Trong Đạo Phật quả thực nó có những sự thâm trầm, những sự thâm trầm ấy đáng được trân trọng, nâng niu như là nâng niu vật quý dễ vỡ ở trên tay. Nếu chúng ta ngầm một sự so sánh thì khó có thể tìm được cái thứ hai; ngay cả những triết thuyết của Đông lẫn Tây trên thế gian này. Tuy nhiên, nó vẫn hàm chứa được cái Dũng mà người ta đã cho đi chung với Bi và Trí. Sở dĩ nó được cái Dũng vì tính chất luận lý của nó, nó không xa rời thực tế, nó gắn liền với cuộc sống con người, nó được phát sinh từ con người và để phục vụ, cùng đem lại lợi ích cho con người mà không vì một tư lợi nào khác. Nó không giống những chủ thuyết nhằm biến xã hội thành thành phần, hay môi trường để phục vụ cho đường hướng, giai cấp, tầng lớp của mình. Nó không có ý đồ tôn vinh cho chủ nhân, giáo chủ hay một cá nhân nào khác nhằm đem lại cho họ sự bất tử về danh vọng, tiếng tăm. Nó đi, đi một cách âm thầm vào trong cuộc sống, vào lòng người mà đôi khi người ta không cảm nhận được cái cảm giác ấy. Vì sao?
Chúng ta cũng không lạ gì về người sáng lập ra đạo Phật. Ngay trong danh xưng của chữ Phật, nó có nghĩa là Giác-ngộ. Giác-ngộ tức là không còn mê muội, mà hiểu được chân tướng sự vật, hiện tượng, thoát được sự vô minh. Giác-ngộ là một trạng thái đạt được đỉnh cao trong phương hướng đi tìm chân lý của con người về sự sống, về quan hệ; xa hơn nữa là những liên quan trong vũ trụ và của những kiếp trước hoặc sau. Nói tóm lại, giác ngộ là hiểu được ta từ đâu đến, đến đây để làm gì, tại sao phải đến đây, chết đi về đâu, làm thế nào để tránh xa hoặc thoát ra khỏi những cái khổ mà con người, muôn loài đang chịu đựng trong thế giới, vũ trụ bao la này.
Trước khi có Đạo Phật thì cũng đã có giáo lý Đạo Bà-La-Môn và các đạo khác rồi, cho nên đôi khi người ta cứ nghĩ rằng giáo lý mà Đức Thích-Ca-Mâu-Ni thuyết giảng chỉ là một sự biến thái, góp nhặt để tạo nên giáo lý cho đạo của mình. Nhưng trong sự khám phá về tâm linh, chưa chắc đã có những cái "phải khác biệt hoàn toàn" dù khám phá trên những hình thức khác nhau. Chân lý của "Vũ trụ siêu hình" tất có những điểm giống nhau. Người khám phá tuy khác trong môi trường, hoàn cảnh địa lý, thời điểm và ngay cả "căn cơ", nhưng gần như có một điểm chung: Đó là phải tĩnh tâm, cầu nguyện, suy tư, tĩnh lự hay thiền định. Mọi sự khám phá về tâm linh không thể "không có" giai đoạn này. Trong sự tĩnh lự, các nhà sáng lập tôn giáo đã khai sinh ra giáo lý của mình. Tuy nhiên, giáo lý có đạt đến chân lý hay không, đó là "trình độ cao thâm" của người giáo chủ nhận được trong giai đoạn tĩnh lự. Giáo lý có đạt đến chân lý càng cao thì sẽ đem lại mức độ "Chân, Thiện, Mỹ" càng to lớn cho mọi loài; vì chân lý "Chân, Thiện, Mỹ" không thể bao gồm những điều tồi tệ, suy thoái, phân rã, chiến tranh hay sự tàn sát trong đó. Nếu không, nó đã không còn là "Chân, Thiện, Mỹ" nữa.
Sự ra đời của Đạo Phật gắn liền với một con người thật là bình thường: Thái tử Sĩ-Đạt-Ta (Siddhatha) họ Cồ-Đàm (Gotama); con đức vua Tịnh-Phạn (Suddhodana) thuộc dòng quý tộc Thích-Ca (Sakya), và mẹ là hoàng hậu Ma-Da (Maha Maya) ở thành Ca-Tỳ-La-Vệ (Kapilavatthu) bên ranh giới Ấn-Độ của xứ Nepal ngày nay. Khi còn nhỏ, Thái tử đã bắt đầu tĩnh lự trong một buổi lễ hạ điền, suy niệm khi đối diện với vấn đề già, bệnh, chết và người đạo sĩ. Từ đó là căn bản để Thái tử sau này đành giã từ vợ đẹp, con thơ, danh vọng phú quý mà xuất gia và sống trong một hoàn cảnh hoàn toàn thiếu thốn khác xưa: Không cửa, không nhà, rày đây mai đó bằng sự bố thí lương thực của những người hảo tâm.
Thái tử đã từng thọ giáo với những đạo sĩ lỗi lạc thời bấy giờ như Alarama Kalama, Uddaka Ramaputta. Nhưng Ngài vẫn không thoả mãn. Rồi Ngài cùng năm anh em Kiều-Trần-Như (Kondanna) tu khổ hạnh trong suốt sáu năm trường. Không đạt được kết quả và cuối cùng Ngài quyết chọn con đường trung đạo, không lợi dưỡng cũng không khổ hạnh nữa để bảo toàn sức khoẻ, thân thể mà tìm đạo. Ngài ngồi dưới cội Bồ-Đề tham thiền trong 49 ngày; Ngài đã đạt được Túc Mạng Minh (nhớ lại những kiếp quá khứ), Thiên Nhãn Minh (tri giác hiện tượng sinh diệt của chúng sinh); và Lậu Tận Minh (Tuệ giác hiểu biết sự chấm dứt của các pháp trầm luân). Sự ngộ đạo của Ngài hoàn tất, Ngài trở thành đức Phật Thích-Ca trong lịch sử và bắt đầu đi hoằng pháp.
Ngài giảng rất nhiều trong thời gian dài trên 45 năm (hay 49 năm?), nhưng Ngài chỉ nhận mình là một "Đạo sư". "Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành": Tất cả chúng sinh đều sẽ thành Phật, thành Bậc Giác Ngộ nếu cũng biết theo con đường Ngài chỉ dẫn để tu tập, hành trì: Tĩnh lự, suy niệm từ bên trong tâm thức của mình thì sẽ đạt được đạo, đạo không thể tìm ở bên ngoài cái thân thể hoặc thiếu sự nỗ lực của chính mình, như trong Kinh Tạp-A-Hàm Đức Phật đã nói:
"Như-Lai tuyên bố rằng thế gian, nguồn gốc của thế gian, sự chấm dứt thế gian và con đường dẫn đến sự chấm dứt thế gian đếu nằm trong tấm thân một trượng này, cùng với tri giác và tư tưởng".
Con đường thành đạo của Đức Phật Thích-Ca thâm trầm cũng như sự thâm trầm của Đạo Phật trong thế giới nhân loại, hay đúng hơn là trong cõi của những chúng sinh dù chúng sinh đó ở cõi nào trong tam giới.
Trước tiên, chúng ta hãy tìm lại câu chuyện đi tìm đạo của Thái tử Sĩ-Đạt-Ta để tìm thấy một số điểm thâm trầm trong Đạo Phật.
1-Một con người: Cái điều khác biệt nhất của Đạo Phật là Đức Phật chỉ là một con người cũng như bao nhiêu con người khác trong thế gian. Tuy nhiên, Đức Phật được sinh vào một khung cảnh đầy sung sướng, có quyền lực. Ngài cũng có vợ, có con. Ngài có đầy đủ những khả năng mà người bình thường thế gian mong muốn; nhưng chưa chắc có đủ điều kiện để tập tành, học hỏi mà có được. Trong hoàn cảnh như thế, tại sao Ngài phải suy tư về cuộc đời, phải suy nghĩ về cuộc sống bệnh, lão tử và có cái nhìn về đạo? Ngài không có được một "ân điển" siêu hình nào từ "thần thánh" hay một Đấng thiêng liêng khiến cho Ngài đạt được đạo. Từ những ưu tư về cuộc sống con người, Ngài đã quyết chí chọn con đường đi tìm đạo, và con đường giải thoát. Từ giã đời sống sung sướng chỉ trong một đêm, qua ngày hôm sau Ngài đã phải trong hoàn cảnh đầy thiếu thốn về lương thực, quần áo, đi chân trần lê từ nơi này đến nơi khác với lòng bố thí của người khác. Thế mà Ngài vẫn chịu được thì "sự quyết chí" của Ngài quá cao. Điều ấy nói lên sự "cao thượng" của Ngài; nhưng cũng đồng thời diễn đạt được với mọi chúng sinh rằng:"Sĩ-Đạt-Ta còn dám từ bỏ cung vàng điện ngọc để sống cuộc đời khổ hạnh thì tại sao chúng sinh còn hối tiếc những cái không đáng giá của mình để tìm đường giải thoát, hoặc ít ra thực hành con đường giải thoát". Con đường tìm đạo của Sĩ-Đạt-Ta cũng không đơn giản như các bậc thần thánh khác, nó chỉ là ý nguyện của một con người bình thường đi tìm đạo. Ngài đã phải lặn lội đi tìm thầy. Học với thầy này không được thỏa mãn, lại đi tìm đến thầy khác. Tìm cách này không thành công phải tìm đến cách khác. Bỏ lợi dưỡng đến khổ hạnh, từ bỏ khổ hạnh đến trung đạo. Và cuối cùng phải quyết tâm: "Nếu không thành đạo không rời khỏi cội Bồ đề". Với ý chí ấy Ngài đã tìm thấy đạo.
Sự thành đạo của Ngài chỉ là do quyết tâm và thành khẩn muốn được đạo. Xem ra nó chẳng khác với bất cứ một con người bình thường nào muốn đi tìm đạo và để đạt được đạo. Đó là điều rất khác biệt với các tôn giáo khác; và sau khi thành đạo Ngài chỉ là "một đạo sư" chứ không là giáo chủ. Ngài chỉ là một người chỉ dẫn con đường giải thoát khỏi sự khổ đau cho người khác, cho chúng sinh. Điều ấy nói lên một tấm gương để cho người sau đặt được nhiều hi vọng thành đạo khi quyết tâm đi tìm đạo.
Đó là điểm thâm trầm đầu tiên mà đạo Phật đem đến cho người đi tìm đạo có thể nhận thức rằng người khác đã làm được tại sao ta lại làm không được; Đức Phật đã thành đạo, thì ta vẫn có thể thành đạo.
2-Tĩnh lự: Người ta coi tĩnh lự là tên khác của Thiền, với tư thế ngồi nghiêm trang và thực hiện những cung cách nào đó thì được gọi là thiền. Điều ấy chúng tôi không muốn quá quan trọng như vậy; mà chúng tôi chỉ muốn đề cập đến một kiểu cách rất là bình dân, kiểu cách ấy người ta đã làm nhiều lắm rồi, đôi khi họ cũng chẳng hề để ý đến nữa: Trong một buổi trưa nắng nóng nào đó, khách lữ hành đi trên một đoạn đường dài khá mệt mỏi. Bên lề đường có cây to đầy bóng mát. Được ngồi trên tảng đá, hay một thân cây hoặc thảm cỏ; trong bóng mát mắt lim dim nhắm lại; đầu óc vô tư, trống rỗng thì thật là thoải mái vô cùng. Ấy là một hình thức tĩnh lự: Thiền đơn giản tự lúc khởi đầu. Chắc chắn phải là như vậy! Sự thích thú đó khiến cho người ta trở nên hiếu kỳ và muốn hưởng được tận cùng cảm giác của nó. Nó dần đưa đến sự thiền. Trong sự thiền lâu ngày khiến người ta định được tâm, và từ đó tiến dần vào sự khám phá tâm linh. Rồi tiến xa hơn bằng tìm cách ngồi nào mà kéo được lâu dài, thích hợp, cùng với kinh nghiệm xử dụng những tư thế cho nên các trường phái thiền được ra đời. Nhưng dù sao đi nữa cũng nhằm một mục đích định tâm mà thôi. Nhưng định tâm để làm gì? Ấy là một chuyện khác! Mục đích của người luyện võ thì khác; của một thầy tu cũng khác đi!
Thiền là một hình thức định tâm, trong tư thế thân tịnh; để tâm mình có thể quán sát, nhìn sâu vào đáy của tri thức, hay khám phá vào cõi siêu hình. Điều đó không thể chối cãi, nếu không thì đã không có các tôn giáo. Những vị sáng lập tôn giáo thường phải trải qua một thời gian tĩnh lự, tịnh tâm, cầu nguyện dù thời gian ấy có thể khác nhau. Thời gian của Thích-Ca là bốn mươi chín ngày dưới cội Bồ Đề; Mohammed một thời gian trong núi Hira gần thành Mecca; Chúa Jesus bốn mươi ngày đêm trong đồng vắng...Và nếu chúng ta để ý khi tìm hiểu vào các tôn giáo khác thì nguyên tắc ấy vẫn không ngoại lệ đối với các vị giáo chủ hay người sáng lập ra một tôn giáo nào đó. Tuy nhiên, trong thiền không phải nó chỉ đơn giản là con đường thẳng để tới cùng một điểm đến. Nó cũng có những trở ngại, khó khăn phải vượt qua. Vượt qua được thì cái chủ trương của nó được Chân, Thiện, Mỹ hơn; nếu không thì Chân, Thiện, Mỹ bị kém đi; hoặc có khi trở thành ngược lại cũng không chừng. Chính vì chỗ đó mà các tôn giáo có những hình thức, những chủ trương khác nhau. Và ngay cả bản thân của người giáo chủ hay sáng lập ấy cũng khác đi!
Thái tử Sĩ-Đạt-Ta đã trải qua con đường thiền định để đạt được đạo và nói đạo, thì tất cả những con người khác muốn đạt được đạo như Ngài cũng cần tiến vào con đường thiền định, thực hiện thiền định. Tuy nhiên, trong Kinh Lăng Nghiêm Đức Phật đã nói khá rõ ràng về lối tu thiền định, thì thiết nghĩ quý vị nào muốn tu thiền nên nghiên cứu thật kỹ về Kinh Lăng Nghiêm để tránh đi những hệ quả không tốt đến cho mình, đồng thời không làm hại cho người về sau.
Làm con người ai cũng có những giây phút nào đó được ngồi yên lặng, mắt nhắm lại, đầu óc trống rỗng để được nghe cảm giác thanh thản của cuộc đời; nhất là trong xã hội tiến bộ về vật chất khiến con người phải vất vả làm việc để kiếm tiền mua sắm những nhu cầu tiện nghi. Như thế người ta, vô hình chung, đều có sự thiền ngay trong cuộc sống. Do vậy, nếu họ chỉ cần tiến xa hơn một chút thì dần tiến về con đường khám phá tâm linh mà Đức Phật đã đi qua và đã chỉ đường trong Kinh Lăng Nghiêm. Cho nên, Đạo Phật thâm trầm đi vào cuộc sống của loài người hay nói đúng hơn trong sinh hoạt và sự sống của loài người đã có mầm khám phá cái đạo mà Thích-ca gọi là đạo Phật rồi!
3-Khám phá về Tâm Linh: Trong suốt hành trình đi tìm đạo của Thái tử Sĩ-Đạt-Ta, Ngài đã cố công tìm những thầy học có tiếng tăm; hoặc là thực hiện phương pháp khổ hạnh cũng nhằm tìm được trong tâm linh cái con đường giải thoát. Trong khoảng sáu năm gian nan không đạt được kết quả, Ngài chán nản về ngồi dưới cội Bồ đề mà quyết tâm thệ nguyện. Trong bốn mươi chín ngày đó, ánh sáng đã hiện ra trong trí tuệ của Ngài. Những lý thuyết mà Ngài đã thuyết giảng, những điều mà Ngài đã kể về thế giới này hay là thế giới kia; hoặc thuộc về cõi trời, cõi địa ngục hay ở một cõi nào đó, tất nhiên không phải là chuyện bịa. Nhưng những điều ấy khiến cho người đời vốn mê muội nên thấy có vẻ thần thoại, chúng gần như là những chuyện không thực. Tuy nhiên, xét về biện chứng thì tại sao Ngài lại nói đến những điều ấy sau khi đã thành đạo mà trước kia Ngài không hề đề cập đến bao giờ. Có những điều cho mãi đến tận nhiều thế kỷ về sau các nhà khoa học mới khám phá ra và cho là đúng như vi trùng trong bát nước; ngoài thái dương hệ của chúng ta còn có nhiều thế giới khác hoặc là những thiên hà khác với những hình dáng màu sắc khác nhau. Điều ấy khiến chúng ta lại lưu tâm đến những điều khác hơn trong các kinh điển mà Ngài đã thuyết giảng. Phải chăng đó là những kết tụ mà trí tuệ con người có thể tìm thấy được sau hành trì thiền định hay tu tập? Và có thể nói khác đi đó là những khám phá về tâm linh, vũ trụ, con người; về chân lý mà trí huệ con người có thể quán triệt được sau khi thực hành thiền định để khám phá về tâm linh!
Người ta nói rằng những điều mà Đức Phật thuyết giảng có một số điểm mà trong các tôn giáo hiện diện trước đó đã có. Điều ấy cũng không có gì lạ: Một là có thể do ảnh hưởng; Hai là có thể mượn cách quảng diễn bằng ngôn từ hoặc là hình thức. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian Đức Phật còn tu tập Đức Phật đã không thấy đạt được kết quả, đã không đúc kết thành một giáo lý mà chỉ đề cập, thuyết giảng sau khi thành đạo, thì cũng không chắc là Đức phật đã vay mượn của tôn giáo khác. Nhưng cái chân lý tối hậu mà người ngộ được chân chính có thể sẽ là giống nhau; ít ra cũng ở một vài chân lý nào đó. Do vậy, giáo lý đạo Phật có giống với giáo lý của đạo giáo nào khác trước đó ở một vài điểm hay quan điểm tương đồng thì cũng đâu phải là lạ cho lắm! Mà chính điều ấy khiến cho chúng ta thấy được cái tính chân lý vững chắc của nó. Sau khi ngộ được đạo, Đức Phật thấy con đường mình đạt được không phải là con đường riêng do mình đã tìm ra, mà đó chỉ là con đường mà những vị Phật trong quá khứ đã đi không biết tự bao giờ. Và cũng bằng con đường đó các vị Phật trong tương lai cũng sẽ phải đi qua. Chính vì thế mà Ngài chỉ là một "Đạo Sư" chứ không phải là giáo chủ!
4- Tứ Diệu Đế: Điều thâm trầm nhất trong Đạo Phật là phải dành chỗ cho Tứ Diệu Đế hay còn gọi là Tứ Thánh Đế. Gọi là Diệu Đế hay Thánh Đế vì bốn chân lý ấy là những sự thật hoàn toàn chính xác, chắc chắn và quý báu để con người, chúng sinh có thể hiểu rõ thân phận của mình; biết được nguyên nhân và đâu là con đường thoát khổ, thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi. Bốn Chân lý đó có giá trị trong mọi thời gian cho quá khứ cũng như hiện tại và tương lai, mà bất cứ một bậc "Đại Giác" nào cũng đều nhìn thấy được như vậy.
Bốn Đế ấy là: Khổ đế- Tập đế- Diệt đế-và Đạo đế.
a/ Khổ đế: Nói đến cái sự khổ mà con người chúng sinh phải chịu đựng trong đời sống hoặc là chính bản thân mình. Không một ai thoát khổ dù cho người ấy là Thánh nhân hay đại diện cho một Đấng vô hình nào đó trong cuộc đời. Sinh ra là khổ; Già có những nỗi khổ của cái già: Bệnh khiến người ta đau nhức, ăn uống không được rồi cảm thấy khổ; cái Chết cũng làm cho khổ vì không ai muốn chết và cái chết lại làm đau thương, luyến tiếc cho người thân.
Ngoài ra cái khổ còn chồng chất thêm lên, khổ này đến khổ khác; hoặc bị hoại diệt cũng khổ; rồi lại đến hành khổ; yêu thương mà phải xa lìa; cầu mong mà không được; oán ghét mà cứ mãi gặp nhau cũng khổ; hoặc là những cái khổ do ngũ ấm mà có.
Chính những cái khổ đó mà chúng sinh phải có những lúc trầm tư, suy nghĩ. Nếu chúng sinh ấy trầm tư, tĩnh lự như một triết gia thì tất nhiên có một ngày nào đó triết gia ấy sẽ khám phá con đường trở về và "giác ngộ" hay gọi là Phật, không cần phải đợi đến Phật Thích Ca hay vị Phật nào khác, vì Phật chính là sự sáng suốt, giác ngộ của chính cái Tâm của mình. Tuy nhiên điều ấy cũng phải có một điều kiện là tu và tu đúng hướng; do đó Đức Phật đã nói về Kinh Lăng Nghiêm. Còn Tịnh độ, niệm lục tự "Nam mô A-Di-Đà Phật" đó là hình thức Thiền nhưng nhờ đến phương pháp niệm Phật để tâm không bị tán loạn đó thôi. Hình thức ấy giống như người hành thiền dùng đến phương pháp kiểm soát hơi thở hay các phép quán. Hình thức ở Tịnh Độ thì dễ hơn nhiều lại an toàn cho người tu, vì không hề bị "Tẩu hỏa nhập ma"; vả lại, cũng nhờ đến tha lực của Phật A-Di-Đà theo như những hạnh nguyện của Ngài. Nỗ lực của mình cùng với tha lực từ hạnh nguyện của một vị Phật thì tất nhiên sẽ có kết quả tốt đẹp. Do đó Thiền bài bác Tịnh Độ, hay Tịnh Độ bài bác Thiền chẳng qua họ lồng cái "bản ngã" của họ vào đó mà thôi, để rồi thấy cái của ta là tốt là hay, cái của người thua kém. Ôi, cũng khổ không chừng!
Chính chân lý này, Đạo Phật thâm trầm "xâm nhập" vào cuộc sống của chúng sinh, gắn liền với chúng sinh. Hay nói một cách chính xác và quả quyết: "Đạo Phật là Đạo của Tâm thức của chính chúng sinh", vì vậy khi nào chúng sinh quay về với tâm thức của mình, thì chúng sinh ấy sẽ được "Giác Ngộ" không sai khác.
b/Tập đế: Là những chân lý phân tích về nguyên nhân sinh ra sự khổ. Ba nguyên nhân chính ấy là Tham, Sân, Si. Mỗi con người, chúng sinh ai cũng cần ăn để sống; do đó bản năng sinh tồn khiến mọi chúng sinh bước vào một trường tranh đấu, chém giết lẫn nhau. Trước tiên để no đủ, sau đó tiến xa hơn là ngon. Và để thỏa mãn cho thân xác, danh vọng, ước muốn càng ngày càng cao (tham) thì phải tìm đủ mọi cách để tranh giành cho bằng được. Nếu không được sinh ra "sân hận", rồi thiếu sáng suốt (si mê) mà gây ra tội lỗi, tạo nên nghiệp (nhân). Vì thế Đức Phật gọi ba nguyên nhân này là "Ba món độc". Ngoài ra, còn thêm vài yếu tố khác như Mạn (kiêu mạn, khinh thường người khác làm cho người ta khổ), Nghi (nghi ngờ), Thân kiến (chấp vào cái Ta và coi thường, coi rẻ người khác), Biên kiến (chấp một bên), Kiến thủ (Bảo thủ sự sai lầm của mình), Giới cấm thủ (giữ những giới cấm không hợp lý, cuồng tín), và tà kiến (chấp theo lối tà, mê tín dị đoan) cũng là nguyên nhân của những cái khổ.
c/ Diệt Đế: Diệt Đế là chân lý nói về sự chấm dứt toàn vẹn các sự khổ đau và đạt đến cứu cánh của người tu hành, là đạt đến Niết bàn sau khi từ bỏ tất cả những luyến ái.
d/ Đạo Đế: Đạo Đế là chân lý chắc thật, đúng đắn để diệt trừ đau khổ và tu hành để đạt đến Niết Bàn.
Đạo đế gồm có 37 phẩm trợ đạo chia làm 7 loại: Tứ Niệm xứ, Tứ Chánh Cần, Tứ Như Ý Túc, Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Bồ Đề Phần và Bát Chánh Đạo.
Với Tứ Diệu Đế Đức Phật đã chứng minh cho con người, chúng sinh thấy rõ những cái khổ đến với mình; tại sao những cái khổ đó có; muốn thoát khổ thì tìm đến đạo ra sao; và khi thực hiện con đường đạo thì sẽ đạt đến đâu, cùng trạng thái ấy thế nào. Những điều đó là điều tất nhiên: Hiểu, biết, làm và giải thoát là những điều chắc chắn không sai trái cho nên chúng là những chân lý chắc thật nên được gọi là Tứ Diệu Đế hay là Tứ Thánh Đế.
5/ Sinh Tử Luân Hồi: Trong quá trình sinh sống của con người, nghe nói về sinh tử luân hồi như là nghe một chuyện gì xa xôi, không thực tế; một chuyện khó tin, và do trí tưởng tượng mà thôi. Chính điều ấy mà nhiều người mơ hồ về tôn giáo, Đạo Phật. Nhất là thuở xưa vì phương tiện giao thông, thông tin không được phổ biến như ngày nay, cho nên những hiện tượng mang hình ảnh tái sinh, luân hồi chỉ xuất hiện và khép kín ở vài nơi nào đó trên thế giới. Nhưng khoảng vài chục năm trở lại đây trên báo chí, cũng như nhiều phương tiện thông tin đã thường xuất hiện nhiều bản tin những người nhớ về quá khứ xa xôi ở nơi nào đó, mà từ nhỏ đến lớn, họ chưa đến đó bao giờ. Và, khi người ta đến nơi đó kiểm chứng thì quả có những người như vậy ở thời điểm khá xa. Vậy thì thế nào? Đó có phải là "đầu thai hay tái sinh" không? Dù muốn dù không cũng phải công nhận đó là hiện tượng của "tái sinh". Như vậy, một số điều Đức Phật đã giảng giải được xác định một cách "thâm trầm", thâm trầm đi sâu vào cuộc sống và chân lý.
6/ Ảnh Hưỏng Nhân Quả: Nói đến nhân quả người ta nghĩ ngay đến trồng chanh được chanh, trồng dưa được dưa. Gieo nhân nào ắt sẽ thu hoạch được quả ấy. Tuy nhiên, trong cuộc sống có nhiều người ở ác nhưng họ lại được phước hay ngược lại. Nhưng với thuyết nhà Phật những điều đó không có gì gọi là khó giải thích. Nhân quả ấy được kết tập trong nhiều đời. Những gì họ hưởng hay nhận trong cuộc sống hôm nay là do các điều họ gieo từ trong quá khứ. Nếu trong lịch sử, những sự việc này là kết quả của sự việc xảy ra trước đó, và nó lại là nguyên nhân của những chuyện xảy ra sau; thì trong các kiếp con người cũng vậy: Những gì ta nhận trong kiếp này chính là do nguyên nhân sâu xa của những kiếp trước, và những gì ta làm trong kiếp này là nhân của những kiếp sau. Tùy theo nhân mà ta lãnh quả. Quả của mỗi con người cũng phải khác nhau. Thế cho nên không ai giống ai, dù cùng một cha một mẹ sinh ra, sống cùng trong một gia đình, một hoàn cảnh.
7/ Siêu Hình: Trong cuộc sống có nhiều vấn đề, hay những mẫu chuyện siêu hình muốn được giải thích thỏa đáng thì lại cần đến giáo lý đạo Phật. Đạo Phật "thâm trầm", nhẹ nhàng đi vào cuộc sống của con người, chúng sinh; hay đúng hơn là nó đi sâu và rất thâm thúy vào xã hội của loài người, nếu không muốn nói là của tất cả chúng sinh trong tam giới. Ở trên, chúng ta có dịp nói về "nhân quả" thì ở đây chúng ta cũng có thể đề cập đến "duyên khởi": Cái này có thì cái kia có, cái kia có thì cái nọ có; cái này không có thì cái kia không có, cái kia không có thì cái nọ không có. Đó là một chuỗi duyên hợp và duyên sinh. Chúng ta đã tạo ra cái nhân này thì tất sẽ có cái quả, cái quả đó sẽ là cái nhân cho một cái quả tiếp theo. Cứ thế mà tiếp nối không biết đến bao giờ chấm dứt. Do vậy mà trong Đạo Phật có câu: "Chỉ sợ nhân chứ không sợ quả", cho nên chúng sinh muốn không gặt quả thì đừng gây nhân. Đó cũng là một chân lý để sống ở đời!
Trong hóa học nếu ở vào một điều kiện cần và đủ nào đó, thì chất này sẽ kết hợp với chất kia để sinh ra phản ứng và tạo nên những chất khác, và chất khác có thể sẽ kết hợp với chất khác để thành hình những chất mới nữa. Điều này cũng chứng minh bằng thực tế khoa học để chúng ta có thể hiểu được duyên khởi, duyên sinh và "trùng trùng duyên khởi".
Còn một điều mà chúng ta có duyên sẽ gặp, đó là hiện tượng "gặp ma"; hay người nào đó nhập vào các "cô, cậu" "ông này, bà kia" để trở thành những vị thầy, cô hay đồng bóng. Chúng ta không loại trừ điều ấy, dù gì trong xã hội cũng đã có nhiều "mê tín dị đoan". Nhưng đôi lúc chúng ta không thể không tin, hay không tin không được. Điều ấy cũng khó có thể giải thích nếu chúng ta không đứng trên giáo lý nhà Phật. Thực tế ấy đã xảy ra đầy dẫy trong xã hội loài người từ Tây sang Đông, và bất cứ trong những quốc gia thuộc tôn giáo nào. Tại sao?
Theo như giáo lý nhà Phật, chúng sinh trong cõi luân hồi có 6 loại: Thiên (trời), Nhân (người), A-Tu-La (thần), Súc sinh (Loài vật), Ngạ quỷ (Quỷ đói), và Địa ngục. Trong những loại này thì ta thấy có hai loại có thân xác là người, súc sinh; và các loại kia thì không có thân xác là chúng sinh thuộc cõi Trời, Thần, Ngạ quỷ và Địa Ngục. Trên thực tế qua những hiện tượng nhập xác cô cậu, đồng bóng thì có các tiên, thần; cho nên những người này thường hay giúp đời. Tuy nhiên, cũng có một số có những việc làm không tốt thì có lẽ do những vị thần phá phách "nhập vào" để hành xử. Nhưng ngoài ra, cũng có những linh hồn vất vưởng mượn xác người khác để thực hiện những ước muốn của họ, có khi là thiện mà cũng có khi là ác. Vậy thì giải thích thế nào? Sau khi thành đạo Đức Phật qua Phật nhãn đã thấy được 6 loài trong vòng luân hồi sinh tử như trên. Nhưng riêng đối với con người, ngoài những nghiệp còn lại trong các kiếp trước cùng với những nghiệp trong kiếp hiện tại để quyết định nơi nào họ sẽ tái sinh về sau. Có một nghiệp khác cũng rất quan trọng đó là "Cận tử nghiệp", tức là cái nghiệp ở vào lúc lâm chung: Những ý nguyện, ước muốn quyết liệt, những tức tưởi, thù hằn, ơn nghĩa sâu dày...vẫn có quyết định nơi đi của họ. Nếu họ yêu mến thân xác, cuộc sống trong kiếp hiện tại mà bây giờ thân xác ấy không còn nữa, thì họ vẫn chưa muốn đi "đầu thai", khiến họ vất vưởng, lang thang; để rồi đôi lúc họ cần đến người khác để làm một vài công việc gì đó. Hoặc có khi họ xuất hiện khiến người ta thấy được hình bóng, ấy là ma. Để hiểu được như vậy, con người cũng cần đến suy tư về giáo lý "thâm trầm" trong nhân gian của Đạo Phật.
8/ Văn Hoá: Trên bước đường thực tế phát triển của Đạo Phật, tư tưởng Đạo Phật không gây ồn ào, đối chọi, hay tạo nên một biến cố nào cả ở những nơi nó đã đến. Nó đến như là một sứ giả hòa bình; một con người hiền lành, chân thật, khiêm tốn cũng giống như một nhà sư đến trước cửa nhà khất thực. Ai thích thì cho, ai không thích thì không chấp nhận, thế thôi! Đạo Phật không dùng gươm hay dùng thủ đoạn để tranh giành, o ép để người khác phải đến với đạo. Đạo Phật cứ "thâm trầm" bình lặng, ai muốn tìm con đường giải thoát chân chính thì cứ đến; đến rồi thì cứ tự nỗ lực mà làm. Làm vì ích lợi của chính người làm chứ không làm cho Đức Phật hay Đạo Phật. Bởi vì Giáo lý Đạo Phật là giáo lý thực tiễn cho người cần giải thoát, chứ không phải để tôn xưng cho một ai. Chính vì thế mà giáo lý Đạo Phật đi đến đâu cũng dễ dàng được chấp nhận vì nó đi sâu và đi sát vào thực tế đời sống con người. Mặc dù lúc đầu, thoáng đọc qua Kinh điển, người ta dễ ngộ nhận giáo lý đạo Phật vì nó có vẻ đâu đâu, không thực tế. Nhưng khi nghiên cứu thì người nghiên cứu mới thấy sự sâu xa chưa từng thấy ở bất cứ một loại Kinh điển hay triết lý nào khác. Điều ấy chúng ta có thể thấy rõ ràng những nơi Đạo Phật đã đến. Nó hòa mình cùng với những dòng văn hóa nơi sở tại; nó đóng góp thêm sự phong phú cho những nền văn hóa ấy. Đồng thời nó giúp cho những con người nơi đó được thêm thuần thiện, và có nhiều giây phút thoải mái hơn trong cuộc đời nhiều ô trược trên cõi thế gian này.
9/ Sự Truyền Đạo: Đạo Phật được phát sinh từ một tư tưởng "Thiện", mong tìm được con đường giải thoát cho loài người, chúng sinh; mà vị giáo chủ chỉ khiêm tốn xưng là "Đạo sư". Cho nên sự truyền bá Đạo cũng trong tình trạng rất ư là hòa bình, và "thâm trầm". Một đoàn người thầy trò yên lặng đi chân trần từ nơi này đến nơi khác. Ai bố thí lương thực thì ăn, ai thích nghe pháp thì được nghe pháp; ai muốn phỉ báng, khích bác thì cứ làm. Không mang thù hằn, ghét bỏ. Đoàn người đi chỉ lấy Pháp để cảm hóa chúng sinh để cảm hóa con người, chỉ nhằm đem họ trở về với chính bản tâm của họ; để từ đó họ xa rời nghiệp chướng, nhân dữ hầu có thể thoát khỏi luân hồi khổ đau. Chính vì vậy, giáo lý Đạo Phật thường được đón nhận bởi chính những người từ nơi nó sẽ đến, mang về. Mặc dù nó cũng có những bước thăng trầm; nhưng dù sao nó vẫn là chân ýš của con người. Một khi con người trong giây phút nào đó, ngồi yên lặng chiêm nghiệm sao cuộc đời lắm khổ thì lúc đó họ cũng đã quay trở về với đạo Phật rồi, dù người đó đang theo một thứ đạo nào. Vì Đạo Phật thực chất là Đạo của chính Tâm thức con người và tất cả mọi loài chúng sinh. Đức Phật Thích-Ca đã đi tìm cái riêng cho mình, nhưng khi tìm được thì đó lại là cái chung cho tất cả mọi loài trong vũ trụ bao la. Và Ngài nhìn ra mười phương thấy vô số Đức Phật trong quá khứ, hiện tại và sẽ còn có trong tương lai. Mà chúng sinh đau khổ cũng trùng trùng điệp điệp: "Nước các đại dương góp lại vẫn chưa bằng nước mắt của chúng sinh".
10/ Tư Tưởng Thiện: Nếu nói đến cái Thiện, thì chắc không tư tưởng nào có thể so sánh với giáo lý đạo Phật. Tư tưởng Khổng giáo nói về cái "hiếu" đối với cha mẹ, nhưng trong giáo lý nhà Phật thì nó lại thâm sâu hơn nhiều: Vì cái hiếu trong Đạo Phật, ngoài những đặc điểm nhớ công ơn sinh thành, phụng dưỡng, đối đãi... cha mẹ lúc sống như Khổng giáo; nhưng người con trong đạo Phật còn đi sâu vào vấn đề tâm linh, hồi hướng cho cha mẹ nữa. Từ cái hiếu đối với cha mẹ, rồi nhân rộng ra tới chúng sinh. Chúng sinh trong nhiều đời nhiều kiếp đã là cha mẹ, con cái lẫn nhau rồi. Cho nên không sát sanh cũng lại là điều hiếu thảo.
Để mong mình giải thoát, đầu tiên người theo Đạo Phật được khuyên "đừng sát sanh". Không sát sanh thì mình không gây ân oán, thù hận để dứt đi cái nhân "oan oan tương báo". Nếu như bây giờ mình giết một con gà, thì trong một kiếp mai sau nào đó, con gà nó sẽ giết lại mình để công bằng nghiệp quả. Đó là luật nhân quả "Ngày nay ta vay, thì sau này phải trả". Đức Phật đặt ra "mùa an cư kiết hạ" để những người tu tập có thời gian học đạo nhiều hơn; nhưng cũng trong mùa mưa đó côn trùng sinh sôi nẫy nở, giới hạn sự đi lại cũng chính là để bảo vệ mạng sống của côn trùng, đồng thời chúng tăng không phải vô tình sát sanh hại mạng quá nhiều. Những giới cấm tiếp theo như "không trộm cướp, tà dâm, uống rượu, nói dối" cũng nhằm tránh đi những sai lầm gây ân oán của mình, cũng không gây khổ cho người, để con người của chính mình trở nên hoàn thiện, không còn gây nhân xấu nào nữa để mình trở thành bậc Giác Ngộ. Tuy nhiên, trên con đường tu tập nó đòi hỏi ta quên mình. Không còn thấy ta với người, với chúng sinh, mà chỉ thấy tất cả là một, và không giới hạn trong khoảng thời gian nào nữa cả, thì lúc đó tất cả đều ở trong một cõi vĩnh cữu, cõi ấy là cõi "Bất Nhị" hoặc "Không hai"; và đó mới đúng là cái cõi "Chân Như", là Niết Bàn, là Đại Viên Cảnh Trí, là Như Lai Tạng, là cứu cánh của con đường giác ngộ với bốn Đức: Thường, Lạc, Ngã, Tịnh vậy.
Nguyên-Thảo,
16-05-07.
Tài liệu tham khảo:
-Đức Phật và Phật Pháp, Narada Thera, Phạm kim Khánh dịch
Nhà xuất bản Thuận Hóa, Thành Hội Phật Giáo TP.HCM, 1994.
-Tài liệu "Tổng Quan về Giáo Lý Đạo Phật, Nguyên Thảo ghi soạn, 2005.
Friday, December 17, 2010
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment