-Chân lý Đạo Phật xây dựng nếp sống con người từ vật chất lẫn tinh thần và nền hòa bình thế giới: Muốn tiến đến được giải thoát, người theo đạo sẽ theo thể thức từng bước tự tu, trau dồi thân tâm của mình cho được trong sạch (giữ ngũ giới), rồi tiến đến cao hơn như trong hàng bồ tát giới, cư sĩ tại gia, hoặc xuất gia. Tự mình tu đồng thời cùng giúp đỡ người khác tu trong tinh thần tự độ và độ tha. Với sự hòa ái, yêu mọi sinh vật như yêu mình, và qua tình thương quảng đại ấy sẽ rất là tích cực xây dựng một nền hòa bình vững chắc cho nhân loại.
8-Đức Phật không ích kỷ, ganh ghét: Khi tìm được chân lý (Sau 49 ngày thề chết nếu không tìm được) Đức Phật đã bắt đầu rao giảng, độ chúng. Ngài làm việc ròng rã hơn 45 năm trời, với chân trần lê gót từ nơi nầy đến nơi khác để nói rõ, chỉ cho con người nẽo đường đi đến nơi trút bỏ được những khổ đau, tìm được niềm an lạc vĩnh cữu. Ngài không sợ con người đời sau tranh giành quyền hay địa vị của Ngài, Ngài không hề tạo ra chết chóc để tiêu diệt, hoặc làm tai họa trút xuống loài người bằng sự ích kỷ của mình. Ngài kể đã có rất nhiều vị Phật trong quá khứ, hiện tại, vị lai đang độ chúng hoặc sẽ độ chúng. Phật không phải chỉ ở cõi Ta bà, Phật còn ở cõi Tây Phương, Đông Phương... nhiều và nhiều lắm: Vô số Phật ở mười phương.
Vậy thì thành Phật cũng đâu là khó lắm phải không bạn ?!!...
Nguyên Thảo,
08-07-01.
Saturday, December 11, 2010
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment